Lương Thư Trung

“Lục Bát Hoàng Xuân Sơn”(1),

   một chỗ cho bè bạn và cho mình.

Lục Bát Hoàng Xuân Sơn” là thi phẩm thứ ba của nhà thơ gốc cố đô Huế  sau Viễn PhốHuế Buồn Chi , với 143 trang sách gồm 93 bài thơ lục bát . Điều muốn ghi nhận ở đây, dù là lục bát nhưng theo cái cách ngắt nhịp, cắt câu, xuống dòng hoàn toàn rất riêng theo nhịp điệu cảm hứng riêng của tác giả, không theo bất cứ cách tân nào của trào lưu thơ ca mới bây giờ. Lối xuống dòng, ngắt nhịp như vậy được tác giả Cao Vị  Khanh ngay trong lời bạt của thi phẩm này, ở phần cuối sách, gọi đó là “hơi thở rướn của lục bát”. 

Thơ là hồn. Văn là chất. Thơ văn nó chứa cái hồn cái chất của các bậc tao nhân mặc khách . Hoàng Xuân Sơn không ra khỏi cái khuôn mẫu cảm thức ấy. Cái hồn của Hoàng Xuân Sơn là gì nếu không muốn nói là muốn rong chơi, tìm kiếm cố nhân, tri kỷ , bằng hữu . Ông cứ để những suy tư cảm hứng của mình trôi theo con sông đời  xuôi chảy đến khắp miền. Nay thì qua Cali, lúc lại về Huế, Boston, Montréal, Atlanta, Sài Gòn, Cần Thơ và nhiều bến bờ chốn cũ khác...Còn cái chất ở ông là những nòi tình rất chân thật , một thứ chân thật được sưởi ấm bằng trái tim nghệ sĩ và từ tâm cảm đó nó đã thăng hoa lên thành những câu thơ chở đầy thân ái . Người đọc bắt gặp trong những vần lục bát xuống hàng bất kỳ chỗ nào ấy như những gặp gỡ cố nhân bất chợt chốn nào. Không ưu ái một ai và cũng không lạt lẽo cùng ai . Mỗi mỗi bằng hữu là chút đời thêm tươi màu, chút hươngthêm ấm lòng, chút thơ rất thơ nơi tác giả. Nhiều lúc người đọc nhận ra một điều là nếu không có tình bạn, nếu không có các tác phẩm văn chương của bạn đối với Hoàng Xuân Sơn, có lẽ không còn gì hứng thú để viết thêm những bài thơ chở đầy tim óc...

Dẫn về điều này, nhiều lắm. “Lục Bát Hoàng Xuân Sơn” cái chỗ của bè bạn chiếm gần hết những trang thơ trên giấy quí . Ta thấy nào là “Đọc Thảo An, Mùa Chớm Trăng”, “Collage Cao Vị Khanh”, Đọc Hoàng Lộc, Ra Tù”, “Đọc Hồ Trường An, Thiên đường tìm lại”, “Đinh Cường, Những Trái Xu”, “Vân Hà, Hồ Minh Dũng”, “Chạm ngõ trăng ở một lúc nào đó, Đức Phổ”, “Trên mây, tặng một người đi”( ý gởi Nguyễn Xuân Hoàng, tác giả Người Đi Trên Mây), “Tôi yêu tôi”(gởi Võ Đình, sau khi đọc), “Qua Sông”(tặng một cổ áo treillis, đọc Qua Sông Mùa Mận Chín của Trần Hoài Thư) , “Dặm Trường” (gởi Trần Doãn Nho) và còn nhiều lắm....

Với “Thảo-An, mùa chớm trăng” chẳng hạn, Hoàng Xuân Sơn viết :
Phóng bút
vào nơi thâm sâu
vầng trăng bỗng nở nên mầu
mực tươi
còn khăng khăng
dạ yêu đời
chuỗi thanh tân với gọi mời
sương
hoa
ô kìa!
liền lạc xương da
hồng ân vẽ một quê nhà nắng mưa
điểm tranh lên nụ cười
vừa
dấu khắc bỗng cạn
huyền xưa
nỗi niềm
bây giờ khép nụ thuyền quyên
ngàn năm
sóng vỗ
hương nguyền
mới như .
(LBHXS, trang 34)

Đọc qua những vần lục bát của Hoàng Xuân Sơn viết về “mùa chớm trăng” của Nguyễn Thị Thảo-An, chúng ta sẽ khó nhận ra ý thơ nếu chưa đọc tuyển tập truyện ngắn đầu tay “Bức Phù Điêu Khắc Cạn”(2). Bởi những câu thơ dưới đây :
ô kìa!
liền lạc xương da
hồng ân vẽ một quê nhà nắng mưa
điểm tranh lên nụ cười
vừa
dấu khắc bỗng cạn
 huyền xưa
 nỗi niềm...
bây giờ khép nụ thuyền quyên
ngàn năm
sóng vỗ
hương nguyền
mới như
.

nó chứa đựng tất cả nội dung cùng nỗi niềm của Nguyễn Thị Thảo-An, trong truyện ngắn tiêu biểu nhất của tác giả .

Hoặc như khi tác giả viết về “Qua sông mùa mận chín” với những câu thơ như :
Theo mùa mận chín qua sông
miếng thơ miếng đạn
miếng tròng trành
hoa
nhớ em ngọn nước la đà
nhớ chiều phố thị
mưa sa ngợp hồn
qua sông
hình đứng giữa cồn
dáng neo bãi quạnh
thân mòn hóc hang
giày bùn áo trận mênh mang
qua sông vội ánh sao tàn bến mơ
cõi riêng mùa hạn chắc giờ ?
trái chua mận cắn
chia bờ
xót ____________________ xa.

(LBHXS, trang 89)

Để cảm những ý lời trong các câu thơ vừa trích, người đọc có lẽ sẽ phải chịu khó ngồi bên tách trà bốc khói hồi tưởng về một khoảng thời gian lúc còn chiến chinh, người thương binh còn mang trong người vết đạn đang quyện chặt trong máu thịt mình mà thân phận của một người lính trẻ vẫn chưa có một bến bờ nào ghé lại , thì thôi đành “nhớ em ngọn nước la đà, nhớ chiều phố thị mưa sa ngợp hồn....” để an ủi chút lòng. Và chúng ta sẽ hiểu rõ ý hơn khi Hoàng Xuân Sơn viết :”Cõi riêng mùa hạn chắc giờ ? trái chua mận cắn chia bờ xót xa .” nếu chúng ta đọc được bài thơ “Qua sông mùa mận chín” của Trần Hoài Thư, thì những cảm nhận của mình sẽ dễ đồng cảm với người thơ hơn :
Qua sông mùa mận chín
Tháng nắng ngại đường xa
Em ra vườn sau nhà
Hái mời anh chùm mận
Bông mận rơi lấm tấm
Vỏ mận hồng như môi
Ơi em, mắt có đuôi
Má đồng tiền ửng đỏ
Gặp em, người em nhỏ
Nên quên cả đường về
Trái mận nào dậy thì
Anh giữ hoài không cắn.
(Trong thi tập “Qua sông mùa mận chín” của THT, trang 13)(3)

 Hoặc bài “Dặm Trường”(4) (gởi Trần Doãn Nho), Hoàng Xuân Sơn
viết :
thân chín ủ ê
qua sông mới thấy
mệt mề
truân chuyên
Trầm Hương
từ độ bưng biền
đã tơi cánh áo
vạn miền khất du
con mắt đất
kẽ ngục tù
bàn tay sẻ nhón thiên thu
về trời
bây giờ hồn
đậm trăng khơi
nửa mùa thuyên
cuộc hời
nhân gian.

Bài thơ đi một mạch suốt từ đầu đến cuối như vậy dù cách ngắt câu có chủ đích nhưng nó gói gọn gần 600 trang sách viết về những mảnh đời đầy lao đao lận đận trong truyện dài Dặm Trường của Trần Doãn Nho, quả là một tài tình trong nghệ thuật và một khám phá trong cảm tác mà trong văn giới ngày nay tìm ra một lối đi riêng cho mình như vậy thật khó có ai khác ngoài Hoàng Xuân Sơn .

 Cái nét riêng ở Hoàng Xuân Sơn ở đây là khi cảm về một tác phẩm, nhiều bạn đọc thường bày tỏ bằng một bài viết nhưng với Hoàng Xuân Sơn là diễn cảm bằng thơ mà lại là thơ “lục bát”. Thơ lục bát như ai cũng nhận ra nó rặt Việt Nam và Hoàng Xuân Sơn muốn mang đến cho bạn, cho người đọc một cái hồn Việt Nam. Nói thế không có nghĩa thơ của Hoàng Xuân Sơn rất dễ dùng chữ và gieo vần . Hay nói một cách khác thơ ông đã đạt đến cái thang bậc rất văn chương mà gần, rất cao xa mà thân ái , rất chí tình mà không thiên vị . Dường như ở đâu người đọc cũng bắt gặp cái bí hiểm của chữ dùng, cái lắt léo của nhịp điệu, cái sâu thẳm của ý lời và cái tình giữa người với người luôn ẩn tàng dưới từng chữ rất “lục bát”của ông.

Thêm vào đó, tưởng cũng cần nhắc ở đây về một cái nhìn rất tinh tế của Hoàng Xuân Sơn về cuộc đời, một cái nhìn rất trầm tĩnh, đượm sắc màu đạo Phật về sự biến hóa đầy hư ảo của cõi nhân sinh :
Đêm qua
lòng nặng u hoài
sáng ra sông núi
chảy ngoài dặm khơi
buồn chơi vơi
hồn chơi vơi
sầu ai lên vút ngọn trời xanh xưa
tuổi tên
không nhớ nữa
từ
hoang đàng mất dấu
niềm cư ngụ này
chim chiều
muông cọng rác bay
hồn tan tác vỡ
cánh gầy
thu
đông
môi yên
chừ
sợi nắng hồng
về hoa trăm nụ
tàn không
cuối đời.

(Ý thường, LBHXS, trang 127)

Qua các vần thơ vừa trích, thi sĩ của chúng ta “tuổi tên không nhớ nữa” nhưng thật lòng là muốn tự vấn mình “ta là ai?”, làm chúng tôi nhớ đến Ramara Maharishi (1879-1950), còn được dịch là Đại Thấu Thị (5), một vị đã nhìn thấu suốt vạn sự , một trong những bậc đại giác ngộ Ấn Độ đứng vào bậc nhất trong thế kỷ này . Phương pháp giảng dạy của Sư không đi vòng quanh, rườm rà mà chỉ thẳng vào tự tính thanh tịnh và hướng dẫn người tìm học bằng cách tự vấn rằng “Ta là ai ?”

Trong thơ văn Phật Giáo Việt Nam hiện đại, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sau một thời gian ngồi thiền khá lâu, Ngài có làm một bài thơ, trong đó có ba nhân vật, gồm một người con gái 20 tuổi, một tên cướp biển và tôi . Bài thơ có tên là “Please Call Me By True Names”(6) cũng cùng cái ý trở về cái chất thật của mình.

Dù “tuổi tên không nhớ nữa” hay “ta là ai?” hoặc “Please Call Me By True Names” đều có chung niềm khao khát là ta muốn trở về với cái căn nguyên rất gần, rất thật của mình, một ước vọng hơn mọi ước vọng. Nhiều lúc những cơn dông gió, những rong ruổi của dòng đời , những đam mê đắm đuối trong biển trần mà không sực nhớ tự hỏi lại mình có khi là một mất mát, một thiệt thòi vô cùng . Hỏi để biết dừng lại và hỏi để biết đâu là bến bờ của tĩnh thức ...

Trong thơ Hoàng Xuân Sơn bàng bạc nỗi lênh đênh dâu biển của cuộc đời nhiều lắm , nhưng ông không dừng lại ở những điều tưởng chừng tuyệt vọng ấy, tuyệt vọng trước số mệnh trời dành, tuyệt vọng giữa người với người trong cõi người , mà ông luôn luôn vượt lên, hướng về và tự tin là mình có thể mang lại hạnh phúc cho chính mình chứ không ai khác ngoài mình :
sá gì
một gợn bể dâu
đã se cùng tát
lượng sầunhân gian.
(Bài thơ dịu dàng, LBHXS, trang 96)

Ở một chỗ khác , người nghệ sĩ đa cảm ấy vẫn để lộ cách nhìn những điều bất như ý bằng một hơi thở sâu và quyết vượt lên mọi ghềnh dốc của cuộc đời với nguyên tâm thức lấy thơ làm niềm vui bất tận, khó có ai lay chuyển nổi một hồn thơ :
... chao ơi
            lâu quá
                   diện tiền
e ba vạn quyển
nghìn thiên
một tờ
đầu đời ở vậy rất thơ
xế đời ở vậy
rất bờ bến
trông .
(Rừng Tre, LBHXS, trang 88)
Hoặc niềm tin tuyệt đối vào một kiếp khác ấy cũng là cái lẽ cuộc đời đáng
sống :
sáng nay ngắm
một nụ hương
mới hay si dại
là hương của trời
chiếc răng khểnh
chiếc răng cời
là duyên bất định
để đời cho nhau
ồ ! ngất ngất
lượng bể dâu
trói thêm
trói chặt vào mầu
tái sinh.
(Bất đồ, sống dậy”, LBHXS, trang 100)
“Bất đồ” có nghĩa là ngẫu nhiên, tình cờ . Cho dù sự “tái sinh”có là “ngẫu nhiên” hay “tình cờ”đi chăng nữa , đó cũng là niềm tin ở một kiếp khác của đời này, tức là niềm hy vọng mới với lòng thủy chung “trói thêm, trói chặt” vào nhau bất dịch ...

Tựu trung, Lục Bát Hoàng Xuân Sơn là một chỗ cho bè bạn và cho mình, một chỗ cho đời này và cho đời khác vậy . Đẹp thay !

Boston, ngày lễ Tạ Ơn
25-11-2004

(1) Thi phẩm “Lục Bát Hoàng Xuân Sơn” ,Thư Ấn Quán in và Thư Quán  Bản Thảo phát hành, 2004, New Jersey, Hoa Kỳ.
(2) Tuyển tập truyện ngắn “Bức Phù Điêu Khắc Cạn” của Nguyễn Thị Thảo An, Văn Mới xuất bản, Cali,  2001, Hoa Kỳ .
(3) Thi tập “Qua Sông Mùa Mận Chín của Trần Hoài Thư”, Thư Quán ấn hành, 2000, Hoa Kỳ.
(4) Truyện dài “Dặm Trường” của Trần Doãn Nho, Văn Mới xuất bản, Cali, năm 2001, Hoa Kỳ.
(5) Theo Tự Điển Phật Học của Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 1999.
Hỏi : “Thưa Ngài, con là ai ? Làm sao con đạt giải thoát ?”
Maharishi  : “Bằng cách tự nghiên cứu liên tục “Ta là ai ?”, ông sẽ tự nhận ra chính mình và đạt giải thoát .”
Hỏi : “Con là ai ?”
Maharishi : “Cái Chân ngã hay Tự tính không phải là thân này, cũng chẳng phải năm giác quan thông thường hoặc cơ quan hoạt động. Thần thức hoặc chân khí không phải là nó , cũng như ngủ say không mộng, khi người ta không còn nhận thức được gì .”
Hỏi : “Nếu con không phải là tất cả những gì nêu trên, vậy con là gì ?”
Maharashi :”Nếu ông đã loại bỏ được tất cả chúng nó và có thể tự bảo rằng :”Chúng không phải là ta”, thì cái duy nhất còn sót lại là Chân ngã và đó là Thức .”
Hỏi : “Đặc tính của Thức này là gì ?”
Maharashi : “Nó là Sat-Cit-Ananda”(nghĩa là chân lý nhận thức tuyết đối A-nan-đà); trong đó , khái niệm tự ngã biệt tích , không còn một dấu vết . Nó được gọi là “Tịch tịnh” hoặc “Đại ngã” hay “Tự tính”. Nó là cái duy nhất có thật . Nếu bộ ba “Thế giới – Ngã – Thượng đế” còn được xem là ba thành phần cá biệt thì đó vẫn chỉ là Ảo ảnh .”
Hỏi : “Thưa Ngài, con là ai ? Làm sao con đạt giải thoát ?”
Maharishi  : “Bằng cách tự nghiên cứu liên tục “Ta là ai ?”, ông sẽ tự nhận ra chính mình và đạt giải thoát .”
Hỏi : “Con là ai ?”
Maharishi : “Cái Chân ngã hay Tự tính không phải là thân này, cũng chẳng phải năm giác quan thông thường hoặc cơ quan hoạt động. Thần thức hoặc chân khí không phải là nó , cũng như ngủ say không mộng, khi người ta không còn nhận thức được gì .”
Hỏi : “Nếu con không phải là tất cả những gì nêu trên, vậy con là gì ?”
Maharashi :”Nếu ông đã loại bỏ được tất cả chúng nó và có thể tự bảo rằng :”Chúng không phải là ta”, thì cái duy nhất còn sót lại là Chân ngã và đó là Thức .”
Hỏi : “Đặc tính của Thức này là gì ?”
Maharashi : “Nó là Sat-Cit-Ananda”(nghĩa là chân lý nhận thức tuyết đối A-nan-đà); trong đó , khái niệm tự ngã biệt tích , không còn một dấu vết . Nó được gọi là “Tịch tịnh” hoặc “Đại ngã” hay “Tự tính”. Nó là cái duy nhất có thật . Nếu bộ ba “Thế giới – Ngã – Thượng đế” còn được xem là ba thành phần cá biệt thì đó vẫn chỉ là Ảo ảnh .”
(6) Theo quyển Being Peace của Thich Nhất Hạnh, trang 65,  nhà xuất bản Parallax Press, Berkeley, California, 1987(Hoa Kỳ).