Gió O phỏng vấn Ngu Yên
Lê Thị Huệ thực hiện
Một số thơ Ngu Yên có chút gần gũi với Nguyễn Công Trứ ở tư cách ung dung thơ. Không gần ở mục tiêu đời sống, không gần ở ngôn ngữ. Anh nghĩ thế nào về nhận xét này ?
Nói đến Nguyễn Công Trứ, tôi khoái nhân vật này. Tài năng của ông không kiêu căng. Nhập thế, xuất thế tự nhiên. Ông biết rõ đã và sẽ hành xử như thế nào trong đời sống. Ông biết quan trường thối nát mà vẫn ‘Quyết ra tài lương đống’. Ông hiểu thân phận một quan văn không võ, chỉ đến Khổng Minh là cùng nên mới ‘Ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương’.
Ông biết tài năng phải chuyên luyện ‘Kinh luân khởi tâm thượng’. Không chỉ biết văn chương kinh điển. Còn phải hiểu cơ cấu của xã hội, tập đoàn và tâm tư của người ‘Binh giáp tàng hung trung’. Ông biết tự vui trong mọi trường hợp dù thất chí ‘Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất. Hiêu hiêu nhiên điếu Vị canh Sằn’
Từ ngày học đệ ngũ, đệ tứ, tôi đã yêu Nguyễn Công Trứ. Khởi đầu là yêu cái hào hùng của ‘Kẻ Sĩ’. Vào đại học, tôi thích cảnh ‘Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch, tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn. Nào thơ nào rượu nào địch nào đàn’ Tôi giờ này bước vào tuổi 60 đã thơ, rượu, địch, đàn nhưng không có tiểu đồng. Phải nhờ vợ con hầu hạ. Không có ‘đồ thích chí chất đầy trong một túi’, chỉ có đồ thất chí. Thôi đành ‘Xe bồ luân dầu chưa gặp Thang Văn… Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới..’
Thơ của Nguyễn Công Trứ bình dân hơn thơ Cao Bá Quát, thực dụng hơn thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, hữu ích hơn thơ Nguyễn Khuyến và tử tế hơn thơ Tú Xương. Khuyết điểm của thơ ông là thiếu sáng tạo. Tứ và ý thơ đều đã diễn thi trong văn chương trước ông.
Thơ tôi chịu ảnh hưởng bản chất bình dân trong ngôn từ cuả ông và tính cách biến báo trong từ ngữ của Bùi Giáng. Sau khi học đạo của hai ông, tôi lập phái: Mỗi từ ngữ đều có hình ảnh và ý nghĩ. Nhiều từ ngữ tạo ra tứ cảnh, tứ tượng (biểu tượng) và tứ ý. Nhiều tứ tạo thành cảnh ý của bài thơ, có khả năng diễn đạt giá trị của bài thơ và giá trị của dòng thơ của thi sĩ. Giá trị ở đây không cần phải lớn lao, đôi khi chỉ là một nụ cười. Hãy ví dụ cảnh ý trong hai cặp thơ của Bùi Giáng mà nhiều người yêu mến;
Sáng mai thức dậy mơ mòng
Cà phê bên nọ cháo lòng bên kia….
Xin chào em giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau…
Cả hai tứ đều hay. một nhẹ nhàng tặng nụ cười đồng ý. Một suy tư những mâu thuẩn kiếp người. Xin hỏi ‘Phía trước và phía sau’ là đối với thi sĩ hay đối với giai nhân? Tứ cảnh có hai lớp. Mùa xuân trước mặt của thi sĩ và mùa xuân trước mặt của cô gái. Miên trường của thi sĩ chính là mùa xuân của thiếu nữ và ngược lại.
Nhân sinh quan đời sống của Nguyễn Công Trứ ảnh hưởng đến lối sống của tôi lúc trẻ. Tôi thích sự thật thà, hữu ích của Hàn Nho Phong Vị Phú hơn là Tài Tử Đa Cùng Phú của Cao Bá Quát. Mặc dù văn chương của bài sau lấp lánh hơn. Tôi nhiễm cái khí khái quân tử tàu thiệt thân, thua lỗ mà vẫn cho là hay lắm. Giờ này vẫn chưa quyết là dở. Ông quân tử nửa tàu nửa tây của tôi dần dà cũng bạc tóc. Già rồi, tây tàu cũng như nhau.
Về làm thơ, tôi cho, thơ nhất là tạo tứ. Cảnh của tứ, tượng của tứ, ý của tứ mới là then chốt làm cho bài thơ có giá trị. Tứ ý sâu, thơ trầm ngâm. Tứ cảnh nhiều lớp, thơ bao la. Tứ tượng linh hoạt, thơ dễ đi vào lòng.
Ngôn từ chỉ là bề ngoài của tứ. Quá chú trọng ngôn từ sẽ làm tứ mù mờ. Sáng tạo ngôn từ chỉ ảnh hưởng câu thơ. Sáng tạo tứ, ảnh hưởng toàn diện. Tôi rời Nguyễn Công Trứ và Bùi Giáng để đi sâu vào sáng tạo tứ thơ.
Nhà thơ Octavio Paz có viết. Làm thơ như móc chữ lên một khung cửi. Trình bày chữ nhưng thơ không ở chữ. Thơ ở trong những khoảng trống giữa các chữ.
Người đàn bà nào ám ảnh Ngu Yên nhiều nhất?
Nói về ám ảnh: Cả đời tôi yêu thích cái đẹp. Cái đẹp mà tôi chọn không phải là đẹp bình thường. Tôi yêu cái đẹp sáng tạo. Người nữ nào có nét đẹp sáng tạo thường cho tôi lòng ngưỡng mộ. Bất kể cô ấy xấu hay đẹp, đứng đắn hay khích dục. Đầy đủ hay thiếu thốn ‘điện nước’ theo nhận xét của người khác.
Một người nữ sáng tạo sẽ làm cho đời sống xung quanh nở hoa cho dù hoàn cảnh đang sa mạc. Đàn ông bản lảnh vẫn ngã trước sắc đẹp thân xác. Rồi có lúc họ sẽ đứng lên nhưng họ không bao giờ đứng dậy trước người nữ sáng tạo. Phải chăng sống ở đời, một phần lớn là hưởng thụ cái đẹp? Cài đẹp cố định nào cũng tàn phai. Chỉ có cái đẹp thay đổi, biến chuyển mới tồn tại trong thời gian.
Ngu Yên thích mặc đẹp, thích nhảy đầm, ít người biết Ngu Yên một cây ăn chơi nhảy đầm ở thành phố Qui Nhơn những ngày còn trung học
Nói cho chính xác hơn là Ngu Yên còn làm nhiều chuyện mà ít ai biết. Từ chuyện hữu ích đến vô ích. Từ chuyện xấu đến chuyện khá. Bây giờ chừng này tuổi vẫn miệt mài làm những chuyện ít ai muốn làm và ít ai muốn biết.
Bắt chước ông Kim Thánh Thán nói rằng: Đang đói mà ăn ngon, không sướng lắm sao? Đang xấu mà diện đồ đẹp, không sướng lắm sao? Đang buồn bã mà uống vài ly, vài chai cho lòng lâng lâng, không sướng lắm sao? Đang nhạt nhẻo mà mở miệng hát vai câu nghêu ngao, không sướng sao? Thấy người đẹp không biết làm sao ôm, nhờ nhạc, nhờ điệu mà ôm vào lòng du dương, không sướng lắm sao? Đang khi tuổi trẻ, sung sức, được dịp ăn chơi, không sướng lắm sao? Biết tìm những sướng nhỏ tự dưng sẽ hiểu sướng lớn.
Người ta khuyên nhau, sống là đi tìm hạnh phúc. Đúng ra, hạnh phúc không có thật. Hạnh phúc và một số từ ngữ như Công bình, Bác ái, Công chính, Hoà bình.. ….chỉ có trong tự điển. Phát xuất từ sự thất bại của người. Những danh từ này mọc lên từ những giấc mơ của những người rao giảng tự cho mình là vĩ đại.
Tôi về già vẫn phung phí thời giờ và tiền bạc để làm hai việc: Một không thực tế. Một không thể có. Đó là chơi nghệ thuật và tìm một cách làm tiền dễ nhất, ít mất giờ nhất, kết quả cao. Cả hai đều không có mức cuối cùng.
Cảm nhận của Ngu Yên về cái giả và cái thật trong nghệ thuật. Anh là một người thật-thật, sống thật và sáng tác với tất cả tâm hồn chân thật của mình. Trong khi đó có những kẻ giả-giả, họ sống giả và sáng tác cũng giả, nhưng công chúng lại thích nghe những lời giả dối. Anh nghĩ sao?
Người ta hay nói về thật và giả trong thơ như thật giả trong ý nghĩa bình thường. Nhân vật nữ trong bài thơ này có thật không? Hành vi trong bài kia có đúng không? Sao anh nằm ngủ ở nhà mà viết bài thơ du lịch? Nói đúng ra, đa số những hình ảnh, ý tứ trong thơ, không thật, ngoại trừ thơ tả cảnh.
Thật giả trong thơ không thuộc về đúng sai (Chân), tốt xấu (Thiện) mà thuộc về Mỹ. Cái đẹp cái hay làm nên cái sướng.
Trước hết khi làm thơ, người làm thơ cảm thấy sướng khoái vì làm thơ. Dù buồn, dù mất vẫn cảm thấy sung sướng khi viết ra những câu thơ từ tình cảm và trí tuệ lúc đó. Thơ ấy thật. Làm thơ mà để chinh phục người đọc, làm thơ mà nghĩ rằng những câu thơ này bất tử, ghê gớm, mai mốt người đọc phục lăn….thường thơ ấy giả.
Viết một câu thơ, một đoạn thơ, một bài thơ mà thi sĩ không sung sướng. bài thơ ấy bỏ. Nói gọn: Thật và giả trong thơ không quan trọng. Tiến trình làm thơ thật hay giả mới đáng quan tâm. Người đọc không cần thơ thật hay giả. Họ chỉ cần hai điều kiện: Hiểu được và giống họ.
Muốn dễ hiểu thì phải quen thuộc. Cái gi mới khó hiểu. Muốn dễ được khen hay, làm theo những cái hay mà người đọc đã biết. Người đọc thích tìm thấy hình bóng, kinh nghiệm của họ trong thơ. Do đó mà cả một thời học sinh, sinh viên, đa số thích thơ ‘Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc.. Áo nàng xanh anh mến lá sân trường….’ Người thất chí khoái rống Hồ Trường: Học chả thành mà thân chả lập. Tuổi trẻ bao lâu mà đầu bạc. Trăm năm thân thế bóng tà dương…’ Người yêu thơ thật, thất thân thất thế đọc Hồ Trường, điên đảo tâm cang. Người yêu thơ giả, giàu sang phú quí, cũng ‘Vỗ gươm mà hét, nghiêng bầu mà hỏi. Trời đất mang mang ai đâu người tri kỷ…’ Người đọc đến với thơ trước hết vì vui, sau vì tâm sự. Vượt qua những rào cảng này mới nói chuyện nghệ thuật.
Không phải chỉ người đọc, những nhà phê bình giả cũng nhiều. Thường khi họ rắp tâm làm thật. Cố gắng truy cứu, viện dẩn nhưng thiếu sự sung sướng. Ở điểm nầy, anh họa sĩ Võ Đình nói đúng: Nghệ thuật không nên vất vả quá.
Thật và giả của thơ và thật và giả của thi sĩ có chỗ khác nhau. Một thi sĩ chân chính giống như một người thường. Một thi sĩ giả thường rất giống thi sĩ.
Thi sĩ giả mà không biết mình giả, rất nhiều. Thời nào cũng có hàng trăm ngàn thi sĩ như vậy. Nhưng như Bùi Giáng nói qua: Vui thôi mà. Chí lý.
.
Ngu Yên hiểu hai chữ quê hương như thế nào ? Anh có nhớ Việt Nam không ? Anh có dự định về đó sống ?
Quê hương của tôi là dân tộc Việt Nam. Nếu sắp thứ tự, sẽ là Dân tộc, Đất nước, Chính thể. Nếu còn dân tộc, sẽ còn Việt Nam. Nếu mất dân tộc, có nước, có thể chế…vô ích.
Quê hương của tôi trong cái nhìn tiếp cận là những gì đã yêu thương gần gủi và lắng niệm trong lòng. Quê hương tôi là má là ba là anh chị em là bạn bè là căn nhà đầu núi, là ông ngoại nhổ răng bằng cách cột răng vào giàn nho cao. Đứng trên ghế, nhảy xuống đi vào nhà. Đong đưa chiếc răng giữa những chùm nho xanh. Quê hương của tôi là Qui Nhơn, Mộ Hàn Mặc Tử là Nha Trang là biển là phố Độc Lập là Lê Quí Đôn là Tuyết là Nguyệt là Sơn là Sài Gòn là Trường Luật là Thủ Đức là giả gái múa trên sân khấu ngày mang Alpha….là hôm rời Sàigòn nhớ má đứng khóc là Vũng Tàu bơi ra giữa đạn bom là Phụng là Liễu là Huy là Tài là Thảo…..Nhiều lắm. Quê hương tôi là triệu triệu hình ảnh, nhân vật….để nhớ một cách tự nhiên hoặc đôi khi moi ra để nhớ.
Tôi sẽ về Việt Nam để tìm hiểu và sáng tác một vài ý định trước khi không còn viết lách nữa nhưng chắc là không ở lại. Phần lớn là vì vợ và con. Tôi muốn ngày cuối của cuộc đời mình sẽ được trông thấy, gần gủi những người thân yêu nhất.
Ngu Yên có yêu nước Mỹ không ?
Có. Quê hương của tôi sau này tiếp tục từ Little Rock,Arkansas tuyết trắng đẹp quá chừng, lái xe đi dạo bị tai nạn, em tôi gãy hai cái răng. Ba đứa con gái sinh ra ở đây, rồi những thành phố đi qua , New York, Cali , Montreal, New Orleans… Mỹ là một phần lớn trong đời tôi. Bây giờ, mỗi khi nghe quốc ca Hoa kỳ trổi lên, lòng tôi cũng phơi phới như nghe quốc ca Việt Nam.
Nói cho rõ hơn. Tôi yêu dân tộc Việt. Tôi yêu đất nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi chưa kịp yêu dân tộc Hoa Kỳ thì có lẽ đã đi thế giới khác.
Ngu Yên là nhà thơ Việt Nam sáng tác ngoài nước, cảm xúc của anh đến với thơ hay nhạc là do yếu tố nào ? Anh nhớ cái gì khi anh sáng tác thơ và anh muốn điều gì khi anh sáng tác nhạc ?
Làm thơ cũng như làm nhạc, tôi chỉ làm khi nào thấy thích mà thôi. Tự dưng thấy thú vị, tự dưng thấy sung sướng để viết ra mặc dù có thể rất đau đớn, đa phần là buồn bã.
Tôi thẩm thấu cái buồn của đời sống. Không phải vì sầu đau nhân sinh, uất ức giao tranh với đời….Cái buồn ở đời sống ở chỗ người đã quá sợ cái buồn nên phải tận lực tìm tất cả những gì có thể vui, dù biết vui ngắn ngủi, giả tạo, đánh đổi…. Nỗi buồn lớn nhất của người là MẤT. Biết đã mất sẽ khó có lại. Biết sẽ mất đành chờ để mất. Mất cuối cùng là mất luôn. Tôn giáo nói sao đi nữa, tận trong thâm tâm của người vẫn biết, mất là như vậy. Một người biết sắp chết tuy buồn nhưng không buồn bằng kẻ đang sống biết người thân sắp chết. Làm người là hành trình từ không có gì để bắt đầu có và mất. Mất liên tục cái có lớn nhỏ. Mỗi lần mất mỗi lần buồn, mỗi lần sợ, mỗi lần kinh nghiệm. Mất nhiều đến đổi dù đang có đầy tay vẫn biết trống trải. Chưa có đã biết mất.
Tôi là người không biết buồn theo nghĩa sống gặp những tai kiếp hoạn nạn mà buồn. Những nỗi buồn đó ai cũng có nhưng rồi sẽ mất theo thời gian vì có buồn cũng là có. Đã có thì sẽ mất.
Tôi thường có cảm giác khôi hài khi quan tâm đời sống. Có nhiều khi là chuyện thương tâm mà tôi vẫn thấy diễu. Cái khôi hài nhất của người là nghĩ mình sẽ có mãi dù biết rõ là sẽ mất, có khi đã mất. Làm người sao có quá nhiều điều quan trọng? Chẳng có gì quan trọng cả. Quan cũng mất mà trọng cũng mất.
Từ cội nguồn này tôi làm thơ, viết nhạc. Phần còn lại chỉ là tạo tứ. Tứ cảnh, tứ tượng, tứ ý tuy biến hóa vô vàn mà giềng mối chỉ có một.
Thơ Ngu Yên đi trước người khác , đi cùng, hay đi khác đường người khác?
Lúc còn trẻ tôi cũng hay suy nghĩ như câu hỏi này. Bây giờ, tôi không nghĩ mà đi. Đã đi rồi dù tự chọn hay số mạng chọn giùm nên đi cho đến cuối. Ngần ngừ, lẩn quẩn chỉ mất thêm tâm tình và thời gian.
Đi. Không cần phải đi với ai. Đi cùng đường hay khác. Chỉ cần đi có đến hay không? Trong lúc đi có sướng hay không? Đi có đúng ý mình hay không? Những chuyện khác không liên can đến người sáng tác.
Thậm chí, tôi cũng không trông mong vào độc giả. Ai khen tôi mừng. Ai chê tôi buồn. Ai đọc tôi khoái. Ai không đọc, chẳng sao. Văn chương vốn dĩ không phải cho mọi người.
Nhà văn John Home có viết một đoạn về Vận Động Trường. Ông ví nghệ sĩ như những người vào chạy đua. Khởi đầu nhiều người tham gia. Người chạy tranh nhau lên đầu. Khán giả vổ tay reo hò. Có người thích nghe vổ tay, quên chạy. Có người tham dẫn đầu, chạy mau, hết sức, dừng chân thở dốc. Lần lần nhóm này qua mặt nhóm kia. Người này qua mặt người kia. Đa số dần dần bỏ cuộc. Chỉ còn một số ít nghệ sĩ đang chạy. Họ không quan tâm đến khán giả hoan hô. Họ không quan trọng chuyện dẫn đầu. Họ chạy theo khả năng và ý thích riêng. Họ chạy với họ. Khác với các lực sĩ. Nghệ sĩ chạy không thấy mức để tới.
Ngu Yên thích sáng tác nhạc hay thơ hơn?
Nhạc phát ra từ tâm tình và đi đến tâm tình. Từ trái tim đến trái tim. Nếu có phần suy tư, thường chỉ đạt đến nhân sinh quan, phảng phất thân phận, kiếp người như nhạc Trịnh Công Sơn. Thơ cưu mang nhiều hơn. Thơ là nghệ thuật diễn đạt ngôn ngữ trong khi nhạc là nghệ thuật diễn đạt âm thanh. Dù là ca khúc, nghệ thuật ngôn ngữ bị giới hạn bởi âm thanh. Thơ chẳng những mang được tâm tình còn mang được trí tuệ. Thơ diễn tả được những triết lý cô đọng và những nhân sinh quan sâu sắc.
Thơ có ưu điểm nói và không nói. Đa phần thơ sâu, thơ giá trị nằm ở chỗ không nói. Trong khi nhạc mà không tấu, không hát là không được.
Thơ có ưu điểm là hay dở một mình. Trong khi nhạc phải có phụ họa hòa âm, hát bè….Có nhiều khi chính hòa âm đã lôi ca khúc xuống nước….Có lắm khi ca sĩ lôi ca khúc xuống bùn.,. Còn thơ nếu xuống nước là tự mình muốn tắm mà thôi.
Thơ đến người thưởng ngoạn tuy ít mà dễ. Ai biết đọc là được. Có tâm sự, tâm hồn là có thể thưởng thức. Còn nhạc cần phải có giọng hát đúng và hay. Có lắm nhạc sĩ đành thúc thủ vì không có giọng hát, không có ca sĩ…
Riêng về sáng tác, có lúc thơ đến có lúc nhạc đến. Khi có điều muốn bày tỏ, thơ đến trước, thành thơ. Nhạc đến trước, thành nhạc. Sướng nhất là lúc thơ và nhạc cùng hòa điệu. Đã đời không thể nói. Có tứ làm thơ trơn hơn. Có tứ làm nhạc khoái hơn. Nói cùng, thơ hay nhạc cũng là nghệ thuật diễn đạt. Có người hỏi anh đầu bếp: - ông nấu thịt ngon hơn hay đồ biển ngon hơn? Câu trả lời: - Thứ gì tôi cũng nấu. Tùy bữa thịt tươi hay tôm cá tươi. Ngon dở tùy khách hàng. Rồi anh nói nhỏ vào tai người hỏi: - tất cả món ăn tôi đều nếm trước.
Quan niệm của Ngu Yên về âm nhạc?
Thật ra, mới và cũ là những mê niệm so sánh để sắp xếp, có khi để hơn thua. Nếu dùng mới cũ để đánh giá thì lại càng sai lầm. Nhạc thời đại và nhạc giá trị là hai khía cạnh cần phải nhìn ngắm.
Nhạc hợp thời đại thường được hiểu là hợp với số đông quần chúng. Sai. Nhạc hợp thời đại là nhạc được sinh ra từ cuộc sống hiện tại, có nhịp điệu của sống, có âm hưởng của sống, có giá trị của giá trị đang sống. Nhạc sến hợp với số đông bình dân nhưng được xem là nhạc có giá trị, dỉ nhiên là phải loại bỏ những ca khúc tào lao. Nhạc Sến cưu mang nhịp điệu của dân tộc Việt. Nhạc Sến là con đẻ của tân nhạc và nhạc Cải Lương. Lại mang cả không khí bi ai của chiến tranh, rền rỉ những chờ đợi, đau buồn, mất mát. Có rất nhiều bài nhạc Sến giá trị. Chúng sẽ tồn tại mãi với kho tàng âm nhạc Việt. Lại có những bài nhạc sang. Nghe rất bắt mắt nhưng âm hưởng cả một phương trời xa cách. Nghe hay nhưng khó thấm vào lòng chung. Có lẽ phải nói, nhiều nhạc sĩ tài ba cuả nền âm nhạc Việt đã cho chúng ta rất nhiều ca khúc giá trị. Ca khúc có giá trị khi nó đứng vững với thời gian và dỉ nhiên hội đủ những sáng tạo. Bắt chước thì không thể tồn tại trong giá trị vì nó chưa bao giờ có giá trị.
Nhạc Blue có hơi, có nhịp, có văn, có tâm tình của da đen từ thời nô lệ bước ra. Bước ra xong, thời thế đổi thay, chuyển sang nhạc Jazz. Trắng đen hòa hợp, hòa tấu, hoà đồng. Nhạc Rock cũng có hơi riêng, nhịp riêng. Vì sao nó tồn tại? Vì nó cưu mang được thời đại mà nó diễn tả. Trong nền âm nhạc Hoa Kỳ có nhiều loại nhạc khác, thịnh một thời, rồi thôi. Không cưu mang nỗi thời đại của nó. Tại sao nhạc tiền chiến vẫn tồn tại? Vì mỗi lần nghe là mỗi lần cảm được nhịp tim, lối sống của thời Tiền Chiến và hòa nhập được nhịp tim hiện tại. Còn con cháu chúng ta? Nhạc gì mà rền rỉ buồn rầu quá vậy? Vì nhịp sống, nhịp tim của chúng đã khác.
Nhạc Việt Nam hiện nay, trong nước, ngoài nước, không phải không có nhạc sĩ tài hoa. Chỉ không có nhạc cưu mang được thời đại. Một vài ca khúc thì chưa được. Phải thành dòng mới tạo ra chỗ đứng. Chúng ta chưa có dòng.
Tại người sáng tác hay tại người nghe?
Cả hai.
"Yêu em là yêu thế nào là yêu làm sao", câu hát của Ngu Yên dành cho Ngọc Phụng. Một người đàn ông ngòai 50 viết một câu hát cho vợ như thế, cách mạng đấy.
Khi viết câu hát này, tôi kết tinh một điều, suy nghĩ đã lâu. Yêu như thế nào mới gọi là yêu.
Yêu như Lan Điệp? Yêu như Romeo Juliette? Yêu như ba má tôi? Yêu như tôi và em? Yêu như ly dị. Yêu như đánh nhau. Yêu như cãi cọ. Yêu như ngoại tình. Tôi quan sát những người yêu nhau: Không ai yêu thỏa mản. Người cho kẻ nhận đều có chỗ không vừa.
Yêu là cho tất cả, phải không? Yêu là hy sinh cho người được hạnh phúc, phải không? Yêu là cùng nhìn về một hướng, phải không? Yêu là giữ cân bằng giữa cho và nhận, phải không?
Ai yêu đúng? Ai yêu sai? Ai yêu ai hơn ai? Ai tưởng ai yêu ai? Ai lầm ai yêu?
Chịu. Tôi không có câu trả lời.
Anh nghĩ thế nào về sự hổ tương giữa nhạc và thơ trong tiếng Việt ?
Thơ và nhạc là hai bạn đường thân thiết từ xưa. Mối liên hệ này không xa lạ với người sáng tác lẫn thưởng ngoạn. Câu nói chỉ nam vẫn là trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ.
Đã đến lúc cần phải trả lại cá tính cho nhạc và thơ. “Trong thơ không cần nhạc. Trong nhạc không cần thơ”.
Khuyết điểm của thơ tôi là có quá nhiều nhạc. Khuyết điểm của nhạc tôi là có quá nhiều thơ.
Thơ làm cho nhạc mất cá tính. Vì thơ có nhịp 3,5,7. Nhịp ngắt 2/5 hoặc ¾. Nên nhạc dễ bị lồng vào nhịp tạo ra sự điều đặn. Cân phương là hình thức nhạc căn bản. Ở nhạc ngoại quốc, chúng ta thấy rất nhiều sự bất cân phương. Nói cho đúng, nghệ thuật cần sự thoải mái và bay biến. Qui luật là do người đi trước tạo ra. Người đi sau nên tạo thêm cái khác. Ngoài ra, thơ nhiều làm cho ngôn ngữ trong ca khúc êm dịu, phủ mờ những góc cạnh cần gay gắt, hung hổ, chói âm.
Nhạc làm cho thơ dễ dải. Nhạc Việt làm cho thơ tự dưng khuôn phép. Tôi đọc nhiều nhà thơ hải ngoại làm thơ không cần nhạc, có người rất thành công: Thường Quán, Chân Phương và các nhà thơ trẻ sau này…Về điểm này, thơ tôi không bằng.
Ngu Yên rời Việt Nam từ năm 75. Hơn 30 năm qua anh sống với tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Anh có nghĩ sự chung đụng làm trì trệ tiếng Việt trong anh , hay nó làm phong phú cách diễn tả của một người sáng tác, anh nhìn thấy điểm nổi bật nào trong tư cách là một người nhào nặn tiếng Việt ở ngòai Việt Nam?
Tôi rành tiếng Việt hơn tiếng Mỹ. Nếu có những người rành hai ba ngoại ngữ, có lẽ sẽ nhìn suốt hơn.
Tôi nhờ biết tiếng Mỹ mà hiểu được vị trí những con chữ tiếng Việt. Tôi nhờ đối chiếu chữ Mỹ Việt khi dịch thuật mà học được cách đặt câu, xoay câu trong tiếng Việt cho thuận với thơ mà không nghịch với ý. Tôi nhờ tiếng Mỹ và tiếng Hán để nghiền ngẫm những từ, cụm từ chưa có trong tâm thức của tôi. Tóm lại là có lợi ích.
Ngôn ngữ nào cũng theo qui luật đào thải và sinh sản. Tiếng Việt mà không có tiếng Hán làm sao phong phú. Tiếng Nôm mà không có Quốc Ngữ làm sao sáng sủa, bình dân. Tiếng Việt hải ngoại sau ba muơi ba năm đã nhiều chữ khác, chữ chết so với tiếng Việt trong nước. Nhưng lại được đất dụng võ. Tiếng Anh là tiếng quốc tế, cập nhật thời đại, cập nhật khoa học, kỷ thuật, y khoa. Mỗi năm đều có nhiều chữ mới. Tìm những chữ Việt tương đồng, tương đương hoặc sáng tạo chữ mới là một điều thú vị cho người sáng tác.
Chưa hết, điều này mới lắm thú chơi vui. Tâm lý, tâm tình, tâm tư của đời sống hải ngoại, đa dạng và phức tạp. Càng hiểu thấu những khoảng đường đời mới này càng trưởng thành tâm linh. Sự trưởng thành này tạo cho tình và ý những giá trị khác hơn những chữ nghĩa đã biết trong tiếng Việt. Do đó nhiều khi phải dùng một chữ quen mà mới để diễn đạt cái phức tạp hoặc chiều sâu của điều muốn nói.
Tôi làm thơ thích sử dụng vị trí của chữ nằm trong toàn câu, vị trí của chữ làm cho câu có nhiều giá trị khác nhau. Giá trị dài hơi hơn. Ví dụ: Thơ Tóc Bạc và Thơ Bạc Tóc.
Tôi cho rằng một câu quan trọng hơn một chữ hoặc cụm chữ. Dù chữ và cụm chữ có đắt địa, có nặng ký, có lấp lánh, thì tốt. Một câu là đơn vị diễn đạt căn bản để người viết diễn đạt cho người đọc. Vị trí của chữ trong câu, cách hành xử câu văn, cách tạo cảnh và tượng trong câu, mới đáng quan tâm. Ỡ chỗ này, tiếng Việt, tiếng Mỹ, tiếng Hán có nhiều điểm khác nhau. Nhất là cách hành văn trong thơ của ba ngôn ngữ.
Điều gì làm cho thơ Ngu Yên yêu đời. Ngay cả những câu thơ tuyệt vọng nhất của Ngu Yên vẫn lấp lánh chất sinh động, lúc lắc chút hưng phấn.
Để trả lời câu hỏi này, tôi xin trích một bài thơ trong tập thơ Bạc Tóc. Tôi đã suy nghĩ việc này đã lâu:
TIM MÙ
Tôi nói tầm thường bằng ngôn ngữ riêng
Cho trái tim có tai im lặng
Cho trí óc sơ vắng
Cho linh hồn đã phế bỏ đời sau
Tôi nói qua mắt người mù
Chẳng ai đọc thơ như Kinh Thánh
Ngày xưa thi sĩ làm từ thiện
Bây giờ lưu manh
Tôi nói người tim mù không mở mắt
Họ ngủ trong chiêm bao
Tôi ghét đời
Yêu sống
Như ghét người
Yêu em
Trống rỗng ráp thành hạnh phúc
Nhàm chán sáng tạo tiếng cười
Khi nhàm chán lớn hơn đau khổ
Thượng Đế đã cứu lầm nhân sinh
Mỗi ngày đi xuống cầu thang
Từng xuống cấp bình thường
Đưa tài hoa tận cùng giun dế
Chúi đầu không tuyệt vọng
Vì tưởng lầm đã mơ
Con chó nằm cuối cầu thang bỏ chạy
Con người xuống cuối cầu thang đứng lại
Biết ai thở dài
Đêm đêm không muốn ngủ
Thức trả lời tim
Thức hỏi luật ngộ nghĩnh
Thiên nhiên từ xưa đã khôi hài
Thượng Dế chẳng bao giờ khóc
Tôi ghét đời
Đời ghét tôi
Xưa nay lươn lẹo dễ giàu có
Hèn thường sống lâu
Đạu đức giả mau danh vọng
Khéo nịnh được tiếng hiền
Tôi ghét đời ít
Đời ghét tôi nhiều
Tôi yêu những người nữ tên Tuyết, Hoa, Vân, Huệ, Thanh
Rồi lấy vợ tên Phụng
Tôi yêu sự ngạc nhiên khi sông
Chất ly kỳ của sống
Kết quả điên rồ đang sống
Niềm tin ngu dốt khi hết sống
Tôi yêu sống nhiều
Sống yêu tôi ít
Mỗi ngày nhìn lên cầu thang
Trên đỉnh có gì?
Biết hỏi ai khi ai cũng hỏi
Mở đèn pin soi sáng mặt trời
Tìm bước đi
Nhức đầu làm thơ
Thơ nhức đầu
Nghĩ chi nhiều
Xin được cảm ơn mạng lưới Gio-o.com và nhà văn Lê thị Huệ đã thực hiện cuộc phỏng vấn này. Xin cảm ơn quí độc giả đã theo dõi. Thưa qui vị và các bạn, bài phỏng vấn như một khung cửi, tôi đã móc lên nhiều chữ nhiều câu nhưng không đủ. Xin gửi thêm ý nghĩa ở những chỗ trống và xin lượng thứ.
Ngu Yên
Houston, Texas
2009
http://www.gio-o.com/NguYen.html
© gio-o.com 2010