LÊ THỊ HUỆ

Người Đàn Bà Ôm Tay Lái,
Khi Ở Trong Xe Một Mình.

                                                                                                                                      gửi Ngọc Phụng

tùy ký.

Một người bạn kịch nghệ sống lâu năm ở trạm New York khi về thăm trạm Cali, đã quầy quả tôi: Nơi bạn ở thì có gì hấp dẫn. Tôi đã nói về những điều gì đó, nhưng hình như tôi đã quên nói về một điều tôi thường gặp ở nơi này.

Ở New York cũng như nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, phương tiện giao thông công cộng thuận tiện, nên ít người mua xe hơi riêng. Còn ở Cali đất rộng nhà thưa nên hầu như ai cũng sở hữu một hay hai chiếc xe hơi riêng.

Thế nên ở Cali là phải biết lái xe. Biết niềm vui phóng ga xa lộ. Biết nỗi khổ kẹt xe 5 MPH một giờ.

Biết thẩm du cuộc đời ở những chỗ ngồi yên vị nơi nhân gian lái xe một mình.

Lái xe một mình. Hay những lúc ở bên trong, ngắm thời gian đang trôi ngoài kính xe trong vắt thủy tinh và nhìn nhân gian vỗ cánh xếp lại gần, với tôi là một hạnh phúc áp tầm tay với nhất.

Trong bao nhiêu năm tôi đã bội thu sinh hoạt này, và tự nhủ, một ngày nào đó sẽ viết về.

Tôi trưởng thành ở Mỹ, xứ sở thẩm du (thủ dâm) Cá Nhân Chủ Nghĩa Individualism. Chiếc xe hơi là một trong những biểu tượng của Tự Do Cá Nhân hạng nhất.

Chỉ có nước Mỹ ích kỷ thù lu mới có sơ đồ mỗi người lái xe một mình trên những xa lộ Cali thênh thang.

Quá sức ích kỷ!  Đã bao nhiều lần tôi mắng mỏ hiện tượng ở Mỹ xe bốn chỗ ngồi, mà cứ một người một tay lái.  Mỗi người một con đường. Không ai chịu chia xe như chia appple pie.  Chật đường và tốn xăng! Trong khi cả thế giới lọ mọ lị rị nhít đổ từng lít xăng. Thì người Mỹ ngốn hambuger với frenfries cho cố vào để thành người to đùng. Rồi lái xe hả họng mở vòi tọng xăng đầy thùng. Tốn kém nhiên liệu của cả thế giới.  

Cả thế giới tiêu ba bồ xăng. Một mình nước Mỹ tiêu 1/4 nhiên liệu của loài người có hai chân.

Sau đó là chiến tranh cao bồi du đãng xâm lược. Là vác quân và khiêng vũ khí sang Ia Rắc bòn vét hết các mỏ dầu của người ta cho thoả mãn giấc mộng đế quốc phú lang sa của người Tây.

Tôi sống ở Cali. Xe hơi là đôi hia ngàn dặm.

Tôi đã sở hữu nhiều chiếc xe bốn chỗ ngồi trong một đời người. Tập lái xe hơi dễ gấp trăm lần tập lái xe đạp và xe gắn máy hai bánh. Con trai dạy con gái lái xe. Tên bạn du học sinh Nhật Bổn của tôi ngày đó có chiếc xe con cóc Volkswagen cũ kỹ tay số sơn mầu cờ Mỹ xanh trắng đỏ đến đâu ai cũng nhận ra. Hắn dạy tôi lái tay số. Thế là từ khi lái xe cho đến bây giờ, tôi chỉ lái xe tay số.

Tuần qua con trai tôi vừa ghi danh học lái. Tôi kiếm một trường dạy lái xe tay số cho con nhưng tìm mãi chưa ra. Tôi không nghĩ là tôi có khả năng dạy con trai tôi học lái xe. Công nhận con trai mà lái xe tự động và không biết lái xe tay số thì nhảm qúa. Tôi nói với con trai. Lái xe tay số có cái thú sang số, rú ga, qua mặt thiên hạ vèo vèo. Đã ơi là đã.

Bình đẳng giới tính tính từ trong nhà tính ra. Tôi đã dạy cho con tôi sự tôn trọng phụ nữ:  Có nhiều việc đàn ông và đàn bà nên chia sẻ ngang nhau, vì có những điều đàn ông và đàn bà cũng yêu thích và có khả năng ngang nhau. Con trai tôi lớn lên đã quen nói: Bố nướng thịt gà ngon ngon. Mẹ đổ bánh xèo vàng vàng con thích, nhưng mẹ làm bánh mì kẹp sanwiches không ngon bằng con. Thế là buổi sáng, con trai mười lăm tuổi làm bánh mì cho con, làm luôn phần cho mẹ.

Tôi hạnh phúc cầm phần bánh mì con trai tặng mỗi sáng mai ra xe rồ máy chạy.

Sáng nay là những ngày đầu trời hanh hen mùa thu.  Nắng sáng ở Cali ươm vàng tươi vào kiếng xe.  Ấm cúng trong trẻo hơi thở trời đất mơn man gọi mời. Tôi pha ly cà phê, nổ máy, chờ xe ấm dần, xuýt xoa, nghe bản tin KCBS buổi sáng. Tôi tận hưởng từng phút giây. Tôi sắp đi từ một điểm đậu xe này và sẽ đến một điểm đậu xe khác. Cái đầu không cần suy nghĩ.  Chẳng hạn không cần lo chạy lè lẹ không thôi trễ, chẳng hạn không muốn nghĩ đến công việc ngày hôm nay sẽ nhức đầu đến đâu, chẳng hạn có hàng tỉ điều phải lo nghĩ khác. Như vậy một người đàn bà với chút ít lo toan đời thường, được thảnh thơi nhất vào cái phút giây ngồi ôm tay lái nhìn nắng thu vàng quánh vườn lá hồng cuối mùa ở hàng cây bên kia đường. Thong thả nhấp ngụm cà phê. Ấm êm bên trong một chỗ ngồi hạn hẹp và đúng vị trí.

Nên tôi cảm thấy bình yên và không vô dụng trong phút giây tôi khắn khít vào chỗ ngồi ôm tay lái .

Người đàn bà ngồi vào vị thế tay lái. Chờ đợi phút giây nổ máy xe lên đường.

Một chỗ ngồi cực kỳ rung chuyển thân thế người phụ nữ.   

Cảm giác thấy mình không phung phí thời giờ mặc dầu tôi đang ngồi ngắm nhìn ánh sáng của ban mai nhảy múa trên con đường.  Là một thứ cảm giác an toàn với chính mình.  Người đàn bà chia sẻ thân tâm với tha nhân thường trực. Trong não thùy trái phải trong cái đầu của người đàn bà khi nào cũng hiện lên nhu cầu của người khác song song với nhu cầu của mình.

Con mình hôm nay ăn cái gì trên trường. Không biết nó uống nước đủ không, trước khi nghĩ đến hôm nay mình quên mang theo kẹo cà phê để ngậm trong khi ngồi họp với đồng nghiệp chán ngắc ngư những câu hỏi hóc búa không có câu trả lời.

Nhu cầu "an toàn xa lộ" là một nhu cầu lớn của mỗi người đàn bà.

An toàn là một nhu cầu bất khả cách ly trong thân tâm chúng tôi.

Bởi vậy sáng mùa thu ngồi ôm bánh lái chờ đợi phút giây lên đường nhìn đời qua kiếng xe, là một cảm giác cực sướng.  Vì khoảng giây mười phút ấy, người đàn bà làm chủ được một hạnh phúc riêng tư với một bảo đảm an toàn không tình cờ.

Ôm tay lái là một hành động tự làm chủ số mệnh sắp sửa lên đường. Hành động ngồi vaò vị thế tay lái luôn luôn là một hành động anh hùng chủ động. Phần lớn ai biết lái xe rồi, khi ngồi lên xe cũng thích ngồi vào vị thế ôm tay lái.  Một lần tôi về Việt Nam, đi chơi xa, phải đi chung với mấy bạn bè giáo viên của cô em chồng. Trên xe toàn là đàn bà con gái.  Chỉ có anh tài xế là giống đực. Chuyến xe du ngoạn từ Sài gòn đi Mỹ tho.  Tất cả các cô cứ chăm chút đút mớm cho anh tài xế và nói lái xe mệt tội nghiệp. Tôi thấy vậy bèn nói:  Thôi đi qúi vị chưa bao giờ lái xe ơi. Ở trong xe ngồi vào chỗ tay lái ấy là sướng nhất đấy. Vì mình sẽ bận rộn tay, mắt, và đầu óc suốt. Vì mình biết mình làm chủ được con đường, làm chủ được số mệnh của mình. Còn cái người ngồi bên cạnh là người thụ động phải chứng kiến tình huống giao phó số mệnh mình trong tay người khác mới là khổ.  Sao không ai thương tôi đây.  Ngồi cạnh tài xế mà lại phải ngồi ngó trân một ông lù đù mới cầm vô lăng, chạy lạng quạng đường trường làm tim tôi muốn té ra ngoài luôn.

Sự chủ động điều khiển số mệnh mình khi ngồi vào vị thế tay lái là một hành động giải phóng cá nhân do nước Mỹ tình cờ tạo ra cho giới phụ nữ Mỹ.  Một điều khó có thể tìm thấy ở những quốc gia ít xử dụng xe hơi.  Đây là một điểm tín dụng giải phóng tự do cá nhân người nữ của nước Mỹ đương đại. Dù tôi chẳng thể khuyến khích các nước địa lý thủ đô chật như hũ mắm nêm mà bày đặt lái xe lái đồ ô nhiễm không khí một cách rất nhược tiểu. Giải phóng phụ nữ không thể chỉ là biểu tượng phải biết lái xe hơi. Sáng tạo lên đi chứ.

Phút giây ấy tôi ngồi trong xe một mình. Cửa kiếng kéo kín. Nhấp từng ngụm cà phê nóng. Áo len tím shop từ Tokyo năm ngoái. Khăn phu la lụa là quanh ngực do Trần Thị Lai Hồng vẽ.  Váy đen mua ở phố Huai Hai Shangai hè 06.  Má hồng Ester Lauder, son tím Lancome lượt là. Da thịt vừa tắm sáng còn mơn man thơm thơm. Tôi ngồi yên vị thoải mái chờ đợi phút giây lên đường. Chiếc xe bốn chỗ ngồi vừa đủ không gian cho tôi thở. Tôi chiếm vị thế tay lái.  Ba chỗ ngồi kia ư. Một chỗ cho chồng. Hai chỗ cho con. Như thế tôi không dư tí nào cả. Giờ phút này họ không ngồi vào các chỗ ấy. Nhưng trong thâm tâm tôi biết những chỗ ngồi ấy là một phần đời của tổng thể bốn chúng tôi.  Sự vắng mặt của họ trên những ghế xe mang lại cho tôi một cảm giác an toàn là tôi đang sống với, chứ không phải sống một mình ích kỷ carreer woman. Chúng mang cho tôi niềm hạnh phúc là tôi tạo lập được một thủ phủ đời sống. Như thế ba chỗ ngồi kia không dư thừa, mà chúng chứng tỏ tròn trịa sự hiện hữu của tôi, của chúng tôi.

Không gian của một chiếc xe bốn chỗ ngồi đã vân cẩu cuộc đời nhiều lắm. Nhiều hơn sinh họat một đơn vị gia đình xinh đẹp mà tôi mô tả trên. 

Những ngày còn con gái độc thân mút mùa ham vui,  có những lúc giận bồ bịch, leo lên xe, vừa dzọt ra đến xa lộ là bị cảnh sát chơi ngay một cái thẻ chạy qúa tốc độ. Những gì đã xảy ra trên xe như một tay lái xe một tay làm tình. Những nụ hôn say đắm. Những vật  vã khóc lóc giận hờn nhỏ to. Ai lớn lên ở Mỹ mà chưa hẹn hò và chưa quần nhau trên xe là chưa hoàn tất nghi lễ "tấn phong tư bản".

Ngày đó tôi bê nguyên hàng dày dép lên xe để sau lưng. Cho tiện!  Leo lên xe, mặc áo quần kiểu nào, xỏ ngay đôi giày thời trang thời ấy.  Luôn luôn lô nhô guốc giày sau lưng.  Vừa lái xe dò chừng tốc độ, vừa thò tay ra đằng sau móc giày lên. Ngắm nhìn và chọn lựa.  Tôi đã từng ước gì tôi chui vaò học ngành xe hơi.  Tôi sẽ vẽ lên một chiếc xe phục vụ nhu cầu con gái độc thân. Một chiếc xe cho chúng tôi bày hàng dày dép, son phấn, trong xe. Tại sao không ai làm điều này cả nhỉ

Khi vừa sanh hai thằng con xong, giày dép phải thiên di ra sau cốp xe. Thay thế vào đấy là tả, thức ăn, đồ chơi, và ghế ngồi cho con. Sự chuyển động nhu cầu này kết quả là: Năm các con tôi 2,3 tuổi ( tôi sanh năm một, đứa lớn cách đứa bé chỉ 12 tháng) đã có một lần khi vừa đến bãi đậu xe trường EVC, tôi nhìn xuống chân, mới thấy mình đã mang hai chiếc giày khác nhau,  một của hãng West, một của hãng Nina.

Tôi sanh con đầu lòng gian nan. Nên tôi đã không lái xe xe khoảng một tháng. Ngày đầu tiên trở lại lái xe, việc đầu tiên tôi chạy ra bưu điện 1943 để lấy thư. Tôi còn nhớ khi ngôì trở lại chỗ ngồi cũ thời chưa sanh con, tôi đã lái rất loạng quạng. Tay tôi hơi run run. Bánh xe hình như lấp vấp. Không gian trên đường phố hình như chao nghiêng mấp mô. Môt. cảm giác rất kỳ lạ. Như mình vừa tái sinh, và học tập lại với đời sống, cùng với con thơ vừa chào đời. Tôi đã ngồi thừ trên bãi đậu xe của bưu điện và nghĩ ngợi.   Tôi đã từng đi du lịch cả tháng không lái xe, nhưng khi lái xe trở lại tôi đâu bị xâm chiếm bởi một cảm giác tái sinh như thế này.

Những buổi trưa, lái đến một gốc cây già bóng mát đầm đề, tắt máy, kéo cửa kính vừa phải . Để có chút gió mát trưa hè thung lũng Cali thổi phơn phớt thổi vào.  Để không sợ thằng đàn ông khốn nạn nào chạy lại vồ mình trong xe.  Thế là tôi đánh một giấc ngủ trưa ngon ơi là ngon. "Riêng Tư" là một quyền lợi mà dân Tư Bản tranh đấu văng mạng để sở hữu nó. Chiếc xe giúp tôi khiêng vác sự Riêng Tư ra công cộng một cách chính thức vào những lúc tôi cần kíp.  Ở Cali ngồi vào chỗ tay lái, người đàn bà ngủ được những  giấc ngủ ngoan dưới vòm lá bên lề đường mà cảm thấy an toàn xa lộ . Không sợ bị ngọn gió hè quất lên mặt làm dày sô thịt da, không có những muỗi và ruồi vò vẽ quanh tai, không bị một người đàn ông quấy rầy!

Những giấc ngủ hoang bao giờ cũng tuyệt vời.  Những giấc ngủ hồi phục sinh lực vì đêm hôm trước ăn chơi rập rượng nên không đủ giờ ngủ. Những giấc ngủ bù đắp vì hôm trước phải thức khuya học hành những năm đại học. Những giấc ngủ ngày hôm sau trốn vào xe hơi vì đêm hôm trước bị giống đực đánh thức nửa đêm về sáng. Những giấc ngủ vì hôm trước không đủ giờ nuôi con ăn sữa đêm. Những giấc ngủ trưa trên xe hơi dưới một vòm cây lặng lẽ trong công viên, trong khu dân cư yên ắng, hay bên lề con đường xe cộ ào ào lướt quanh. Những giấc ngủ trưa tìm lại cho mình sức lực trong cái một không gian hết sức riêng tư trên chiếc xe hơi của mình: Đây là giá trị tự do và riêng tư sang trọng bậc nhất mà tôi đã tìm thấy khi sở hữu một chiếc xe hơi riêng ở nước Mỹ. Tôi phải tạ ơn sự sang trọng này.  Tự do đối với những người đàn ông Mỹ có thể là được chạy vi vút một mình trên xa lộ, nhấn ga đạp phanh, nghe tường trình football từ John Madden. Còn tôi, không dấu vết nào sung sướng bằng những giấc ngủ trưa bù đắp sức lực, không bồ, không bạn, không chồng, không con, không chị, không em, không ai quanh ta.

Chỉ mình tôi và những cơn ngủ trưa trên bánh lái trong những chiếc xe hơi dưới những vòm lá bầu trời California

Nghe nhạc.

Với tôi, lái xe nghe nhạc một mình là thứ hạnh phúc bất khả phân ly sống đời xứ Mỹ Cali.  Trời mùa đông thì vặn sưởi ấm vừa đủ nhiệt độ tùy thân cá nhân. Trời mùa hạ dù đài khí tượng nước Mỹ có cảnh báo nóng 110 độ thì xe có máy lạnh mát rêm, nghe nhạc vưỡn cứ là phê đến vô thường.  Tất cả những chiếc xe delux của Mỹ đều phải đi kèm theo một giàn máy nghe nhạc xịn mô đen nhất.  Tôi đã từng lên cơn đi hoang cùng với chiếc xe của mình. Thường là khoảng nửa đêm hoặc sáng sớm chủ nhật thánh thiện ngươì người còn ngủ ngoan tội ác chưa xảy ra và đường sá thoáng vắng bóng xe. Mà tôi thì lại vừa sau một cơn sáng tác đang cần một chút ri lắc tâm thần.  Một mình tôi tìm ra xa lộ đường trường Freeway California 101, 680, 280, chỉ để nghe những bài nhạc nhẹ mềm tai. Lái xe để nghe nhạc nên đâu cần biết sẽ đi đâu. Tuyệt!

Cái chuỗi âm thanh vỗ vễ linh hồn những lúc mình muốn nghe lời phủ dụ ấy, cũng có khi là những liều thuốc độc làm tàn tật tâm hồn ta suốt đời, suốt kiếp. Không thể nào bình phục nổi. Đấy là một lần sau một trong những ngày hồi tưởng biến cố 30/4/1975. Làm sao một người đàn bà con gái như tôi có thể quên được biến cố kinh hoàng ấy. Tỵ nạn chính trị sang Mỹ, mỗi ngày lái xe, tưởng quên nhưng vẫn nhớ. Một lần vào ngày 30/4 năm 198mấy không nhớ. Trên đường từ San Francisco về San Jose, tôi mở một đài nhà nước nghe cuộc phỏng vấn của PBS với ông Nguyễn Cơ Thạch đang làm đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ. Ông này cười cợt giả lả nói chuyện Cựu Tù Nhân Chính Trị với ông ký giả Mike Wallace, sao nghe như con mẹ Tú Bà cầu viện đô la Mẽo. Tôi nghe, vừa buồn, vừa bực, vừa xấu hổ dùm cho ông ta. Nên bắt qua đài khác. Trời ơi như oan nghiệt đổ xuống đời. Giọng của John Denver, ông ca sĩ country music réo rắt khúc phượng hoàng ở một đài FM, "Country roads take me home, to the place where I belong". Bao nhiêu nước mắt tôi trào ra. Tôi đã khóc rất nhiều lần cho số phận của tôi gắn liền với số mệnh của một quốc gia "u mê nghìn năm"(TCS) tên gọi Việt Nam. Một người đàn bà khóc thương cho quê hương là một điều cực kỳ lãng mạn. Người đàn bà thường không có thời gian khóc thương cho một khái niệm mơ hồ gọi là đất nước. Tôi vừa lái xe một mình trên xa lộ 280 vừa khóc vừa nghĩ mình là một người đàn bà khóc cho một điều nằm ngoài thân thể mình nhưng lại là một điều tạo nên số mệnh mình. Đấy là cuộc khám phá ra sự bất lực của chính thân thế mình. Tôi bị tàn phế về khái niệm quốc gia, dân tộc, quê hương từ đó.

Trò chuyện.

Không thế giới nào riêng tư và an toàn bằng thế giới của hai kẻ cần trò chuyện trên xe.  Tôi đã có thể nói những câu chuyện khó nói nhất với chồng, với con, với bạn bè, với tình nhân, với kẻ thân, với người lạ, bằng cách mời họ lên xe, chở họ ra xa lộ, và nói: có vấn đề này muốn nói với ...

Viết.

Tôi đã sáng tác rất nhiều tác phẩm trên bánh lái bên trong xe hơi mình. Tôi kê lên tay lái  những quyển sổ đẹp đẽ, những tập giấy kẻ thẳng thớm, những tờ khăn lau miệng từ những qúan cà phê, những mảnh giấy rời vớ được bất cứ lúc nào trên xe. Bài thơ đầu tiên tôi sáng tác trên kệ tay lái của chiếc Datsun cũ kỹ hồi đó là bài "Con Gái Lỡ Thì Ngồi Ngó Sinh Nhật Mình"

Tự do làm biếng.

Nhưng cũng đồng thời làm biếng. Và thân xác cứ thế béo phì lên. Đi đâu cũng chỉ muốn chui vào trong xe một mình một thế giới. Cái thế giới thu thân, thu thế, thu cái dơ dáng dại hình như không muốn ăn mặc đàng hoàng trang điểm gì hết. Thế là cứ lái xe vào đường len "drive in", mua thức ăn nhanh và sẵn "to go". Ngồi trên xe ngốn thức ăn tại chỗ. Dộng vào bao nhiêu là cái đùi gà, bao nhiêu là lon Coke. Chẳng ai còn muốn nấu nướng buổi cơm chiều. Những bà mẹ, những ông chồng ly dị cứ thế ôm cuộc đời bầm dập lên xe, lái qua những hiệu ăn - và - sống vẫn chia ly muôn trùng với niềm vui mà họ rất thèm thuồng ở những buổi cơm chiều ấm êm cùng gia đình. Sự lười biếng vận động thân xác vì tiện nghi của chiếc xe hơi riêng đã khiến cho nước Mỹ phì nộn. Cái giá phải trả trong khi con người cá nhân muốn đi tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình.

Tự Do Chọn Lựa, Freedom Of Choice, là bảng hiệu của nước Mỹ, của chúng tôi, của những kẻ vướng phải nó, vào cuối thể kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.

Tôi đã rời Việt Nam. Tôi đâu muốn sống xa quê hương của tôi . Muôn lần ngàn không, vạn lần ngàn không. Tử bản Cọng Sản là cái cục cứt gì. Tự Do Chọn Lựa là cuộc thể dục đớn đau và khoái lạc lớn nhất đời tôi. Nó rình mò và thúc thủ tôi 24/24. Tự do chọn bạn tình. Tự do chọn ngành học. Tự do đi shop. Tự do chọn công việc. Tự do đeo gông cùm sở hữu căn nhà 30 năm. Tự do đứng về phe phá thai hay không phá thai.  Tự do chọn con đường lái xe mỗi ngày.  Tự do bỏ ghi tên theo Đảng Xanh. Tự do sanh con vào năm 36 tuổi.  Tự do chọn Kaiser hay không Kaiser. Tự do ly dị hay không li dị. Tự do đi sửa mắt mũi miệng có uống hormone therapy hay không. Tự do đóng hay mở gio-o.com. Tự do sở hữu chiếc Nissan Altima hay chiếc Mazda Miata


Mazda-MX5 Miata 2006 - mazda.jbcarpages.com

Tự Do Chọn Lựa của tôi rất đời thường. Không xa vời như trí tưởng của những ông triết gia Rousseau, Kant, Mill, Thoreau định nghĩa về Tự Do Liberty này nọ. 

Hạnh phúc thì phút giây mà khổ đau thì vời vợi muôn trùng hàng ngày.  Tôi đã sến nương nghĩ ngợi như thế từng lúc ngồi trên xe ôm bánh lái trên những ngả đường quen thuộc tôi sống mấy chục năm ở nước Mỹ.

Người đàn bà kéo chữ về với đời thường. Một trí tưởng về Tự Do Cá Nhân không thể là một đống chữ mè nheo cầu kỳ trong hộp sách. Tôi kéo chữ dãn ra trên từng phiếm giây đời sống tôi đã bay qua cuộc đời và khổ đau cũng như hạnh phúc bằng đôi cánh da thịt và tâm hồn mình.

Người đàn bà khi một mình, ôm bánh lái, sắp đi từ một điểm A đến điểm Z, sáng tác, ghi xuống thành lời tản mạn. Tôi ghì xiết phút giây này tận cùng linh hồn và thân xác khi nghĩ rằng tôi sắp sửa phóng ra xa lộ.  

Không nghĩ thì thôi. Nghĩ một cách sâu nhạy thì thấy mỗi lần ôm tay lái phóng xe ra xa lộ Cali là phóng vào một cuộc lữ hành đầy thách đố, nguy hiểm, rủi ro, là sắp lao vào một cuộc đua xe trên xa lộ còn nghẹt thở hơn tiểu thuyết của siêu sao Stephen King. Tôi có cần một kịch bản gay cấn hơn để cường điệu tác phẩm Tôi Đang Sống? Nỗ lực đạt được sự quân bình cho một cuộc đời bình thường, đối với tôi, cũng đã là một thách đố lớn lao gay cấn từng phút giây sống tôi rồi.

Lái xe ở Mỹ vẫn là một quyền ưu việt (privilege) chứ không phải như một nhu cầu ăn ở.  Hằng ngày người đàn bà này vẫn biết tai nạn xe cộ có thể xảy ra bất cứ tích tắc nào khi ta leo lên xe hơi.  Mà mình chết rồi ai sẽ nuôi thằng con. Ai săn sóc con bằng mình. Nhưng khi trí óc đổ đốn thì lật sấp đồng lúc lắc thấy: Kệ mẹ. Kệ mẹ hết thảy cái đời sống điên loạn và vô nghĩa này.  Mẹ chết. Con chết. Hết chuyện. Nên cứ sống đi.  Sống đi.  Và Sống đi.  Về nhà, mở cửa xe, chạy vào trước tiên là ôm con hôn chụt một cái, và thì thầm vào tai con: Mẹ Thương Tôm Hùm Nhất Trên Đời.  

ném mình vào đời sống
quẳng mình vào vực thẳm
ngó bốn phương không một chỗ nương
nhìn bốn hướng không một điểm tựa
tưởng mình đeo đôi cánh cò lả
lọt qua được ngàn giấc mơ thần tiên
nhưng những cơn bay trong đời có thật
gió của trời thổi bùng thêm ước mơ có thật
hạnh phúc có thật
khổ đau có thật
chọn lựa có thật
tình yêu có thật

Lê Thị Huệ

thu vàng 2006

 

© 2006 gio-o 


lê thị huệ và xe hơi đầu

 

đọc các bài viết khác của Lê Thị Huệ