Hoàng Hải Thủy

Công Tử Hà Đông đọc Gió-O

 

gio

Tháng Một 1995 – Tháng Mười 2013. Thấm thoắt dzậy mà tôi đã sống 18 mùa thu lá bay ở Mỹ.  Mười năm đầu – cũng như mọi người – tôi đi đây, đi đó. Năm năm mới đây tôi ít đi. Tuổi tác. Tám Bó. Ði lại tầu xe vất vả. Tháng Sáu 2012 Alice bị ngã, ngồi bên nàng giữa trưa Virginia nắng, chờ xe ambulance, tôi tưởng Alice chết. Từ đó tôi suốt ngày đêm sống bên nàng. May là tôi có computer.

Ông Huỳnh Văn Lang gọi computer là “tình nhân” của ông. Alice gọi computer là “cô vợ bé ” của chồng nàng. Nàng nói với bà bạn ở cùng Nhà Già:

“Ông ấy ôm cô vợ bé của ông ấy suốt ngày.”

Tôi nghiện computer. Không có chi lạ, cũng không có gì đáng nói. Nhiều người nghiện computer như tôi. Tôi có nhiều điều kiện để nghiện computer. Tôi ở nhà chăm phần chăm, tôi không có việc gì phải làm, tôi không có việc gì phải đi khỏi nhà. Cái xế Toyota Corolla xuất xưởng năm 2000 của tôi mỗi năm đi chứng 500 miles. Một lần đưa xe vào JiffyLube, bà Mỹ ngồi két nói với tôi:

“You don’t travel much.”

Tôi viết những bài Viết ở Rừng Phong. Sáng tôi thường dậy vào lúc 6 giờ, uống ly cà-phê, không hút thuốc lá, xem tin thời sự trên TV, đọc qua tờ nhật báo The Washington Post. Nhật báo Mỹ chẳng có tin, chuyện gì liên can đến tôi, tôi vẫn cứ đọc, đọc vì quen đọc. Mỗi sáng trước 7 giờ tờ báo được người mang đến để ở cửa phòng tôi. Hai tháng trả tiền báo 40 đô. Ăn sáng, thường là trái chuối, hai miếng cheese, một hũ yaourt. Chờ Alice dậy, pha cho nàng ly cà-phê. Thường thì nàng không ăn sáng.

Chín giờ sáng mở computer. Ðọc, viết đến 11 giờ 30 trưa. Tắt máy. Ăn trưa. Cơm của vợ chồng tôi là Meal on wheel; cơm do Ban Hỗ Trợ người Già Việt Nam trong Social Service Faifax County cung cấp. Cơm do hàng ăn Hương Bình nấu, được những vị thiện nguyện – volunteer – đem đến tận phòng. Ngày hai bữa. Mỗi bữa chúng tôi chỉ phải trả 1 đô, số tiền khác biệt được Sở Xã Hội trả. Ăn trưa xong nằm đọc Post, ngủ lơ mơ, ngủ thật lực, 2 giờ 30 dậy, 3 giờ mở computer, đọc, viết, 5 giờ tắt máy. Ði bộ 60 phút trong Rừng Phong, hay vào Exercise Room ngay trong housing đi trên treadmill 40 phút, tập tạ để mong tay không bị run. 6 giờ 30 về phòng, tắm, xem TV, ăn bữa tối, nằm xem TV, 9 giờ tối mở computer lần thứ ba trong ngày. Ðọc mải miết, đọc mê mải Nhiều đêm vợ tôi ngủ giấc dài, dậy thấy anh chồng vẫn mầy mò em vợ bé:

“Hai giờ sáng rồi.”

Tôi nghiện computer ngày 3 cữ.


LÊ THỊ HUỆ, người chủ trương “gio-o.com.”

LÊ THỊ HUỆ, người chủ trương “gio-o.com.”


Có một rừng gọi là Blog chữ Việt trên Internet. Blog nào cũng hay, cũng hấp dẫn. Mỗi sáng tôi thường đọc tin, chuyện trên các Blog Ðàn Chim Việt, Hải Ngoại Phiếm Ðàm, Vietnam Exodus, X-Café, Tin Paris. Tối tôi đọc chuyện văn nghệ trên những Blog Báo Mai, Tiền Vệ, Gocnhin, Ðặc Trưng, Lịch Sử Việt Nam. Nay bất cứ người nào có computer nếu muốn cũng có thể mở Blog của mình trên Internet. Không mất tiền, chỉ mất công. Blog“hoanghaithuy.com” do một bạn đọc tiểu thuyết của tôi làm cho tôi. Chú là người đọc truyện HHT từ Mỹ về Sài Gòn gặp HHT. Chú về thăm thân nhân. Chú đến nhà tôi. Chú nói:

“Em sang Mỹ từ năm em bẩy, tám tuổi. Nay em đã ra trường, có việc làm. Chúng em mấy đứa muốn học nói tiếng Việt. Chúng em thấy cha anh chúng em nay nói một thứ tiếng Việt không thuần Việt. Chúng em học tiếng Việt trong những tiểu thuyết của ông. Như chúng em đọc truyện The Deep của Mickey Spillane, rồi đọc Gã Thâm của ông, tìm trong đó những câu tiếng Mỹ được ông viết thành tiếng Việt ra sao. Như câu vai chính trong truyện là Gã Thâm ra lệnh cho một tay côn đồ:

“Mày đi ba bước người lớn, hai bước trẻ con, đến đây nghe tao nói..”

Tôi gặp lại chú ở Mỹ. Năm 2007 qua E-mail Internet, chú bảo tôi gửi cho chú mấy bài tôi viết về Ðồ Long Ðao Ỷ Thiên Kiếm để chú gửi cho một người bạn chú mở Blog về tiểu thuyết võ hiệp. Tôi gửi bài, chú bảo tôi:

“Em làm cái Blog của riêng bác.”

Ðấy là uyên nguyên Bloc “hoanghaithuy. com.” Tôi cám ơn chú. Nhờ chú, những bài tôi viết có thể được người đọc trên khắp thế giới, nhiều bạn trong nước đọc “hoanghaithuy.com.” Ðọc và viết cho tôi. Cảm khái cách gì.

 

Hôm nay tôi trích vài trang trong Blog “gio-o” của cô Lê Thị Huệ, Mời quí vị đọc bài “gio-o” phỏng vấn Hoàng Hải Thủy:

Lê Thị Huệ: Cảm giác của tôi ông là một người rất khó gần. Ðầy cá tính, đầy lôi cuốn, và khó gần.

Sau khi thực hiện cuộc phỏng vấn HHT, cảm giác ấy của tôi vẫn vương đọng …Tôi không nghĩ ông sẽ nhận lời khi tôi viết meo mời ông cho phỏng vấn. Và rồi thật bất ngờ, ông nhận lời. Hoàng Hải Thủy là một nhà văn đắt giá. Ông đã từng và đang là nhà văn được các báo Việt Nam lấy làm  may mắn khi được ông nhận lời gửi bài. Lý do là ông có nhiều độc giả. Các báo phải trả nhuận bút thì mới có bài của ông.

gio-o.com lấy làm hân hạnh được nhà văn Hoàng Hải Thủy gửi bài và đồng ý cho phỏng vấn không thù lao. Có lẽ con người mà người Việt thường gọi là “nghệ sĩ” của ông lộ ra ở điểm này. Có lẽ vì thế mà xuyên suốt bài phỏng vấn, sự ngập ngừng của ông chỉ làm cho tôi và có lẽ nhiều độc giả khác càng tò mò.  Và càng thấy những điều ông không trả lời còn ẩn đậy phần tài hoa và khô khốc ở con người Hoàng Hải Thủy, mà cuộc phỏng vấn vẫn chưa bật hé được.

Tôi rất yêu câu trả lời này của ông: “Tôi phóng tác tiểu thuyết để các vị phụ nữ Việt đọc”.

(.. .. .. )

LTH:  Ông giỏi ngoại ngữ từ nhỏ ? Ông biết bao nhiêu thứ tiếng ?

HHT: Tôi mà “giỏi ngoại ngữ” thì trên cõi đời này còn có ai “dzốt ngoại ngữ? ” Tôi tiếng Tây Bồi, tiếng Anh Bồi, tiếng Mỹ cũng Bồi.

LTH:  Tại sao Công Tử Hà Ðông ? Tại sao ông không lấy một bút hiệu như Công Tử Sè Gòng chẳng hạn, vì ông đã sống những năm thanh niên ở Sài Gòn và nghe nói ông cũng thuộc loại dân ăn chơi có hạng ở Sài Gòn thời đó. Tại sao Công Tử ? Tại sao Hà Ðông ?

HHT: Năm 1970 tôi giữ một trang trong Tuần Báo Con Ong, tôi cần một, hai bút hiệu Tếu để viết những bài  kiểu viết láo mà chơi. Cái tên HHT dành để viết tiểu thuyết. Tôi lấy 2 tên Công Tử Hà Ðông và Gã Thâm để ký 2 bài tôi viết trên Con Ong. Tôi ra đời, lớn lên ở thị xã Hà Ðông. Hà Ðông cách Hồ Gươm Hà Nội 11 cây số, có xe điện qua lại ngày 4, 5 lượt. Vì quá gần Hà Nội nên Hà Ðông không có gì đặc biệt cả. Ăn cao lâu, đi xem xi-nê, đi xem bói, mua thực phẩm Tết, quần áo, giày mũ, người Hà Ðông đều ra Hà Nội. Thanh niên Hà Ðông ăn diện không khác thanh niên Hà Nội nhưng vẫn là thanh niên Hà Ðông. Không ai dám tự nhận, nhất là công khai tự nhận trên báo, trong văn phẩm, mình là Công Tử Hà Nội, nhưng nhận mình là Công Tử Hà Ðông thì được. Vì Công Tử Hà Ðông là một thứ công tử tỉnh lẻ, không giống ai, không hơn ai, không được ai trọng. Anh Chu Tử hiểu nghĩa cái tên Công Tử Hà Ðông cuả tôi. Anh bảo tôi:

“Anh lấy bút hiệu Công Tử Hà Ðông hay đấy.’

Lúc ấy có anh  bạn tôi, nói:

“Công Tử Hà Nội” mới hay chứ.”

Anh Chu Tử nói:

“Công Tử Hà Nội thì còn nói gì nữa.”

LTH:  Tiêu chuẩn nào để ông chọn những tác phẩm để phóng tác ?

HHT: Tôi chỉ viết để người đọc giải trí. Loại tiểu thuyết phơi-ơ-tông – feuilleton – đăng trên nhật báo mỗi ngày cần có những chuyện làm người đọc phải đọc tiếp. Tôi đọc tiểu thuyết Âu Mỹ trước hết vì tôi thích đọc, tôi cần đọc. Ðọc quyển nào tôi thấy hay, tôi bị lôi cuốn, tôi nghĩ đến chuyện nên phóng tác truyện này cho độc giả của tôi đọc. Cách chọn truyện Âu Mỹ để phóng tác của tôi như sau: Những năm 1960 thời gian tôi phóng tác tiểu thuyết nhiều nhất, nhờ làm nhân viên nhật báo Sàigònmới, viết tiểu thuyết quanh năm cho nhật báo Ngôn Luận, tôi có tiền, tôi ăn chơi, tôi mua sách thả dàn. Thời gian này, thời gian phong độ nhất đời tôi, tôi chia cuộc sống của tôi trong ba việc: Làm, Học và Chơi.

Tôi Làm để có Tiền sống, để có điều kiện Học – học trong sách – tôi Chơi vì tôi ham Chơi, tôi Chơi để Làm và Học. Ba việc thời gian bằng nhau nhưng thường thì việc Chơi của tôi lấn sang việc tôi Làm và Học. Rõ hơn: thời tôi trẻ, tôi Chơi nhiều hơn tôi Làm và Học.

Khi đọc một tiểu thuyết Pháp, Mỹ thấy hay, tôi để sách nằm đó, chừng năm, sáu tháng sau lấy ra đọc lại, vẫn thấy hay, thấy hấp dẫn, tôi mới quyết định phóng tác truyện đó. Nên khi phóng tác tôi thuộc nằm lòng cốt truyện. Tôi thêm sự kiện nào vào truyện là thưà.

LTH: Tại sao ông lại chọn cách “phóng tác” thay vì dịch đúng nguyên bản tiểu thuyết ngoại văn?

HHT: Tôi phóng tác để các vị phụ nữ Việt đọc. Các cô, các bà người Việt khi đọc tiểu thuyết khó nhớ được một nhân vật lúc thì tên làElizabeth, lúc thì tên là Liz, lúc là cô Taylor. Vì khó nhớ tên nhân vật, họ không thích đọc truyện có những nhân vật ấy. Ðộc giả phụ nữ Việt những năm 1960 khó hiểu những truyện tiểu thuyết có những sự kiện chính như thang máy,  phone, máy ghi âm, phi cơ. Trong việc phóng tác của tôi có việc tôi gọi là “dịch địa” và “Việt Nam hoá tiểu thuyết ngoại văn,” tôi làm tác phẩm tiểu thuyết Âu Mỹ trở thành tiểu thuyết Việt Nam, chuyện xẩy ra ở Việt Nam, nhân vật là người Việt Nam.

LTH:  Tác phẩm phóng tác nổi tiếng nhất của ông là Kiều Giang. Tại sao từ Jane Eyre lại thành Kiều Giang ?  Nguyên tắc “phóng” của ông từ đâu ? Từ âm thanh tương tự ? Từ điển tích ? Từ ngẫu hứng ? Từ đâu ?

HHT: Khi đọc Jane Eyre, tôi nghĩ: ” Mình sẽ phóng tác truyện này, đặt tên là Kiều Giang. “Tên con gái tôi là Kiều Giang, cháu ra đời cùng năm tôi phóng tác Jane Eyre trên nhật báo Ngôn Luận.

LTH:  Kiều Giang của Sài Gòn ngày đó như thế nào ? Những điều mà độc giả chúng tôi chưa được biết ?

HHT: Có ba loại người thích đọc Kiều Giang ở ba số tuổi khác nhau: Tính vào những năm 1960-1965: Mẹ tôi 65 tuổi, vợ tôi 35 tuổi, con gái tôi 10  tuổi. Cả ba người đều đọc và thấy Kiều Giang hay.  Nếu quốc gia ta còn, Kiều Giang có thể sẽ có những lớp người Việt kế tiếp nhau đọc. Kiều Giang được in 3 lần ở Sài Gòn trước năm 1975, được xuất bản một lần năm 1980 ở Hoa Kỳ. Những năm 1980 trở đi mỗi khi có phim Jane Eyre chiếu ở Sài Gòn người ta đều dùng tên Việt là phim Kiều Giang.

LTH:  Ông nghĩ một nhà văn nên tham dự những vấn đề chính trị hay xã hội đến đâu?

HHT: Theo tôi “Việc của Nhà Văn là Viết.”

LTH:  Alice? Tại sao ông lại cho Alice đi vào thơ văn, một fictional character từ chính tên của người vợ ông ? Tại sao không là một tên nào khác?

HHT: Bài Thơ nào tôi làm riêng cho vợ tôi, tôi để tên nàng vào bài. Thơ tôi toàn việc thật, người thật.

CTHÐ: Tôi trích bài “Sài Gòn Mẹt ” của Lê Thị Huệ trong “gio-o.com.” Bài này có đoạn viết về Vở Ca Kịch Miss Saigon.

Lê Thị Huệ, Sài Gòn Mẹt *

Tôi còn nhớ những ngày rất đầu tiên ở Mỹ 1975. Vào những năm rất đầu hai mươi của một thời con gái còn rất yêu đời là tôi. Những ngày vừa đặt chân đến xứ Mỹ. Tôi chia nhà trọ với một cô bạn học người Mỹ. Cô ta người da trắng, xấp xỉ tuổi tôi. . Cô ta có một anh bồ rất là Californian boy. Mắt nâu tóc vàng, hút cần sa, lái xe trúc con, để tóc dài, mặc quần jean. Mỗi tuần họ chỉ hẹn gặp nhau để làm tình ở phòng cô ta vào tối thứ tư. Còn những cuối tuần tôi không biết anh ta đi làm chuyện này ở đâu, vì không thấy cô bạn tôi ra đi với anh vào những cuối tuần.

Có một lần cô ta nói với tôi. Hue nghe nè, bây giờ ở chung với nhau lâu rồi tôi mới nói cho bồ nghe. Bồ không giống như lời ông anh tôi nói về con gái Việt Nam hồi anh tôi vừa từ Việt Nam về. Tôi nói anh bồ nói cái gì về con gái Việt Nam. Sandy nói, anh tôi nói con gái Việt Nam ai cũng làm đĩ hết. Ai cũng làm đĩ hết, they all prostitute. Tôi trố mắt hỏi lại. Cô gái tóc vàng có hàm răng trắng kem Crest cười rung lên những sợi tóc ướp đầy mùi hương ngợi ca thân xác trả lời. Không phải everybody, you know. Nhưng ông ấy nói con gái Việt Nam làm đĩ nhiều lắm. Và chỉ có làm đĩ với Mỹ họ mới có nhiều tiền. Nếu không họ nghèo lắm. Anh tôi là lính hồi đó đóng ở ViệtNam, you know.

Ðây không phải là kinh nghiệm đầu tiên của tôi về những bộ mặt của một cuộc chiến mà tôi là kẻ ngây thơ trong cuộc  và không biết cái gì hết.

Năm mười mấy tuổi, trong một phút giây vô tư học trò nhỏ áo trắng đến trường, có một hôm trời bất ngờ đổ mưa to. Cô bé dạt vào một cái hàng hiên để vội nép mưa. Trúng ngay một cái bar Mỹ. Có một người đàn ông Mỹ  đang đứng chờ để vào cái bar đó. Cũng trong một phút giây chắc là vô tư nhất của một thanh niên ở xứ lạ quê người, anh ta mắt nhìn tôi và tay chỉ vào hạ bộ đến mấy phút. Không hiểu sao lúc đó tôi không run rẩy. Nhìn anh ta một lần. Nhìn ra trời mưa đang sắp thành cơn dông sấm chớp nổ um sùm trên trời. Rồi nhìn lại anh ta lần nữa. Rồi trời thì mưa to mà tôi cứ ôm cặp vở nhào đại ra đường mà đi về nhà. Vừa đi vừa khóc như vừa đánh mất một điều gì. Tôi đã không kể cho mẹ tôi nghe về chuyện này. Tôi chưa bao giờ kể cho ai nghe chuyện này. Trong đoạn đường đánh mất thơ ngây, để mở mắt ngó trừng trừng về phìa những khoảng không màu thăm thẳm của cuộc đời, tôi không bao giờ quên được khuôn mặt của người lính Mỹ và những ngón tay của anh ta trong một buổi hoàng hôn mưa trên hè phố đường Lê Lợi Quy Nhơn năm nào.

Khi tôi đang viết những giòng chữ này (1990) thì ngoài kia một chương trình ca kịch lừng danh đang diễn ra ở  New York. Người ta đang nói về Miss Saigon như một hiện tượng. Vé bán sạch bách gần mấy tháng trước ngày mở hàng. Tôi chưa xem, chỉ mới nghe, đọc, và xem những mục điểm tuồng trên báo, truyền hình và truyền thanh. Chuyện phim mô tả một cô đĩ Việt Nam và một anh ma cô Tây Lan ham đi Mỹ. Làm tất cả mọi cách để đi Mỹ.

Cùng một lúc đang xảy ra đang nói tới là trong chế độ Cộng Sản hiện nay, nạn đĩ điếm đang thịnh soạn bày cỗ ở Việt Nam. Lý do vì đây là một cách kiếm sống phổ thông trong một xứ sở vừa nghèo vừa ngu, và có chương trình chào đón du khách Tây Mỹ Tàu Phi Hàn ghé chơi.

Tôi đang lẩn tránh chính tôi khi cố gắng nói ít về những điều gì đang xảy ra trên một xứ sở có tên gọi Việt Nam. Mỗi người Việt Nam là một kẻ tội đồ. Mỗi người Việt Nam đều mang theo trong lòng một cảm giác tội lỗi tại sao mình lại để cho xứ sở ấy tồi tệ đến như ngày nay. Nhưng bạn phải là người Việt Nam bạn mới hiểu được nỗi câm nín khốn nạn ấy. Chuyện này chỉ có thể giữa chúng tôi giải quyết với nhau. Cho nên tôi sẽ nói một cách lơ tơ mơ về cái điều gọi là ngây thơ từ những kinh nghiệm cụ thể nhất cho đến những ý niệm mơ hồ nhất. Bởi tôi là kẻ thường xuyên bị giằng co giữa hai bờ vực này, dưới lớp biểu bì rất mẫn cảm của một thứ cảm giác có tên gọi là nhà văn.

Người ta có thể dẫm lên niềm ngây thơ của kẻ khác để vinh danh những giá trị như Hạnh Phúc, Hoan Lạc, Nghệ Thuật, Tài Năng, Tự Do, Cách Mạng v.v….. Miss Saigon theo cái ẩn ý của nó chuyên chở một nước Việt Nam ngây thơ và buông thả phó mặc cho một tên ma cô có máu Pháp-Tây (lịch sử) buôn bán sinh mạng. Tất cả cái bi kịch của Sàigòn là cuộc giẫy chết 1975 và cái ùa ạt hướng về đất Hoa Kỳ để tìm kiếm một sinh lộ. Ðó là cái cách người ngoại quốc nhìn về Việt Nam và tiểu thuyết hóa nó. Ðó là cái nhìn của người ngoại quốc ném về phía chúng tôi – Và rồi tôi không quên được đôi mắt nhìn của người lính GI Mỹ của chiều mưa năm xưa.

1990

* Ðăng trên Tạp chí Văn hải ngoại do  Nhà văn Mai Thảo chủ biên, dưới tựa “Ngây Thơ Ðã Chết Tự Hôm Nào.”

Lê Thị Huệ © gio-o.com 2013

 

Thơ Lê Thị Huệ 

Tái Nạm Tình Cũ

họ nằm dưới lớp vảy thời sâu

khẩy một tiếng đàn nghe giọng cười lắc lẻo

tiếng yêu thân quen mòn mèn bên lỗ tai

những cái lỗ khác hình như róc rách

giọng hoan lạc ngày hành kinh nhớ tình làm

nằm úp mặt tương tư những ngón tay ve vuốt

lần lượt họ về khi vồ vập phải nhau

gọi tôi giữa đêm khuya khi vợ mắng mỏ

khi vợ mang bầu ngặt tháng thứ chín

khi vợ bỏ họ đi xa

những người tình cũ tìm đến tôi khi hôn nhân sập

họ nương nhờ cánh tay tôi hỏi han

nữ hoàng tôi là nữ hoàng tình ái họ thời xa thẳm

tôi bật cười những người tình không rời trí nhớ

 

CTHÐ: * Lê Thị Huệ Sài Gòn Mẹt. Không phải Sài Gòn Mệt.

Tôi bốc thơm: “gio-o.com” có những bài viết thật hay. Tôi chỉ có một ý góp với cô Chủ. Trong một bài cô viết có câu:

“.. rũ như con gà bị dội nước sôi trước khi bị cắt tiết..”

Tôi save đoạn văn này, định bụng khi viết về “gio-o.com” đem ra dùng, nhưng tôi save vào đâu nay tôi tìm không thấy.Ý chính của câu là: “..con gà bị dội nước sôi trước khi bị cắt tiết..”

Gà vịt bị cắt tiết chết queo rồi mới bị dội nước sôi để vặt lông, cô Chủ “gio-o” ơi. Lỗi nhỏ thôi. Tôi viết ra chuyện này để nói lên ý nghĩ của tôi:

“Phụ nữ Việt Nam nay không còn mấy người biết và có thể cắt tiết gà vịt. Như chuyện nước Việt bị nước Tầu thôn tính, trong thời gian không xa, phụ nữ Việt sống ở thành phố khi có gà vịt sẽ không biết làm sao làm thịt để ăn. Chuyện ấy chắc như bắp rang, chắc như cua gạch.”

Than ôi…. Cảm khái cách gì.

 

Hoàng Hải Thủy

October 14, 2013