lê thị huệ
Lời Khai Xung Phong
chuyện ngắn
Tôi ký tên dưới đây Nguyễn Thiện Cơ sanh ngày 30 tháng giêng năm một ngàn chín trăm năm mươi hai tại Cần Thơ Việt nam. Nghề nghiệp: Kế toán viên. Tôn giáo: Đạo phật. Tính trạng gia đình: một vợ một con còn ở Việt nam. Trước ngày cộng sản cướp Miền Nam năm Bảy Mươi Lăm, tôi là một sĩ quan tâm lý chiến thuộc sư đoàn Hai Mươi Ba Bộ Binh. Bị cộng sản bắt ở mặt trận Ban Mê Thuột từ tháng tư năm 1975, tôi đã bị giam ở những trại giam Kontum., Pleiku. Đến năm 1979 vì bị lao phổi trầm trọng và bao tử nặng gần chết nên được Việt Cộng thả ra. Tôi vượt biên đến Mã lai một năm sau đó. Rồi mới định cư ở Hoa Kỳ.
Tôi xung phong viết lời cung khai này để trình lại nội vụ của tôi như sau:
Sau một thời gian định cư ở Fresno khoảng một năm thì tôi dọn lên San Francisco và vào ở nhà của Mã Sang. Tôi gặp Mã sang ngay khi mới dọn lên đây. Mã Sang là một người em họ xa phía bên nội tôi. Mã Sang không phải là tên nó. Tên thật của nó là Nguyễn Văn Sửu. Sang cũng không phải là người Hoa. Nhưng trong đợt xuất cảnh người Hoa thì chính quyền Hà Nội muốn tống bớt những người này ra khỏi Việ Nam, Nguyễn Văn Sửu chạy được một giấy khai sanh giả và thay đổi lý lịch để có thể rời Việt Nam.
Hồi trước năm bảy mươi lăm tôi không để ý đến Sửu lắm. Chỉ nghe phong văn người trong họ là tuy nhỏ tuổi nhưng Sửu làm ăn giỏi. Hắn chuyên chạy áp phe và mở một tiệm thuốc tây ở Tây Ninh.
Cho tới ngày Sửu gặp tôi ở chợ Tàu San Francisco. Nó nhận ra tôi tay bắt mặt mừng: “Anh Cơ con bác Ba đây phải không? Em là Sửu đây nè, Sửu con chú Tư Lang ở Tây Ninh đó. Giờ em hết tên Sửu rồi. Giờ em tên Sang”. Rồi Sửu khoe là nó có một căn nhà ở Daly City, Sửu cưới một cô vợ Tàu nhưng nay đã ly dị. Nó giữ lại căn nhà sau khi ly dị và hiện đang kiếm người cho thuê phòng để bớt tiền nhà. Sửu rủ tôi về nhà nó ở. Tôi chân ướt chân ráo mới dọn lên San Francisco, cũng đang loay hoay kiếm phòng ở. Nên nhận lời. Nó dẫn tôi về nhà. Như để giải thích cho sự ngạc nhiên của tôi về ngôi nhà mà nó có thể sở hữu được sau một thời gian ngắn ở Hoa Kỳ, Sửu nói nhờ mối lái của cô vợ Tàu ấy mà nó làm ăn được. Bây giờ nó đi buôn thực phẩm Á châu, từ những nước như Thái Lan, Hồng Kông, sang Hoa Kỳ cho các chợ Tàu và chợ Việt Nam ở đây.
Tuy ở nhà Mã Sang, nhưng tôi ít gặp hắn. Có khi gần cả tháng chúng tôi không gặp nhau. Sang luôn luôn bận đi làm ăn. Ngôi nhà có ba phòng ngủ. Mã Sang một phòng. Cặp vợ chồng mới cưới một phòng. Và tôi một phòng. Thỉnh thoảng Sang dẫn một vài người bạn Hoa và Việt về nhà.
Trong số bạn bè của Sang có tên Lai, người Việt. Tôi gặp tên Lai qua sự giới thiệu của Sang. Sau này theo chính miệng Sang kể lại, tôi nghe nói hắn trước sinh sống ở Ai Lao, đã sang Pháp rồi mới sang Hoa Kỳ. Lai biết tiếng Việt, tiếng Tàu, tiếng Lào, tiếng Pháp, tiếng Anh. Nếu phải đặt cho Lai một biệt hiệu thì không ngần ngại đặt cho hắn cái tên “Mặt Chuột” vì cái mặt nhỏ, có tí ria mép, răng nhọn, mắt hí với hai tròng đen đục liếc đảo nhanh nhẹn. Lúc đầu Lai đến khi Mã Sang có mặt ở nhà. Nhưng sau này có khi hắn đến bất chợt vào những giờ chiều tối hoặc cuối tuần tìm gặp tôi. Gặp lúc bạn bè tôi họp mặt tán dóc hay ăn nhậu, tên Lai xáp vào một cách tự nhiên.
Một con người như vậy thì có dấu hiệu gì để tố cáo tôi giết người.
Hắn thường xà vào ngồi lì đấy. Chúng tôi là một nhóm bạn lính tráng cũ ở Việt nam. Thỉnh thoảng chúng tôi tụ họp ăn nhậu, đùa giỡn, nói đủ thứ chuyện từ chuyện thời cuộc cho tới chuyện đàn bà. Dĩ nhiên trong những cuộc gặp gỡ này, có ba tí rượu bia vào, đứa nào cũng nói vung cả lên. Chúng tôi hay nói về những ngày cũ trong quân đội. Như đứa nào ở đơn vị nào, đánh trận nào . Bạn bè, chỉ huy và lính tráng cũ, ai còn ai mất. Có một điều chúng tôi rất ít đề cập nhưng nó cứ chờn vờn trong mọi câu chuyện, đó là những ngày ở tù cộng sản. Chúng tôi đứa nào cũng nếm ít nhất là ba năm tù “cải tạo” trở lên. Trực một cựu sĩ quan nhảy dù, là đứa đã từng ở sáu năm trong trại tù miền Bắc. Hắn vừa đến Hoa Kỳ. Hắn biết nhiều về những nhà tù ở Việt cộng nhất nhưng lại là đứa lầm lì ít nói về chuyện này. Chỉ thỉnh thoảng hắn chơi những cú bất ngờ. Như khi chúng tôi nói về một thằng anh em phản bội, tố một bạn tù vốn là một thằng bạn cảu chúng tôi từ những năm trung học đến độ thằng này bị mang ra bắn chết. Trực nghe nhắc lại chuyện trên, thình lình đứng dậy rút con dao phay ra cắm phật lên mặt bàn và chửi thề: “ĐM, thằng phản bội anh em đó bây giờ ở đâu?”
Sanh, một thằng ở sư đoàn 22, ngày trước đã bị giam ở các trại Long Giao, Suối Máu mấy năm trời. Hắn chỉ nói về kinh nghiệm ở tù cộng sản mỗi khi có đề tài gì liên hệ đến ăn. Thậm chí thấy con chuột chạy ở dưới gầm tủ đựng thức ăn Sanh cũng có thể phang ngay một câu: “Mày tốt số ra đời ở đây chứ lạng quạng đẻ ra ở tù cải tạo là chết nhá con.” Sanh thường nói: “Ở tù cộng sản không có gì khủng khiếp cho bằng đói bụng. Tụi nó nuôi tù bằng chính sách bỏ đói” Sanh quay sang nói với Lai: “Ông thử tưởng tượng xem. Thân tôi cao thước sáu nặng trung bình sáu chục ký thế này, mà hồi đó chúng nó phát cho tôi mỗi ngày cỡ một lon sữa guigoz cơm với tí rau muống luộc nước lõng bõng. Làm sao mà chịu nổi.”
Lai hay gật gù mà không nói gì.
Phần tôi, thỉnh thoảng tôi kể chuyện tiếu lâm Cộng Sản. Tôi có khả năng bắt chước giọng của mấy tên cán bộ Cộng Sản tra khảo tù nhân rồi thêm tí nhưng tí nhị vào cho nó thành chuyện diễu. Các bạn tôi thường nghe tôi kể chuyện và lăn ra cười bò khoái chí. Riêng tên Lai, hắn cũng lắng nghe nhưng sau đấy hắn không cười sùng sục từng tràng như các bạn tôi, mà chỉ nhếch mép cười mỉm đóng góp.Tôi chỉ bắt đầu không thích hắn lắm kể từ hôm hắn phát biểu một điều mà tôi nghe được. Lần đó tôi kể một câu chuyện về tên cai tù có vợ từ Bắc vào thăm, nửa đêm tâm sự với vợ làm sao để bọn tù nhân nghe được. Tôi bắt chước giọng tên cán bộ nói vần n ra , và l ra n. Câu chuyện có tí tục khiến các bạn tôi cười rung bàn, đổ cả chai rượu ra mặt bàn. Lai không cười theo, nhìn các bạn tôi cười và lẩm bẩm: “Mấy cái ông này. Ở tù đến vậy mà còn ham chuyện tiếu lâm.” Hắn nói rất nhỏ, tưởng không ai để ý nhưng tôi nghe lọt. Tôi nhìn Lai. Hắn thường ít uống nhưng luôn tay rót thêm rượu hay bia vào ly người khác khi thấy chủ nhân ham trò chuyện hay nhìn đi nơi khác. Tôi thầm nghĩ tên này là một tên đáng vứt đi. Một con người không có khả năng cười giỡn trên những đau khổ là con người không đáng để tôi làm bạn với. Tâm hồn hắn nghèo nàn biết là dường nào.
Các bạn tôi quả là những tay có đầu óc khôi hài có hạng. Khi nghe tin hắn tố cáo tôi, chúng lại tập hợp ăn nhậu, nói chuyện tiếu lâm nhiều hơn. Tuấn, một cựu đại quý không quân nói : “Cái thằng mà mày gọi là “Mặt Chuột” đó, nó giỏi đánh tiết canh vịt đấy chứ. Nó thường hảnh diện khoe với tao cái bí quyết nắm cổ con vịt còn sống, làm sao để cắt cổ cho máu ra nhiều, làm so pha nước lạnh cho tí nước mắm vừa phải để máu khỏi đông, làm so để khi trộn bát tiết ấy vào với thịt gan phèo phổi thì nó đông lại thành một món nhậu ngon.”
Kỷ niệm đáng nhớ giữa tôi và tên Lai là lần hắn vào phòng tôi và lấy khẩu súng ở gốc phòng. Khẩu súng này nguyên không phải của tôi mà là của Trực. Một hôm Trực mang khẩu súng đến trao cho tôi và nói: “Con vợ tao sợ tao giữ súng. Tụi tao vừa mới cãi nhau. Nó dẵn hết con về bên nhà mẹ nó, bảo tao đem súng qua gởi cho mày thì nó mới chịu đem con về. Đàn bà thật rắc rối.” Lai thấy khẩu súng thì lân la đến gần hỏi chuyện. “Súng của ông đó hả?”, Lai hỏi tôi. Tôi không trả lời mà cầm khẩu súng lên vân vê, rồi nheo mắt, đưa thẳng cánh tay về hướng cửa sổ như nhắm một mục tiêu ở bên ngoài. Lai nhìn tôi chơi với khẩu súng và tiếp tục hỏi: “Ông có biết ông Shah của nước Iran không?” “Biết”, tôi đáp. “Ông nội đó. Lai nói, mới bị dân đuổi ra khỏi nước đã uất lên mà chết. Ông ta không chết cách đó thì trước sau gì cũng bị những nhóm khủng bố Iran ám sát.” “Làm sao ông chắc được?” Tôi nói. Lai lườm lười nhìn tôi. Hai cái tròng đen đục lờ đờ của hắn bổng đứng yên. “Chắc mà, hắn nhếch miệng nói. Dân đó trả thù gớm lắm. Kẻ nào bị coi là kẻ thù, họ không để yên đâu. Huống hồ ông này bị coi là kẻ hại dân hại nước…” Rồi hắn nói tiếp một lô những điều không đâu ra đâu cả. Tôi phớ lờ bằng cách dọn dẹp phòng và tìm cách cho hắn ra khỏi phòng. Trước khi ra khỏi phòng, tôi nhớ hắn có hỏi tôi: “Dám giết người không ông?” Hắn hỏi. Tôi cười lên khanh khách, trừng mắt nhìn hắn và nói: “Mẹ, ông mà biết thằng nào Việt Cộng, ông thịt nó.”
Tên Lai hay đến bất ngờ, gõ cửa rồi nhào vô nhà mà không bao giờ điện thoại trước. Hắn ngồi ở phòng khách hoặc lẽo đẽo theo tôi vào phòng ăn, nói đủ chuyện. Phải nói cái thành ngữ “dai như đĩa” áp dụng trên hắn thật là đúng. Hắn đến nhà ngồi có khi đến năm bảy tiếng đồng hồ. Cho đến khi tôi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà hắn mới về. Tôi không biết hắn sinh sống ra sao nhưng hắn luôn luôn ăn mặc tươm tất, đi chiếc xe Pinto đời 78. Tôi kết luận hắn thất nghiệp và sống nhờ vợ. Vì đã có vài lần tôi nhận được điện thoại của một người đàn bà có giọng nói lờ lợ chất phác của những người Việt sinh sống ở Lào lâu năm. “Chú ơi, có chồng tôi ở đấy không?” Bà ta thường bắt đầu như thế rồi tiếp ngay cái điệp khúc quen thuộc: “Thật khổ! Người đâu chả chịu làm ăn gì cả. Cứ la cà hết nhà người này sang nhà người khác. Chỗ này đến chỗ nọ cho sinh chuyện.” Mà chưa cần biết ngay là có chồng bà ta ở đấy hay không.
Chính tên Lai này đi tố cáo tôi giết Mã Sang?. Vậy sao? Tôi không ngạc nhiên về lời tố cáo này lắm. Những năm sống với cộng sản tôi đã quen với những hình thức tố cáo không bằng chứng không tội phạm không lý do. Tôi đã quen với hiện tượng này đến độ khi nghe hắn đi tố cáo tôi với cảnh sát, tôi đã không thấy dậy lên một phản kháng nào ngay. Mãi một tuần lễ sau, khi ăn ngồi ăn nhậu với bạn bè tôi mới nói với chúng: “Nói cho đúng thì có bao giờ tao để ý đến cái thằng đó đâu.”
Nay sang trường hợp của Mã Sang.
Nếu Mã Sang là một tên Cộng Sản lợi hại thì quả hắn thuộc vào hàng ngũ kẻ thù của tôi. Cho dẫu hắn là bà con tôi chăng nữa.
Mà đối với kẻ thù, nhiều lần tôi tự nhủ, không có cách phục hận nào kích thích và thỏa lòng cho bằng một sự tiêu diệt.
Làm sao tôi có thể quên được những ngày đầy kinh hoàng ấy.
Nhớ lại những ngày trong trại”cải tạo”, tôi chỉ có một ao ước là nếu ra được khỏi tù thế nào tôi cũng phải trả thù. Phải trả thù cho những thằng bạn đã bị xử bắn oan ức. Phải trả thù cho những đứa bạn bất khuất bị giam giữ không bao giờ hy vọng một ngày về. Phải trả thù cho chính tôi, những ngày bị chúng xỉ vả, đá mũi giầy, quất báng súng, những ngày đói lả người, những ngày mắt mờ môi nứt miệng khạc ra từng búng máu. Phải trả thù cho ba tôi và anh tôi với hai nấm mộ trong nghĩa trang quân đội đã bị chúng cày bừa đi không còn dấu vết. Lòng thù của tôi ngày đó chất ngất. Phải chi vào cái lúc ấy tôi có thể hành động được. Đúng rồi. Phải chi tôi hành động được vào cái lúc chỉ nghĩ đến ý tưởng trả thù không thôi tai đã muốn lùng bùng máu đã muốn đông nghẹt trong lòng ngực. Một nhát dao, một viên đạn, một cú đấm thôi sôn vào kẻ thù lúc ấy hả hê biết là dường nào. Phải chi, đúng rồi, phải chi trong cơn đói cuống cuồng của cái bao tử rỗng, hay trong lúc bị tên cai tù lấy báng súng hất vào lồng ngực lựa người như lựa tôm lựa cá trong rổ ấy. Một nhát dao, một viên đạn, một cú đấm thôi sơn gọn biết đến dường nào. Trời! Phải chi tôi có thể hành động được vào những lúc ấy.
Nghĩ lại, những năm trong quân ngũ, tôi chưa bắn một viên đạn nào vào kẻ thù.
Tôi vào lính, phục vụ ngành tâm lý chiến. Cái tên chiến tranh chính trị đối với những nhà mưu lược là cái gì lớn lao. Nhưng đối với trường hợp tôi hơi đặc biệt. Tôi chỉ là một chuyên viên văn nghệ. Tôi biết đàn, biết hát, biết soạn hợp ca, biết tập kịch, biết tí viết lách, nên tôi chỉ viết báo và tập văn nghệ. Tôi làm việc ở bộ chỉ huy sư đoàn. Phần vụ thường là do những chương trình văn nghệ giúp vui cho lính, hợp tác với các toán Xây Dựng Nông Thôn địa phương để tổ chức văn nghệ ở các quận cho đồng bào xem. Và viết báo quân đội. Tôi ít viết báo hơn làm văn nghệ. Trong những dịp làm văn nghệ, khán giả và bạn bè thường yêu cầu tôi hát những bài mà giọng ca tôi thích hợp. Đó là những bản tình ca, chớ khong ai hảo nghe tôi ca những bài ca có tính cách tuyên truyền như: “Thề uống máu quân thù…Quyết phân thay giặc công nô…” Mấy năm trong quân đội danh tiếng tôi vang vang không phải là một ông thiếu uý hay trung úy sư đoàn nào, mà tôi nổi tiếng là một nam ca sỉ tỉnh lẻ có giọng ca trầm ấm. Giọng ca của tôi được để ý đến độ khi tôi trở về Cần Thơ quê tôi, mọi người cũng gọi tôi là “ông ca sỉ” chớ không ai gọi tôi là “ông thiếu úy” hay “ông trung úy”
Khi những người Cộng Sản bắt tối, họ liệt tôi vào thành phần “ác ôn” vì cái nhãn hiệu Chiến Tranh Chính Trị. Họ xem tôi đáng sợ hơn các bạn tôi, những đứa tác chiến thứ dữ cỡ Biệt Kích, Biệt Động Quân, Nhảy Dù… Bao nhiêu lần thẩm vấn, bao nhiêu lần cung khai lý lịch, tôi khai một cách thành thật rằng tôi chỉ là một anh ca sĩ có giọng ca trầm ấm thích hợp với những bản nhạc tình nhẹ nhàng. Họ nghiên cứu những lời khai của tôi một cách kỹ lưỡng và cứ tiếp tục liệt tôi vào thành phần “ác ôn” . Rồi giam tôi vào trại tù dành cho loại tù nhân “nguy hiểm”
Tôi được thả ra vào những ngày gần hấp hối. Lúc ấy bệnh lao phổi của tôi đã đến thời kỳ thứ ba và chứng bao tử hành hạ khiến tôi không thể ăn uống bất cứ thứ gì ngoài húp nước cháo. Tôi đi đứng run rẩy, chỉ còn da bộc nằm xương cân nặng ba muoi sáu ký. Họ sợ giữ tôi lại chỉ mất công chôn cất.
Không ngờ về nhà chỉ một thời gian, nhờ vào sự chăm sóc của mẹ và vợ mà tôi giảm bệnh. Rồi cả nhà lo cho tôi vượt biên ngay khi sức khỏe tôi chỉ vừa mới phục hồi một nữa.
Sang đến Hoa Kỳ thì sức khỏe của tôi gần như trở lại như xưa. Giọng ca của tôi cũng từ từ lấy lại phong độ. Thỉnh thoảng ngồi đàn hát những bài ca cũ một mình, tôi tìm thấy làn hơi mình cũng đã có phần quen thân trở lại. Điều mà lúc còn ở trong tù tôi đã tưởng sự giam cầm, đói khát và bệnh tật đã làm tịt mất tiếng hát. Những tưởng không bao giờ có thể cầm lại cây đàn hát lại một bài ca yêu chuộng nào nữa.
Duy có điều lòng thù hận của tôi thì từ từ lắng dịu.
Tôi thấy khó khăn mà khêu dậy mối thù. Trí nhớ của tôi không phôi pha. Những ngày tháng bị giam cầm và hành hạ còn sờ sờ trước mặt. Miệng tôi luôn luôn chửi thề: “ĐM mấy thằng Việt cộng”
Nhưng những đêm khuya nằm trăn trở trên chiếc giường độc thân tôi thấy sao lòng tôi lắng dịu quá. Có khi tôi như một người hoảng hốt, ngồi dậy quơ lấy cây đàn ở đầu giường. Tôi đàn rồi tôi hát. Tôi muốn khuấy động cái tâm hồn thinh không của mình. Nhưng tiếng hát và những nốt nhạc ngân lên rồi vọng lại, chỉ làm tôi nhớ nhà và nhớ vợ con hơn. Đôi khi tôi thức giấc vào lúc ba hoặc bốn giờ sáng. Tôi vỗ tay lên đầu ra vẽ như nhức đầu. Nhưng tôi không nhức đầu, mà chỉ thấy nhói lên trong lồng ngực. Cái nhói lên đau đớn vì biết mình không giữ được sự thù hận trong lòng. Những nhịp tim nhức nhối cứ thỉnh thoảng xuất hiện. Có dạo nó xảy ra hơi thường xuyên và làm cho tôi khó thở. Tôi tưởng bệnh phổi tái phát. Tôi đến phòng mạch bác sĩ. Ông bác sĩ dấm dớ này bảo: “Anh có những triệu chứng đau tim. Nên giữ gìn sức khỏe.”
Không ai biết được tôi chỉ muốn nóng mặt. Chỉ muốn hừng hực lên cơn hận thù của những ngày mà chúng hành hạ thân xác và tâm hồn tôi đến tơi tả. Phải giữ mối thù. Tôi tự nhủ với tôi như vậy. Tôi cầm khẩu súng Colt của Trực lên, sờ mó, vân vê, lật qua lật lại trên hai bàn tay, xem lòng tôi có theo nó mà thức dậy mối thù. Nhưng thật oái ăm! Ở trong chỗ thâm sâu nhất của lòng tôi, tôi khám phá ra một điều đau đớn là tôi không nóng lên đủ. Tôi không thù hận. Khẩu súng tôi làm tôi gia tăng lượng máu trong huyết quản. Lòng tôi sao bình tĩnh thường tình quá. Nó vẫn là vật xa lạ. Xa lạ như những ngày trong quân ngũ tôi đã không bao giờ sử dụng đến nó.
Vào khoảng tháng ba vừa qua. Mã Sang báo cho biết là hắn phải bán nhà. Tôi vừa dọn ra hơn một tháng thì nghe tin Mã Sang bị bắn gục chết trước nhà. Rồi những người quen biết khám phá ra hắn là một tên Cộng Sản nằm vùng cao cấp.
Đến khi hắn chết người ta mới khui ra bao nhiêu vụ hoạt động của hắn. Mã Sang đã thiết lập một đường dây chuyển tiền về Việt Nam mà mặt trái của công việc này là cung cấp cho chính quyền Hà Nội danh sách những người có thân nhân ở ngoại quốc. Hắn còn là chuyên viên kinh tài cho Hà Nội trong những dịch vụ buôn bán với người Hoa. Có hai nguồn tin về cái chết của hắn. Một tin Mã Sang làm ăn với người Hoa khác bang và bị nhóm Hoa cộng giết dằn mặt. Tin khác nói là nhóm người Việt bị Mã Sang quịt tiền trong dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam, nên đã thanh toán Mã Sang để trả thù.
Nay tôi biết Mã Sang là một tên Cộng Sản lợi hại. Ngày trước hắn chuyên chở thuốc Tây vào rừng cho Việt Cộng. Bây giờ lại đi kinh tài tiếp tục cho bọn này. Mã Sang là một trong những đứa đã góp sức đẩy miền Nam vào tay Cộng Sản và ngày nay lại ra củng cố chế độ này. Một người như hắn chắc chắn có nhiều kẻ thù. Cứ đem nguyên lý thông thường “ác giả ác báo” ra mà đối chiếu, thì cái chết của hắn không có điểm nào để đáng được bênh vực.
Vụ ám sát Mã Sang làm tôi bệnh. Tôi lên cơn sốt khơi khơi khi nghe và biết tất cả sự thật về Mã Sang. Dù thế nào thì Mã Sang chỉ là một tên vô lại tép riu ở trong guồng máy của bọn cầm quyền Hà Nội. Hắn không đáng để tôi dồn tất cả mối thâm thù vào đấy.Cái vòng câu hỏi và biện luận lẩn quẩn trong đầu làm cho người tôi căng thẳng và nóng sốt. Mà kẻ thù và mục tiêu trả thù thì cứ càng lúc càng xa rời cái tâm điểm muốn tìm lại mối thù trong tôi.
Người ta không thể trả thù khi không động lực thúc đẩy. Hãy tin tôi đi. Đứng về một phương diện nào đó, ước gì tôi có thể hành động như kẻ ám sát Mã Sang. Tiếc rằng tôi đã để mất mối thù.
Sáng thứ hai này tôi gọi vào sở, nói với cô thư ký rằng tôi nóng sốt và cần nghỉ ít hôm. Cô thư ký có giọng nói thân mật vẫn là người mà thỉnh thoảng tôi trò chuyện ở sở. Cô ta hỏi thăm và tôi thành thật nói về câu chuyện của tôi. Với giọng nói trong trẻo dịu hiền của cô ta, và trong một lúc cao hứng, tôi đã nói hơi dài dòng về nổi ám ảnh tù đầy, cái chết của Mã Sang, và sự phục thù.
Như vậy mà người ta chở tôi vào nhà thương. Xe cảnh sát và xe cứu thương tới vây quanh phòng trọ sau khi tôi noí chuyện với cô thư ký. Tôi đã bị đưa vào nhà thương tâm lý ngoài ý muốn. Những cuộc chẩn bệnh, những câu hỏi tra khảo lý lịch, những nụ cười che dấu hai con mắt mổ xẻ của mấy vị y sĩ tâm thần làm cho tôi chóng mặt và chán ngấy. Nó tố cáo cái màng lưới thẩm vấn tra khảo và xếp hạng của một thứ ngục tù khác. Có khác chăng ở đấy là thứ ngục tù thân xác. Ở đấy là thứ ngục tù tâm thần.
Những câu hỏi về kẻ thù thứ nhất chưa được xác định. Tôi kiệt lực để đương đầu với tất cả những gì xảy ra tiếp theo sau.
Những lời khai trên đây của tôi được viết trong lúc tôi bị giữ lại ở bệnh viện tâm trí thành phố San Francisco. Lời khai được viết ra với mục đích để mọi người liên quan muốn phê phán tôi, thấy rằng tôi là kẻ sáng suốt vô tội.
lê thị huệ
(trích từ Trăng Đất Khách, tuyển tập Các Cây Bút Nữ Hải Ngoại, do tạp chí Làng Văn Canada phát hành 1987)
http://www.gio-o.com/LeThiHue2.html
© 2008 gio-o