Hồ Đình Nghiêm

 

TIN BUỒN TỪ NGÀY

 

 

 

Mẹ cho mang nặng kiếp người ? Trịnh Công Sơn có bi quan khi nói thế trong bài ca Gọi Tên Bốn Mùa? Sao chẳng là tin vui? Vì kiếp người ấy “bị” đầu thai vào một lãnh thổ đầy cả bi kịch? Hết nô lệ đến nội chiến. Đã là người Việt hầu như chẳng có ai thực sự an vui?

 

Không sâu sắc, chẳng xa xôi nghĩ quẩn, với tôi, “tin buồn” đủ gói ghém xộc xệch, chả vuông tròn cho một lần nghe tin có người nhẹ thoát kiếp người. Đơn giản là vậy. Sinh được đứa con: Mừng vui vô hạn. Một người nào đột ngột mất đi: Rất mực buồn phiền.

 

Trang Gió-O vừa thông báo một chuyện buồn, nhìn di ảnh đẹp trai của người mang tên Lê Nghĩa Quang Tuấn tôi những muốn gọi tên bốn mùa. Nói vậy rõ là chẳng chính xác, bởi tuồng như kiếp người đã có lúc phải sống trải với một mùa thứ năm. Mùa gió chướng, mùa biển động, mùa lũ lụt, mùa thiên tai mà kể làm gì. Hơn thế, mùa buộc phải thốt lời chia tay, trong câm nín, trong hoài nghi, trong bất khả tư nghì. Trong nói năng chi cũng bằng thừa.

 

Lê Nghĩa Quang Tuấn sinh năm 1964. Tôi nhớ lại 1963, trước một năm bạn ấy chào đời, ở Huế tôi là đứa học trò còn nhỏ nhít mừng vui vì trường học bãi khoá. Người ta xuống đường, người ta bày bàn thờ ra đường, người ta đảo chánh, người ta đình công bãi thị và nước mắt tôi thường chảy, hơn cả nước mắt cá sấu khi đi lớ ngớ ngoài đường để hứng chịu lựu đạn cay. Những thùng nước lạnh có cắt những múi chanh thả vào đó bày khắp ngõ do các bà tiểu thương bỏ công cứu trợ nhằm giúp “mấy trò trẻ người non dạ” gục đầu vào cho bớt cay đôi mắt đang đục bụi trần. Thế hệ tôi và Lê Nghĩa Quang Tuấn có buồn vì lỡ mang nặng kiếp người? Một kiếp người dằn vặt cơ khổ có khi phải mang thân trôi giạt ra tới biển ngoài? Tôi chẳng thể tự mình tìm ra câu trả lời. Hãy đọc thầm thơ của người bạc mệnh. Lê Nghĩa Quang Tuấn từng trăn trở, anh như nhìn thấy con đường đang tự dẫm chân, xin trích đoạn:

 

trả một tiếng thở dài về trong đất

biệt từng giây lạnh lấp ngát sương tràn

nương vạn lối và đong đưa vạn kiếp

đoá phù sa lạc một bước đường trần

mòn mỏi đợi dấu ngàn thu vĩnh biệt

lồng lộng chiêm bao giấc ngủ miệt mài

trăng thao thức ngọn cây chờ vĩnh viễn

đồi cỏ xưa sương đọng nhớ ban mai

em ngừng bước để mưa thôi dìu dặt

phủ màn đêm và tắt hết trăng sao.

 

Rất tài hoa khi chữ dùng lại vẽ ra một hình ảnh thơ mộng mà hội hoạ không thể can dự được. Tôi được biết “chàng” còn vẽ tranh, đa số là trừu tượng hoặc tĩnh vật với nét cọ đầy cá biệt. Chàng là em trai út trong một gia đình yêu chuộng nghệ thuật. Đình đám và tên tuổi hiển lộng không cứ là riêng San José (đi dễ khó về).

 

Ai đã đẻ ra bốn chữ nằm trong ngoặc đơn trên? Với tôi, đi cũng khó mà về cũng một nghĩa như nhau, rất nan giải. Vì đi khó nên chưa một lần lén phén sang gõ cửa gió-o. Cái khó bó cái khôn nên chưa một lần ngó tận mặt chàng. Và rồi tin buồn từ ngày hôm qua đọc thấy một người chợt hưởng dương, vô chừng vô đỗi, vô thuỷ vô chung, vô mang nặng vô kiếp người.

 

Là một người có gửi bài với Gio-o, tôi xin thành thật gửi theo đây nỗi buồn xin được chia cùng.  Sự ra đi của Lê Nghĩa Quang Tuấn, hiểu ở nghĩa hẹp nhất là trang Gio-o tự dưng phải bày ra một khoảng trống, và trắng lạnh. Tôi hết còn theo dõi những nỗi niềm mà Quang Tuấn bày lên, ngang dọc. Những suy tưởng chất đầy niềm bi quan (như thể bị mang nặng kiếp người?). Buồn là cái chắc!

 

Cầu mong “bạn hiền” thanh thản ở không gian bạn từng bày ra: Phủ màn đêm và tắt hết trăng sao.

 

Cầu chúc người ở lại, chị Lê Thị Huệ bớt ngậm ngùi khi biết em mình tự nguyện làm “đoá phù sa lạc một bước đường trần”. Bây giờ e Huệ hết xanh, về màu nguyên thuỷ động mành trắng, hương.

 

Và Bùi Giáng:

 

Xa nhau chừng đó cũng vừa

Gió trần gian lạnh có chừa ai đâu!

 

 

Hồ Đình Nghiêm

21 tháng 8, 2018