Lê Thị Huệ

Thơ Ơi

Trong văn. Nhân vật tiểu thuyết quan trọng. Trong thơ. Mặt chữ là điều quan trọng.  Mặt chữ của mỗi chữ cưu mang một lịch sử của chính nó. Thi sĩ tài hoa trước hết phải là kẻ xử dụng chữ tài hoa. Mặt chữ tài hoa tỏa sáng triều đại của nó dưới ngón tay bút tháp của người thơ.

Thơ Việt Nam từ trước tới nay chú ý đến nhạc chữ. Cực điểm của nhạc chữ là vần. Vần thơ có cái tuyệt vời của vần thơ. Yêu lắm những vần thơ lục bát phủ bát ngát linh hồn từ lời ru hay giọng hò. Lục bát muôn năm!

Cái vần thơ đó coi bộ vậy chứ khó tính lắm. Bởi vì nó đã được đãi lọc qua giàn nhạc đại hòa tấu của dân tộc. Nó đã sống êm tai trong tâm hồn Việt tộc. Đâu phải cái gì cũ cũng phải đả đảo. Cái vần quê đó không bao giờ cổ. Chỉ tại chúng ta bất tài hay tại cái máu ưa cách mệnh. Nghệ thuật và cách mạng là đôi tình nhân ưa sang, thích "bắt quàng làm họ".

Hay là trí thơ.

Thơ không vần của Việt Nam là một khúc quành khá hấp dẫn. Vì có vẻ như nó muốn vọc mạnh vào vùng trí lý. Muốn trí thơ cũng tham gia thích thú như tình thơ bấy lâu nay được hưởng bổng lộc tiếng Việt giàu màu mè.

Ngày xưa lục bát nổi cộm cảm xúc. Độc quyền ve trọn đường tình. Trí ở trên đó kiếm chỗ nấp. Nấp sang hay nấp hèn. Trí trong thơ lục bát cô đọng lại ở tầng nào xa thẳm khiến trí tuệ thơ gục yếu trên những ngọn chữ hay cứng nghịt dưới những pháo đài vần.

Từ khi thiên hạ tung hô thơ không vần. Thơ Việt Nam có chỗ nhiều cho lý trí.

Móc lên. Ở đâu. Tham dự đi.

Chữ nhám. Nói thô. Thơ ngắc. Âm cứng. Nhạc khô. Không vần. Đặng cho trí tuệ Việt Nam bày vẽ ra nhu cầu của nó. Chặt khúc. Cắt câu. Để bắt chữ chiều theo suy nghĩ của mình. Ôi trí tuệ sướng quá. Bắt đầu có chỗ để vận hành.

Đó là những cái dốc ngược đẹp vậy. Mà trước đây thơ vần chỉ ưa trải lối bằng phẳng xanh xuôi trong ngôn ngữ Việt. Phong phú hơn là cái chắc. Vạm vỡ lên những trí tuệ bấy lâu nay bị tình là tình thơ dũa mất đất.

Bởi vậy thơ ấy khệnh cho độc giả Việt Nam một trận. Bắt cái đầu phải suy nghĩ lên. Lòng yêu mến thơ không vần khởi đi từ óc chứ không phải từ tim. Nhưng mà thơ ơi. Một kiệt tác thơ. Rốt ráo. Là hôn phối của ngôn ngữ và sống. Nhà thơ là kẻ may mắn bắt được nồng nàn của sự kết đôi này. Phải mê tiếng người. Phải yêu giọng nói. Phải tương tư ngôn ngữ. Mới nẩy bật ra được thơ. Làm thơ thích nhất là mỗi sáng tác cứ như sống tới ngây ngất ngơ ngẩn tình đầu. Mê đắm. Dồn dập. Cuốn hút. Sung sướng. Lúc đó sao còn nhớ vần hay không vần. Tình hay trí nữa. E tên đặt là phần phụ lục đằng sau.

Hiểu và yêu thơ nhiều. Nhớ mong.

Bắt Tay với Người Thơ

Một lần nữa tôi lại đi rập rượng với thơ qua một buổi họp mặt của tổ chức Ân Xá Quốc Tế. Một ngày đúng cuối năm. 30.12.1995.  Lần này tôi rủ được Vũ Quỳnh Hương đi theo. Vũ Quỳnh Hương, cái tên nàng tự chọn rất thơ. Đâu như tôi cũng tự đặt tên cho mình, Lê Thị Huệ, nghe rất tục.

Buổi thơ chiều vắng ở một ngôi nhà nhỏ. Rất đời thường xứ Mỹ. Nhà có hai chỗ đậu xe, bốn phòng ngủ, khu dân cư tạp chủng. Không như những lần khác ở biệt thự cô lập Palo Alto, ở giảng đường đại học Berkeley, hay ở rạp hát thành đô...San Francisco...

Có cái lạ là tổ chức này ưa đi tranh đấu cho những hạng người nổi tiếng. Nhưng tổ chức lại sính đọc thơ. Mà đọc thơ thì ở xứ nào và lúc nào cũng chỉ lèo tèo những người quởn.

Khi chúng tôi đến nơi, tôi thấy ngôi nhà như được thắp sáng bởi hào quang của những người nào đó. Chẳng hạn sự có mặt của người đàn bà có tên Ginetta Sagan. Một kiện tướng nhân quyền.

Ginetta nhỏ bé hạt tiêu Mỹ gốc mỳ ống Ý Đại Lợi . Nhưng tôi biết bà là người vạm vỡ trong mối quen biết để vận động những chiến dịch của tổ chức Ân Xá Quốc Tế. Tôi đã từng tận mắt nhìn và tận tay giúp bà từ lúc trứng nước vụ bà xông xáo nhất định mở màn hồ sơ HO của tù nhân chính trị Việt Nam. Lúc đó vào khoảng 1982, 1983... Hàng chục nghìn tù cải tạo Việt Nam còn bị kềm kẹp ở quê nhà họ. Lúc đó tôi đã thấy người đàn bà này chớp nhá hào quang đội đá vá trời. Bà làm cho ai thì tôi không biết được nhiều. Nhưng vì chứng kiến bà vất vả tranh đấu cho người đồng hương tôi. Nên tôi ngưỡng mộ.


okdavis.com

Khi nghe tin hàng chục nghìn gia đình tù cải tạo người Việt Nam được tự do. Với riêng tôi, đó là kết quả công sức của nữ anh hùng Ginetta Sagan nhiều nhất.

Cũng bởi hữu duyên gặp gỡ bà mà thỉnh thoảng tôi mới có cái màn đi nghe thơ Ân Xá Quốc Tế.

Tôi yêu được đắm chìm vào không khí ở những buổi đọc thơ đẹp đẽ này. Không gian phảng chút nồng của những ước vọng tốt. Khuôn mặt người tráng lên chút thiện hiếm hoi. Những bài thơ tung lên trời từ những thác lòng chung chứ không từ những phiếm lòng tư. Cái chung ấy lung linh ánh nến. Nó có nỗi hạnh phúc của gặp gỡ bất ngờ cùng tìm đến thơ để giải tỏa khát vọng.

Có khi tôi cũng vì thơ mà hơi bất thường.

Chẳng hạn. Mua bài thơ chép trên một vuông giấy lụa của một thi sĩ Nam Mỹ mà tôi chưa hề nghe tên. Với cái giá mắc mỏ của một bé tí lọ nước hoa. Bài thơ trên vuông giấy đen thui viền trắng, điểm khối xám tím cạnh màu xanh rừng nhão đục. Phía trên vẽ hình người đàn bà Nam Mỹ thắt bím. Dưới góc trái có chiếc mặt nạ người nhỏ bé lưỡi liềm trăng vàng. Bài thơ chữ trắng. Dưới cùng là hai vệt xanh bờ lu sáng ra cùng với những giòng chữ tạ ơn khác. Thơ như sau:

     The Culture of Terror

     Eduardo Galeano

     extortions
     insults
     threats
     slapping
     beating
     thrashing
     whipping the dark room
     the icy shower
     enforced fasting
     forced feeding
     the ban on leaving the house
     the ban of saying of you think
     the ban on doing waht you feel
     and public humiliation
     are some of the methods
     of punishment and torture
     traditional to family life .
     To punish disobedience
     and discipline liberty
     family tradition perpetuales
     a culture of terror that humiliates women .
     teaches children to lie .
     and spreads the plague of fear .
  
     "Human rights should begin at home"
     Andres Dominguez told me in Chile
    

Eduardo Galeano


Lần nọ. Cũng đi nghe đọc thơ Nhân Quyền ở một hội trường San Francisco, bất ngờ tôi đứng cạnh một nhà thơ người Ba Lan. Tên ông ta là Czeslaw Milosz. Không hiểu hôm đó cắc cớ nỗi gì mà tôi chỉ muốn bắt tay người đàn ông này một cái. Thi sĩ thì đang bận tiếp chuyện với nhiều người lớn. Tôi không biết làm sao cả. Chợt ông quay sang cười chào tôi. Tôi vụt nói tôi muốn bắt tay ông. Bàn tay Czeslaw Milosz mập và to lớn. Ấm và mời mọc. Giương nơi đấy một tấm linh hồn rộng lượng. Tôi bất ngờ vui vì đã bỏ phiếu cho một người đàn ông trong đám đông đêm nay và đã trúng tủ.

Chiều thứ bảy này có sương sa. Lạnh. Trời đất hương bay nhang trầm mùa nghỉ lễ. Căn nhà chật như hủ mắm. Phiên tôi bất ngờ làm thông dịch viên tí xíu vui vui cho thi sĩ Việt Nam, Nguyễn Chí Thiện. Thi sĩ xuất sắc thổ sản vần trắc và hiện thực. Vần trắc có thể nào làm cái dốc hùng dũng của trí thơ Việt Nam hay không? Tôi đang tự hỏi. Thì hôm nay lại gặp ông. Thơ của ông đầy mùi lợn trộn với mùi mơ. Tôi chọn ông làm thi sĩ đại diện dùm đất nước và thời đại chúng tôi. Ông cao và gầy. Đứng dăm phút nghe ngục sĩ tường trình thơ nhân quyền. Tôi lặng im và mơ mộng về một người tù da đen tên Mandela. Một người bị tù mấy chục năm. Khi ra vùng tự do. Đứng ở trên khán đài mênh mông vĩ đại. Đón nhận ánh sáng cực sáng của những ngọn đèn khắp thế giới chiếu vào. Ông vẫn không bị chói lòa mắt. Vẫn bản lĩnh nhân ái. Không thù hận. Không cận thị. Can đảm tiếp nhận vai trò lãnh đạo mà mọi người đã đẩy Mandela tới chỗ đó.

Tôi nói với Vũ Quỳnh Hương. Để mời thi sĩ ra đầu đàng uống nước. Nhưng khi chúng tôi ngỏ lời, thi sĩ hỏi để làm gì. Để nói chuyện tào lao thiên địa chơi, tôi nói. Thi sĩ từ chối.

Buồn năm phút. Tôi nói với Vũ Quỳnh Hương. Hai phụ nữ nhí nhảnh độc thân tại chỗ mà không xiêu lòng nhà thơ đi. Hai cây bút nữ hải ngoại mà không mời được thi sĩ Việt Nam. Ổng bỏ lỡ một gặp gỡ lớn đó Hương à.

Chúng tôi đang khúc khích giã từ chiều vui qua mau. Giữa cái lúc tôi chả có ý định bắt tay ai cả. Bất ngờ nhà thơ rút tay sắc và gọn ra khỏi túi áo. Ông nói "Nhưng mà cũng phải bắt tay một cái chứ. Chứ không bắt tay à."

"Ôi những kẻ tôi chỉ chào một bận."*

1996

Chú thích
* Thơ của một thi sĩ VN không nhớ tên.

 

Kịch Đọc

Cuộc Đấu Giá Bản Thảo Cuối Cùng Trên Bãi Biển Q.

Lê Thị Huệ

Không gian: Cà Phê Dung. ở Q..
Thời gian: Tối thứ bảy cuối tuần. Gió hè. Bóng tối . Khu vườn. Quạt những chùm ánh sáng bởi đèn điện và bóng trăng. Đám đông: tự do chọn.

Nhân vật 1.: Em đến sớm.
Nhân vật 2. Đến sớm hơn hôm qua. Hôm qua em chỉ hai mươi.  Nhưng hôm nay em đã ngoài bốn mươi. Chúng ta chỉ còn nửa giờ trước khi lên đường.
NV 1: Em ngồi xuống đâỵ Rồi muốn nói gì thì nói. Em uống gì.
NV2: Em không muốn ngồi. Em muốn đứng có được không. Em khát. Gọi cho em một ly nước cam. Không biết ở đây còn loại sinh tố gì mà họ pha tí nước cam tí nước miá. Thơm dễ sợ.
NV1. Vẫn còn đấy. Tất cả vẫn còn như cũ. Anh phải mất một thời gian dài mới dựng được cái sân khấu theo đúng ý em. Em muốn màu sắc và loại nhạc nào, anh có hết. Để anh lật thử những trang sân khấu cho em xem nhé.
NV2: Em hơi run. Em hơi sợ. Em hơi nhát. Sao em không thể đóng tuồng nào khác hơn là vai trò nàng thơ của anh
NV!: Ngồi xuống uống với anh một ngụm rượu này đi, rồi hãy nói . Em còn có cả cuộc đời để nói .
NV2: Đứng uống cũng được vậy. Hm. Rượu gì quen quá vậy. Có phải nó tên là  Mai Quế Lộ .
NV1, (cười): Có lẽ em quên rồi . Chai rượu này không có tên. Em đã mua tặng anh vào lần thứ hai khi anh gặp lại em.  Anh còn nhớ em nói em không biết uống rượu. Mua là vì những con chữ xếp đặt trên lưng chai. Và vì cái màu xanh hung cuả chai rượu. Anh đã giấu lại ở thành phố biển này. Lúc ấy anh không còn chỗ nào để gửi.  Anh đã mong có ngày chúng ta sẽ hẹn gặp lại nhau ở nơi này. Nhưng... gặp lại em hôm nay, thật bất ngờ

NV1, quay ra ngòai và nói to: Sân khấu. Sân khấu . Đổi màn. Đổi màn.
Thưa tất cả qúy vị hiện diện nơi đây. Nàng nói. Xin chân thành cám ơn qúy vị đã ái mộ tôi ngày trước.  Đã về lại đây trong chiều nay. Sự thật những điều ngày đó chúng tôi diễn tuồng là giả. Vở tuồng hôm nay mới là vở tuồng thật.

 
(Có tiếng gỗ lập cập khua trên sàn nhà).
NV1. Giọng hốt hoảng.  Đó là tiếng phản đối cuả lũ bàn ghế. Ồ chỉ có bầy ghế gỗ ấy mới biết tôi đang nói điêù gì.  (Nàng quay sang nhân vật 1) Anh à, anh tiếp lời hộ em. Em phải nói  cái gì đâỵ
Nhân vật 1: Sân khấu này của riêng em. Cuộc đời này là cuả em và tôi. Em chỉ có một khán giả. Em còn nhớ lời cam kết trước giờ chúng ta lên đường không.
NV2: Im đi. Anh im đi.


Quay mặt ra ngoài, nàng nó to:  bàn ghế, cây cỏ, côn trùng, nắng, gió, mưa, chiều hè, muà thu, xe lam thân mến. Tôi nhớ các bạn. Tôi về đây chiều nay chỉ vì các bạn. Tôi nhớ các bạn hơn nhớ những diễn viên mà tôi đồng diễn với. (Có tiếng vỗ tay như sóng biển dạt dào). Ô còn tiếng biển chiều nữa. Tôi là kẻ phản bội. Tôi không nhớ. Có lẽ tôi đã không muốn nhớ thành phố này chỉ vì biển. Tôi không muốn nhớ những cơn rát mặt cuả nắng và gió biển quất lên đớn đau  giữa những quả bom và những xác lựu đạn mà tôi đã đạp phải trong khi đi tìm những hố còng trên cát.
Nhưng chiều nay, các bạn ơi, tôi phải tạ ơn nơi chốn tôi đã phản bội. Trở về nơi đây trong chiều nay tôi đã tìm thấy kho tàng nơi tôi giấu bất ngờ, giấu hạnh phúc, giấu thời gian, giấu mong manh, giấu nhung nhớ...giấu...  Thành phố này đã giấu nhiều điều hộ tôi . Nên tôi muốn về đây chiều nay tập lại tuồng xưa.
Nhưng...

Tiếng lật gió rột roạt. Tiếng cánh cưả đóng mạnh.
Gió. Gió mạnh. Gió. Gió và cát.
NV2: Ngày ấy em còn mẹ. Em bỗng nhớ rất nhiều về mẹ.
NV1: (cười). Tưởng em nói em nhớ tôi . Em lại bảo em nhớ mẹ em. Thế có chán không.
NV2: Anh phủi hộ cát trên tóc em. Xem nè. Cát bám đầy người em nữa nè. Anh...

Gió nhẹ dần và im bặt hẳn.
NV1: Em cũng biết anh bày trò làm tuồng mọi chuyện thế này là để được ở cạnh em đêm nay . Sao em vẫn không chịu nhìn nhận điều này. Tại sao em khóc.
NV2: (khúc khích cười nhỏ, rồi lại lùm xùm như khóc nhỏ) ha, ha, ha, (nói to như đang vui) anh đang quên chúng ta đang là những nhân vật trên sân khấu. Ở đây là chỉ có đóng tuồng. Chính anh là người lẫn lộn vai trò cuả mình. Còn em hả. Em đóng nhiều tuồng quá nên  em đã quên em là ai rồi.   Ở trên sân khấu này em đóng nhiều tuồng đĩ điếm quá. Bây giờ em đã lậm đã ghiền nó mất rồi. Hãy yêu em nếu anh muốn....

Đèn tắt ngúm. Chỉ còn tiếng người đàn bà trong trẻo reo vui ...
Hãy yêu em nhiều nhiều . Hãy yêu em như anh đang nói rằng anh đã yêu em. Ca nhạc Đức Huy nghe anh  "...Em, anh muốn yêu em dài lâu. Em, anh muốn yêu em đậm sâu ...." Cái gì, anh nói cái gì, anh bảo cái gì mà ca theo kiểu Văn Nghệ Tiền Phong... Anh vẫn không bỏ cái chứng ưa nghịch giỡn như thuở nào . Nhưng lần này ai biết đùa nghịch hơn ai thì biết liền. Ha, ha, ha,....

Đèn bật sáng. Khung cảnh mưa.
Mưạ Mưa nhẹ hạt qua một màn kính mỏng. Mưa trắng giữa lớp ánh sáng trưa hè.
NV2: Không kịp. không kịp nữa . Bản thảo cuả anh mang đến cho em trong một chiều rét mướt năm xưa ở Đ. Em đã từng xé vụt ra sau vườn cỏ nhà ông Lịch. Anh còn bảo em nhớ cái gì. Em không có trí nhớ. Anh chọn một kẻ không có trí nhớ để làm ảnh ảo mình. Anh rán anh chịu.

NV1: Khanh à, Anh muốn đưa em đi chơi.
NV2: Thơ, văn, nhạc... Nghệ thuật là cái quái gì. Ôi em nhức đầu qúa . Em mới chỉ... Không kịp. Không kịp nữa. Chúng ta chỉ còn nửa giờ trước khi lên đường. Giày em đâu . Son phấn cuả em đâu. Bông tai cuả em đâu. Sao ánh sáng chói chan thế này. Để cho em trang điểm đã.
NV1: Đi Cà Phê Dung nhé em.

NV2: Thơ, em cần một chút thơ . Kịch, em cần một chút kịch. Ô, Sao phải vội vàng thế nàỵ Thời gian. Tôi phải giấu tôi ở nơi đâu cho kịp khi chàng đến. Ô, không kịp. Không kịp nữa .
NV1: Anh mới tìm lại được màu nắng mà em muốn. Chiều hè hanh nắng xế. Ôi Chữ với Nghĩa và em tôi. Em lại đòi quán phải vắng. Anh ngồi chờ em dài cả cổ. Cái mục này là anh không ham rồi. Em tôi bao nhiêu năm vẫn như thế...

NV2: "Em tôi".  Đúng rồi. Đấy là chữ tôi đang kiếm. Chữ ơi. Mực ơi. Dấu phẩy dấu chấm ơi.  Hãy về đây chơi với tôi chiều nay. Xin trân trọng giới thiệu với các bạn đây là một giọng nam đã lâu lắm rồi chúng ta mới được nghe lại.  Đây là cái giọng đã xuất hiện dưới vai giọng mộc trong những vở tuồng cũ xưa.  Đây là giọng đầu tiên đã phả âm thanh và hơi thở vào hai chữ "Em Tôi".  Nhớ không hả giấy trắng...

Lê Thị Huệ