KINH DƯƠNG VƯƠNGTHƠ VIẾT CHO CÁC CON
Các con không ra đời bởi tình cờ
Các con được sinh ra trong tình yêu của bố mẹ.
Hôm nay bố khởi sự viết tập thơ này - nếu có thể gọi là thơ - gồm những bài viết nhỏ, mô tả lại những sự việc bình thường, hết sức bình thường nữa, nhưng rất quan trọng, rất quý báu và yêu dấu cho các con, cho bố mẹ. Bố nói bình thường, vì đây là những chuyện có tính cách riêng tư của gia đình mình, nhưng bố cũng nói là quan trọng, vì người ta chẳng thể đánh giá những điều người ta không thể sờ mó được, không trông thấy được. Những điều người ta chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn.
Bố đã hứa với mẹ con viết tập truyện nhỏ này tặng sinh nhật đầu của Ưu Đàm, nhưng rồi, vì cái đời truân chuyên của bố, không có một chỗ nào để bố yên ngồi, và khi người ta không có một chỗ để ngồi yên, người ta không thể làm việc gì cần thời gian lâu dài được, nên bố cứ lần lữa mãi. Tuy nhiên, đi đâu, dầu ở đâu, tập thơ, bố vẫn không rời nó. Trên núi rất cao, dưới hầm rất sâu, trong đêm rất tối, giữa nỗi nguy nan; dầu lúc thân thể bố lạnh vì không có đủ áo quần, bụng bố đói vì không có cơm ăn, dù trăm chiều khốn đốn mà đời sống bố trải qua, tập truyện, bố vẫn không rời nó. Một tập truyện nhỏ, viết cho các con, cho riêng các con, rồi đến bố mẹ, luôn luôn là một vật sở hữu, một thứ hành trang, nếu bố bị mất tất cả, trên người chỉ còn lại da trần, nếu bố bị tước đoạt tất cả, tiền của, vật chất nhưng còn tự do thì bố vẫn còn giữ được nó. Những người cố công kìm giữ thân thể bố, tìm cách tước đoạt phần hữu hình nơi bố, họ không thể trông thấy nơi bố cất dấu tập truyện. Mà làm sao họ có thể trông thấy nơi đó được, hỡi các con yêu của bố, nhưng các con của bố thì biết nơi đó, mẹ các con cũng biết nữa. Bố cất dấu nó trong trái tim của bố đó mà. Đó chẳng phải là nơi các con đã sống và lớn lên, nơi các con nô đùa và yên giấc với những giấc mơ đẹp sao? Đúng mà, trái tim bố là chỗ bố cất giữ tập truyện, cái thế giới có hơi ấm mà các con yêu của bố trú ngụ bình yên, không một niềm sợ hãi nhỏ nhoi.
Hôm nay, một buổi sáng Chúa Nhật, bố khởi sự viết những giòng đầu tập thơ. Bố quyết định một cách hăm hở phải cho tập thơ chào đời. Nói quyết định và hăm hở, chẳng qua bố muốn ve vuốt tự ái của bố chút ít. Thực ra cũng có những động cơ thúc đẩy. Sự quyết tâm, cố công và chăm chỉ là những điều kiện cần thiết đưa tới sự thành công tốt đẹp mọi công việc. Thông thường, người ta vẫn nghĩ như vậy. Điều đó không có gì sai lầm quá đáng. Nhưng trước đó, những điều trông như là phụ thuộc và tầm thường, thường xảy ra trong những khoảng thời gian rỗi rảnh, những cơn mơ mộng - mà những người tự cho là có đầu óc thực tế không ưa và họ chỉ trích là không đứng đắn đối với cuộc sống vốn là một cuộc tranh đấu liên tục và cam go - đã là những mầm mống góp phần kiến tạo và làm mới thêm mỗi ngày bộ mặt của địa cầu. Bố không phủ nhận quan niệm đứng đắn này của những người có đầu óc thực tế, vì quả thật cuộc đời mà trong đó đời sống con người trải qua là cả một mớ rối rắm gớm ghê mà họ phải luôn luôn tranh đấu từng giây phút một để tồn tại, chớ chẳng phải là một nơi để người ta ngồi mơ mộng viễn vông cho được.
Nhưng mà, các con yêu của bố ạ, khi mà người ta khởi sự làm một việc gì, người ta đang làm một việc gì là việc đó đã có trong đầu óc rồi và chỉ cần nỗ lực hoàn tất nó nữa mà thôi, dù là sự nỗ lực đó cần đến rất nhiều máu, mồ hôi hay nước mắt. Còn trước đó thì sao? Và tại sao trong tâm hồn con người có một trạng thái xảy ra trong một khoảng thời gian nào đó, gọi là mơ mộng? Câu hỏi mà các con đặt ra xem chừng lý thú lắm đó và rất đáng quan tâm.
Trước hành động là phần việc của tư tưởng. Tư tưởng chỉ hình thành trong những cơn mơ mộng và những mơ mộng chỉ xảy ra trong những khoảng thời gian tâm hồn con người cất cánh bay cao vào trong cõi-lắng-yên, xa hẳn những âm thanh chối tai do hành động gây ra.
Cõi-lắng-yên là đất để tư tưởng nẩy mầm và tư tưởng là bước đầu và là kim chỉ nam của hành động. Các con thấy chưa nào, sự quan trọng của những cơn mơ mộng, nếu không có mơ mộng thì không có tư tưởng, không tư tưởng thì sẽ không có hành động. Nhưng con người vốn là một sinh vật - hay ít ra có một số ít người trong họ - hay mơ mộng. Vấn đề sẽ được đặt xuôi lại. Vì là con người nên có những cơn mơ mộng, có mơ mộng nên có tư tưởng, có tư tưởng nên có hành động và vì có hành động nên cuộc đời vốn như một bộ máy im lìm, được tiếp nhiên liệu bắt đầu hoạt động, sự hoạt động tạo ra sinh khí. Sinh khí chính là điều con người cần có và do chính họ tạo thành. "Nhưng đó là một vòng tròn hả bố?" - "Phải đó là một vòng tròn, từ con người đến những cơn mơ mộng, đến tư tưởng, đến hành động, đến sinh khí. Và đó là bộ mặt của cuộc sống con người, của cuộc đời".
- Nhưng mà bố đã nói dông dài đâu đâu, chẳng liên quan gì tới chuyện khiến bố khởi đầu tập thơ.
- Có chứ. Và chắc các con sẽ tức cười nôn ruột lên được khi nghe bố nói ra, cái động lực thúc đẩy bố viết tập thơ. Trước hết đó chẳng qua chỉ là một chút nắng vàng! Nào, xin các chú, cô bé của bố hãy cười đi, cho thỏa thích. Nhưng các chú, cô bé yêu dấu ạ, các con không thấy "một chút nắng vàng", nhất là vào một buổi sáng tươi mát, một chút nắng vàng rất trong của bình minh phủ lên lá cây xanh, bên ngoài cửa sổ ngôi nhà bố đang ở - trải dài ra như một tấm thảm đến tận những khu đồi xanh mướt hoa mầu dễ xui khiến tâm hồn bố và các chú chìm vào một cơn mơ mộng sao? Này đấy, bố đã nói, mọi việc đều chẳng được hình thành từ một cơn mơ mộng là gì? Bây giờ các con thỏ bạch của bố đã hiểu ra rồi phải không? Nhưng mà một chút nắng vàng, rất trong và rất dòn - dòn, như bánh tráng nướng, như bánh bột lọc Huế hay gì gì thì các chú cứ tưởng tượng, bố nào lường nổi óc tưởng tượng phong phú vô cùng của các chú bé. Óc tưởng tượng của các chú là cả một thế giới mới lạ, kỳ ảo mà từ lâu - từ ngày làm người lớn! - bố đã đánh mất rồi - rồi cũng sẽ trở nên gay gắt làm chảy mồ hôi, bình minh rồi sẽ qua để tiến đến cái thời khắc ngôn ngữ gọi là buổi trưa, và cái thảm lá xanh non rồi cũng đến lúc vàng úa và rụng xuống. Những chuyện sau bình minh thì chẳng có gì vui - đành rằng đôi khi rất cần thiết - và cũng kém vẻ, xui nên ở bố cơn mơ mộng tốt lành. Nên bố đã vội vã để tâm hồn mình tha hồ bay bổng rong chơi trong cơn mơ mộng bình minh đó. Và bố đã trông thấy nắng chiếu làm lấp lánh những chiếc lá còn láùng sương, khi gió lay động chúng, thì như muôn ngàn ánh mắt trẻ thơ reo vui với bố, và tiếng lá cây xôn xao nghe như một giọng cười lớn của muôn ngàn chiếc miệng họp lại với môi hồng xinh xắn, êm ái vang đến tai bố. Và vì đó là ánh mắt và giọng cười của những trẻ thơ, nên bố nhớ đến các con yêu của bố, vì các con là những trẻ thơ. Nhớ đến các con, ngày sinh nhật của các con cũng hiện ra trong trí bố - các con cùng ra đời vào cuối tháng 12 dương lịch, trước lễ Giáng sinh. Bây giờ đang là những ngày giữa tháng Một, bố nhớ đến lời hứa về món quà trong lễ sinh nhật của các con - lời hứa được thốt ra thành lời mẹ con đã nghe. Ấy đấy, cái động lực thúc đẩy bố khởi sự tập truyện nhỏ này, sau cái "một chút nắng vàng", đến lời hứa với mẹ các con.
Nhưng các con sẽ tự hỏi, tạo sao lời hứa với mẹ các con, bố lại lấy làm điều quan trọng như vậy. Các con không biết rằng, ngoài điều thông thường, là người ta phải làm và giữ đúng những gì mình đã hứa với người khác, dù việc nhỏ nhặt đến đâu, riêng bố phải giữ lời hứa với mẹ các con, vì mẹ các con là một người đàn bà rất đặc biệt, rất tôn quí những giá trị tinh thần. Không phải là một người thiếu thực tế hay vụng về - mẹ là một người đàn bà giỏi giang, biết chăm chút từng ly từng tí đời sống hàng ngày của các con, của bố, từng miếng ăn, giấc ngủ. Nếu không vậy thì làm sao các con được săn sóc chu đáo đến dường ấy, được nuôi nấng và dạy đỗ ngoan ngoãn đến dường ấy (và trong nghịch cảnh, bố còn sống đến ngày nay!) Trong những ngày bố xa cách các con, chỉ một mình mẹ các con, phải chống chọi lại đời sống đầy khó khăn, quạnh hiu nơi vùng rừng rú ấy? Rồi các con sẽ được bố kể lại câu chuyện về mẹ các con trong tập truyện nhỏ này - nhưng nếu như trong sinh nhật các con, thay vì một món quà mua sắm ngoài phố bố gửi về, sẽ khiến mẹ các con vui trong chừng mực, thì mẹ các con sẽ khóc một cách sung sướng khi nhận được tập truyện này của bố, chỉ là một món quà tinh thần rất khiêm nhường, không mua sắm bằng tiền, nhưng đã được tạo thành bằng tình yêu của bố dành cho các con, dành cho mẹ. Sau khi ôm tập truyện vào lòng để truyền hơi ấm của thân thể mẹ qua, để cho những trang giấy thấm nhuần hơi hướm mẹ, rung rung vì những nhịp đập của trái tim rộn ràng xúc động hạnh phúc lớn lao của mẹ. Mẹ các con, dưới ánh nến sinh nhật, bên cạnh một bàn tiệc - chắc chắn chỉ gồm một đĩa bánh giản dị vì bố biết, khi chính bố đã bất lực trong việc đem lại cho các con những chiếc bánh thơm ngon - (Các con đừng tưởng rằng những chiếc bánh không đem lại hạnh phúc và niềm vui. Không đúng hẳn. Đành rằng đối với đời sống, bố mong rằng các con sẽ là những người biết quý trọng đời sống tinh thần, nhưng cũng không được coi thường đời sống vật chất. Đời sống của một con người phải là sự hòa hợp trọn vẹn giữa vật chất và tinh thần) thì mẹ các con, trong sự vén khéo điều hòa việc chi tiêu số lương chừng mực, cũng chỉ có thể mua hoặc làm ra những chiếc bánh ngon vừa phải mà thôi, nhưng bố mong rằng, một ngày kia lớn khôn, khi đọc đến những giòng này, các con sẽ cảm thấy rằng đó là những chiếc bánh thơm nhất, ngon nhất thế giới mà dù ngày sau, đời sống các con được may mắn cho nếm những chiếc bánh đắt tiền hơn, các con cũng không cảm thấy thơm bằng, ngon bằng. Vì những chiếc bánh của mẹ được ướp hương tình yêu và chất muối của mồ hôi rỏ ra trên trán mẹ để tạo ra chúng. - Mẹ sẽ lật từng trang ra đọc cho các con nghe, dù là các con chưa hiểu hết, nhưng mẹ tin rằng, ngôn ngữ của tình yêu, âm thanh của tình yêu từ giọng mẹ sẽ thấm nhuần tâm hồn thanh khiết của các con và rồi, vừa đọc, thỉnh thoảng mẹ phải ngừng lại vì những cơn xúc động làm giọng mẹ sắt lại, rồi mẹ lại tiếp tục đọc, trong khi nước mắt mẹ rơi xuống làm nhòe mực những giòng chữ bố viết nắn nót một cách trân trọng, trước hai đôi mắt của các con nhìn mẹ một cách ngạc nhiên.
Sau một chút nắng vàng, sau lời hứa với mẹ, để thúc giục bố viết tập truyện nhỏ này, các con biết còn gì nữa không? Còn nữa, hai con nai tơ ngơ ngác của bố ạ. Và các con sẽ được một trận cười nữa khi các con nghe bố nói ra điều này (các con hãy cười đi, bố thích thấy ánh mắt rạng rỡ của các con, những nụ môi đỏ mọng căng ra hết cỡ và thứ âm thanh trong trẻo như những giọt thủy tinh khi có nắng chiếu qua), đó là vì bố nhìn thấy một chú nhện đang làm tổ.
Một chú nhện nhỏ tí ti mà các nai tơ của bố sẽ không tưởng tượng ra được, vớ sự chăm chỉ trong công việc của chú để tạo ra một mái nhà, cái tổ ấm của chú sau khi chú khổ công xây cất - Khổ công chỉ là một cách nói của bố, bố hay quan trọng hóa những công việc theo cái tính không mấy đáng hoan nghênh của bố, thực ra bố thấy chú nhện đã làm việc một cách rất nhởn nhơ, thoải mái như không có chút gắng gỏi nào - chú vào nằm… nghỉ mệt trong đó một cách chễm chệ hân hoan độ lượng.
Rồi bố sẽ trở lại chuyện chú nhện lát nữa. Bây giờ bố muốn nói đến mối liên tưởng nối kết tư tưởng bố đến việc phải làm xong một công việc của bố. Đó là viết tập truyện tuổi thơ cho các con.
Rồi các con sẽ biết, trong đời các con. Đối với những kỷ niệm tinh thần hay tình cảm, đã khắc vào tâm hồn người ta những vết sâu đậm, chúng ta tưởng chừng như không có gì làm cho phai mờ đi được và trí tuệ con người sẽ là một cái kho vô tận để cất giữ tất cả những kỷ niệm ấy. Nhưng thực ra, chẳng phải "không có gì làm phai mờ". Người ta tưởng như vậy theo độ xúc cảm mạnh mẽ lúc sự việc xảy ra thôi. Thời gian, phải, thời gian các con yêu của bố ạ. Thời gian có sức mạnh xây dựng và hủy hoại. Đối với bố, tình yêu của bố dành cho các con, cái tình cảm kỳ diệu xảy ra trong tâm hồn bố khi "tin vui" vừa đến, giống như một vết cọ xát làm cho tâm hồn bố ghi sâu một dấu vết không bao giờ phai nhạt. Tình yêu của bố đối với các con chỉ có thể ngày một lớn lên cùng với sự trưởng thành của các con thôi. Nhưng những kỷ niệm rất yêu dấu trong lúc mẹ cưu mang và khi các con được mẹ sinh ra, thời gian có thể làm lu mờ đi trong tâm trí bố. Bố muốn ghi lại những điều đó khi chúng còn sống động trong lòng bố để dành cho các con sau này. Đã hai năm từ ngày Ưu Đàm ra đời, bố đã bao lần dự tính, nhưng chưa một lần thực sự đặt bút viết chữ đầu tiên. Đã đành bố tự dối lòng rằng để cho đề tài được "thai nghén đúng kỳ" và đời sống truân chuyên khiến bố chưa có thời gian thực hiện, bố cũng phải nhận đã bao lần bố tự cho phép bố lần lữa biếng lười.
Bây giờ bố xin trở lại chuyện chú nhện. Đó là một chú nhện nhỏ, nhỏ rất nhỏ, màu trắng ngà. Chú chăm chỉ làm một tổ nhỏ, cái tác phẩm của đời chú.
Các nghé tơ ngây ngô của bố. Các con có biết rằng, vũ trụ này rộng lớn đến chừng nào không? Rồi ra các con sẽ biết điều này, nếu mặt trời có một lỗ hổng thì người ta phải bỏ vào đó hàng triệu quả đất mới đầy ruột nó. Và trong dãy ngân hà có hàng trăm tỉ những ngôi sao có thể chứa nổi hàng triệu mặt trời và trong cõi vũ trụ này, cho đến nay loài người biết được có không biết bao nhiêu là dãy ngân hà nữa. Bố nói như thế để các con biết rằng, trong vũ trụ, địa cầu chỉ là một hành tinh nhỏ bé đến ngần nào. Nhưng đối với địa cầu thì con người lại chỉ là một hạt bụi cát đối với nó mà thôi. Và còn có những sinh vật mắt còn trông thấy được đối với con người cũng chỉ là một cái chấm nhỏ nhoi vô nghĩa. Chú nhện mà bố nói đây có cái thân thể tí ti gần như một dấu chấm vậy. Khi bố trông thấy chú thì chú đang bò trên một thanh gỗ, trong một cái hốc rất khiêm nhường. Trong cái hốc đó, chú giống như bố đang ở trong một ngôi nhà vậy. Chú loay hoay tới lui, những động tác nhịp nhàng như vũ điệu, như chú đang chơi đùa. Bố nhìn chăm chú và chỉ một lúc sau, bố nhận ra một màn tơ mỏng manh trắng mờ đã bao bọc chung quanh người chú - những sợi tơ mà thoạt tiên bố không trông thấy, nhưng nó đã có từ đầu - và rồi dần dần cái tổ thành hình sau một thời gian dài làm việc. Đó phải chăng là tác phẩm của chú nhện, hở các sóc rừng của bố? Phải đấy, đấy chính là tác phẩm của chú. Nếu bố không trông thấy chú nhện đó, thì chú vẫn làm việc và tác phẩm của chú cũng vẫn được hoàn thành, trong thầm lặng. Bố tự hỏi, ngoài bố ra - may mắn một cách tình cờ - còn có một nhân loại nào khác trong cõi những thiên hà trong vũ trụ, biết đến việc làm của một sinh vật nhỏ nhoi, trong một cái hạt nhỏ trong một ngôi nhà ở Địa cầu nữa không? Chú nhện có để ý đến điều đó không? Không, không, hai chú dế mèn yêu quí của bố ơi. Chắc chắn chú nhện không để ý đến điều đó. Chú tượng trưng cho một nghệ sĩ khiêm tốn có tinh thần sáng tạo cao độ. Chưa một lần bố dám nghĩ bố là một nghệ sĩ. Tuy nhiên, chú nhện đã dạy cho bố một bài học về sự siêng năng làm việc mà một nghệ sĩ cần phải có đối với tác phẩm mình. Bố liên tưởng đến tập truyện và bố cảm thấy một niềm xấu hổ tràn đầy tâm hồn bố! "Phải bắt tay vào việc ngay!" Bố tự nhủ mình. Và bây giờ bố đang làm đây!.
Bây giờ thì hẳn mẹ các con đang lần dở qua những trang khác và bắt đầu đọc cho các con nghe những giòng đầu của chuyện số 1…
TÊN CÁC CON:
ƯU ĐÀM
Theo truyền tụng, tiểu sử của Đức Phật, Ưu Đàm là tên một loài hoa ba ngàn năm mới nở một lần, vào dịp giáng sinh của một Bồ Tát hay bậc Thánh vương - những bậc đem hạnh phúc đến cho nhân loại. Cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, hoa Ưu Đàm đã nở, khi Đức Phật Đản sinh.
… Ngày ấy, vào một buổi mai, trong vườn Lâm-tì-ni, Hoàng hậu… đang cùng các thị nữ dạo chơi, bỗng Hoàng hậu nghe từ trên không trung vang lừng tiếng nhã nhạc. Ánh sáng trở nên trong vắt nhuộm bảy sắc cầu vồng. Không khí lừng hương thơm ngát. Từ trên trời đổ xuống một màn mưa với đủ các loài hoa. Hai con rồng về chầu phun nước. Giữa hương thơm của các loài hoa, vượt trội lên một làn hương cực kỳ vi diệu và khu vườn Lâm-tì-ni bỗng sáng rực lên thứ ánh sáng kỳ ảo lạ thường. Hoàng hậu… bàng hoàng trước cảnh tượng diễm lệ, ngước mắt lên nhìn, trên cành, ngàn đóa hoa Ưu Đàm đang nở rộ. Đúng lúc ấy Hoàng hậu lâm bồn và Hoàng tử Tất Đạt Đa ra đời. Một đàn chim tha tới một tấm thảm kết bằng những bông cỏ hồng đỡ lấy Ngài, nhưng Ngài chổi dậy và bước đi. Những đóa sen nâng gót bảy bước chân Ngài…
Sau này Thái tử Tất Đạt Đa đã là người đầu tiên trở nên kẻ giác ngộ: Đó chính là Đức Phật. Ngài là ngọn lửa lớn viên mãn cháy mãi không bao giờ tắt, để soi cho nhân loại thấy rõ con đường giải thoát trong màn đêm vô minh. Khi lấy tên loài hoa kỳ diệu kia để đặt tên con, bố đã gởi gấm vào đó bao kỳ vọng. Con bố ra đời được ví như hoa Ưu Đàm nở. Hoa Ưu Đàm nở báo hiệu có bậc cứu người độ đời giáng sinh. Đức Phật Đản sinh đã hơn hai ngàn năm trăm năm, nhưng càng ngày nhân loại càng đi vào chỗ mê lầm, xa hẳn chân lý. Bố ước mong sẽ có một bậc thánh ra đời để dẫn dắt con người đến với chân lý… Hay chính Đức Cồ Đàm phải trở lại trong thân xác phàm trần để một lần nữa làm sáng tỏ lại con đường dẫn đến chân lý?
Ưu Đàm: Đó là một điềm báo tin lành cho nhân loại.
NAM QUAN
Nam Quan: Ải địa đầu chống quân xâm lăng từ phương Bắc. Nam Quan: nơi những núi đồi uy nghi, im lìm đã chứng kiến cảnh ly biệt giữa Phi Khanh và con trai là Nguyễn Trãi. Cây rừng núi đồi đã nghe Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi hãy trở về lo "trả thù cha đền nợ nước". Những viên đá đã thấm nước mắt của một nho sinh trở nên không thể đập vỡ được. Hàng triệu cây rừng núi đồi kết hợp lại thành bức tường thành vững vàng như ý chí của dân tộc ta: Việt Nam. Giặc Minh không thể qua, đã qua không thể về. Và gã nho sinh, ngày sau, với một bài hịch và những chiếc lá "Lê Lợi vi quân. Nguyễn Trãi vi thần" đã phò vua Lê Lợi, đánh đuổi giặc Minh, giành lại nền độc lập cho xứ sở.
Lịch sử của chúng ta ghi rõ, là một dãy đất bất khả phân ly, chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Dãy đất đó đã thấm nhuần máu và mồ hôi của dân tộc Việt Nam: một dòng giống kiêu dũng quật cường.
Nam Quan, và chỉ từ Nam Quan - nơi chôn xác quân ngoại xâm, nơi ghi dấu những chiến công lẫy lừng của các bậc anh hùng dân tộc và chiến sĩ dân tộc ta - ranh giới ở phương Bắc, từ đó xuôi về Nam đến mũi Cà Mâu. Một dãi đất theo ven biển Thái Bình dài hơn hai ngàn cây số. Mà những giòng sông là mạch máu làm tốt tươi ruộng vườn, những mạch máu nối kết không phải để phân cách chia lìa. Nhưng về sau các con sẽ đọc lịch sử nước ta, các con sẽ thấy người ta đã dùng một con sông để chia cắt đất nước ta. Đó là sự lầm lẫn của một thế hệ, một sự rủi ro có tính cách giai đoạn trên dòng thời gian vô tận mà dân tộc ta sẽ trường tồn như một khối thể duy nhất… Ở phương Bắc, khi nhìn về phương Nam, đất nước ta không dừng lại ở giòng sông Bến Hải. Từ phương Nam, nhìn về phương Bắc, đất nước ta không dừng lại ở dòng sông Bến Hải. Nước trong lòng sông và đất không chia cách. Sự phân chia chỉ được dựng lên ở lòng người.
Nam Quan, con trai yêu của bố mẹ, ngày sau trở thành công dân trưởng thành của dân tộc ta, con hãy nhớ rằng, đất nước ta là một dãy đất chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, nghe con.
NỮ ĐIỀU DƯỠNG
Đó là một từ ngữ dịu dàng, hàm chứa tình yêu để gọi nghề nghiệp mà mẹ các con đã chọn. Nữ điều dưỡng là người đem tình yêu, lời an ủi và sự săn sóc đến cho các bệnh nhân. Có lẽ các con muốn biết vì sao mẹ các con đã chọn nghề đó cho mình phải không. Đành rằng đó cũng là một nghề như tất cả mọi nghề giúp mẹ sinh sống, nhưng mẹ các con đã chọn nó vì mẹ vốn là người đa cảm. Đời sống, nếu có những bình minh thì cũng có những đêm tối. Con người dầu có trí óc thông minh vẫn là một sinh vật nhỏ bé đối với mọi tai biến do thiên nhiên gây ra, đối với tật bệnh và đối với những sự ngông cuồng của chính họ gây ra những sự xúc phạm đến tâm hồn và thể xác của đồng loại họ. Mẹ chia xẻ hạnh phúc của đồng loại, những niềm vui, sự đầm ấm, sức khỏe dồi dào. Nhưng mẹ không đành lòng nhìn thấy những kẻ kém may mắn bị đưa đẩy đến những rủi ro của bệnh tật, tai nạn, khiến thể xác họ đau đớn. Mẹ muốn góp một phần nhỏ nhoi vào công việc xoa dịu những nỗi đau khổ của những kẻ kém may mắn đó. Mẹ an ủi họ với những lời dịu dàng nâng cao tinh thần họ để chống lại bệnh tật, bàn tay mềm mại và nhỏ bé của mẹ băng bó lại những vết thương. Mẹ thức canh giấc bên giường một em bé, một người đàn ông hay đàn bà. Mẹ chăm nom từ giấc ngủ đến miếng ăn của họ… Một nữ điều dưỡng: mẹ các con, là người góp phần nhỏ nhoi vào việc làm hồi phục lại sức khỏe của những người bệnh, đôi khi làm hồi sinh những thân thể tưởng đã là mồi ngon của thần chết. Trong một ý nghĩa nhỏ bé, mẹ các con là người gìn giữ đời sống của con người, kẻ giành giật sự sống lại cho con người từ tay của tử thần. Và này, hai con yêu của bố, hơn tất cả, bố là một con bệnh kinh niên mà mẹ con đã tình nguyện làm một nữ điều dưỡng trọn đời.
NGHỆ SĨ
Chưa bao giờ bố dám có ý nghĩ tự gán cho mình danh từ cao quý đó, bố cảm thấy xấu hổ khi nghe người khác gọi bố bằng danh từ cao quý đó. Bố tự cảm thấy mình chưa xứng đáng, dù chỉ với một chút nhỏ nhoi. Nghệ sĩ, dầu đời sống họ thế nào, đó là những con người có một tâm hồn cao cả, tràn ngập tình yêu mến con người và cuộc đời. Họ luôn ao ước đời họ sẽ là một cây nến tự đốt cháy mình để đem lại ánh sáng, dù chỉ để soi sáng trang giấy cho một trẻ thơ trên đó viết những mẫu tự đầu. Họ là những con người đặc biệt được tạo hóa tạo thành với một thể chất và một tâm hồn… - nhưng họ không biết đến điều đó - họ tạo ra vẻ đẹp, bằng màu sắc, âm thanh, vần điệu ngôn ngữ. Họ tự khai phá những thế giới, từ họ nhân loại nhìn thấy những chân trời rộng mở xôn xao những sắc màu kỳ ảo, những âm thanh vi diệu. Tất cả việc làm của họ sẽ đem đến cho tâm hồn con người một đời sống phong phú, vui tươi. Nhưng tự họ, họ không đòi hỏi được đền bù dầu cho họ có bị bạc đãi, họ không oán hận. Người đời thường ví họ như những con tằm. Nếu những con tằm đã rút tơ lòng để làm kén và tơ đó sẽ được dệt thành lụa may ra chiếc áo, thì Nghệ sĩ là những kẻ cũng rút tơ trong hồn mình làm thành lụa để may những chiếc áo tinh thần. Họ góp phần và mang đến cho đời sống con người hạnh phúc. Họ là những nông phu chăm lo vun xới làm cho tươi tốt mảnh đất tinh thần. Hai hạt mầm của bố đã hiểu ra chưa? Một nghệ sĩ ư? Bố cảm thấy bố chưa xứng đáng một chút gì. Nhưng có thể bố đang đi trên con đường của họ và bố cố gắng cho được xứng đáng trong tư tưởng và trong công việc…
Lúc tuổi thơ, bà nội đã ru bố ngủ bằng ca dao, ông nội đã ru bố ngủ với Truyện Kiều. Bố đòi ăn những cánh hoa, bố đòi ôm nắng bình minh. Bố đòi bà nội lấy mây trời để bố cất vào túi áo. Lúc hơn mười tuổi bố khinh bỉ vũ lực, quý trọng sức mạnh tinh thần Bố muốn đau đớn nỗi đau đớn của người khác. Nhịn đói thay cho người khác và rồi được chết, nếu cần – cho con người được hạnh phúc. Ngày nay bố ao ước gì, hai con chim sâu của bố có biết không? Mùa Hạ bố là cơn gió mát, mùa Thu bố là trái chín trên cành. Mùa Đông bố là tia nắng ấm. Nhưng mùa Xuân bố sẽ lẫn trốn trở về gần gũi các con.
TÌNH YÊU
Cho đến một tuổi nào đó, ở nơi một thanh niên hay một thiếu nữ, tâm hồn thanh khiết của họ giống như những đóa hoa nở ra hết cỡ vào mùa xuân, tỏa ra chung quanh họ một làn hương mê hoặc bướm ong. Gió sẽ mang làn hương ấy bay xa như những tín hiệu lan đi trong không gian tìm gặp những tần số thích hợp để các tín hiệu đó trở thành âm thanh. Thông thường những âm thanh đó sẽ kết hợp thành những câu âm điệu du dương, nhịp nhàng vần điệu như lời thơ. Tâm hồn họ đã trải qua thời kỳ của lộc non, nhựa nguyên đầy ứ xôn xao trong từng gân lá đòi chia sẻ. Cái mặt nước trông như còn bình thản đã sẵn sàng đón những cơn gió nhẹ để tạo thành những con sóng lăn tăn, và dưới đáy sâu kia những đợt sóng ngầm đang lặng lẽ tựu thành chờ ngày làm sóng gió. Những thanh niên và những thiếu nữ, họ cảm thấy cô đơn. Một nỗi cô đơn thoạt trông chừng như không duyên cớ, bởi tự bản chất của nó vô cùng sâu thẳm. Họ cảm thấy một cái gì dư thừa cần phải chia sẻ nếu không con người họ sẽ nổ tung, đồng thời họ cũng cảm thấy một nỗi trống trải mênh mông cần an ủi, bù đắp mà tự họ không thể nào lo toan cho kham được.
Này, hai chiếc lá lộc nõn của bố ạ, có một thời, bố và mẹ đã được gọi là thanh niên và thiếu nữ ấy. Và tâm hồn của bố mẹ cũng đã trải qua những giây phút chấn động của cô đơn mà quân bình chỉ được tái lập trong sự kết hợp. Và sự kết hợp nào cũng khởi đi từ một lần gặp gỡ mà thi sĩ Thế Lữ đã gọi là “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy”, và ông cho nó xảy ra vào một buổi chiều, “nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt. Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”. Một lần gặp gỡ, thoạt trông tưởng như là ngẫu nhiên, tưởng như là vô tình nhưng thật ra là những tầng số tín hiệu phát ra đã có đài tiếp nhận, những âm thanh tiếng lòng đã tượng hình. Như hai cơn sóng khởi đi từ mặt đại dương xa xăm bị vách núi đá chận lại một nơi, chúng vỡ ra rồi tan hòa vào nhau thành một lượng nước không còn có thể phân chia. Nhưng chắc hẳn những cơ hội tương phùng cũng tùy thuộc nhiều vào cơ duyên run rủi, sự đẩy đưa vô thường của cuộc đời.
Dạo đó, từ QN mẹ con ra Huế học trường Nữ Điều Dưỡng, cùng trường và cùng lớp với cô Tịnh Vân các con. Bố thì đang là SVSQ đang thụ huấn tại quân trường. Và cô Tịnh Vân của các con chính là một sợi tơ hồng. Cô không buộc, nhưng cô đã trao cho bố mẹ mỗi người cầm lấy một đầu dây tơ. Và rồi qua thời gian, bố mẹ đã tự tay buộc chặt đời mình vào đó. Mỗi ngày cái gút được thắt chặt thêm, bằng những cánh thư… Bằng những cánh thư…
CHIẾC ĐINH VÀNG
Tuổi trẻ là đất gieo những hạt mầm mộng tưởng và trong tâm hồn còn mới nguyên như đất mới vỡ, những mầm cây hút dưỡng chất dễ dàng vươn lên trở thành những thân cây đại thụ, nở đầy hoa, kết đầy trái. Người ta gọi đó là những giấc mộng tuổi xanh. Tuổi trẻ, những chồi non của bố ạ, có thể làm được mọi việc kể cả tát cạn các đại dương bằng một chiếc vỏ sò.
Bố chưa già – ngoài ba mươi tuổi vội nói chi đến điều ấy và bố sẽ còn trẻ trung mãi, ít ra là về tâm hồn bố – nhưng bố có thể nói, nhìn lại tuổi trẻ của bố, bố là một người mà những giấc mộng tuổi xanh không chỉ là những thân cây đại thụ mà là những khu rừng rào rạt sức gió, là bão lớn, là những cơn sóng thần… Không một lần nói ra, nhưng bố tự hứa với ông nội trong niềm kiêu hãnh, ngày sau bố sẽ trở nên một người xứng đáng. Tâm hồn bố luôn luôn bay bổng. Bố khinh bỉ đời sống vật chất tầm thường, nhỏ bé và chật hẹp. Bố không chịu nỗi khi nhìn thấy cảnh một người đàn ông trở thành người chồng, người cha, bỏ cả đời ra lo việc kiếm ăn và hạnh phúc của họ là mỗi Chúa Nhật được đưa vợ con đến hiệu ăn ăn một tô phở, coi một xuất chiếu bóng… “Con người” được sinh ra chỉ để làm những việc đến như vậy mà thôi sao? Nếu con người được sinh ra chỉ để kiếm ăn và chờ ngày già, chết, chỉ hoàn tất được những việc tầm thường, chỉ hưởng được những hạnh phúc cỏn con thì thật đã phí phạm hết sức, thật uổng đời, thật không xứng đáng chút nào với tên gọi “con người”. Bố có một tình yêu rộng lớn, một lý tưởng cao đẹp – nhưng cũng rất mù mờ, thật xa cách mặt đất.
Nhưng rồi mẹ con hiện đến trong đời bố. Chẳng cần phải nhọc sức như một người luyện thú, hay những tên cao-bồi có tài quăng dây để bắt ngựa rừng. Chỉ với một sợi tóc, mẹ con đã cột chặt chân bố, lôi bố từ trên những đám mây xuống mặt đất và cột vào thân một cọng cỏ. Với một chút giận dỗi rất nhiều giả đò, bố bàng hoàng ngắm nhìn mặt đất: cây cỏ, các côn trùng, con người. Nhưng với độ dài gang tấc của sợi tóc mẹ con, đôi khi bố còn để đời mình bay lên – dù chỉ xa cách mặt đất vài gang tay – trong những cơn ngông cuồng còn sót lại của một con thú hoang. Bộ mặt cuộc đời trong bố có trông thấy nhưng chỉ như người lạ gặp nhau chào hỏi qua loa. Gót chân bố đặt trên mặt đất còn vụng về, e ngại. Nhưng rồi con đã ra đời. Sự có mặt của con trong đời bố như một phép mầu. Như cửa mở. Như ánh sáng đến. Bộ mặt cuộc đời hiện ra rõ ràng trước mắt bố. Không ngần ngại, hân hoan niềm nở, bố bước tới siết chặt tay, cất lời chào hỏi thân thiết.
Các con yêu của bố ơi, những chồi non thân mến. Các con là những chiếc đinh vàng, sau sợi tóc của mẹ con, đã đóng chặt đời bố vào mặt đất và từ ngày ấy bố hân hoan làm một người tù khổ sai. Từ ngày ấy - cho đến lúc bố trở về đất – bố biết rằng, không phải là trời cao với mây ngũ sắc bềnh bồng, mà chính là mặt đất, quê hương đầu tiên bố đặt chân đến và cũng là chốn cuối cùng để bố trở về. Mặt đất, ôi mặt đất yêu dấu. Bố cảm ơn các con yêu của bố: những chiếc đinh vàng êm ái và chắc chắn đã đóng chặt bố vào với mặt đất.
GIỚI THIỆU
Tết. Mùa xuân. Mùa của hân hoan và hy vọng. Mồng bốn, những người bạn mới của bố đến thăm gia đình ta. Họ muốn xem những tác phẩm hội họa của bố. Tế nhị, họ biểu lộ trong ánh mắt những xúc động kín đáo. Với một thái độ rất đứng đắn, họ dừng lại lâu trước mỗi bức tranh. Nhưng bố nói: “Tôi có một tác phẩm điêu khắc nữa, vừa mới hoàn tất, rất sống động”. Họ lộ vẻ vui mừng muốn thưởng thức. Bố vào buồng, cúi xuống hôn con đang ngủ thiêm thiếp trong nôi, rồi bế con ra khoe với khách. “Đây, tác phẩm điêu khắc đầu tiên và mới nhất của đời tôi, vừa mới hoàn thành được bốn ngày”. Bỡ ngỡ, tất cả cùng cười rộ lên một cách sảng khoái trước sự ngạc nhiên. Họ tranh nhau được bế “tác phẩm của bố” với những cử chỉ dịu dàng và những lời nói nựng. Mẹ con ganh tị, đầu còn quấn khăn, người dầy áo, lỗ tai nhét bông, chân mang tất, ló mặt ra phòng khách nhìn bố đòi chia công. “Chào chị”, những người bạn của bố đồng thanh nói. Bố chỉ mẹ: “Và đây là bà thợ phụ, rất đắc lực, đã giúp tôi hoàn thành tác phẩm điêu khắc sống động này”. Trên nét mặt da xanh tái, còn nhuốm vẻ mệt mỏi, nụ cười mẹ con nở ra thật tươi thắm.
CHIẾC NÔI
Khi đôi gót chân nhỏ nhắn hồng hào như hai búp sen của con còn được ấp ủ trong tất – những đôi tất cũng nhỏ nhắn mầu vàng, xanh lơ, lục, có dãi buộc, xinh xắn như những con bướm do bàn tay khéo léo của mẹ con tạo ra – mà thảng hoặc chỉ có những hạt bụi lén bám mà thôi và da trần chưa dẫm lên mặt đất, thì nơi cư ngụ của con là trong lòng bố mẹ và chiếc nôi. Nơi đó con đã được bao phủ trong không khí ấm áp và bình yên trong những giấc ngủ dài. Nơi những nụ cười im lặng của con đã nở ra, nhưng cũng có khi Bà Mụ đánh con và con đã khóc. Những nụ cười và tiếng nấc liên tục hiện ra trên nét mặt bình thản của con. Nơi con đón nhận không hay biết những chiếc hôn sâu trên vừng trán phẳng rộng mịn màng của con.
Trước khi con ra đời nhiều ngày, một chiếc nôi sắt rất chắc chắn của Dì Cẩm Nhung chở từ Qui Nhơn lên. Bố đã sơn lại mầu xanh nhạt – đó không phải là màu hy vọng như người ta vẫn gọi, là màu của một bầu trời quang đảng –sửa lại những chấn song hư. Bố mẹ đã chăm chút trang hoàng chiếc nôi đẹp như một căn phòng chờ đợi giờ hợp cẩn của một đôi tân lang và tân giai nhân: đó là lễ hợp cẩn giữa con và cuộc đời. Chung quanh nôi mẹ bọc rèm hồng. Trên để nệm phủ vải hoa, và che màn trắng. Một chiếc gối hình nửa mặt trăng nâng đỡ đầu con. Lưng con tựa trên nệm, nệm tựa trên nôi và chiếc nôi xinh đẹp kia tựa vững vàng trên mặt đất.
HÔN LỄ
Mỗi lần được xem một tập “dán hình” kỷ niệm một lễ cưới, trong đó cô dâu mặc áo lễ trắng, đầu đội vương miện, bên cạnh chú rễ áo quần thẳng nếp, trên túi áo có cài hoa hồng đỏ thắm, những bàn tiệc đông đủ hai họ trai gái và bạn bè, rõ là một tiệc hoa thì gương mặt mẹ con như một mặt nước phẳng lặng bắt đầu gợn lên những lượn sóng lăn tăn. Như một cảnh vật được soi sáng bỗng dưng nắng tắt. Và lúc ấy chỉ cần một tiếng thở dài, hay một cơn gió rất nhẹ thôi cũng đủ khiến những giọt nước mắt của mẹ con tuôn trào: mẹ con khóc tủi thân! Mẹ con nhớ lại đám cưới của mình – lẽ ra là một lễ hội vui của đời con gái – đã diễn ra giản dị ngoài sự khiêm tốn. Bên trai chỉ có ông bà nội, bên gái, ông bà ngoại và những người thân. Không một người bạn nào của mẹ hay bố đến dự. Và bên cạnh cô dâu, không có chú rễ vì bố đang là một kẻ bị săn đuổi, bố phải lẫn trốn.
- Này mẹ – Bố chọc cười trong khi đầu mẹ tựa vào vai bố và vòng tay bố bao bọc mái tóc mẹ – nếu tất cả những tiệc cưới trên thế gian, bên cạnh cô dâu đều có chú rễ, có đông đủ bà con, bè bạn, với tiệc hoa tưng bừng, thì chỉ riêng có đám cưới của mẹ diễn ra hoàn toàn trái ngược một cách.. hiên ngang. Đó thật sự là một sự sáng tạo độc đáo, độc nhất vô nhị!
Mỗi lần nghe bố nói xong, mẹ con ngẩng đầu lên, chùi sạch nước mắt, miệng cười tươi, nhìn bố với hai mắt sáng long lanh.
Chồi Non ạ!
Nhưng còn điều này bố nói riêng với con. Trong lễ cưới không có bố bên cạnh mẹ thật đấy, nhưng đã có người thay mặt bố trong ngày vui kết hợp: chính là con đó, Chồi Non, vì ngày ấy mẹ con đã bắt đầu thọ thai con vừa tròn tháng.
NGỌN CỎ MÙA XUÂN
Thoạt tiên là những cơn gió mới se mình, còn e ngại nhưng không thiếu cương quyết, trở về từng luồng thu hút dần hơi ấm áp của mùa Thu đã muộn. Rồi những màn sương mù buông xuống như những tấm khăn lụa lớn hóa trang cảnh vật thành thế giới của những giấc mơ êm đềm. Cuối cùng mưa tới, từng cơn những hạt nhỏ kết thành từng suối tóc trắng buông mình theo gió từ những đám mây trên vòm trời xám đục ngọn lê lết trên cánh đồng đất bồi hai bên bờ sông, trên mặt nước đã trở đục – vì mưa nguồn – chảy xiết từng quãng của giòng Dakbla
Mặt đất khô trắng gần như nhẵn nhụi, bao phủ một tấm khăn vàng úa xơ xác và dơ bẩn của cỏ chết, bắt đầu cựa mình sau giấc ngủ mê thiếp trong mùa Thu. Đất thức giấc còn uể oải vươn vai ngáp dài. Nhưng đất đã tỉnh hẳn và trở dậy cương quyết, cất tiếng hát khi những mầm cỏ xanh nhú ra sau vài cơn mưa hăng hái đầu mùa. Trên màu nâu như da thiếu nữ rám nắng rạo rực sức sống, cỏ non mướt mơ tựa những sợi lông tơ mơn mỡn. Mùa đất hồi sinh, mùa trở dậy của những hạt mầm, mùa rừng cây dâng lên.
Nhưng nếu nước đã làm hồi sinh thiên nhiên thì cũng làm những chiếc tã nhỏ của con không thể phơi khô được. Không khí đầy hơi mưa luôn bao phủ những chiếc tã mẹ con giặt phơi đầy nhà – mà bố luôn thấy như những cánh bướm trắng đậu xếp hàng. Cỏ không thể thiếu hơi mưa cũng như con không thể thiếu những chiếc tã ấm khô ráo. Buổi tối mẹ con gầy than hơ tã cho con. Từng chiếc một, ủi thẳng. Những chiếc tã, những chiếc áo và những chiếc tất. Ánh than hồng tô phấn gương mặt xanh xao vì thiếu máu của mẹ con. Bố phụ giúp mẹ con một tay, nhưng chưa được hai chiếc mắt bố đã híp lại và bố bị dìm vào những cơn ngủ gục. Mẹ nhìn bố cười thương hại...
Khi bố tỉnh dậy, mẹ con vẫn còn ngồi bên bếp lửa than sắp tàn. Bên cạnh mẹ, tã và áo quần của con đã được ủi và xếp lại thành chồng. Thấy bố, mẹ cười hỏi: “Bố ngủ ngon không?”. Bố đến ngồi bên mẹ. Mắt mẹ con mờ đục, mặt xanh tái. Và khi chiếc tã cuối cùng được ủi thẳng xếp lại cẩn thận, mẹ con gục xuống, đầu ngã trên vai bố... Bố ôm lấy mẹ như ôm một báu vật. Môi bố tìm sưởi trán mẹ. Những giọt nước mắt bố rơi xuống như những hạt mưa tưới trên trán mẹ, ở đó, tóc mẹ con – những sợi tóc mịn màng – phất phơ như những cọng cỏ mùa xuân.
Bên ngoài, một ngày mới vừa nở.
ĐỐT LÁ
Chú Dũng – tức thi sĩ Nguyễn Bạch Dương – đến chơi, ở lại ngủ đêm nhà mình.
Một đêm Thu tĩnh mịch. Sự tĩnh mịch như phát ra từ các lùm bụi, lan khắp mặt đất lên đến tận nơi những vì sao lấp lánh đang cư ngụ – những vì sao là những con mắt tuyệt đẹp của đêm, phải không hai Ánh Dương của bố? Trong sự tĩnh lặng mênh mông đó, dường như bố nghe xao động những âm thanh lạ, những tiếng thầm mà ban ngày vì tiếng động của đời sống náo nhiệt làm át đi người ta không nghe ra.
Đêm, là thế giới của những âm thanh bị lãng quên. Mặt đất, những ngọn cỏ, cây cối cùng cất tiếng. Chúng trò chuyện, chúng hát, hay tỉ tê tâm sự, nhưng chúng không khóc lóc, hò hét hay quát tháo bao giờ.
Trong khuôn viên bệnh viện – nơi mẹ con làm việc – trên mặt đất cỏ đã khô vàng, lá Dừng rụng xuống, nắng hong khô từ nhiều ngày trước – lẫn với những chiếc lá vừa rời cành vào buổi chiều hãy còn đỏ thắm màu máu tươi tuyệt đẹp. Bố và chú Dũng gom lá khô lại vun thành đống rồi đốt lên. Ánh lửa soi sáng cả một vùng. Chú Dũng và bố ngồi bên nhau cùng im lặng. Im lặng cũng là một lối trò chuyện đã vượt qua tiếng nói của ngôn ngữ. Tuy nhiên, điều đó hầu như không được xứng đáng mấy với sự reo vui hớn hở của ngọn lửa. Chúng đang nhảy múa với những chiếc lưỡi nhọn vô thường nóng bỏng. Nhìn lửa bố tự hỏi, khi ánh lửa biến mất, nó đi về đâu? Ý tưởng cốt thiết ấy cũng bị lung lạc ngay, khi bố trông thấy đám than lá trước khi trở thành tro bụi rực lên một màu đỏ đẹp tuyệt vời. Những đám đỏ bất định hiện ra chỗ này chỗ khác trong đám than lá đen làm tâm hồn bố xao xuyến. Mọi vẻ đẹp làm tâm hồn bố xao xuyến. Bố cảm thấy mình trở nên người giàu sang biết mấy trong giờ phút ấy mà gia tài của bố chỉ là thứ ánh đỏ dời đổi trong đám than lá sắp tàn! Bố tự hỏi, phải chăng sự xao xuyến phát sinh ở nơi bố, nỗi xúc động đưa đến những cơn run rẫy, vì bởi nơi bố ý thức rằng, bố chẳng thể nào nắm giữ được thứ ánh đỏ dời đổi đó khi những cơn gió qua đi và đám than lá kia trở thành một đống tro nguội lạnh?!
Bên đống tàn lá, trông thấy bố và chú Dũng chỉ có những vì sao. Nhưng những vì sao thì ở trên cao xa tít và chẳng bao giờ nói một lời gì.
CHIẾC LÁ
Trên đường từ bờ sông trở về, bố nhặt được một chiếc lá bàng chín đỏ đẹp tuyệt vời. Chiếc lá nằm lẻ loi trên vệ cỏ biếc, bên cạnh vài chiếc lá khô.
Bố đã len lén nhìn ra chung quanh và khi biết chắc không có ai trông thấy, bố lẹ làng cúi xuống nhặt lên và dấu vào trong áo. Con sẽ lấy làm lạ tự hỏi tại sao bố lại có cử chỉ chùn lén ấy? Con ơi, vì đối với phần đông người đời, đó là một việc làm không thể tha thứ được. Nhặt một chiếc lá, dầu là một chiếc lá đẹp đi nữa cũng là một việc làm vô ích vì nó không đem lại tiền của.
Nhưng có một người reo lên khi thấy bố lấy chiếc lá trong túi áo ra. Người ấy là mẹ con.
Mẹ con trầm trồ:
- Ồ! Chiếc lá đẹp! Đẹp tuyệt vời hả bố?
Rồi với cử chỉ dịu dàng và trang trọng, mẹ con lấy một sợi chỉ màu cột vào cuống, đem treo lên vách nhà. Từ xa, mẹ con ngắm nghía chiếc lá như một tác phẩm nghệ thuật, rồi lại trầm trồ:
- Ồ! Chiếc lá đỏ thắm tuyệt đẹp! Tuyệt đẹp!
HOA DỪNG
Dường như đã có hơi lành lạnh khác thường len trong những cơn gió. Tháng mười. Mùa Đông trở lại vào một buổi sáng với sương mù khi bố mở cửa đón nắng.
“Mẹ ơi! Bố gọi reo. Sương mù đã xuống rồi!”
Mẹ tung màn chạy ra đứng nép vào bố, vừa run thật vừa làm bộ: “Sương xuống! Đẹp quá hả bố?”
Bên ngoài, một màn sương mỏng đang bao trùm cảnh vật. Nhà cửa và cây cối mờ nhạt, bị xóa mất những nét phụ chỉ để lộ ra một toàn khối. Bộ mặt thiên nhiên được đổi mới mang vẻ huyền hoặc, như không khí chập chờn bất định trong một giấc mơ.
“Hoa Dừng trổ bông rồi”. Mẹ chợt reo lên. Đúng đấy, hai chú chim chích chòe của bố ạ. Trên cành trơ của cây Dừng xéo góc nhà – đã rủ hết lá vào mùa Thu – những nụ hoa đã xuất hiện. Những nụ xanh nhỏ hơn hòn bi, từng chùm đeo dính vào cành vỏ mốc trắng, nứt nẻ, trông như khô – tựa một bầy con đeo cứng thân thể mẹ – thực ra bên trong các mạch gỗ, luân lưu không ngừng dòng nhựa nguyên, như dòng sữa của mẹ con tuôn vào thân thể con. Trong im lặng và lãng quên, những nụ hoa lớn lên.
Tia nắng trong suốt của bình minh dọi sáng đóa hoa đầu tiên nở ra giữa những nụ xanh – trông như một vì sao độc tôn trên vòm trời – đó là đóa hoa “chị cả”. Trên cành, trông đóa hoa có vẻ lẻ loi, nhưng cô ả thật tự mãn với bộ cánh mới thiên nhiên đã tô điểm, tuy giản dị, nhưng có một vẻ đẹp riêng. Khi có cơn gió nhè nhẹ thổi qua, thân ả lắc lư, run run những tua nhụy hồng đầu mang bao phấn. Đó chính là dịp để ả ỏng ẹo, nửa kiêu hãnh, nửa e thẹn – như điệu bộ của một cô gái mới lớn, lần đầu tiên gặp gỡ một chàng trai làm cô xúc động – điệu bộ mà ả cho là rất duyên dáng. Nhưng chưa được vài hôm, ả lìa cành. Khi ấy thì khắp cây, những đóa hoa em đã rộn ràng khoe sắc. Không ai còn nhớ đến ả với lòng tiếc thương. Trừ bố.
CÂY LẠ
Bố không biết tên cây là gì, dầu rằng nó đã rất thân quen với bố, như một người bạn thiết. Tuy không cùng ngôn ngữ, nhưng nó có một ngôn ngữ riêng trong mỗi mùa và bố có thể hiểu được bằng tâm hồn bố.
Từ trước sân nhà mình – một căn nhỏ trong dãy cư xá – bố có thể trông thấy cây, cách nhà vài trăm thước về hướng Tây, bên cạnh trại “Bài lao”, vươn lên trên nền trời, cao lớn như một người anh cả đầy sức mạnh đối với những cây thấp bé chung quanh trong ý thức về sự che chở của mình đối với những cơn gió lớn.
Mỗi năm, cây thay đổi bốn sắc áo, mỗi màu áo biểu hiện cho một lứa tuổi với một sắc thái riêng. Mùa Xuân cây mặc áo biếc như tuổi thơ, những chiếc lá mơn mỡn, láng mượt lúc nào cũng run lên nhè nhẹ vì sức sống tràn đầy. Mùa hạ cây mặc áo màu xanh thẩm của tuổi trưởng thành, và thảng hoặc mới thấy cây chịu run lên khi có những cơn gió lớn thực sự có sức rủ rê những cành to chĩu lá, phát ra những tiếng xào xạc như tiếng thác đổ xa... Một hôm, trong màu xanh ngan ngát của vòm lá, chợt xuất hiện một chiếc lá thay màu, như một sợi tóc bạc chợt thấy trên một mái tóc đen. Mùa Thu đã đến.
Chẳng bao lâu, những chiếc lá vàng xuất hiện đều, một vài chiếc hối hả muốn sớm trở về đất, tự buông mình lìa cành với chỉ một cơn gió nhẹ.
Và rồi, bằng một lời hẹn hò không cất lên thành tiếng, toàn thể những chiếc lá thay màu. Nếu vẻ mơn mỡn của tuổi thơ có một sức sống vươn lên, tuổi thanh niên xanh ngát biểu hiện một sức mạnh vững chải thì màu vàng cũng có vẽ rực rỡ của ánh lửa sắp tàn. Vẽ rực rỡ đó thường được thấy vào những buổi chiều khi phương Tây vàng ánh với một mặt trời chói chang. Những chiếc lá chói nắng rơi xuống từng đàn như bướm vỡ tổ hay từng chiếc, lướt qua bức màn bóng tối mờ mờ của các lùm bụi, như những ngôi sao băng qua nền trời đêm, mất hút trong lòng đất.
Rồi vào một buổi sáng, hay một chiều tình cờ, khi trông về trại “Bài lao”, bố thấy cây đã hoàn toàn rủ hết lá còn trơ lại những cành khô.
Nhưng “cành khô” chỉ là một lối nói, một sự làm lẫn của thị giác ở ngoại vi. Với sự trơ trọi của những cành màu nâu nhạt trông tưởng chừng cây đã chết. Nó cũng như phần đông người đời, thường chỉ trông thấy cái phần bên ngoài. Nhưng bố đã học hỏi được từ thiên nhiên một bài học lớn: phải biết nhìn thấy cái phần bên trong, cái ẩn tàng, đôi khi có một bề ngoài xấu xí... Nhưng sự lầm lẫn đôi lúc cũng đem lại cho con người sự ngạc nhiên thích thú. Và sự sung sướng có lẽ nhờ đó trở nên lớn lao hơn.
Tự một đinh ninh “cây chết”, đến vẽ sửng sờ trước sự phục sinh của hàng hàng lớp lớp chồi non rộn ràng đâm nẩy quả thực có sự khác biệt ngàn trùng.
Những chồi non dường như cũng đang chổi dậy trong lòng bố. Bố bồng con ra chỉ cho con những chồi non – chính con cũng là một chồi non của cây “Bố – Mẹ” – mà reo lên hân hoan: Chồi Non của bố mẹ có trông thấy cây đang nẩy lộc không? Sung sướng quá, cây đã đâm chồi rồi. Cây đang cháy, với một ngọn lửa nâu nhạt reo vui dịu dàng của những nụ chồi.
Bấy giờ cây như một đứa trẻ mới lọt lòng mẹ còn trần truồng với da thịt hồng hào chưa được quấn tã. Nhưng cây không thích quấn tã bao giờ, da thịt hồng hào đó thích đón gió, nắng để mau trở nên đỏ da thắm thịt.
KINH DƯƠNG VƯƠNG
Một Mùa Xuân - Thế Kỷ 20
© 2006 gio-o