h đình nghiêm

MEO HUYN


chuyện ngắn

 

1.

“Nhà em có nuôi một con mèo. Hắn không có tên, trong khi nớ con chó thì mang tên Lu. Nhờ con Lu nhà em ít khi bị ăn trộm chui vô, trong khi nớ nhà em nhiều chuột dễ sợ vì nuôi con mèo không có tên, đồ vô tích sự. Bên nhà hàng xóm o người làm lúc mô cũng hò ru em: Con mèo con chó có lông, bụi tre có mắt nồi đồng có quai…”

 

Cô ngừng đọc, cô ngó tôi, có vẻ ngao ngán, có vẻ chê bai, có vẻ hết biết. Người tôi nóng, sự hổ thẹn khiến đầu tôi trì nặng cúi gầm xuống mặt bàn. Bàn gỗ nhiều vết rạn nức, hai mẫu tự ai đó cặp đôi bằng dấu cọng lồng vô một trái tim. Tôi sẽ khắc lên đó chữ thù ghét cô nếu cô mãi tiếp tục trò đùa tai quái ấy. Đã có nhiều tiếng cười trỗi lên lùng bùng màn nhĩ. Sĩ số trong lớp là bốn mươi tám đứa cả gái lẫn trai và trai hay gái đều cười một giọng điệu hệt nhau, rất trêu ngươi. Cô bước tới trước mặt tôi, thảy tờ giấy mỏng manh đang co rúm ấy xuống bàn. Con số không thiệt to nằm dưới chữ Luộm Thuộm Dài Dòng Lạc Đề, cùng đi với chúng là dấu chấm hỏi và dấu than; tất cả cô dùng mực đỏ cào đậm nét ở góc giấy uốn cong.

 

Sau khi đọc xong bài luận văn cô cho là dở nhất lớp, cô tiếp nối chương trình tự diễn bằng một bài mẫu mực với số điểm tối đa. Cô hắng giọng, trò Nguyễn thị Huyền xứng đáng để mấy em noi gương. Bài luận tuy ngắn nhưng nó có đủ mọi yếu tố để nói rõ tới nhân vật chính: Mèo. Nó đáng yêu ở chỗ mô, nó lợi ích ở chỗ nào. Có nên xem mèo là con vật thiết thân không? Và cô đọc. Cô đi giữa khoảng trống lớp học, từ bảng đen xuống cuối vách rồi ngược lại. Mọi thứ im thin thít, mọi thứ chẳng cục cựa, mọi thứ tuồng đang dóng tai nghe. Tôi thì không, tai tôi điếc đặc, tôi ngó ra vuông sân ngập nắng. Ngoài cổng trường thằng cha bán kẹo kéo đã xuất hiện, bắt đầu dựng chống chiếc xe đạp lỉnh kỉnh đồ đoàn rất rắc rối nhưng cũng rất gợi trí tò mò. Tôi chờ đợi tiếng trống đánh dồn dập nhưng ông cai có vẻ như đang quên nhiệm vụ, hoặc ông bị mụ vợ bắt nhồi nặn bánh bột lọc, xào nhân nhụy tôm thịt từ hồi hôm tới chừ vẫn chưa xong?

 

Nguyễn thị Huyền, đứa văn hay chữ tốt kia thì đang nở lỗ mũi. Nó ngồi bàn đầu phía bên kia, cái lưng tròn đầy mà thằng cu Toản lúc mô cũng ưa làm trạng: Con Huyền mai sau hắn đẻ con như gà đẻ trứng cho mà coi. Nói láo cho bà vật tau ra hộc máu… Huyền cắt tóc ngắn, nghe kêu là kiểu bum-bê, ưa dùng ngón tay vén những sợi đi lạc giắt lui sau vành tai. Trái tai có đục lỗ nhỏ rức nhưng chưa khi mô tôi thấy nó đeo bông đeo vòng đeo khoen đeo xuyến như thể những vật trang sức nọ sẽ làm ô uế vẻ ngây thơ tuổi học trò. Mỗi khi tan học, đi cùng đường nhưng khác hướng Huyền luôn quay đầu ngó tôi, ê a ngâm nga ca kệ một điệp khúc: “Tau đi lối ni có hoa có bướm, mi đi lối nớ có ma qủi chận đường”. Ban đầu tôi có hơi ngán nhưng thét rồi cũng bình yên. Đường tôi đi dọc bờ thành phủ bám đầy rêu xanh, cỏ tranh từ trong đó phồn thịnh mọc lấn ra tuốt mép rìa đường nhựa, cỏ xao xác run rẩy thường trực. Châu chấu có nhiều ở mùa hè và cóc nhái ễnh ương kêu than rỉ rả suốt những ngày mưa. Nghe đồn có o con gái thất tình chui vô đám cỏ rậm cả gan uống độc dược tự tử, nghe thêu dệt đêm khuya thanh vắng chính o con gái dễ sợ nớ leo lên đọt cây sầu đông ngồi chơi với đám đom đóm ma trơi luôn quần tụ, lân tinh xanh mướt sáng ngời cả một khúc đường vắng người, nhác chơi. Trong bài luận, tôi có thòng vào cái lí do vì răng tôi ghét mèo: “Em nghe nói, mèo phi thân qua xác chết thì xác chết liền lồm cồm ngồi dậy, cái mới gay cấn ác đức bất nhơn không bút mực nào tả xiết!”. Rõ ràng là cô ghét tôi, sao nỡ nhẫn tâm cho tôi ăn hột vịt lộn khi tôi đưa ra được cái nhận xét quan trọng và hiểm nghèo đó. Người ta đã đặt một con dao trên thi thể khi chuẩn bị khâm liệm, Huyền có biết không, dụng ý là con dao đó sẽ cắt đi, hóa giải được dòng điện do con mèo tạo ra khi nó bất thần nhảy ngang qua xác kẻ xấu số.

 

Hiện tại thì cô đang là con dao thiệt bén, cứa vào lòng tôi những nhát đau thương. Tôi là đứa bất hạnh đang hồn lìa khỏi xác. Và Nguyễn thị Huyền đích thị biến thân thành con mèo đen, ngổi thu lu với tất cả vẻ xấu xa của nó.

 

2.

Tôi học kém, tôi không phủ nhận chuyện đó. Nhưng nhờ Trời tôi cũng leo ì ạch theo kịp những bước nhảy chân sáo của Huyền. Thỏ hay rùa, chẳng quan trọng. Cái đáng nói là lằn mức của đích tới, cả hai, tôi và Huyền cùng dẫm đạp lên. Cũng đệ Tứ, cũng đệ Tam, cũng đệ Nhị như ai. Khác biệt chăng là tôi học một nơi toàn cả bọn đực rựa, còn Huyền thì kín cổng cao tường nhốt thân trong ngôi trường tinh ròng một binh đoàn con gái, ngó bắt ớn! Thời tiểu học, ham nói chuyện với thằng bạn ngồi bên bị thầy phạt bắt qua ngồi bàn con gái, bị chèn ép giữa hai trò tóc dài có kẹp bướm, sợ tới độ gần són đái. Giờ ni, nếu vô tình đi lạc ngang trường của Huyền vào lúc bãi học cũng còn cái cảm giác ngan ngán, tim đập quờ quạng. Lúc xưa, con nít chay còn rứa huống chi bây chừ ngã mặn o mô cũng ngực nở eo thon yểu điệu áo dài má hồng môi đỏ. Họ có thể bẻ gãy sừng trâu sá chi cái mạng èo uột của tôi. Nhưng nói thật lòng, bây giờ gây lầm lỗi, hình phạt là bị kẹp giữa hai trò khác giống e trong bụng cũng có chút thinh thích, tay chân bức rức và đít sẽ nhấp nhổm tựa phỏng lửa. Chẳng biết mặt o bên trái khuôn trăng đầy đặn hay o bên phải nét ngài nở nang? Lê thị hoa nhường hay Nguyễn thị nguyệt thẹn? Và rồi thì cái mùi thơm kì lạ vừa chui vào khứu giác chẳng biết của người mô vừa xô giạt qua, cho hít ké. Ui chầu, học răng vô hè. U mê ám chướng là điều bắt buộc!

 

Nguyễn thị Huyền rất đẹp. Nhỏ không lộ ra, lớn một tí thì e ấp, phải đợi đúng kỳ hạn mới phô bày toàn vẹn, làm bọn con trai chết lên chết xuống… là chuyện hiển nhiên. Nhưng do một sắp đặt bậy bạ của đấng vô hình nào đó, Nguyễn thị Huyền lên xe hoa với một kẻ xa lạ, nếu còn nhật báo, giở mục Từ Thành Đến Tỉnh ra, hẳn bạn sẽ đọc hàng chữ: “từ chết tới bị thương đếm không xuể”. Tôi là một trong số những “thương binh” đang lây lất sống sau ngày Huyền theo chồng vào nam. Tôi chưa bao giờ viết thư cho Huyền vì mặc cảm tự biết phận mình không văn hay chữ tốt bằng cô bạn học cũ. Tôi ôn lại hình ảnh cùng điệu bộ Huyền, cái môi chu, cái lưỡi lè ra và chuỗi cười sảng khoái: Tau đi lối ni có hoa có bướm… Không, Huyền ạ, mình không là đứa ác khẩu nhưng mình linh cảm có khi Huyền sẽ bị ma qủi chận đường.

 

3.

Do thời cuộc, do hoàn cảnh, do sinh kế hoặc do định mệnh, tôi vào Sài gòn đầu tắt mặt tối làm đủ bảy nghề, ngoại ngữ gọi là Thất Nghiệp. Tôi lao đao và hư hao. Tôi ốm o và tôi gầy mòn. Tôi xấc bấc và tôi xang bang. Tôi ngác ngơ và tôi lạc hồn. Tôi linh tinh rắc rối luộm thuộm lạc đề cà năm trời thì một bữa đụng đầu Huyền ngay chợ Bến Thành. Bạn có tin tình yêu được khởi đi từ một ánh mắt? Tôi không tin. Nhưng tôi tin có thần Thiên lôi vác búa làm nên sét đánh ngang mày. Tôi choáng váng ở phút giây tao phùng hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Tai tôi lùng bùng, thị tại môn tiền náo có khi được giải thích sai lạc, ngay ở chợ Bến thành âm thanh vỡ bờ đến thế mà tuyệt đối nó không chui được vào thính giác tôi. Tất cả những nhiễu loạn của các nguồn sóng xô bồ vây quanh đều bị chận đứng lại bởi sự xuất hiện thần kỳ của Huyền. Cái loa phóng thanh treo ờ góc chợ lải nhải những chuyện xằng bậy phải nghẻo đầu tắt tiếng. Nó nhường lời cho Nguyễn thị Huyền: Ủa, vô đây khi mô? Chỉ năm chữ, chỉ một câu hỏi tầm thường. Vẫn là giọng nói nhỏ nhẹ, gần như thỏ thẻ; nhưng nó dịu dàng chui vào tai tôi rất rõ tiếng. Tôi đứng như hình dáng núi vọng thê, nghĩa là cứng đờ chẳng tin vào hiện thực. Tôi ngác ngơ như đứa trôi sông lạc chợ lâu ngày một hôm về chốn xưa để phải bàng hoàng bởi những đổi thay, tàn phá kỉ niệm. Huyền tựa một báu vật đã bị đánh tráo, đã bị phủ dụ bằng thứ sơn son thếp vàng giả mạo. Vẻ đẹp nức lòng ngày cũ bỏ trốn đi đâu? Huyền mời tôi đi ăn cơm bụi, dắt lắc léo vào sâu trong chợ. Huyền dùng từ mới lạ: Để Huyền bồi dưỡng cho, ngó gầy quá! Bây giờ thì tóc Huyền để dài, dài như một hồi ức rối rắm khó đi hết đường. Những trang đời giỡ lật nhưng tựu trung nó chẳng soi sáng được điều gì và có vẻ như nó làm tăng thêm sự bí ần luôn hiện diện. Tôi đưa ra nhiều câu hỏi, Huyền nói không dấu che, chẳng bối rối. Huyền li dị đã lâu, lí do: Ông chồng ấy rất mực hoang đàng, ổng có mèo. Huyền chấm câu. Nữa, lại là mèo! Mèo, con vật ấy gần như tượng trưng cho những điều bất chính. Có bồ nhí sao không gọi là tôm cá cua nai bầu gà, thiếu gì thứ, mà kêu là mèo. Nghĩ không ra! Mi đi lối nớ có ma qủi chận đường. Không riêng tôi, chúng ta đều gặp hoạn nạn, phải không Huyền? Và bằng sự chống đối trong tuyệt vọng, chúng ta phải tự mình xoay xở lấy, cố tìm cho ra hoàng đạo.

 

Ăn uống no say, tự do độc lập hạnh phúc xong, tôi phải va đầu vào thực tại: Sự chia lìa. Huyền không cho biết địa chỉ thường trú. Huyền nói một câu tối nghĩa: Chẳng ai lường được chuyện ngày mai. Hãy buông thả. Huyền gọi một chiếc xe ôm, leo lên ngồi ở chỗ trống còn lại. Tôi ngửi mùi khói xăng. Huyền trao cho tôi một phong thư, dặn dò lát nữa hẳn mở. Huyền nói với ông già luôn vặn tay ga: Bác cứ cho xe chạy đi, tôi sẽ nói địa điểm sau. Như vậy, Huyền chẳng cần mặc cả tiền cuốc xe. Thây kệ! Tôi ngó cái dáng ngồi hư hao của Huyền đang bị bụi đường nuốt trôi. Nắng, khói xe hay bởi điều gì làm mắt tôi cay. Tôi cúi đầu mở phong bì. Một xấp tiền với nhiều con số: 10.000, 20.000. 50.000… Và vuông giấy nhỏ. Nét chữ mềm mại: “Huyền đang là cô con dâu của một gia đình người Đài-loan. Huyền sắp lưu lạc. Tiền này không biết cách xài, bạn tiêu phung phí giùm mình hỉ. Thương nhớ. Nguyễn thị Huyền.”

 

Tôi lội bộ ra tuốt bờ sông . Sóng nước ở đó luôn cau có và chúng làm tôi chóng mặt dật dờ. Ngó mông lung, tôi không tài nào biết được hướng mô chôn chặt vùng đất mang tên Taiwan. Tôi thầm gọi tên Huyền, nhẫm gọi như lần kêu mẹ ơi mẹ ơi khi bà bị hạ huyệt ở buổi tiễn đưa đơn sơ và buồn đau.

 

Năm ấy là năm Mão, lòng người tao loạn đầy nghi kỵ, bội bạc. Gió về đêm buốt lạnh, cây đứng dáng mặc niệm và hoa lá chưa đâm chồi kết nụ dù Xuân đang về.

 

H Đình Nghiêm

 

http://www.gio-o.com/HoDinhNghiem.html

 

© gio-o.com 2011