photo:NAT@gio-o.com

 

 

Hồ Đình Nghiêm

HUYẾT HỌC

truyện ngắn

 

Vào sâu nội thành, khuất lấp hướng tây có căn nhà cổ được vây giữ giữa bao cây cao bóng cả. Chim chóc thường ghé tụ bầy hót lên đủ mọi cung bậc, nghe hân hoan, rót vào tai người cũng khiến trôi bớt bao phiền não. Dân cư trong nội thành dường như ai nấy đều biết tiếng chủ nhân căn nhà trầm tịch kia: Tên Nhàn, họ Khổng. Ba đời đều văn hay chữ tốt, hiểu biết rộng, chí thú xem sách vở là hiền hữu, là tình nhân, là kho báu, là vật bất ly thân. Nhà đầy sách, rộng ba gian thì rường cột kia đã thứ lớp xếp cho sách lưu trú tới hai gian. Một không gian chật cứng những bìa những gáy những trang giấy những chữ nghĩa những điển tích những điều hay lẻ phải bao đời truyền lại.

 

Khổng Nhàn thích sống khép kín, tuy vậy cửa nhà vẫn rộng mở tựa chùa chiền. Ông sẵn lòng mang kiến thức thu nhập được để chỉ bày cho những kẻ hiếu học muốn tìm tới xin thỉnh giáo, đả thông vấn nạn thâm u của ngữ nghĩa đông tây. Vô hình trung Khổng Nhàn được chúng sinh kính nể tôn vinh là thầy. Không thầy đố mầy làm nên. Dân oan muốn bộc bạch niềm đau cũng nhờ thầy Nhàn soạn thảo cho một lá đơn kêu gào tới tai cửa quyền. Đứa già mồm mang tật cãi chày cãi cối cũng im thin thít cứng họng khi đối mặt Nhàn, người luôn nói có sách mách có chứng.

 

Trong cổ thi thường ta thán chuyện vật đổi sao dời, truyện Kiều của Nguyễn Du cũng luôn bàn tới lẽ biến dạng kia: “Phong trần kiếp chịu đã đầy, lầm than lại có thứ nầy bằng hai”.Ngày kia sóng lớn ập về tả tơi làm đảo lộn mọi nấc thang đạo đức trong xã hội sinh hoài nghi sách thánh hiền “nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Cái ác lộ hình, đi nghênh ngang từ hang cùng ra tới ngỏ hẹp, từ trung ương xuống địa phương. Cánh cổng gia trang Khổng Nhàn khép lại, hoang mang đợi hung tin dội xuống số phận. Giao du vốn không rộng, nay thu hẹp còn sót một người am tường đạo lý. Người ấy nói: Thời buổi này, hạng như ông, tôi đã chẳng còn chỗ đứng, bởi họ luôn thù nghịch kẻ có ăn học. Hôm qua tôi đã ném vỡ cái radio 4 băng tầng bởi tôi dị ứng với lời lẽ ngược ngạo vô học mãi tuyên truyền kia. Lúc này đây, tai điếc mắt mù mới giữ được chút tâm thân an lạc. Trớ trêu cho nghịch cảnh! Khổng Nhàn rót trà xanh ra hai cốc: Cứ xem đây là chung rượu đắng, chúng ta uống cạn bởi không rõ mai này có còn gặp nhau.

 

Ngoài sân có xây bể cạn cùng hòn non bộ nuôi cá vàng thế tấm bình phong. Hai bên trồng hoa Mẫu Đơn sum suê nở từng cụm bông to bằng chén cơm, toả hương dịu nhẹ. Vườn cây vẫn thuỷ chung cành lá, chim vẫn một mực hát ca chẳng mỏi mệt. Khách ngồi yên đón nhận, lát sau tỏ bày: Chim hót tuồng đã có hơi sai nhịp và mùi thơm của hoa thì xem chừng có gì trộn lẫn vào. Gia chủ cười: Chỉ có tôi mới ngửi ra mùi ấy, đấy là mùi giấy mốc meo mục rã. Sách có linh hồn và giao cảm ông ạ, chúng biết mai kia mốt nọ sẽ bị chôn thây nên vấn vương gửi chút mùi xa vắng. Tôi có bộ sách quý từ đời cha ông để lại, nay muốn làm quà tặng cuối đời trao vào tay người lễ nghĩa trí tín. Bộ bốn cuốn tựa như cách vận hành của xuân hạ thu đông, đêm quạnh chùng lén mở ra xem thì không chừng mà nhớ đến thằng Khổng Nhàn này chăng!

 

Khách cảm động siết chặt tay, bịn rịn ra về, trăng lu đầu ngõ. Quánh đặc bóng tối chỉ có tiếng chó buồn miệng tru sau bao cổng đóng then cài. Diện mạo nội thành bây giờ cũng đổi, suốt tuần chỉ có một hai hôm được sáng ánh điện soi. Tăm tối luôn đi cùng với mưu toan, với rình rập, với soi mói vụng chùng. Hai ngày sau khi bộ sách tứ quý rời khỏi giá sách nhà Khổng Nhàn, đúng ngọ có kẻ trung niên điều khiển một bọn thiếu niên kéo xe ba gác hăm hở xô cổng khuấy bụi mờ. Chim chóc bay đi, hoa mềm yếu gục đầu khi chủ nhà đứng dụi mắt ở bậc thềm. Gã trung niên nói: Nhà bác tàng trữ toàn cả văn hoá phẩm đồi truỵ, nhân danh chế độ mới chúng tôi buộc phải mang đi thiêu huỷ những tàn dư độc hại. Trên đã ra chỉ thị, mọi người đều hưởng ứng nghe theo chẳng cãi cự phản ứng. Bác là người thông hiểu nhiều, xin vui vẻ đứng bên chấp hành cho chúng tôi thi hành nhiệm vụ.

 

Khổng Nhàn ngó đứa quyền lực đứng chống nạnh đang hô phong hoán vũ chỉ đạo bọn thiếu niên vào nhà tàn sát không nương tay bao gia sản tinh thần tích luỹ dài lâu hơn cả đời người. Từng cuốn từng cuốn vất vào chiếc xe kéo chuyên chở phế phẩm. Nhàn nhìn, nghe tim đập mệt cơ hồ không gian ấy đã thôi còn dưỡng khí, choáng váng ngồi bệt xuống thềm tựa kẻ hồn đang đoạn lìa thân.

 

Trước, sớm tối chí thú bầu bạn cùng sách đèn. Nay, sách chẳng còn, nhà quạnh vắng trống hoác như mộ địa âm u. Khổng Nhàn ngồi trong bóng tối, đây là gia cư mà sao trông như nhà người lạ. Mùi giấy ấm cúng đã bỏ đi, hương hoa ngoài sân chừng cũng nhạt trong gió lùa, người Nhàn cứ thế mà hao hụt dần sức sống. Là ngọn lửa run trong bóng chụp cây đèn dầu thấp thỏm về cảnh giới lạ mặt chẳng soi tỏ. Và thu bé lại bằng hạt đỗ. Và đêm khuya đốm sáng tàn lực phụt tắt. Trước khi võng mô Khổng Nhàn đóng lại, có con bướm bay chập chờn quanh các tủ sách trống, vòng vo qua lại trên đầu Nhàn rồi chao đảo thoát thân ra vườn tối như linh hồn đã thôi lạc lối. Một giọt nước mắt ứa ra. Khổng Nhàn thọ đúng 60.

 

Không  ai khóc thương cũng chẳng có người tiếc nuối về sự ra đi câm lặng của vị học giả kia, chỉ có màu trời tự dưng ảm đạm và mưa trái mùa rơi suốt tháng xuống vùng đất dường như hiện hữu để hứng chịu những tai ương. Người ta sinh tồn với trái tim bị hao mòn những xúc cảm vu vơ và tuyệt đối vô cảm khi băng qua cuộc lữ vốn chứa lắm nghiệt ngã.

 

Những người con Khổng Nhàn đi làm ăn xa, trước đây mỗi khi năm cùng tháng tận  chúng tự động kiếm cách về thăm cha, nán ở dài lâu vui vầy trong ba ngày Tết. Nhưng khi non sông liền lạc quy về một mối thì hoàn cảnh nọ tự dưng xúi lòng người thêm phân ly khó tìm ra cơ hội hòng đoàn viên. Kiếm ra cái giấy phép đi đường, mua được cái vé chợ đen leo lên xe đò chạy suốt, tái mặt máu về đến chốn xưa thì cha già đã vùi thân dưới ba tấc đất. Nghe đâu tang lễ diễn ra nhanh, thảy vin nhờ đến những kẻ cơ hàn từng hơn một lần chịu ơn thầy Khổng Nhàn “nhất tự vi sư bán tự vi sư”. Hai ba người họ mang Khổng Nhàn đi chôn ở một nơi được nhà nước chỉ định. Một đứa đào huyệt chẳng may cuốc phải một quả mìn khiến tứ chi chịu tàn phế một tay một chân. Tiếng nổ như trời gầm, thảng thốt, cảnh vật chao đảo trong sát na, tự dưng mà hiện ra ngay một mộ huyệt sâu đen chẳng cần hì hục với cuốc xẻn, chỉ hơi bất nhân vì đất ấy lỡ thấm qua chút máu thịt tươi ròng. Kẻ nào dị đoan thì ngây người chốc lát rồi liền nhanh tay thắp nhang mà quỳ sụp khấn lạy giữa mông muội gò đồi hoang dã. Kẻ ấy nghi ngại: Hay là chúng ta đã lỡ tay phạm tới long mạch đầy uý kỵ? Khi vùi thây Khổng Nhàn xuống hố nông, lấp đất xong, đặt tạm tấm bia lên, từ rừng sâu có con chim lông vàng đến lạ, bay ngang cất tiếng kêu dị thường, cung bậc nghe buồn đến xiêu hồn bạt vía. Kẻ tin vào chuyện hoang đường lại chắp tay: Phải chăng đó là con oanh vũ mà xưa kia vua Minh Mạng nuôi trong lồng son gác tía để các hoàng phi cung nữ một mực trân quý, khuây khoả chút tấc lòng khi mình rồng thờ ơ chẳng quan hoài tới thân lạnh?

 

Hai người con Khổng Nhàn được người hảo tâm thuật rõ ngọn ngành cớ sự liền hội ý, bao nhiêu tiền của mà chúng ta dành dụm được, cốt lo hậu sự cho cha giờ nên mang ra chi trả viện phí cho kẻ vô phúc bị tật nguyền vô cớ. Một đứa nói, các bác hãy tha thứ cho những thằng con bất hiếu, e rằng cha tôi chết không nhắm mắt được, đã vậy mà khi thực sự xuôi tay vô tình còn gây đau thương hoạn nạn cho người khác, chúng tôi quả vô vàn áy náy và ray rức không cách gì bày tỏ được. Mộ cha cỏ chưa kịp mọc thì nhà nước đang hăm he soán đoạt lấy căn nhà. Tình hình này chúng tôi đành phải bỏ nhiệm sở trong kia, ở lại đây quyết đấu tranh hòng bảo vệ di vật kẻo mang tội với tiền nhân giòng họ.

 

Lên phường, đi ra khu phố, tới huyện đường tất thảy đều có duy một lập luận giống nhau: Mấy anh nên trưng ra bằng cớ, giấy tờ chứng minh có hiệu lực rõ ràng. Bản sao khai sinh, căn cước, chứng minh nhân dân… nhằm nói rõ sự quan hệ giữa hai anh cùng gia chủ. Nguyễn Thức Giả và Nguyễn Tâm Thực mà gọi người tên Khổng Nhàn là bố thì có đáng nực cười chăng? Cứ mồm năm miệng mười ăn nói thiếu cơ sở thì ai tin? Cả hai Thực, Giả thay phiên nhỏ nhẹ: Rõ là các ông không hay biết cha tôi vốn là một học giả, có viết sách nghiên cứu. Và người dùng tên Khổng Nhàn xem như một bút hiệu. Nào khác gì mấy tay đi làm cách mệnh đều thủ riêng cho họ một bí danh, anh Bảy này anh Sáu nọ, đồng chí Mười thành uỷ hoặc chị Chín trông coi hội phụ nữ, cô Năm trước hoạt động nội thành, làm giao liên dẫn người lên Trường Sơn các thứ, một hai ba bốn, số này số nọ nhằm cải đổi số mạng của đứa thấp cổ bé miệng.

 

Cán bộ quát: Muốn bảo toàn bí mật khi hoạt động giữa bao thế lực thù nghịch thì buộc phải thế mới không lộ ra cơ sở, trong khi đứa viết điều ám muội manh tâm phản động mới dùng bút hiệu để che đậy nguỵ tín. Các anh đưa ra dẫn chứng đầy sai trật thế thì không khéo phải cần đi học tập để nắm rõ đường lối thôi.

 

Sách xưa dạy: “Thua keo nầy bầy keo khác”. Giả Thực hôm nay chẳng có keo nào mà bày ra, duy chỉ một cách: Bó tay. Có ông lão hành nghề chạy xe ôm mách nước: Xưa, thầy Nhàn giao du toàn hiền sĩ, người có ăn học mà còn trở mặt quay lưng huống chi phường chỉ quen chung đụng với ám muội, trau dồi cái ác của thú tính. Thời may ngập trong vũng bùn kia còn sót lại một cành sen. Tôi biết chỗ ông ấy quy ẩn, nếu muốn đến thỉnh cao kiến, tôi sẽ thồ hai anh đi.

 

Nhà ở mà trông như am tự. Am tự thường trú thân trong quạnh quẽ, thanh bần. Xe chạy cho nóng máy, gần khét bỏng mới nghe ra tiếng gió đi xào xạc qua lối mòn cánh rừng tre rụng đầy xác lá. Muốn đoạn lìa quá khứ hay lòng chất ngất tâm sự u uẩn đều thích hợp khi sống thở với không gian kia? Chùa chiền vẫn trụ ở ngoại ô nhưng nhà thờ? Giáo đường thích cắm dùi ngay trong lòng phố thị. Người tu hành có nề hà tới sự tác hại của ngoại cảnh không? Ma nữ thoát y đùa cợt diễu hành quanh quẩn gốc cây bồ đề thì bần đạo có nên nhắm nghiền hai con mắt vốn đục bụi trần? Đi vào địa ngục để tìm sinh lộ cho chúng sinh? Thời đương đại này chả còn ai làm chuyện rồ dại tựa thế. Sinh lộ là gì? Hãy chí thú săn bắt ma nữ, hãy xé quần lột áo chúng ra bởi chân lý đã từng hiện tới, thiết thực: Bia đá sẽ mòn, bia miệng bị khoá chặt, bia chai sẽ bể; tất tần tật chỉ còn lại bia ôm. Ôm người á? Chuyện nhỏ! Ta chủ trương ôm thành quả, ôm tài sản, ôm trí tuệ của những kẻ thất thế. Này hiền hữu, chuyện rất giản đơn: Hãy trả công xứng đáng cho bọn tớ chứ, những đứa ngày nào bỏ phố thị nhiều cám dỗ để lên Trường Sơn tu tập. Nhại lời đức Phật nhé: Suốt mấy mươi năm ta nào nói gì, chỉ có AK 47 vang rền mùa xuân đại thắng. Có tín hữu đạt đạo: Ôi còn niềm vui nào choáng ngợp tợ hôm nay!

 

Gia chủ đón khách đường đột tỏ bày thành ý, không phản ứng, đứng tựa kẻ bị điếc. Mây bay loang loáng qua đầu, phong linh làm bằng những thanh tre cưa cụt va vấp phát tiếng, nửa trong nửa trầm đục. Và gia chủ chừng nghe tỉnh thức: Việc kia quả rất nan giải. Khai sinh giá thú chứng chỉ bằng cấp nói chung là giấy tờ thì tôi đồ rằng chúng đã tới hốt đi cùng sách vở ngày nào. Bọn mình giống như vừa từ kiếp trước chợt đầu thai lên, chẳng có quyền lựa chọn. Không cội nguồn, vô căn cước, chẳng còn liên hệ giây mơ rễ má nào cả, toàn cả đặt điều. Hãy tạm an ủi là đời có vay có trả. Trước khi mất, ông cụ của hai anh có trao tặng tôi bộ sách quý. Như có linh cảm, tôi chỉ là đứa tạm thu mà giờ đây vật nên hoàn trả lại chủ, châu về hiệp phố. Theo cách tôi lượng định, nếu tìm đúng bọn lái sách lương thiện, bốn cuốn dày gần ba ngàn trang ấy giá tương đương với năm lạng vàng. Năm cây vàng Kim Thành, chừng đó cũng đủ mua hai chỗ ngồi trên một chiếc ghe mà dong duỗi về phương trời vô định. Tìm sinh lộ trong tử lộ, ván bài đó, theo tôi là hai anh nên đặt cược sự rủi may vào. Phải nuôi hy vọng, chứ còn ở đây ngày nào sự tuyệt vọng sẽ chôn lấp ta.

 

Gia chủ quay lưng, thay vì đi vào gian nhà ẩm thấp ông lại di chuyển ra giữa sân sau khi nhẫm tính từng bước chân. Ông nhìn bóng nắng đọng vũng rồi nắm cuốc cong lưng mà đào xới. Tử thi thì nằm trong quan tài do vậy bốn cuốn sách được gói kín trong vải, liệm cùng bao ny-lông, bao bố, bao đựng cát trước đây của quân đội năm lần bảy lượt bó thây. Bao lâu thì xương thịt sẽ rã tan về với cát bụi? Nhưng sách, do được bảo quản tốt vả lại tháng ngày chưa kịp gấp nếp với thời gian nên chúng chưa bị hề hấn gì. Chúng chỉ lạnh, chúng chỉ thoảng ra mùi giấy cũ, như thầm gửi lời trách cứ về cái vong ơn ghẻ lạnh của chủ nhân.

 

Tôi có cái ba-lô không dùng tới, hãy để chúng nằm vào, đeo sau lưng mà nhẫn nại dọ tìm một nơi xét là được giá. Nực cười, cái tên mà ngày nọ hô hoán đám lâu la, điều binh khiển tướng đi vào nhà soán đoạt toàn bộ tủ sách của bố anh, giờ này nó là người duy nhất đại diện cho thành phố về mặt kiến thức sở học văn hay chữ tốt. Nhà nó lớn rộng, cái gia sản bề thế kia có được e một phần vin vào giá trị của những cuốn sách quý được tuồn đi bốn phương?

 

Thưa, bác kể chuyện này ra hẵng ngầm mang một dụng ý? Tôi nào dám đơm đặt ý nghĩ nào, cứ sợ mắc nhằm khẩu nghiệp. Tuỳ vào hai anh thôi, vạn bất đắc dĩ khi bí lối, thử dùng hạ kế bắn tiếng tới tên ấy xem. Dấu che thân phận, căn cơ nguồn gốc khi giao thiệp với hạng người như nó. Và cầu mong cho hai anh được vạn điều lành, thoát được ra ngoài những trùng vây oan nghiệt. Trong nhà tôi có lập riêng một bàn thờ chưng ảnh của cha anh, trước khi chia tay hãy nên vào dọn lòng thắp cho ông cụ ba cây nhang. Hai anh từ bỏ được chốn chôn nhau cắt rốn này e ông cụ cũng có đôi phần hả dạ.

 

Giả Thực lên đường, nhẹ gáng hành trang, chỉ gùi đi cái xác thân luôn tơi tả khốn cùng. Tâm nguyện khấn vái trước nấm mồ hoang dại, rằng những mong phù hộ cho chúng con đến được bến bờ tự do, chừng nào an ổn kiếm được bộn tiền sẽ cố gắng trở về tu sửa chỉnh trang chỗ cha nằm ngó có chút khang trang nhằm chứng thực nơi an nghỉ của một học giả suốt đời chỉ biết vùi đầu vào sách vở, học lấy và thực hành những điều hay lẽ phải.

 

Người ta định được ngày trời yên bể lặng, tính luôn cả đêm đen như mực, trông cá cá lặn trông sao sao mờ. Tính là tính vậy nhưng xưa nay hoàng thiên vô nhãn, nhân định đâu có tài cán gì để thắng thiên, sức người làm sao từ sỏi đá biến hoá ra cơm? Thuật ngữ đời thường kêu bằng bể mánh. Ghe chưa vô bờ, bãi đã “lộ hàng”. Súng tiểu liên bắn chỉ thiên cắt từng vệt đỏ tán loạn mù trời, hù doạ đã nư để sau đó lôi dây thừng ra trói xâu hơn chục cá bị mắc cạn, ngoi ngóp, trầy vi tróc vảy, mắt ươn, hả miệng ngáp. Phản bội tổ quốc đem vào tù ngồi chung với tội nhân hình sự, bỏ quên tục ngữ cá mè một lứa. Nói cũng đúng, cá sông hồ bạc phước hèn mọn đâu bằng cá vẫy vùng ngoài trùng khơi. Xêm xêm coi sao đặng! Dứt khoát hổng ô-kê Salem.

 

Không biết chân đi tháng ngày bên ngoài bốn bức tường câm nín. Vô thời hạn. Giả Thực ngồi bó gối, không có mây trời để ngắm. Nỗi buồn cũng chẳng tồn đọng để vui tay gãi háng dái lăn tăn. Thực nói với Giả: Xét cho cùng, xã hội bên ngoài toàn chứa chấp bọn vô học cũng đúng thôi. Giả nhăn mặt: Lại nhớ tới câu “sách vở ích gì cho buổi ấy” à? Không, đang nhớ lại lời cha từng dạy: Sách vở luôn là người bạn tốt, nó không bao giờ biết phản bội mình! Cha ơi, chúng con đã bị sách vở phản bội. Chúng con đi theo đường mòn mà cha nhọc nhằn bước qua. Cha buồn đau đổ bệnh vì họ tới giải phóng sách. Tụi con tù tội vì… Nếu không có bộ sách quý để đổi mua lấy hai cái vé… Ra đi chân thẳng cẳng dùi, thương cha mả lạnh ngậm ngùi phận con.

 

Ngoài song ngục thất có thoảng bay chút mùi thơm cồn cào. Nghe hai cán bộ kháo: Lâu lắm mới tự bồi dưỡng được một nồi cháo thịt chim, nhiều chất đạm, ngon ra phết. Bạn tù trao thông tin: Nghe kể đêm qua có con chim lông vàng đến dị kỳ từ đâu bay về đậu bên bệ cửa hót tiếng trầm như giọng người than van. Chim kể lể chẳng dài lời bởi viên đạn từ súng bắn hơi của một chú công an găm vào ngực, đứt hơi. Chim ơi ta bảo chim này, rừng sâu không trụ mày bày cháo oan!

 

Hồ Đình Nghiêm

http://www.gio-o.com/HoDinhNghiem.html

 

© gio-o.com 2018