Lương Thư Trung

 

Nhân ngày giỗ Y Uyên, đọc lại truyện ngắn “Bão Khô”

 

Các nhân vật trong truyện ngắn Bão Khô của Y-Uyên dường như không người nào có cái tên riêng, mà là thằng bé bán hành, những đứa học trò,  mấy người phu xích lô, mấy người bạn hàng bán chanh ớt lèo tèo trong cái chợ làng, người lính có hàm râu lỡm chởm đi tìm vợ, bà chủ quán cà phê, chiếc xe đò Vạn Hưng, người lính Mỹ, người đàn bàn vấn khăn tang đi tìm xác chồng, vài người già ngồi trong quán cà phê bên vệ đường, hai ông thầy tu mặc áo dài màu xanh tóc búi dài và những tờ sấm truyền, một nhân vật khác không xuất hiện mà làm nền của cốt truyện đó là vợ người lính . Chính người vợ lính bị người chồng nghi ngờ là theo chuyến xe đò Vạn Hưng đến bãi cát gần trại lính Mỹ để kiếm tiền là nguồn cơn của truyện ngắn Bão Khô...

 

Chỉ chừng ấy các nhân vật không tên tuổi ấy đã được Y-Uyên vẽ nên một bức tranh xã hội ở một vùng quê duyên hải miền Trung, vào những ngày chiến tranh sôi sục . Qua ngòi bút của tác giả người đọc dù chưa trải qua thời kỳ khói lửa ấy cũng nhận ra được nỗi lênh đênh bất định của nhưng mảnh đời đầy bất hạnh.

 

Đứa bé bán hành, ở làng Hòa Mỹ, có lẽ cha nó cũng đã chết trong một trận nổ mìn hay trong một cuộc hành quân nào đó và mẹ nó thì lúc nào cũng lo tai ách giữa đàng mang họa vào thân, giữa cái thời mà mọi việc đều phải đề phòng tai bay vạ gió nên đã căn dặn con mình không được lượm giấy tờ lạ mang về nhà. Đó là tâm trạng chung của mọi người dân dù ở bất cứ vùng nào, thôn quê hay chợ búa thị thành, không kể người lớn biết sợ đã dành mà trẻ nhỏ cũng biết sợ trước những tai ách giữa buổi nhiễu nhương qua lời đối đáp của thằng bé bán hành với đám học trò đi rao truyền tờ sấm ký :

 

“Một đứa con trai gỡ bàn tay nó ra nhét tờ giấy vào, một đứa con gái sẽ sàng đặt tờ giấy trải rộng lên mặt cái mẹt. Thằng bé hốt hoảng vứt mấy tờ giấy xuống mặt dốc:

-Tôi không biết chữ, không đọc được truyền đơn.

Đứa học trò con trai chạy lượm tờ giấy chìa trước mặt thằng bé:

-Mầy không đọc được thì mang về cho cha mầy đọc, lời thần dạy mà mầy.

-Tôi không có cha.

-Mầy nói láo. Bộ gà vịt chúng đẻ ra mầy chắc?

-Tôi cũng có cha mà cha tôi chết rồi.

Thằng bé vừa nói vừa ôm mẹt hành đi. Đứa học trò chạy theo nhét vào túi áo nó. Thằng bé dừng lại nhìn mấy đứa học tròi, có vẻ không hiểu. Bộ mặt cháy nắng của nó ửng lên. Nó móc túi vứt tờ giấy xuống đường:

-Má tui cấm không được lượm giấy lạ về nhà.

Mấy đứa học trò nhao nhao bảo nhau:

-Thằng bán hành phách lối.

Đứa học trò lượm tờ giấy rồi chỉ mặt thằng bán hành.

-Có thiệt mầy không cầm?

Thằng bé bán hành nhìn bọn trẻ, giọng bối rối:

-Má tui cấm không được lượm giấy lạ về nhà.”

 

Giữa thời buổi hỗn man, loạn lạc người ta lợi dụng vào lòng mê tín của dân quê mà có những lời tiên tri giả vừa trấn an vừa hù dọa như lời sấm ký vừa rồi ma đám học trò ép thằng bé bán hành phải cầm lấy :

 

“Ngày hai mươi ba tháng ba năm Bính Ngọ tới đây kể từ lúc trăng lên khỏi đám mây ngũ sắc ngoài mặt biển, trời đất không còn ngày đêm. Bốn phương mờ mịt âm u, ngang trời có khói màu đen bay tới đâu nghe có tiếng than khóc tới đó, núi phía tây tinh tú sa xuống tận mặt đất bốc cháy thành lửa. Cây gai lưỡi long thẩy lớn lên gấp năm gấp sáu mọc chật đường, chật ngõ, bông gai thẩy thẩy nở thành bông lan, người tu hành mới hửi đươc hương thơm. Gà không còn gáy, chó không còn sủa, ngoài đường đầy beo cọp yêu tinh. Kẻ ăn chay làm lành thì biết đóng cửa ở trong nhà, kẻ không tin thần tin quỷ thì chẳng đặng ngồi yên, lòng như có than hồng lửa đỏ, ra đứng trước nhà mà chịu chết thảm. Như kẻ nào mà đọc được lời dạy này biết sao thành ba bổn đưa cho người khác thì cũng đỡ phần tai hoạ”.

 

 Hai thầy tu mặc áo xanh mà tác giả cho xuất hiện cũng có liên can đến lời sấm ký vừa nêu, một hạng người luôn có nhiều nguồn gốc khó ước định đâu là hư đâu là thực : 

 

Người khác lại nói họ là bạn ông thầy pháp 9 vợ ở thôn trên, hồi mở hội bắt thăm người vợ út của ông dường như cũng có mặt hai người nầy. Cũng có thể là hai anh em họ Trần dong thuyền đánh cá ra khơi mất tích cả chục năm ít lâu nay lại nghe nói trở về hốt thuốc cứu độ cho những người dân miền bờ biển. Cũng có thể là người trong bọn chuyên môn đổi đô-la và buôn lậu bò sang bán bên kia đèo cải trang. Nhưng dù sao, mọi người cũng nhìn hai người lạ với sự e dè, kiêng nể. Những lời sấm bọn học trò truyền nhau chép và họ như có một liên lạc vu vơ.”

 

Vào những năm đầu thập niên 60, hiện tượng sấm ký và những lời tiên tri tương tự không phải chỉ riêng nơi cái làng trong truyện mà còn đầy khắp mọi nơi ở miền Nam, nhất là các miền quê lòng mê tín của dân quê còn khá nặng, người ta truyền rao nhiều lời sấm ký tương tự . Ngay ở miền Tây thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long việc các ông Đạo ra đời trị bịnh và giảng đạo cũng không kể xiết. Có nhiều ông Đạo muốn cứu đời nhưng không hiếm người lợi dụng lòng mê tín mà gạt gẫm dân tình . Y Uyên đã nhận ra cái nét đặc thù ấy ở tâm trạng người dân lúc bấy giờ và tác giả không bỏ sót nét mê tín ấy trong dân gian như một nét rất riêng trong nếp sống miền quê. Đó là điều mà chúng tôi ít tìm thấy ở các tác giả khác .

 

Tiếp tục lần mò theo câu chuyện Bão Khô nào là những lời đối đáp giữa người chủ quán cà phê với người lính để râu lởm chởm về nỗi ghen tức trong anh khi nghi ngờ vợ mình không còn chung thủy với mình, và càng đau đớn hơn khi anh nhớ về những ngày nhà quê người đàn bà quê ấy rất cần mẫn chu đáo việc nhà, không bỏ  sót ngày nào gà đẻ, gà ấp chị đều lấy than ghi lên vách như cái nét quê khó ai tẩy xóa nổi, thế mà chiến tranh và chết chóc, nghèo khó và đồng tiền, an bình và xáo trộn đã làm đảo lộn mọi trật tự của một miền đất nước .

 

Người lính để râu lởm chởm nghi vợ mình đi theo xe đò Vạn Hưng đến trại lính Mỹ để kiếm tiền có cái lý của nó, vì có những người đã làm điều đó với đủ lý do để biện hộ, bào chữa trong đó không khỏi lý do khó khăn nghèo túng, nhưng rồi sau đó anh lại bị giằng xé bởi chính cái nỗi nghi oan đó của mình. Người vợ lính đáng thương ấy ngày hôm đó không có trong chuyến xe đò Vạn Hưng và có một người đàn bà khác để tóc dài chết trôi trên dòng sông qua một vụ nổ mìn như một trùng hợp về dáng dấp để người lính để râu lởm chởm phải bàng hoàng hối hận về nỗi nghi oan của mình dối với người vợ vốn là dâu hiền :

 

Hồi mới cưới, vợ anh không bao giờ làm mẹ con anh phiền lòng. Trong nhà không có chuyện gì nó không biết, không lo. Nó thuộc cả từng sợi tóc sâu trên đầu má ảnh, lấy than viết lên tường ghi cả ngày gà khởi ấp. Nhưng lần lần những săn sóc, chăm lo của nó thành những lời thôi thúc âm thầm muốn anh phải như thế này, thế nọ. “Nó luôn luôn muốn hơn thế nữa”. Những ngày anh đồn trú ở ngoài quận địa đầu tỉnh, anh nghe nó thường theo những người đi lấy lúa ở vùng địch. Mấy bữa vừa rồi, về tới nhà anh nghe nó chỉ mượn cớ đó để đi cho thoả tính hoang. Có người nói chắc nó vẫn theo chiếc xe đò Vạn Hưng đi bán giải khát. Nó giấu mặt trong những tấm màn đỏ nhưng ai cũng biết hết. Anh tìm tới đây, giết nó rồi đi ở tù.”

và rồi : Cánh tay cổ tròn vạch trên tường ngày gà khởi ấp vẫn hợp với người đàn bà xuôi ngược gánh lúa, gánh thóc lúc chồng vắng nhà hơn. Những lời đồn đãi về vợ anh, từ trước tới giờ lời cuối cùng anh vẫn thấy gần lòng tin nhất. Vợ anh ngồi sau tấm màn đỏ theo lời đồn và chết lúc gánh gạo theo trí tưởng tượng cũng mơ hồ nhưng có lý như nhau.

-Người đàn bà đó !”

 

 Cảnh tượng thương tâm của người đàn bà vấn khăn tang cầm bọc nilon đi tìm xác chồng bị mìn nổ cũng là một nỗi bất hạnh khác trong chiến tranh. Người chồng xấu số chết không toàn thây để người vợ phải bỏ hết mọi việc đời lăn vào cuộc vật lộn với nỗi mất mát lớn lao ấy mà hóa dại hóa điên nhưng không rời ảnh hình chồng. Dù tuyệt vọng đến cùng tột, dù khổ đau đến mềm người, dù khắc khoải đến bầm gam tím mật nhưng người đàn bà vấn khăn trắng ấy không rời ước muốn là kiếm được những phần thân thể của chồng mình, thật não lòng :

 

Người đàn bà bán quán nhìn trước, mặt thoáng bối rối.

-Chết ở trển, kiếm dưới này làm sao thấy?

Người lính hỏi. Người đàn bà có tang vẫn ngẩn mặt, giọng thì thầm như nói một mình:

-Đây cũng không có biết kiếm đâu giờ.

Người lính “ợ” một tiếng, nhăn mặt:

-Người chết nhiều vậy, thịt xương nát hết, cánh tay cũng ở đống đó chớ đâu.

“Không có, không có”, giọng người đàn bà nho nhỏ như một tiếng cánh chim run.”

 

 Rồi bà lại luôn miệng nói một mình về cánh tay chồng như một dấu vết để nhận dạng về một mất mát với lời nhận xét rất chí lý như một phán xét một thời kỳ mà sau bốn mươi năm Bão Khô ra đời, lời phán ấy vẫn thấy đúng :

 

Người đàn bà hai tay thủ bọc, giọng buồn:

-Tay ảnh có mang cà rá mà. Vàng thau lẫn lộn tuỳ thời, triều đình suy, thịnh tuỳ người nịnh, trung.”

 

Và tác giả cho kết thúc truyện ngắn bằng hình ảnh con chó ngậm khúc xương nó mới bi thiết làm sao ! Khúc xương của ai ? Xương heo hay xương người ? Có phải một phần thân thể của chồng bà vấn khăn trắng không ??? Truyện còn mở ra mãi hoài dù những dòng chữ ở cuối trang sách cũ đã chấm hết từ lâu :

Trên con đường lổn nhổn đá xanh dẫn lên trên đó, người đàn bà có khăn tang đang nhẩy qua nhẩy lại, rượt theo một con chó ngậm trong mồm một khúc xương./.”

 

 

Có lẽ không ai có đủ uy tín bằng người chọn truyện ngắn này in lần đầu trên Văn, tức nhà văn Trần Phong Giao, trong bài viết “Nhớ Y Uyên” đã nhận xét về Bão Khô :

 

“Đầu tháng 5/1966, nhận được truyện Bão khô, tôi vội viết ngay cho Y Uyên: tới rồi, cố giữ lối viết đó, không khí đó, cái souffle đó. Trong thư, tôi kể tên sáu truyện đã chọn và đề nghị đặt nhan tập truyện là Bão khô, nhà Giao Điểm sẽ lo ngay việc xuất bản. Bão khô đăng trong VĂN số 58 rồi, tôi viết gửi Uy, đại ý: từ nay, cậu gửi bài về, tôi không cần đọc lại nữa, cứ thế cho xếp chữ in ngay.”(17-4-1969)(Bán nguyệt san VĂN, số 129 ngày 1-5-1969)

 

Truyện ngắn Bão Khô chào đời lúc bấy giờ Y Uyên mới 23 tuổi, ở cái tuổi còn quá trẻ so với nhiều nhà văn đồng thời nhưng ông đã có cái nhìn bức tranh xã hội thời chiến tranh tại một làng quê rất chân xác và tinh tế tựa như một bức hình chụp lại, rất rõ và rất đủ . Gần bốn mươi năm sau, ngồi đọc lại tôi vẫn thấy Bão Khô đã làm cho tôi vừa phục tài viết văn của Y Uyên, vừa cảm động, vừa ghê sợ chiến tranh qua bút pháp độc đáo của một bậc tài hoa vắn số !!!

 

Lương Thư Trung

 

Ngày 06-01-2005

 

Đọc thêm về Y Uyên:

Tạp Chí Thư Quán Bản Thảo

Tiểu Sử Y Uyên trên trang nhà Luân Hoán