uslaboragainstwar.org

Lê Thị Huệ

Những Hạnh Đường Phố Vẫn Trổ Bông

tản mạn

 

Một ngày thành phố nhớ hường hoa cách mạng.
Những mắt xanh của bão tốt biến mất.
Sự trống vắng đấm thùm thụp vào lưng đời sống
Thèm nghe tiếng vỗ của một đám đông điên


Chỉ trong vòng hai ba tháng đầu năm 2003, không hiểu sao tôi bỗng du đời mình vào dăm bảy cuộc biểu tình đả đảo đời sống.

Biểu tình là đi dấy lên những cuộc cách mạng nồng nàn của trái tim còn tân. Biểu tình là thắp lên những biểu ngữ trí tuệ thơm tho mùi mực mới nhất. Biểu tình là yêu nổi một phố đông và đôi khi thấy muốn hôn lên đám đông một miếng. Biểu tình là cái cổ biểu hét lên tối đa cho đã. Biểu tình là máu nóng dồn lên rửa sạch hết bao nhiêu phiền muộn bất công bất lực cuộc đời. Tôi đọc trong sách thấy Phật Giáo có cái hạnh Dhutanga, còn gọi là Hạnh Đầu Đà. Sư Tỳ Khưu vào sống trong rừng, thực hành hạnh này để loại trừ phiền não. Tôi thuộc lọai lọt sổ mọi tôn giáo nhưng chiều nay tự nhiên liên tưởng đến "hạnh biểu tình". Hạnh này kiêu là "hạnh ham vui". Không đi vô trong rừng mà đi xuống phố đông người thực tập "hạnh đường phố".

Tôi phải thú nhận là tôi hơi bị mê biểu tình.

Hai ba cuộc biểu tình chống chiến tranh I Rắc ở San Francisco gần đây. Tôi hăng hái dắc hai con đi xe lửa Bart về đô thị lớn. Thằng con thứ ra ngắm dân tình reo hò, hát, nhảy, và ngâm thơ trước toà Thị Chính San Francisco, bèn tuyên bố: "Nhiều người điên qúa mẹ a.."   Chú bé lỉnh vào trong Thư Viện San Francisco góc đường Market đọc sách. Để lại hai mẹ con tôi và Tôm Hùm đứng suốt những buổi chiều.

Biểu tình nhỏ trong sân trường đại học. Tôi dẫn vài chục sinh viên Việt Nam, kết bè kết đảng với các nhóm sinh viên Đen và Mễ đến phòng họp của Hội Đồng Quản trị Học Khu Đại Học Cộng Đồng San Jose.  Chúng tôi yêu cầu không được cắt tiền của các sinh viên nghèo và các sinh viên tàn tật. La qúa đến độ mấy ông bà quản trị do dân bầu, đã phải thôi không dám cúp tiền trợ cấp cho đám sinh viên nghèo và kém may mắn này . Phe ta chiến thắng vẻ vang






Và thứ hai 17.3.2003, tôi lại tháp tùng các đồng nghiệp và sinh viên, leo lên xe buýt êm đềm đường trường xa lộ hai tiếng đồng hồ, đến tận thủ phủ bang California là Sacramento. Biểu tình yêu cầu thống đốc không được cắt ngân sách giáo dục dành cho hệ thống đại học cộng đồng tiểu bang California. 

Sáng thứ hai vừa mở mắt nhồm nhoàm bình minh. Tôi phải vội vàng thu xếp thức ăn sáng cho các con. Rồi giao hai đứa nhỏ cho anh xã. Tôi phóng xe lên trường. Trên xe, tay trái cầm tay lái số, tay phải dò radio nghe tin tức. Tình cờ bắt gặp giọng của của một người đàn bà quen đang giảng rao chài mồi người người đi sửa sắc đẹp. Tôi biết rõ người đàn bà ngoài đời là một người khá thành công nhờ giỏi điêu ngoa . Thế mà lên radio thì tự nhận là người chân thành nhất thế giới, chăm sóc cho các chị em phụ nữ nên biết phải đi sửa sắc đẹp để níu giữ thanh xuân. Và đây là ba mươi sáu chước: đi căng da mặt, đi hút bụng mỡ, đi xẻ mí mắt, đi độn gò đống trên mũi, đi khâu rộng thành hẹp, đi làm cái gì đó tùm lum tà là thì mới được chồng yêu chồng qúi ...vv và vv...




Bryan Patrick, Sacramento Bee



Hai tiếng đồng hồ sau, khi ngồi trên xe buýt giữa các sinh viên tranh cãi tại sao trong Thời Đại Thông Tin đọc nhiều thứ sẽ làm cho con người lộn xộn hoặc sẽ làm cho con người nhận xét sáng suốt hơn, tôi bỗng phì cười và vui vui tưng bừng môi má. Tự giật mình và thầm nghĩ mình thuộc lớp mà chúng sinh gọi là hơi bị hâm đấy chăng. Sáng nay nghe người đàn bà ba xạo ấy kiêu gọi sửa sắc đẹp để níu thanh xuân, tôi chán hơn cơm nếp nát, vặn lướt qua giọng giả Nam Kỳ của bà ta một cái rụp. Vậy mà bây giờ ngồi giữa các đồng nghiệp nhao nhao lên chuyện đòi truất phế lão thống đốc không làm đúng ý mình, và nghe mấy sinh viên cười cười cãi cãi um lên chuyện triết lý, tôi cảm thấy thật sảng khoái.  Giống như uống được một liều thuốc cải lão hoàn đồng. Kiểu này chắc muốn tôi trẻ lại thì cứ việc để cho tôi đi biểu tình. Đi biểu tình là một cách trẻ trung hóa hay tuyệt. Trẻ trung hóa tinh thần chắc là thoả mãn cơn khát trong con người của tôi hơn. Còn sao tôi chả cảm thấy hào hứng gì khi nghe có người kêu gọi tìm đường chà da mặt cho láng lên đặng nhìn cho trẻ. Bình đẳng đi nhé. Tôi nghe nói kỹ nghệ sửa sắc đẹp thân xác ở San Francisco đang phục vụ các khách hàng nam tận tình. Mỗi người một nhu cầu. Có khi các ông sửa sắc đẹp thân xác và các bà thì nên tân trang lại tâm hồn những lúc thấy cần, may ra sự bình đẳng giới tính sẽ ló ra từ từ. Chớ bao lâu đàn bà thì cứ căng kéo da để nhìn cho giống em gái hai mươi . Còn đàn ông thì cứ ướt dầm đêm mơ càng to càng tốt, thì đời sống vẫn đôi ngả chia ly. Vì đấy là những pháo đài cổ điển hai giới tính này vẫn cứ cố thủ trong đấy . Và lâu nay chúng đã chứng tỏ là không làm cho nhân lọai này hạnh phúc hơn

Biểu tình. Làm sao nói cho hết những mối tình của tôi với những cuộc biểu tình to nhỏ qua những chuyến xe hạnh phước trong đời. Những đợt biểu tình như là những đợt tình yêu đi qua để lại cho tôi những cơn mặc khải huyền diệu về đời sống.


Lúc tôi còn là một cô bé sống ở những thành phố Miền Trung cạnh biển, đêm đêm rất sợ bị Cọng Sản pháo kích, ban ngày thì sợ bị xe Mỹ đè chết. Suốt những thập niên 1960 tôi sợ hai điều này kinh khủng. Cho đến một ngày kia tôi khám phá ra những cuộc biểu tình chống Mỹ đang diễn ra đâu đó trong thành phố. Thế là tôi len lén đi "xem biểu tình". Có lần đi "xem biểu tình" bị xịt lựu đạn cay, về nhà mắt mũi sưng vù, mẹ hỏi đi đâu, tôi nói đi "xem biểu tình". Mẹ tôi la con gái con gung thấy biểu tình thì không lo mà chạy xa xa, lại xáp lại mà xem. Tôi chỉ biết ngậm nhấm một mình cái suy nghĩ len lén xâm lấn vào hồn: Trời! Coi biểu tình nhiều khi còn ngoạn mục hơn xem xi nê. Sao lại có thể bỏ qua hoạt cảnh một đám đông la hét hay như thế! Đám đông diễn tuồng không cần kịch bản. Đường phố nào mà không có những góc cạnh đẹp. Âm thanh của đám đông trên đường phố là những âm thanh có linh hồn nhất. Nhưng chính cái ánh sáng toả ra từ tiếng hét: Hãy làm cho cuộc đời này công bình và tốt đẹp hơn, chính là những âm thanh vô cùng quyến rũ của hạnh đường phố. Hình như kể từ đấy tôi bị cuốn hút vào sự phẫn nộ của đám đông trên đường phố khi họ la hò phản đối lên tiếng về một sự tốt đẹp nào đó bị xâm lấn hay bị tước đoạt.

Khi quê hương Miền Nam của tôi bị người Cọng Sản Miền Bắc đánh tan hàng năm 1975, tôi chạy tị nạn sang Mỹ. Hễ nghe biểu tình chống Cọng Sản nơi đâu là tôi đi đó. Vì mình là dân chạy tị nạn Cọng Sản mà. Xa quê hương nhớ mẹ hiền. Đi biểu tình thật là sướng. Chính nghĩa đầy mình. Biểu tình là để phát biểu cho thế giới biết chế độ Cọng Sản Việt Nam không do người Việt Nam bỏ phiếu. Chúng tôi chọn lá phiếu xuống đường ở cách xa Việt Nam hàng vạn dặm để nói dùm cho hàng triệu người dân Việt bên kia bờ biển Thái Bình Dương. Tuy loe ngoe vài trăm hay vài ngàn người Việt ở San Jose ... Thế giới nào mà thèm chú ý bọn người thua trận.

Thế nhưng.

Chúng tôi thì thoải mái hỉ hả sung sướng vì ít ra ở những nơi không phải là Việt Nam, chúng tôi còn được biểu tình la ó  "Đả Đảo Cọng Sản" ác độc áp bức không có tự do tại Việt Nam. Chứ còn mấy chục triệu dân Việt Nam có quê hương ranh giới địa lý và có chính quyền được thế giới công nhận ấy, bị cấm biểu tình. Chấm một cái dấu chấm than ở đây. Những người sống trong chế độ Cọng Sản không bao giờ được biểu tình. Đa số những người sinh ra và lớn lên trong chế độ Cọng Sản không bao giờ biết chúng tự động nổi cơn biểu tình là gì. Thiệt là một điều mất sướng!

 

Vào đầu thập niên 1980, tôi đã được chứng kiến những cuộc biểu tình tuyệt vời trên đường phố San Francisco. Đấy là những cuộc biểu tình giật sập hai chế độ độc tài Shah của Iran và Marcos của Phi Luật Tân.  Lúc đấy tôi còn đang theo học tại San Francisco State. Sáng sáng vừa húp sữa và cốm rời vừa dán chặt mắt vào máy truyền hình nghe ngóng hôm nay ai biểu tình, biểu tình ở đâu. Tôi cúp cua đều đều chạy ra phố để xem dân Ia Răng và dân Phi Luật Tân đi biểu tình.  Những khẩu hiệu đả đảo nhà độc tài Marcos và Shah bay mượt mà bầu trời San Francisco. Khiếp! Người Phi và người Ia Răng ở đâu ra mà lắm thế. Họ kéo dài từng đoàn trên đường Market. Biểu ngữ dàn trời. Khẩu hiệu nổ như sấm. Down With Shah. Down With Marcos!  Tôi say mê lang thang qua những đường phố cùng đám đông. Tôi cầu mong cho những cuộc biểu tình này thành công. Đẩy hết những nhà độc tài xuống hố. Lúc đó tôi chả thích gì ông lãnh chúa Khomeini nhưng ông Shah lúc đó ngồi ì trên ngai vàng qúa lâu từ 1941-1979. Còn Marcos thì cũng rứa. Lên ngôi tổng thống một cái là dính chết cứng mấy chục niên liền 1965-1986.  Tôi đến từ một xứ sở độc tài. Tôi thấy rất khó mà đuổi nổi những nhà độc tài ra khỏi chức vị một khi họ nhập vai nhân vật lãnh đạo số một quốc gia.

Thế nhưng. Lại thế nhưng...

Như một phép lạ xảy ra trước mắt tôi. Cả hai cuộc biểu tình trên đường phố San Francisco và trên nhiều đường phố khắp thế giới của các cư dân lưu vong Phi và Ia Răng đã thổi những đuốc thiêng về đến quê hương Manila và Tehran của họ. Tôi chứng kiến những nhà độc tài phải ra đi và tự chết tức tưởi ngay sau đấy. Tôi hân hoan vô tả. Thấy ngay sức mạnh của những cuộc cách mạng "Ý Dân" (People Power) chuyển tải từ đường phố về đến dinh phủ toàn quyền cuốn trôi những nhà độc tài ra nghĩa địa. Tôi cảm thấy đời sống còn những hạt giống nhiệm mầu tốt tung bay trên những con đường thị thành. Biểu tình chứ không phải chiến tranh đã giật sập được hai nhà độc tài Shah và Marcos. Có thể đằng sau phép mầu đường phố này còn có những gian dối nào đấy của lịch sử. Nhưng trong nhận xét của tôi, hai cuộc cách mạng lật đổ Shah và Marcos là hai cuộc cách mạng đẹp vì chúng không đổ máu. Phép mầu của đường phố mà tôi đã tham dự này, làm cho tôi co' được chút niềm tin vào sức mạnh của đám đông hiền lương.  Khi nghe tin những hạnh đường phổ đã trổ bông chiến thắng, tôi nằm trong phòng trọ Daly City, kéo cái chăn đắp lên lồng ngực và đọc một khúc thơ tôi viết cho người bạn trai đang xông pha cách mạng trên đường phố New York rằng:

"chúng ta phải tin và phải tin
vào mắt đất
đầy bùa phép của chính nó
thổi dạt thảm hoạ này kế tiếp thảm hoạ nọ "

Bây giờ ngồi đây giữa nước Mỹ lồng lộng, nghe đài radio hải ngoại đọc một lời kêu gọi của những người Việt Gốc Mỹ kêu gọi người Việt đi biểu tình ủng hộ Mỹ xâm lăng I Rắc, rồi đọc trên net thấy ở Việt Nam dân Hà Nội đi biểu tình chống chiến tranh I Rắc, tôi hơi bị ngẩn ngớ

Sự hiểu biết xem ra là một tài nguyên qúi báu mà tôi đã suốt đời đuổi bắt. Nhưng có chút gì đau đớn khi chính sự hiểu biết đã chia cắt tôi với những kẻ đồng loại. Tôi không thể hiểu được tại sao người đồng hương của tôi lại có thể ủng hộ hành động ác độc của bộ máy chiến tranh của xứ sở đã từng mang 4,083,060 tấn bom cày nát Việt Nam. Người Việt ủng hộ ông Bush xuất cảng chiến tranh sang I Rắc! Tại sao người ta đã từng sống sót qua những trận mưa bom đạn, đã trải qua những mất mát cha mẹ anh chị em vợ chồng vì chiến tranh Việt Nam nay lại ủng hộ chiến tranh tàn sát những người dân I Rắc vô tội nhỉ?




uslaboragainstwar.org



Cái bi kịch cứ tiếp tục là khi nhân danh là một bà mẹ hiểu biết, tôi chỉ có thể nói cho con tôi, để nó không ủng hộ chiến tranh. Nhưng hình như tôi không nói được với nhiều người đồng hương Việt Nam rằng chiến tranh ông Bush đang mang sang I Rắc là một hành vi khủng bố ác độc lên trên dân tộc I Rắc.  Ông Bush và nước Mỹ đã mang bom đạn sang cày nát xứ sở I Rắc chỉ để tìm kiếm và truất phế một người đàn ông tên là Saddam! Sau hơn mười ngày Mỹ mang quân sang xâm lăng I Rắc, tính đến ngày 3.4.2003, người dân I Rắc đã hứng chịu hơn 12,000 qủa bom và 725 hỏa tiễn Tomahawk thả xuống thân xác, nhà cửa, đất nước họ! Không thể nhân danh bất cứ điều gì để mang bom đạn sang giết người, đốt nhà, phá nát quê hương của người khác. Tởm lợm hơn nữa là hằng ngày tôi vẫn nghe nước Mỹ bô bô lên là nước này xâm phạm Quyền Làm Người, nước kia cần có nhiều Dân Chủ hơn.  Thế còn cái nước Mỹ này khi mang bom đạn sang cày nát quê hương người I Rắc thì họ dựa trên quyền gì? Quyền mạnh hiếp yếu chứ quyền gì nữa. Rất tiếc đây là một bức tranh qúa đơn giản nhưng những người đồng hương Việt của tôi không muốn biết, không có khả năng hiểu. Hay vì họ nghĩ là công dân Hoà Kỳ họ chỉ nhắm mắt nhắm mũi nghe lời ông tổng thống Bush hạ lệnh: Úynh. Hãy úynh I Rắc với bất cứ giá nào.




uslaboragainstwar.org



Nhìn về những cuộc biểu tình của cái xứ sở Việt Nam đang kêu gọi quân dân cán chính biểu tình chống I Rắc kia thì còn kịch tâu hài bài bản hơn. Mẹ. Lên thử mấy cái phố rùm trong nước mà xem. Diễn đàn nào cũng cấm bình chuyện chính trị. Các công dân bé các công dân nhớn của nước Cộng Hoà Xã Hội Việt Nam nào trong các diễn đàn trong nước cũng tự động cầm một cục keo trét ngay cái miệng mình khi đụng đến chuyện chính trị Việt Nam. Không tự động dán băng keo lên miệng thì diễn đàn sẽ bị tường lửa. Nhìn từng bầy đoàn công dân Việt Nam á khẩu trên các diễn đàn trong nước, thật tội nghiệp. Nói đến bác Hồ Chí Minh là phải khen chứ nói một chữ xúc phạm đến ông Hồ là bị treo ních không kịp ngáp. Trên mọi diễn đàn phục vụ chế độ Việt Cọng hiện nay, không ai được hay không ai dám dùng "ních" hochiminh. Chuyện không được phạm húy tên vua tưởng là chuyện xảy ra cách đây mấy trăm năm chứ. Ai ngờ vào năm 2003 khắp một cõi giang sơn Việt Nam cũng không ai được xài ních hochiminh. Thổ tả chịu hết nổi. Vậy mà thủ đô Hà Nội lùa dân quân cán chính đi biểu tình chống chiến tranh I Rắc.

Nhưng tôi thì vẫn ngồi đây. Bất lực nhìn những người Việt từ San Jose ủng hộ ông Bush. Bất lực nhìn những người Việt trong nước tin là mình phải nghe lời chính quyền độc tài Hà Nội cho đúng bổn phận công dân. Khoảng cách nào giữa tôi và họ đã đẩy đưa thế giới này có bộ mặt như ngày nay.




Lou Dematteis, Reuters.



Tôi tự tin là tôi có một trình độ hiểu biết nào đó về thế giới và con người để tôi có thể tự sống sót với chúng mà không bị những điềm ác và xấu của thế giới và con người giết tôi chết mất. Đôi khi tôi phải tự tin để sống sót. Nhưng chiều nay, khi nhìn từng đoàn hùng binh của Mỹ thả từng loạt bom đạn lên thủ đô Bát Đa, tôi thấy tôi co lại như con thú bị thương. Con thú tiền sử có co quắp thì cũng đớn đau như tôi chiều nay. Sự hiểu biết của tôi cách con thú tiền sử hàng trăm nghìn năm. Nhưng chiều nay sự hiểu biết của tôi chả có gì chứng tỏ là tôi và thế giới này bớt đau khổ hơn những con thú thời tiền sử.

Tôi chống chiến tranh thì cứ việc chống. Những nhà lãnh tụ vẫn có công dân. Những công dân thì cứ tiếp tục tôn thờ và sống chết cho lãnh tụ chính trị George W. Bush và Saddam Hussein, lãnh tụ tôn giáo Jesus Christ và Prophet Mohamed của họ. Sẽ không ai nghe lời tôi nói trong chiều nay. Tôi bỗng nghiệm ra một điều bấy lâu nay tưởng là nhỏ nhưng té ra rất to: Con người ta sống cần lãnh tụ như cần không khí và cần thức ăn uống. Khi con người đã chọn lựa cho mình một lãnh tụ thì con người sẽ giao đời sống tinh thần và vật chất hết cho người/vật/lực đó. Lãnh tụ bảo sống thì sống. Lãnh tụ bảo chết thì chết. Con người rõ là sinh vật bầy đàn. Người ta cảm thấy ok trong thân phận đàn cừu. Sống thì sống cả đám cho có tước hiệu cùng bảo vệ một tổ quốc. Chết thì chết cả bầy để được cái danh tử vì đạo. Suy nghĩ và dẫn đường là việc của các ngài thích dành giật vai trò chủ chiên, chủ nước, chủ đạo. Không việc gì đến mi, con nhà văn dấm dớ.

Trong những phút giây hơi tuyệt vọng này, hình như có một tiếng la hét, một cơn điên nho nhỏ nổi lên.

Đi đâu bây giờ. Không lẽ kiếm một cái lu sau vườn chu mỏm vào trong đấy la.

Ồ dường như ngoài kia có một đám đông cũng đang oái lên một cơn điên.

Rủ rê. Chúng nó rủ rê. Hình như chỉ những đường phố mới đủ lượng khoan hồng đón tiếp những nghĩ suy công dân độc lập thấy mình vượt lên trên cả những lãnh tụ chính trị và những lãnh tụ tôn giáo, của chúng tôi.

Đi đi. Hình như chỉ trời đất mới thinh không đủ sương gió bụi cát pha loãng những âm thanh và cuồng nộ của bầy thú người chúng tôi qúa mẫn cảm với nỗi tàn phá của số ít người ác mang đến cho số đông người lành trên mặt đất này.

Đi đi. Hãy cứ bước nhịp chung cùng đám đông động cỡn Hoà Bình trên đường phố để mơ mộng rằng ít ra trong chiều này có những góc đường chào đón những điệu đồng bóng phản đối Chiến Tranh.

Đi đi. Hãy cứ  tròn mắt no nê ngó những sớm mai hoan hỉ chiếu nắng ấm vào những khẩu hiệu tranh đấu cho một thế giới công bằng và bình đẳng. Phù du hạnh phúc phút giây để thấy mình không cô đơn giữa đám đông nhân lọai rất thân mến này

Đi đi. Hãy cứ căng lỗ tai và ghé bầu ngực vào những cái loa hoan hô và đả đảo nát nhầu men say đường phố chiều nay. Âm thanh của đám đông sẽ hút hết những cơn điên của mỗi người chúng tôi thành bản hợp âm vô vọng rằng nhân loại cần bình an và yêu thương hơn là đánh đấm và hận thù.

Những ngả đường sẽ in dấu bông hạnh của những tấm lòng và những trí tuệ biết rung động và nghĩ suy về cái đau chung và nỗi u tối của loài người. Những bông Hạnh Đường Phố đã có lúc bùng nở ra trước khi héo tàn bất lực bởi sự khùng điên của con người và hư vô.

Đành lôi con ra đường đi biểu tình.


uslaboragainstwar.org

 

Lê Thị Huệ

2003