tác giả (quần jean), Đồi Cù Đà Lạt, 1972

Đà Lạt.
Mỵ Nương Sầu.

Lê Thị Huệ

Tôi lẻn về quê hương thăm Đalạt vào một chiều thứ ba sương pha nắng vàng hiu hắt gió một chiều hè tháng sáu.

Tôi có một tuần lễ riêng mình ở Đalạt. Thành phố thổi vù vù u mọi những năm con gái tươi tốt vạm vỡ đời tôi.

Ở Đa lạt tôi ở khách sạn.

Ở Đa lạt có những cục đá to thách thức tôi. Khều chưn tôi khập khiểng. Những cục đá to chình ình ở ngay trung tâm Hoà Bình môi xinh má hồng của Đa lạt. Những cục đá bắn muôn nghìn hạt bụi dính đỏ quạch váy ví tôi . Những cục đá to tổ chảng thô bỉ chắn lối tôi đi dạo bộ mua áo len tím than thẫm một đêm u trầm. Ở Đa lạt có những hố đất như những hố thương ngay trong trái tim chợ Đa lạt. Trời làm một trận mưa nước ối vỡ bắn đục ngầu áo quần điệu đóm của tôi.

Hỡi ơi Đa lạt sau bao năm xa cách
Sao xấu đui như cục đất chui
Hai mươi năm sao Đalạt vẫn đen thui
Sao Đa lạt vẫn lủi nhủi như một gã lủi thủi

Tôi muốn hỏi cuộc đi một câu hỏi lớn!

Lịch sử u mê nào chịu trách nhiệm biến Đalạt thành ổ gà ổ voi lộm cộm đau chân sau hai mươi năm hoà bình.

Ở Đa lat tôi khách lạ đêm đêm gối đầu lên giường khách sạn chạnh lòng sầu nhớ một giàn su su xanh xanh và bữa cơm chiều tịnh tâm của mẹ.

Tôi nối với quê hương qua ngôn ngữ và khí hậu.

Khí hậu Đa lạt vật ngã những địch thủ khác.

Tôi bỏ những dự tính Cần Thơ Tây Ninh Phan Rang để ở lại với Đa lạt. Khí hậu cần thiết và lôi cuốn lớn lao mà đôi khi người ta không ngờ đến.

Ở Đa lạt tôi tương tư tức khắc những trận mưa rào ngôn ngữ. Ở Mỹ tôi nhớ thương ngũ âm ngân nga trong ngõ ngách tâm hồn nên thừơng ngồi một mình viết như là một cách khai quật thế sống. Tiếng Việt thắm thiết tĩnh từ nên dù ở Mỹ lâu bằng và ngó bộ muốn lâu hơn sống Việt Nam, mà tôi vẫn thích trầm mình trong những tĩnh từ tiếng mẹ đẻ. Ngôn ngữ mẹ đẻ và kỷ niệm ấu thời quan trọng ghê. Quan trọng hơn số dài của thời gian người lớn sống.

Ở Đa lạt đứng giữa chợ tôi nghe tiếng Việt ngọt xớt rớt vào hồn.

Ở Đa lạt tôi khoái nghe hai cô bé bán chè nóng ở ngõ Ngọc Hiệp hoen ố kể chuyện bán chè Đalạt chiều khách hơn bán chè Vũng Tàu. Thổ âm Đa lạt nhưa nhựa lơ lơ chút Huế chút Quảng chút Nha Trang chút Nam Kỳ . Đa lạt hiền lương của Việt Nam hiếu chiến. Những thành phố lôi cuốn tôi nhất vẫn là những thành phố dân tình dễ thương giữa nhau và dễ mến với du khách. Càng sống lâu ở Đa lạt, con người càng hiền lương. Đó là một bí mật của Đa lat.

Ở Đa lạt tôi muốn làm thơ theo những cơn mưa bay ngang thành phố lúc ba lúc năm giờ chiều . Bầu trời là những đám bông gòn to xam xám. Mưa phùn bay lưa thưa. Tôi ngồi nhìn ra cửa sổ trông xuống lũng rau xanh mướt tóc mây Đalạt. Ngôi nhà bên hiên cửa sổ có những giỏ lan tím treo lủng lẳng. Có người đàn ông ngồi hút một điếu thuốc thả mini mây bay qua ly cà phê qúan vắng. Chợt nhìn lên tôi và ngó sửng một cách rất nhẹ nhàng đằm thắm con trai Đalạt . Làm tôi rùng mình. Tôi nhìn ra cửa sổ. Mưa lại bay lất phất. Lạnh chun mũi. Vườn xanh trong mắt. Ngồi nghe chút hạnh phúc thiên địa thấm qua da mềm vào lay lệch hầm hồn. Chỉ ở Đalạt mưa bay trong buổi chiều và một ánh mắt đàn ông nhìn mới làm tôi muốn làm thơ.


Ở Đà Lạt lúc bảy giờ tối, tôi đứng trên dốc đồi xinh xinh nhà thờ tin lành đường Hàm Nghi ngó xuống thị phố dưới chân. Những áo lạnh dúi nhau xuống phố. Vang rân những tiếng nói và tiếng cười rộn rã của nhân gian phía dưới lẫn trong tiếng gió trời vi vu huyền diệu của thiên gian phía trên cao. Đà Lạt bỗng thòi ra câu hát thanh xuân: " Theo em xuống phố trưa nay đang còn ngất ngất cơn say...." Tôi đứng đây và chợt nhớ đã có lần tôi lộng ngôn trong một lá thư gửi người cha đẻ ra âm nhạc Đà Lạt, Lê Uyên Phương, rằng Đà Lạt hãy mau mau tạc cho anh một bức tượng và cắm vào trái tim thơ mộng nhất của thành phố là vị trí mà tôi đang đứng đây.

Ở một khoảng xa sân khấu nhỏ
Họ chết xanh cùng tiếng hát
Trên thịt da tình yêu
Trời tháng bảy mưa ngâu
Ướt se môi tình nhân
Gió quạt dưới chân anh
Hương đất luồn lũng đồi
Toả ngát thịt da nhầu
Đi với em chiều nay
Xuống phố hát sầu câu
Đà Lạt ngợp trời họ
Đà Lạt dưới chân họ
Những vì sao chìm trong hơi thở chợ
Mùi phố nhoà hết mặt trời đêm
Cuộc tình rồi phụt tắt ở quốc lộ
Ngả ba ngả bảy họ chia tay
Khi thanh xuân tàn phai
Họ níu mắt nhau ca hát
Rống lên như loài thú
Muốn yêu mình
Giữ nhau làm của nô lệ
Muốn kiếp với một cuộc tình già

Ở Đa lạt tôi đi phất phơ giữa đường để cho bất ngờ gặp thi sĩ.

Thi sĩ đẩy tôi vào Thuỷ Tạ. Quán nước bên Hồ Xuân Hương. Ai biết đặt thơ và biết yêu Đalạt thì phải có một lần ghé quán Thủy Tạ bên Hồ Xuân Hương. Dù nó là khố rách áo ôm đĩ thập thành kiếm tiền cho Đa lạt. Hay nó chốn yêu kiều của người Đalạt lui tới khi Đalạt là khách hào hoa phong nhã áo đẹp nhà lành.

Bên ngoài Thủy Tạ sóng nước Hồ Xuân Hương chênh vênh. Bên trong Thủy Tạ thi sĩ ngồi ngó tôi trân trân và nói, thôi từ rày về sau em đừng có yêu ai nữa. Thôi từ rày về sau em hãy yêu một mình tôi thôi. Thi sĩ níu áo đòi nợ.

Người đàn ông này đã từng ướp tôi đẫm những bài thơ tình. Em gái tôi mê thơ thi sĩ. Bạn gái tôi thuộc lòng những bài thơ tình của thi sĩ. Tôi đã bỏ thi sĩ để đi theo họa sĩ.

Chỉ có thi sĩ mới nói những câu như anh đọc bài thơ em viết anh muốn chết. Một thi sĩ có ý tưởng chết đi vì những câu thơ, thi sĩ ấy đáng hưởng một bất ngờ.

Tôi hứa. Một lời hứa dịu dàng nhất dành riêng cho thi sĩ bên bờ Hồ Xuân Hương Đa lạt

Ở Đa lạt tôi có một tình yêu sống và một tình yêu chết.

Tôi bỏ họa sĩ rời Việt Nam khi anh còn là một gã con trai tập tành làm họa sĩ. Nghèo mạt. Không nhà cửa . Không bình yên. Không gì cả ngoài một thân hình trai trẻ gồ ghề như một bức tượng và một tình yêu đớn đau tha thiết với tôi. Tôi trở về Đa lạt và Minh đã chọn lựa cái chết. Ôi Minh. Người họa sĩ trẻ đã không thể sống nổi với những thô bỉ của trần gian.

Người đàn bà đã ngoài bốn mươi. Qui cố hương. Tôi mang theo mình đôi hia sang trọng và qúy gía tuyển chọn nhất. Đôi giày đính những hàng chỉ nhung mượt ấy bị đày đọa quét thân mòn đau trên những hố đường. Nhuộm bụi đỏ quạch. Vùi dập cùng cỏ dại vương chân. Perry Ellis Portfolio xước đế há mỏ. Sak Fifth Avenue đạp phải cứt chó ở ngang ngõ Ngọc Hiệp. Một đêm tối trời, đứng bên Hồ Xuân Hương dơ bẩn & đục ngầu tôi đã liệng đôi giày xuống lòng nước cùng một tiếng kêu thương rất lớn.

Ở Đa lạt tôi không biết ngôi mộ của họa sĩ ở đâu để đến ngắt một bông hoa bươm bướm cắm lên đấy như một lần đã hứa.

Những lời hứa của một con đàn bà nhẹ lòng. Sao vẫn có những người đàn ông cứ muốn nghe lời tôi nói.



Lê Thị Huệ, sân cỏ giảng đường Minh Thành, Văn Khoa, Đại Học Đà Lạt 1972


Ở Đa lạt tôi ngồi trong cà phê Tùng nâng niu tập thơ của Nguyễn Bắc Sơn. Người đàn ông đã đặt những nụ hôn thơm nhất lên cánh tay trần của những đàn bà con gái đời thường Nam Phương.

Ôi thi sĩ và những Nam Phương hiền hậu nghèo và đẹp

Người Hoa Khôi Áo Rách, thơ, Nguyễn Bắc Sơn.

"Anh có nghe chuyện đời em lận đận
Những chuyến đi buôn và những chuyến xe đò
Tiếng nói sau lưng lời chua chát nhỏ to
Giòng lệ em khô nhưng vẫn là giòng lệ mặn"

Tại sao ở Việt Nam đã để hoa khôi mặc áo rách qúa lâu. Tại sao những người đàn ông Việt Nam đi làm lịch sử đã thất bại trong nhiệm vụ kiếm áo lành cho hoa khôi mặc. Tại sao xứ sở này cứ nằm trong tay những tên đàn ông thổ phỉ. Tại sao những người đàn ông lương thiện như thi sĩ không thắng trận để những hoa khôi được mặc áo đẹp, dành thời giờ trang điểm cuộc đời thay vì cứ mất thời giờ đi buôn khoai lang, đi lau chùi khách sạn.

"Tiếc câu thơ anh không thể làm cho đi em ấm cúng
Tiếc loài người bày ra xích xiềng huyễn mộng
Đến nỗi quên mình là hạt giống vô biên"

Chúng tôi cần những thi sĩ này. Hãy mang họ trở về thành phố.
Chúng tôi cần vòng mắt môi ấm nồng của những người đàn ông này.

"Đứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn
Là thấy mình lạnh buốt mấy nghìn năm
Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm
Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ
Đã nhìn mình rất ấm một ngày xưa"

Hãy để cho hoa khôi sống cạnh thi sĩ. Hãy để hoa khôi nấu cá bống kho tộ cho thi sĩ đi câu cá.

"Ta ngồi câu cá bên bờ sông
Để cho tâm trí được phiêu bồng
Cá chẳng đớp mồi càng thấy thích
Miễn là câu được đám mây bông"

Ôi ước chi xứ sở ấy biết trải chiếu hoa về một chân dung đàn ông lương thiện cạnh hoa khôi hiền lương. Là hình ảnh vĩnh cửu hơn là những tượng chúa tượng phật đua nhau mọc lên dọc quốc lộ. Là ảnh mầu đáng lồng khuông tôn thờ hơn là những lãnh tụ. Là chỉ tiêu đáng đạt hơn bất cứ chỉ tiêu lịch sử nào khác.

Tại sao một tâm hồn hào hoa yêu người như thế không ra chỉ huy văn minh văn hóa nhân loại mà lại đi biến thành người điên. Nguyễn Bắc Sơn. Tôi nghe nói anh đang bị điên như muốn chết. Việt Nam hiện đại và danh sách thi sĩ điên. Bùi Giáng, thi sĩ điên. Nguyễn Tất Nhiên, thi sĩ điên, Nguyễn đức Sơn, thi sĩ điên.

Xứ sở nào để cho nhiều thi sĩ điên là xứ sở đó tệ quá đi thôi.

Hãy lay động hỡi xứ sở u mê.
Hãy thức tỉnh hỡi những xứ sở nô lệ.
Hãy choàng tỉnh dậy hỡi những quốc gia mỏi mệt.

Tôi rời khỏi cà phê Tùng. Bước đi một mình trong đêm tối. Lại mò mẫm và chân vấp những cục đá to chình ình nằm bổ nghiêng bổ ngửa trên những đại lộ gió bấc Đa lạt.

Tôi nhân danh là một nàng thơ. Tôi nhân danh là một người nữ trong thơ, phản đối xứ sở đã tra tấn những thi sĩ và biến những hoa khôi thành những nàng Mỵ áo rách.

Tôi muốn thi sĩ được sống cạnh hoa khôi của anh trên một ngọn đồi thơ mộng ở cao nguyên Việt Nam.

Lê Thị Huệ

1995


Lê Thị Huệ, Sapa, 1998