Trúc Việt Vũ

 

Viết về/cho Lê Nghĩa Quang Tuấn

 

(điếu văn đọc tại tang lễ ngày 24.8.2018)

 

 

Lần đầu tiên tôi gặp Tuấn là do chị Quế Hương giới thiệu và được biết Tuấn vừa giải ngũ. Lúc ấy Tuấn cũng ít nói nên tôi không có ấn tượng gì nhiều.

 

 Lần thứ hai tôi bắt đầu nghe tên của Tuấn là lúc Tuấn là chủ biên cho nguyệt san Đối Diện (face to face), một đặc san chuyên trị ca ngợi tình yêu mà Tuấn đã diễn tả trong bài thơ "Bên ni bờ" là: "đơn giản như hoa thích nắng, cực kỳ thích nắng. Cầm cuốn nguyệt san Đối Diện trong tay, cách trình bày rất nghệ thuật và chau chuốt, tôi bắt đầu có cái nhìn rất đặc biệt về anh chàng đẹp trai Lê Nghĩa Quang Tuấn, có ánh mắt rất sáng, rất sắc dưới hàng mi rậm. Vào thời đó, năm 1994, không phải như bây giờ mà có đủ thứ apps để lay-out thành một tờ báo, đặc san dễ dàng, nhanh chóng, vì thế cầm cuốn Đối Diện trên tay, tôi mường tượng được tâm huyết của Tuấn cho nguyệt san đó, chưa kể sự sáng tạo từ thiết kế đến chọn, cắt sửa hình ảnh của Tuấn, nếu so sánh với thế giới “facebook” hiện giờ, chắc chắn Tuấn sẽ trở thành một “hot facebooker”, được vô số rất nhiều “like like like” từ tôi, từ những độc giả.

 

 

Sau này, khi chơi thân với nhau rồi, tôi hay đi lang thang với Tuấn không phải vì Tuấn là nhà thơ thiên phú, Tuấn chẳng bao giờ đọc thơ của Tuấn cho tôi nghe, nhưng đi với Tuấn thấy đầy chất thơ, nhất là chất thơ thới và vì hai đứa chúng tôi đôi lúc ngây ngô như hai đứa con nít, đi coi xi-nê, đi xem nhạc kịch Broadway “Phantom of The Opera”, tôi nhớ nhiều nhất là khi ra về, ngồi trong xe của Tuấn, chúng tôi nghe sến song, hát các bài bolero mùi mẫn với nhau, nức nở các cuộc tình tạp nhạp,… Rồi có lúc chị em rủ nhau đi dự Tết Trung Thu tổ chức ở San Jose, cũng ra xin lồng đèn, rước đèn, nhưng vì là loại nhi đồng râu đầu đầy sạn, nên không thể tránh được cảnh hai đứa ngồi cười hí hố với nhau khi cùng chứng kiến các trò lố bịch, phù phiếm của đời.

 

 

Có lẽ nhiều người biết Tuấn qua văn thơ phong phú và sáng tạo trong cung ai, cung ái đến rùng mình, nhưng chắc ít ai biết Tuấn cũng đã từng cùng tôi đi dạy tiếng Việt ở trường Việt Ngữ Văn Lang, khi ấy tổ chức Thanh Niên Thiện Chí còn mượn trường mẫu giáo Mc Kinnerly nhỏ, đơn sơ làm cơ sở dạy tiếng Việt sáng chủ nhật. Chàng cựu quân nhân hiên ngang “chẳng sợ thằng tây thằng ta” nào, vậy mà khi bước vào lớp, chàng như thỏ ngọc, cầm phấn kiên nhẫn dạy các em học trò, mẹ Việt bố Việt nhưng tên Mỹ, bập bẹ “ù ơ”.

 

 

Và cũng từ đó tôi hiểu hơn niềm đam mê, tình yêu sâu đậm của Tuấn về ngôn ngữ, nhất là đối với Tuấn, biết tiếng Việt chưa đủ, vì đó chỉ mới là hình, Tuấn cần phải biết cả hồn Việt, bóng Việt. Phải có bóng tối bốnngàn năm "ròng rã buồn vui," mới cảm nhận được hình trong sáng ra sao. Và từ đó chị Vinh trờ thành học trò của em Tuấn, vì mỗi lần gặp Tuấn, từng tế bào trong não đang ngủ đông được đánh thức dậy và được khai sáng. Tuấn đã giúp tôi chọn tựa đề cho một cuốn phim dài 10 phút của tôi để tốt nghiệp khoá học làm phim “Ti-Em” (TM), TM là Tay Mơ làm phim đó.

 

 

Còn một góc trong cuộc sống của Tuấn mà cũng ít người biết đến, Tuấn là một “feminist.” Tuấn luôn tự nguyện ủng hộ tiền cho các nhóm phụ nữ trẻ ở Việt Nam, ấn hành các nguyệt san, đặc san hay sáng lập forums để là nơi cho những phụ nữ cần hỗ trợ nhau, có tiếng nói “được là chính mình.” 

 

 

Kỷ niệm sâu đậm nhất giữa tôi và Tuấn là chúng tôi cùng nhau làm một slide show về trẻ thơ Việt Nam thời hậu chiến. Tuấn đã mượn những hình ảnh chị Quế Hương chụp trẻ em nghèo Việt Nam ở khắp nẻo đường đất nước, để làm thành một chủ đề về tuổi thơ, để chiếu slide show trong một buổi văn nghệ. Hồi đó đâu được như bây giờ có thể làm slide show miễn phí, dễ dàng với các apps có sẵn trong máy computer, chúng tôi phải mướn hai cái máy chiếu slide, cái hộp chuyển tiếp slide sao cho êm đềm, nặng ơi là nặng. Từ đó, tôi hiểu hơn lý tưởng nhân bản yêu chuộng hoà bình của Tuấn, vì nạn nhân muôn thuở và nhiều nhất của chiến tranh vẫn là trẻ thơ và phụ nữ.

 

 

Chúng tôi thân và hiểu nhau, có lẽ Tuấn mồ côi thời bé, còn tôi phải xa Mẹ khi chưa trưởng thành. Vì thế tôi rất xúc động khi đọc vài bài thơ của Tuấn nói về mẹ từ trừu tượng, đến ẩn dụ hay khát khao. Thực ra mà nói, chỗ nào có chữ mẹ là tôi xúc động, chứ tôi chẳng hiểu hết về thơ với văn của Tuấn. Nó cao vời vợi với tôi não lùn của tôi quá.

 

 

Nói đến văn chương chữ nghĩa, lần cuối cùng trò chuyện với Tuấn cách đây hơn hai tháng, tôi chia sẻ với Tuấn ý định muốn làm một chương trình radio online để thoả chí máu “activist” của tôi. Tuấn khuyên tôi nên viết hơn là đọc, tôi nói với Tuấn tôi chỉ chuyện trị văn “sến.” Nhưng Tuấn đã là động lực để tôi tập tành làm văn, và tôi đã viết một đoạn văn dù rất cố gắn trong 3 giờ sáng xúc động, nên tôi cần mượn vài lời thơ của bạn khúc cuối để tiễn bạn lên đường ĐỐI DIỆN với cuộc hình trình mới ở một cõi nào, và hy vọng mai này ở nơi đó, sẽ có bạn đứng chờ tôi lạch bạch bước vào, để cùng tái ngộ với nhau.

 

 

Còn giờ thì, Tuấn ơi, chắc hẳn:

 

Điêu khắc gia/ hoạ sĩ Michelo Angelo đang cười liên hoan vì ngón tay của Thượng Đế và Tuấn đã chạm vào nhau.

 

Hoạ sư Leonado De Vinci mỉm chi cười tìm được bạn tri kỷ đồng hành lang thang.

 

Xuân Diệu, Tô Hoài, Hà Cẩm Tâm rộn ràng quét dọn, chào đón một thành viên mới trong hội thơ văn,  hội họa.

 

Hiền triết Tagor, nhà thơ Bùi Giáng đang hứng từng giọt nước mắt của người thân, đan thành chuỗi trân châu, lóng lánh như các vì tinh tú soi đường cho cậu Hoàng Con Lê Nghĩa Quang Tuấn bay về với mùi đất mẹ, ôm ấp một tình yêu trong hình ảnh đơn giản lá vàng, lá xanh.

 

Một biểu tượng VĨNH CỬU luân chuyển trong chu kỳ tuần hoàn của đất trời. Một tình yêu KHÔNG ĐÓNG ĐINH, KHÔNG CỐ ĐỊNH NHAU BẰNG NHỮNG QUAN NIỆM KHẮT KHE, và cũng KHÔNG ĐÚNG HAY SAI TRONG TRANH CÃI, LÝ SỰ THẾ NÀO MỚI LÀ YÊU, LÀ THƯƠNG.

 

Ngày rộng tháng dài, reo ca với lá vàng lá xanh nhé Tuấn, "rồi hoà lẫn với gió ngàn những tiếng hát ngân nga của hồn thiêng sông núi,*" "hát thay vì gào, hôn nhau thay vì chém giết,*" và vẫn “mãi mãi là một đứa trẻ chỉ biết đi lang thang giữa cuộc đời trong tiếng ru của mẹ**” nơi Quán Gió, nơi nào Tuấn thích!

 

Trúc Việt Vũ

 

Nhớ...lắm!

*Trích trong “Người Tình Của Đất” (thơ của Lê Nghĩa Quang Tuấn)

** Trích trong “Quán Gió” (thơ Lê Nghĩa Quang Tuấn)