L A I   H Ồ N G   phỏng vấn   T Ú Y   H Ồ N G

Nói chuyện với nhà văn Tuý Hồng

Trần thị LaiHồng thực hiện

...

Lai Hồng:  Bây giờ là tháng Tư, 2005, 30 năm sau ngày Miền Nam Việt Nam bị Cộng sản Bắc Việt chiếm đóng.  Xin chị cho biết chị đã rời Sàigòn như thế nào, và ngày 30 tháng Tư năm 1975 chị đang ở đâu, làm gì ?

Túy Hồng: Gia đình tôi rời Sàigòn ngày 15 tháng Tư, được xe buýt vàng của Mỹ chở đến điểm hẹn, lên GMC ra đảo Phú Quốc, nằm chờ một tuần.  Đêm 22 tháng Tư, theo lệnh 2 tham vấn Mỹ, mọi người xếp hàng hai nghiêm chỉnh nghe cử hành Quốc ca ( Này công dân ơi !  … ) rồi được chở xuống phà ra khơi lên tàu của Đệ thất Hạm đội Mỹ chờ vớt người tỵ nạn.  Nghe bản Quốc ca mà thấm đau.  Nghĩ miền Nam nhiều nhạc sĩ tài danh nhưng chính phủ miền Nam lại dùng một bản nhạc của người cộng sản Lưu Hữu Phước làm quốc ca.  Tuy nhiên, trong giờ phút chân bước đi mặt còn ngoảnh lại, nghe bản Quốc ca ma buồn nghẹn cổ.  Còn tủi thân hơn nữa là trước khi bước chân xuống phà, cả bọn chúng tôi  bị chính quân ta ở Phú Quốc cướp cạn ngay bãi biển, bị lấy sạch mọi thứ mang theo trừ bộ áo quần trên người.  Một số sách mang theo cũng bị giật bỏ lại …

Lênh đênh trên biển mênh mông cả tuần.  Biết mất Sàigòn, mất miền Nam rồi, qua tin tức tưcù radio do vài người dấu mang theo.  Như vậy, ngày 30 tháng Tư 1975, tôi đã rời xa Việt Nam và đã đặt chân lên lãnh địa Guam của Mỹ giữa biển Thái bình.

Lai Hồng:  Như vậy là chị và gia đình được ưu tiên di tản trước 30 tháng Tư.  Xin cho biết lý do được ưu tiên ?

Túy Hồng: Xin nhắc qua một chút lịch sử.  Năm 1954, quân viễn chinh Pháp thua Viêt Minh ở Điện Biên Phủ.  Pháp đầu hàng, rút khỏi Việt Nam.  Mình nghĩ đó là cái nghiệp của quân viễn chinh.  Nhưng ngoài cái nghiệp đó, Pháp còn bị chê bai là đã ra đi không mang theo những người từng cộng tác với họ.

Mỹ vào Việt Nam với danh nghĩa chống cộng, dùng Việt Nam làm tiền đồn ngăn chặn làn sóng đỏ từ Trung Hoa tràn xuống.  Nhưng dân Mỹ không ủng hộ chiến tranh Việt Nam, và tình hình thế giới xoay chiều, do Kissinger đi đêm và Nixon bắt tay với Trung Cộng, nên năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, và năm 1975, tổ chức đưa nhân viên từng cộng tác, cũng như đón vớt các cấp dân quân chính di tản, sang Mỹ cư ngụ.

Hồi đó, tức là trước 75, nghề nghiệp chính của tôi là dạy Việt văn trường Mạc Đĩnh Chi Sàigon.  Nghề phụ là viết văn, gửi bài đăng nhiều báo xuất bản tại Sàigon, phần lớn là những loạt bài feuilleton.

Ngoài ra, tôi còn viết bài cho đài Tiếng Nói Tự Do, do tiền Mỹ yểm trợ.  Các bài được Thái Thanh đọc trên làn sóng điện chuyển vào bưng và ra Bắc.  Một hôm đến đài, có anh nhân viên đưa xem một bài báo của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đoán là của bọn Cộng sản nằm vùng, lên án các văn nghệ sĩ là những tên Việt gian bồi bút.  Bài báo kê một dọc danh sách trong số có tên Dương Nghiễm Mâu … và nhiều người nữa.  Lưu ý là Dương Nghiễm Mậu không hề viết bài cho Tiếng Nói Tự Do nhưng cũng bị ghi sổ đen.  Bài báo tuyên bố sẽ trừng trị nặng nề những người có tên trong danh sách.

Năm 1973 khi Mỹ bắt đầu rút quân, đài Tiếng Nói Tự Do chuyển lại cho người Việt điều hành.  Năm đó tôi sinh cháu út và cũng rời đài TNTD để viết bài cho đài Mẹ Việt Nam, cũng đã chuyển cho người Việt điều hành dưới quyền hai cố vấn Hoa Kỳ, và cũng do tiền Mỹ đài thọ, nên coi như mình làm cho Mỹ.

Mỗi tuần tôi gửi một bài đến đài Mẹ Việt Nam, toàn là những bài chống cộng lời lẽ nhẹ nhàng.  Mỗi bài được trả thù lao hình như gấp 6 lần nhuận bút gửi các báo và các đài khác.

Tại đài Mẹ Việt Nam lại được xem một bài báo khác của bọn nằm vùng, và lần này có trích lời Lưu Hữu Phước.  Hồi đó LHP giữ chức gì lớn lắm trong Mặt Trận.  Ông ta hăm doạ  "khi lấy được những vùng tạm chiếm sẽ diệt tận gốc tệ nạn văn chương ô trọc đồi truỵ và thẳng tay trừng trị các nhà văn nữ."  

Nhớ lại chuyện về trước, năm 26 tuổi, Mao Trạch Đông con nhà nông đã là một lãnh tụ nhỏ của nhóm cộng sản Trung Hoa.  Năm 1934 Mao dẫn đầu đoàn trường chinh (The Long March) đi từ Nam lên Bắc nước Tàu.  Mao đặt ra 3 giáo điều và 8 điều luật bắt các chiến sĩ nông dân học thuộc lòng.  Mao làm thơ, phổ nhạc 11 điều này lại thành 11 câu.  Mao đưa các thầy chùa miền quê hát thử nhưng các thầy lại tụng như tụng kinh.  Nghe cũng hay.  Mao bèn nhập kinh vào nhạc làm một, bắt nông dân sáng sớm dậy tụng trước khi tập thể dục.  Khi đi đường, tụng.  Khi nghỉ trưa, tụng.  Nấu ăn tối xong, tụng.  Bài kinh ca in sâu vào ruột :

1-      Tôi tuân theo chỉ thị lúc hành động

2-      Tôi không lấy của người nghèo một cây kim hay một sợi chỉ

3-      Tôi nộp cho dân tất cả chiến lợi phẩm tịch thu được của người giàu

4-      Tôi ăn nói lễ độ

5-      Khi mua đồ, tôi trả tiền đúng giá

6-      Mượn ai cái gì, tôi đều trả lại

7-      Nếu gây thiệt hại cho ai, tôi phải đền

8-      Tôi không chửi thề và đánh lộn

9-      Tôi không phá phách mùa màng

10-  Tôi không cợt nhả với phụ nữ và không ngủ với người không phải là vợ tôi

11-  Tôi không ngược đãi tù binh

Những khi đoàn trường chinh lưu lại nhà nông dân, lại tụng thêm hai giáo điều :

1-     Tôi tra lại cánh cửa bếp vào cho chủ nhà vì đêm qua đã lấy xuống để nằm ngủ

2-     Tôi để cái ổ rơm đã dùng ngủ đêm qua vào chỗ cũ

Mao dựa vào nông dân để làm cách mạng, và những giáo điều kinh ca nhật tụng đã giúp Mao thành công.  Kinh ca nhật tụng là Kinh Cộng sản, là Đạo Cộng sản,cóp nhặt một ít từ Phật giáo, một ít từ Thiên Chúa giáo, và một ít từ Hồi giáo.  Trẻ em Trung Hoa, cỡ hai tuổi rưỡi trở lên đã biết hát ca ngợi :  “ Mặt trời màu đỏ, mặt trời bừng sáng, mặt trời trên cao, mặt trời là Bác Mao, mặt trời là Đảng Cộng sản.”

Hẳn chị còn nhớ vụ án Nhân văn Giai phẩm ?  “ Khi bạn chỉ trích nhà nước bằng mồm, bạn phạm một tội nặng.  Nhưng khi bạn đưa điều đó lên giấy trắng mực đen, tội nặng đó tăng lên gấp ba lần !”

Nói về Việt Nam mình, Hồ với Mao là bánh mì cùng lò.  Hồ chép khuôn những gì Mao đã làm.  Trung Hoa lớn bằng cả châu Âu, dân số đông cả tỷ người, nhưng hồi 1970 chỉ có 6 nghìn công an cảnh sát, dân phải tự phê tự kiểm.  Hồ cũng như Mao, chỉ chú trọng đào tạo cán bộ.  Những gì Cộng sản Việt Nam làm, Cộng sản Tàu đã làm trước.  Cộng sản Việt Nam là em bé của Cộng sản Tàu.

Theo Mao dựa vào nông dân, Hồ còn dựa khí thế toàn dân chống thực dân Pháp, nên càng được lòng dân, nhất là Hồ biết dùng sức mạnh của âm nhạc, thứ khí giới dễ dàng đi vào lòng người.  Nhạc tiền chiến, nhạc kháng chiến là chiếc xe van  không chở súng đạn nhưng chở những bài chiến ca tình ca yểm trợ chiến trường và nâng cao tinh thần người đi giết giặc.  Hồn thiêng sông núi và anh linh các tiền nhân đã nhập vào các nhạc sĩ.  Chắc chị cũng biết nhiều bài  thời đó của các nhạc sĩ lừng danh …


Lai Hồng: Có biết chứ !  Nào là Chiến sĩ Việt Nam, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Bắc Sơn, Trường ca Sông Lô … của Văn Cao; Xuất Quân, Nợ Xương Máu, Nhạc Tuổi Xanh, Thanh niên Quyết Tiến, Tiếng Hát Sông Lô, Bao Giờ Anh Lấy Được đồn Tây ?, Thu Chiến Trường … của Phạm Duy; Đoàn Lữ Nhạc, Du kích Sông Thao … của Đỗ Nhuận; Đoàn Quân Đi của Việt Lang;  Quật khởi của Nguyễn Xuân Khoát … , và cười ra nước mắt là Ai Yêu Bác Hồ Cho Bằng Chúng Em của Lưu Bách Thụ …

Túy Hồng:  Nói như Phạm Duy trong Hồi ký Thời Cách mạng Kháng chiến , là : “Trang bị vũ khí tinh thần cho anh em bằng những bài hát yêu nước, và làm luôn việc dân vận bằng âm nhạc.”


Lai Hồng:  Biến cố tháng Tư đối với chị có phải là một mốc thời điểm quan trọng trong đời không ?

Túy Hồng: Biến cố tháng Tư và việc Mỹ đưa người miền Nam di tản rất quan trọng.  Đó là lối thoát duy nhất để được sống no ấm và tự do. 

Tôi muốn nhắc lại một thời điểm trước đó, ngày 27 tháng Ba  năm 1973, sau 13 năm sa lầy tại Việt Nam, quân Mỹ rút.  Trong những bữa ăn tiễn đưa các cán bộ văn hoá và tôn giáo  Hoa Kỳ về nước, bài hát Auld Lang Syne tỉ tê những lời buồn nhỏ.  Nhiều cô-đẹp – chữ của lính Mỹ dùng hồi đó - xúc động lặng lẽ khóc. Sau đó một tháng, tức là tháng Tư năm 1973, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố trên đài truyền hình : “Mỹ rút quân nhưng viện trợ Mỹ không cắt.  Ta vẫn còn tiền trả lương cho công chức quân nhân, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.”  

Giữa anh chị em văn nghệ sĩ Sàigon, tin tức tấp nập ngày ngày , ai cũng bàn tán về những ai được Mỹ đưa đi, những ai kẹt lại sẽ bị cộng sản xét xử, những ai sẽ vào tù cải tạo … Và tin đúng nhất là những người làm sở Mỹ được ưu tiên di tản.  Mọi người đổ xô đi mua valise, loại samsonite bán chợ đen, để đựng hành lý.

Tôi chỉ lo thằng con út không có sữa lúc di tản, nên tất bật lùng kiếm sữa Guigoz để mang theo.  Sữa Guigoz lúc đó bán chợ đen và rất khan hiếm, vì đã được gian thương đem cúng dường tiếp tế cho bộ đội Cộng sản trong rừng.  Việt cộng trong rừng ngày đêm ăn cơm vắt muối mè gạo sấy muối rang không bổ dưỡng bằng những lon Guigoz vàng !

Những ngày lênh đênh trên biển mặn, chen chúc chật chội, thiếu thốn cực khổ.  Thân xác rã rời mệt mỏi, người ngợm bẩn thỉu dơ dáy, nhưng tâm hồn thật thanh thản bay bổng trong khoảng rộng của đại dương giữa cảnh trời nước giao duyên.  Tôi nhớ lại lời của giáo sư Phạm Ngọc Hương dạy Việt văn Đồng Khánh năm xưa : “ Biển có cái tên là Thái bình nhưng thật ra lòng biển là chiến tranh.”  Thầy hát : “ Biết bao năm bôn ba nước ngoài … “  Bao nhiêu lần Hồ Chí Minh đi đi về về trên biển Thái bình.  “Ai bao năm từng lê bước nơi quê người … “ và bao nhiêu lần Ngô Đình Diệm vượt trùng dương phiêu lưu đất khách.  Thầy nói :  “ Biển Thái bình đã làm người đi và người trở về thay đổi lòng dạ.  Ông Hồ Chí Minh và ông Ngô Đình Diệm, tui quả quyết một trong hai người đã thay lòng đổi dạ nên quê hương mới ra nông nỗi này !”

Tôi cũng nhớ lại 21 ngày ở đảo Guam và 3 tháng trong trại tỵ nạn Indiantown Gap : đó là một mùa hè.  Buổi sáng thức dậy xuống biển tắm, ăn dừa, xếp hàng lấy thức ăn, xếp hàng nhận áo quần vật dụng …  Bác sĩ Phước Giám đốc đài phát thanh Asan mỗi sáng sớm gọi loa : “ Đồng bào thức dậy !  Một ngày mới đã bắt đầu !  Đồng bào đã sạch sẽ thơm tho rồi cần sạch sẽ thơm tho hơn …”   Đài phát thanh sau đó được chuyển qua cho Thanh Nam phụ trách với những lời kêu gọi nhẹ nhàng lịch sự hơn.

Thỉnh thoảng lại có chuyện vui, nhất là cho phụ nữ, khi có tin tàu Mỹ vớt được 4 – 5 tàu chở quân nhân độc thân.  Ở Việt Nam thì trai thiếu gái thừa vì chiến tranh, sang đây thì trai thừa gái thiếu …  Trong trại lại vui cười với  ngụ ngôn Con Ve và Con Kiến của La Fontaine, khuyên nhủ nhau hãy vui, nhưng một khi rời trại là phải lo cày sâu cuốc bẩm để làm lại cuộc đời trong thế giới tự do.

Lai Hồng:  Ba mươi năm sau, chị có những nhận định gì  a) về cuộc sống lưu vong của chị   b) chung về cộng đồng lưu vong hải ngoại , và c) chung về quê hương Việt Nam ?

Túy Hồng: Tôi sẽ nói từng phần.
a)  Trong tác phẩm Up Country của nhà văn Mỹ Nelson DeMille xuất bản năm 2002, tui ghi nhận một câu nói của một nhân vật từng dạy Đại học Huế : “ Tôi phải đi Mỹ để học lịch sử của chính nước tôi.”  (I had to go to America to learn the history of my own country).  Trước đó, những sinh viên du học trở về nước đều cho biết nước Mỹ có vô số sách vở báo chí tài liệu …  Do đó, đối với tui, cuộc sống tha hương có được một niềm vui nhỏ, và niềm vui đó có thật lúc về già, là có rất nhiều sách để đọc. 

Nói theo Nelson DeMille, sau cuộc chiến cuối cùng (The Last War) một số trí thức ngoại quốc – khá đẹp trai và khá cao ráo - mỗi người lận lưng một mảnh bằng đại học, đến Sàigon – dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai … -  rồi theo quốc lộ 1 tà tà ra miền Trung miền thuỳ dương bóng dừa ngàn thông thăm cố đô Huế của chúng mình rồi ngược lên Bắc để thấy tận mắt lòng chảo Điện Biên Phủ, tò mò moi ra đủ thứ chuyện, rồi trở về nước viết sách với quá nhiều ngộ nhận.

Tai hại hơn, là những sách đó lại được dùng ở trường.   Thằng con lớn của tôi một hôm ở trường về đã hớt hãi kêu toáng :  “ Mẹ !  Mẹ !  Hô Chi Minh ! “  Nó đọc tên không dấu, nhưng ý bảo sách báo thư viện viết về Hồ Chí Minh thì chắc ông ta phải giỏi lắm.  Ngộ nhận đó do những người viết Tây phương ghi nhận.  Nhưng cuộc đời tụi mình trải qua hai cuộc chiến, mình đọc họ và so sánh với những kinh nghiệm riêng, thì thấy họ cũng biết nhiều điều mình không biết.

Trong khi thư viện Mỹ chất chứa không biết bao nhiêu sách báo tài liệu … cái bếp được giữ gìn sạch sẽ sắp xếp thứ tự những chai lo ïxinh xinh đựng gia vị để các bà nêm nếm …  Sau thư viện, cái bếp đã nói lên rằng đó là nơi hợp lưu của bao nhiêu dòng văn hoá thế giới, từ hạt tiêu sọ bên Tàu đến cà-ri Aán độ, lá chanh Thái, sả Việt Nam …

Tóm lại, cuộc sống tha hương của tôi hiện nay có niềm vui nhỏ về già là đọc để học hỏi, tìm hiểu.

b)  Về cộng đồng lưu vong hải ngoại, cũng như những cộng đồng lưu vong khác trên đất Mỹ, người Việt Nam đã thành công đến một mức nào đó nhờ “cày” giỏi và trì chí làm ăn.  Đàn bà Việt Nam sang đây làm 2 jobs : đi làm ở ngoài, về nhà nội trợ.  Đàn ông Việt Nam sang đây ngoài 8 tiếng làm việc, về nhà là một handyman.  Lực lượng của hai vợ chồng tương đương.

c)  "Bao năm sương xuống bạc mái đầu,
      nhìn lên chim én bay về đâu ? "
 

Tôi chỉ mới về thăm quê hương một lần năm 1996.  Sàigon đã mất tên từ bao nhiêu năm, đã hoá ra thành phố Hồ Chí Minh.  Một người bạn già bảo   "Nhiều cầu thủ ở đây, trong số có người từng dự Á Vận hội Quốc tế, nhưng ở nhà ban đêm cũng thường xay rau má cho vợ đem bán giải khát.  Cô coi, trong giờ làm việc, thành phố Hồ Chí Minh vẫn náo động, đám đông tụ họp la cà hàng quán, dân chúng đổ ra tấp nập lang thang vỉa hè vì không có công ăn việc làm !”

Năm 1919, nước Xiêm đổi thành Thái Lan và dần dần từ khi mang tên mới, quốc gia đó mỗi ngày thêm thịnh vượng.  Đến bây giờ, Thái Lan là một cường quốc của Á châu.  Thử hỏi, từ ngày thay tên đổi họ, Việt Nam với thành phố Hồ Chí Minh đã làm được những gì ?  Canh nông và ngư nghiệp có phát triển mạnh như Thái Lan không ?  Công nhân Việt Nam có được trả lương cao như ở Phi Luật Tân không ?

Nhiều Việt kiều về thăm quê hương, muốn ăn rau trái thì rau èo uột tạo dịp cho Tào Tháo đuổi chạy … , còn lệ chi long nhãn Thái ngon hơn, xoài Thái nhất, chôm chôm Thái nhất, sầu riêng Thái cũng nhất …  Việt Nam chỉ hơn Thái được trái mãn cầu dai.  Bao nhiêu năm chinh chiến, bao nhiêu máu xương tan nát (lính Bắc Việt chết nhiều hơn lính Miền Nam), bao nhiêu nước mắt … rốt cuộc chỉ còn có trái mãn cầu dai !

Ông bạn già còn nói  :  "Khi quốc gia có một nền kinh tế yếu, tôi nghĩ rằng những người viết văn làm thơ vẽ tranh đặt nhạc hát hò ngâm thơ đóng phim đóng kịch ném bóng đá banh … đều không khá nổi.”  Quê hương mình vốn có một nền kinh tế èo uột, và chế độ cộng sản này còn giữ mãi nền kinh tế ốm đau bệnh hoạn.  Nền kinh tế Việt Nam bây giờ đứng vào hàng thứ mấy trên thế giới? 

Cộng sản chủ trương không phân biệt giai cấp, nhưng bây giờ, ở Việt Nam giàu nghèo quá chênh lệch,  vậy không còn là Cộng sản nữa, mà là một thứ gì đó !  Thứ gì ???

Một giáo sư Mỹ quen hồi ở New Jersey là nơi tui đến đầu tiên khi ra trại tỵ nạn Indiantown Gap tiểu bang Pennsylvania, cho biết là nhiều cặp vợ chồng tỵ nạn về già, con cái lớn lập gia đình đi xa, hai người sống trong căn nhà rộng hơn ba ngàn bộ vuông, mỗi ngày tha hồ đi cầu vì trong nhà có đến ba phòng tắm rưỡi.  Trong lúc đó, ở Việt nam, cả gia đình lúc nhúc trong một chỗ ở chật như cái chậu rửa chén và đi cầu trong một cái lỗ có xây chỗ để hai bàn chân bên trên, hoặc phải chạy ra nhà cầu công cộng.

Danielle Steel, một nhà văn Mỹ ăn khách như bà Tùng Long trước 75, trong cuốn Message From Nam có viết rằng lần đầu tiên đến Sàigon, thì ngửi ngay một mùi mà bà không phân biệt đó là mùi gì.  (Mùi gì ?  Đó là mùi người, mùi cống rãnh, mùi rác rưởi, mùi phóng uế công cộng, mùi … mùi Sàigon !)

Một quốc gia có thể chế cai trị nghiêm chỉnh, là phải đem lại an sinh cho dân, healthcare cho người già, jobs cho người trẻ, thêm trường học cho thanh thiếu niên, và được sự kính phục của thế giới.  Ba mươi năm qua, quê hương Việt Nam của mình được những gì ?  Có thể nói là có được thế giới khâm phục qua chiến công Điện Biên Phủ, và sự rút quân của Mỹ.  Nhưng đối với dân, Cộng sản đã làm được gì ???

Lai Hồng:  Ngày 30 tháng Tư, hay nói chung là biến cố 75, đã ảnh hưởng thế nào trong các sáng tác của chị ?

Túy Hồng: Sang đây, tôi viết khó hơn hồi ở Việt Nam nhiều.  Tuy nhiên cũng đã viết ngay khi còn ở trong trại tỵ nạn.  Sáng tác ghi lại nhiều về biến cố 75 là truyện dài Trong Cuối Cùng.


Lai Hồng:  Xin cho biết thêm về Trong Cuối Cùng, và những truyện khác sau 75 chưa xuất bản.

Túy Hồng: Lúc còn trong trại tỵ nạn chờ đợi bảo trợ, mọi người đều đi học tiếng Anh và những lớp chuẩn bị thích ứng cuộc sống mới.  Lớp Anh ngữ English Under Trees do người Mỹ dạy.  Bọn tôi ngồi dưới tàng cây lớn, có Thanh Nam, Viên Linh, Nguyễn Thanh Hoàng …  NTH tức ký giả Hồ Anh, trước đây có tờ Văn Nghệ Tiền Phong bán rất chạy ở Việt Nam, đã tâm sự   muốn tiếp tục Văn Nghệ Tiền Phong hải ngoại, và mời tôi cộng tác.  Khi ra khỏi trại và định cư ở Virginia, NTH gửi tôi địa chỉ mới.  Ngay số đầu của Văn Nghệ Tiền Phong hải ngoại, tôi cho khởi đăng truyện dài Trong Cuối Cùng, ghi lại những ngày cuối cùng ở Sàigon và Phú Quốc …

Năm 1976 gia đình tôi rời New Jersey – nơi cư ngụ đầu tiên – sang tiểu bang Washington, từ Đông sang Tây, và cộng tác với tờ Đất Mới

Trên Đất Mới, tôi đăng truyện dài Tay Che Thời Tiết, viết về những day dứt của ngưòi đàn bà di tản một mình cùng hai con, chồng bị kẹt lại và vào tù cải tạo.

Cả hai truyện này cùng được viết song song.  Nhưng Tay Che Thời Tiết được nhà xuất bản Xuân Thu in và phát hành năm 1988.  Trong Cuối Cùng nay hình như thất lạc, nhưng nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan có nói sẽ tìm giúp tôi để xuất bản.  Khi xuất bản, tôi phải viết sửa chữa lại.

Sau Tay Che Thời Tiết, tui viết truyện dài Sạn Đạo, chưa xuất bản.  Hồi đó chị cũng về cộng tác với Đất Mới sau Mai Thảo.

Hồi đó, tức là vào những năm 80, tôi còn truyện dài Màu Đỏ viết về chiến tranh Việt Nam, đăng dang dở độ mươi số trên tờ Bách Việt ở California, do Hà Thúc Sinh phụ trách bao sân.

Ngoài ra, hồi Lê thị Huệ, Bùi Bích Hà, chị và tôi cùng chủ biên tờ Phụ nữ Ngày Nay, tôi có truyện dài Mưa Thầm Trên Bông Phấn, đồng thời Truyện Dài Con Nít , và còn nhiều truyện ngắn, tuỳ bút … rải rác các báo khác.

Lai Hồng: Tôi xin chen vào một câu. Nghe chị nói chuyện về những tác phẩm rải rác đó đây, trộm nghĩ chị giống con vịt bầu đẻ trứng rơi rớt giữa sân giữa vườn giữa ruộng, như chim cuckoo đẻ trứng vào các tổ chim khác, như chim rhea mái đến mùa động tình kéo bầy kéo lũ theo tiếng gọi ve vãn rù quyến của chim trống,  rập rượng tới đẻ rơi đẻ vãi  đầy tổ, rồi bị chim rhea trống đuổi đi để hắn một mình ấp trứng nuôi con chăm chút cả hai năm tròn.  Rhea mái mất trứng, đẻ rồi chẳng biết trứng mình lăn lóc lạc lõng nơi mô !  Nhưng hiện chị có viết không ?

Túy Hồng:   Sắc sắc không không.  Có đó rồi không đó.   Một ông văn sĩ già đã nói đùa : "Có, nghĩa là cái đã đẻ lọt ra ngoài rồi như cái trứng của con thằn lằn, như con bê con nghé … mới đáng kể.  Không, là cái còn nghén, còn chửa, còn chua lè ở bên trong, không đáng kể." 

Lai Hồng: Trong số những tác phẩm đã hoặc chưa xuất bản của chị, chị ưng ý cuốn nào nhất ?

Túy Hồng:   Những Sợi Sắc Không, đã được Làng Văn Canada xuất bản năm 1989.

…..   Trầm đủng đỉnh bước xuống đồi đi thơ thẩn qua từng gốc thông già tối sẫm.  Đêm liêu trai, trăng trần truồng, sao chớp mắt không ngừng và đêm mơn trớn như đánh bóng bằng kem dưỡng da thoa vuốt khuôn mặt không gian đam mê thèm khát.  Nỗi mát lạnh luồn trong khe gió rùng mình ngực mỏng.  Tà áo bay cách xa cặp đùi gầy.

Trầm ngồi xuống một phiến đá nhẵn, cổ ngóc cao, đôi mắt nhắm và miệng hé mở, lòng nín thinh trong một dáng điệu tê cóng, một dáng điệu tượng đá, một dáng điệu hôn mê và ướt sũng hai hàng nước mắt mặn ấm.  Trầm đưa hai tay lạnh toát ôm lấy thân thể mình. 

Tôi đang ôm tôi tỏ tình, tôi đang ôm tôi thì thầm, vỗ về, dỗ dành.  Và tôi đang ôm tôi gạn hỏi mi chủ trương tình yêu có cái xác chứ không có cái hồn.  Vậy thì mi còn bao nhiêu gan mật để làm tình suốt cả cuộc đời dài ngất của mi ?

Trầm !  Trầm !  Tình yêu không phải là sự sát nhập, sự giao thoa của hai xác thịt.  Xác thịt chỉ mới là một nửa.  Hãy làm lành với cuộc đời, đừng cắn trả, đừng nổi loạn hành hung đá đít, và cũng đừng giả nguỵ, nếu cuộc đời không đẹp _ với mỗi người cuộc đời đẹp mỗi cách – thì tại sao mi vẫn bám víu, bò lê ì ạch từng bước một trên mặt quả đất để mà sống, sống dằn xóc ngặt nghèo, sống thèm khát đam mê, sống chạy rông hớt hơ hớt hải quanh quỹ đạo tròn.

Bàn tay ôm lấy má và sờ quanh chiếc má, thoa vuốt đầu tóc và rờ rịt cái cổ.  Trầm !  Thôi mà, hãy sống nhăn răng củ tỏi … , củ tỏi có nhiều múi nên trông như củ tỏi cười, củ hành gắt không cười.

Một bóng đen đứng trước mặt Trầm, kêu khẽ bằng một âm thanh khàn đục Trầm Trầm …  Trầm ngồi đây làm gì ?  Lửa trại đang đỏ rực kia kìa !  Lên mau lên mau họp mặt. …..

…..  Lửa liếm  lên, tháp củi sập xuống, vòng người đang bước tròn cầm tay nhau hát lớn : "Lên cho cao, bùng cho sáng, bùng to nữa lên, cao to nữa lên !  Lên cho cao, cao , cao, cao vút !  Bốc cho cao, cao, cao, cao thật cao !  Ơi anh em !  …" ….  

…..  Tiếng vỗ tay rào rào khi một người đàn ông trung niên bước ra giữa vòng tròn cúi đầu chào ba bề bốn bên rồi mở cuộn giấy đang lăn tròn trong tay cầm đọc.

…..    "Bao nhiêu ngọn đuốc thân thể cháy loà, bao nhiêu sức khoẻ hiến dâng những lần tuyệt thực, bao nhiêu  nước mắt, bao nhiêu vũng máu, bao nhiêu giam cầm tra khảo đầy đọa, và hơi oán của muôn dân đùn ngất lên trời …  Tất cả những thứ đó là sự chuyển dạ để đẻ ra đứa con cách mạng, nhưng bào thai đó đã bị bóp chết, đã bị lấy tráo đi để thay vào bằng một con mèo con, một quái thai cách mạng …"

 (trích đoạn Những Sợi Sắc Không, tác phẩm đoạt giải Văn học Nghệ thuật Toàn Quốc 1969-1970 Việt Nam Cộng hoà)


Lai Hồng:  Chị nghĩ một nhà văn lưu vong thì có lợi điểm gì và bất lợi gì ?

Túy Hồng:  Lợi điểm : tự do.  Đây là thế giới tự do, tha hồ viết, muốn viết gì thì viết, miễn đừng xúc phạm người khác.  Ở Việt Nam bây giờ không có tự do, có viết phải tuân theo chỉ thị, theo đường lối.  Trước 75, Miền Nam có từ ngữ văn nô, nghĩa là văn nghệ sĩ được ăn lương nhưng phải tuân theo chỉ thị, theo đường lối .

Bất lợi : người đọc hiếm.  Người viết nhiều hơn người đọc, hoặc chỉ có bạn văn nghệ sĩ đọc với nhau.  Sách của tôi in ra có ai mua đọc đâu!  Thường phải tổ chức ra mắt sách, thơ …


Lai Hồng:  Trong tháng Ba vừa qua, trong một buổi nói chuyện, Cao Hành Kiện, một nhà văn lưu vong Trung Hoa hiện cư ngụ tại Pháp, được giải Nobel Văn chương năm 2000 với cuốn Linh Sơn, đã nhận xét :  “ Văn học chỉ phơi bày thực trạng đời sống con người, nêu lên những vấn đề nhân bản nhưng không giải quyết được hết mọi vấn đề của con người, của cuộc sống.”  Theo chị, văn học có sứ mạng gì ?

Túy Hồng:  Câu hỏi này báo Sáng Tạo ngày trước 75 hầu như số nào cũng nói đến :  "Sứ mạng nhà văn là gì ?"  Đây là một vấn đề chưa ai giải thích trọn.

Nhà văn có thể là nhân chứng,  Họ bảo:  "Tôi nói sự thật, tất cả sự thật, và không gì ngoài sự thật."  Đối với tôn giáo, nhà văn đôi khi có thái độ hoài nghi nhưng luôn luôn tôn trọng và tìm hiểu cặn kẽ các giáo điều.  Đối với luật pháp, nhà văn đôi khi thấy tàn nhẫn vì sự thẳng tay của công lý.  Đối với luân lý, nhà văn cũng hoài nghi luôn vì sự nghiêm khắc của luân lý.  Tóm lại, nhà văn chỉ có thể là nhân chứng.


Lai Hồng:  Một câu khá xưa : “ Văn tức là người.”  Chị nghĩ có đúng không ?  Tác phẩm nào  mang nhiều “dấu tích người” của chị nhất ?

Túy Hồng:  Độc giả phải nhận xét chứ không phải người viết.  Người viết không có nhận xét về mình.  Trong mỗi tác phẩm đều có người có ta, không riêng về mình.  Phải có người có ta mới dzui chứ !


Lai Hồng:  Người ta nói lối viết của Lệ Hằng, Trần thị NgH., Phạm thị Hoài,   …  chịu ảnh hưởng Tuý Hồng, có nghĩa là chú trọng về chữ dùng và chạy theo mạch văn để kéo chuyện dài ra, kiểu "nói lối" của Việt Nam, để lôi cuốn người đọc, hơn là cốt chuyện và nội dung chuyện.  Chị nghĩ sao ?

Túy Hồng: Tôi chỉ trả lời phần sau của câu hỏi.

Bên Tàu có tục bán con gái hoặc để con gái tình nguyện bán mình chuộc cha hay nuôi cha mẹ, là tục lệ các nhà trí thức Tây phương có ác cảm nhất.  Nhà văn Malcolm Bosse kể rằng  khi cái bình thuỷ (thermos) du nhập sang Trung Quốc, một ông Tàu đã kêu lên : "Cái chai chi mà đẹp quá trời, đổ nước sôi vào lại giữ được nóng cả ngày !  Ông phải về bán bớt một đứa con gái để mua mới được !"

Tục bán con từng được nhắc đi nhắc lại đến nhàm chán, nhưng khi đến tay Nguyễn Du, thi tài, thi pháp, cách sử dụng từ ngữ và cú pháp của Nguyễn Du trong truyện Kiều đã biến câu chuyện bán mình chuộc cha thành một thi phẩm lưu danh hậu thế.  Như vậy, Kiều của Nguyễn Du được lưu danh nhờ thi pháp cú pháp, không phải nhờ cốt chuyện. 

Trường hợp Nguyễn Chí Thiện, ông sử dụng từ ngữ không chọn lọc, vần điệu bê bối.  Ông bảo "Trái tim tôi như trái ớt hiểm.”  Ai lại nói thế bao giờ !  Phải nói là con tim chân chính … thế này thế nọ chớ !  Nhưng qua những bài thơ cuồn cuộn nối tiếp của ông, chị có dám bảo NCT là kẻ không có tài không ?  Theo tui, thơ của NCT là dòng máu trong người ông, là bản hùng ca dào dạt trong người ông.  Ông là thi sĩ, là thơ.  Nguyễn Chí Thiện đã hét lên : "Này ông cộng sản, ông là người, tôi cũng là người, sao ông có quyền hành hạ tôi như vậy ?”   Nguyễn Chí Thiện là người làm thơ, không nghĩ đến thi pháp.  Chất thơ của ông có trong tim, trong máu, trong người : người thi sĩ có trong thơ.

Ngang đây tôi hơi lạc đề một chút.  Một anh bạn ngày xưa có nói  "Không biết Tuý Hồng nghĩ sao chứ tôi cầm cuốn sách lên, đọc 5 phút rồi bỏ xuống, đi ra làm vườn, sửa xe hoặc coi TV.  Tôi không ở yên một chỗ để đọc sách lâu dài.”

Hồi còn ở Việt Nam, anh Thanh Tâm Tuyền đã nói trong một bữa rượu  "Cái thằng Tô Thuỳ Yên, tao thương nhất nó ở cái điểm, đã ra tới chiến trường rồi mà còn đánh điện về cho tao là ‘cái bài thơ của tao có một chữ tao cần phải sửa’.” 

Tôi nghĩ đến trường hợp của tôi, nhiều khi chỉ một chữ, một câu, mà tôi ray rứt không chịu được.  Đó là cái chứng, cái hẹn mà tôi sẽ viết văn đến một thời gian, vì bao nhiêu bạn bè từ thời Đồng Khánh, nhiều chị viết văn làm thơ rất hay ngay từ đó, khi lớn lên có tiếp tục có ra sách nhưng chỉ một vài cuốn rồi  nhảy ra chỗ khác như vẽ, đóng phim, ca hát v. v. … vì  không chịu ơ û được một chỗ lâu dài, họ không bị ray rứt như tôi, từng chữ từng chữ.

Hồi còn ở Seattle, tôi bị hai thư ký toà soạn ghét cay ghét đắng vì tôi cứ điện thoại sưả, sửa, sửa, sửa  hoài …  Họ còn trẻ, họ không biết, tưởng tôi khó tính.  Nhưng đó là cái nghiệp của tôi :  khổ vì một chữ không vừa ý !  

Tôi, một thời để viết đã qua.  Lối viết, cách viết thế nào, sự nhận xét của người đọc, tôi luôn luôn tôn trọng.

Lai Hồng:  Chị nhận xét thế nào về nền văn học hải ngoại ? 

Túy Hồng:  Bụt nhà không thiêng chăng ?  Sao tôi thấy các nhà văn trong nước sau thời đổi mới quá tài giỏi?  Không biết họ nhìn giới văn học bên này như thế nào ? 
 
Lai Hồng:  Cảm ơn chị về thì giờ dành cho độc giả Gió-O, nhất là những người đọc trẻ tuổi, có dịp nhìn rõ hơn về biến cố 30 tháng Tư 1975.  Có thể lại hẹn gặp qua những vấn đề liên quan đến những người viết nữ hiện đại.

Trần Thị Laihồng
Hoa Bang, tháng Tư 2005