Lê Thị Huệ
VĂN HOÁ TRÌ TRỆ
NHÌN TỪ HÀ NỘI ĐẦU THẾ KỶ 211 - Vấn Đề Thuộc Về Văn Hóa.
Văn: đẹp, hóa: làm thành, biến hóa ra thành một cái gì đó. Văn hóa có nghĩa là làm cho trở nên đẹp hơn, tốt hơn. ở một nghĩa rộng, văn hóa được xem là lối sống đáng mong ước của một cộng đồng, một dân tộc, nhằm làm cho đời sống của xã hội đó một ngày một tốt đẹp hơn.
Sách Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của học giả Đào Duy Anh có hai định nghĩa về văn hóa. Định nghĩa thứ nhất của tác giả Felix Sartiaux: "văn hóa, về phương diện động, là cuộc phát triển tiến bộ mà không ngừng của những tác dụng xã hội về kỹ thuật, kinh tế, tư tưởng, nghệ thuật, xã hội tổ chức, những tác dụng ấy tuy liên lạc mà vẫn riêng nhau. Về phương diện tĩnh thì văn hóa là trạng thái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhất định, và tất cả các tính chất ấy mà những tác dụng ấy bày ra ở các xã hội loài người." Định nghĩa thứ hai theo Đào Duy Anh thì "Văn hóa tức là sinh hoạt". (1)
Văn hóa thường hàm nghĩa là tôn giáo, là những tác phẩm chứa đựng tư tưởng và nghệ thuật, là những động thái của con người, và là những định chế của xã hội đó.
Văn hóa là những điều mà con người học hỏi và truyền bá cho nhau sau khi chào đời. Văn hóa không phải là một dấu ấn bẩm sinh. Một đứa bé mới chào đời đòi bú sữa mẹ là chuyện bẩm sinh. Nhưng một người lớn đã trưởng thành thích mút sữa chua hơn uống sữa đậu nành thì đó là thuộc về văn hóa ăn của cá nhân ấy.
Vì bản chất văn hóa là học tập và truyền bá. Nên văn hóa có thể thay đổi.
Có nền văn hóa này được nhiều người học theo hơn là nền văn hóa kia. Sự học theo này có thể là một tình trạng tự nguyện. Như ở cuối thế kỷ hai mươi có nhiều người Á Châu học cách mặc quần áo vét, sửa sóng mũi gồ, sửa mắt hai mí theo tiêu chuẩn của Âu Mỹ.
Có khi văn hóa lại bị ép buộc nhồi nhét học hỏi và thực hành. Dưới thời các đế quốc xâm chiếm thuộc địa trong những thế kỷ trước đây, các chính sách truyền bá văn hóa của những kẻ xâm lăng là bắt dân bị trị xóa bỏ các nền văn hóa của người bản xứ. Rồi dạy và ép các quốc gia bị trị này phải áp dụng nền văn hóa của họ mang đến. Trường hợp này đã xảy đến cho Việt Nam dưới thời bị Tàu và Pháp sang Việt Nam cai trị. Người Tàu và người Pháp đã bắt người Việt Nam học tiếng Tàu, tiếng Pháp. Họ đã truyền bá các tư tưởng Khổng, Lão, và đạo Thiên Chúa vào Việt Nam
Nỗ lực thông thường của con người là muốn biến cuộc đời thành một nơi chốn tốt đẹp hơn để sống. Con người luôn luôn khích lệ nhau hãy bắt chước những cái hay và loại bỏ những cái dở. Sự học tập văn hóa có lẽ cũng nằm trong chiều hướng muốn vươn tới nguyên lý hoàn hảo tốt đẹp này. "Văn hóa được mô tả một cách thích hợp nhất là sự yêu thích sự tuyệt hảo; nó là một sự nghiên cứu về sự tuyệt hảo". (2)Các nhà xã hội học Âu Mỹ thường chia văn hóa ra làm hai nấc: văn hóa qúy phái và văn hóa bình dân(3). Văn hóa quý phái thường là những sinh hoạt văn hóa được tiêu thụ bởi giai cấp quý phái, trí thức, và có quyền lực trong xã hội. Ở Mỹ, thú chơi đánh gôn được xem là một nét văn hóa của thành phần qúy phái. Văn hóa bình dân là loại văn hóa được đa số dân chúng ủng hộ. Nhạc "sến" tại Việt Nam được xem là một nét văn hóa bình dân.
Khi đã nói về văn hóa thì những dấu ấn gốc rễ, thời gian, thói quen, sự tương đối, sự phổ thông của nó, và niềm tự hào hay tự ty về nền văn hóa mình, thường bao phủ lên đấy như một lớp tín điều. Văn hóa bốc tay ăn xảy ra trong cao ốc của một nền văn hóa mạnh sẽ được tôn trọng và được những kẻ đứng chung quanh chiêm ngưỡng và rồi sẽ ồ à lên trong một bữa tiệc họ được mời tham dự. Nhưng cũng thói quen ăn bốc ấy, được biểu diễn bởi một nhóm người bộ lạc thiểu số, thì có kẻ sẽ kết luận đó là một loại văn hóa ăn thiếu vệ sinh. Điều này phản ánh sức mạnh của văn hóa thường đi kèm với những quyền lực khác như kinh tế, chính trị của nhóm người biểu thị văn hóa họ.
Văn hóa này có yếu điểm làm trì trệ kinh tế, văn khóa khác với yếu điểm dễ gây bạo động xã hội. Văn hóa này ưu điểm của chủ nghĩa cá nhân, văn hóa kia mạnh mẽ với triết lý phục vụ cộng đồng.
Giá trị của văn hóa có một độ cách biệt khá xa nhau. Từ điểm vô nghĩa cho đến điểm cực kỳ quan trọng của nó. Có những văn hóa được đông đảo người theo ở thời điểm này nhưng lại không còn ai hưởng ứng ở thời điểm khác. Tục lệ ăn trầu của người Việt Nam ngày xưa được mọi người Việt Nam dùng theo, nay gần như hoàn toàn biến mất. Có những nét văn hóa lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp cho một quốc gia tiến bộ hẳn lên. Văn hóa tạp chủng ở Hoa Kỳ đã giúp quy chế di dân của họ cởi mở hơn với người khác giống. Kết qủa là Hoa Kỳ thu hút được một lượng trí thức chất xám khắp thế giới đổ về. Lực lượng di dân đa giống này giúp Hoa Kỳ phát triển khoa học, kinh tế, vượt trội hẳn hơn hết mọi quốc gia trên thế giới hiện nay.
Nhân loại cũng càng lúc càng tranh đấu để loại bỏ những thể chế chính trị độc tài, áp bức, bóc lột, và thiếu nhân quyền và dân chủ. Như vậy, nhân loại cũng sẽ càng lúc càng không ưa những hình thức áp đặt văn hóa kiểu thời thuộc thế kỷ 19 và 20
Cửa mở ra lối ngỏ trong tương lai là con người là sẽ tự nguyện tìm hiểu và học tập về văn hóa nhau. Chứ không còn chuyện ép súng kề ná bắt phải học văn hóa của chủ thuộc địa, chủ đồn điền, chủ kho bạc, của ai cả
Cho đến nay, yếu tố được dùng làm thước đo để nhân loại ngưỡng vọng những nền văn hóa mạnh thường vẫn là yếu tố kinh tế và chính trị. Nước Mỹ với văn hóa Fast Food, Mickey Mouse, Hollywood, English, đang chế ngự những thành phố những quốc gia từ Âu sang Á. Sở dĩ có hiện tượng này là vì nước Mỹ đang là một biểu tượng giàu mạnh về kinh tế nhất hiện nay. Mấy chục năm trước đây, giải Nobel văn chương hàng năm hầu như chỉ dành cho các ông da trắng. Với thỉnh thoảng cũng ưa xen kẽ vào vài ông da màu làm kiểng. Bỗng dưng các ông Nhật mạnh lên trở thành một cường quốc kinh tế kể từ thập niên 1960. Thế là các ông Nhật tự nhiên được cấp giải đi cấp giải lại trong những năm cuối thế kỷ 20.
Trong vấn đề nhân quyền, các chính trị gia của các nước bị tố cáo là chà đạp nhân quyền, thường viện dẫn sự khác biệt văn hóa như là một lý do để không áp dụng sự tôn trọng nhân quyền lên cho xứ sở họ.
Chính quyền cọng sản Việt Nam cùng với chính quyền Cọng Sản Trung Quốc hiện tại là những chính quyền lớn tiếng nhân danh sự khác biệt văn hóa để khỏi trao quyền tự do báo chí, tự do hội họp, tự do sinh hoạt chính trị cho người dân
Vài nét văn hóa chính của người Việt Nam.
Nền văn hóa Việt Nam thường được người Việt Nam truyền tụng rằng đã hiện diện rất lâu, hơn bốn nghìn năm nay. (4)
Những di tích của nền văn hóa thời đá cổ (palaeolitic) được phát hiện tại các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Bình, Việt Nam. (5) Điều này chứng tỏ văn hóa và con người Việt Nam đã hiện diện từ thời nhân loại bắt đầu biết chế tạo và xử dụng các vũ khí và dụng cụ bằng đá.
Nền văn hóa Việt Nam phục vụ cho con người làm ruộng và con người làm biển từ bấy lâu nay. Đó là một nền văn hóa chậm. Làm việc thì theo tiêu chuẩn phục vụ công việc cày cấy và mùa màng lưới cá. Làm từ từ. Chạy theo và hoàn tất mục tiêu theo thời tiết và theo những yếu tố ngoại tại hơn là thiết lập kế hoạch và thi hành công việc theo nhân sinh chủ quan.
Cái yếu tố "nhanh và chính xác", chủ chốt của văn hóa tin nghệ hiện nay, không có trong nền văn hóa nông ngư nghiệp cổ truyền của người Việt Nam. Bản tính chậm chạp của nền văn hóa "từ từ " ở chị nông dân và anh kẻ biển cũ đã thấm sâu vào văn hóa Việt Nam. Người Việt thường nói những câu như "để từ từ coi", "chậm mà chắc" "dục tốc bất đạt".
Đây là một nền văn hóa nông ngư-nghiệp, đong bằng vựa cá, đong bằng bồ lúa. Nên sự rộng rãi co giãn dễ được chấp nhận. Ví dụ trong cách dùng thời giờ, người Việt chấp nhận sự du di của giờ giấc, nay thường được gọi là "giờ dây thun". Trễ 30 phút cho một cuộc hẹn là chuyện mà người Việt Nam có thể chấp nhận được. Nét văn hóa "co giãn" này còn được triết gia Kim Định phát hiện ra trong tính chất "nói lái" của tiếng Việt. "Thứ nhất phải kể đến nét 'co giãn' làm cho nó (Việt Ngữ) biến hóa vô cùng mà hình thức đầu tiên là nói lái. Riêng tiếng nhị âm mới nói lái được, đa âm như Tây hay độc âm như Tàu đều không nói lái. Tây thì đã rõ: dù tiếng hai âm nhưng không là bản chất của tiếng, nên không thể nói lái, thí dụ maison mà lái ra thì son/mai thì hết nghĩa.; còn Việt mà nói "nhá cài" ai cũng hiểu liền là "cái nhà". (6)
Văn hóa Việt Nam nghiêng tình hơn nghiêng lý. "Duy tình , được đánh giá cao trong gốc rễ văn hóa của người Việt gốc Mỹ, nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm giác, tình cảm, cảm tính, và lòng tin." (7) Còn gọi là văn hóa "đối tình" hơn là "đối lý". Người Việt đối xử với nhau bằng tình cảm nhiều hơn bằng lý trí. "Hợp tình" là nguyên tắc mà người Việt Nam dùng để xử thế. Dĩ nhiên "hợp lý" cũng vẫn được nêu lên như một mẫu mực đối chiếu. Tuy nhiên khi một người Việt Nam gặp một hoàn cảnh phải chọn lựa giữa bên tình bên lý, thường họ nghiêng về một quyết định có tính cách tình cảm hơn. Vì nếu không chọn lựa theo cảm tính họ có thể sẽ bị người đời gọi cho cái tên là "đồ vô ơn bạc nghĩa". Không thấy câu nói phổ thông nào trong kho ca dao tục ngữ khuyến khích thờ phượng một người duy lý, mà chỉ thấy những câu nói bảo vệ triết lý sống vì tình. "Tình ngay lý gian" là một câu nói thông thường để xây thành trì củng cố niềm tin của triết lý sống cho có tình có nghĩa.
Vì trọng tình nên người Việt dễ chấp nhận và thông đồng với những điều vô lý. Người Việt gần gũi với tôn giáo hơn khoa học. Tôn giáo cần niềm tin và sự thông cảm. Trong khi khoa học cần hợp lý và chứng minh. Tôn giáo dân gian như Đạo Thờ Mẹ (Đạo Mẫu) vẫn duy trì sự sinh họat cho đến ngày nay dù bị bao nhiều chính quyền của chính người Việt Nam cố tiêu diệt vì cho đó là mê tín dị đoan, đồng bóng. Các tôn giáo đến Việt Nam đều được người dân Việt Nam đón chào nồng nhiệt và phát triễn mạnh mẽ phong phú. Phật giáo vào Việt Nam qua ngả đô hộ củaTàu. Công giáo là sản phẩm chế độ thực dân Pháp mang sang Việt Nam. Hồi giáo cũng còn có người theo. Hiện tại đang phong trào đạo Tin Lành theo đường truyền của Mỹ. Những "thần thánh" là Chúa Phật khi đầu tiên được truyền vào Việt Nam có thể bị các chính quyền gây chiến cấm cản đôi chút. Nhưng về phía quần chúng Việt Nam thì chưa bao giờ thấy họ phản bác "thần thánh" như họ từng trường kỳ phản kháng những "con người" là Tàu, Pháp, Nhật, Mỹ, v..v....
Trong văn hóa tình này, cao điểm của nó chính là sự hiện hữu của văn hóa tình mẹ của người Việt Nam.
Tình mẹ là một biểu tượng tình cảm hoàn hảo đến gần như tuyệt đối. "Mẹ già như chuối chín cây. Như xôi nếp một như đường mía lau". Mẹ Việt Nam là một biểu tượng ngọt ngào, êm ái, tràn trề hy sinh, và phục vụ chồng con đến độ quên cả đời sống của chính mình. Hình ảnh con cò đi kiếm mồi nuôi con là hình ảnh mẹ Việt Nam bất hủ trong tâm hồn mỗi người Việt.
Con cò mà đi ăn đêm.
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao.
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong.
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Việt Nam có đạo thờ Mẹ, thờ Mụ, hay còn được gọi là Đạo Mẫu. (8) Tôn giáo này thờ những bà Mẹ của mặt đất. Những bà Mẹ Nước, Mẹ Đất, Mẹ Lúa là những biểu tượng đầy lòng thương người, sẵn sàng ban phát cho mặt đất thứ tình thương mà các bà mẹ thường ban phát cho các con.Cùng với thế lực của Hai Bà Trưng, Đạo Mẹ là một đạo mang mầu sắc Việt Nam cổ. Là sinh hoạt tôn giáo phản ảnh vai trò người đàn bà Việt Nam có một vị thế khá chế ngự trong văn hóa và xã hội Việt Nam cổ. Hội Phủ Giầy là một trong những sinh họat thể hiện đạo thờ Mẹ của người Việt cổ. Câu tục ngữ như "Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ" ghi lại nguồn gốc Giỗ Mẹ là ngày hội Phủ Giầy mở vào mười ngày đầu tháng ba tại xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định. (9)
Với truyền thống chuộng tình hơn lý này mà một quan niệm rất tâm linh đã hình thành trong văn hóa Việt Nam. Đó là quan niệm phúc đức.
Lòng thương cha mẹ, tình gia đình đã tạo nên nét văn hoá phúc đức của người Việt Nam. Phúc là gia tài hồng ân may mắn của thế hệ người đã chết (ông bà) để lại cho người đang sống (con) và sắp sống (cháu). Đức là hồi môn hồng ân may mắn của thế hệ đang sống (cha mẹ) để lại cho những thế hệ sắp ra đời (con cháu). Đức là do người đang sống tích tụ tạo lập ra.
Quan niệm này thúc dục người đang sống làm những việc tốt. Tạo dựng của hồi môn may mắn để dành cho con cháu sẽ chào đời mai hậu. Cái nguyên lý sống bằng và sống bởi phúc đức này là một thứ triết lý lõi cốt ăn vào đời sống tinh thần của người Việt Nam. Người Việt Nam dù theo tôn giáo nào đi nữa, cũng dùng khái niệm phúc đức như một hệ thống giá trị khuyến thiện cho con người noi theo.
Theo triết gia Kim Định, một học giả Việt Nam trước được đào tạo trở thành linh mục Thiên Chúa Giáo Tây Phương, sau nghiên cứu nhiều về văn hóa Việt Nam, đã kết luận văn hóa Việt Nam lấy con người làm gốc. Gọi là văn hóa Nhân Chủ.
" Vòng con giáp của Việt Nho còn là một chứng tích hùng hồn về "Nhân Chủ Tính". Thay vì bị mất hút trong đám sự vật, thú vật thì ở đây con người ngự ở giữa như một "Ông Vua" để thuần thục hết mọi loài vật.... Chính vì con người "ngự giữa hai vòng" như vậy nên đã không vong thân mà còn gây được ảnh hưởng quyết liệt vào các con thú bên ngoài, nói lên rõ giá trị của con người linh thiêng hơn vạn vật (nhân linh ư vạn vật). Đấy chính là tinh thần của dân tộc "trọng nghĩa khinh tài" khác xa một trời một vực với duy vật sử quan y cứ trên vật bản (Chosisme) đánh giá người theo mức độ cao thấp của sản xuất vật thể: sản xuất nhiều là người cao." (10)
Văn hóa làng hay văn hóa tập thể chủ nghĩa, khác với văn hóa cá nhân chủ nghĩa, là một nét văn hóa bao trùm lên con người Việt Nam. Con người cá nhân nằm khuất lấp dưới con người của tập thể . Thi thoảng tôi chú ý thấy có những người Việt Nam vẫn xử dụng từ "chúng tôi" thay cho từ "tôi". Lúc đầu tôi thăc măc tại sao chỉ mỗi mình cá nhân ấy nói. Câu chuyện chỉ liên quan đến cá nhân ấy chứ không có tập thể nào đứng chung quanh hay đứng đằng sau cả. Nhưng sao họ lại xử dụng từ "chúng tôi" một cách rất tự nhiên Nghĩ mãi tôi mới nhìn ra rằng chính cái "tâm thức tập thể" của văn hóa làng đã tạo nên cụm từ "chúng tôi" cho người Việt Nam biểu lộ đúng cái văn hóa áp đảo này.
"Nhìn chung trong đời sống tư tưởng của người Việt, do nhiều nguyên nhân xã hội và lịch sử, "tâm thức duy cộng đồng" luôn luôn chiếm ưu thế đối với "tâm thức duy cá nhân". Đúng là ở các nước Đông-Nam á, con người cá nhân đã hình thành ít ra như một tiềm năng chực bùng nổ khi có điều kiện, nhưng cũng đúng là con người cá nhân ở đây nói chung phụ thuộc vào cộng đồng, bị cộng đồng chi phối gần như từ đầu đến cuối, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi." (11)
Tâm thức tập thể ám choán tâm thức cá nhân. Vì vậy người Việt rất quan tâm đến tiếng tăm do hàng xóm láng giềng sẽ nghĩ như thế nào về mình. Danh dự gia đình hoặc danh dự cá nhân là động cơ mạnh lèo lái những hoạt động thường ngày. Con người tập thể đè nặng trên vai khiến người Việt Nam thường có tình đồng hương rất cao. Ít tự quyết một mình mà thường tìm kiếm quyết định chung từ gia đình, từ họ hàng.
Là một xứ sở gần biển, đất đai không khô cằn sa mạc hoặc đông gía tuyết lạnh, nhưng Việt Nam chưa bao giờ khai thác các nguồn lợi thiên nhiên này đến tầm cỡ thịnh vượng phì nhiêu tối đa của chúng. Điều này chứng tỏ những con người thuộc về xứ sở Việt Nam này không chú chuộng những giá trị vật chất.
"Một kho vàng không bằng một nang chữ". Câu tục ngữ này nói lên sự xem thường giá trị vật chất và qúy trọng giá trị tinh thần của người Việt.
Đây là một nền văn hóa giàu về những sinh hoạt trừu tượng cho tâm hồn.
Về tôn giáo họ có một gia tài thần linh đa phương. Họ dễ dàng tìm thấy ở Bà Chúa Liễu Hạnh, các ông bà thần làng địa phương , cho đến Ông Chúa Jesus hay ông Phật Thích Ca du nhập từ xa, thảy đều là những điểm nương tựa tinh thần đẹp và cao quý.
Về nghệ thuật họ phát huy những nghệ thuật phục vụ cho tâm hồn hơn là những nghệ thuật phục vụ cho thân xác. Câu tục ngữ bất hủ "Cái nết đánh chết cái đẹp" đã biểu lộ thái độ chọn lựa văn hóa phục vụ tâm hồn hơn là văn hóa phục vụ thân xác. Nghệ thuật ngôn ngữ với thi ca và âm nhạc của người Việt Nam rất giàu tính chất giải trí. Chơi chữ được xem như là bộ môn nghệ thuật giàu mạnh nhất của văn hóa Việt Nam.
Vì chuộng tình hơn chuộng lý. Vì chuộng tâm hồn hơn chuộng vật thể. Nên nền văn hóa này phát triển mỹ mãn ở cánh cửa văn hóa phục vụ tâm hồn như tôn giáo, âm nhạc, và thi ca. Trong khi đó những cánh cửa phục vụ thân xác như múa, vẽ, điêu khắc, hội họa, thì gần như bị bỏ lơ không được phát triển.
Như một người nông dân hưởng thụ nghệ thuật và lạc thú ở đời, người Việt Nam chuộng nét đơn giản trong nghệ thuật. Họ tôn thờ triết lý đơn sơ giản dị đến độ gần giống như đó là mộr thái độ phản nghệ thuật
Văn hóa Việt Nam bị tôi luyện trong nhiều cuộc chiến chống ngoại nên có tính mưu mô khúc mắc lắt léo trong cách người Việt Nam đối xử với những giai cấp ngoài nhóm cá thể của họ .
Tại sao nghèo ?
Người Việt Nam thường hãnh diện là Việt Nam có những cuộc chiến ngon lành. Chuyên môn đánh thắng các cuộc chiến lớn. Giết người rất giỏi. Giết nhau với Tàu, giết nhau với Pháp, giết nhau với Mỹ...
Việt Nam nuốt và đồng hóa luôn một dân tộc Chăm.
Người Việt Nam nghĩ là mình học giỏi. Học giỏi là bẩm chất thông minh. Bẩm chất hơn người nhưng đến khi lớn lên dạy bảo nhau gìn giữ gia tài văn hóa kiểu gì mà đánh nhau (chiến tranh) thì rất giỏi. Học giỏi nhưng lại không sản xuất ra được những công trình khoa học nào để nâng cao đời sống dân họ, mà lại còn nghèo thì thuộc hạng nhất thế giới.
Trường hợp Ấn Độ cũng tương tự. Ấn Độ có tiếng là sản xuất ra rất nhiều nhà khoa học. Người Ấn Độ học rất giỏi. Tại Mỹ, con số bác sĩ, kỹ sư, giáo sư đại học gốc Ấn Độ rất đông. Nhưng không hiểu văn hóa Ấn Độ dạy làm sao mà dân trí thức xứ này cứ tìm đường xuất ngoại rồi ở luôn với ngoại quốc mà không về nước giúp dân nghèo của họ.
Nên Ấn Độ vẫn là nước nghèo và người dân chết vì đói, chết vì bệnh tật rất cao. Vào năm 2000, dân Ấn hãnh diện là đã có 8 nhà trí thức lãnh giải Nobel, từ văn chương cho đến khoa học. Vậy mà cũng theo tài liệu của World Bank năm 2000, con số trẻ em chết non là 80/1000. Một con số tử vong cao hơn cả Việt Nam, Phi Luật Tân, và Thái Lan. Tuổi thọ người dân Ấn là 60 tuổi. Chỉ cao hơn dân Cam Bốt. Còn lợi tức trung bình của người dân Ấn chỉ đạt được 440 mỹ kim. Thua lợi tức trung bình của người dân Phi Luật Tân và Thái Lan vào thời điểm này. (12)
Kể từ khi cuộc cách mạng in tơ net bùng nổ, Ấn Độ có những bước đầu theo sát với cuộc cách mạng này. Con số người dân Ấn Độ xử dụng in tơ net gia tăng một cách đáng kể. Tổ Hợp Dữ Kiện Quốc Tế tiên đóan số người này sẽ gia tăng từ 20% của năm 1999 sẽ lên đến 67% năm 2003. (13)
Tại Hoa Kỳ, tôi chứng kiến hiện tượng di dân Ấn Độ gia tăng tại vùng Silicon Valley Bắc Cali một cách khá đặc biệt. Nếu cách đây 20 năm trước, vào khoảng đầu thập niên 1980, lúc kỹ nghệ phần cứng chip điện bùng nổ tại vùng này đã mang nhiều người Việt và người Trung Quốc thiên di về vùng Bắc Cali. Thì hiện nay vào năm 2000, với kỹ nghệ phần mềm tin học bộc phát đã mang người Ấn Độ đến vùng này một cách dễ nể. Các hãng điện tử sản xuất phần mềm đã ồ ạt bay sang Hi-Dra-Baad, miền Nam Ấn Độ thâu nhận tới tấp các kỹ sư mới ra trường và cấp chiếu khán sang Mỹ ngay tức khắc. Vì vậy mới có hiện tượng đông đảo người Ấn Độ xuất hiện tại vùng Thung Lũng Điện Tử Cali trong một thời gian ngắn.
Nếu cơ hội in tơ net này sẽ tạo ra một thay đổi kinh tế lớn lao cho Ấn Độ thì đây đúng là một dấu vết lịch sử và văn hóa đáng nghiên cứu về dân tộc này.
Tôi không tin tưởng tuyệt đối vào việc chỉ dùng hai yếu tố kinh tế và chính trị để làm thước đo giá trị của một nền văn hóa. Dùng sự thành công về kinh tế để tưởng rằng hễ một sự thành công về kinh tế là bảo đảm một gía trị văn hóa qúy giá hay ho đi kèm theo, là một suy tưởng nông cạn. Những nền văn hóa Hy Lạp, La Mã, Ai Cập đã từng đạt được sự phú thịnh về vàng bạc châu báu và những kiến trúc lộng lẫy huy hoàng trong qúa khứ. Nhưng ngày nay những nền văn hóa này chỉ còn lại là những chiếc bóng lay lắt cạnh những nền văn hóa Chăm, Maya, Aztec... Dùng chính trị để đánh giá văn hóa lại càng sai lầm hơn. Bao nhiêu đế quốc chính trị như Mông Cổ, Inca, Babylon, Assyrian, ngày nay chỉ còn là những trang sử lẫy lừng thuộc về qúa khứ.
Tuy nhiên ở đây tôi muốn nói đến sự không thành công về kinh tế của một nền văn hóa như là một yếu tố đáng tra xét.
Nghèo, tự nó không phải là một tình trạng không thể chấp nhận được. Một tình trạng có đủ thức ăn và chốn ở, có đủ điều kiện học tập và làm việc, nhưng không dư dả, đã có thể bị những người giàu nào đó xem đó là nghèo.
Đối với người phong lưu, sự trù phú dư thừa mới được xem là không nghèo.
Nhưng nếu một trong những cứu cánh của nhân loại là đi tìm hạnh phúc. Thì một kẻ không thiếu thốn và một kẻ dư thừa đều có thể tìm thấy được hạnh phúc trong cái nghĩa tương đối của nó.
Tôi cũng sẽ không bàn luận đến sự phong phú tiền bạc như một phương tiện hữu hiệu để có thể nâng cao dân trí, đưa người dân có trình độ hiểu biết cao về thế giới chung quanh đến một nhu cầu đòi hỏi dân chủ từ phía chính quyền. Sự giàu có dư dả vật chất ở đây được xử dụng như là một thứ sức mạnh chính trị
Nhưng nghèo mà đi kèm theo những yếu kém tụt hậu và thiếu thốn về cả đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần, thì nó đáng là một vấn đề phải cứu xét.
Sự nghèo đói tại Việt Nam hiện nay là nguồn gốc của tất cả mọi sự chậm phát triễn. Trẻ em Việt Nam thiếu dinh dưỡng. Nhiều thiếu nhi vẫn phải đi bán hàng rong để kiếm sống. Sinh viên học sinh Việt Nam không đủ phương tiện học tập, không có những phòng thí nghiệm để phát huy khả năng. Người làm kinh doanh không có vốn để phát triển. Vào đầu thế kỷ 21 mà nhiều gia đình Việt Nam vẫn còn dùng rơm và than để nấu nướng. Đèn hiệu chỉ có mặt khá nhiều ở Sài Gòn, lác đác ở Hà Nội, và lèo tèo ở các thành phố lớn, còn thì khắp nước Việt Nam hiện vẫn chưa biết đèn hiệu đỏ xanh vàng là cái gì. Hệ thống đường sá Việt Nam qúa thua sút yếu kém đến độ hiện tại những hãng xưởng ngoại quốc muốn vào đầu tư tại đều ngán ngẩm chuyện vận tải hàng hóa. Đi khắp Hoa Kỳ nhìn những cánh đồng nông nghiệp bát ngát như sa mạc không bao giờ còn thấy một bóng người, tất cả đã có máy móc lao động thay thế. Trong khi đó tại Việt Nam trên những cánh đồng nông nghiệp nhỏ bé so với thế giới, sinh họat vẫn còn sơ khai như thời kỳ mới lập quốc! Người và trâu vẫn còn hì hục lao động cày bừa bằng tay chân.
Rõ ràng là muốn bảo tồn văn hóa cũng phải có tiền. Việt Nam có Huế, có Hội An, có Hạ Long, có Mỹ Sơn bao nhiêu nghìn năm nay sao không nói chuyện bảo tồn văn hóa. Mà phải chờ đến Unesco viện trợ tiền vào những năm 1990 để làm cái việc gọi là duy trì văn hóa Cố Đô Huế, văn hóa đô thị Cổ Hội An, văn hóa Mỹ Sơn Trà Kiệu ?
Và đây là câu hỏi thu nhỏ tôi đặt ra cho nền văn hóa Việt Nam
Một nền văn hóa sống sót cùng thời gian hàng nghìn năm. Một nền văn hóa mạnh về quân sự và chính trị. Một nền văn hóa có khả năng đồng hóa những nền văn hóa khác. Một nền hóa có số đông dân chúng đi theo bảo vệ và truyền bá. Một nền văn hóa của một giống dân được đánh giá là bẩm sinh thông minh. Nền văn hóa này lại nghèo mạt rệp từ bao thế hệ này sang thế hệ khác, từ nghìn năm này sang nghìn năm khác. Thì sự kiện này đáng là một câu hỏi.
Đấy là trường hợp của những dân tộc như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Hoa ....
Khi mà sự nghèo khó của một quốc gia trở thành một sự phi lý thì sự nghèo khó này trở thành một vấn đề đáng tra hỏi
Sự phi lý nằm ở chỗ là lợi tức quốc gia Việt Nam vào năm 1998 được ước lượng là 5.6 tỷ Mỹ Kim. (14)
Trong khi tài sản của một cá nhân người Hoa Kỳ tên là Bill Gate vào năm 1998 là 51 tỷ Mỹ Kim. (15)
Không lẽ trí tuệ của một tập thể gần 80 triệu dân Việt Nam lại không bằng trí tuệ của một cá nhân Bill Gate?
Chả lẽ gần 80 triệu cái đầu Việt Nam kinh doanh dở thua một cái đầu Bill Gate kinh doanh.
Tôi tin là có sự trục trặc ở những điểm khác chứ không phải trí tuệ tập thể không bằng trí tuệ của một cá nhân.
Sự trục trặc trước hết nằm ở hệ thống sinh họat văn hóa và sinh hoạt chính trị của tập thể đó.
Lấy ví dụ nền văn hóa Hoa Kỳ đặt trọng tâm vào hai điểm chủ yếu: 1) Khuyến khích sự sáng tạo và phát minh thường trực. 2) Tưởng thưởng cụ thể cho cá nhân dám mạo hiểm trong việc kinh doanh. Cả hai trọng điểm này đều khuyến khích cá nhân phát triển đến tột bực và làm giàu tột bực. Sinh họat dân chủ ở Hoa Kỳ cho cá nhân làm giàu tối đa. Quyền cá nhân ở Hoa Kỳ được tôn trọng và được bảo vệ. Nên cá nhân ông Bill Gate mới có thể lao vaò kiếm tiền nhiều và được giữ nhiều tiền như thế. Hệ thống chính trị của chế độ Cọng Sản Việt Nam hiện nay không cho phép một cá nhân làm giàu tối đa. Nền kinh doanh vĩ mô hiện nay được thu tóm dành cho các cơ quan quốc doanh. Các cá nhân chỉ được kinh doanh cấp nhỏ.
Nhưng không có cơ quan quốc doanh nào của nhà nước Cọng Sản Việt Nam kinh doanh giỏi và tạo ra những sản lượng lớn bằng một cá nhân giỏi kinh doanh ở Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, bà phóng viên tán gẫu truyền hình người da đen tên là Oprah Windfrey năm 1999 kiếm được 150 triệu Mỹ Kim. (16) Không một cơ quan quốc doanh naò của nước Việt Nam làm được điều này trong cùng một thời điểm. Nếu theo tiêu chuẩn kinh doanh của Hoa Kỳ thì hầu như gần hết các Công Ty Quốc Doanh của nhà nước Việt Nam đều đã bị tuyên bố phá sản từ lâu.
Sự phi lý của bức tranh vẽ ra trên đây, ngầm báo cho biết ngoài nền chính trị của quốc gia làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ, còn một nguồn ảnh hưởng nào khác nữa chắc chắn là có tác dụng rất lớn lao đến sự trì trệ nền kinh tế của gần 80 triệu người này.
Nguồn ảnh hưởng quan trọng ấy chính là nền văn hóa của họ.
Theo Ngân Hàng Thế Giới, tổ chức có mục tiêu là giúp đỡ các nước nghèo khắp thế giới phát triển; thì yếu tố văn hóa là yếu tố tối ư quan trọng, ảnh hưởng đến việc phát triễn kinh tế của một quốc gia.
"Để đạt được hiệu quả, các tiến trình phát triển để giảm bớt sự nghèo đói phải thông hiểu về văn hóa, hoặc quan tâm đến văn hoá, vì hai lý do:
(1) Văn hóa ảnh hưởng đến những điều gọi là có giá trị trong xã hội, đặc biệt là, văn hóa định hình cho các "cứu cánh" của sự phát triển được xem là rất có giá trị với người nghèo, và
(2) Văn hoá ảnh hưởng đến cách thức mà các cá nhân, các cộng đồng, các định chế chính thức hay không chính thức sẽ phản ứng như thế nào về những thay đổi phát sinh từ sự phát triển, do vậy sự hiểu biết về văn hóa là một phương tiện để làm giảm bớt sự nghèo khó một cách có hiệu qủa."(17)
Thế giới đang bước vào một giai đoạn mà kinh tế trở thành một thứ quyền lực hàng đầu. Danh từ toàn cầu hóa được dùng để nói đến quyền lực bành trướng của những đại công ty và những quốc gia giàu mạnh về kinh tế. Toàn cầu hóa có nghĩa là các đại công ty quốc tế sẽ phát triển đến mọi ngóc ngách trên thế giới. Toàn cầu hóa có nghĩa là những nước giàu và mạnh sẽ chiếm lãnh thị trường khắp nơi trên thế giới một cách thuận tiện hơn.
Thế giới bước sang giai đoạn xâm lăng văn hóa và chiếm lĩnh thị trường chứ không còn phải xâm lăng đất đai hay phổ biến ý thức hệ như trước.
Trong bối cảnh như thế, những quốc gia chậm phát triển lại cũng sẽ trở thành miếng mồi cho những đại bá chủ kinh tế.
Thế giới đang chuyển vào làm kinh tế bằng trí não được gọi là nền Kinh Tế Mới (New Economy). Tài sản trí tuệ hiện đang là sức mạnh của một quốc gia. Não lực là vốn liếng hàng đầu để cho con người có thể đầu tư phát triển kinh tế. Kỹ nghệ phần mềm, kỹ nghệ thông tin, kỹ nghệ sức khỏe, kỹ nghệ sinh vật học... là những kỹ nghệ đòi hỏi vốn đầu tư trí tuệ vào việc học hỏi.
Đặc điểm khác của nền Kinh Tế Mới là những phát triển sẽ rất nhanh. Một quốc gia biết phát triển đúng hướng có thể chỉ cần 10, 15 năm là thay đổi hẳn bộ mặt của xã hội đó, thay vì cần đến 2, 3 thế hệ hay cả nửa thế hệ như trong nền kinh tế cũ.
Đây là cơ hội để cho Việt Nam đu giây phóng một cái vọt theo đà kinh tế thế giới dễ dàng, nếu Việt Nam có những chính sách và có một chính quyền giỏi. Vốn trí tuệ là thứ vốn người Việt Nam có sẵn. Với truyền thống tôn qúy việc học, người Việt dễ phát huy kích cầu (kích thích nhu cầu) vốn này nhất. Những vùng đất cằn sỏi đá lâu nay không đất đai cày cấy như Miền Trung nay có thế đầu tư vào những kỹ nghệ chất xám. Như vậy sẽ tạo ra công ăn việc làm mà không còn lý do để cứ mãi tiếp tục ca câu hát than thân của nhạc sĩ Phạm Đình Chương: "Quê hương em nghèo lắm ai ơi. Mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn."
Theo nhà tương lai học Alvin Toffer, người Mỹ, thì nhân loại đã đi qua những đợt sóng cùng với văn minh nông nghiệp (agriculture), văn minh kỹ nghệ (industry), và hiện nay là đang giữa đợt sóng văn minh thông tin (information). (18) Có vẻ như Việt Nam đã bỏ lỡ những cơ hội phát triển cùng đợt văn minh kỹ nghệ của thế giới trong các thế kỷ 18, 19, 20 vừa qua.
Liệu Việt Nam có muốn xử dụng và phát triển tài nguyên trí tuệ của mình để đưa xứ sở này lên hàng cường quốc giàu mạnh của thế giới trong đợt sóng văn minh thông tin khởi đi từ cuối thế kỷ 20 này không. Điều này tùy thuộc vào sự chọn lựa một cuộc cách mạng từ văn hóa nông ngư nghiệp chuyển sang văn hóa tin nghiệp.
Nền văn hóa kẻ biển và làm ruộng đã sản sinh ra những truyền thống văn hóa của nó. Vì vậy muốn lao theo đà tiến bố của nền văn minh của thế giới, người Việt phải chọn lựa những thay đổi để một mặt vẫn duy trì được các truyền thống văn hóa mà họ yêu qúy, một mặt vẫn tạo ra được những bản lĩnh văn hóa có thể thích ứng được vào những đợt tiến hóa của nhân loại.
Người Việt cần phải có những quyết định rất cách mạng trong tư duy và trong đời sống thì mới vận chuyển được những thay đổi có tính cách mấu chốt này.
Đây là một thách thức lớn cho một dân tộc.
=========================
Chú Thích
1. Đào Duy Anh. Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, 1938. Sống Mới tái bản tại Arkansas. Hoa Kỳ. Không ghi năm tái bản. Trang VIII.
2. "Culture is properly described as the love of perfection; it is a study of perfection. Matthew Arnold, Culture and Anarchy, I, 1869.
3. http://www.wsu.edu:8001/vcwsu/commons/topics/culture/glossary/high-culture.html. April, 15,2000. (Chú thích của tác giả: người Việt không có từ "văn hóa qúy phái" hoặc "văn hóa bình dân". Nhưng lại có từ "văn chương bác học" và "văn chương bình dân")
4. Kim Định. Triết Lý An Vi, Văn Lang Vũ Bộ, Tuyên Ngôn của Hội An Việt. H.T. Kelton. California. Không ghi năm xuất bản.
5. G. Coedes. The making of Southeast Asia, University of California Press. Berkeley and Los Angeles. California. 1959. Trang 12.
6. Kim Định, Triết Lý An Vi, Văn Lang Vũ Bộ. H.T.Kelton, Hoa Kỳ. Không ghi năm xuất bản. Trang 22.
7. Trần Đình Trị. Vietnamese American, A Quarter Of The Century and Beyond. 8.2000. (Bản thảo sẽ xuất bản. Hiện đang được dùng giảng dạy lớp Văn Hóa Việt Mỹ, Vietnamese American Culture, tại Evergreen Valley College, California Hoa Kỳ.)
8. Ngô Đức Thịnh chủ biên, Đạo Mẫu Ở Việt Nam, nhà xuất bản văn hoá Thông Tin, Hà Nội 1996). Trang 16.9. Từ Điển Văn Hóa Cổ truyền Việt Nam. Nhiều tác giả. Hữu Ngọc chủ biên. Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội 1995. Trang 319.
10. Kim Định, Triết Lý An Vi, Văn Lang Vũ Bộ. H.T. Kelton. Hoa Kỳ. Không ghi năm xuất bản. Trang 60.
11. Đi Tìm Cách Tiếp Cận Bản Tính Tộc Người Việt Nam. Trích từ tham luận tại hội thảo khoa học Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ do TT nghiên cứu tâm lý dân tộc tổ chức tại TPHCM tháng 4-2000. Báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy. Số 508. 11.11.2000.. http: //www.hcmpt.vnn.vn/htmlsggpt7/. Không ghi tác giả. 28.11.2000.
12. http://www.worldbank.org/data/countrydata/littledata/209.pdf 28.01.2000
13. http://www.idcindia.com/Pressrel/16Mar2000.html
14. http://www.odci.gov/cia/publications/factbook/vm.html#econ6/22/2000
15.http://forbes.com/tool/toolbox/billnew/richmain98.asp?value2=8995 8/22/2000
16.http://www.forbes.com/finance/lists/setters/listHomeSetter.html?passListId=53 8/22/200017. "In order to be effective, development processes to reduce poverty must understand culture, or take culture into account, for two reasons:
(1) culture influences what is valued in a society; in particular, it shapes the 'ends' of development that are valuable to the poor; and
(2) culture influences how individuals, communities, informal and formal institutions respond to developmental changes, so knowledge of culture(s) is a means to effective poverty reduction".
http://www.worldbank.org/poverty/culture/overview/index.htm#aspects 4/15/200018. Erla Zwingle, A World Together, National Geographic, Journal of the National Geographic Society Washington, D.C. United State, August 1999. Trang 27.
© Lê Thị Huệ