Lê Thị Huệ

Tập Thơ In Illo Tempore - Nguyễn Thụy Đan
Kiếm Sĩ Chữ - Dõng Dạc Và Xuất Chúng

 

điểm sách

 

Tôi hằng mơ mộng đọc được một sáng tác cô đọng xuất sắc. Viết bằng tiếng Việt và viết bởi một người Việt sanh ở ngoài Việt Nam. Tôi sống ở một nơi không phải là Việt Nam gần trọn đời.  Tuổi trẻ tôi tỵ nạn Việt Cọng năm 1975 sang sống ở California nay đã ngoài bảy mươi. Tôi biết xứ California là hạng nhất thế giới về nhiều điều.  Nhất về các đầu óc xuất chúng sáng tạo kỹ thuật Silicon Valley . Có nhiều bờ biển các núi đồi các thành phố xinh đẹp sạch sẽ dấu yêu.  Khủng về đám người ù lì làm biếng động não. Lôi kéo bởi rất đông trí thức cấp tiến đáng yêu weirdos. Và nhất có nhiều món ăn Việt Bolsa Nam Bắc Cali.

Tự nhiên có một chàng sanh đẻ và được nuôi dưỡng lên từ xứ nhà quê San Jose và xứ nóng khô Sacramento làm thơ tiếng Việt cao cấp .  Tôi háo hức soi mói tập thơ ngay.

“In Illo Tempore” tiếng Latin có nghĩa là  "Trong những ngày ấy". Nói nôm na là "thời bấy giờ." In Illo Temporethường được dùng trong các lễ lạc đạo Công Giáo.  “là cụm từ trích từ lễ Công giáo theo nghi-thức xưa. Bài đọc Phúc-Âm lúc nào cũng bắt đầu bằng cụm từ ấy (In illo tempore dixit Iesus discipulis suis...Trong những ngày ấy Giêsu phán cùng các môn-đệ rằng...” Theo diễn giải của tác giả Nguyễn Thụy Đan.

Nguyễn Thụy Đan học tiếng Việt từ chiếc nôi ru của bà Ngoại. Bà Ngoại rù rì với cháu trai bằng những câu kinh câu ngắm của đạo Chúa,  thơ Kiều của Nguyễn Du, nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẩn Từ Linh ...

Chàng xong trung học là từ xứ sở động đất Sacramento nơi có giòng sông American River hay còn gọi là Rio de las Llagas - Dòng Sông Của Những Thương Tích,  nhào bổ vào học cử nhân Âm Nhạc và bằng Văn Chương Tiếng English ở xứ cao bồi Houston Texas ngay. Chỉ vì lúc ấy muốn ở gần nơi lưu trữ mộ Ngoại để đi thăm cho dễ. 

Nguyễn Thụy Đan sanh năm 1994 thời điểm thiên tài Bill Gate mở cánh cửa thế giới mới có tên gọi “in tơ net” (cách viết của Nguyễn Thế Hoàng Linh).

Đan một bụng bầu chữ nghĩa Hà Tịnh và Nam Định của nội ngoại Việt di cư và tỵ nạn.  Cũng là gốc người Hà Tịnh di tản 1975, Nguyễn Thụy Đan và Nguyễn Thanh Việt bà con bên nội với nhau. Nhưng "Viet Thanh Nguyen" (viết tên theo kiểu Mỹ) chọn viết tiếng English mẫu mực thiểu số tiến thân carreer thành công vượt bực ở America . Nguyễn Thụy Đan chọn viết tiếng Việt như một kiếm sĩ khai phá chân trời viễn mộng xứ xa Việt Nam. 

Ví dụ trong một phần trích-đoạn câu thơ có chữ "xa băng". Khi chúng tôi trao đổi với nhau. Đan đã giải thích: "Chữ "băng" này là chữ "băng" trong câu Kiều: "Trông chừng thấy một văn-nhân / Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng." "Băng" là một phương-ngữ Nghệ Tĩnh cổ, có nghĩa là xa xôi, xa thẳm."

Tôi cũng gốc Hà Tịnh. Cha mẹ tôi quê Cẩm Xuyên di cư vào Nam năm 1954. Chị em chúng tôi cho đến giờ này, dù phần lớn sinh ra và lớn lên trong Miền Nam, vẫn nói tiếng Hà Tịnh với nhau. Khi viết những giòng chữ này, dù chưa bao giờ đặt chân đến đất Cẩm Xuyên Hà Tịnh, nhưng sao lòng tôi rất nao nao khi trao đổi chữ “Băng” với Nguyễn Thụy Đan.

Ôi là thế giới “Lời” quá vi diệu cho những người đầu kê gối lên “quê hương sáng tạo”, và đam mê xào nấu chữ nghĩa với “một ngôn ngữ mẹ có tính chọn lựa”,  như chúng tôi.

Thi sĩ trí thức trẻ mang gươm giáo chữ nghĩa về đậu lại trên nóc nhà thờ Hà Nội và làm thơ khi nhìn ra bầu trời hoang vu sa mù đầy mưa Việt Nam. Nguyễn Thụy Đan xuất bản tập thơ này khi đang về sống và lấy vợ sanh con trai đầu lòng ở Hà Nội. Đang viết Ph.D luận án tiến sĩ cho đại học lẫy lừng Columbia, New York City.

Nguyễn Thụy Đan làu thông các thứ tiếng Latin, Tàu, Hán, Nôm, từ đại học xứ America. 

Và khao khát chế tạo thứ ngôn ngữ tiếng Việt. Chữ nào trong tiếng Việt còn thiếu là Đan tự mày mò tự chế . Với mấy bồ Hán Nôm, Latin, Việt Bà, English, Âm Nhạc kết tụ trong hồn trong trí , Nguyễn Thụy Đan có quyền phiêu lưu vào con đường sáng chế ngôn ngữ thơ. Một may mắn cho người sáng tác lẫn người đọc. 

Vấn đề là có thuyết phục được ai chăng.

Cá nhân tôi thích đọc Nguyễn Thụy Đan chính là vì sự dám chế ra từ mới cho bản chữ của thi sĩ. Khi gặp các từ mới tôi tò mò xem thử Nguyễn Thụy Đan “xoay từ” như thế nào . Những người thông thái như Đan khi ham tạo ra chữ, thì có thể tạo ra được những bản văn phong phú ngữ nghĩa. Khác với người dân giã chế ra từ vì “tai nghe” nhiều hơn . Dĩ nhiên một thi sĩ dân giã chế hay cóp chữ có giá trị khác với một trí thức thi sĩ. Tôi yêu cả  hai.

Thơ Đa Tiếng Nói của Nguyễn Thụy Đan xuất phát từ một con người thời đại in tơ net. Con người in tơ net là con người nên rành vài ngôn ngữ để “đá cầu lông” được với con người đa tiếng nói đa văn hóa của thế giới hiện đại,  khi chọn cho mình một ngôn ngữ để thổ lộ tâm ý.

Những người yêu ngôn ngữ và thông làu ngôn ngữ họ sáng tác bằng ngôn ngữ nào mà họ thông làu (mastering) là chuyện thường . Nguyễn Du viết thơ tiếng Hán “Độc Tiểu Thanh Ký” . Cao Bá Quát về xứ Quảng Ngãi làm thơ rặt tiếng Hán “Trà Khúc Thu Nguyệt Ca”. Milan Kundera di cư sang Pháp và viết các tác phẩm bằng tiếng Pháp như La Lenteur, L’IdentitéL’Ignorance.  Nguyễn Thụy Đan sanh đẻ ở Mỹ cứ tưởng tác phẩm đầu tay sẽ bằng tiếng Anh. Nhưng đã chọn Tiếng Việt dể sáng tác . Tiếng Việt phải hấp dẫn, phải thu hút, phải đáng đáng yêu lắm, anh chàng mới hứng thú đủ mà làm ra thơ chứ nhỉ.

Thành ra độc giả đọc Nguyễn Thụy Đan cũng nên có vốn liếng ngoại ngữ kha khá, mới chia sẻ được các phiêu lưu chữ nghĩa cùng tác giả . Ai chưa “thông” các từ ngoại ngữ trong sáng tác nào thì đi mở gúc gồ ra mà dịch. Con người toàn cầu thời in tơ net thì phải năng động trí lực kiểu như thế . 

“Thơ Đa Tiếng” có nghĩa là vậy. Con người ngày nay cần biết tối thiểu là một ngoại ngữ, phổ thông là Anh Ngữ, để đọc và làm con người mạng . Biết càng nhiều tiếng, biết đa tiếng càng tốt. Không biết thì dùng các máy dịch ngoại ngữ trên mạng dịch dùm. 

 

Về phương diện triết lý thì tập thơ in illo tempore là một thứ chồi non trí thức vừa nẩy lộc.

Một hầm mỏ với nhiều hứa hẹn.

Mở đầu bài thơ “De Profundis – Từ Vực Sâu":
tôi thường ngồi nhẵn. chờ cơn hấp hối
 của những đêm tàn. hun hút vầng đông
 trong đầu. bằn bặt ý-niệm ngày giờ
 chuyện phù-thế. cùng một màu xa băng.
(De Profundis)

Chút suy tư cùng với hư vô.
Bài thơ “De Profundis” là sâu thẳm non nớt của chiêm niệm về cuộc đời và hư vô . Nhưng tôi đọc với tất cả háo hức. Vì.

Đan viết bài này khi còn là cậu bé non choẹt. Cuộc đời mở ra huy hoàng . Là cậu con cưng yêu ông bà cha mẹ và Chúa Jesus. Đang có triển vọng thành một linh mục Công Giáo . Một khung trời tương lai sáng lạn chào đón . Thì hà cớ gì lai vãng vào khung trời tăm tối kia của hư vô. Ở đây sự bén nhạy với hư vô cũ kỹ thì không có gì lạ lẫm. Nhưng nó chứng tỏ một tâm hồn nghệ sĩ . Nghê sĩ chúng tôi nhạy cảm nên bước nhảy đầu tiên là một bước nhảy vào buồn tăm tối và cô độc, là một dấu hiệu tốt của một nghệ sĩ sáng tạo.

Là người đọc trưởng thành, khi lượng giá xong năng lực thẩm thấu của cậu tác giả này, tôi mới chú ý đến khả năng tiêu hóa hư vô của cậu.

 lũ ngươi. đã chẳng bi-hùng sao.
bức sốt cơn cuồng thất bát
níu bút. bằng níu sự sống.
 níu bút. bằng níu tàn-dư lý-trí. (đối mặt dáng vẻ vô-biên
 có rùng mình trước cuộc trần truồng không đàng viễn-ly?)
 níu bút. bằng níu nhau. ôi. những khối thịt cô-đơn trong ý-thức.
 ăn mày hơi người. tuyệt mù thủa đêm đông

(Tự-Khúc Vào Đông)

Tôi có thể vin vào đoạn thơ trên của Nguyễn Thụy Đan để thỏa mãn nhu cầu tra hỏi sự hiện hữu. Một tri âm tri kỷ bay bỗng của lý trí không lối thoát. Rồi chợt tìm ra tứ thơ “níu bút”.

Tuyệt vời thần thư hai chữ “níu bút” rơi vô vùng tăm tối của lý thị não!

Níu bút. Bằng níu sự sống.
níu bút. Bằng níu tàn-dư lý trí

(Tự-Khúc Vào Đông)

Thần từ “níu bút” của Đan đã như cây gậy tôi tìm được tay chống của suy nghĩ tôi.. Từ bị tôi cho là một mò mẫm non nớt vào viếng hư vô, nhờ chơi hai từ “níu chữ”, tôi đã phục thần bút của thi sĩ Nguyễn Thụy Đan . Thành đẳng cấp ngay . Và khi đã được ban tặng cho tước từ “thi sĩ” thì người đọc tôi kính cẩn mở bài thơ ra và tìm hiểu và tin tưởng như một vị trí đa đề sáng tạo.  

3 câu thơ tôi khoái trong tập thơ này là 3 câu phân đoạn “Viết Cho Con” trong bài “Di Chúc”

rồi đây. biệt dạng thầy bu.
khúc đàn năm cũ. tiếng ru thưở nào
đêm xuân nhẹ giấc chiêm bao.

(Di Chúc)

Thi sĩ chơi từ cổ là “bu” vào đầu câu . Từ “bu” - nghĩa là “mẹ” - có tự cái thuở nảo thuở nao của tiếng Việt . Thi sĩ bố trẻ gửi lời chào - bằng cách chơi chữ -  cho con trai đầu lòng vừa chào đời năm 2023 . Cha con đều trẻ măng hồi hương cùng ngôn ngữ. Chả dao to búa lớn dạy dỗ sứ mệnh quân sư phụ chi cả . Mà chỉ là dăm ba chữ hồi môn nhẹ ý nhàng lời.   Tôi thích sự trìu mến với tiếng Việt của Nguyễn Thụy Đan. Ba câu thơ ngắn nhẹ tênh đầy xao xuyến thâm trầm của kẻ mạnh mạch ngầm ngôn ngữ toát ra được dòng suối yêu đời tự nhiên truyền giao lại cho giòng giống mình.  Một cảm hứng hồn nhiên của thế giới chữ nghĩa thật bất ngờ thiêng liêng đáng yêu.

Một người đọc yêu chữ và yêu sự chơi chữ gặp gỡ một người viết say chữ và thích chế tạo ra chữ mới. Người đọc như tôi sẽ khoái đọc Nguyễn Thụy Đan vì tính cách này.

Nguyễn Thụy Đan là người mến Chúa và yêu người như vị thánh sống từ trong kinh thánh bước ra. Tôi từng tưởng hắn sẽ đi tu trở thành linh mục.  Khi nghe tin Thụy Đan cưới Hoàng Trang ở Hà Nội, tôi cứ ngỡ Đan báo tin thử thách trước khi vào dòng tu, nên chỉ là loan truyền thế thôi. Ai ngờ hắn cưới vợ thật . Tôi ngỡ ngàng.

Xuyên suốt tập thơ, các ám ảnh siêu hình của tôn giáo thống trị trên nhiều câu nhiều đoạn nhiều bài .  Căn bản của cậu là căn bản của một ông thánh suy tư .

Những ám ảnh khổ đau và tội lỗi của nhân loại tràn đầy:

vì chưng đã không thể chung sống với kẻ sống
 hôm nay. tôi sẽ cùng chết với những kẻ chết.
sau hết. chỉ có im lặng là không thỏa-hiệp.

trùng-điệp đồi núi san jose. tôi đã lấy
 làm galilea. cuối ngõ cụt trí nhớ
bỡ ngỡ lời chúa. bất chợt cơn gió tàn hôm.

xa xăm. tôi dường nghe. tự trên trời tiếng quạ.
 và dưới đất tiếng sâu. rằng. vui lên. vui lên
vì đền đài chúa đã dư của lành. vui lên.

song. trên những phiến đá hoàng-hôn. tôi vẫn thấy
 tên tôi. khắc sẵn. riêng chờ một thủa xuống tay.
thêm ngày. tháng. năm. quãng người. lập loè phù-vân.

(Lễ Các Thánh)

Dù không còn mến Chúa như Nguyễn Thụy Đan, tôi cũng thấy dậy lên men lòng khi nghe Đan hóa phép thơ thành đền galilea ở San Jose.

Núi đồi trọc khô San Jose bỗng thành huyễn mộng trong bùa phép của người thi sĩ sùng Đạo và giàu khéo tưởng tượng:

trùng-điệp đồi núi san jose. tôi đã lấy
 làm galilea. cuối ngõ cụt trí nhớ
bỡ ngỡ lời chúa. bất chợt cơn gió tàn hôm.

xa xăm. tôi dường nghe. tự trên trời tiếng quạ.
 và dưới đất tiếng sâu. rằng. vui lên. vui lên
vì đền đài chúa đã dư của lành. vui lên.

(Lễ Các Thánh)

Nhờ vốn liếng chữ nghĩa phong phú, sự tra hỏi về các giá trị truyền thống Đức Tin, Đạo Đức, và Hư Vô trong thơ Nguyễn Thụy Đan có mầu sắc nghệ sĩ trí thức nhẹ nhàng.

chuông rền mây sớm nẻo tàn-thu
 xóm kế. tiếng kinh cầu

đừng dậy vội.
chúa đã gọi người đâu 
(ad matutinas)

Sự lần mò trí thức trong cô độc, khổ đau là hành trình mà tên trí thức nghiêm chỉnh nào cũng khó tránh trong con đường tìm kiếm mình .

nơi đây. phải chăng
tôi đã biết yêu người?

trong sự nín lặng
vô-lực. và phì-nhiêu.

khi lời lẽ của thế-gian này.
đều khiên-cưỡng thay thảy.
chỉ còn nước mắt.
làm chứng những điều
 trong tôi cằn cỗi lòng tin.

vì chưng màn đêm đã nên bất-diệt.
tôi đã dám. một lần mơ tưởng
ý-niệm của một vòng tay.
êm đềm tủi nhục
và bờ môi. cháy rực xót xa.

tôi đã yêu người. bằng dòng sông lặng im.
 âm thầm suốt chiều dài trí nhớ
tuôn về cùng-cực phía hư-vô.

song những bóng ma thường-trực
dường tỏ với tôi. một sự
nghịch-đạo lớn. rằng. khỏi ghềnh u tối.
chúng ta chẳng còn nơi hằng đỗ.
(Ai-Giang Nam)

 

Nếu có đa đoan thì phải kể sự đa đoan tại sao con người cá nhân cần con người tha nhân chấp nhận sự hiện diện của hắn.

 

ngày xưa. tôi cầm bút. viết bằng máu
 và hơi thở. bằng những ước mơ

nhặt rác. cơn không-tưởng phát st vđêm.

 

y giờ. tôi gõ phím. viết bằng từ-điển
và mất ngủ. bằng những mảnh vn

mang thì quá-khứ. nỗi khánh-kit căm căm về sáng.

 

ngày xưa. tôi làm thơ. tỏ tình cùng người
 những lời thật thà. những lời tuyệt-vng
 người trả lời tôi. trùng-điệp thương đau.

 

y giờ. tôi ghi s. xưng tội cùng chúa
những điều ngây ngô. những điều khốn-nạn
chúa trả lời tôi. đằng đẵng lặng im.

 (Tặng Vợ)

Dấu ấn của ám-ảnh-lớn-lao-về-tha-nhân,  là những đối thoại của cá nhân với tha nhân, trong một tâm-thế-tôn-trọng-sự-bình-đẳng-giữa-các-chủ-thể với nhau.

Hình như đây là một đột phá hoặc là một cuộc cách mạng tư tưởng (?) đang xảy ra trong cách nhìn của nam giới về tha nhân, ở giới trẻ lớn lên trong nền giáo dục Hoa Kỳ cấp tiến. Di sản từ cuộc cách mạng Women Liberation của thập niên 1960 chăng ?

Một nam tính chia sẻ nỗi xao xuyến về tha nhân trong tập thơ đầu tay của Nguyễn Thụy Đan.

Khác với thơ do đàn ông cũ sáng tác thì thích “phán” về con người và thế giới bên ngoài. “Phán” chứ không phải “đối thoại”.  Như tâm thế “nam chủ” của Bùi Giáng trong bài thơ này:

Ta về giũ áo đười ươi
Trút tờ phong nhã cho người phụ nhau
Em về thảng hoặc mai sau
Diệu Hoa lầu các đêm nào hoá sinh
Còn nghe cơn cớ bất bình
Đầu xuân rất mực biên đình ra hoa
Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay

(Bùi Giáng, Cảm đề La porte étroite)

 

Hoặc justify sự hiện hữu của mình như nhà văn Duyên Anh trong bài thơ sau đây:

Ta đến một mình không có ai
Gập ghềnh địa nạn, dốc thiên tai
Thế gian vùi ngủ quên hồng thuỷ
Thuyền vắng Noé, nước ngập đầy
 (Duyên Anh,  Ta Và Ta)

 

Tập thơ đầu tay này có hơi nhiều thơ như một ứng xử thân thiện với tha nhân.

He hé chút định mệnh mới hơn người, theo tôi, là ông trẻ này mở rộng vòng tay ôm lấy tha nhân.

Người đàn ông này có tính lòng lành với tha nhân.

Trong rung động mãnh liệt đã giang lòng ra đối thoại với cậu con sơ sinh:

tôi đã mất nửa năm để viết bài thơ này.
 vì không ai kể cho tôi. rằng. khi sinh con
 là đồng-nghĩa với tự-hủy. rồi đem chôn cất
con người cũ. cũng không ai kể cho tôi. rằng.
con người hôm nay. chỉ là một khoảnh nối dài
của những bóng ma. đột-tử nửa đêm hè xưa.
(Sinh Nhật Con Trai Cả)

Tuy nếu phân đoạn ba câu dành cho con trên kia tôi rất thích. Và bài “Sinh Nhật Cho Con Trai Cả” thi tứ rất mới mẻ rất sâu bén.  Thì bài thơ dài Những phiến-đoạn dành cho con lại là một bài moral cho con hơi cũ kỹ hơi cứng ngắc.

Người đàn ông trẻ thời đại Nguyễn Thụy Đan hiện ra thứ đánh động tâm thức caring đến tha nhân. Làm thơ cho con khi tuổi đời chưa đến ba mươi, khi chưa lập thân xong.  Thế hệ các ông đi trước như Nguyễn Du, Huy Cận, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện làm gì thấy ông nào nghĩ đến tha nhân bé nhỏ là tha nhân con đâu . Họ chỉ chăm bẳm làm thơ cho họ và cho nồng nàn sexy tình nhân thì đầy. 

Ông tổ triết Hiện Sinh Jean Paul Sartre có một câu nói bất hũ: “L'enfer, c'est les autres “ Tha nhân chính là địa ngục”.   Một thứ nợ đời . Thỏa hiệp với đau đớn khi tìm kiếm bản thể mình còn dễ dàng hơn đi tìm hòa bình yêu dấu cùng tha nhân. Với cộng đồng đọc sách, các nguyên mẫu đàn ông thì thường biểu lộ mạnh tàn bạo , dửng dưng lạnh lùng như Estranger của Albert Camus

Có đấy. Ảnh hưởng này đương nhiên là có đấy. Trong thơ Đan. Học nguyên bồ education dành cho nam giới kiểu Mỹ mà.

người mở dạy bằng ngôn-ngữ của lưỡi dao.
của những tảng thịt thâm băn khoăn
thái dọc ngang thớ ký-ức.
của những bát phở thơm máu
ứng-tấu trên chủ-đề hưng-vong.
(
Tam-liên-họa Houston)

Đưa tính lòng lành của ông Nguyễn Thụy Đan đặt cạnh tính tàn phá của ông thi sĩ lừng danh ở Mỹ Charles Bukowski thì thơ ông nào hấp dẫn hơn. Tôi biết rất nhiều đàn ông trên thế giới chọn Charles Bukowski. Câu thơ lừng danh của Charles Bukowski được nhiều người thuộc là: “I don't hate people. I just feel better when they aren't around. “Tôi không ghét loài người . Tôi chỉ cảm thấy thoải mái hơn khi họ đừng đến gần tôi”.

Thế thành ra điểm hấp dẫn của tập thơ “In Illo Tempore”, với tôi,  là: Một tâm hồn nghệ sĩ mẫn cảm với bản chất lòng lành. Sự thông thái của chữ nghĩa. Khả năng độc lập trong suy nghĩ. Và năng khiếu sáng tạo của người artist.

Người đàn ông bố còn trẻ Nguyễn Thụy Đan làm một cuộc cách mạng, là viết nhiều câu thơ gửi con trai và tương tư vợ trong tập thơ đầu tay của mình. Thử hỏi trên thế gian này có được mấy nhà thơ trẻ làm thơ tặng con trai và tặng vợ ngay trong những bài thơ đầu đời mình.

Ngôn ngữ và âm nhạc là đôi tình nhân say đắm nhau. Vừa lớn mà đã nhảy bổ vào đại học học âm nhạc thì phải biết đời hắn đi đâu rồi cũng quờn về chiếc nôi âm nhạc ấy. Để thỏa chí đam mê gò nhạc vào chữ nghĩa sáng tác cho thỏa trí cho trơn tay?  Mê chữ nghĩa và mê âm nhạc như thế , tôi tin tưởng cái tai và hồn nghĩa ngữ của Nguyễn Thụy Đan phải sắc bén và tinh luyện hơn người bình thường. Tôi mừng vui khi thấy lưỡi hái đầu tiên của người này là môt tập thơ. Vì thơ là đòi luyến lưu âm nhạc nhất. 

Từ tìm “being” bằng một tựa thơ tiếng cổ La Tinh  “in illo tempore”. Đến xướng ca lên một từ cũ kỹ thuần Nôm như từ “bu”. Bìa thơ màu má hồng rất con gái . Các trăn trở siêu hình rất thầy tu giáo sĩ. Thơ tặng con trai rất chi hiểu biết chuyện nòi giống của giống đực. Có nhạc trong thơ chữ. Tràn trề chất nghệ sĩ trong khi lơ tơ mơ với hoàng hôn và lặng thinh. Sự tìm kiếm các bóng chữ bóng tha nhân bóng siêu hình của Nguyễn Thụy Đan trong “in illo tempore” mở bùa phép và đẳng cấp bày biện tầng thơ vuốt vầng trán xanh của một thi sĩ trí thức Việt thời đại anh.  

Có những điều Đan viết bây giờ có thể thế giới và ngay cả tác giả còn chưa biết chưa hiểu chưa thấm chưa lý giải nổi. Thi ca mà. Trong mối tò vò ám ảnh đầy siêu hình của Đan, khối chữ này lại còn mang tính sấm giảng của thi ca và tôn giáo. 

Tôi tin đây là một mùa chữ nghĩa tốt tươi từ kiếm chữ Nguyễn Thụy Đan.

 

In Illo Tempore  tập thơ đầu tay của Nguyễn Thụy Đan, tiếng Việt,  phát hành tại Hà Nội tháng 8 năm 2024, giá 111.900 đồng Việt Nam, do nhà  FORMApubli Hà Nội  xuất bản

Liên lạc và đặt mua tại: https://vitanova.vn/illo/

 

Lê Thị Huệ

San Jose, California, Tháng Tám 2024