HỒ ĐÌNH NGHIÊM

 

HOA DĨ TẶNG SỞ UÝ

 

 

tản mạn

 

 

 

Thuở ấy, năm Một Chín Sáu Ba không chú thích ngày tháng, những bài thơ dài ký tên Thanh Tâm Tuyền đọc thấy các tiểu đoạn khác lạ:

 

mưa bên kia sông mưa nửa dòng nước

ta thương cô mình như bước nhớ chân

……

 

hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao

đêm hôm qua mưa luồn mái dạ

mưa ngủ cùng những kẻ cô đơn

bao nhiêu xa cách không bằng giận hờn

đừng giận anh em hỡi mưa trời còn thương anh.

 

Ở nguyệt san Vấn Đề (số 10, tháng 1&2, 1968) đăng bài “Tặng Phẩm” (cũng dài) với đoạn cuối chừng như mưa-thức-cùng-những-kẻ-cô-đơn:

 

đi xa đi xa

và thấp giọng xuống

mày còn món tặng phẩm

món tặng phẩm đớn hèn trên tấm thân mang hiến

cái chết vội vàng như quả rục

cái chết tan tành như tiếng kêu.

 

Thời gian tuy xưa cũ, chịu nhiều biến đổi nhưng nào xoá được những “bước nhớ chân” mà nhà thơ để lại dấu vết. Lục bát của Viên Linh dạo đó, trông lại có thể gọi là cũ chăng? Bài “Dấu Tích”:

 

Lệ tôi dấu tích tôi mòn

Lên cao tiếng biển xưa dồn ngón tay

Xuống rồi quẹo ngả nào đây

Quán thưa buồn tạt bụi đầy ghế con

Ra rồi dốc đá chon von

Trông trường giang rộng nghĩ còn quanh co

Thôi qua con lộ sương mù

Hồn im nghe chiếc xe đò về không.

 

Thấp giọng xuống, ghi lại để nhớ một lối đi cũ mà chẳng phân trần, nói năng. Cao Bá Quát có hai câu hay, cô đọng:

 

Mười năm xuôi ngược dọ hỏi cốt tìm cây gươm cũ

Một đời cúi đầu chỉ vái lạy trước hoa mai.

 

Hành động cúi đầu (một bên là hoa mai) được Quách Thoại triển khai thêm qua bài “Hoa Thược Dược”:

 

Đứng yên ngoài hàng giậu

Em mỉm nụ nhiệm mầu

Lặng nhìn em kinh ngạc

Vừa thoáng nghe em hát

Lời ca em thiên thâu

Ta sụp lạy cúi đầu.

 

Quách Thoại (1930-1957) từng được nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (1936-2006) viết tặng:

 

Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng

Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời.

 

Cũng Thanh Tâm Tuyền, khi phụ trách phần mục “Âm Bản”, những ghi nhận hàng tuần ở báo Khởi Hành (1970), từng viết: “Thơ nẩy ra làm nên những nhịp thở, những phút sống ngay chính lúc đó. Văn chương không “làm” ra cái gì hết. Văn chương chỉ là sự ghi chép. Có chăng chỉ là những tín hiệu của một đời sống ở đâu ngoài những câu kệ tan nát”.

 

Và một đoạn khác:

 

“Có lẽ văn chương là sự quy chiếu. Trong văn chương có thể có một chút hơi thơ nào đó nhưng không bao giờ văn chương trở thành thơ như người ta mơ ước. Văn chương phát sinh để sống cuộc đời của riêng nó, nó có nghĩa của nó. Cái nghĩa của tấm gương vỡ, cái nghĩa của một tham vọng, cái nghĩa của niềm bất hạnh, cái nghĩa của một chứng bệnh… Nói chung, mắc văn chương là mắc chứng bệnh lèm bèm”.

 

Mấy mươi năm tan tác rách toạc phận thăng trầm, buồm tơi tả trôi được sang chốn này, bài học Pháp văn đầu tiên cần thông hiểu: Donc pense pas trop. Les réponses sont déjà là. Pis t’as pas besoin des questions. Chớ suy  diễn nhiều. Câu trả lời nằm sẵn đó. Đâu cần phải truy vấn.

 

Lại nhớ tới hai câu ca dao (thử tối tác tiếp hai câu xem sao):

 

Đói lòng ăn nửa trái sim

Uống lưng bát nước đi tìm người thương

Hoa bên đàng gửi mùi hương

Ăn thêm nửa trái hoang đường đói no.

 

Đôi lúc người thương mang nhiều dung mạo, cuộc lữ do vậy cứ kéo dài. Cần lận lưng một lá bùa người xưa truyền đạt:

 

Thoắt sinh ra thì đà khóc choé

Trần có vui sao chẳng cười khì.

 

Rõ là Đông Tây đã gặp nhau giữa giao lộ nhiều gió bụi: Chớ suy nghĩ lao lung, hà cớ gì phải thêu dệt thắc mắc này nọ. Như kiểu khi đói tại sao lại chỉ ăn nửa trái sim, nhỏ rứt, nhỏ thua đầu ngón tay út? Thấm béo gì? Nước cũng chỉ dè xẻn uống. Có phải thực sự nhằm tô vẽ giá trị khẩn thiết việc đi tìm người thương? Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua là bởi thế. Khóc choé rồi cười khì, đó là biểu cảm của niềm hạnh phúc. Trẻ lên mười cũng tường. Nhưng phải đến tuổi tròn trăng, lòng người mới đón nhận ngỡ ngàng, sửng sốt, bàng hoàng, ú tim khi đối mặt với một vẻ đẹp mà đời rộng lòng dâng hiến. Hạng người nghệ sĩ là kẻ tự nguyện đứng ra vác thập tự giá, nhịn đói nhịn khát cố tìm thấy “người thương”. Thương người muôn năm trường cửu. Như quá vãng nằm đọng ở nét bút Đinh Hùng:

 

Chưa khuất đầu non đã cố nhân

Người ôi! Cho núi chuyển theo gần

Vầng trăng mười bẩy rưng rưng nhớ

Con nước đầy vơi lệ thuỷ ngân.

 

Không chuyển núi được gần thì có nên cực lòng đơm đặt một dấu hỏi: Thị hiếu đã đổi thay? Thời cuộc có tác động vào? Người thời nay làm thơ nặng cả lý trí? Xin thấp giọng xuống: Cái-chết-vội-vàng-như-quả-rục. Cái-chết-tan-tành-như-tiếng-kêu.

 

Người làm thơ thời nay đứng giữa hai đầu nỗi nhớ? Một: Có đáng cho anh tốn công làm thơ mông lung vô thưởng vô phạt khi quê hương sắp mất? Hai: Anh “căng” quá thì sợ khi về thăm nhà sẽ bị “đứt dây”? Nếu cắc cớ mọc thêm con số 3? Quá tam ba bận? Ba: Thơ hay là gì? Vấn nạn ấy vẫn là điều nói mấy cũng khôn cùng (chớ mắc chứng bệnh lèm bèm). Bất khả tư nghì? Sợi dây nối dài hoài mà gàu vẫn chưa chạm mặt nước lòng giếng sâu. Tiếc công không?

 

Trần có vui sao chẳng cười khì?

 

Buồn mà chẳng tài nào khóc choé.

 

Thư bất tận ngôn.

 

Thặt hăm thệ tin nội!

 

 

Hồ Đình Nghiêm (người nước huệ)

Mộng lệ xứ, cầy niên, tam nguyệt, thập bát nhật.

 

* những tư liệu về báo xưa được dùng trong bài đều vay mượn từ nguồn sưu tập của http://huyvespa.blogspot.com/

 

 

http://www.gio-o.com/HoDinhNghiem.html

 

 

© gio-o.com 2018