lê thị huệ

đàn bà ngoài sáu mươi

về một mình nơi phố lạ

 

tản mạn


 

Tôi kéo valise nhỏ bốn bánh nhẹ nhàng bước qua cổng Kansai International Airport. Nhìn ra bến đợi phi trường hướng cố đô xa hơn 50 cây số. Trạm nào đây?  Quay bên trái hay bên phải cho đúng hướng ra những ga subway chữ Nhật nhỏ chi li kia?

Cuối cùng tôi đến một quầy hướng dẫn. Hỏi cô quầy bằng English. Thế lấy subway hay xe bus từ phi trường Kansai đến trung tâm của Kyoto cái nào tốt và nhanh. Cô quầy không nở nụ tiên môi. Cô chỉ từ tốn nhẹ nhàng cho tôi kiến thức bằng Anh Ngữ khá lưu loát.  Và cuối cùng cô nói như hát:  tôi nghĩ bà sẽ thích hãng xe buýt này hơn. Tôi tin lời cô quầy ngay. Tôi nói: Thank you darling. Have a good afternoon.

Chỉ một chiếc hành lý cỏn con và cái cặp laptop đeo vai băng ngang bãi xe hơi.  Tôi vào bên trong vé mua vé xe bus.

Ngày còn trẻ mỗi lần đi du lịch là kéo theo va li bự tổ chảng.  Bao nhiêu giày,  bao nhiêu quần xì,  bao nhiêu chạc đeo cổ, bao nhiêu son phấn. Nhét nhét nhét.  Mà vẫn nghĩ còn thiếu này thiếu nọ. Giờ dà dà đi du lịch chỉ quất một đôi giày, ba cái quần xì, hai cái quần dài, ba cái áo, một váy. Quần áo chọn vải vóc tuyệt đối không cần ủi í.  Va li nhỏ nhắn bốn bánh made in Japan lượn khắp ta bà thế giới. Chủ trương của tôi bây giờ du lịch là tối giản các thứ. Luôn luôn chỉ một va li xịn đẩy và kéo hòa nhịp cùng độ trơn láng của các sàn phi trường quốc tế. Đến khách sạn hễ thiếu gì thì ra mua hàng tại địa phương xài xong để lại. Phẻ re lòng xe.

Nhìn đồng hồ trên Samsung phone thấy còn hơn tiếng đồng hồ bèn vào quán ăn miếng bánh mì kẹp và nhâm nhi ly green tea. Trước khi ra quầy xe bớt số 2. Đón chuyến bớt đi về miền đất hạnh Kyoto.

Ngồi yên vị trên lưng ghế nệm xám sạch sẽ mềm mại. Năm phút sau xe chuyển mình rời bến. Chỉ mình tôi ở điểm khởi hành. Và suốt chuyến, người tài xế đón thêm 4 khách ở hai khu đón khách phi trường nữa. Một chuyến xe khách vỏn vẹn 5 người chạy qua hơn 100 dặm.  Từ phi trường một thành phổ nổi Osaka đến một phố nổi tiếng thế giới Kyoto. Tôi thật là người trúng lô độc đắc Lê Thị Thanh Thản chiều nay.

Thoải mái duỗi thẳng chân.  Thở êm.  Nhìn qua cửa sổ. Lòng lâng lâng.  Bầu trời bên ngoài ngây ngây nẫu lòng trời vừa chớm thu.  

Tôi nghĩ đến dáng thon thon cong cong nàng tiên cá của cô quầy. Cô mặc bộ đồ đồng phục váy ngắn và áo vét xanh biển đậm với các huy hiệu gắn trên mũ áo cứng ngắc của phòng Kansai Tourist. Cô không tỏ cử chỉ thân thiện vồn vã. Nhưng nghe lời cô nói ra là tôi tin ngay. Người xứ gì mà vừa nói cái là kẻ lạ tin được ngay!  Chỉ có nước Nhật là nơi mà kẻ lạ Nhật nói cái gì là tôi tin ngay lập tức. Không cần suy đi nghĩ lại xíu xiu nào cả.


Mấy chục năm. Từ California tôi đã du lịch khá nhiều địa điểm trên thế giới.

Hy Lạp và Ai Cập cho thỏa cơn quy hồi trí thức nhân loại.

Jerusalem và xứ Phật ở các nước Á Châu cho thỏa cơn đôi co với tôn giáo.

Âu Châu với những kinh thành tráng lệ nghệ thuật cổ điển.

Nam Mỹ với những bí mật về phần trộn bean vào dạ dày nhân loại.  

Trung Hoa với những cơn đói khát cái đáng ghét và đáng yêu của xứ nó.



Mùa thu năm 2018. Tôi vừa bước vào những ngày đầu hưu trí. Rời khỏi ngôi trường Evergreen Valley College, nơi mà tôi đã gắn bó hơn 30 năm. Và khi chọn một nơi để trú ẩn và thả rong mình ba tháng, tôi quyết định chuyến đầu tiên sẽ đến là Kyoto.

 



Jovita một người bạn lâu năm tại đại học Evergreen Valley College đã làm tấm thiệp kết bằng
những cành cỏ và hoa dại khô nhặt trong khuôn viên trường làm quà tặng ngày tôi nghỉ hưu 2018



Tôi chọn thành phố Kyoto Nhật Bản.

Kyoto là một cố đô lừng danh của nước Nhật từ năm 794 đến năm 1868. Khi chưa đặt chân đến nơi này, tôi nghe và không thấy hào hứng lắm về sự “cố và cổ” của Kyoto. Nhưng sau rất nhiều lần thăm viếng dài ngày ở Nhật, tôi thấy tôi có thể “ở được và sống chung” với sự “cố và cổ” của thành phố Kyoto này. 

Kyoto có nghĩa là “Thủ Đô” (Capitol City),  còn Tokyo có nghĩa là “Đông Đô” (East Capital). Kyoto là tâm điểm của nền văn hóa và lịch sử Nhật Bản. Nổi tiếng về sinh hoạt Thiền Zen Nhật. Nơi có nhiều đền chùa nhất ở Nhật. Có nguồn nói Kyoto có trên 800 ngôi chùa Phật Giáo (Buddhism temple), và trên 1600 đền Thần Đạo (Shinto shrines).  Mà trong mỗi đền lại có nhiều đền nhỏ . Đền Kim Các Tự lừng danh thế giới ngụ tại đây.

Tuy tiếng là “cố là cổ” nhưng Kyoto hiện lôi cuốn nhiều show ca nhạc và triển lãm trình bày nghệ thuật quốc tế nhất Nhật Bản. Hầu như các show diễn quốc tế đều muốn về  Kyoto bày hàng … thì mới gọi là.  Kyoto từng ôm chầm kỹ nghệ cinema đầu tiên, nên được mệnh danh là Hollywood của Japan. Là nơi mà văn hóa Geisa - đĩ điếm ngày xưa – còn ngày nay được tôn vinh là một nghệ thuật giải trí ưu đãi phải quen lớn, về đêm ở khu Gion Kobu.

Kyoto sạch sẽ đường xá không bụi rác.

Kyoto có nhiều thắng cảnh lừng danh để thả rong đôi chân những khi nhớ đường nhớ lá nhớ tiếng lao xao của trời đất.   

Kyoto thành phố có đồi núi, dốc, đền chùa, sông nước, hoa anh đào và lá phong Nhật thay đổi bốn mùa rõ rệt.  Nên được xem là nơi ngắm cảnh và chụp hình đẹp nhất Nhật Bản.

Kyoto còn được tiếng là nhà nhà gỗ… đền đền gỗ …hiếm quý. Những nội thất gỗ Kyo-Machiya cũ kỹ nổi tiếng của Kyoto.  Gỗ là văn hóa Kyoto thơm tho.

Ở Kyoto còn nhiều quán trọ truyền thống của Nhật gọi là Ryokan . Ngủ trên sàn chiếu, dùng phòng tắm công cộng, và cánh cửa gỗ mỏng đẩy qua đẩy lại.

Kyoto là địa điểm du lịch và thu hút sinh viên quốc tế đứng thứ hai sau thủ đô Tokyo.

Ăn uống. Kyoto nổi tiếng với món đậu phụ và kiểu ăn mỗi thứ bày ra một tí gọi là Kaiseki (懐石)

 


kiểu Kaiseki

 

Ở Kyoto còn tìm thấy các tiệm cực kỳ bé nhỏ do gia đình buôn bán. Trong nhiều hẽm Kyoto lượn là,  tôi có thể mở kéo cái rèm vải che. Vào bên trong gặp hai vợ chồng già ở tuổi 70 rị mọ bán từng mẹt cá, vài con tôm, hải sản tươi, quầy nhỏ bày bún rau khô. Tôi có thể bước qua quán cực bé tí bên cạnh. Lại mở một rèm cửa vải Nhật thêu hình mấy cành thu phong. Vào bên trong thấy một cụ ông đang quay lưng vào cái bếp lộ thiên. Quán chỉ kê ba chiếc bàn gỗ con màu nâu sờn bóng. Một quầy Nhật cho khách ngồi từng người. Cơm gồm chút cơm trắng, trứng, thịt, cá, rau, vv… nấu theo thực đơn Donburi Nhựt Bổn. Những cọng phở udon sợi mềm dẻo quấn quýt cuống họng. Những quán nhỏ, bình dân, cực sạch sẽ, mùi Nhật của người chủ, hương xì dầu Nhật bay lên từ cái bếp nho nhỏ, những người khách mặt mày thân thiện, ăn uống im lặng và bình yên. Tôi ngồi đây ăn một bữa trưa ở những quán ăn trong nhiều con kẽm vắng ở Kyoto,  mà thấy lòng thanh thản bình yên như đang ăn cơm tại nhà một người bạn hiền chiêu đãi.

Một ấn tượng ở Kyoto là có thể đi bộ từ phòng trọ ra bến xe bus hay nhà ga thường chừng 10 - 15 phút. Tuy Kyoto là thành phố bị chê là hệ thống chuyên chở công cộng hơi cổ, không bằng các thành phố khác ở Nhật, nhưng người dân đến bến đợi cũng chỉ khoảng trên dưới 15 phút là có chuyến kế tiếp. Đi bộ đã tập thể thao. Đợi chờ ở bến xe không lâu là một may mắn lớn của thời đương đại.  Đời sống công nghiệp ngày nay khiến mọi người không muốn chờ đợi điều gì lâu. Thời gian trở thành một trong những hàng quý báu bậc nhất của cá nhân. Vì con người ngày nay có quá nhiều sinh hoạt để tham dự. Một ngày được 24 tiếng phải chi thu cho chỉn chu mới hưởng thụ và kiếm tiền xứng đáng. Một trong những món hàng mà các quốc gia tân tiến giỏi thành tựu, là cung cấp phương tiện chuyên chở công cọng hữu hiệu cho người dân. Bến đợi gần nhà, không phải chờ, các trạm sạch sẽ và cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của dân chúng. Ở thủ đô Seoul Hàn Quốc hoặc thủ đô Tokyo Nhựt Bổn, các hầm phố dưới các ga xe điện ngầm là những trung tâm thương mại vô cùng thuận tiện và nhất là vô cùng ấm áp trong mùa đông tuyết độ âm ở bên ngoài trời. Theo tài liệu của Tokyo Metro thì mỗi ngày có 6 triệu rưỡi người xử dụng xe điện ngầm ở thành phố này. Các hầm metro ở Tokyo rất là khổng lồ.

Điều đáng khâm phục là hệ thống chuyên chở công cộng của Nhật Bản rất đúng giờ và sạch sẽ nhất thế giới.  Một nhà nước Nhật đủ khả lãnh đạo và biết bảo vệ tôn trọng đời sống của người dân như thế thì người dân họ sống sướng. Ai cũng hưởng được phúc lợi vì tiện nghi và sạch sẽ công cộng.

 

 


khúc đường đỏ đền Fushimi ở Kyoto


 

 


biết quý xe đạp, giữ hè phố cho người đi bộ, sạch sẽ, không khí trong lành, nâng niu nghệ thuật dù cổ hay tân, thành phố an toàn,
sự tử tế giữa người đối xử với người, là những giá trị, mà tôi rất quý trọng, và tôi đã chọn Kyoto để sống rong một mình trong ba tháng vào mùa thu năm 2018

 

Kyoto là thành phố mà người dân xử dụng xe đạp rất nhiều. Gần như nhà phó thường dân nào cũng có 2 hay 3 chiếc xe đạp. Họ thường dùng xe đạp để đến các nơi gần như ra chợ, chạy lòng vòng trong khu phố. Đi các nơi xa, họ dùng phương tiện chuyên chở công cộng như xe metro hay bus thành phố.

Kyoto có những ngôi chợ và những quán ăn trong hẽm làm cho tôi thấy ấm cúng êm đềm.

Theo tờ báo uy tín nước Anh là tờ The Enonomist thì Tokyo có chỉ số an toàn hạng nhất thế giới, với điểm số 92/100. Nhưng với tôi Kyoto là thành phố an toàn nhất nước Nhật. Vả lại hệ thống chuyên chở công cọng của Tokyo quá phình phồng, quá mất thời giờ. Trong khi Kyoto dễ di chuyển hơn. Dễ lách bến để có thể dạo bộ ngay đến một địa điểm văn hóa thích thú nào đó khi muốn thay đổi lộ trình.

Chọn cố đô Kyoto trước tiên là vì an ninh phố. Nơi tôi có thể đi bộ đi metro đi xe buýt một mình mà không hề ngại bị trộm cắp cướp giựt, không ớn bọn đàn ông dê xồm ngó liếc nọ kia.

Lúc còn sung sức nữ trẻ tôi từng đến Kyoto nhiều lần và biết nơi đây tôi không hề sợ bị hãm hiếp. Đây là một ơn đời hiếm hoi chỉ thấy ở Kyoto, ở xứ Nhật Bổn, và rất ít nơi khác trên thế giới.  Tôi hiếm khi tìm thấy cảm giác an toàn này ở hầu hết nhiều nơi trên mặt đất mà tôi đi qua. Là con gái đàn bà, chúng tôi thường xuyên phải sắc sảo đề cao cảnh giác bị đàn ông dâm dê lăm le.  

Đàn bà hay bịn rịn chồng con nên khó rời tổ ấm để tìm lại con người mình ở một nơi xa cách gia đình. Nhưng nếu có một ưu tiên để chọn lựa chốn đến mà người đàn bà có thể tự bơi lội trong cái tôi, để suy ngẫm lại các thứ về đời mình, một mình; thì tôi chắc là chúng tôi chỉ muốn một nơi bảo đảm an ninh nhất. An ninh phố là ưu tiên một của đàn bà đã có chồng con.  

Lạ . Dù biết có nhiều nơi khác trên thế gian có thể an toàn lắm, nhưng tôi vẫn quyết định chọn Kyoto sống rong ba tháng cho riêng mình.

Chỉ ở Kyoto một người đàn bà như tôi có thể đi lang thang 10 giờ đêm trong những con hẽm tối thui mờ ảo chút đèn điện. Tôi muốn hít thở bóng tối hiếm hoi thở hắt ra hương hồi của đêm thu đang lan tỏa giữa tháng mười ở một xứ sở tử tế và bình yên. Chỉ ở Kyoto cơn điên nhỏ bé đơn sơ này của tôi mới được tăng hạnh yêu đời lên. Kyoto là cực đỉnh khoái lạc của niềm đam mê giữa đêm tối lang thang thả rong đôi chân ngoài trời, trong tôi .

Nhiều đêm tôi thích thú cỡi chiếc xe đạp lang thang từ những hẽm phố Nishijin, qua những ngõ phố Kamishichiken … để trầm tư trong bầu khí yên ắng giữa tuần, hoặc dừng lại ngắm nhìn những  sinh hoạt văn hóa rộn rịp cuối tuần.

 


Lê Thị Huệ (bìa trái) ở một buổi giới thiệu trang trí vải của vài nhà thiết kế trẻ thuộc khu Kamishichiken một cuối tuần

 

Có rất nhiều dà dà sống ở nơi đây. Kyoto rất hút người già. Mọi người đang bàn về nạn nhân mãn nước Nhật giờ chỉ toàn dà dà. Chuyện đại sự thì để cho tiến sĩ dân số và kinh tế lo. Còn tôi ở những buổi chiều thu hiu hắt lang thang trên khu dân cư phố cổ Kyoto, thấy yêu lắm hình ảnh những dà dà long cong đi trên đường hẽm. Thỉnh thoảng dà dà này dừng lại cười trò chuyện với dà dà khác trong xóm. Trên những khuôn mặt dà dà ở đây làm cho tôi thấy hình ảnh mẹ tôi, hình ảnh bà nội bà ngoại của các bạn thời thơ ấu Việt Nam Cọng Hòa 1964 hiện ra. Thời mà chúng tôi còn ngồi quanh bà nội bà ngoại đong đưa trên chiếc võng ấm cúng tình bà cháu. Tôi từng đọc theo các chuyên gia tâm lý, tình ông bà cháu chắt là một tình cảm rất tốt cho đứa bé ở giai đoạn phát triển tâm lý thời thơ ấu.  Những đứa bé được gần với ông bà nhiều lúc bé, khi lớn lên ít bị các chứng bịnh do tâm lý ức chế gây ra. Tôi là một trong những đứa cháu ké bà ngoại bà nội các con bạn thời thơ ấu của tôi mà ra.  Bà nội thì đã mất còn bà ngoại thì ở lại Bắc. Gia đình tôi di cư vào Nam năm 1954. 

Thách đố đâu chỉ leo trèo đến đụng nóc trời chót đỉnh Hy Mã Lạp Sơn. Thách đố cũng có thể như tôi đây, người đàn bà Á Châu bé nhỏ, có thể đi du lịch một mình đến cả chục địa chỉ ở Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam, Đài Loan. Ở đây không phải là chinh phục các địa lý hùng vĩ hiểm nguy trên bản đồ thế giới. Mà tôi đã chinh phục thành kiến xã hội, chinh phục người thân, chinh phục những trăn trở trong thế giới nội tâm của chính mình, để tận hưởng niềm khao khát là thực hiện được điều tôi muốn sống ở lứa tuổi tôi. Há không phải là một cuộc chinh phục vĩ đại của một cá nhân sao.  

Nhất là trong lúc này, cá nhân tôi đang bị phân thân bị khủng bố bởi những cơn địa chấn “Gun Violence” ở xứ Mỹ, xì ke ma túy tràn lan khắp thế giới, chỉ số quốc gia hối lộ tham nhũng lừng lẫy của Việt Nam, rác plastic che chắn lòng các đại dương 5 châu, thuốc sửa DNA làm trắng da trở thành thuốc nghiện cho đàn bà con gái Á Châu Phi Châu vv… . Thì hỡi ôi! Tìm được một địa chỉ bình yên và tử tế như Kyoto mà tôi có thể en roi (enjoy-tận hưởng), tin cậy, thả rong cả thân xác lẫn linh hồn mình.  Há không phải là viên châu ngọc kỷ niệm khi nói về thời gian tôi lưu trú trên mặt địa cầu này sao.


Người đàn bà có những khi thèm.

Một mình.

Một mình.

Và.

Một mình.

 




 

Một câu chuyện về Mẹ mà mỗi khi nghĩ đến lòng tôi lại quặn thắt, ngực nhói từng cơn. Thưở nhỏ, sau bữa cơm trưa hoặc cơm chiều, Mẹ được chút thời giờ rảnh rỗi, ngồi thong thả uống cốc nước trà. Thấy Mẹ không bận việc, ngồi thảnh thơi ở đâu, chúng tôi bầy con lau nhau chụm quanh Mẹ. Sờ tóc, sờ vai, sờ ngực, ngả ngớn gác người lên đùi Me một cách sung sướng. Chúng tôi thương Mẹ và thích quẩn quanh người Me. Ngửi mùi của Mẹ hoài không chán. Mẹ ngồi phía trước, chúng tôi bâu phía trước. Mẹ ở sau bếp, chúng tôi lon ton theo mẹ ra sau. Đã có những lần tôi nghe Mẹ nói: “Sao Mẹ ngồi đằng trước là chúng mày chạy ra đằng trước, Mẹ ngồi đằng sau chúng mày chạy ra đằng sau. Chúng mày không bao giờ để Mẹ yên một mình phút nào cả”. Ngày đó chúng tôi nghe Mẹ nói thế, cứ xem như “ne pas”. Chả thèm để ý.  Sau này khi đã lập gia đình, đã con cái, tôi nhớ đến lời này của Mẹ mà thương Mẹ đứt ruột! Mẹ ước có được những phút giây ngồi thảnh thơi một mình. Không tha nhân con không tha nhân chồng bên cạnh. Ôi! Mẹ đã không còn hiện hữu trên cõi trần gian nữa! Mẹ tôi bị bạo bệnh và qua đời năm 49 tuổi. Tôi vẫn nghĩ vì Mẹ là người đàn bà tạng ốm yếu, vất vả làm việc nhà, sanh đẻ 9 lần, phục vụ chồng và nuôi dưỡng 7 đứa con khôn lớn. Bà rõ là không đủ sức khỏe nên mới mất sớm như thế.

Những người đàn bà ngập mặt nuôi con nuôi chồng, không sở hữu được chút thời gian cho mình. Khi đàn bà nói muốn có chút thời gian dành cho riêng mình, là họ khao khát lắm.

Chớ nói rằng “việc sanh con, nấu ăn, đi chợ, dạy con, nuôi con” là dễ dàng hơn việc “ra khỏi nhà đi làm và kiếm tiền” nhé. Không hề! Với tôi việc “sanh con, nuôi con, làm việc nhà” có áp lực nặng gấp trăm lần “đi ra ngoài kiếm tiền”. Tôi có thể nói vì tôi từng làm cả hai việc này suốt đời.

Tôi nghĩ điều áp lực nhất mà người đàn bà khó có thể độc lập rời tổ ấm gia đình một thời gian, chính ra sự “nương tựa” của chồng con vào người đàn bà. Bây giờ tôi nghe nhiều bạn gái thường đùa với kết luận, “chồng cũng là một đứa con mọn đấy”. Chăm sóc sức khỏe tâm thần lẫn thể xác cho chồng con toàn thời gian ngày 24 tiếng một năm 365 ngày. Vô hình chung người đàn bà thành “chiếc bóng” bên chồng con mấy mươi năm. Nhiều người đàn bà mất dần Tự Do Tính, và Cá Nhân Tính trong cuộc hôn nhân dài. Nhiều người đàn bà lấy niềm vui của con, khổ đau của chồng, là niềm vui là khổ đau của chính mình. Đừng nói chi đến nhu cầu đi tìm lại con người của mình bằng một cuộc du lịch xa nhà như tôi.

Tôi thuộc loại đàn bà tương đối đã thành công chút ít trong nghề nghiệp một thời gian hơn 30 năm đời. Có học thức. Có bằng cấp. Một career woman ra ngoài nhà tự kiếm tiền và thăng tiến nghề nghiệp riêng. Nghành giáo dục cho tôi được nghỉ hè 3 tháng và nghỉ đông một tháng.  Đây là một điểm then chốt mà tôi vừa ý. Vì loại nghề này cho tôi có thời gian ở nhà chăm sóc con nhiều hơn các phụ nữ phải đi làm ngày 8 tiếng tuần 40 giờ toàn thời gian ở sở.

Một may mắn lớn của tôi là chồng con dứt được. Để yên cho tôi bay nhảy ở Kyoto một mình. Chồng là người cởi mở và vui vẻ chung việc nấu nướng từ thuở mới về với vợ. Nên tôi an tâm về khoản này khi xa nhà.

Trước khi xa rời con yêu, tôi có một thời gian sống riêng với Tôm Hùm mà không chồng bên cạnh. Chúng tôi thay phiên nhau làm điều này cho Chàng Ấu Tím của tôi. Tôm Hùm là Chàng Khờ Ấu Tím (autism). Luôn luôn cần người sống bên cạnh 24/24. Xa cách Chàng Ấu Tím như thế này, chúng tôi đã nghĩ đến có ngày Con sẽ không còn được sống gần Bố Mẹ một khi cả hai qua đời. Đây là một phương thức thực tập cho cả ba chúng tôi về những ngày sẽ phải tách lìa nhau trong những hoàn cảnh bất khả kháng.  Nuôi một đứa con bị bạo bịnh như thế này chúng tôi phải đối phó với thời giờ dành cho con, và tâm lý căng thẳng mệt mỏi thường xảy ra. Nên chồng và vợ thỏa thuận là mỗi khi một trong hai người có nhu cầu đi chơi hay làm việc một mình, là chúng tôi hổ trợ nhau để cá nhân kia có chút riêng tư dành riêng cho mình. Đây là một mô thức sống chung rất lành mạnh cho quan hệ của hai chúng tôi . Thường là sau mỗi thời gian được sống theo ý mình, khi trở lại, cá nhân ấy mang về nhiều năng lượng mới và quan hệ giữa hai người tái tạo tốt hơn.  




Mẹ Con - tắm bùn ở biển muối Dead Sea, Jerusalem - 2015




Mẹ Con - Petra, Jordan 2015



Nhưng dù khá độc lập trong suốt những năm ra ngoài đời thành công với nghề nghiệp ở ngành giáo dục ở Mỹ, tôi vẫn cần phải tổ chức chu đáo cho tâm lý của tôi và của các thành viên trong gia đình. Để tôi có thể sống xa họ một thời gian ba tháng mà không cảm thấy có lỗi với tha nhân.

 

Cần gì khi du lịch một mình. 

Cần tiếng Anh để có thể đọc tài liệu và trao đổi hỏi han. Cần tiếng Anh để xem bản đồ GPS trên phone. Cần tiếng Anh có thể tìm trên internet địa chỉ khách sạn, thời tiết, địa điểm du lịch. Cần biết chút high tech để có thể sửa laptop khi bị đứng máy hay bị trục trặc không nối mạng được. Một phương tiện hiện đại có nhiều người cần dùng đến là món thông dịch viên của Google. Nói tóm lại người đàn bà đương đại muốn đi du lịch một mình cần lanh lẹ với các kỹ thuật high tech để xoay xở trong những tình huống gay go. Vì hầu hết các dịch vụ có thể giải quyết qua computer cá nhân và nhất là qua phone tay. Chẳng hạn đang ở Kyoto tôi nổi hứng muốn bay sang Chiang Mai - Thái Lan vào cuối tuần. Thế là tôi tự book vé máy bay, khách sạn. Sang Chiang Mai đi dạo một ngày thứ bảy. Chiều chủ nhật bay về lại Kyoto.

Cần vài thẻ tín dụng quốc tế và biết cách chuyển tiền trên net. Có lần ở Kyoto tôi tiêu xài quá lố. Mà ở Kyoto vẫn còn xài tiền mặt hơn là thẻ tín dụng. Tôi cần tiền mặt, mà cách duy nhất tôi có thể thấy tiền mặt qua thẻ tín dụng là tôi phải có 6 số mật nã để vào một ngân hàng Nhật lấy tiền mặt từ thẻ tín dụng của tôi. Thế là tôi phải vào online tạo số mật nã. Ngân hàng BOA ở Mỹ text số mật nã về điện thoại của tôi đang còn ở Mỹ. Chồng đang ở nhà Cali phải lấy số mật nã, báo sang cho tôi. Thế là trong nửa tiếng đồng hồ tôi có thể ra nhà băng lấy tiền ra từ thẻ tín dụng. Những lanh trí ứng xử trong những trường hợp một mình nơi xứ lạ này, nếu có chồng bên cạnh, thường là chồng “giành” lo hết. Tôi phẻ re. Nhưng khi ở một mình, tôi tự tìm cách chiến đấu lấy. Nó cũng có cái thích là mình tự xử lấy.

Thỉnh thoảng cũng có khi tôi thổn thức nằm trong căn phòng bé xíu ở Kyoto nhớ chồng nhớ con. 7 giờ tối đi lạc đường trong một khu dân dã mà phone hết pin, lại không có một số điện thoại của người quen nào trong tay, tim tôi cũng run rẩy đập thình thịch vậy.  Có bữa emergency tôi phải xoay vào một hostel đụng toàn đàn ông con trai trẻ, chỉ thấy một hai mống đàn bà con gái. Chẳng ngủ được suốt đêm luôn!

 

Ở tuổi ngoài số sáu, sức khỏe tôi còn khá tốt để ngồi máy bay mười ba tiếng và leo núi còn sung đủ. Đủ để đi bộ suốt 5 tiếng đồng hồ. Thế nên sự trở lại một mình làm cho phù sa hiện tại cuồn cuộn phù sa dĩ vãng và nhào lộn với phù sa tương lai. Sống một mình mấy tháng trong những căn phố trạm ở Kyoto một mùa thu, tôi chợt thấy mình bỗng quay về những mùa hè thời còn học sinh sinh viên. Những mùa hè nằm gác chân gác đùi lên những chiếc ghế bành, ngủ trưa căng mắt. Chả phải suy tính gì. Ôi những mùa hè tôi tự do phơi phới. Chưa phải lo lắng toan tính công ăn việc làm, nhà cửa đất đai, stock và tiền để trương mục.

Tất cả chỉ là cơn phiêu lưu. Lên kế hoạch càng chặt chẽ càng tốt nhưng đời du lịch là sẽ gặp những chuyện bất ngờ và nhiều thứ bất trắc… Máy bay bị bão không đáp xuống phi trường. Đi lạc đường. Bị trộm móc túi. Không ai biết tiếng Anh để hỏi thăm …. Không biết cái cầu tiêu ở đâu… Không biết mua vé xe ở đâu. …  Nhưng máu phiêu lưu nổi lên thì “tới đâu tính tới đó”. Nhờ vậy tôi mới có thể hoàn tất chuyến tìm về mình ở Kyoto một cách sảng khoái thích thú.

Là một người sáng tác tôi cần tự do nhiều vô kể. Muốn có một thời gian không theo luật lệ. Viết ngủ ăn và không viết không ngủ không ăn tùy hứng. Muốn có những giờ giấc suy nghĩ thoải mái. Muốn có những lúc bật dậy viết trong đêm tối mà không lo sáng sớm dậy cho đúng giờ để lo cho con đi học. Muốn có những lúc lang thang tìm câu văn hay tìm cốt bài. Muốn viết gì thì viết mà không ngán ông nhà nước nào kiểm duyệt.

Không còn gì sung sướng cho bằng một ngày leo dốc, ngắm cảnh núi đồi, chùa chiền, hay một ngày lang thang trong những con phố đông hay vắng nhân quần đến rã rượi tứ chi. Buổi tối ghé ăn món cá tươi shasimi trong một cái quán sạch sẽ thơm tho. Về phòng vắng một mình. Một mình với không gian sạch sẽ giường chiếu phòng ốc có người dọn sẵn trắng tinh.  Tắm xong, thả cái bịch một đống thân thể lên giường. Khỏi lo cơm nước nhà cửa cho chồng cho con. Duỗi thẳng cẳng đọc net xong, mở những bản nhạc nhẹ, có khi mở phim Tiểu Bảo Quốc hay Văn Hường phim hài nghe. Lăn quay vào giấc ngủ với nhiều giấc mộng lành.

Sướng hơn nữa là cái ngày hôm sau. Thức dậy không nổi vì ngày hôm trước đi bộ hàng bao nhiêu chục cây số. Nhìn đồng hồ đã hơn 10 giờ sáng. Không muốn đi đâu. Chỉ muốn ăn nhẹ trái chuối uống ly trà xanh thoang thoảng hương đền Ryokan. Xong lại vùi người trên giường. Và cứ thế tôi nằm suốt ngày trên giường. Khi tỉnh khi thức. Cứ nằm suốt. Khỏi lo cơm nước cho con. Khỏi lo chồng bèo nhèo. Khỏi lo ai gõ cửa phòng. Khỏi nghĩ chuyện phải dậy dọn cái này làm việc kia. Chỉ nằm và nằm suốt cho đến 6 giờ chiều.

Tột đỉnh OK nhất vẫn là cảm giác có thể thảnh thơi tận hưởng ba tháng rong thân tĩnh tâm nơi xứ lạ Kyoto, cầm chắc một con trai đang yên vị học hành ở Columbia University New York, một con trai khác và một ông chồng tại nhà California, có thể chăm sóc lẫn nhau từ thể xác cho đến tâm thần một cách khả tín, mình mới an tâm cất bước ra đi ...

 

Sáu giờ rưỡi chiều cầm ly trà gạo Nhật Bản, nhìn một con chim mổ những hạt thu phân ngoài cửa sổ phòng trọ, tôi cũng thấy lòng rộn lên niềm trong sáng bình yên với chim.

Ngày còn trẻ tôi băng băng đi một mình đến lớp ở Đà Lạt mà không hề hay biết có người để ý. Nguyễn Từ Lương bạn học cũ bên SPCN Khoa Học của đại học Đà Lạt thả rơi câu “cô ấy thường đi một mình”. Đi một mình qua con đường Hàm Nghi ngang thành phố. Đi một mình ngang Hồ Xuân Hương hướng qua đồi Cù . Ngày đó tôi đi một mình no nê. Đà Lạt còn nguyên sơ núi đồi thiếu nữ vạm vỡ và tôi lăn vào từng ngày dẫm qua sức lực tuổi trẻ sinh viên. Đi qua bao nhiêu là con dốc và qua bao nhiêu lũng. Khi nghe Nguyễn Từ Lương nhớ về tôi, tôi bật nhận ra ồ tôi đi một mình và mê cơn mình một ấy. Và đã có những lúc tuổi hai mươi, tôi cảm nhận được nỗi hạnh phúc bùng nở vì mình được đáp chân trên đất đá hít thở sương gió thành phố trời đất tinh khiết. Và mình say say vì đi mà như lượn trong tuổi đời vừa chớm lớn, vì linh hồn mình bước vào lớp học với một khối óc thèm khát trí thức và tin vào chúng một cách ngô nghê ngồ nghề không sợ hãi.

Ở California mấy mươi năm. Đi conference một mình ở Evergreen Valley College. tôi đã quen với việc ở khách sạn một mình. Mua vé một mình. Thuê xe ở phi trường và tự lái một mình. Đi một mình với tôi không phải là điều xa lạ. Gặp gỡ Sacramento quyền lực và tiền bạc với những kẻ có thể thay đổi số phận cúa các sinh viên của tôi. Đồng nghiệp có 4 người. Gặp lại các bạn cũ năm bảy người khác đến từ De Anza, Gavillan, Mission College, San Jose City College, Delta, Contra Costra vv ... ở những hội trường Brentwood, Westcoast vv..Chào chào hỏi hỏi, đùa giỡn, đi bar uống rượu, ngồi bàn ăn chung ... Nhưng Charlie đồng nghiệp tôi luôn nói, Hue, she is always by herself . Chợt nhận ra mình đi lung cà tung như thế nhưng mình cũng lăng ba vi bộ một mình. Luôn luôn tìm cách đi riêng và ngồi một mình.

Đi một mình thấm trong máu. Nở trong máu. Sinh sôi trong máu từ thuở bé. Tôi thường thích đi một mình và nhìn xuống đất. Có lẽ vì tôi thích suy nghĩ, thích suy tư, thích trầm lắng. Có khi vì thích mang giày điệu nên phải nhìn xuống đất để tránh vấp ngã.

Kẻ thường đi một mình vì thế vận dụng được một thứ sức mạnh tinh thần để cảm thấy mình độc lập được với những phán đoán a dua của đám đông.

Đơn độc. Nhưng kẻ nào chạm phải cái nọc ấy và nhung nhớ nó rồi, sẽ cảm thấy yêu say cái nọc rắn sâu hoắm ấy.

Yêu thích sự một mình. Phiêu lưu một mình. Quyết định một mình. Suy nghĩ một mình. Trở về con người của chính mình. Nhìn lại những thành đạt, những thất bại một mình. Quay về dĩ vãng một mình. Nghĩ đến con cái một mình. Nghĩ đến chồng một mình. Nghĩ đến cái chết một mình. Nhu cầu được có những phút giây quay về với cái đầu và linh hồn mình một mình. Quý trọng và nâng niu cũng như thăng hoa và phì nhiêu chính mình trong những khoảng thời gian một mình ấy. Một hành trình tìm về mình tuyệt vời.






 

Chuyến hành hương một mình vào lứa tuổi ngoài 60 tôi nghĩ mình đi tìm tĩnh tâm cho mình.

Một lãng mạn đáng yêu cho người đàn bà đã vào thời ngồi lần hạt tuổi.

Dà dà đàn bà tôi đi tĩnh tâm một mình ở một thành phố yên ắng. Tôi lắng đọng chính tôi. Tôi chìm buồn trong chính tôi. Tôi hưng phấn cao bay trong tôi.

Những người khác tìm về một tịnh cốc để lắng đọng.

Người đàn bà nì thả rong bước chân của mình qua những con hẽm yên. Trong tiếng trưa sáo khí trời trong suốt reo chảy vào má môi. Trên những khuôn mặt người bình tĩnh bước qua mặt nhau không hề gườm ghè xoi mói kỳ thị. Người đàn bà này yêu chồm lấy một bầu khí bình an lan tỏa trên từng bãi cát bé tí trong sân chùa. Người đàn bà này có thể ngồi ở khu phố Gion ăn trưa một mình cắn một miếng shasimi mà môi miệng thấy thơm thơm mùi đại dương không dọa đe mình.

Những người khác thích phiêu lưu đến những nơi xa lạ huyền bí khám phá thế giới. Họ thụ hưởng cái đầu phiêu lưu cái chân mổ xẻ vũ trụ địa cầu . Đấy là một nguồn sống bừng nở khai phá tiến bộ khỏe mạnh của con người

Người đàn bà như tôi chỉ muốn được đạp chân lên một vùng đất yên lành nơi có nhân quần đi chợ, giữ con, nấu ăn, xây dựng, mua xăng, bán stock, chặt thịt, ngồi tám.  Sự bình yên an toàn và sạch sẽ mang lại cho tôi một cảm giác hạnh phúc. Vì biết thế giới có một vùng thổ ngơi nơi con người tạo dựng và đối xử với nhau một cách tử tế và văn minh tiến bộ. Những người đàn bà như tôi suốt bao nhiêu năm ngập mặt lo cho chồng, lo cho con, lo cho tha nhân, nên ao ước có được phút giây sống cho riêng mình một cách thỏa thuê . Đây là nguồn tái tạo sinh lực mà tôi may mắn nắm chụp được để làm mới mình cho chính mình và mới với những người chung quanh. Thay đổi môi trường sống là điều cần thiết để tôi kinh nghiệm những khao khát trên. Nhưng tôi phải là người chủ động tìm tòi và đòi hỏi một trường ấy. Thế mới gọi là thứ phần thưởng tìm kiếm và thách đố cho chính tôi

Thời chiến tranh ở Việt Nam thì luôn luôn sợ bị pháo kích, sợ bị trúng đạn . Không thì cũng sợ  các thứ khác . Chẳng hạn tôi rất sợ bị chó sủa và chó cắn . Mà suốt thời thơ ấu ở Việt Nam tôi bị chó sủa và chó xém cắn hoài . Sợ con trai bắn ná dây thung . Sợ nhất là ra chợ gặp mấy bà bán hàng quát chửi vì mình trả giá không đúng. Khi mới nhú vú bằng chũm cau là Mẹ Việt Nam luôn luôn dặn, làm con gái coi chừng bị con trai rủ rê đi chơi đêm rồi hiếp rồi chửa hoang. Thế là luôn luôn cảnh giác giữ cau giữ bướm như giữ mồ mả ông bà để lại. Mà tôi cũng từng bị bọn đàn ông sờ bướm trong rạp hát Kim Khánh ở Qui Nhơn. Và bị đứa anh trai của con bạn ép xác mó ngực ở cầu thang nhà bếp bạn.

Sang Mỹ thì sợ nhất là đi chỗ vắng thì có thể bị đè, bị giựt bóp, bị ăn cướp ăn trộm hay bị đàn ông hiếp. Nước Mỹ là thiên đường Tự Do Cá Nhân nhưng người phụ nữ yếu chân tay như tôi thì không thể gọi là sung sướng hưởng thụ các thứ như chúng được tôn vinh.

Nên khi tìm được một nơi gọi là nước Nhật, một thành phố gọi là Kyoto, mà tôi có thể đến cư ngụ một mình một cách an toàn, tôi tin là tôi có thể thụ hưởng cuộc phiêu lưu một mình; thì tôi rất hứng khởi và tràn ngập niềm yêu đời và yêu người để kéo chiếc valise leo lên chiếc xe bus ngồi 90 phút, rời phi trường Kansai International Osaka đi về phố ngàn đền Kyoto.

Niềm tử tế và sự có thể tin cậy được vào kẻ lạ là một hàng cực hiếm trên trái đất.

Chỉ ở Nhật và chỉ có người Nhật mới cho tôi một niềm tin tưởng sáng láng về tấm lòng tử tế và sự đáng tin từ tha nhân.

Đấy là một ân sủng hiếm hoi mà dân tộc Nhật gửi tặng tôi, mến tặng trần gian vào đầu thế kỷ 21.










Lê Thi Huệ

 

San Jose - 2019