ÔI  KỶ NIỆM,  mi làm ta ngộp thở .

Họa sĩ  TRẦN  QUANG HIẾU ( 1938- 1985) ,  PHÙ SA TUY ĐỤC MÀ TRONG. 

Hà Cẩm Tâm, tản mạn

Sadec, một tỉnh của miền Hậu Giang  Nam bộ, cũng có tên là Sa Giang, bánh phồng  tôm Sa–giang, hũ tiếu Sa-giang, bánh bao ông Cả Cần, cải lương chi bảo bà Năm Sa Đéc ( phu nhân của nhà văn chơi đồ cổ Vương Hồng Sển ), nhà Mỹ thuật Thủy Tiên nơi tập trung của các tay nghề lão luyện, của các thợ mã cừ khôi của vùng Hậu giang và từ Bắc vào, từ Huế  vô,  đã sáng tạo nghệ thuật làm chân dung nổi bằng lụa, đèn sáp với hoa đám cưới, mô hình các xe hoa lộng lẫy, chế các loại pháo bông hiện ra chân dung của các nhân vật lịch sử …  Sadec cũng là chốn địa linh của lực lượng đầu não Phật Giáo Hòa Hảo cũng là nơi đã sản xuất tiểu đoàn 307 của Việt Minh (một ca khúc rất phổ thông sau 1975 nhạc Hữu Trí lời là của thi sĩ Nguyễn Bính  "Ai đã từng qua sông Cửu Long giang sông  trào nước xoáy, lẻ bảy tiểu đoàn lẻ bảy.   Với dạ sắt gan vàng tiến lên lòng son chẳng nan. Trận Tháp Mười,  trận Mộc Hoá vang tiếng đồn với trận La Bang".)

 Sadec là nơi đã sinh ra nhà báo Trần Tấn Quốc, báo Tiếng Dội, báo  Dân  Quyền,  thi sĩ Sa Giang Trần tuấn Kiệt,  họa sĩ Trần Quang Hiếu … Vào thập niên 1945 Sadec là nơi sôi động của các lực lượng cực mạnh và cực hăng,  chém giết xử tử nhau hằng ngày.  Thiếu tướng Chanson ( Pháp) và thủ tướng  Thái Lập Thành  bị ám sát bằng lựu đạn người  tại sân vận động thị xã Sadec.  Phong trào tản cư , phong trào tiêu thổ kháng chiến, đám dân ngu cu đen sống giữa đạn réo bom rơi nhà cháy, Việt minh,  Việt gian, không cơm không áo không nhà bao trùm mọi nơi, tứ phía …

   Những mảnh vườn quít đường,  cam ngọt, soài thơm, mận hồng, mãng cầu, chuối ngự đã hoàn toàn hoang phế.  Thời gian kinh hoàng đó tạm ngưng vào năm 1951.  Trần Quang Hiếu cùng gia đình Thủy Tiên trở về thành phố Sa giang và lên Sài  Gòn thi vào  trường vẽ Gia định , Hiếu đậu Thủ khoa. Trường vẽ lúc đó có tên phổ thông là  Ecole d’ Art sau là trường Mỹ Nghệ thực hành Gia định. Trần Quang Hiếu là học sinh trẻ nhất, 13 tuổi của lớp dự bị  và của toàn thể học sinh trong trường vào niên khóa 1950 – 1951.  Học 4 năm vào tháng 12 năm 1955 Trần Quang Hiếu đi Pháp du học.

Hai người trong cái quán nhỏ vắng vẻ cạnh bờ sông Sadec, vài miếng mồi đơn sơ, một xị rượu nếp than.  Bao nhiêu kỷ niệm từ lúc còn tắm ở truồng, lội qua mò cua bắt cá, ném bùn tung cát phá xóm phá làng, vô đội thiếu nhi Tiền phong nón rơm ngôi sao xanh, mỗi  đứa một cây súng gỗ hăng máu chống Pháp cứu nước.  Ra trường vẽ là nhào vô chiến khu Đồng Tháp 4 tháng rồi trở ra thành.  Trong thời gian ký hiệp định Geneve 1954, thị xã Cao Lãnh là tụ điểm tập trung các ông kháng chiến quân được tuyển chọn để đi tập kết ra miền Bắc.  Biết bao chuyện cười ra nước mắt.  Gặp lại đứa con từ chiến khu ra, trong mười năm xa cách, người mẹ già áo vá quần khâu vừa ngoáy trầu, nước mắt lả chả ngó thằng con trân trân và mời nó ăn … trầu .

   Những cặp vợ chồng quê cặp kè nhau. Các ông chồng hiên ngang tự hào được Bác thương Đảng chọn để về thiên đàng. Cô tình nhân từ Sài Gòn xuống lần đầu gặp người anh hùng  "dạ sắt gan vàng" của trận La Bang cùng bơi xuồng ngắm trăng trên giòng Cửu Long thơ mộng. Cô nhân tình học Marie Curie ngã đầu vào vai người tình lý tưởng thủ thỉ :  "anh nhìn kìa vầng trăng sáng đẹp quá anh  ơi"! Người tình lý tưởng vốn giòng nông dân kiên cường ngó bụi chuối  trên bờ : "Trăng sáng này mà móc đất  bùn vô chưn mấy bụi chuối là buồng chuối sai hết cỡ và trái sẽ bự bằng bắp tay đó em"

 Ông nhạc sĩ nhân dân Văn  Lương,  tác giả bài  "Tía em hừng đông đi cày bừa , Má em hừng đông đi cày bừa"  lúc đó cũng từ chiến khu ra, ôm cây đờn guitare cũ mèm, hồ hởi hát bài : "Mừng chiến thắng ở ngoài  Điện Biên Phủ"  của anh vừa sáng tác rất là phổ thông , theo điệu Rap bây giờ , được toàn thể quí vị đàn bà con nít ông già bà cả thanh nữ thanh nam  hoan hô nhiệt liệt la đòi  "bis bis",  dẫu cho bài hát quá dài và cũng không hay gì  mấy.

  Anh Để là đứa con trai một ,  con trai cưng đi theo Trần Quang Hiếu và tôi vô khu, nay cũng đã trở ra thị xã Cao Lãnh. Ba má của Để từ Saì Gòn xuống tìm con, chửi Hiếu và tôi như tát nước vô mặt hỏi tại sao lại dụ dỗ con trai cưng của họ bỏ nhà ra đi theo đồ quân ăn cướp ..

   Đưa tôi , Hiếu và Để vào chiến khu Đồng tháp là nhà sư Thích Trí Châu trụ trì chùa Tuyền Lâm, Chợ Lớn,  bơi xuồng ba lá bơi lái , tôi bơi mũi suốt một buổi chiều và một đêm, qua không biết bao nhiêu là xóm làng nhà lá vách đất, kinh rạch ngoằn ngoèo hẹp té,  muỗi  từng đám như mây,  đến một  vùng chỉ có trời và nước,  xuyên qua các đầm sen mênh mông thơm ngát dưới ngàn ánh sao. Cả 3 đều tấm tắc khen, ôi thiên nhiên sao mà đẹp quá!  Nhà sư giao liên nói 3 cậu thuộc  thành phần tạch tạch sè ( tiểu tư sản ), có tinh thần yêu nước rất cao.  Vào một mái lá lụp xụp sát bờ kinh cùng ở với một anh tên là ba Xương. Sinh hoạt hằng ngày là đọc các tài liệu về quân ta chiến thắng trên khắp các nơi, ta tiến như chẻ tre, ta thắng như nước vở bờ, toàn dân toàn quân ta đã chung về một mối:  Một mối căm thù , Bác đã nói Nam bộ là thành đồng tổ quốc, miền Nam đi trước về sau,   Bác thương miền Nam không thể nào tả, miền Nam trong trái tim tôi , hãy giữ gìn sự đoàn kết  như giữ gìn con ngươi ..v..v ..

 Những tài liệu học tập được in mực tím – in trên rau câu , chừng 30 bảng là rau câu bị dẹp lép – chữ mất chữ còn, rán nhướng mắt hết cỡ để đọc trong ngọn đèn dầu leo lét như đèn ma.  Đọc muốn mù mắt, nghe muốn điếc tai  trong các buổi học tập tổ,  rồi được bồi dưỡng bằng UTQ ( uống trà quạu ).  Trà là các loại lá cây phơi khô và xấy, vừa uống vừa tưởng tượng khen ngon.  Trần Quang Hiếu quá chán ngán,  chẳng có gì ăn, phải làm bẩy bắt chuột đồng,  nôm cá mò hến thụt hang cua bắt lươn, bắt nhái, ểnh ương, bù tọt, cóc  trong các đêm mưa lớn … mà cũng không đủ ăn vì như là chuột cá bắt mình  chớ không phải mình bắt chúng.  Cái nầy được gọi là "tự lực cánh sinh".  Bỗng Hiếu và tôi mới ngộ rằng món ăn cũng thật là quan trọng.  Hiếu đi qua một xóm quá nghèo làm rớt cây bút máy,  con heo nhào tới nhai rốp rốp, con chó lòi xương sườn ăn từng hột cơm rơi, con gà  mổ từng ngọn lá cỏ không còn hơi để gáy, mỏ mồng xám ngắt.  Hiếu và tôi nhất trí bắt con gà vô tội đó đem lên xuồng bơi ra giữa sông, vặn họng nhổ lông thả trên nước để phi tang dấu vết sát kê.  Đem ra giữa đồng không mông quạnh đào hầm, nướng bằng cỏ khô xong bẻ,  xé nhai ngấu nghiến từ mỏ mồng  cho đến chân cẳng phao câu như hai con cọp đói.  Hai đứa kết luận : gà được  giải thoát và tụi mình được no lòng ở chiến khu Đồng Tháp oai hùng,  nam bộ thành đồng Tổ quố. Tiến lên !!   Tiến về đâu?  Đoàn kết là sống,  chia rẽ là chết . Sống để làm gì?  Chết sướng hơn ! Hể có cái gì vô bụng là cái đầu có câu hỏi,  ngẫm nghĩ đặt vấn đề, chân lý đó luôn luôn thay đổi. Trần Quang Hiếu với tôi có một điểm rất giống nhau là hay diễu.  Khi đi đám ma nhà giàu có trống kèn nhạc Tây chơi bài  "Quyết tiến"  là 2  người cười như điên  hay đang phút trang nghiêm: Chú rể ôm cô dâu trước sự chứng kiến của đại diện Chúa Trời  là Cha Cố. Hiếu và tôi lấy hai tay bụm miệng để ém tiếng cười, chứng tỏ mình là người đàng hoàng trong đám lộn xộn.  Tôi và Hiếu nghĩ đến 2 võ sĩ hạng nặng bắt tay và ôm nhau  trước khi đấm nhau những cú nhá lửa. Người nào cũng quyết chí dành  được phần thắng.  Nhìn ra biển Đông từ thời tạo thiên lập địa, từ ông Adam bà Eva đến những cặp môn đăng hộ đối xứng lứa vừa đôi cả hai đều là những chiến sĩ bại trận, thương tích đầy mình, tiến thoái lưỡng nan ..

   Tôi có rất nhiều người bà con thuộc thành phần tạch  tạch sè bỏ cửa bỏ nhà, bỏ vinh quang phú quý để vào bưng biền chống thực dân cứu nước, chiến đấu hăng say, lập trường vững chắc như kiềng 3 chân, thành tích vẽ vang,  nhưng phần đông đều mắc tội dâm ô, dụ dỗ gái vị  thành niên  hay lấy vợ của đồng chí chánh trị viên đại đội, bắt bồ với bồ ruột của thủ trưởng, và muôn ngàn hình thức  "lãng mạn mà không cách mạng” của nam nữ thường tình.  Ngoài  cái đói bụng, Trần quang Hiếu còn cái đói tình thật là kinh khủng.  Ngàn năm một  thuở mới có một thôn nữ chèo ghe tam bản trên sông, với điệu bộ hồn nhiên, nhún  nhẩy.  Hiếu nhìn theo đắm đuối thèm khát như mèo thấy mở, chép lưỡi hít hà thở than chửi thề lắc đầu bức tóc. Cái tội dâm ô chắc chắn là thằng đàn ông nào cũng bị nhưng may thầy phước chủ, hên xui may rủi bị bắt hay không bị bắt mà thôi.  Cũng như luật chạy xe ở tiểu bang California trên xa lộ là 65 miles/ giờ mà ông bà nào cũng chạy 70 trở lên.  May thầy phước chủ, bị ticket hay không mà thôi

   Trần Quang Hiếu bước chân xuống Paris vào mùa đông 1955.  Lá thư đầu tiên gửi về là than lạnh quá,  cây viết không ra mực.  Lá thư thứ nhì là đang yêu một em Pháp lai Tây ban Nha, biết yêu nghệ  thuật, thuộc dòng dõi hiệp sĩ ( Chevalier ).  Thư thứ ba là hình đám cưới linh đình lừng lẫy.  Hiếu sống y như thơ Trần Dần – Yêu nói yêu , ghét nói ghét, thích nói ,không ưa là không thèm chơi.  Đàn bà con gái nào có chút nhan sắc, có chút tâm hồn là Hiếu tha thiết  yêu và xin cưới ngay.  Phần đông là được chấp nhận nhờ vóc dáng đẹp trai,  da ngâm tóc quăn dợn sóng, to con, văn võ song toàn, tính hay diễu và hứa đủ điều tuyệt luân thiên đế.  Trong hai năm sau, Hiếu chu du khắp Châu Âu đi Algerie , Maroc, Tahiti, mỗi nơi có ít nhất là hai người  vợ.  Tổng cộng trên dưới mười lăm vợ và gần mười đứa con!   Rồi trở  về Việt Nam triển lãm tranh và cưới thêm năm bảy người vợ nữa.  Đây là chuyện có thật 100 % , những người đàn bà xấu,  tốt số này còn sống ở  Việt Nam và khắp nơi trên thế giới ( không tiện nêu tên ra đây ).   Lúc Hiếu về Sài Gòn cũng là lúc ông Trần Văn Hương tranh cử chức Tổng Thống . Cái Logo của liên danh ông Hương là  Vẽ người gieo giống, nên các bạn thân đặt nickname của Hiếu là "Người Gieo Giống". Mấy bà ở nhà quê lên gặp Hiếu, nghe tình trạng gia đình như vậy, có bà nói một cách rất thật thà và đơn giản là  "Heo nọc" . Heo nọc là loại heo cực khỏe, to con lông lá xù xì như dây kẽm, hiên ngang lừng lẫy nòi giống Yorshire thuộc đại cường Anh Quốc.  Cái “job” chính của chàng  heo nọc là chỉ ăn uống đầy đủ cho cường dương tráng thận để đi gieo giống. Chân cẳng Yorshire phải xiềng bằng dây xích loại lớn, các loại lòi tói thường tình là bị chàng ta cắn xé chà đạp nát tan khi nổi cơn dâm.  Mỗi lần  có một thân chủ nuôi heo nái nào muốn đến thỉnh hiệp sĩ Yorshire đến truyền giống thì phải báo cho bà chủ hiệp sĩ biết trước ít nhất là vài tuần lễ, vì trong một quận chỉ có chừng 3,4 chàng heo nọc.  Trước khi đi gặp nàng công chúa Nái làm tình, hoàng tử nọc được bồi dưỡng mười trứng gà tươi và soda là bửa ăn sau cùng.  Trước đó một ngày là ăn toàn lúa gút đầu mùa khoai tây Dalat , cám nhuyển gạo thơm, cớm dẹp trộn dừa ...

 Chiếc xe đến rước tân lang là chiếc xe lam loại xe chở mười bốn hành khách được dọn lau sạch sẽ . Cả nhà bà chủ Yorshire trân trọng mời "chàng" lên xe, chỉ một mình tân lang và bà chủ Nọc.  Có khi chàng ta làm eo làm xách dùng dằn như muốn trở lui thì cả nhà phải dùng bạo lực: người trước lôi cẳng người sau đẩy đít, la lối hò hét đậy trời, chàng heo nọc ta mới đầu hàng.  Lên xe còn dùng hết sức chống lại với cái xiềng sắt kêu lẻng kẻng, làm cho mọi người điếc tai, long ốc !

 Đến nơi, cả nhà nàng heo gái đã thức dậy từ khuya tắm rửa sạch sẽ cô dâu, trân trọng tiếp rước chàng heo nọc đến ban phước lộc.  Bước từ sàn xe lam xuống đất trên miếng ván dầy, chàng Nọc bị trượt chân, mọi người đều ồ lên lo cho Nọc bị sướt chân mà tổn thương đến  thân ngọc ngàn cân. Heo nái được dẫn tới để làm quen trước khi vào cuộc mây mưa, nọc ta ọc ọc sấn tới làm nái quay lui.  Được vỗ  về năn nỉ của ngưới chủ nái bằng lòng cho nọc làm chủ tình hình . Nét mặt lo lắng của hai bà chủ nọc và nái buồn cười không thể tả.  Nổi lo lắng lây sang các người nhà kể cả bà già con nít.  Hai đàng trai gái nơm nớp trong lòng, mong được như ý để sản xuất một bầy con đẩy đà mạnh khỏe . Nọc ta loại tây, hăng máu, lụp chụp trượt ra trượt vào mấy phen.  Bà chủ Yorshire có nhiệm vụ là phải đến sát cuộc tình, lấy tay mình cầm của quý của Yorshire để trọn vào, cả hai nguời chủ heo dán sát mắt vào quan sát tận tường từng giây.  Bà chủ heo Nọc bảo đảm có kết quả tốt 100%. Money back guaranty !.  Mọi người tan hàng trong niềm hân hoan vô bờ bến.

 

Mỗi lần tôi và Hiếu gặp nhau là nói toàn chuyện NamTào Bắc Đẩu rồi cười bò càng như hai đứa con nít.  Má tôi nói bộ hai thằng này điên hay sao ?.  Khi vui vui ngộ,  khi buồn buồn điên . 

    Thâý  Hiếu lúc nào cũng uống rượu Má tôi hỏi  "Sao thấy con không uống nước" . Hiếu nói  "Bên Tây không có ai uống nước hết bác ơi !”  Các chị tôi cũng lấy làm lạ khi gặp Hiếu  tôi  vui như ngày Tết, còn gặp các chị tôi chẳng nói chẳng rằng, toàn là càu nhàu cau có nhăn mặt nhăn mày rất ư là khó chịu .

   Trong lối sống bừa bãi bồng bột mà người đời cho là vô đạo đức của Hiếu tôi đã bắt được một cái vô cùng hiếm quý mà ít ai có được, đó là sự thành thật và cái tài hoa chơi hết cỡ và làm việc hết mình, đam mê tột đỉnh.   Sức sáng tạo của Hiếu thì không thể nào tưởng tượng được: vừa phóng đảng thiên phú vừa bền bỉ bỏ ngang, ngây thơ từng trải, hạnh phúc oan khiên nô đùa trên khung lụa.  Người yêu tranh nào cũng lạ lùng hồi hộp khi bước vào phòng tranh của Trần Quang Hiếu tại Alliance Francaise lần đầu từ Pháp về Sài Gòn năm 1959. Thường các ngưới du học về, vẽ sơn dầu,  Hiếu vẽ tranh lụa.  Tuy tranh lụa nhưng không mượt mà óng ả như lụa Lê văn  Đệ.  Lụa của Hiếu có những chất liệu ( matieres ) lạ lùng chưa từng thấy từ trước đến giờ.  Nền lụa ẩn hiện những sắc độ đậm nhạt, ấm áp hoặc lạnh lẽo,  hoặc hai tông ấm lạnh, đường nét ẻo lả duyên dáng hay tàn bạo bất ngờ của các thiếu nữ áo dài, mái tóc mịn màng, bảo táp . Tất cả tự nhiên thành cái  ĐẸP  yêu kiều hùng vĩ của  Đông phương, Tây phương.  Cái đặc biệt nhất của tranh Hiếu là tất cả những thiếu nữ chỉ có một mắt.  Một mà hai. Người biết thưởng thức nghệ thuật đều cảm nhận được linh hồn,  tình cảm của người vẽ tranh nồng nàn trên mỗi họa phẩm .

  Trong rừng tranh của  thế giới  Đông tây kim cổ, các họa sĩ đã dùng tất cả các chất liệu, sắc màu, cách diễn đạt cả trăm trường phái, cả ngàn đuờng lối.. Tranh của Trần Quang Hiếu rất lạ, rất riêng, rất bất ngờ, nổi bật trên triệu bức tranh khác, không thể nhầm lẫn với tranh người nào,  không giống với gam màu Van Gogh, không từa tựa với bố cục của Cezanne, không mường  tượng với đường nét của  Modi. Không mơ mơ hồ hồ như   các ông Tổ Trung Quốc. Tranh Trần Quang Hiếu như giữa bầu trời, chỉ một ngôi sao Bắc Đẩu .

 Trong đời có những tên phóng đảng, giang hồ, liều lĩnh, phá phách dọc ngang, ồn ào, im lặng,  nhu mì … Có tay đại dâm như “quỹ râu xanh “ đại ác, như  Tần Thủy Hoàng, đại từ bi như  Đức Phật , đại diễu như Charlot, đại nợ như  Chúa Chổm, đại tiếu như Cống Quỳnh,  đại xạo như đồ Ba xạo … Trần Quang Hiếu đã dùng khung bố làm bầu trời đem tất cả những cái hài hòa, tương phản trùng điệp trong giòng đời ngọt bùi, cay đắng, những hình thái biến động không ngừng của trái tim khối óc hội về thành MỘT, và biến hóa ra cái ĐẸP. Cái độc đáo của Hiếu là cái điên, cái phá.  Phần đông các người xem tranh thiếu nữ một mắt của Hiếu đều nhất trí nếu Hiếu vẽ thêm một mắt thì là tuyệt vời.  Cái kỳ quái ấy,  cái bất thường nầy, cái quái gỡ kia, cái không chịu nổi nọ, chính là thân tâm của Trần Quang Hiếu và  tranh của Hiếu.  Bên trong cái thô cứng sần sùi, nhám nhịt nặng trịch của khối đá vô tri vô ích kia , có viên ngọc hồng ngọc toàn bích ẩn tàng cả triệu năm ánh sáng.  Đôi khi  tôi không chịu nổi tính bốc đồng,  thói quen trồi sụt,  tật mê gái khiếp đảm,  nếp sống khùng điên của thằng bạn nam hải dị nhân,  muốn dộng vô mặt nó bao nhiêu lần nhưng khi thấy nó nâng niu vuốt ve tấm bố, trầm gâm với cái palette màu,  cung cách vẽ tranh của nó, tự nhiên nó hóa ra một người nghệ sĩ thật đáng yêu. Tôi nghe  được sự đam mê rào rạt và sự bơ vơ đáng tội nghiệp của nó và của tôi giữa cuộc đời nhầy nhụa này.

    Trần Quang Hiếu đi Tây vào năm 1955.  Ba lần trở về thăm quê hương.  Lần cuối trở về vào đầu năm 1973. Trong đời tôi chưa thấy tên nào thương Việt Nam bằng tên Hiếu này.  Suốt hai mươi năm, thư từ Paris bay về, không hề nghe Hiếu ca ngợi một lời nào về kinh đô  ánh  sáng,  mà cứ nhắc đến giòng sông đầy bông lục bình vừa nở vừa trôi,  hàng ô môi đẹp hơn hoa anh đào, con heo ụt ịt dưới bộ ngựa gõ, bà già cô đơn trong xóm thơm mùi trầu vôi, thằng nhỏ lòi xương sườn cổ đeo bùa đi lượm từng nhánh củi khô,  con gà tre tiếng gáy muợt mà  vân vân và ..vân vân …

  Tháng sáu năm 1962 lại lục tục trở về Sài Gòn.  Hành lý là mấy chai rượu Tây ngon và mấy cuộn tranh, triển lãm ở thư viện Quốc Gia, Bộ Trưởng giáo dục Ngô khắc Tỉnh cắt băng khai mạc.  Trần Quang Hiếu mặc quần áo dân Thượng du, nặc  nồng mùi rượu, nghiêng ngã giữa phòng tranh toàn complet, ca vạt, áo gấm khăn hoa, thời trang thượng thừa của giai cấp thượng lưu quý yêu nghệ thuật . Tuy sơn dầu, nhưng có bức mới nhìn ngỡ là tranh lụa, màu nước hay phấn tiên mướt mịn nõn nà .  Có bức dầy cộm, nét dao tung phá từng tảng, lớp gam màu nóng chập chùng một đoàn ngựa phi trong lửa, đoàn ngựa bụng tròn chân lùn của xóm chuồng ngựa tỉnh Gia Định, là nơi ăn cơm tháng đi học trường vẽ sau viện ung thư ngó qua là xóm Giá của Trần Quang Hiếu thuở xưa.  Năm mươi bức tranh ngựa và thiếu nữ áo dài , khỏa thân.  Một ông nhà báo của đại nhật báo Sai Gon Daily News hỏi Hiếu thuộc trường phái nào  Hiếu trả lời  "tôi không thuộc trường phái nào cả , đồng thời tôi thuộc về tất cả trường phái !. "

   Jean Paul Croibier,  người phê bình nghệ thuật của nhật báo lớn Journal d’ extrême Orient  hỏi Trần Quang Hiếu đã học được gì trong nghệ thuật tạo hình của Pháp –quốc . Trả lời  "Cám ơn Paris đã gợi cho tôi nhớ thương và quý trọng đến các ông thợ mã ( bây giờ gọi là nghệ nhân ) của quê hương tôi, là sư tổ của ngành nghệ thuật  Đông phương, chính là bậc thầy vĩ đại của Cha tôi và tôi .  Họ đã dạy tôi vẽ, đã dẫn dắt tôi trên con đường sáng tạo, nhất là hết lòng truyền đạt cho tôi SỐNG.  Sống hết mình, hạnh phúc cho tôi và tha nhân. Tôi cám ơn nước Pháp, cám ơn các họa sĩ khắp nơi tụ về Paris, làm cho Paris trở thành trung tâm của nghệ thuật lừng danh thế giới.  Nhờ đó tôi biết được  quê hương Việt Nam tôi là nơi địa linh nhân kiệt. Tôi sẽ đóng góp tài năng mình cho nền nghệ thuật chung của con người."

   Trúc Phương , Thanh Nam, Ngô Tỵ,  Nguyễn Trung,  Hà triều,  Khánh Băng,  Hoàng trúc Ly,  Dương Trữ La,  Sơn  Nam , Kiên  Giang Hà huy Hà,  Hoài Nam … chiếm hết chỗ ngồi của bar rượu . Hiếu diễu :  "Thôi nhậu đi các  cha nội,  vừa phỏng vừa vấn,  ngán chết mẹ."

    Jean Paul Croibier với bài tường thuật cuộc triển lãm và phê bình tranh đăng trang nhất với hình của Trần Quang Hiếu . Hiếu mặc áo tây nguyên  với bộ ria mép rậm rạp như gươm lạc giữa rừng hoa.  Tự nhiên hương rừng gió núi nổi bật,  hấp dẫn hơn hương phấn của thị thành.  Jean Paul Croibier viết một bài thật dài về tranh Trần Quang Hiếu trong đoạn chót :  "Trần Quang Hiếu dùng kỷ thuật Tây Phương bằng bút pháp Đông Phương  những chất màu xưa trong những bố cục tân kỳ của các bức vẽ ngựa. Tranh Trần Quang Hiếu không thể lầm lẫn với các tranh khác.  Những nét chấm phá thần tốc Đông phương của sơn dầu  Tây phương nô đùa trên khung bố phát ra những âm thanh huyền ảo của một linh hồn trầm mặc Đông phương. Trong cuộc tiếp xúc ngắn ngủi vơí họa sĩ,  tôi đã cảm nhận được tâm tình thăm thẳm một niềm xót xa của người nghệ sĩ trong cuộc chiến tranh tàn bạo vô lý trên quê hương mình.  Bên trong ly rượu anh đang cầm trên tay là những giọt nước mắt xót thương cho một dân tộc bị đọa đầy .. Cuối cùng nụ cười ha hả của Hiếu là những nấm mồ của những trẻ thơ vô tội. Tôi đã bắt được  những chấn động thương đau trong bức tranh "Quê Hương tôi"  ( số 45 ).  Tông xanh xám với những gam lạnh thật buồn . Ôi!  cuộc chiến tranh  "huynh đệ tưong tàn" ! Tôi từ giả Trần quang Hiếu giữa tiếng nói cười của hơn trăm người trong buổi khai mạc với một xúc động tận cùng .." Bonjour tristesse !"

    Jean Paul Croibier là nhà phê bình tranh kỳ cựu được mọi người quý mến và tín nhiệm.  Đây là một bài phê bình tranh rất trân trọng từ trưóc tới nay cho môt họa sĩ Việt Nam trên Journal d’ Extrême Orient.  Báo chí Việt Nam chỉ có tuần báo Nghệ Thuật  viết một bài về cuộc triển lãm của Hiếu do Thanh Nam.  Các nhật báo chỉ báo tin Hiếu về từ Pháp làm cuộc triển lãm, vài hàng ngắn.  Chẳng ông bà văn nhân thi sĩ nào viết một lời về Trần quang Hiếu.  Dễ hiểu thôi , Hiếu  không thuộc về một phe nhóm đảng phái nào hết.  Sống bát ngát  như gió thổi mây bay,  miệng sao bụng vậy, chẳng vả lả văn hoa,  bản chất mộc mạc thật thà, chỉ có cái tội là mê gái.  Cái Hiếu ghét  nhất và ghê tởm nhất là chiến tranh.  Hiếu làm một cuộc họp báo nói chuyện về nghệ thuật Việt Nam tại phòng thông tin lớn Saigon,  góc đường Tư do – Lê Lợi , đối diện Quốc Hội . Nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn giới thiệu về những sinh hoạt trong lãnh vực nghệ thuật ở Paris, những thành tích Hiếu đã làm được  ở  bên trời Tây,  thính giả độ 50 người.  Hiếu giới thiệu tập sách nhỏ  " Luận án về nền nghệ thuật Việt Nam" , chân chất tâm tình về những kinh nghiệm, hiểu biết của mình, chính tai nghe mắt thấy,  đánh giá chững chạc có bằng cớ chỗ đứng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam trong nền nghệ thuật tạo hình thế giới lúc trước và bây giờ ..  Cung cách, khung cảnh như một hàn huyên với những người bạn tâm giao, đơn giản thân mật nhưng thắm thía .

     Hiếu rất kỵ các kiểu hình thức làm dáng, quan trọng hóa, chẻ sợi tóc làm tư. Sống thẳng,  ngang bướng hay đùa, thích diễu, nên ít có người thích Hiếu.  Sự tương phản giữa đời thường và thơ văn nhan nhản.  Cái chữ “ nghiêm túc “ để phê bình một phòng tranh thì thật đúng là xấu hay làm tốt,  dốt hay nói chữ.  Hiếu nói :  "Cái to lớn nhứt của ông Hoàng đế thi ca Nguyễn Du là câu chót trong truyện Kiều,  chỉ là cuộc chơi, mua vui cho thiên hạ, có chi đâu mà làm quá lố, mình không vẽ, không viết, đâu có ai chết chóc gì. Có khi làm cho người ta rắc rối thêm.  Đi xem triển lãm, vợ thích bức này, chồng thích bức kia,  chiều ý vợ mua tranh về không thèm coi.  Cao hứng ông viết : nhất là ông đây,  khi hết gạo ông lại đổi ý: nhất nông nhì sĩ. Cái lưỡi không xương , cây viết muôn đường, nói sao chẳng được . Thành ra có con mẹ gì đâu! Cứ vui chơi cho đến hết thở,  có mợ chợ đông, không mợ chợ vẫn đông như thường .” .

   Hiếu sống  theo cái "xì- tai" đó, chịu thì chịu không chịu thì thôi .

 Sực nhớ trong lần họp báo ở phòng thông tin ngang Quốc Hội có một ông chánh sự vụ của bộ thông tin  (tôi quên tên) hỏi Hiếu : Phòng tranh của họa sĩ bức tranh lớn nhất là   "Quê hương tôi" màu sắc buồn thảm cảnh vật thê lương, họa sĩ cho biết tâm tư muốn diễn tả gì trong "Quê hương tôi" . Trả lời: "Chiến tranh.  Chiến tranh làm cho quê hương tôi điêu tàn, hiu quạnh như nghĩa trang. Tôi vốn không thù ghét ai, nhưng tôi thù ghét chiến tranh.  Bên này Quốc gia, bên kia Cộng Sản, mỗi bên yêu Tổ Quốc môt kiểu, xâu xé chém giết anh em, đọa đày nhau cả mấy chục năm làm cho  Mẹ Việt Nam chết luôn mà vẫn chưa hả dạ." "Xin cho biết lập trường của Họa sĩ ?"  "Lập trường của tôi là yêu hòa bình, ghét chiến tranh. Tôi quyết tâm đóng góp cho nền hòa bình, cho con người, những con người thấp cổ  bé miệng những em bé xó chợ đầu đường, những bà già mang chài mang lưới ."

  Sau buổi họp chỉ một vài bạn ngồi lại với  Hiếu.  Tất  cả đều tan hàng một cách thầm lặng, sợ bị họa lây . Hiếu nói: "Được sống sót tới giờ phút này trong cuộc chiến tranh  khủng khiếp nhất của trái đất là quý quá trời rồi,  mình phải nói  lên điều đáng nói , có chết cũng sướng !" ( năm đó Trần Quang Hiếu đúng 24 tuổi ).

 Tôi thích Trần Quang Hiếu vì hắn ta có rất nhiều người trong hắn.   Ngây thơ già dặn, vô tư khôn ngoan , thông minh vô minh, cười đó khóc đó, ngồi một đống ngơ ngơ không nói không rằng, lúc múa may quay cuồng kể chuyện Tây chuyện Tàu bô lô bô la, bất cứ chuyện gì Hiếu kể ra, câu kết cũng thành  ra diễu cợt. Mấy ông bà quan trong nghiêm túc đều cho anh ta là một thằng khùng . Ai khùng hơn ai ? Who knows!

   Trong một đêm trăng sáng ở Đồng Tháp  Mười  bơi xuồng  ba lá đi chơi trên con rạch nước trong veo, người chèo là một thôn nữ vốn giòng nông dân, văn học nghệ thuật đối với nàng chẳng liên quan ăn nhậu gì, nhưng nàng thật dễ thương. Hiếu  gặp gái như lân gặp pháo  như gà trống gặp gà mái, nổi hứng ngâm thơ Tản Đà, Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Bạch Cư dị, Lý Bạch, Rimbaud ... vang dội trên nước. Trở về chòi cứ ngồi uống trà quạu, hút thuốc rê một mình, gải đầu gải hông, rồi lấy cây viết bị con heo nhai mà nuốt không vô lúc trước hạ bút:

Có đêm dừng đậu nghỉ sông xanh,

Trăng đẹp người thu ngủ chẳng đành,

Thuyền lặng cùng ta thao thức mãi ,

Nghe sầu vạn cổ dậy ba thành …

Trần Quang Hiếu từ nhỏ đến lớn là người của phố thị, thỉnh thoảng mới về quê chơi, nên chuyến vô bưng biền nầy là lần đầu tiên, Hiếu cùng ăn cùng ở cùng làm với người địa phương. Có lần đứng trên bờ của một cái đìa lớn đầy lục bình hoa tím lung linh,  Hiếu nhảy xuống để hái bông, không ngờ nước rất sâu.  Hiếu bị chìm xuống đáy, cũng may có người chạy quơ lấy cây sào  tre dài đưa xuống cho anh ta nắm leo lên bờ. Hú hồn hú vía! Tôi hỏi tại sao ngu vậy. Hiếu nói "tao tưởng dưới bông lục bình là đất." Người ở nhà quê mỗi lần bước xuống ghe tam bản hay xuồng là tự đông biết giữ quân bình cho khỏi té xuống nước hay chìm xuồng. Mỗi lần Hiếu bước xuống ghe hay xuồng thì một là ngã xuống sông hai là xuồng nghiêng mạnh vô đầy nước rồi chìm luôn. Cả tháng, anh mới có kinh nghiệm. Hiếu là một người rất tọc mạch, thông minh và bạt mạng, nên vài tháng sau là biết bơi xuồng lướt tới, chèo ghe một chèo mà không lủi vô bụi cây, chèo tam bản hai chèo mà không rướn lên bờ ruộng. Hiếu chỉ cho tôi dấu gai đâm, vết cành cây cắt  dấu bầm tím, thẹo còn rướm máu , khắp mình mẩy tay chân như là một thành tích của lao động tốt, trông thật buồn cười. Buổi chiều Đồng Tháp thật đẹp, Hiếu hứng chí lấy ống tiêu thổi bài "Tiêu khúc tràng giang" và bỏ xuống hát : "Đôi .. Khi tâm hồn ta vương vấn , một mối ưu tư không bờ bến .." Tối hợp tổ bị phê bình là lãng mạn.  Hiếu nổi sùng phản ứng lại, bị phê bình là thiếu tinh thần đoàn kết và xây dựng.

  Nhờ trời có hiệp dịnh Genève  tháng 7-1954, nếu không, thế nào nó cũng được lùa vào "diện" dâm ô hay phản loạn . . Hiếu biết rõ : Tụi mình không phải ngu, nhưng bị bên này gạt, kẻ kia lừa, nhân danh tổ quốc , dân tộc , chính nghĩa ..

 Vào gần cuối năm 1962 Hiếu trở qua Paris. Xuống chợ Saigon mua cả đống me dốt, rau ngò om, bạc hà , đậu bắp, ớt, hành hương về dồn một valise đầy. Khi đến phi trường Tân sơn Nhất  "check in" đứt dây bung nắp valise đổ ra đầy trên gạch, phải xúm nhau lượm từng lá rau, hấp tấp cho kịp giờ. Qua tới bên Tây là viết thư về lại nhớ Việt Nam, như là người bị tật cà lăm cứ lập bập bao nhiêu đó. Ờ Việt Nam thì giận đời  nào ai mắt xanh, qua bên Tây thì giận đời nào ai mắt nâu! Lại khen tất cả rau, me chua mua ở chợ cũ về nấu một nồi canh chua trứ danh. Tôi hình dung khi Hiếu trở về Paris sẽ xà quần ngày qua, xà va cần xân như gà mắc đẻ. Năm 1973 lại về Saigon cũng đem theo cả lô rượu và những cuộn tranh, say lúy túy từ lúc ra phi trường Charles de Gaulle đến phi trưòng Tân sơn Nhất, xuống máy bay biểu  taxi  chạy về quận 13 , Paris|. Anh taxi ngơ ngác, Hiếu nhớ lại biểu chạy về quận 3. Xuống taxi lại bị mộng du, tưởng mình đang ở Paris, nhờ thấy chung quanh những nguời đội nón lá, đi guốc lộp cộp, nói năng lao xao tiếng Việt Nam mới biết mình  đang  ở Saigon, nhớ nhà ở đuờng Trần Quốc Toản. May phước gặp họa sĩ Văn Đen đạp xe đạp qua hỏi : "Phải Trần Quang Hiếu không ?" . Hiếu ôm Văn Đen hỏi đường về nhà .

  Lần này Trần Quang Hiếu thay hình đổi dạng một cách khiếp đảm. Mặt mũi khôi ngô đã trở thành méo mó, lưng thẳng ngực phồng đã trở nên lưng tôm ngực xẹp, tướng tá lụm khụm như ông già “ homeless”, tiếng nói rung rung như bị sốt rét rừng. Tôi biết bây giờ thật sự Hiếu đã thành người nghiện rượu nặng . Phút đầu tiên gặp nhau sau 11 năm là kêu tôi ngồi xuống uống "sec" Whisky. Uống vô là mặt mày tươi tỉnh, ăn nói đàng hoàng, đầu đuôi ngọn ngành khúc chiết. Lần này về Hiếu cưới thêm hai cô vợ , một góa phụ đất thần kinh hạ sinh được một quý tử rồi lại thôi nhau đi cưới một cô vợ lolita nhỏ nhỏ tuổi hơn con gái Hiếu ở bên Tây, lại hạ sinh được hai hoàng tử.  Hiếu đặt tên là Phi Tử và Tri Tử. Hiếu làm thơ bút danh là Phương Tử. Người vợ ngây thơ nói thôi anh đặt tên khác đi, tử tử nghe ghê quá .

  Kỳ nầy  Hiếu làm triển lãm tranh ở hội  Việt Mỹ đường Mạc Đỉnh Chi quận 3. Cắt băng khai mạc là ông Nguyễn Phước Thiện  Giám Đốc ngoại viên  công ty Xăng Esso đường Thống Nhất, bạn thân của Hiếu bên Tây .

   Toàn thể là tranh trừu tượng, loáng thoáng bóng hình rùng rợn chết chóc của chiến tranh với những gam màu buồn thảm của bức tranh lớn số 1.  Gam màu đen, xám, lam. Tất cả như bị xóa nhòa trong suơng, tên bức tranh này là "Nước Mắt" .  Các bức tranh khác có tên là những con số. Composition 1 , 2  ,3 … Khách  đến xem tranh khá đông, không khí phòng tranh tỏa ra một đâm chiêu man mác buồn. Không biết từ những gam màu, từ tình cảm của người vẽ tranh lây khách xem tranh hay từ bên trong tâm thức của mỗi người bị sức ép của chiến tranh vây hãm . Hiếu cười nói bình thường nhưng tôi biết trong thâm tâm Hiếu nghe “ sầu vạn cổ dậy ba thanh “ như câu thơ của Hiếu làm cách đây 20 năm. Thấy không khí căng thẳng,  Hiếu lui cui lấy mực đen pha trong một thau lớn và những tấm bố trắng tinh, nói lớn với mọi người  là Hiếu sẽ vẽ bằng chân cho vui. Hiếu để khung bố lên nền gạch, xăng ống quần chân phải với điệu bộ diễu cợt, ngó chung quanh cười như một hài nhi vô số  tội, chấm những ngón chân vô thau mực đen, ấn lên bố lã lướt, ngược xuôi lòng vòng, lui tới nhịp nhàng … Thoắt một cái là hiện ra một con ngựa hoang tung hoàmh trên bố.  Mọi người hả hê vổ tay vui cười như ngày hội. Tôi không thể nào quên được nét mặt dễ thương lo lắng của bà Nguyễn văn Bông, Giám đốc Hội Việt  Mỹ, nhìn Hiếu chỉ đứng một chân , ngã tới ngã lui nghiêng qua nghiêng lại một chân thọc vô thau mực đen ngòm ..  Bà biết Hiếu đang say, mùi rượu nực nồng. Hiếu nhìn bà từ tốn nói: Xin bà Giám đốc yên tâm, tôi có bảo hiểm nhân mạng bên Tây.  Phòng tranh đầy tíếng  cười  tiếng nói xôn xao. Có một bà khách hồn nhiên hỏi  Hiếu : "Sao tranh ông vẽ với màu sắc buồn bã , phòng tranh có một  bức tranh lớn là "Nước mắt"  mà ông lại vui quá vậy ?  "Bà có nhớ lan  huệ sầu ai lan  huệ héo, lan huệ sầu đời trong héo ngoài tươi không ?" "Còn ông sầu gì ?"  "Tôi sầu chiến tranh , sầu anh em ruột thịt giết nhau .."

  NGƯỜI KHÙNG VUI TÍNH

    Hồi thứ .. lâm trào , đây nói về Hoàng thượng  phó Hoàng thượng  và hầu hết văn võ quần thần ở đất Sài Côn  Nam bộ,  vĩ đào vi thượng  ngã, Dao vào đầu nguyệt tứ, niên nhất thiên bách cửu thất thập ngủ. Quân cờ đỏ Bắc phương tràn vào  như nước vỡ bờ từ vĩ tuyến 20 đến mũi Cà lâu của  Đại Ngu quốc.

    Đầu đội bội gà, tay phải giữ chặt bội, tay trái nắm ghi đông xe đạp, hai chân đạp vù vù từ chợ cũ Sai gon về vùng ngã bảy gần tượng Phù Đổng Thiên Vương lạn, vô hẻm 524/ / 5 / 74 đại lộ Phan Thanh Giản. Trẻ con trong xóm reo hò vang dội: ông khùng về, ông khùng về, rồi chạy ùa sau lưng ông khùng như ong vở tổ. Ông khùng hạ cái giỏ gà xuống đất mồ hôi nhuể nhải móc xị đế trong túi quần ực một hơi ngon lành, giơ hai tay chào tất cả con nít và những bà con trong xóm. Lấy tay phủi cứt gà tùm lum trên đầu như phủi bụi rồi bước vô thảo lư biến dạng. Người khùng vui tính  đó là hoạ sĩ  Trần Quang Hiếu giống y như Mozart thời mạt vận đàn piano cho một quán nhậu hiu hắt trong một vùng vắng  tanh  dành cho bọn thảo khấu dừng chân trên đường cướp của, giết người  Trần Quang Hiếu  nghiễm nhiên là họa sĩ của bệnh viện  Từ Dũ của thành phố mang tên Bác. Vẽ toàn âm hộ, bào thai, dương vật bịt cao su hay viết các bảng chỉ dẫn ngừa đẻ hỗn danh là kế hoạch gia đình, thi hành nghiêm túc và khẩn trương theo chỉ thị của Đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa, đỉnh cao trí tuệ loài người .

 Trần Quang Hiếu được vinh  danh đại họa sư Từ Dũ là nhờ ân đức sâu dày của môt ông Bác sĩ sản khoa Việt kiều yêu nước của Nhà Việt nam  rất khâm phục tài năng Hiếu lúc ở Paris. Trong một buổi họp cuối  tuần kiểm điểm công tác, rút ưu khuyết điểm, phê tự phê đúc kết, Hiếu không được uống rượu trong giờ làm việc mùi rượu dễ làm mất năng suất tốt, làm tăng gia tâm lý xấu trong quần chúng bệnh nhân, lại có khả năng trì trệ hệ thống ba chuyên  của nhà nước. Tánh nào tật nấy có chết cái nết cũng không chừa nên đại hoạ sĩ Từ Dũ phải ôm rượu ra đi khi  trời vừa sáng. Lại được một ông thuộc diện B tập kết về, giới thiệu Hiếu trong công tác vẽ trên các nón lá. Ba bốn chục cái, tay vịn chồng nón lá, tay kềm cái  ghi – đông xe đạp , chân đạp vù vù về thảo lư, tay trái cầm ly rượu đế cao ngất, tay phải cây cọ tàu, gật gù phóng bút trên các nón lá. Con nít bu lại xem ông khùng vẽ nón vừa khen đẹp vừa cười hi hí.  Vẽ xong đem nộp cho Thủ  Trưởng. Tưởng được bồi dưỡng chút mồi, nào ngờ bị chê là vẽ không nghiêm túc. Hiếu bỏ đi chưởi thề laị bị phê bình là đồi trụy, hủ hóa, sa đà. Buổi chiều tối nào cũng xà vô xạp bán cơm bình dân trước chùa Bà Đen lai rai vài xị với vài người quen, tâm sự: Cám ơn cái anh hùng vô danh nào đã sáng chế ra hai chữ  đ.m . Nếu không chưởi thề, chắc tôi đã bóp cổ cho tới hết thở luôn ít nhất la vài ba thằng ngu hơn bò , mồm loa mép vải phê phán chỉ đạo đường lối vẽ tranh . Rồi cười hề hề tiếp tục ngất ngư chếnh choáng với ma men.  Lại bỏ việc vẽ theo mẫu mã và đơn nhà nước đặt  hàng, Hiếu dắt vợ trẻ và hai con thơ trở về miền quê Sa đéc, làm bánh cuốn bơi xuồng ra chợ Sa Đec bán. Khách ăn bánh cuốn  đều biết Hiếu là con trai lớn của gia đình Thủy Tiên lúc trước đi Tây du học về nước, tung hoành màu sắc, nên ai cũng kêu: "Cậu Ba,  cho tôi  hai dĩa, đàng kia một dĩa không giá, đàng này 3 dĩa nhỏ cho 3 thằng con tôi đi cậu Ba, nước mắm không ớt. Bán rần rộ được một thời gian lại trở về mái tranh vách lá gõ mõ tụng kinh, mặc áo kimono hoa đào của người vợ bên Nhật gưỉ cho. Cả làng đều biết Cậu Ba nhà sư  mõ khuya chuông sớm, không ăn thịt, chỉ độ cá tôm và rượu đế. Lại mở lớp dạy võ Thiếu lâm và Nhu đạo. Hiếu thuộc lò  Hàn Bái Đường.

 Lúc trước ở đường Võ Tánh, Saigon, bác sĩ Nguyễn anh Tài là võ sư nhu đạo và Nguyễn Oai võ sư  Thiếu Lâm. Lớp dạy võ của Hiếu có trên dưới muời võ sinh. Lệ phí học võ rất nhẹ nhàng và thoải mái. Có thể trả bằng tiền mặt. Tùy hỷ công  đức cúng dường Sư võ hay trả bằng hiện vật như gạo, bột cá, tôm, trái cây hay bằng rượu đế.

 Rượu đế là hảo nhất, nên trong nhà khạp gạp lúc vơi lúc không còn một hột nhưng bình rượu đế trên bàn thờ thì khi vơi khi đầy. Hiếu có khiếu kể chuyện Tây chuyện Tàu, nên đêm nào bà con trong xóm cũng đến đầy nhà để nghe cậu Ba kể chuyện đến khuya lắc khuya lơ và hứa ngày mai kể tiếp nhất là chuyện Tàu, đến hồi gây cấn, cười ba tiếng khóc ba tiếng rồi bèn lăn đùng ra mà thác thì quá sức hấp dẫn … Hiếu có trình độ thưởng thức cao, ví dụ như đi tiêu ngoài đồng dưới bụi chuối thì nghe chim hót, trông bướm lượn thảnh thơi vui thú biết bao. "Nhất quận công nhì ỉa đồng"  quá ư là chí lý. Chỉ tội cho  người vợ trẻ 2 đứa con dại ngơ ngác không biết chồng mình cha mình sẽ đưa gia đình về địa ngục hay thiên đàng bất kỳ lúc nào.

   Cuối cùng rồi cũng bán đổ bán tháo thảo lư yêu dấu bên bờ sông Sa Giang thơ mộng trở về thành phố Sai gon. Sau mấy tháng đứng xớ rớ bên bờ lề cuộc sống đang xà quần,  Hiếu muốn vẽ cho đỡ quẩn  trí, nhưng màu đã hết, bố không còn, nên chỉ cầm cây cọ cùn múa may quay cuồng trên không khí. Cũng may ( hay rủi ), hên ( hay xui ) được nhận vào sở ngoại thương làm họa sĩ vẽ tranh sao chép hay theo yêu cầu xuất khẩu. Bước thứ nhất là phải đi thực tế, tay cuốc tay cọ vẽ các sinh  hoạt ở đồng quê của giai cấp kiên cường, dũng khí, bần cố nông. Trở lại thành phố vẽ các công nhân thành phần cốt lõi lao động tốt, lãnh đạo tài. Xong đem về mỗi họa sĩ nghiêm túc cầm bức tranh lên, biện minh mình vẽ nó trong tình cảm yêu nước kiểu gì, trong hối cải phản tỉnh ra sao, tư tưởng tiến bộ thế nào từ khi được xã hội chủ nghĩa thay da đổi thịt   vv..vv . Ông  nào bà nấy  cũng biện minh trôi chảy hùng hồn, diễn đạt sâu lắng tinh thần tư tuởng thấm nhuần cách mạng  quang vinh.  Có người lại nhỏ mấy giọt nước mắt  cá sấu cám ơn nhà nước đã đưa mình  ra khỏi ngục tù của văn hóa phản động, nô dịch và đồi truỵ.  Ngồi cạnh Hiếu nghe nó lầm bầm xài  Đồng Mark. Tôi viết trong lòng bàn tay mình và khéo léo cho Hiếu coi  "giả  dại qua ải nghe con" . Phần đúc kết của chương trình do đồng chí của viện Mỹ thuật  Hà Nội  phán rằng: "Nói chung các bức tranh chứng minh được tinh thần cách mạng, làm việc nghiêm túc nhưng thiếu Đảng Tính."  Nói xong lấy bức tranh của Trần quang Hiếu, giọng nói sang sảng kiểu đấu tố:  "ví dụ cụ thể như bức họa này đây nhé vẽ các công nhân đang công tác của cục đường sắt thiếu sự hồ hởi, công nhân gầy đét nét mặt mệt nhọc, sự bố trí mất trật tự và u ám trong xưởng chứng tỏ tinh thần phục vụ của công nhân chưa đạt được yêu cầu.  Một bức tranh khác vẽ các nông dân gái đang gặt lúa thì bị phê là màu lúa không vàng tươi , không  diễn tả được sư thu hoạch tốt,  cái phấn khởi kiên cường của Nam bộ thành đồng Tổ quốc.

  Tóm lại tranh phải có Đảng Tính mới đạt được yêu cầu khẩn trương của xã hội chủ nghĩa, phải thấm nhuần, phấn đấu hơn. Có ai mắc mớ gì cho ý kiến."

  Tất cả mọi người vội vàng bước ra khỏi phòng, ngao ngán.  Hiếu vừa chưởi thề vừa lôi một  vài người bạn tấp vô  sạp rượu đế bên lề đường, như lân gặp pháo .  "Mình như con đại bàng đứng trên đầu núi, như con hạc thong dong giữa bát ngát  trời xanh mà nó bắt mình làm con diều giấy,  ràng rịt mình vô một sợi dây, xách đầu mình chạy lấy trớn vòng vòng rồi thả mình lên trời.  Nó ngồi chồm hổm dưới đất  giựt giựt  theo ý nó để chơi giải trí, nghiêng qua đảo lại, tiến tới thụt lùi, chán thì kéo xuống đất chà đạp dày xéo cho vui cẳng . "Một cây làm chẳng nên non.  Ba cây chụm lại vẫn còn ba cây." "Ta về ta tắm ao ta , dù trong dù đục cũng là cái ao" Duy vật biện chứng pháp mà!  3 cây làm sao thành hòn núi cao được. Cái ao là cái ao, không ao nội ao ngoại gì cả."

"Thôi đổi băng di , có tiếng dép  râu hùng hổ  xề xuống ngồi bên kia. Hiếu ngó lên trời ngâm nga : "Sao ngươi không chết ngàn đời ngoài biên ải. Mà về đây với hồn vía xác xơ … Mà . .."

Thấy tình hình có khả năng căng, nên trả tiền, cả bọn lôi ông "thi sĩ" ra đi không bịn rịn. Vào dịp Tết,  sở ngoại thương có làm một cuộc triển lãm tại trên lầu cư xá Thanh Đa về đồ cổ. Phân công Hiếu và các nhân viên đứng gác và giới thiệu sản phẩm quý cho khách hàng . Ông trùm công an Mai Chí Thọ cắt băng khánh thành.  Quý khách tai to măt bự, khách nước ngoài Liên Xô, Pháp  đến gian hàng đồ cổ. Đáng lý  Hiếu phải ca ngợi về cái nôi của loài người về nền văn minh cổ thạch với những  đồ đá có đục lỗ ở Hòa Bình, điểm nổi bật nhất từ kim cổ đông tây chưa hề có, văn minh tân  thạch  ở Bắc Sơn với những đồ đá có đường mương tìm được ở Thái  Nguyên và Lạng Sơn. Đáng lý  phải vinh danh  ca ngợi rằng bước tiến từ thời thạch khí sang thời đồng đen với những trống đồng chạm trổ tinh vi mỹ thuật của nền văn minh kim khí Đông sơn tìm thấy ở Thanh Hóa, cầu Hàm –Rồng,  nhưng Hiếu lại nói hầu hết các đồ cổ ở đây  toàn là đồ giả, là phiên bản. Đồ thật, đồ thứ thiệt  hiện nay đang nằm ở các bảo tàng viện bên Pháp. Nói bằng tiếng Việt lại chêm thêm tiếng Tây một cách thật hồn nhiên như đang ở Paris . Có vài người khách đứng lạ hỏi thêm giả thật ra sao, Trần Quang Hiếu trả lời rành rẻ minh bạch như tay khảo cổ nhà nghề.

  Buổi chiều hôm đó Trần Quang Hiếu được giấy mời lên văn phòng Diám đốc Sở Ngoại thương – lý do sẽ cho biết  sau – Hiếu không gặp dám đốc, dám điếc gì cả mà vui vẽ ra đi không luyến tiếc.

  Đạp xe trở lại các vùng xưa lúc mới vào học trường vẽ Gia  Định, như cầu Sơn, cầu Lầu , cầu chữ U, cầu chữ Y, Băng Ki, cầu Thị Nghè,  bến tắm ngựa, xóm Dình, xóm Chiếu, xóm Giá, xóm Miểu nổi, hàng keo dưới, hàng keo trên, chùa Sư Muôn, Lăng ông Bà  Chiểu, bến xe thổ mộ …  ngồi vẽ .   Những ống màu dầu đã cạn. Vẽ bằng sơn nhà cửa trên những  miếng cạc–tông i-dzô-ren( isorel) hay cạc tông  thường …

  Hiếu thích nhất là câu Ba–Cẳng, hình vòng cung 3 nhánh cao như Khải Hoàn Môn ngự trên ngã ba sông , xi măng cốt sắt phong rêu thiên cổ, dưới rạch là các thuyền ghe đủ kiểu, đủ cở, đủ màu vừa là nhà để ở cho cả gai đình vừa là phương tiện giao thông.  Các chiếc ghe chài khổng lồ chở các khạp, lu, hủ, chậu, bình, chồng chất đầy khoan đi giao hàng khắp nơi, tận miền Hậu Giang xa lắc cả mấy tháng mới trở về bến .Dài theo bờ  rạch là nhà sàn gần xa, lô nhô cao thấp, cầu ván, cầu tre lắc lẻo đi luồn sâu vào các ngỏ ngách hẹp té chỉ vừa một người đi lọt. Trên bờ là vô số các loại đồ gốm: từ cái muổng,  cái chén, tô, dĩa cho đến các lu mái đầm hai người ôm chưa giáp vòng để chứa nước mưa, màu đồng ten xanh như đồ cổ, các khạp da bò đựng gạo màu vàng nâu, vàng đất, vàng anh, men chảy chập chùng như màu đồng thời Khang Hi.

Các trảng đựng nước, chậu trồng hoa đủ cở lớn nhỏ, thấp cao với màu ngà, chất men rạn,  màu men xanh độc đáo của trường Mỹ Nghệ Biên Hoà. Cả vùng cầu Ba Cẳng như một bảo tàng viện là quê hương của dân trường vẽ. Trên thổ mộ dưới thuyền nan, cảnh và người linh động như phim hoạt họa. Từ bà Năm bán sương sa hột lựu, con Tám chè thưng cho đến các bạn hàng buôn gánh bán bưng, mấy anh lực lưỡng phu khuân vác, từ các em bé bé quần xà lỏn lòi rốn ở trần nô đùa trong xóm cho đến các con ngựa chân ngắn bụng tròn kéo xe thổ mộ đều rất là hiền lành và thật là dễ thương. Thế mà người đời gán cho hỗn danh  "Dân chơi cầu Ba Cẳng" là cái loại dân ngoài vòng pháp luật.  Loại dân ghê tởm nhất . .

  Phải thấy tận mắt,  nghe tận tai, sống tận tình mới biết thực hư, mới ngộ ra được cái đẹp. Trần Quang Hiếu đã sống tận tình, vẽ tận mạng, chơi chí tử cho đến phút chót của cuộc đời anh ta. Nó đúng là nghệ sĩ thứ thiệt và chính là dân chơi cầu  Ba-Cẳng .


 Hà Cẩm Tâm