Nguyễn Tà Cúc

GIẶC NGỒI  SAU LƯNG NHÀ VUA ĐÓ *

đọc RIVER HƯƠNG

của DƯƠNG NHƯ NGUYỆN

(phê bình 2 kỳ)

 

Kỳ 1

 

 

Cách đây vài hôm, nơi tôi ở trời đổ mưa. Một cơn mưa sầm sập cuối tháng chín, có bong bóng nước, có giông, có những cơn sấm sét làm rung chuyển đất trời. Mưa từ đêm trước kéo tới đêm sau, lênh láng trên những con đường loáng nước. Nếu người ta đi bộ thì dù có ô cũng không tránh được ướt vì gió tung giọt mưa vào tứ phía và trong màn nước có khi hung hãn và bất ngờ ấy, tôi bất chợt gặp lại Sài gòn.

 

Tôi sinh ra ở Miền Bắc nhưng tôi vào Nam trước khi đủ lớn để biết thế nào là “mưa phùn gió bấc”. Tôi chỉ biết những cơn mưa ở Sài gòn, ở Cần Thơ, ở Vĩnh Long, ở Quảng Trị, ở Huế...Ở Sài gòn, mưa là một hạnh phúc. Nhất là khi người ta đội mưa đi tới một quán cà-phê với nhiều người bạn. Hay có khi chỉ với một người bạn. Người bạn ấy có thể đang nghỉ phép ngắn hạn, trở về từ một nơi đóng quân xa xôi nào đó, một nơi “dựa lưng nỗi chết” như Phan Nhật Nam viết. Dù không nói ra nhưng chắc chắn hai người sẽ liên tưởng đến những cơn mưa ngậm đêm tối, khiến những đôi bốt-đờ-sô bước khó hơn trong bùn nhão quánh và mưa nhỏ đều giọt trên mũ sắt. Rồi nghĩ tới sự sống và sự chết, những cái chết như những bao cát chất thêm ngoài bờ phòng thủ để những đêm mưa như thế này, có những người khác được hưởng cái hạnh phúc rất tầm thường là nhìn thấy nhau trong một quán cà-fê, hay trong một phòng trà nghe Thái Thanh hát Phạm Duy hay Khánh Ly hát Trịnh Công Sơn.

 

Mưa ở Sài gòn ít khi kèm cái rét. Mà có khi rất mau mưa mau tạnh (chưa kịp giông dìa nhà lấy cây dù đã hết mưa rồi). Xa Sài gòn, mưa Huế là một cơn nước đổ bất tận và “rét gớm” nếu vào mùa đông. Cho nên con gái Huế hầu như cô nào cũng giỏi nghề đan (để đan áo ấm) và món quà được hoan nghênh từ Sài gòn vẫn là những cuộn len ngoại quốc nhập cảng vào Sài gòn.

Cũng như những cuộn len này, mẹ tôi mang những cơn mưa Hà Nội nhập cảng vào trí nhớ tôi ở Sài gòn bằng những chiếc áo nhung tím, nhung đỏ sậm hay bằng tơ với những chiếc cúc bằng ngọc trai hay ngọc đỏ. Ở Sài gòn khó có dịp mặc áo nhung vì thời tiết bức bối. Trong cuốn phim Mê Thảo-Một thời vang bóng (phỏng theo truyện Chùa Đàn của Nguyễn Tuân), tôi thấy một Hà Nội của mẹ tôi qua cảnh cô Tơ hát ca Trù, tôi thấy một người đàn ông lịch sự cuồng nhiệt qua vai Nguyễn, chủ Ấp và tôi cũng thấy một vùng quê Miền Bắc với những đôi gót chân dân quê nứt nẻ với những làng nuôi tằm, những kiến trúc cũ kỹ của đúng một thời vang bóng và một cô gái quê hết sức nghèo, hết sức ngây thơ chân thật nhưng tình yêu cũng cuồng nhiệt không kém ông Chủ Ấp sành sỏi giầu có hay người nghệ sĩ Tam gẩy cây đàn oan trái cho cô Tơ hát cái bài cuối giết người kia.

 

Nhưng Hà nội, Huế, Sài gòn của tôi ra sao bây giờ? Ba mươi năm nay, nỗi buồn xa xứ của tôi chưa lúc nào trĩu nặng như bây giờ vì tôi có dịp đọc rất nhiều bài viết báo động về thảm họa bỏ mặc hay phá hủy di tích lịch sử để thay vào là những đền đài kỷ niệm Hồ Chí Minh, kỷ niệm ngày Sài gòn đổi tên của một xác chết và địa đạo Củ Chi được bảo trì cẩn thận để lấy tiền du khách hiếu kỳ trong khi đó nhà hát cải lương ở đây bị bỏ mặc cho những cơn mưa xói mòn. Tôi vẫn nuôi một hy vọng thầm kín là có thế nào chăng nữa, chúng ta cũng còn một cộng đồng ngoài nước để có những hoạt động cả về văn chương lẫn xã hội hướng về đất nước để cứu vãn và viết ra sự thực của một quê hương có ca Trù, có ca Huế và có ca Cải lương.

 

 

Thế nên lòng tôi lại trĩu nặng hơn khi thỉnh thoảng cứ phải nghe nói hay đọc những cuốn sách sai sót về người Việt, đất Việt nhất là người Việt  Miền Nam mà hỡi ôi lại do những  tác giả gốc Việt lớn lên ở ngoại quốc viết. Cách đây mấy năm, khi Lan Cao (xuất thân Luật sư, dậy tại một Đại học Luật) cho xuất bản cuốn The Monkey Bridge (Cầu Khỉ), người ta đã phải kinh hồn táng đởm về những điều viết quá sai về văn hóa về phong tục Việt, sai đến nỗi ông Độc Thư (trên tờ Người Dân) phải kêu lên là người Việt mà viết sai về chính dân tộc Việt là một kẻ phản bội (quê hương). Ông Độc Thư nêu ra một điểm hết sức quan trọng: vì tác giả là những người dù gì cũng có học, được giáo dục tại đây nên người ngoại quốc sẽ dễ tin họ và không thể nào ngờ được họ đã không chịu nghiên cứu cẩn thận trước khi viết. Bây giờ lại tới Dương Như Nguyện, một Luật sư khác, cũng lớn lên và được giáo dục tại Hoa Kỳ, cũng xưng là giáo sư tại một Đại Học Luật, viết cuốn Daughters of  The River Huong, cũng tệ không kém. Tệ hơn nữa là qua mấy bài phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng- phổ biến trên Tạp chí Văn, trên tờ Việt Mercury News, trên diễn đàn Talawas; của nhà xuất bản cuốn sách này và trên phụ bản Người Việt 2, Dương Như Nguyện còn tuyên bố nhiều câu có câu xúc phạm sỗ sàng tới cả một dân tộc bên cạnh cái sự đương nhiên là phô ra sự quá kém hiểu biết lẫn sự rất thiếu kiến thức về một nền văn hóa mà đau đớn thay, tác giả này lại đòi “nắm bắt” như tên tựa “Tôi muốn nắm bắt nét đẹp của nền văn hóa quê hương tôi” qua bài phỏng vấn của Nguyễn Xuân Hoàng.

 

Tôi muốn nói rõ đây không phải là phần điểm sách. Tất cả những tác phẩm của DNN cho đến bây giờ chưa có một chút gì đáng để mà điểm, kể cả cuốn này. Riêng cuốn này thì chỉ là một thứ tiểu thuyết diễm tình hương xa rất tốt cho những người ngoại quốc muốn đọc về một quốc gia mà họ đã thấy đầy dẫy trong các phim của Oliver Stones, của cái loại hồi ký như của Lệ Lý Hayslip. Tất cả những gì gọi là “cliché” về Miền Nam đều lần lượt xuất hiện đầy đủ trong cuốn này, từ việc HK đổ quân sang MN khiến gia đình một cặp vợ chồng trung lưu không thể mướn người làm, phải để cô con gái mười bốn tuổi trông hai em và nấu nướng khiến suýt gây ra tai nạn (người đọc không thể không tự hỏi rằng có bà mẹ VN nào, lại là giáo sư trung học, mà đoảng đến nỗi không lo liệu cho con cái để phải xẩy ra cái tình cảnh như vừa kể?!), các cô gái điếm và những người làm cho Mỹ được sống sung sương, thậm chí “mập mạp” (nguyên văn) hơn. Riêng nhân vật chính hiến thân cho một người Mỹ vào những ngày cuối của 30 tháng 4 để đổi lấy những vé tàu cho gia đình ra khỏi Sài gòn vv và vv...Đương nhiên nhân vật chính này phải giỏi đủ mùi từ ca hát, đánh đàn piano  cho đến viết văn, làm thơ bằng cả tiếng Pháp, tranh màu nước lại đẹp nữa (đương nhiên!) Trong khi ấy, cả gia đình cô này thì chỉ có một ông bố vô tích sự không kiếm đủ tiền để mướn người làm và để có thễ cho tất cả các con học trường Pháp (!!!), một bà mẹ đoảng vị như đã nói trên và một cô em phải -học- trường -Việt và ăn bánh dính đầy ra mép khi có khách! Cuộc đời nhân vật chính này -(cũng là luật sư tốt nghiệp từ một Đại học lớn, ăn mặc sang trọng và đọc thơ ...Baudelaire vanh vách!) lúc 15 tuổi thì nhờ một cậu người Pháp để sang Pháp thoát cảnh ngặt nghèo ở Sài Gòn sau khi di cư từ Huế vào và năm 75 lại nhờ một cậu người Hoa Kỳ khác để ra khỏi Việt Nam-. Nghĩa là không có gì lạ cả với cái hình tượng của một đất nước VN nghèo đói luôn phải nhờ đến một anh ngoại quốc  để dựa vào. Hết anh tàu lại đến anh Pháp rồi anh Nga, và anh Mỹ.  Nhưng thế thì cũng chẳng có gì đáng nói đến cho mất thì giờ độc giả, người viết và tốn giấy của ông chủ nhiệm.

 

Nhưng người viết muốn đưa ra vấn đề ở hải ngoại này, như đã nói ở trên, là đã đến lúc những  kiểu tuyên ngôn tuyên bố đao to búa lớn rỗng tuếch mà lại còn  xúc phạm tới một tập thể chính vì sự thiếu văn hóa của một tác giả thì không nên được cổ võ nữa. Vì nó lộ ra cái tính thần vô ý thức và kém hiểu biết của chính chúng ta. Hơn thế nữa, chính chúng ta sẽ phải nhận trách nhiệm nói ra lời cảnh cáo để các thế hệ đi sau hiểu rằng chẳng thà đừng nói đến VN, nhưng muốn nói đến VN thì hãy ít nhất có một thái độ nghiêm chỉnh để người Việt trẻ khác và người ngoại quốc không nhầm lẫn hay tiếp tục nhầm lẫn về chúng ta. Trong giới hạn bài này, tôi sẽ chỉ nói đến hai điểm chính mà tôi cho là “xúc phạm sỗ sàng” đến văn hóa Việt và người Việt trong cuốn Daughters of  The River Huong vì nếu phải viết ra những cái sai khác thì chắc là cần một cuốn sách khác dầy không kém.

 

1.     Sông Hương và chuyện Ngủ Đò

 

Trong bài  Trò Chuyện với tác giả “Daughters of The River Huong”, Văn số 103&104, tháng 7&8, 2005, trang 7, “Tôi muốn nắm bắt vẻ đẹp của nền văn hóa quê hương tôi”, Talawas, 20.9.05 và Viet Mercury News, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng viết:

 

-        [...]Theo tác giả, đã đến lúc người nghệ sĩ sáng tạo phải viết lại hình ảnh sông Hương ngay trong lòng dân tộc, chứ đừng nói chi đến ngoài dân tộc. “Từ một lúc nào đó, sông Hương bị mang theo hình ảnh các cô gái ‘ngủ đò’, nói về việc bán thân nuôi miệng của người phụ nữ. Đây là lý do khiến cô rất thận trọng trong việc chọn tên cho bản dịch ‘Con Gái Của Sông Hương’ để nói lên ý nghĩa liên hệ máu huyết nguồn cội [...] Từ trước đến nay, người Việt mình cứ điềm nhiên mà chấp nhận những gì đã xẩy ra, bình thường hóa ngay cả sự ẩu tả hoặc tiêu cực trong vấn đề ngôn từ và biểu tượng có liên quan đến dân tộc tính [...] Và cô kêu gọi : Xin nam giới và phụ nữ chấm dứt vấn đề coi sông Hương là chốn “ngủ đò” theo ý nghĩa tiêu cực này. Rồi truyền tụng lẫn nhau một cách vô ý thức, trong một thời điểm mà du khách ngoại quốc đã và đang đổ xô vào Việt Nam [..] Đây chỉ là một thí dụ nhỏ để nói lên chiều hướng khai phóng vv...

 

Thực là không thể tưởng tượng nổi! Có người Việt nào -nam giới và phụ nữ coi sông Hương là chốn “ngủ đò” theo ý nghĩa tiêu cực này bao giờ?! Tôi đã có dịp ngồi  trên một con đò ở  sông Hương và gần sáng thì vào khoang ngủ cùng với một hai chị bạn vào năm 1973 (bạn Đinh Quang Anh Thái hẳn còn nhớ lần Phái Đoàn Sinh viên Quốc Nội-Hải Ngoại ghé Huế và rất nhiều chúng tôi trong đoàn đã chọn ngủ đò chứ không vào khách sạn Hương Giang). Tôi sẽ không bao giờ quên một đêm mà tôi vẫn giữ như một trong nhiều kỷ niệm đẹp nhất. Người chèo thuyền là một em bé gái gày gò, mặc một chiếc áo cánh mong manh. Tưởng là rất dễ đẩy thuyền đi nhưng tôi rất ngạc nhiên khi không cách nào cất nổi mái  chèo và cô bé đã chỉ cho tôi cách cầm chèo để đẩy tới. Đêm khuya có những con thuyền nhỏ, trôi nhẹ bổng như không, cánh chèo như lướt trên mặt nước, bán chè, cháo, hột vịt lộn. Và những tiếng hò Huế lơi  mênh mông, vắt ngang cầu Bạch Hổ xa xa, đắm trong không khí lành lạnh đẫm chút sương khi về gần sáng. Anh Trang Luân, một người bạn “nam giới” nói với tôi anh ấy và mấy người bạn khi đóng quân ở Huế vẫn cùng mấy người bạn thuê thuyền ở sông Hương. Cô chủ thuyền sẽ đem họ ra một chiếc thuyền lớn hơn cắm ở giữa sông và trở vào bến với một chiếc thuyền con. Sáng ra, cô ấy sẽ trở lại. Họ nằm cả đêm trên đó nói chuyện hay chỉ thưởng thức cái đẹp của những đêm trăng và tiếng hò Huế của những cô lái đò. Để cho chắc chắn hơn, tôi viết thư về Việt Nam hỏi một nhà văn khác ở Miền Trung. Anh có vẻ rất ngạc nhiên và trả lời rằng chính anh đã đến Huế, đã ngủ trên đò Huế với nhiều bạn văn, bạn làm ăn buôn bán gạo, có nghe các nghệ nhân hò mái nhì mái đẩy, nam ai nam bình, nghe ca Huế tới 2, 3 giờ sáng (giá là 1, 2 triệu từ 8 giờ tối đến 3 giờ sáng) để thưởng thức âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian Huế. Anh còn viết rõ thêm rằng ngay cả người nước ngoài đến Huế, xuống ngủ đò không vì quan tâm đến cái thú- thứ -ba mà duy nhất là để nghe ca Huế vì đó là một nhu cầu văn hóa, tìm hiểu nét đẹp của một vùng, một xứ sở. Nhà thơ Viên Linh khi làm Thư ký Tòa soạn nhật báo Dân Ta của nhà thơ Nguyễn Vĩ, năm 1964 đã được nhóm sinh viên tranh đấu mời ra Huế và đêm khuya đã nằm đò với Lê Hữu Bôi, Vĩnh Kha, Tôn Thất Tuệ để bàn chuyện hậu trường chính trị cho được an toàn. Thế thì DNN “khai phóng” ở đâu để “sáng tạo” ra những lời công kích và “khuyên bảo” nam giới và phụ nữ  một cách một cách vô ý thức và ẩu tả (mượn chữ của đương sự) như thế? Ấy là tại vì:

 

2.     Sự thiếu hiểu biết về chính Lịch sử của dân tộc và thái độ vọng ngoại xuất phát từ mặc cảm tự ty của một tinh thần nô lệ.

 

Dương Như Nguyện nhiều lần đề cập đến cái nghề Luật sư của mình và tự hào là một LS gốc Việt  đầu tiên đã có những thành tích thế này thế kia, thậm chí còn ghi đầy ra trong tiểu sử (bìa sau cuốn Chín chữ của Nàng) là tốt nghiệp summa cum laude và cum laude vv và vv nên người đọc có quyền đòi hỏi rằng một người đã tốt nghiệp một văn bằng như thế thì phải được huấn luyện và được đào tạo -nhất là về ngành Luật- để viết cho chính xác. Người viết có cảm tưởng DNN không những đã không có kiến thức mà cũng không có lương tâm nghề nghiệp (của một người cầm bút) để nghiên cứu và xem xét cho chính xác trước khi  bắt tay vào viết một cuốn truyện dựa trên một số chi tiết lịch sử này. Hai cái lỗi lớn nhất về lịch sử VN nằm ở trang 72- 73 . DNN viết rằng phụ nữ VN khi lấy chồng phải lấy họ nhà chồng, trái với phụ nữ Chăm vẫn giữ được họ riêng ( 1) Phụ nữ Việt Nam không bao giờ phải lấy họ chồng cả. Họ chỉ lấy tên chồng mà thôi và người Việt gọi nhau bằng tên chứ không bằng họ. Đó là điều tự hào của chúng ta, một dân tộc mà trước khi Nhà Nguyễn rập khuôn luật Trung Hoa, đã có một bộ Luật (Hồng đức) được coi như tiến bộ nhất thế giới. Bộ Luật này đã được các LS Nguyễn Ngọc Huy, Tạ Văn Tài &Trần Văn Liêm dịch ra tiếng Anh và chú giải rồi xuất bản vào năm 1987 trong một cuốn sách có tựa The Lê Code: law in traditional Vietnam. Cuốn này có trong tất cả các thư viện Luật của các Đại Học lớn của Hoa Kỳ nào có ngành Luật. Cái lỗi thứ hai là dịch sai chữ dung (trong công dung ngôn hạnh. Chữ dung không có nghĩa là “quyến rũ, lôi cuốn” (2) như đương sự đã viết ở trang 73. Dung là khuôn mặt giữ được vẻ khoan hòa, không để cho tình cảm nhất thời lộ ra tràn bờ khiến gây ra thất thố, chứ không hề có nghĩa là quyến rũ hay lôi cuốn ( hay là đẹp). Vẻ mặt ấychứng tỏ sự được giáo dục của gia đình, sự bản lãnh của một người kềm chế nổi những cơn sóng tình cảm nhất thời.

 

Ngoài hai lỗi ấy ra còn những cái lỗi buồn cười như tên bà phi Mị Ê và hoàn cảnh tự ải của bà. Bà DNN kết án toàn dân về vụ gọi-sông Hương-là-Perfume River nhưng chính bà đã viết tên Mị Ê dưới một dạng Mỹ hóa rất khôi hài là “Mee-Ey” (Eo ôi!!!)  Không những thế, bà còn viết rằng (trang 42) “Mee-Ey” là một bà hoàng hậu Chăm và đã nhẩy xuống nước tự tử trong khi khóc than cho số phận bại trân. Bà cũng viết rằng những người Chăm sống sót đã gọi vói theo bà “Mee-Ey, Mee-Ey, có nghĩa là “một phu nhân vọng tộc”. Đời sau không biết là chữ Mee-Ey này chỉ có nghĩa như thế cho nên đã tưởng lầm và ghi vào lịch sử thành tên của bà hoàng hậu này! Tôi thú thật không hiểu có đúng không nhưng theo cả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ( Ngô Sĩ Liên, cuốn I ) và Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thì Mị Ê là  “phi của Xạ Đẩu” :

 

-         Tháng 9, ngày mồng 1, đóng ở phủ Trường yên, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự. Khi đến hành điện Lỵ-nhân, sai nội nhân thị nữ gọi Mị Ê là phi của Xạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mị Ê phẫn uất lắm, ngầm lấy chăn chiên quấn vào mình nhẩy xuống sông chết. Vua khen là trinh tiết, phong làm Hiệp chính hựu thiện phu nhân (trang 223-Kỷ Nhà Lý).

 

Ngoài bà phi Mị Ê bị đổi tên một cách lãng xẹt, nhà cách mạng Nguyễn Thái Học còn bị gọi một cách trống không là “Thai Hoc The Patriot” (trang 95).

 

Kèm vào cái tên bịa đặt này, tác giả còn có những thứ lý luận ...chết người như “ Trước khi ông chết, ông nói đại khái như thế này :”Nếu một người không đạt tới sự thành công  thì ít nhất sẽ đạt tới sự thần thánh.”  Sự thần thánh có nghĩa là sự chết. Sự chết là cái gì xẩy ra cho một người dẫn đầu một cuộc cách mạng và không thành công. Kẻ nào thành công thì sẽ sống” (trang 95) ( 3). Trật lất! Thứ nhất người VN không ai gọi Nguyễn Thái Học một cách ngớ ngẩn là “Thái Học Người yêu nước” cả. Thứ hai, khổ lắm, NTH không bao giờ đòi thành thánh thần Tiên Phật hay thần truyện sau khi chết cả. Câu nói của ông nguyên văn là “Không thành công thì thành nhân”. Thành nhân nghĩa là gì? Đấy, thế mới bảo là phải nghiên cứu cho cẩn thận nếu mà không biết chứ đừng có đợi đến xuất bản để độc giả đã mất tiền mua sách rồi lại còn phải mất thì giờ ...dậy dỗ cho thì phiền quá.

 

Những cái lỗi lầm căn bản như thế đầy trong cuốn sách này (thật là tội nghiệp cho bạn tôi, những người con gái sông Hương khác!) Chưa bao giờ có một cuốn sách tệ như thế, tác giả kém hiểu biết như thế, hợm mình như thế lại được một hai người khênh ra hỏi han nhiều đến thế. Không tin cứ dở lại bài phỏng vấn của NXH và đọc đoạn này của DNN nói với NXH:

 

-[...]Văn chương cần tuổi tác và kinh nghiệm, giống như rượu ngon giống như mỹ nhân tự cổ như danh tướng, càng nhiều tuổi càng sắc sảo (trong tiêu chuẩn gourmet, nếu thật sự là mỹ nhân thì phải già đi mới đẹp. Nếu không tại sao người ta lại ví mỹ nhân với danh tướng? (trang 11,sđd)

 

Vâng, tại sao người ta lại ví mỹ nhân với danh tướng, giời ạ?! Giản dị lắm, nếu người ta biết trọn vẹn hai câu chữ Hán ấy mà câu kia chỉ là câu đầu. Nguyên hai câu là thế này: Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu thì người ta đã không thắc mắc. Một người bạn của tôi tạm dịch như sau “Từ xưa người đẹp tướng tài. Chẳng cho đầu bạc có ai được nhìn.” Cũng chẵng khó hiểu gì đâu: người đẹp chẳng thà chết trẻ để khỏi sống đến già mà không còn đẹp như ngày còn xuân và bị tặng cho hai chữ ...đẹp lão cũng như danh tướng xông pha trận mạc chứ không đánh giặc trên hồi ký) nên nhiều phần sẽ chết trẻ tại sa trường.  Tôi không hiểu cái tiêu chuẩn goụrmet của đương sự lôi ở đâu ra nhưng không ai (là người Việt) mà dám nói câu đó có nghĩa như thế cả.

 

 

Chung quy là cũng vì cái tinh thần nô lệ, vọng ngoại ăn ruỗng vào tâm khảm lúc nào không hay. Trong cuốn sách trên, không có một người đàn ông Việt nào ra hồn cả. Bà mẹ thỉnh thoảng nói tiếng Pháp ở nhà. Con gọi mẹ là maman. Khi từ Huế dọn vào SG, bà mẹ vợ hạch ông con rể là có lo đủ cho cháu bà học piano, có người làm và học trường Pháp hay không! Vào  SG, nàng học trường Lycée đàng hoàng và học hát riêng với một “Madame Something” cũng không phải là người Việt nốt. Nàng yêu một anh người Pháp, không có một anh người Việt láng giềng nào lọt vào được mắt xanh (nghĩa bóng đấy nhé) của nàng. Để tả thành phố SG, bà DNN viết như sau : “vào năm 1966, Saigòn với tôi chỉ như một cái tổ ong. Một thành phố ồn ào đầy những người đàn ông nhỏ người khom mình trong những chiếc áo vải, những người đàn bà nhỏ người lắc lư trong những chiếc áo dài hay bộ quần áo ngủ bằng vải hoa, và những đứa trẻ con nhỏ mình...Nhưng những kẻ thực dân hay cái đám dân SG rất mê chưng diện chỉ đang mơ mộng vì cùng lắm con đường Catinat chỉ là một thứ á châu thế chỗ. Những gian hàng chật hẹp, sự thiếu hào nhoáng, chưa kể là cái kiểu Á châu ồn ào và lôi thôi đã lấy đi của SG bất cứ ảo tưởng nào về sự vĩ đại hay là lãng mạn có chất Paris ...”

 

(”In 1966, Saigon to me was just a beehive. A noisy city packed with little men slouching in their cotton shirt, little women swaying in their colorful ao dai’s or cotton print pajamas, and little children...But the colonist and the Saigonese fashion-concious crowd were all dreaming since at best Rue Catinat would only an Asia substitute. The small scale of the shops, the lack of glitz, not to mention the Asian-styled noise and petty unkemptness took away from Saigon any illusion of Parisian grandeur or romanticism)  (trang 146, sđd).

 

Tôi không tin - theo chính lời của bà Dương Như Nguyện thuật lại là bà rời Sài Gòn lúc 16 tuổi- bà biết đủ về Sài Gòn để sỉ mạ nó như thế. Câu nhận xét trên (ồn ào,lôi thôi) có lẽ đích là câu nhận xét của ...Việt kiều trở lại quê hương những năm gần đây vì một cô bé 14 tuổi không thể nào thấy những người lớn là “little” được! Cũng không có người dân Sài gòn nào tưởng nhầm Sài gòn là Paris cả. Ơ hay, chúng tôi -little men và little women- có bao giờ thấy Paris đâu mà đòi bắt chước nó. Nhưng bảo rằng vì thế mà chúng tôi kém lãng mạn hơn các anh Tây nhà đèn của DNN thì oan cho chúng tôi quá: cứ đọc lại thơ văn của chúng tôi thời đó xem nào? Tôi cũng không hiểu là khi đương sự viết câu này thì đương sự có nhớ ra là cũng đang tả các quý ông như ...GS Trần Ngọc Ninh (Đại Học Y khoa Sài Gòn) hay ông chủ nhiệm báo Văn Nguyễn Xuân Hoàng đấy nhé (một trong những little man của SG nghe đâu nổi tiếng ăn mặc lịch sự, rất có vẻ fashion- conscious.)  Không riêng gì ông Nguyễn Xuân Hoàng, tôi xin thành thực hỏi các quý ông trong giới văn nghệ như Phạm Xuân Đài (tạp chí Thế Kỷ), Đỗ Quý Toàn (Người Việt) vv thì nghe được tả như thế các ông có mích lòng không? Riêng tôi thì tôi mích lòng quá, mích lòng thay cho những người bạn lính của tôi đã “tự cổ như danh tướng” để mà giờ đây có quý-phu-nhân sau khi được rời SG bằng máy bay lại viết văn bằng tiếng ngoại quốc dè bỉu họ đến điều.  Đương sự chắc nên học câu này “Mỹ nhân tự cổ như danh tiếng. Bất hứa nhân gian kiến lắm lời” Nhất là lại lắm lời về những cái mình không biết gì sất.

 

Tinh thần vọng ngoại ấy còn khiến Dương Như Nguyện khi trả lời phỏng vấn hay viết văn luôn chêm vào những danh từ ngoại quốc hay mở ngoặc cắt nghĩa linh tinh bằng chữ bản xứ dù rằng cái vốn ngoại ngữ của đương sự xem ra vẫn còn...little lắm. Này nhé, tuy tự nhận là một kẻ tiên phong (!) trong cộng đồng người Việt trong ngành Luật và theo học ở hai trường đào tạo nghệ sĩ nổi tiếng ở Mỹ (dù tôi không hiểu là chúng có dính gì đến văn chương đâu? Anh nào bước  vào văn chương cũng là  anh bạch đinh cả) mà đã hai lần Dương Như Nguyện viết sai tiếng Pháp về tên hai cuốn phim nổi tiếng. Trang 120 (DORH), DNN viết “Et Dieu creat La Femme” Đáng ra là phải “Et Dieu créa La Femme”. Trang 225, (Chín chữ của nàng), DNN viết “La Comptesse du Pied Nu”. Hóa ra cô này ...què vì có mỗi một bàn chân à? Đáng ra, tên cuốn phim ấy là “ The Barefoot Contessa” (dịch sang tiếng Pháp phải là La comptesse aux pieds nus) do Josepf Mankiewicz đạo diễn (người cũng làm phim The Quiet American đầu tiên) vào năm 1954. Người ta viết sẵn cho, chỉ chép lại còn chép sai thì huống gì ...tự viết như thấy đẩy dẫy ra trong các tác phẩm? “Tấm lòng Đại Pháp từ nay xin chừa” cho độc giả Việt và Pháp- lang- sa nhờ tý.

 

Tôi nghiệm qua nhiều biến cố rằng lắm khi kẻ tàn hại dân tộc đất nước hay thiệt hại cho cộng đồng hơn hết lại chính là những kẻ cùng giống nòi, dòng máu, những kẻ mà như vua An Dương Vương đã khám phá rằng họ ở ngay bên cạnh chúng ta.

 

Những kẻ sai thợ phun nước vào chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) cho chùa sập, ra lệnh lấy hoành phi đóng ghế, và mới đây là vụ đào mương thủy lợi đi qua khuôn viên giếng cổ Long  Sơn (ở vùng Gio Linh, Quảng Trị), thậm chí đào gạch của giếng cổ tự tiện dùng cho tiện việc xây cất hay bỏ phế khu mộ của gia đình học giả Trương Vĩnh Ký tại SG để quần áo phơi ngay giữa các ngôi mộ, bỏ lơ căn nhà và chia chác đồ cổ và sách cổ của học giả Vương Hồng Sển...là những người Việt chứ chẳng phải một anh Tây hay một anh Tầu nào cả.

Tương tự, những tác giả ngoại quốc có viết sai, viết xấu về Việt Nam đã đành, cùng lắm mình chỉ tặc lưỡi, nghĩ đến thân phận nhược tiểu mà xót nhưng phải đọc những loại “tác phẩm” của những loại “tác gia”û sinh sản đầy dẫy ở hải ngoại (có cuốn từng được đem lên màn ảnh lớn như cuốn Trời và Đất của Lệ Lý Hayslip) như  loại sách trên thì thật là qúa lắm và không khỏi phải có lời bàn La Sát cho họ cũng biết thân...nhược tiểu mà cố làm sao cho đừng nhược tiểu nữa bằng cách viết cho chính xác chứ không phải bằng những lời tuyên bố sảng và trổ tài nói tiếng Tây bồi khoe ra một thứ văn hóa lai căng.

 

Tôi chỉ hết sức tiếc rằng những kẻ ngồi sau lưng chúng ta ấy lại không được diễm lệ và oan ức như công chúa Mị Châu.

 

(còn tiếp 1 kỳ)

 

*Thần Kim Quy nói với vua An Dương Vương, sau lưng có công chúa Mị Châu, ngồi trên lưng ngựa chạy trốn giặc Triệu.

 

TRÍCH TẠP CHÍ KHỞI HÀNH SỐ 108. THÁNG 10.2005

 

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chú thích

(1)        Nguyên văn của DNN, viết rất rõ phụ nữ VN lấy họ chồng, trong một đoạn như sau: “Son La was preparing an ink plate for his calligraphy :”Yes my Lady. It is the duty of everyone who inhabits this land, Cham and Viet alike.” -“If that’s the case, that everyone shares in this duty, the what happens to Heaven’s daughters? Why should everything be centered around Heaven ‘s son?”  Son La jumped up, almost dropping his inkplate, his worried eyes failing to meet mine: “Because a daughter gets married, bears the last name of her husband, and become property of the husband’s family.” (trang 72)

(2)        “...she is reminded to cultivate the Four Virtues:..., attractiveness in person....” (trang 73) Sự thiếu hiểu biết như đã nói trên được chứng minh bằng chính bản dịch tiếng Việt (của một người khác nhưng bà DNN viết ngay đầu sách là bà chịu trách nhiệm) Con gái của Sông Hương, như sau “...người đàn bà phải luôn nhớ tới Tứ Đức ....dung (giữ gìn chải chuốt nhan sắc)  (trang 98, sđd)  Như thế, lỡ người đàn bà không có nhan sắc thì sao?!

(3)        “...Before he died, he said something like this: “If a man does not achive success, at least he achieves a legend.” Thai Hoc the Patriot died, so he became a legend. Legend mean death....” (trang 95, sđd) Một câu nói mà một em bé học sinh VN cũng biết chính xác là “Không thành công thì thành nhân” thì không thể cẩu thả đến nỗi dùng chữ “something like this”. Cũng không nên thêm hai chữ “at least” (ít nhất) vào đó làm gì. Cứ dịch cho sát nghĩa và đúng nghĩa là được rồi.

 

Nguyễn Tà Cúc

 

http://www.gio-o.com/NguyenTaCuc.html

 

2019