H Đình Nghiêm

 

D THƯA CÔ

 

(táng mng hi hai)

 

 

tản mạn

 

 

Đất Mới. Đúng như tên gọi, mình đã ký gửi truyện ngắn đầu tay, gieo hạt rủi may vào luống cày cách trở. Cánh đồng ấy, với mình, chẳng có chữ nào đúng hơn: Mới.

 

Trong trại tị nạn, vô tình mình vớ được tờ Đất Mới, báo nhàu nát bởi qua lắm tay người chuyền đọc. Mình nắn nót địa chỉ mù mờ kia ngoài phong bì và niêm kín mười hai trang chữ viết có nhiều gạch xóa. Ra bưu điện khu Kwun-tong, Kowloon với bộ dạng của đứa thuyền nhân chưa quen đi trên mặt đất. Lảo đảo tựa thi triển môn kung-fu túy quyền, lè nhè giở tất cả vốn liếng của thứ ngôn ngữ “tả pí lù” đầy ngần ngại, sau rốt lá thư nặng nề kia đã được chuyển giao.

 

Người đàn ông trung niên khác số thuyền, chạy trốn từ Đà-nẵng duyên số định đoạt nằm giường bên, biết cớ sự, chắc lưỡi: Chả có ai quái chiêu như chú mày, cặm cụi viết thư qua Mỹ thì phải xin tiền réo bạc đòi hỏi thuốc thang mà tẩm bổ cái hình nhân trầy trụa, đằng nầy lại ngược đời vắt óc moi ruột nhét chật trong phong bì mà khờ khạo gửi đi. Chắc tốn bộn tiền tem chứ giỡn chơi chi a? “Anh nói chi tiếng thâm trầm, đêm nằm nghĩ lại nát bầm lá gan” (Ca dao tục ngữ hay hò ru em?)

 

Thương hết biết cho người làm báo thời điểm ấy. Đón đọc, cất công ngồi đánh máy lại, chụp vào âm bản, rửa nó ra, cắt dán nó thành từng cột lên khổ giấy lớn rồi mang nó đến nhà in. Người ta tối mắt tắt đèn cốt hoàn thiện gia vị để bày được một món ăn tinh thần. Một tháng nào của năm 1981, trong mâm cơm lớn của văn chương hải ngoại, góp gạo nấu ăn chung có hạt nẩy mầm mang tên kẻ xa lạ: Hồ Đình Nghiêm.

 

Tâm cảm của đứa thuyền nhân luôn xao động sóng hoài nghi, bởi chăng bước chân xuống thuyền một tối trời đã là hành động của kẻ mang thân ra đặt cược vào chiếu bạc sinh tử. Mình luôn không tin tài sức mình khi thử gửi tới Đất Mới một trải lòng chưa gột bỏ hết sóng gió. Mình gửi, bởi mình hy vọng duy chỉ một điều: lòng thành có khi làm người ta cảm động.

 

Mình vốn chẳng nuôi mộng làm nhà văn. Mình nhớ bài luận thời học đệ Thất trường trung học Hàm Nghi, cô Túy Hồng ra đầu đề: “Em hãy tả quang cảnh một tối mùa đông nơi em ở và cho biết cảm tưởng”. Mình nói nhăng cuội tới sự ướt át, ếch nhái ễnh ương rên rỉ trong mưa gió, để tạt về phần kết luận: Cảm tưởng của em là mùa đông thiệt lạnh nếu đêm ngủ mà em quên đắp mền. Cô cho điểm 3 trên 10. Và ghi mực đỏ bên lề: Vụng, nghèo nàn, chỉ được cái thành thật thô thiển!

 

Ngang đây, mình nghe như nhà văn Túy Hồng (có thời chăm sóc tờ báo Đất Mới) lên tiếng: Ủa, trò cũng có học trường Hàm Nghi hay răng? Dạ thưa cô, em chỉ học đệ Thất rồi đệ Lục thôi, sau đó vì nhiều biến cố em buộc phải đi học phương xa. Tội chưa tề, rứa thì vào năm nào, nói coi thử khi nớ tui còn dạy ở đó không? Dạ thưa cô, em đang gần giống nhà văn Võ Phiến, trí nhớ đang dần phôi pha, (đọc bài của nhà văn Lê Thị Huệ). Em quên tuốt, em chỉ nhớ khi đó thầy Phiên làm hiệu trưởng, cô Kiều My dạy sử, cô Chung dạy vạn vật, thầy Kỉnh làm tổng giám thị, cô Tiêu dạy toán… Em sinh sau đẻ muộn, tiếc là không học trong lớp cô dạy, bài Võ Phiến cô viết vừa rồi hiển thị trên gió-o.com là một bài tuyệt cú mèo, cả gan để thưa với cô, giả thử em là nhà văn lão thành Võ Phiến, em sẽ phục hồi trí nhớ nếu đọc được những gì cô viết. Và như vậy, có thể tạm gọi bài tản mạn ấy là một chén linh dược hiếm quý, thuốc đắng đả tật. Cá nhân em, bỏ ngoài những thị phi, thì vô tình cô đã ngầm trao một viên thuốc khác, cô mang em trở về sống lại cái thổ ngơi nhiều thương tích kia. Địa hình địa vật ấy em đã từng rảo cẳng, bơi lội, trầm tích, sống chết với nó một thời. Em không biết cô ở chỗ mô? Nam Giao Bến Ngự Vĩ Dạ Lê Lợi Phan Bội Châu Hưng Đạo Chi Lăng Gia Hội Từ Đàm Thiên Mụ hay cô trú ngụ trong Thành nội? Vô cửa Thượng tứ là đường Đinh Bộ Lĩnh, khoảng năm chục mét là gặp tòa án, nó chia làm hai, phải là tiểu học Trần Quốc Toản (bóp nát trái cam, Hồ Đình Nghiêm bóp tan trái ổi), trái là trung học Hàm Nghi (xưa gọi là Quốc tử giám). Học sinh đông, chẳng đủ phòng ốc thì chia sớt xuống Gia Hội, kêu bằng Hàm Nghi 2. Xuống khỏi cầu Đông Ba, quẹo phải thì gặp trường trung học tư thục Nguyễn Du, đi hết đường thì đụng đầu bún bò mụ Rớt. Mà đừng rẽ chia lung tung, cứ giỏi chân một lèo thì là vuông đất tọa lạc ngôi trường ưa úng thủy như cô nhắc trong bài viết.

 

Cô viết nhiều và hầu như em dõi theo gần đủ những thước văn xuôi cô bày rãi rác trên các mặt báo. Có đọc truyện dài “Mưa Thầm Trên Bông Phấn” (?) cô cho đăng từng kỳ trên nguyệt san Sóng ở Toronto của anh Nguyễn Tăng Chương (tờ báo tuy nghèo nhưng chịu chơi trả nhuận bút sòng phẳng). Truyện ấy, cô đã rộng lòng cho hai nhân vật nữ đối thoại: “Hồ Đình Nghiêm là nhà văn trữ tình.- Xì, trữ tình sao bằng được trữ tiền…” Đại khái thế. Nhớ trước quên sau nhưng những dòng chữ kia là chất xúc tác giúp đứa học trò chẳng được học lớp cô dạy ngày nào nuôi dưỡng chút tự tin, chút thẳng lưng để tháng ngày trong mỗi đi đứng, mong được đàng hoàng hơn.

 

Khi Đất Mới đăng sáng tác đầu tay của em, lòng rộn ràng những mong viết gửi tới cô một lá thư cho “hạ hỏa”. Sẽ viết rằng, nếu ai đó trong tòa soạn vất bỏ truyện ngắn kia đi thì e rằng em sẽ chôn cất luôn những tâm sự, thôi còn cơ hội giãi bày. Ở trại tị nạn, đón nhận hai số báo có đăng truyện ngắn, rồi ôm nó lên phi cơ cho mắc nợ tiền vé, em lại tới một vùng đất mới khác. Một đứa vô gia cư, vô tổ quốc thì quanh nó hẳn chẳng có điều gì cũ, ngoại trừ chính con người hắn. Cũ quá thành nhà quê, thành ngơ ngác, thành hoài nghi, thành mộng thực lẫn lộn, chắp vá. Đất Mới rộng lòng đón người âm lịch, ân cần han hỏi lau chùi khử trùng vết thương, như mẹ hiền ngó xuống con dại, vỗ về, thứ tha những lỗi lầm vụng dại. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, em có thưa thốt vụng về: Trước sau, mình xem Đất Mới tựa người tình đầu, thường, tình đầu thì khó nhạt phai. Vậy có tình cuối chăng? Có, mình vẫn siêng tỏ tình trên Gió O đấy thôi. Có người sẵn lòng chia sẻ tâm thành của mình, há chẳng phải là một hạnh phúc sao? Một hạnh phúc luôn trôi dạt, bất an tìm đậu bến lành.

 

Dạ thưa cô, bao nhiêu năm qua, một lá thư riêng nhắm gửi tới cô vẫn trốn vào dự tưởng, không thực hiện được, bởi biết chắc nó chẳng đi tới đâu, sẽ 3 trên 10, sẽ bị phê mực đỏ: thành thật thô thiển tầm thường thơ thẩn thất tán tứ tung thương tật… Hôm nay, nhân đọc bài tản mạn mới nhất của cô, em nghĩ nên sẵn dịp mà thưa gửi đôi điều như trên. Những lá thư đôi khi mang lại ít nhiều ngộ nhận, tùy vào tâm cảm người đọc và tùy vào sự thổ lộ nhiều sơ sót của kẻ “bày đặt” ra nhiễu sự. Xin cô cứ xem như đây chỉ là ý kiến của một người đọc thầm lặng, nó cùng quê với cô, nó chưa hề diện kiến cùng cô nhưng với lòng thành (hay Lòng Trần?), nó muốn cám ơn cô, đoạn đường dài cô đã bước qua, nhiều thăng trầm và để lại những tác phẩm văn chương giá trị cho đám trẻ mãi lưu lạc (dần quên tiếng Việt là một niềm đau).

 

Chúc cô luôn an mạnh, để tương lai gần có khi cô ra mở cửa và đừng lú lẫn (tựa Võ Phiến) khi nghe một thằng đàn ông già tuổi đứng vòng tay bên thềm: Dạ thưa cô, cô còn nhớ em không? (Nói giọng Huế, dĩ nhiên). Vì người đồng hương, xin cô đừng ta thán khi ngó ra phút hội ngộ hơn ba mươi năm mới thực hiện: Úi chào, chơi kiểu chi mà nghiệt rứa bây! “Tưởng ta nhớ chú lắm sao, chẳng qua thương giậu mồng tơi bên rào” (Cao Tần).

 

 

Hồ Đình Nghiêm

 

11.2012

 

 

http://www.gio-o.com/HoDinhNghiem.html

 

 

© gio-o.com 2012