Hà Cẩm Tâm
tưởng mất mà còn
(viết về nhà văn Dương Trữ La)
Tháng 4 năm 1997 về thăm nhà sau 20 năm ở mấy nước ngoài, nước Mỹ là nhiều nhất.
Tôi thăm Sài gòn, Đồng Tháp, Châu Đốc, Long Xuyên. Sẵn dịp làm một cuộc triển lãm cá nhân tại Hội Mỹ Thuật thành phố trong 10 ngày vào đầu tháng 6/1997.
45 bức tranh sơn dầu tôi vẽ tại Sài Gòn trong một tháng. Ý đồ làm triển lãm tranh là để gặp lại những người xưa thân ái. Thực ra trong lòng tôi quá ngán ngẩm về ba cái vụ triển lãm, nào thủ tục thủ tiết, thiệp mời thiệp mọc, đề tài đề xỉu … Cái khổ và không thật nhất là mặt mày phải hồ hỡi hân hoan – mệt muốn hụt hơi từ lúc chuẩn bị đến buổi khai mạc, khiêng vác mấy chục bức tranh khổ lớn như khiêng mấy chục bao gạo nặng ký chạy tới chạy lui chân cẳng rã rời – mà gặp ai cũng phải cười cười nói nói – dù rằng chắng có cái gì để nói để cười – trong buổi lễ khai mạc phòng tranh. Có lúc phải chạm trán với một vài ông bà trí thức hay triệu phú yêu cầu hoạ sĩ giải nghĩa bức tranh họ thích, thì tá hoả tam tinh, muốn qua đời ngay tức khắc cho rảnh nợ trần ai.
Đúng như ý nguyện, tôi gặp lại hầu hết các bạn xưa trước 1975 – trung bình từ 60 đến 90 tuổi, từ các nam nữ học sinh học vẽ với tôi đến các người tình cũ, các bậc Thầy, các đàn anh, đàn chị. Rồi ôm nhau, cười, khóc, im thin thít, nói lung tung, người khoanh chân, kẻ múa tay, quay cuồng, giống y như ngày Tết họ hàng bà con cô bác anh chị em lâu ngày mới gặp lại nhau. Mỗi người một vẻ, vui không thể tả. Chỉ có một cái duy nhất giống nhau là ông nào bà nấy già qúa xá là già. Ông nào cũng bập bẹ điếu thuốc trên môi, khói bay mịt mờ, túi quần sau là chai rượu wisky dẹp nhỏ, hai túi bên hông là các loại thuốc trị cao máu hay sưng khớp, loét bao tử, viêm gan hay các chứng bịnh ghê gớm nhất mà từ trước tới nay tôi chưa từng nghe đến bao giờ. Các cô các bà có vẻ bình thản và đàng hoàng hơn. Tính tình, thói quen, và giọng nói vẫn như thuở thiếu thời. Tôi có cảm giác như tôi chưa từng xa cách Việt Nam bao giờ.
Bỗng có tiếng la thật lớn fía sau lưng: Ê! Hà Cẩm Tâm ! Tôi ngó ngoái lại thì đúng là Dương Trữ La, người bạn rất thân 30 năm trước. Thật là tên nào người đó. La xong rồi Dương Trữ La nhìn tôi từ đầu đến chân nói lớn tiếng: Việt kiều gì mà ốm nhom ốm nhách. Nói tới đó như micro bị cúp điện, anh đứng êm ru bà rù, nét mặt ngơ ngơ chẳng vui chẳng buồn. Anh giống như tượng đá đứng giữa trời mùa đông Paris, suốt đời làm cu li. Dương Trữ La là một văn sĩ rất quen thuộc và nổi tiếng vào hai thập niên 1955-1975. Anh là người có văn tài viết về đời sống của giới bình dân ở thành phố và nông thôn Miền Nam. Lối văn giản dị nhưng ấm áp và chân thành, tình tiết đơn sơ nhưng nồng nàn say đắm. Các nhân vật phần đông thuộc về thành phần gia đình bình dân, đơn thuần, nhưng tấm lòng đẹp như gấm như hoa.
Những tình tiết thường tình, những sinh hoạt thường nhật, những trắc trở thường nghe, những lời lẽ bình dân, nhưng ngòi bút tài hoa của Dương Trữ La biến chế, trăn trở, nhấn vuốt, kết hợp và sáng tạo thành những tác phẩm văn chương rất linh động, đóng góp vào nền văn học Việt Nam. Dương Trữ La viết văn như người hoạ sĩ vẽ tranh, ngôn ngữ là những sắc độ chập chùng, những đường nét vững chãi, có khi nhẹ nhàng như mây bay, lắm lúc bão bùng như gió táp mưa sa. Văn chương Dương Trữ La là những câu chuyện tâm tình nói lên lòng can đảm, sự hy sinh, sự dâng hiến, tính dịu hiền, những trắc ẩn của các nhân vật trong những truyện ngắn, truyện dài.
Đặc điểm của chuyện Dương Trữ La viết bắt nguồn từ sự thật của đời sống, cảnh ngộ, thời gian xảy ra hàng ngày trong xã hội miền Nam. Đọc xong chuyện của anh, người đọc như được tắm mát trong một dòng sông mát rượi với bao thú vị tuyệt vời, bao kỷ niệm đáng yêu, bao con người đáng qúy, bao nhân vật đáng ghét, bao con người dễ thương. Dương Trữ La hướng dẫn người đọc về lòng tin giữa con người với con người, trong tình thương và cái đẹp mà vốn bên trong mỗi người đều có sẵn để nở một đóa hoa tươi thắm.
Dương Trữ La ở phòng tranh chơi với tôi suốt buổi chiều. Ra ngồi uống cà phê vĩa hè đường Pasteur, tôi ngước mắt nhìn hai hàng cây trẻ thơ hai bên đường năm nào mà hôm nay đã thành những cổ thụ già như trong Ai Xuôi Vạn Lý của Lê Thương. Chẳng nói nhiều với nhau, thỉnh thoảng chỉ nhắc lại kỷ niệm, bạn bè kẻ còn người mất, người chết kiểu này, kẻ sống kiểu kia, người ở lại, kẻ ra đi mịt mờ sương khói.
Trong tâm thức, cả hai đều chung một con đường tuần cảm, một chấn động đầy vơi, một nỗi bàng hoàng, một niềm chua xót. Nhìn qua bên kia thấy Minh Lương lên xe honda định ra về, gặp bọn tôi thì lại rủ ra Kim Sơn tiếp tục uống cà phê (Kim Sơn là một nhà hàng ở góc đường Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực, giữa trung tâm Sài Gòn, là nơi các anh em văn nghệ sĩ hay ngồi như nhà hàng Pagode ở đường Tự Do, nhưng Kim Sơn có hàng ghế ngồi bên ngoài hành lang, vừa uống cà phê vừa ngắm giai nhân qua lai, một công hai việc, thật đáng đồng tiền bát gạo.
Hà Cẩm Tâm
2007