Lê Thị Huệ

Chu Ngạn Thư, Thi Sĩ Kẻ Bùa Phép Với Xà Lỏn Tự Do

tản mạn

 

đọc toàn tập "CON ĐƯỜNG THI SỸ" của Chu Ngạn Thư tại đây



Chu Ngạn Thư thuở ấy là một nhà thơ trẻ đã nổi tiếng trên tạp chí Văn và các tạp chí khác ở nền Văn Học Miền Nam 1954 -1975 . Tôi đã chú ý đến ông chính là từ các bài thơ đăng trên tạp chí Văn.

Ông lớn hơn tôi chỉ ba tuổi. Thời năm 1973 tôi còn ham chơi, ham học đại học Đà Lạt, ham bồ bịch, thì ông đã nổi tiếng là một nhà thơ trẻ tài hoa ngất ngây Miền Nam.

Đến khi tôi ra Hải Ngoại làm chủ biên trang Gió O một thời gian, thì nhận được thơ ông gửi ra từ trong nước. Tôi rất vui và đưa thơ Chu Ngạn Thư lên Gió O một cách trân trọng. Nhất là Chu Ngạn Thư đã gửi gắm hầu như toàn bộ thơ cũ trước 1975 sang cho Gió O để đưa lên gần hết.

Rồi một ngày kia ông bỗng ông gửi cho tôi một tập thơ rất đặc biệt. Một tập thơ Chu Ngạn Thư sáng tác vào năm 1976, tập "CON ĐƯỜNG THI SỸ".

Đây là một trong những tập thơ rất quý giá có mà tôi cực kỳ yêu mến. Những bài thơ ướt, khô, cảm khái, bi hùng, trẻ trung của một nhà thơ Miền Nam trước thảm họa 1975 xảy đến cho quê hương ông.

Chu Ngạn Thư nói chỉ gửi để tôi đọc thôi, đừng đưa lên Gió O. Tôi đọc và rất thích. Thấy đây là môt tập thơ cực kỳ giá trị và là thơ hay. Tôi nằng nặc đòi đưa lên Gió O. Tôi đề nghị dùng một tên khác không phải là Chu Ngạn Thư.  Anh im lặng một thời gian. Sau đấy anh đồng ý cho tôi đăng Gió O với một tên khác. Tôi đặt tên là Trường Thu Đông. 

 

Tôi đã viết:

Thy Sĩ,

Tôi đã đọc và những giọt lệ đọng lại trên vành nâu. Không bật ra được. Những hạt lệ ứ đọng lây lất. Rất lệ. Rất thơ. Rất dào dạt. Rất rung động. Và rất muốn nổ
Cám ơn Thi Sỹ. Hơn 35 năm trôi qua. Kho báu còn cất nguyên si. Nhìn nét chữ và những bài thơ.
Chao ôi tôi đã lặng đi từ khi nhìn và đọc chúng
Tôi vẫn còn xúc động lắm
Tôi vẫn còn loay hoay ...
Tôi chỉ có thể giúp đưa chúng ra ánh sáng ... trên Gió O
Nhưng tôi ước, lòng tôi ước, nhiều điều cho những bài thơ như những viên kim cương đã được ủ kín và giấu tốt dưới những tầng địa ngục của kẻ cướp và chó sói

Anh đã ôm giữ chúng được một quãng đời lâu dài như thế, có chết đi với chúng, cũng xứng đáng
Thấy thương nhớ người đã cất giữ những bài thơ cho Thi Sỹ ...

Lê Thị Huệ

------------

Thư trả lời:

Kính chị Lê Thị Huệ ,

Chính tôi cũng đã bật khóc khi được nhìn lại đứa con tinh thần của mình, được người trong gia đình của người bạn thân đã quá cố, trao lại.

Người bạn quí đã không ngại bao điều nguy hiểm vây quanh , để cố giữ những bài thơ tôi viết , ngày ấy.

Việc đưa Con Đường Thi sỹ  ra ánh sáng , xin chị cho ghi thêm nơi đầu tập một dòng sau đây:

 

                               Gửi hương hồn Trần Minh Châu

                                với tất cả lòng tri ân của tác giả

 Rất cảm ơn Chị

 Chu Ngạn Thư

 

"Con Đường Thi Sỹ" của Chu Ngạn Thư là tập thơ xuất thần từ bối cảnh lịch sử của Miền Nam bị Miền Bắc thôn tính năm 1975. Người ta đang sống yên ổn – dù có là yên ổn dễ vỡ thì cũng mược kệ người ta đi - quý vị từ xa cả Đế Quốc lẫn Tay Sai lăm le xâm chiếm chúng tôi chứ chúng tôi nào có khiêu chiến với ai – Các bạn ở đâu ham hố sân si về tước đoạt Tự Do, bần cùng hóa chúng tôi người Miền Nam – nên tôi lập tức phản ứng thơ!  Tập thơ còn giữ được chất hồn hậu và tự do thẳng thắn của một tâm thức thơ Miền Nam 1954 – 1975. Đấy là giá trị hiếm quý mà tôi nhìn thấy ở tập thơ này của Chu Ngạn Thư

Sau khi tôi “hung hăng” nhất định đưa tập thơ ký tên Trường Thu Đông lên Gió O, Chu Ngạn Thư rất ít liên lạc và không còn gửi thơ đến Gió O nữa. Tôi OK điều này. Tôi thông cảm với ông.

Bảy năm sau, từ 2014 đến khoảng tháng 6-2020, nhà thơ mới meo cho tôi và đồng ý để cho tôi bạch hóa tập thơ từng ký tên Trường Thu Đông là của tác giả Chu Ngạn Thư . Tôi rất vui và hứa với ông là sẽ thông báo lên Gió O một ngày rất gần đây.

Vừa liên lạc lại với nhau được chừng hai tháng. Chưa kịp thực hiện lời công bố trên Gió O cho ông. Thì Chu Ngạn Thư đã qua đời.

Ôi thiên tài thơ thường dễ ngất ngây đau đớn và qua đời vào một lúc bất ngờ nhất!

Tôi tin là Chu Ngạn Thư rất tâm đắc với tập thơ "Con Đường Thi Sỹ". Phải tâm đắc lắm ông mới ôm ghì trong túi kín linh hồn mấy chục năm thảm thiết cuộc đời. Những ngày cuối đời, khi biết mình lâm trọng bịnh, ông còn nhắn gửi một người bạn khác của tôi là ông rất sống chết với tập thơ Con Đường Thi Sĩ này. Rất tiếc ông không báo cho tôi tin ông bị trọng bịnh. Và tôi vừa sắp sửa đưa tập thơ lên thì nghe tin nhà văn Túy Hồng mới mất. Nên tôi tập trung đưa bài về nhà văn Túy Hồng lên Gió O trước.

Trong các mẫu tin về cái chết của Chu Ngạn Thư từ bạn bè trong nước, tôi mới được biết nhà thơ Chu Ngạn Thư là người cọng tác mật thiết với chế độ Cọng Sản . Ông làm việc phải uy thế nào mới lên đến chức “Ủy Viên Ban Chấp Hành Hội Văn Hoc Nghệ Thuật tỉnh Bình Dương”



trên Facebook ông mở một trang lấy ních là "Duong ThuDong Chu"


Nhưng cũng lạ là trên trang Facebook của ông với ních “DuongThuDong Chu” tôi thấy ngày ông giới thiệu  thơ của nhà thơ Chống Cọng nổi tiếng đến bị đi tù Hỏa Lò, là nhà thơ  Nguyễn Chí Thiện của Hải Ngoại.  


hình ảnh Nguyễn Chí Thiện được giới thiệu trên Facebook của DuongThuDong Chu



Ông chọn Gió O để đưa những bài thơ nào đấy lên. Tôi tiếp nhận đời sống Tự Do của thi sĩ có những khúc ngoắt lèo lái để sống sót mà vẫn có khi nói được điều anh muốn trình bày về cuộc đời. Ngày nhà thơ qua đời, trên Facebook, tôi đọc được những lời khen ngợi tư cách của thi sĩ từ các bạn thơ như nhà thơ Phạm Việt Cường, nhà thơ Lý Đợi, trong nước. Nhưng tôi cũng tìm thấy một người bạn của ông thấy có người ghi thế này: “Trần Thi Thơ, Trời. Hôm nay em mới biết chú Hùng là nhà thơ Chu Ngạn Thư”. Cứ thế thì biết những thi sĩ đích thực sống dưới chế độ Cọng Sản họ phải tìm cho mình một tư thế im ắng lòn lèn để sống sót thế nào. Tôi thông cảm điều này. Các chế đô độc tài và khắc nghiệt có thể thủ tiêu nhân dân của họ bằng một ly nước chanh đường vào lúc nửa đêm.






Tôi nghĩ đã đến lúc nhân phẩm hay thái độ sống của một tác giả cần đi song song với nội dung tác phẩm. Sáng tác là tưởng tượng cọng với tài năng. Trong cái tiến trình thăng hoa tác phẩm, một người tài năng có thể biến chế cuộc đời thành tác phẩm. Điều khủng khiếp là đám đông theo đuôi trong thế giới này cứ tin là tác phẩm là "Chân Thiện Mỹ" là "Lời Hay Ý Đẹp". Đám đông ấy phò những lãnh tụ sáng tạo và cho các lãnh tụ sáng tạo cái đặc quyền đặc nhiễm về việc "sống bậy". Một quan niệm được các ông sống bậy tri hô lên giữa chợ sáng tác là: "Chỉ nên chú trọng đến Tác Phẩm, không nên chú ý đến Tác Giả". Với tôi, tác phẩm cần được bổ xung bởi chứng nghiệm sống của tác giả. Vì nếu tác giả viết ra những điều hay ho để cho người đọc tin vào đấy thôi chưa xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ của tôi. Tác giả tin điều gì thì hãy sống và chứng thực sống theo được "niềm tưởng tượng trong tác phẩm ấy" là khó, dễ, khắc nghiệt, thăng hoa, hạnh phúc, khổ đau ... như thế nào. Chứ viết ca ngợi các giá trị hay ho mà đời thực thì sống bậy sống tồi phản văn minh tiến bộ. Làm sao mà xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ của tôi.

Chu Ngạn Thư, một thi sĩ mà tôi biết ông yêu quý Tự Do. Và trong bầu khí Tự Do ấy, người thi sĩ tài hoa Chu Ngạn Thư đã dâng tặng cho đời những bài thơ tuyệt tác, mà chúng ta, những người đọc cùng vai bờ (vibe) rất muốn công kênh chúng lên hàng thơ bất tử.

Thật là có một thi sĩ Chu Ngạn Thư hiếm quý của xứ đất tiền đất bạc Bình Dương.  Bình Dương hiện đang nổi tiếng là tỉnh thành ăn nên làm ra, một môi trường kinh doanh tốt đối với người quốc tế, và lợi tức trung bình của người dân Bình Dương thì cao nhất Việt Nam hiện nay.

Tôi nhìn một vài bức ảnh thi sĩ của chúng ta chụp vào khoảng thập niên 2010. Ông mặc một chiếc áo sơ mi khá bảnh. Vải vóc mượt mà. Màu sắc khá chọn lọc. Nhưng nhìn xuống bên dưới chân vẫn mang đôi dép lạch bạch. Ngắm nhìn các bức ảnh và với chút tưởng tượng hiếu kỳ, tôi muốn nghĩ tưởng đến một chân dung ảnh mà anh diện rất gồ ghề bắt mắt ngon lành với chiếc áo và diện mạo phía trên, nhưng phía dưới lại trơ mỗi chiếc quần xà lỏn và mang đôi dép lạch bạch.

Bởi tâm thế những người sống sót và viết ở Việt Nam bây giờ là thế. Họ không được hít thở bầu trời Tự Do như chúng tôi đang sinh sống ở các xứ Âu Mỹ. Nhưng trong nỗ lực cố gắng để vẫn có thể giữ được thể diện-hồn diện của mình, người sáng tác phải tìm được một tư thế bày ra phần nghệ thuật sống và sáng tác của mình, như Chu Ngạn Thư vẫn cố trình làng tiếng nói ruột gan của thơ mình. Dù dưới sự kềm kẹp của một chế độ độc tài, các anh chị ấy bị tước đoạt nửa phần thân xác và linh hồn. Và họ phải sống với phần xác và phần hồn bị tra tấn đến trơ ra cái quần xà lỏn phía dưới. Nhưng phía trên thì họ vẫn tươm tất bảnh bao như mọi người trong thời đại toàn cầu hóa.

Chu Ngạn Thư xứng đáng là thi sĩ hàng đầu của thời đại tôi, mà tôi xếp cạnh những tên tuổi như Nguyễn Chí Thiện, Thi Vũ, Nh.Tay Ngàn, Chu Ngạn Thư, Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Thùy Song Thanh, Bùi Giáng, ... và những thi sĩ khác ... Những tài năng thi ca hiển hiện đã trả giá bằng chính "cuộc đời" cố gắng phấn đấu giữa "cái viết và cái sống" của họ. Họ tranh chấp-tranh đấu sống một cách sống sót để chứng thực điều họ viết. Họ không viết một đàng cao sang ngời sáng và sống một nẻo tư cách tối tăm dối gian thấp hèn. Những điều họ viết chính là đời sống họ. Và điều quan trọng đối với tôi là chính cuộc đời của họ thì còn gay cấn cao cả và còn hay hơn tác phẩm họ viết. Người ta có thể bàn cãi câu thơ ông này hay hơn bà nọ ... ở những chỗ này chỗ nọ. Nhưng với tôi, ngay cả cái hay cũng chỉ là ... cái tương đối. Có thể hay với người này nhưng không hay với người khác. Nhưng để trở thành một lãnh tụ sáng tác, với tôi, ngoài tài năng sáng tạo hơn người, tác giả ấy góp vốn đời bằng chính con người và cuộc đời họ, thì khi đọc tác phẩm của họ, tôi có thể "hầu đồng" với tác phẩm và với cách "sống chết" từ sự góp vốn ngay thẳng không lươn lẹo của cuộc đời của chính tác giả. Không gì cao cả và giá trị hơn khi tác giả dám "sống vào viết". Và niềm hoan lạc sẻ chia nỗi buồn vui với tác phẩm-tác giả sẽ đạt sự max (maximize) tri thức và tình cảm hơn. Chính vì thế mà ngay cả khi được biết tác giả chỉ còn "cái quần xà lỏn" để khoe phia dưới như trường hợp nhà thơ Chu Ngạn Thư, tôi càng ngưỡng mộ và thâm hiểu nhiều hơn về số phận con người và cuộc đời nhân loài qua tác phẩm và tác giả Chu Ngạn Thư. Quyền phép xà lỏn của nhà thơ như ngự lại trong tôi niềm căm phẫn về sự tước đoạt Tự Do của bon Chính Trị Gia và Tôn Giáo Gia, chẳng hạn. Hình ảnh xà lỏn bỗng trở thành một chất liệu sáng tạo bao trùm lên chữ "Thời", thời của những kẻ Giết Người làm chủ. Chu Ngạn Thư, thi sĩ cầm cựa với khái niệm thi ca xà lỏn. Thứ triết lý thi ca của những kẻ bị tước đoạt sự sống cho đến trơ xương xà lỏn. Một thứ ngục ca sống sót từ đầu thời thanh niên của thi sĩ cho đến năm ông bảy mươi tuổi khi từ giã cõi nhân thế. Một chân dung thi ca tác giả và tác phẩm làm cho tôi hào hứng và khích thích về cái gọi là dưỡng chất sáng tạo.


Chỉ có đám đông theo đuôi là dễ tin những lời hoa mỹ của những tác giả tài năng và xảo ngôn. Tôi không còn ở trong đám đông theo đuôi dễ dàng tin vào lời thơ văn nhạc hoa mỹ. Tôi bây giờ đọc tác phẩm và hiểu tác giả thì tôi mới "chịu đèn" tác phẩm. Một khiếu thưởng ngoạn hơi cao giá. Nhưng tôi không làm khác được hơn. Khi chứng kiến sự u tối ngu dốt của đám đông theo đuôi ấy đã là lực kéo trì trệ sự gian ác u đần trên trái đất. Khi mà bọn lãnh tụ xảo ngôn tài năng đi lừa người đọc - người tin bằng những bài kinh bằng những bài thơ bài hát khích động chính trị và tôn giáo rất thành công. Sự thành công của những bản lời xảo ngôn ấy đã ụp trùm luôn cả số mệnh bất hạnh của tôi, của những quốc gia tôi từng cư ngụ.


Giá trị của tác phẩm và cuộc đời đẫm máu và nước mắt của tác giả sẽ được chứng nghiệm bởi thời gian. Các chế độ rồi sẽ trôi qua cùng rác rến lịch sử. Tác phẩm sáng tạo giá trị và nhân cách cao cả của tác giả rồi sẽ tồn tại và được tuyên dương. Chàng thi sĩ ưu tú Chu Ngạn Thư của đất Bình Dương sẽ có một ngày được lộng kiếng trưng bày cho thi ca chứng nhân của con người bất khuất sống sót qua mọi thời đại. Thi sĩ sẽ hãnh diện để trình bày rằng chiếc quần xà lỏn đớn đau ấy dù sao cũng là bùa phép gìn giữ chút hơi hám phận người - kiếp nhân sinh ở một giai đoạn khắc nghiệt khốn nạn của chàng và của cả quốc gia Việt Nam chàng.


Đấng Jesus Christ mình nude vết đinh giết người cùng máu me lênh láng bạo động trên thập tự để bảo vệ Đức Tin, còn được cả và nhân loại sùng kính muôn năm. Thì há gì hình ảnh chàng thi sĩ Xứ Việt ôm ghì những bài thơ Tự Do nồng ấm cho đến ngày tàn hơi thở, mà nửa phần thân-hồn xà lỏn vẫn còn ghi dấu tích bị nhà nước độc tài Việt Cọng trấn lột và kiểm tra "trang sức-thẩm mỹ-nghệ thuật" phô bày.

 

Lê Thị Huệ

8/2020