H Đình Nghiêm

THƯƠNG HIU

chuyện ngắn

 

Đứa con nít vịn chiếc ghế để đứng lên, đi quờ quạng được ba bước lại té xuống. Ngồi bệt, ngó quanh. Nước miếng chảy, môi miệng ướt, mắt long lanh. Hai người đàn bà cùng theo dõi, một người cất tiếng: Bước khởi đầu bao giờ cũng lắm gian nan. Tập lại đi con. Đứa nhỏ hả miệng ngáp, bò tới ôm chân người đàn bà ngồi gần, dụi mặt vào ống quần rộng. Không ưa đi nữa hả? Vậy thì nói. Nói đi, mạ thương. Ạ, dạ, mạ. Ui chao, cái mặt dễ ghét chưa tề! Bà đưa tay nhấc đứa bé lên, hôn ở má phính, hít ở cổ ngắn, ngoạm cắn ở tay. Tiếng đầu đời tuy ngọng ngịu nhưng nghe thật mát ruột mát gan. Thương mạ con để ở mô? Đặt tay lên đầu đi. Đứa nhỏ bắt đầu tỏ thái độ, miệng mếu, vùng vằng tay chân và khởi sự khóc. Cho hắn bú là vừa rồi, ở đó bắt con người ta biểu diễn trò này trò nọ, ngó bắt chóng mặt. Đói bụng chưa con? Bà tha đứa nhỏ, kẹp bên hông bước lại giường, nhẹ nhàng nằm xuống. Áo xống vạch ra, bầu sữa mẹ với cái núm vú nâu, dí ngay miệng con thơ. Đứa nhỏ vẫn khóc, bày đặt chê bai. Hắn có vẻ nhác chơi, răng kỳ cục rứa dì? Bà dì trông như ô-xin giúp việc rụt rè đưa ra nghi vấn: Hay là chỗ ấy nồng mùi thuốc lá hoặc chát đắng rượu bia? Dì đừng ăn nói quàng xiên mà tui đây ế chảy, đang chủ động kiếm tìm cho nó một ông cha như người ta không thì chúng bạn cười. Hay là bị mấy cái răng nó hành? Tay vỗ đít dỗ dành, miệng à ơi tuồng muốn ru ngủ: Lên non đốn củi đụng chỗ đốn rồi, xuống sông gánh nước đụng chỗ cát bồi khe khô…

 

Đội nón lên, ngoài trời nắng hung. Đi đường đừng cắm cúi mà nhớ dòm ngược ngó xuôi. Xe cộ và cả trăm điều giăng mắc hoạn nạn. Tổ cha mi, nói chưa hết câu đã cụp tai chạy u như ma đuổi. Đường tới trường lắm bụi rác, nhiều khói xăng tức ngực. Cổng trường treo mắc cửi những khẩu hiệu, đỏ lòm át màu phượng vĩ. Phượng ra hoa chỉ mùa hè, băng-rôn tứ thời đều giăng trên đầu thứ màu sắc mà bò mộng rất ghét, ưa húc đầu vào. Bức tường vôi hoen ố có hàng chữ to “Đái bậy là chó”. Mùi hôi khai vờn trong gió. Nhân bất học bất tri lý… Ô thời đội mũ ơ thì thêm râu… Tan trường về nhà thắc mắc: Tại sao thương cha thương một mà thương người nớ phải thương hơn mười lần? Cắc cớ. Người nào? Ở chốn nảo chốn nao? Con dòm rõ mặt chưa? Coi chừng bị mẹ mìn bắt đi ăn xin. Không đủ sỡ hụi chúng uýnh cho bỏ mẹ. Mẹ ơi chớ đánh con đau, để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ…

 

- I love you. You inside me after class.

- Thôi, tớ không thích nghe đằng ấy nói tiếng nước lạ.

- OK. Đậm đà bản sắc dân tộc nhé, thế bây giờ đang hứng tớ bảo đằng ấy có muốn vào nhà nghỉ với tớ không?

- Đề làm gì cơ, ở đây sông nước quạnh vắng tình tứ siêu lãng mạn bộ không đạt chỉ tiêu sao?

- Nhưng cỏ nhiều đéo sướng.

- Đéo sướng hay đéo không sướng?

- Chết cười! Đéo sướng, cơ bản là thế nhưng phải diễn ra trên chăn nệm hẳn hoi. Tớ nói ở đây đéo không sướng là thế, chưa kể ruồi bu kiến đậu.

- Tiền đào đâu ra mà bày trò đẳng cấp nhà nghỉ?

- Tớ khoắn cái điện thoại di động của con mẹ bán cơm bụi.

- Wow, nhất đằng ấy! Thưởng công nào. Ôm tớ đi. Bú mồm tớ đi. Chóng lên, kẻo thằng công an tới dòm lom lom thì rách việc.

- Thế đằng ấy đã rách cái đó chưa? Với cái thằng trước tớ đấy.

Con bé đưa tay bịt mồm đứa lắm chuyện rồi vật xuống cỏ. Cả hai cùng hinh hích, tiếng cười của chúng làm những bụi cỏ trinh nữ đồng loạt nhắm khép những cánh lá mắc cỡ. Chúng còn xanh mái đầu, đâu khoảng mười bốn mười nhăm. Trang lứa chúng đều có chung một câu châm ngôn siêu khủng, thể hiện đẳng cấp: “Ăn tranh thủ ngủ khẩn trương, học hành sương sương yêu đương là chính”.

 

- Sao mày bỏ học? Cái bản mặt mày có tối tăm bụi bặm gì cho cam!

Đứa tội đồ dòm đồng bọn nói trổng: Anh hai này ngó bô giai là thế, hết đường binh hay sao mà đầu quân vào công an nhẩy? Bốn đứa đồng loạt cười. Ba cái còng số 8 xâu cổ tay chúng lại, chớ hòng độn thổ, thăng, biến mà chết chùm. Chúng ngồi trên băng ghế dài, thứ băng gỗ thường gặp ở bệnh viện, ở trụ sở công an.

- Người ta khai chúng mày những năm đứa, thế thằng còn lại trốn đâu?

- Không biết.

- Hung khí bọn mày phi tang ở những nơi nao?

- Bờ cây bụi cỏ, lạch nước cống hẽm, qua cầu gió bay, làm sao nhớ hết?

- Tư thù ân oán gì với kẻ bị hại?

- Nó ỉ con đại gia làm chuyện ngược ngạo tày trời, bọn này khử cho xã hội được trong sạch đôi phần, bộ chẳng tốt sao?

- Mẹ kiếp! Mày tưởng mày là thứ gì? Tưởng ngon cơm hả?

- Bọn này chả tưởng gì sất. Ăn chơi không sợ mưa rơi. Khơi khơi có thế thôi.

Một đứa ngồi cuối biên chỏ mõ vào: Đù má, xi-đa mà đòi xông pha hiến máu!

Ông bạn (hay đầy tớ) của dân thổ những tờ giấy rời, xộc xệch đặt vào tấm bià cứng. Có tờ rời bàn rơi xuống đất: Tội phạm xã hội đen nguy hiểm, chưa có tiền án nhưng nhân thân xấu. Chém Nguyễn Tiểu Gia 18 tuổi 20 nhát dao trí mạng dẫn đến tử vong tại quán Ca-ra-ô-kê.

Ông làm nhiệm vụ hỏi cung nhặt giấy lên, cắm cây viết vào túi áo, tiện thể moi ra được điếu thuốc.

- Đại ca còn điếu nào cho em bặp ít hơi để tinh thần thư giãn. Xem chừng đời bắt đầu vã từ đây bố ơi!

Trước mặt thằng côn đồ có hàng chữ đỏ choét uốn lượn trên vách: Trồng cây mười năm trồng người trăm năm.

 

Đường rối rắm, nhiều vật cản, giờ cao điểm, xe ùn tắt, buộc khựng đứng. Nhưng tiếng động, liên tu bất tận, chẳng bao giờ ngưng. Tiếng động tựa mưa rơi, và thường thì chốn này mưa miên man, mưa xuyên mưa, mưa nối mưa, sợi ngắn sợi dài hột to hột nhỏ. Mưa cần mẫn tuôn, mưa chăm chỉ trút. Mà mưa ập xuống thì phố phường ngập lụt, người ngợm xe cộ thảy đều bị dồn cục. Bóp kèn, chửi thề, gây hấn, quát tháo, đem hai chữ mẹ cha ra mà quần thảo. Và rồi xảy ra sự cố: Chém nhau. Thế mới có câu diễn nôm: Chuyện thường ngày ở huyện. Phường Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, đường Đồng Khởi, Cách Mạng tháng 8, Tống Lê Chân hay chân lê hay cà thọt hay cụt giò hay bất kỳ ngõ ngách bộ phận nào trong thành phố cũng thế cả. Thế mới có bài hát Từ thành phố này người đã ra đi. Đi là phải. Càng sớm càng tốt, thế mới lòi ra tục ngữ: Trâu chậm trâu uống nước đục!

Cẩm nang của trâu đương đại: Ngậm miệng đồng nghĩa với sống sót. Phát ngôn linh tinh: Bộ muốn chết hả? Đao kiếm, ám khí, gậy gộc, cường toan, thuốc trừ rầy, xăng dầu, bình ga, hộp quẹt, thậm chí cả ớt bột cũng mang ra chơi ráo. Một bao ớt hiểm xay nhuyễn thời giá là 15.000 cũng đủ làm thằng chả khóc cả tuần lễ, khóc như mưa, khóc đẹp. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Xưa rồi Diễm! Ớt bột cay xè con ngươi. Nó khóc hu hu. Mình cười ngặt nghẽo. Bộ không phải là chuyện cực khoái giữa đời thường sao? Hehehe. Dui wá. Nói láo cho tàu Trung quốc nó tha đi. Thằng chả khoảng bốn bó hay 7X? Tướng sung, tuồng sinh nhằm thời điểm cuộc cách mạng đã chin muồi dẫn tới thắng lợi thần thánh. Nếu từng lội bộ trên Trường sơn, đông hoặc tây (cũng cùng một nghĩa như nhau), chả hổng có được bộ dạng ấy. Chả mặc đồ xịn, hàng hiệu, dứt khoát chẳng phải đồ hàng bành. Eo ôi, đừng nhắc tới nón cối dép râu mà má nó khinh. Chả nói thế. Quên quá khứ của cha ông đi. Chả tợp bia, rung đùi, dắt lưng đôi ba câu thơ cho ra vẻ ta đây thông thái và thông thoáng: “Hãy lau khô nước mắt đi em, vết thương hôm qua đã thành sẹo”. Đứa con gái trần truồng di động đôi vú sưng sỉa: Ai khóc hồi nào tiá? Da dẻ mịn màng sẹo sần chỗ nào đâu? Đồ dô diên! Chả không có hứng thú với phường thất học. Chả bước ra đường chẳng nói năng lời nào với đứa “phục vụ tình cảm” mang tên Thắm. Thằng chả lầm bầm mình ên: Ô kià trông ai như cô Thắm, đang đứng tắm, đưa hủ mắm, có mồi nhắm, ta ưa lắm, nhịn đánh rắm… Trên đầu chả, tấm bảng hiệu to đùng đong đưa: “Cho tự đắp, tự nặn, tự ve, tự vuốt”. Hãy giỏi chân đi, đứng lén phéng ở đây nhỡ may nó rơi xuống đúng người thì không cách gì tự chôn tự cất tự khắc tên tự làm mộ bia. Và chả đi. Sao lắm người chộn rộn đằng góc đường thế kia? Ồ, có tấm bảng dựng đứng chận bít tầm nhìn ngầm trả lời. Chữ ai viết mà phăng-ta-dzi ngần ấy? “Khuyến mãi: Mua bao cao su trúng bánh Trung thu”. Hề, dân tộc ta làm thơ số một, gieo vần rất chỉnh. Thảo nào ông Bảo Sinh từng phán: “Ai cũng làm được nhà thơ, ai cũng có thể “sù cơ” của mình”. Rườm lời! Cũng tùy thuộc đối tượng, không có cu lấy chi sờ? Đơn cử nhé, cái bảng hiệu của thẩm mỹ viện bên kia đường nó viết: “Làm hồng nhũ hoa, nâng cấp mào gà”. Trật đường rầy! Tối nghĩa, chẳng màng cú pháp mí lị niêm luật. Hỏng! Thằng chả thật quỡn, đang moi từ túi áo ra bao thuốc lá thì bất thần một cậu ngồi sau xe ôm nhảy phóc xuống. Choáng. Sát rạt làm thót tim. Giời, con tìm bố như thể tìm chim, chim bay Đồng Tháp con tìm Củ Chi. Định thần, một tay thọc vào túi quần giữ rịt cái ví da. Cậu tìm tôi? Có lộn người chăng? Lạ lùng gì bố, sao trách con nhầm? Thằng ấy nhỏ con, ốm o xo bại, nhưng bù lại, da thịt để trần của nó nát nhầu vết xâm. Long tranh hổ đấu. Ngọa hổ tàng long. Thập diện mai phục. Trên đỉnh Vu sơn. Thù này phải trả. Tim nầy lỡ dại trao em. Tùm lum tà la những bùa chú ngó bắt gớm. Xâm bấy ban tan nát như thế hẳn phải có bản lãnh chứ chẳng đùa, tợ cắn răng chịu cực hình tra khảo, kẻ nhác gan thì làm sao chịu đời cho thấu! Cái chứng minh nhân dân ấy nó hiển thị thật lắm điều, khiến lỡ nhìn vào thằng chả tự dưng thu bé người lại chả còn kí lô nào cả. Như hài nhi lòn lách ra khỏi cửa mình mang lên bàn cân kim chỉ 4 kí, rỏ nước nhờn đem cân lại chỉ còn 3 ki 2. Vẻ đường bệ thong dong nhàn du ngoạn cảnh của chả nhỏ nước bốc hơi đi đâu? Nhu mì hiền thục như gái về nhà chồng buổi sơ ngộ. Chả thấy yếu ở đôi chân và tim đi cà xịch cà tang trong lồng ngực chưa kịp rít khói thuốc. Bố ạ, thưa với bố con chả lắm thời gian đâu, con còn nhiều phi vụ. Vắn tắt, con cho bố xem cái này để bố dễ định liệu, bởi hình ảnh thì hơn cả ngàn lời nói ra. Báo đài đã ngôn như thế. Thằng ấy nói, những thứ hắn có thảy đều dị dạng, kể cả cái bị rết hắn mang sau lưng, hệt như bọn Tây ba lô. Trong ấy chứa đựng những gì mà nghe loảng xoảng tựa kim loại sắt thép đang va chạm thế kia. Mở nút túi áo, hắn lôi chiếc điện thoại di động thật xịn ra. Nhìn thoáng, thằng chả biết ngay trị giá: 25 triệu, khó đụng hàng. Hắn dùng ngón tay trỏ chỉ chỏ, kéo qua hất lại trên màn hình nhạy cảm. Đoạn phim cực nóng bắt đầu trình chiếu. Bố xem nhé, con bé đang năng nổ diễn xuất ấy tuổi chỉ 16. Ai phá trinh nó thì bố thừa hiểu. Chuyện xẩy ra cách đây một tuần, đúng thế không? Giờ nó đổ bệnh, than đau, chưa thể mang thân đi bệnh viện khám nghiệm. Nó xin bố 10 triệu để về quê xa lánh chốn phồn hoa nhiều cạm bẫy. Nói xong cậu dí xeo phôn hiện đại vào mặt thằng chả. Người nam đóng tuồng dâm ô đồi trụy in tuồng là anh em sinh đôi với ta. Mồ hôi nó xuất hạn dầm dề mà ta giờ cũng thế, chảy lạnh sống lưng. Mười triệu, tối mai 8 giờ ở cà phê Mộng Lành bố nhé. Có cần con mang xe đến tận nhà rước bố đi không? Lùng bùng lỗ tai, thằng chả đực mặt tuồng đang tìm đường binh. Xập xám chướng nói: Thùng thì thủ, cù lũ thì dương. Khốn nạn thật! Ta đã quan sát động tĩnh ngó trước trông sau, vậy thì chúng nó dấu camera ở góc kẹt nào? Chỉnh sửa âm thanh ở mức độ nào mà con nhỏ nó la bai bải như cha chết mẹ chết thế. Lúc ấy sao ta chẳng nghe nó rên la cà? Chơi cháu đi chú. Nó chỉ nói có bấy nhiêu. Bấy nhiêu thôi mà giờ đây ta phải ôm đầu máu. Mười triệu, mười triệu… Chết tôi không, hở Trời! Lão ấp úng, tự răn đe. Tối mai tối mai… Tám giờ tám giờ… cà phê Mộng Lành mộng lành… Quán Mộng Lành có đứa từng ngâm thơ: Xi-đa là bệnh ngoài da, mười năm mới chết thì ta sợ gì?

 

- Chị nói lạ! Nãy giờ khô hơi mà chưa đả thông. Muốn yên bề gia thất thì dứt khoát phải man khai: Em còn độc thân.

- Ác đức bất nhơn. Thế thằng cu… Thiệt tội trời, tui vất nó cho chó gặm à? Lòng lang dạ sói hay sao mà nhẫn tâm ẳm nó đi cho cô nhi viện. Mà viện cô nhi lúc nhúc trẻ con hằng hà sa số biết họ có mở cửa đón nhận thêm một sinh linh?

- Thiệt ba phải! Nói thế này dễ hiểu. Ra đường chị gặp hai lối. Chọn một trong hai, chớ lôi thôi. Lối cũ, yên phận ôm con thơ mà hò ru em oán trách số phần. Lối mới, nhiều hoa bướm, tương lai sáng lạng, lại rảnh tay mà thong dong bước lại bến hẹn tình trường. Người ta ngán cảnh chị đèo bồng con dại bù lu bù loa. Chị đã rõ chưa? Có điều kiện, ra thông cáo cần người, chị cũng nhắm mấy khứa độc thân chẳng vướng bận, có đúng không? Bản thân em cũng chúa ghét con nít. Đẻ đứa con, cuộc sống tự nhiên đang nằm ngữa bỗng bị lật sấp, bầm dập, lu bu, rối rắm, cột trói chưn cẳng, mất tự do. Đau khổ chi bằng mất tự do, đến buồn đi ỉa cũng không cho.

- Căng thế. Búa bổ đầu người chứ chẳng phải chơi!

- Mệt chị lắm. Mang thân đi làm vợ người ta mà còn nói tới chơi với giỡn.

- Thế ông ta. Ngó tướng ổng có biểu hiện chút đùa nghịch nào không?

- Tầm bậy nà. Người ta thành tâm, người ta sợ nước đến chân, người ta dương thịnh mà âm suy, người ta thèm khát mùi vị đàn bà, người ta bấy chầy tối lửa tắt đèn…

- Ổng có coi bóng tui không?

- Dĩ nhiên, phận sự của em mà. Trong bốn tấm ảnh, ổng chịu đèn chân dung chị nhất. Dòm mà nuốt nước miếng. Chị về ở với ổng chẳng khác chuột sa hủ nếp.

- Tui cũng khát nước. Hay là mang thằng cu bỏ trước cổng chùa?

- Ậy, việc của chị sao đè em ra làm quân sư? Nghề môi giới của em đa phần đều bị tiếng thị phi, có đứa ác khẩu nói mai hậu em sinh con không có lỗ đít. Không dám đâu!

- Cu ơi, chừ mạ biết tính làm răng? Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu!

- Dông dài thấy ghét. Hẹn chị hôm sau, em ngồi quán bún chả hồ Gươm. Hăm bốn giờ cũng đủ để phá án, làm trắng tư duy.

Dứt khoát, cô gái trẻ đẹp đứng lên, tay vẫy chiếc xe ôm. Vất người đàn bà đứng bên lề bụi mờ dõi trông xa vắng. Bà ngồi lại xuống chiếc ghế nhựa gọi ly nước miá uống cho toảnh ngoảnh thần trí. Đứa phục vụ nhanh nhẩu mang thức uống ra.

- Xong hợp đồng rồi ạ? Nó nói, mặt láu cá.

- Ủa, sao biết? Có ký kết hồi nào mà gọi là hợp đồng.

- Nói thật nghe, cô ấy mát tay lắm. Mười vụ nghe đâu chỉ xẩy ra có bốn trường hợp là bị tổ trát.

- Thế còn lại sáu, họ ra sao giờ này?

- Mặt hoa da phấn, kẻ đưa người rước, cơm hàng cháo chợ, vận sự hanh thông, nói chung là thoáng đạt ngã rẽ cuộc sống chứ không đời tàn trong ngõ hẹp.

Đứa ấy cầm chổi quét rác loanh quanh phạm vi hẹp của quán nước. Bẩn thỉu. Sao có đứa buồn tay thả mẩu thuốc hút dở vào trong cốc? Bàn số hai bốn đứa học trò gọi bốn phin cà phê sữa đá, sao giờ này thu vén chỉ còn có một cái phin lọc? Ai đời mà chúng uống được cả nhôm cả i-nốc cả thép cả sắt. Thời buổi!

- Trông như chị lấn cấn mắc nghẹn chuyện gì?

- Cậu hỏi thì tôi phải thưa, lòng tôi chưa quyết vì vấn vương thương con dại, lớn lên không biết mặt cha đã đành, ngay cả mẹ hiền cũng biền biệt bỏ trốn mất tiêu.

- Ối giời, khéo lo. Bố mẹ tôi là ai? Tôi chả quan hoài, đời tôi sương gió đã quen vì lỡ chào đời ngay lùm cây bên bờ đê vắng. Người mình nhiều họ, khó chọn, làm giấy tờ tôi mang họ Hồ cho được oai phong. Bọn nhóc trong xóm này gờm mặt gọi tôi là Thần đao Hồ đại đởm. Ôi chao, hôm nay buồn, tự dưng tâm sự có hơi nhiều. Nếu chị có tâm bồ tát thì tìm người bà con tín cẩn mà trao gửi đứa bé, dúi vào tay họ khoản tiền hậu hỉ để yên tâm lên đường. Xoay xở như vậy là hợp lẽ, nghèo đói mà ôm riết con dại thì khác gì trồng cây mà chả hề tưới nước, lại che chắn ánh dương quan.

Người đàn bà đứng lên nắm tay áo cậu con trai mà lay lay. Cám ơn em đã thông tư tưởng, thu vén cho chị một lối đi tìm đường giải phóng… Em họ Hồ mà tên gọi là chi? Có phải Chí Tình không? Hậu vận chị khá thì nhất định kiếm cách trở lại chốn này quyết tìm ra em mà ơn đền oán trả.

- Đừng nói thế, đừng nhắc tới mai sau. Đời tôi lý nào chôn chặt ở quán cóc này? Phải biết tung hê mà bay nhảy, rày đây mai đó xuôi nam. Có lẽ tạng người tôi hợp chuyện bảo kê hoặc bảo vệ hoặc đi đòi nợ hơn là tối ngày đi dâng mời trà đá chanh đường hầu hạ cà phê cà pháo. Duyên nợ bọn mình e chỉ tồn tại tới bữa nay thôi. Chào chị nhé, chúc chị thuận buồm xuôi gió.

Hắn nhổ một bãi đờm ra đường rồi cầm chổi cùn biến mất vào quán tối. Người đàn bà thở dài, bả hát lí nhí: Đường đời muôn vạn nẻo, đường mòn nào dẫn tới lâu đài tình yêu?

 

Cánh cửa đóng mạnh tay. Tiếng động làm lão già ngóc đầu lên. Một bóng người vụt thoáng qua. Ai đấy? Chẳng hồi âm. Lão lồm cồm ngồi dậy, ho hen một đỗi mới to tiếng. Đứa nào thế? Thằng con trai bước trở lui, ló mặt: Có chuyện gì không? Í, mầy tan trường rồi đấy à? Cho ông hỏi, mấy giờ rồi cháu? Thằng con trai lắc đầu, nó đến bên cửa sổ, sát vuông chiếu ông nằm. Cửa sổ có những chấn song. Đã bày vẽ nhiều bận mà chẳng chịu khắc ghi. Đây này, nắng rọi tới ngang vạch này thì đã bốn giờ chiều. Hiểu chưa? Ông già lập lại: Đã bốn giờ chiều. Vậy bố mẹ mày còn lâu mới về? Ngớ ngẩn, phải tắt nắng, phải nhọ mặt người họ mới về. Có hiểu không? Thế hôm nào giời đổ mưa làm sao ông hay biết hở cháu? Đéo mẹ, biết làm gì cho khổ thân. Biết ăn ngủ ỉa đái, ngần ấy thôi có phải sướng hơn không! Thằng cháu nội bỏ đi, ông cụ bạc tóc lưa thưa gọi giật lại. Cháu ngồi cho ông hỏi thăm đôi câu. Không dư thời gian. Nó đối đáp. Ông van cháu, có trở về phòng thì lặng yên mà học bài chứ đừng mở thứ nhạc ấy ra tra khảo ông. Thằng con trai cười hiền. Thế à, ông chả ưa nghe nhạc Rap à? Vậy thì mở khóa tủ lấy cho cháu xin năm chục ngàn. Vật giá đắt đỏ, đủ đổ lít xăng và làm cốc nước. Tiền đâu mà đôi ba hôm mày lại réo ông? Mày bày trò trấn lột.

Chẳng mấy lâu căn nhà rậm rật tiếng xập xình kỳ lạ. Lỗ tai bọn trẻ thật quái gỡ. Thứ ấy mà chúng gọi là nhạc. Thử ra chợ Đồng Xuân nghe chúng nó chửi nhau, du dương trầm bổng , có tuồng tích có điển cố có bài bản, choáng và ấn tượng hơn vạn lần. Ông lão nằm vật xuống, bịt tai bằng những thứ ông có được, gối, khăn, vớ, may-ô quần đùi. Đầu bù tóc rối, ông không nghe ra tiếng xe tay ga vừa thắng đứng ngoài cửa. Đứa con dâu nhẹ nhàng bước vào. Tắt nhạc đi con. Mẹ có mua phở cho cả nhà xơi đây nè. Bản nhạc chấm dứt bằng chữ Fuck mà người ca sĩ da đen bỏ công sức rống lên cực mạnh. Tuy bịt tai nhưng mũi ông lão vẫn thoáng khí để hô hấp, lỗ mũi ông nở to, không gian sao chập chờn ngát hương mùi đặc thù dân tộc bốn ngàn năm văn hiến. Ông cởi bỏ hết mọi chướng ngại, ngồi dậy, ngó ra, hồ nghi, ngờ vực, mộng mị, liêu trai, hoang tưởng. Cái gì thế? Ông ném viên cuội dò đường. Sinh nhật đứa nào? Ăn mừng chiến thắng hay liên hoan đám cưới đám giỗ? Mẹ kiếp, già có nhiều cái thiệt thòi, mà lú lấp là thứ đáng lên án nhất.

- Mời bố ăn phở ạ. Dùng ngay kẻo nguội mất ngon.

- Sao hôm nay chúng mày tốt với tao thế? Thằng Cung thì chỉ nghe mới có một bài nhạc lại vội tắt đi. Ôi, cảnh hòa bình an lạc thì ai cũng mến chuộng cả!

- Chẳng dấu gì bố, thằng Cung nó đỗ vào Đại học nên chúng con phải ăn mừng.

- Nó đâu rồi. Biểu nó vặn nhạc lên. Bài gì nghe thật hùng hồn cơ, để kỷ niệm bước vinh quang.

- Bố ưa nghe bản nào?

- Đại loại như Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…

- Khiếp. Bố lẫn thật rồi! Thời buổi đương đại nầy điên sao nghe ba thứ vớ vẫn ấy? Nhạc ấy chỉ dành cho bọn dở hơi. Bố xơi đi.

Ông ăn, ông khoắng sợi ông húp nước, ông và đũa ông dộng thià, ông chú tâm vào miếng ăn. Ăn như thể nhịn đói từ hồi chống Mỹ tới giờ. Một trong tứ khoái, người đời nói chẳng ngoa ngôn. Mồ hôi ông tươm đầy mặt, ông ợ một tiếng rõ to khi bát phở đã sạch sành sanh. Ông ngó vào mặt cô con dâu hồi lâu, ngó chăm, đồng tử đứng yên, mí mắt không nháy. Ông ném cái bát nhựa không xuống chiếu, cầm đôi đũa tre như nắm một con dao bén nhọn; ông muốn dùng tàn lực để đâm thốc đôi đũa vào ngực đứa con dâu nhưng đã muộn. Ông nằm vật ra, mắt trơ ngó lên trần nhà, nước sủi bọt trắng ứa bên khóe. Tay chân co giật như thằn lằn đứt đuôi, rồi buông xuôi, cứng đờ xác thân.

- Cung ơi, vào phụ mẹ một tay.

Thằng cháu đích tôn bước vô, mặt lãnh cảm.

- Cho bao nhiêu liều lượng mà chóng thế?

- Chả biết, thằng ấy trao cho mẹ gói giấy, nói bảo đảm với chị hàng cực nóng, kẻ mua chưa từng có ai than phiền. Mày rà soát trong lưng quần hộ mẹ.

Đứa con y lời. Da bụng lão nhăn nhàu, còn ấm. Ở lưng quần, phiá cột sống, có dấu cất chiếc chià khóa. Thằng con trai lật ông lão nằm ngữa, ngay ngắn tựa tư thế của kẻ mê ngủ không chiêm bao chẳng ác mộng. Hắn đi lại cái tủ nhỏ, đen bóng chất gỗ tốt, mở khoá.

Trong ấy chứa đựng nhiều bằng ban khen của cấp lãnh đạo, năm sáu cái huy chương nằm đè lên trên, tận bên dưới lộ ra xấp giấy bạc. Hai mẹ con cùng đếm, từ lầm bầm đến to tiếng, lát sau thì thở hắt: Sáu triệu tư, chẳng dư bạc lẻ.

- Tiền miếng đất dưới quê mà bán có bấy nhiêu thôi hở mẹ?

- Mày quên à. Thi thoảng ông còn cấp dưỡng tiền cho đứa con rơi. Thôi, lo thu vén đậy đằng làm sạch hiện trường. Mày chuyên coi phim hình sự thì đạo diễn làm sao ngó cho đẹp, chẳng sơ hở.

- Còn tiền?

- Mày ba tao bảy như hợp đồng.

- Đó là con ngỡ ông có nhiều. Ít thế thì mẹ phải cho con thêm.

- Ừ. Rồi mẹ sẽ đưa. Nhưng phải một thời gian khá lâu. Mày mang đi tiêu pha dân tình họ dị nghị.

Nắng gần tắt, nhìn tới song cửa, thằng con trai chẳng biết đã mấy giờ?

 

- Bị cáo Huỳnh văn Lương Thiện, tử hình.

- Bị cáo Trần văn Giảo Hoạt, mười năm tù.

Số còn lại, án tù đồng nhất là hai năm.

Luật sư biện hộ đứng lên: Thưa quý toà, tôi có điều muốn thưa. Hoạt và Thiện đều cùng tham gia chém chết người, sao bản án dành cho mỗi người lại có mức sai biệt ngần ấy?

- Ấy là do bởi lý lịch của mỗi tội phạm cơ bản có chuyện khác nhau. Bố của Thiện trước đây là ngụy quân ngụy quyền. Còn bố mẹ của Hoạt dẫu sao cũng gia đình cách mạng. Y án.

Chiếc búa gỗ đánh xuống bàn chan chát. Kết thúc. Màn kéo xuống. Tắt đèn.

Để khỏi mang tiếng bưng bít thông tin, nhật báo ngày mai có tờ tường thuật phiên xử:

Chuyện ruồi bu. Vũ Như Cẩn.

 

H Đình Nghiêm

http://www.gio-o.com/HoDinhNghiem.htm.

 

© gio-o.com 2011