Hà Cẩm Tâm, người vẽ đời sống

Nguồn: Vietmercury.com

Nếu không có những bằng chứng hùng hồn trên những vách động âm u của thời cổ thạch khí, không ai dám đi đến kết luận con người (họa sĩ) đã để mắt, đã học hỏi (vẽ) về ngựa từ lâu lắm rồi.

Ngựa đã đi rất gần với người từ hoang sơ đến nay, từ tiền sử đến lịch sử (hậu lịch sử?), từ Đông sang Tây, trong chiến tranh lẫn hòa bình, giữa sống và chết. Bằng nhiều ngõ ngách khác nhau, hình ảnh loài ngựa đã đến và ở lại cùng với hình ảnh loài người. Chân dung người, chân dung ngựa không thể thiếu nhau. Đời ngựa, đời người gần như một. Nói về ngựa, nhắc đến người (hay ngược lại?), từ vô danh cho đến hữu danh được biết tới ở Tây phương như Leonardo da Vince, Donatello, Rubens, D. Velazquez, Delacroix, Gericault, N.E. Sverchkov, F. Remington, Degas, Toulouse-Lautrec...

Ở Đông phương có họa sĩ cung đình Hàn Cán (Han Kan) đời Đường (vua Minh Hoàng nổi tiếng với tàu ngựa 40 ngàn con) hay gần đây hơn là họa sĩ Từ Bi Hồng (Xu Beihong, 1895-1953).

Ở Việt Nam, ngựa đã đi thẳng vào huyền thoại từ thời lập quốc (chuyện thánh Gióng, ngựa sắt). Trước 1975 ở miền Nam, ngựa xuất hiện trên hầu hết các ấn phẩm văn học nghệ thuật, trong các phòng tranh. Nhưng người thể hiện chân dung ngựa nhiều nhất trong tác phẩm mình, người ăn ở thủy chung nhất với bóng dáng ngựa trên khung vải, không ai khác hơn họa sĩ Hà Cẩm Tâm.

Ông nói nhiều lần (trả lời phỏng vấn, viết tự truyện) ở đâu đó câu chuyện của cậu học trò từ tỉnh Đồng Tháp về Sài-Gòn theo học vẽ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật đầu thập niên 1950. Cách nói (viết) có thể khác nhau nhưng đại để, chàng trẻ tuổi đó sống trong một gia đình nấu cơm tháng cho sinh viên trường Mỹ thuật. Nơi chàng ở cạnh một bến xe thổ mộ, một bến tắm ngựa, nằm phía sau Viện Ung Thư ở Gia Định. Hình ảnh còn theo đuổi anh cho đến bây giờ, khi nhớ lại, là những con ngựa bụng tròn, chân ngắn, gồng chở những chuyến xe đầy ắp người, hàng hóa, gò mình trên những dốc cao, bị la hét, bị đánh đập. Anh chứng kiến nhiều con ngựa đáng thương hại đó ngã quỵ, mắt trợn trừng, sôi bọt mép. Anh bắt đầu vẽ ngựa từ những chấn động mắt thấy, tai nghe đó trên những khung bố của các bài vẽ cuối tuần dành nộp cho lớp học sáng thứ Hai.

Hà Cẩm Tâm không chỉ vẽ ngựa, ông trả chúng về với đồng cỏ mênh mông, với đất trời rộng, với một đời sống khác, với thiên nhiên và tự do.

Điều vừa nói đi qua một quá trình nghịch lý. Con người và thiên nhiên là hai mặt của quá trình đó. Sinh vật mang tên người không thể vượt trên thiên nhiên nếu không thể biến đổi, và làm chủ thiên nhiên ấy. Văn hóa thành hình từ cuộc đối kháng với thiên nhiên. Thế giới chỉ hiện hữu theo một cái nhìn nhất định từ thế giới loài người. Cái nhìn đó lại không giống nhau ở mỗi thời đại. Trong mỗi thời đại, cái nhìn đó chưa hẳn đã như nhau. Một Hà Cẩm Tâm khác thời nay có thể trước cảnh khai thác thiên nhiên (loài vật, ở đây, ngựa) tàn bạo đó sẽ gia nhập vào hội bảo vệ loài vật. Một Hà Cẩm Tâm chúng ta vẫn biết, như một họa sĩ, đã làm khác hơn. Ông xây dựng một thế giới hình ảnh hợp với nhân tính hơn, gần với thiên nhiên hơn. Thế giới dưới mắt ông, trước sau, hoàn toàn lý tưởng, và một cách nào đó, không thật. Ông hư cấu chúng trong ý thức phản kháng với hiện tại, với thế giới không còn nhân tính ông đang sống. Trong chừng mực nhất định, ông biết con người không thể chinh phục thiên nhiên nếu không thể hiện quyền làm chủ thiên nhiên ấy theo phương cách riêng của mình. Ông có phương cách riêng của ông. Trên mặt phẳng hai chiều của màu sắc và hình thể, thế giới đó là hiện thực của ước mơ.

Trả lời phỏng vấn của nhà văn Lê thị Huệ, "Tôi nói ngựa và đàn bà giống nhau là giống về cái đẹp của hình dáng và đường nét, cái giống về bản tính siêng năng, chịu đựng và nghĩa tình..."

Và ông cũng thú nhận trong một thời gian khá dài "nhìn đâu tôi cũng thấy ngựa." Và như thế Hà Cẩm Tâm đã không chỉ vẽ ngựa, ông nhân cách hóa, nhân hình hóa chúng. Một cách khác ông vẽ ra thế giới của loài người, của đời sống con người.

Ở Hà Cẩm Tâm, thế giới ngựa đã là thế giới người. Kết bạn, đùa giỡn, rong chơi, ngắm trăng, tắm nắng... là một trong nhiều góc cạnh của cách nhìn đó. Tranh Hà Cẩm Tâm chạy nhảy, ngụp lặn trong vòng tục lụy, oan khiên của ngựa và người.

Ông cũng không đứng lại lâu ở bất cứ một thể nghiệm hình thức hay màu sắc nào. Ông có thể hiện thực ở nơi này một chút, trừu tượng chỗ kia một chút. Ông ghé vào ấn tượng, rồi bước qua hỏi thăm siêu thực. Ông Đông phương rồi Tây phương. Ông nóng nảy bực bội một chỗ, lạnh lùng băng giá chỗ khác. Ông vui và buồn trong từng chỗ riêng. Với chất liệu sơn dầu là chính, ông sống lâu bền nhất với phong cách lãng mạn của mình.

Hà Cẩm Tâm đã đến và ở với chúng ta trong đời này khá lâu. Ông không vẽ ra bất cứ một đời sống nào mà vẽ ra một đời sống lẽ ra phải có như ước mơ. Chúng ta (tôi) sẽ còn nhớ mãi ông có khi cũng chỉ vì vậy.

Trở lại với chúng ta lần này, phòng tranh "Ngựa Vờn Nắng Hạ" của Hà Cẩm Tâm tại Fellowship Gallery (số 111 Church St., Los Gatos, CA 95030) sẽ khai mạc lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật 29 tháng Năm.

Có lần ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn, "Tranh tôi thường là do bạn bè và khách xem tranh đặt tên."

Vậy hãy đến xem và đặt tên tranh dùm ông một lần nữa trong dịp này.

Lâm Văn Sang

bài của Nguyễn Việt Trình, Hà Cẩm Tâm và cuộc triển lãm tranh “Ngựa Vờn Nắng Hạ”, trên calitoday.com