bích chương Gió O - 10 năm được thiết kế bởi ca nhạc sĩ Nguyễn Thảo, Houston


Gió O 10 năm 2001 – 2011

phỏng vấn

chủ biên Gió O

Lê Thị Huệ

thực hiện: Đoàn Nhã Văn

 

1.     Đoàn Nhã Văn: Chào chị Lê Thị Huệ. Nhân 10 năm kỷ niệm gió-o, chúng tôi mong chị chia xẻ cùng độc giả về quãng đường đi qua. Nhưng trước tiên, xin chị cho biết: tại sao "gió-o" mà không là cái tên khác? Và chị mang  cái ý tưởng này bao lâu, trước khi chính thức trình làng?

Lê Thị Huệ: Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy có nhiều người quen cũng như người lạ hỏi tôi "Gió O" có nghĩa là gì ?  Sao lại tên Gió O ?

Có lẽ những người thắc mắc về chữ "O" trong bảng hiệu Gió O, không rành chữ "O còn có nghĩa là "Cô", một người nữ, theo tiếng miền Trung của các miền Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Người Miền Bắc, Miền Trung hoặc những ai thông thạo tiếng Việt khi thấy có chữ O, mà lại do một nhà văn nữ chủ biên thì biết ngay, bà ta định vị “O Làm Gió”,  đàn bà tạo ra gió rồi. Chữ O là biểu tượng một con chữ. “Gió O” có nghĩa “Gió” của những con chữ mà “O” là một đại biểu thuận tiện bị tóm làm đại diện cho bầy chữ của chúng tôi.

Tôi rất thích bích chương Kỷ Niệm 10 Năm Gió O ở trên, do Nguyễn Thảo tặng. Tấm bích chương có bầy chữ bay vo ve quanh miệng, quanh tóc, quanh nhan sắc, của nhân vật nữ.

Trước đây tôi không bao giờ có ý định ra báo. Tôi không thích làm chủ biên. Tôi vốn thích tự do thỏai mái ngang ngược sáng tác cho sướng đời. Chỉ từ khi internet xuất hiện và vì vọc nghịch internet hơi sớm, hơi tò mò về khả năng của net trong giai đoạn thời khai phá, nên tôi rành tí xíu. Vì sự thuận tiện ấy mà tôi bỗng cho ra đời một diễn đàn sinh họat văn chương nghệ thuật để testing nhiều chuyện. Nếu không vì sự thuận tiện là tôi thích nghịch net, thấy công việc đưa bài lên net dễ như uống nước lã, thì có lẽ tôi đã không làm Gió O

Và thế là tôi lao vào nơi gió trận internet của giai đoạn đầu này. Tôi mong Gió O sinh hoạt chữ nghĩa và nghệ thuật dựa theo điều kiện mới do thế giới internet mang lại.

Tôi nghĩ có lẽ tôi là người nữ đầu tiên chủ bút một cơ quan sinh họat thuần văn chương nghệ thuật uy tín của sinh họat chữ nghĩa Việt Nam từ trước đến nay. Tôi nghĩ trước đây chúng ta có thể thấy các tờ báo giấy để tên đàn bà chủ bút chủ nhiệm này nọ (phần lớn là chủ nhiệm), nhưng sự đề tên ấy rất lừa đảo. Vì tuy để tên là đàn bà nhưng phần lớn lại do các ông nắm quyền quyết định bài vở lẫn lay out tờ báo. Hoặc nếu không thì cũng có cả ông lẫn bà điều hành. Gió O là một diễn đàn mà bài vở được quyết định, và trình bày bởi một người đàn bà 100%. Điều này đã khiến Gió O có tính cách lịch sử đặc biệt của nó.

Ai có dịp đọc các sáng tác của tôi từ trước đến nay thì đều biết tôi rất nhạy cảm với ngôn ngữ của phái nữ khác phái nam. Nên khi làm gio-o.com, tôi không ngại hành xử trang Gió O theo cái cách rất "đàn bà" của tôi. Có thể nói Gió O là những ngọn gió do phái nữ tạo luồng.  

Nhân dịp 10 năm Gió O lên tuổi, tôi muốn gửi lời cám ơn đến các  bạn đã giúp tôi, đã đi cùng với tôi chặng đường vừa qua. Đặc biệt với những người bạn văn đã đi cùng tôi từ đầu như Ngu Yên, Ngọc Phụng, Hoàng Huy Mạnh, Lệ-Liễu, Lai-Hồng, Đào Trung Đạo. Rất đặc biệt cám ơn Nguyễn Vũ Khuyên, Ngọc Phụng, Lệ Liễu đã nâng đỡ tinh thần những lúc tôi định ... bỏ gió chạy lấy thân. Không muốn làm Gió O nữa ...

 

2.      Đoàn Nhã Văn: Nếu làm thử tổng kết, thì qua 10 năm, có khoảng bao nhiêu bài gởi về gió-o và bao nhiêu phần trăm được chọn đăng?  Trong số những bài chọn đăng, tỉ lệ giữa các tác giả trong và ngoài nước như thế nào?  Hoặc tỉ lệ giữa những cây viết cũ và người viết mới ra sao? và ngay cả tỉ lệ giữa Nam và Nữ?

Lê Thị Huệ:

A . Phần trăm chọn đăng 15%, 85% không

B. Tỉ lệ tác giả trong Việt Nam 30%, 70% Hải Ngoại

C. Tỉ lệ người viết cũ: 60%,  40% người viết mới

D. Tỉ lệ các cây viết Nam: 90%, 10% các cây viết nữ

Đoàn Nhã Văn hỏi câu này lôi kéo tôi về thực tại địa lý. 

Thú thật tôi đã lên đường cõng gio-o về một hướng ngoài sự khoanh vực của địa lý cũ. Tôi chủ trương cày cấy vực "tiếng" (language) hơn. Trên internet bạn viết tiếng nào thì bạn chùm đụm vào vực ấy. Những người viết tiếng Việt thì tìm đến nhau, bất kể là địa lý của người ấy ở đâu. Tôi thích nhìn theo cách này hơn cách địa lý của nền thời trước Net.

Gió O thu hút nhiều người mới viết từ trong nước. Tôi nhận được nhiều bài của người viết trẻ từ Hà Nội hơn Sài Gòn. Các tác giả nổi lên từ Gió O như Nguyễn Thế Hòang Linh (Hà Nội), Tưởng Bình Minh (du học Hungary hiện về sống tại Sài Gòn), Nguyễn Kim Anh (Sài Gòn), Trần Thiên Thị (Đà Nẵng), Ngô Nhân Đước (Đà Nẵng), Trần Khiêm (Sài Gòn), Huy Hòang (Ninh Bình), hoặc mới đây nhất là tác giả trẻ khác, Minh Hà (Hà Nội), vv …, những cây viết chưa bao giờ gia nhập Hội Nhà Văn Việt Nam nào cả. Hiện các tác giả này vẫn xuất hiện trên các trang văn chương hải ngoại là chính.

Gió O không phải là nơi thu hút dễ dàng với những cây viết cũ của hải ngoại. Với tác giả mới cũ nổi tiếng của hải ngoại như Ngu Yên, Đào Trung Đạo, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Xuân Thiệp, Túy Hồng, Trần Thị Lai-Hồng, Võ Đình, Hoàng Huy Mạnh, Nguyễn Thị Lệ-Liễu, Hoàng Mai Đạt,  Đoàn Nhã Văn, Tường Vũ Anh Thy, Lê Nghĩa Quang Tuấn đã quen thân hoặc đã gặp nhau trò chuyện ở ngòai đời rồi, có lẽ nhờ vậy họ gửi bài cho Gió O. Tôi rất lấy làm vui khi có những tác giả như Thi Vũ, Hoàng Hải Thủy, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Đình Nghiêm, Vũ Hoàng Thư, Vũ Đình Kh, Đài Sử, Thế Dũng ... đã gửi bài cho. Trước đây tôi chưa bao giờ liên lạc với họ, và họ tự động gửi bài đến cho Gió O.

Một điều thường gây tò mò cho tôi là tại sao Gió O nhận rất ít bài cộng tác của các cây viết nữ. Tôi nhận được rất nhiều bài vở của phái nam, ngay cả những người gửi bài về vở Gió O không đăng, họ vẫn tiếp tục gửi. Trong khi đó, tôi rất ít nhận bài của phái nữ. Thành ra các "O" trong trường gió này rất là số ít. Thật tiếc!

Một điều đáng buồn là các nữ tác giả xuất hiện đồng thời với tôi hầu như không còn sáng tác hăng say như thời chúng tôi viết trên Văn của Mai Thảo, Làng Văn của Nguyễn Hữu Nghĩa (Canada), hay Văn Học của Nguyễn Mộng Giác .

Vài người quan tâm về văn chương nghệ thuật hải ngoại đã thư về hỏi tôi về trường hợp tại sao Gió O ít bài. Sẵn, tôi trả lời luôn.

Ít đối với tôi là một ám ảnh đã lâu năm.

Tôi thường đùa bỡn gọi nó là Chủ Nghĩa "ÍT", ítism.

Tôi đã thích sự ít hơn là sự nhiều.

Tôi thích khỏang trống hơn là sự đông đặc.

Tôi thích khỏang cách hơn là sự rậm rịt.

Đối với tôi ít là một nghệ thuật, là một chọn lựa về một thế sống. Tôi không phải là thiền sư, ngộ cái gì ráo. Tôi thấy Nghệ Thuật ít là một bản lĩnh bay lượn và mò mẫm đời sống với những thách đố của Nghệ Thuật ít.

Khi bạn muốn ít bạn phải chọn lựa.

Khi bạn "bị ít" bạn cũng phải suy tư.

Với ít, bạn nghệ thuật với đời sống.

Với Nhiều, nó dễ dấy lên mầm mống quyền lực

Tôi thich nghệ thuật. Tôi không mê quyền lực.

Có lẽ đàn bà ít mê quyền lực như đàn ông và đàn bà sanh con và có một đứa con là đủ thỏa mãn nhu cầu quyền lực rồi chăng?

Biết cách "ít"' là một nghệ thuật sống với thế giới net. Thời đại internet làm cho tôi bị ngộp bởi số nhiều. Internet dội bom số nhiều. Nên để có thể quên bánh vẽ bảo vệ đời sống tinh thần trong tôi, tôi phải thiết lập một hệ thống giá trị để tôi không bị cuốn văng vào cõi thông tin khổng lồ xiết cổ của internet.

Thưa, việc gio-o ít bài vở là một chọn lựa. Vì tôi chủ trương itsm là một cách thế để giữ gìn bản sắc của mình trong một thế giới bị tống dzộng bởi lượng bài đưa lên net từng tích tắc của thế giới Net. Tôi duy trì nguyên tắc "phẩm quý hơn lượng". Sự "ít bài" là vì Gió O muốn chọn lọc và chắt lọc để giữ được hàng ít chất lượng cao. Tôi tin là những tinh hoa sáng tác của một tác giả nằm trong số ít chứ không nằm ở số nhiều.

Có những tác giả (quen) đã gửi đến hộp thư Gió O hơn 50 lượt 70 lần, tôi không thấy được bài nào hợp với Gió O thì bài của tác giả ấy vẫn không lên. Trung bình vài ba tuần Gió O lại nhận được email của những tác giả (quen lẫn lạ) gửi nguyên tác phẩm gồm hơn 100 bài thơ, hay vài trăm trang sách đã xuất bản, nhưng tôi không tìm được đoạn nào hợp với Gió O, tôi vẫn không cho lên.  Có những tác giả lạ (có chút tiếng tăm) hàng tuần hiện vẫn gửi bài đến cho Gió O, nhưng tôi chưa bao giờ đưa bài họ lên. Có những tác giả hiện đang cọng tác với Gió O, đôi khi gửi về 3 bài, tôi chỉ chọn một bài để giới thiệu lên Gió O, hai bài kia sau đó xuất hiện trên diễn đàn khác.   Nói ra điều này tôi muốn xác định ở đây là sự chọn lựa của tôi không phải là vì các bài của các tác giả ấy dở. Nhưng vì bài của các tác giả ấy không hợp và không duyên với Gió O, thế thôi.

 

vài thống kê số độc giả đọc Gió O cuối năm 2009 và đầu năm 2010

Ảo Ngôn Trang vẫn là nơi được độc giả chiếu cố nhất !!!

 

47.788 là độc giả đến viếng gio-o trực tiếp ở địa chỉ http://www.gio-o.com.
7297 là số độc giả gõ vào google kiếm gio-o.com
872 là số độc giả viếng gio-o qua trang nhà vietstudies.com.

 

13 trang có số "hit" cao nhất trong một ngày cuối tháng 12-2009

 

Con số truy cập hàng ngày của tháng 1 -2010

 

Con số truy cập hàng ngày của tháng 10 -2009

 

3.  Đoàn Nhã Văn: Trong số những người viết trẻ cộng tác với gió-o, chị đã đọc và không ngần ngại giới thiệu họ một cách nồng nhiệt. Chẳng hạn, khi giới thiệu Nguyễn Thế Hoàng Linh, chị viết: "Làm thơ từ lúc rất trẻ, Nguyễn Thế Hoàng Linh có được những tính chất thiên tài mà ngay cả Nguyễn Du cũng đã không có. (...) Đọc Nguyễn Thế Hoàng Linh ta thấy thơ Việt đã thành công trong nghệ thuật phô diễn được những điều vĩ đại của đời sống qua một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm không đợi chờ tuổi."  Và trong số những tác giả trẻ ấy, có người đã bước những bước dài, chỉ trong một thời gian ngắn sau đó. Điều này cho thấy nhãn quan của một người điều hành một diễn đàn văn học, một điều mà không phải ai cũng có.  Xin chị cho biết rõ hơn: ở những trường hợp ấy, chị có góp ý, thảo luận để sửa chữa, với những sáng tác đầu tay gởi đến gió-o, trước khi đưa lên diễn đàn không? Và nếu được, xin cho biết chi tiết hơn.

Lê Thị Huệ : Trước hết muốn nói ngay là, khen chết tía lên thế kia mà còn chưa ra cơm cháo ngô khoai gì so cùng thế giới. Chê chối và dìm tài nhau nữa thì còn lâu nền văn chương của chúng ta mới trồi lên với thế giới được. Tôi không hảo ông tâm lý gia B. F. Skinner lắm, nhưng trong trường hợp này tôi lại dùng trường phái "positive reinforcement" của ổng. Khen khuyến thì tốt hơn là dìm chê. Thấy mấy ông bà mafia Do Thái không, họ đưa những là Isaac Bashevis Singer thiên tài, Imre  Kertsz thiên tài, Elfriede Jelinek thiên tài lớn. Toàn là những người Do Thái khắp nơi trên thế giới của họ được kênh lên. Họ có thế lực tiền nong và chính trị của các nước lớn. Thế là nhân gian cứ chạy theo Nobel do họ lập ra, ca mấy người do nhóm mafia văn chương thế giới này đưa lên trên giời. Nhắm tít mắt lại khen theo dịch dọt phục vụ mấy con mồi của băng đảng mafia văn chương ấy. Chứ tài hoa của Joseph Brodsky cũng ngang ngửa cỡ tài hoa Nguyễn Thế Hoàng Linh thôi mà.

Với trường hợp Nguyễn Thế Hoàng Linh tôi đã hơi mạnh miệng đưa Nguyễn Thế Hoàng Linh lên vì tôi thấy ở Mỹ ông Bill Wash ông bầu của đội banh bóng bầu dục 49ers lúc đưa Joe Montana lên còn được thiên hạ rối rít khen là “genius”, thì đã chết ai. Tôi gọi Nguyễn Thế Hoàng Linh là thiên tài vì tôi quý tài năng của anh ta, vì tôi nghĩ những tài năng trẻ cần được khích lệ để còn làm mưa làm gió kéo theo những thay máu cần thiết. Ca tụng thì mất mát gì. Tôi theo thuyết “positive reinforcement” trong ngành Tâm Lý Học của tôi. Tôi không thích sự dìm tài, sự lờ tài, sự băng đảng trong thế giới báo chí viết lách chung quanh mà tôi biết. Tôi nghĩ khen thế mà còn chưa làm nên cơm cháo gì huống gì chê và dìm tài nữa thì làm sao mà cây trổ nổi những bông hoa nẩy nở tòan phần. Ở Mỹ thỉnh thoảng tôi khen sinh viên của tôi là "genius - thiên tài" là chuyện chả có gì ghê gớm.

Nếu phải chọn lựa, tôi chọn thiên tài Nguyễn Thế Hoàng Linh chứ không chọn thiên tài Phạm Công Thiện. Với tôi Phạm Công Thiện giống Nguyễn Du đi xào xào lại hàng của Tây và Tàu. Phạm Công Thiện tiêu hóa triết Tây không thua gì Tây. Lục bát của Nguyễn Du vô địch Hà Tịnh. Nhưng nói gì thì nói Phạm Công Thiện và Nguyễn Du đi vay hàng Tây và Tàu. Tôi chê. Tôi khoái cái gì original. Tự tin chút đi hỡi mấy ông bà Việt Nam. Bị whitewashed dữ quá vậy. Cái gì của Linh là do Linh nẩy bật ra. Tuổi đôi mươi sắc như một nhát dao. Linh cứa vào đời sống bằng tinh hoa và nội lực một ông cụ non lẫn một đứa trẻ già. Một cơn rung rinh của Triết Gia. Nhiều phần là do nhạy bén cảm xúc và trực giác. Vốn trời cho. Thì ta hãy cứ ngợi khen và thích thơ anh ta ở khối thơ văn của anh ta vào thời điểm ấy đi. Ông Joseph Brodsky trung niên làm thơ hay kiểu ông Joseph Brodsky trung niên. Nguyễn Thế Hoàng Linh hai mươi lăm thơ hay kiểu tuổi hai mươi. Thơ thế là nhức xứ roài.

Có đấy. Tôi cũng sửa lung tung, nhất là các cây bút mới. Tôi hay sửa đề, sửa vài chữ trong bài thơ. Tôi sửa nhiều quá nên chả nhớ mình sửa cái gì nữa. Các tác giả trẻ thì lúc chưa nổi tiếng họ vui vẻ để cho tôi sửa thơ, lúc nổi tí xíu rồi thì cũng có khi hơi ... cự nự . Nhưng hầu hết thì  vui vẻ. Vì tôi sửa tí xíu vì chỉ muốn làm cho bài thơ hay hơn. Phần lớn các tác giả này tôi đã thích thơ họ rồi, ngưỡng mộ thơ họ rồi, nên khi họ thấy tôi sửa chữa và làm cho bài thơ hay hơn thì họ cũng OK thôi. Có thể kể ra vài người như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Ngô Nhân Đước, Trần Thiên Thị, Trần Khiêm,

Có những tác phẩm tác giả giao cho tôi toàn quyền đặt tựa. Tôi đặt lung tung. Rồi được độc giả gửi thư đến khen là sao có cái tựa hay cực kỳ. Thế là tác giả và chủ biên vui được một ngày!

Còn có cái màn đặt tên nữa. Nguyễn Thế Hoàng Linh lúc đầu chỉ định đặt hai tên, nhưng tôi nói lấy luôn 4 tên đi do cha mẹ đặt đi. Tên Nguyễn Thế Hoàng Linh nghe hay đấy. Linh có vẻ ngại ngùng vì thấy tên hơi dài, nhưng cuối cùng cũng nghe theo đề nghị của tôi. Tác giả Lữ bị tôi thuyết phục đổi đổi thành Đặng Thế Lữ, nhưng sau khi tác giả này tiết lộ là "nhà sư", tôi email nói: "eo ôi sao ông là nhà sư mà ông chui vào gió o làm gì. Chủ bút gio-o vô thần đấy. Mới chỉ có nói thế mà tác giả rút đi trong im lặng và qua các diễn đàn khác đăng thơ rồi xuất bản trong nước với bút hiệu "Lữ". Tôi viết cho một cây thơ nữ là đừng đặt tên 1 chữ. Đặt tên 1 chữ là tác giả không kính trọng trí tưởng tượng của độc giả. Cô đồng ý đổi tên Nguyễn Dạ Quỳnh, thay vì để tên Quỳnh một mình. Thơ của Nguyễn Dạ Quỳnh lâu nay vắng bóng trên gio-o nhưng đó là một cây thơ nữ trẻ rất triển vọng. Tên Ngô Nhân Đước, chữ Đước do tôi thấy tác giả gửi thư với cái nick email là "ngông cuồng" và làm một lô thơ điên nên đề nghị đổi tên Đước cho khơi mở trí tưởng của độc giả. Nhưng sau một thời gian đăng thơ trên gio-o, tôi mới thấy hình như tác giả không phải là Đước Ngông Cuồng, mà có vẻ thích cái chữ "Đức" trong bộ âm thanh thản "Ngô Nhân Đức" do cha mẹ đặt hơn thì phải. Nhưng đã lỡ chào đời trên gió o rồi Đước ơi. (Sau này đặc biệt có tác giả Lê Chiều Giang . Chị đã nổi tiếng với tên Giang trước đây với chồng là họa sĩ Nghiêu Đề. Khi chị ấy gửi bài đầu tiên đến Gió-O, chị chỉ ký một tên: “Giang”. Tôi đề nghị đổi tên thành “Lê Chiều Giang”. Chị Giang OK . Tôi nghĩ tên Lê Chiều Giang là tên đẹp. Ghi thêm của Lê Thị Huệ vào dịp đưa lên lại năm 2021)

Chủ biên Gió O sửa chữ nghĩa để bài lên Gió O hay hơn, khác với sự sửa bài theo chỉ thị kiểm duyệt. Gió O thỉnh thỏang nhận được bài của các tác giả trong nước nhờ đăng lại, sau khi đã đăng trong Việt Nam và bị các ông bà Biên Tập Viên thuộc Đảng Viên Đảng Cọng Sản cắt đục đoạn này đoạn kia vì tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, và văn hóa ở Việt Nam. Mấy bài nàyy nếu không đăng được thì tôi từ chối, còn  nếu đăng được thì tôi lại giữ nguyên theo ý của tác giả.

Nhãn quan của người điều hành ư. ? Tôi biết ông Mai Thảo ngày trước không bao giờ sửa của ai một chữ. Không biết lúc ông ở Việt Nam như thế nào. Nhưng thời ông điều hành tờ Văn ở hải ngoại, ổng dễ vô cùng. Nhất là ai gửi bài mà kèm chai rượu hay kèm tiền gửi mua báo Văn thì ông tô hồng chuốc lục cho họ thành văn thi sĩ. Tôi từng cự nự ông Mai Thảo vụ này. Tôi nói Bác thì ai mua rượu gửi cho Bác uống là bác đăng bài lên Văn ngay. Chán bác quá. Ông lườm lườm nhìn tôi một cách vô thường và mắng yêu: Sao cô khó thế. Cho chúng nó làm nhà văn nhà thơ với.

 

4.    Đoàn Nhã Văn: Một mình một ngựa, trong suốt thời gian điều hành gió-o, chắc chắn đã "có những bực mình không thể nói".  Bây giờ, nhân kỷ niệm 10 năm gió-o,  chị có thể bật mí được chứ? Và cũng xin chị chia xẻ những niềm vui qua 10 năm điều hành.

Lê Thị Huệ : Có lẽ kinh nghiệm gây sốc cho tôi nhất, là kinh nghiệm băng đảng trong xã hội được điều động bởi nam giới.

Là một người nữ, gần như tôi nguội lạnh với tinh thần băng đảng bè phái. Chỉ biết con cái là "băng" của mình rồi. Nên không có nhu cầu lập băng gì nữa cả. Cho đến khi gio-o thành hình, tôi mới biết làm cái việc gì ngoài xã hội người ta cũng cần có băng.

Khi khám phá ra kinh nghiệm này thì đời tôi đã trễ rồi. Vì từ nhỏ đến lớn tôi chả biết băng đảng là gì. Tôi rất anti xã hội. Chả bao giờ gia nhập hội hè từ nhỏ. Đứng ngoài tất cả mọi sinh hoạt hội đoàn từ nhỏ. Thêm đam mê sáng tác lại càng khiến tôi thích thú làm việc một mình, khép cửa suy tư một mình, ngồi một mình nhiều hơn ngồi với số đông. Trong đời sống gia đình, tôi còn phải giành cho mình một phòng riêng. Tôi chủ trương mỗi cá nhân phải có một phòng riêng. Thế là vợ chồng con cái chúng tôi ai cũng có một phòng riêng. Chúng tôi rất kính trọng sự riêng tư ấy của nhau

Tôi học hỏi được là tinh thần Băng Đảng là một bản tánh mà phái nam đã được trui luyện là nhào tới và vồ lấy từ nhỏ. Đàn ông cần băng đảng kinh khủng, giờ tôi mới biết. Tôi bị một nhà văn nữ trong nước khuyên: Buôn có bạn, bán có phường. Phải có băng có đảng, phải có đàn ông làm chủ băng đứng mũi chịu sào cho Huệ, thì tụi nó mới bớt úynh Huệ. Tôi nghe và nói OK, OK. Rồi tôi quay lưng đi, cười và buồn một mình!

Tôi lờ mờ nhận ra bàn tay "Big Brother" của George Orwell, của các chính phủ khi họ xài người vô dùng các diễn đàn văn chương, các nhà văn nhà thơ Việt Nam để phục vụ các mục tiêu chánh trị. Giờ tôi đâm ra nghi ngờ các văn nhóm... cái gì mà nhóm nhóm là tôi đâm ra nghi ngờ . Tôi tự hỏi tại sao diễn đàn Talawas của Phạm Thị Hoài khi ra đời và cả khi chết đi thì được các đài BBC, VOA, RFI, RFA loan tin, phỏng vấn đi phỏng vấn lại. Mà www.gio-o.com của bà Lê Thị Huệ nổi quá trời, chả bao giờ có ông bà nào đó thuộc giòng dõi Quan Quyền Đế Quốc Chuyên Nghề Chính Sách Thọc Gậy Bánh Xe như các đài Việt Ngữ của VOA, BBC mời phỏng vấn. Mở ngoặc, nói thế chứ ông bà nào đó mời phỏng vấn chưa chắc LTH đã nhận lời, hic hic, đóng ngoặc. Tại sao thời 1990 Thông Luận, Hợp Lưu, Trăm Con ... giao lưu trong nước ngòai nước thì tự nhiên tôi bị tố là nhà văn Chống Cộng hải ngoại. Báo Quân Đội Nhân Dân trong nước mang Lê Thị Huệ mình ên con gái lên danh sách các “Nhà Văn Phản Động” chống phá nhà nước Việt Nam Xã Hội lên thớt.   Em gái tôi dân business tính rất lợi lộc nên giao lưu qòa cáp đón tiếp các nhà văn Việt Cọng từ Hà Nội ra rất hậu hĩ nhất thời đó. Về nhà nói với tôi trong bữa ăn:" Ngòai kia chúng nói chị là Nhà Văn Chống Cọng. Viết văn không nên làm chính trị. Chả ai chơi với chị đâu".  Bạn tôi ở xa về San Jose chọt tôi: Thiên hạ không ưa vì Lê Thị Huệ Chống Cọng, thời buổi này mà Chống Cọng gì nữa. " Đến thời Talawas Tiền Vệ Da Màu Diễn Đàn Việt Studies năm 2005 thì ... tôi bỗng thấy tự nhiên nổi lên phong trào nhiều ông nhiều bà Chống Cọng bò lổn nhổn ra khắp các diễn đàn văn chương. Oai! Tính tôi thì ưa quan sát. Tôi nhìn thấy có những ông bà viết và giao thiệp với giới nhà văn nhà thơ như những nhân viên CIA, cán bộ Công An Văn Hóa, cán bộ Bộ Dân Vận, được công tác giao phó làm cái chi chi đó. Họ lăng xăng quốc tế hay Việt Nam, liên hệ, viết viết, hay phù hộ văn chương bilingual quái quỷ gì đó. Họ tưởng không ai biết nhưng tôi thấy họ làm điệp vụ thật tinh vi,



(báo Quân Đội Nhân Dân của Hà Nội lôi duy nhất tên một nhà văn nữ ở hải ngoại
là Lê Thị Huệ trong số các nhà văn phản động ở hải ngoại vào thời điểm 1990)

 

Gio O nhận được những bài thơ, những bài viết Chống Cọng dở hơi, tôi đọc và vứt đi. Những ông những bà ngày trước viết hươu vẽ vượn, bỗng có ngày quay qua viết những lời Chống Cọng như sấm nổ! Một cô một anh trẻ chỉ ham ngồi cà phê vỉa hè và ngồi cà phê máy lạnh, mà viết những lời như muốn nói thay cho những kẻ đấu tranh trong tù.

Không quên một lần các bạn bên Đảng Việt Tân nhờ tôi vào trong ban giám khảo giải Thơ Văn năm 2005 với giải thưởng trị giá 10.000 (mười ngàn) đô la. Một giải thưởng không phải là nhỏ. Một giải thưởng phát xuất từ những tấm lòng cao cả, yêu nước nồng nàn. Thế nhưng khi đọc các bài tham dự, tôi thật ngỡ ngàng, thơ văn tham dự thật kém. Tự hỏi tại sao ?

Thấy các tác giả nghèo trong nước ít có dịp ra ngoại quốc, tôi cám cảnh, muốn giúp một cây bút trẻ đi du lịch ra Á Châu. Mới chỉ thò ra một cái offer là bắt đầu tôi tặng bạn vài trăm đô la nhé, là tôi bị một một cây bút nữ trẻ tri hô lên "bộ chủ biên gio-o.com là tú bà sao, cho chừng đó mà biểu người ta đi du lịch Trung Quốc"

Thấy một ông đã từng lẫy lừng danh vọng trong đại học lẫn trong văn chương, lụ khụ đánh máy tội nghiệp, tôi và các bạn gom tiền, tặng ông ta 500 đô la để ông ta thuê người đánh máy sách giúp. Ông ta nhận tiền, im luôn, không thèm trả lời một chữ cám ơn.

Thời Mỹ Việt mới bang giao,  1997, người Việt sang Mỹ còn khó khăn, có bà văn sĩ kia nhờ gio-o.com giúp mời một ông nghệ sĩ rất lừng danh trong nước ra hải ngoại. Gió O nhờ Ngu Yên viết thư mời. Ngu Yên ngang ngược xem trời như ne pas, nể bạn, mà viết giúp. Anh danh hài to đùng kia được sang Mỹ, chớ hề nói một lời cám ơn với Ngu Yên dù trên thư mời ký tên Ngu Yên to tổ bố.

Bất cứ tấm ảnh nào đưa lên gio-o đều được ghi rõ nguồn là của ai, trừ khi đấy là tranh ảnh của tác giả vẽ hay chụp lấy. Tôi rất thích việc kính trọng bất cứ một sáng tác dù nhỏ đến đâu của bất cứ tác giả nào, nổi tiếng hay không nổi tiếng. Tôi luôn luôn nhắc nhủ các tác giả phải ghi nguồn trích dẫn. Khổ nhất là có những tác giả gửi kèm tấm ảnh nào đó trên internet, ghi lờ mờ nguồn, thế là tôi phải bỏ công ra mà xem tấm ảnh ấy nguồn ở đâu. Có khi không đúng hoàn toàn và tôi rất không vui về việc này.

Không thích một tác giả gửi bài cho gio-o và gửi thêm 3,4 nơi khác nữa. Trước khi đưa bài lên gio-o, tôi chỉ cần google một cái là biết bài đó gửi đăng ở đâu rồi. Nên nếu quý vị đó gửi bài đi nơi khác thì làm ơn đừng gửi cho gio-o nữa.

Niềm mơ ước có lẽ không bao giờ thành tựu là không bao giờ kiếm được một cây vẽ biếm họa cừ khôi cho gio-o. Tôi rất thích gio-o có được trang này. Người Việt có vẻ ít óc khôi hài, đi tìm những trang tranh hài khó muốn chết. Dĩ nhiên là hài có trình độ cơ.

"Bút Sa Gà Chết", câu châm ngôn tối thượng của thời khắc đó, in giấy, lời của người xưa, bây giờ không cần thiết nữa. Thời đại Net, bất cứ thứ gì đưa lên đây, đều có thể sửa đổi lại trong tích tắc. Con người cần phải điều chỉnh với khái niệm mới mẻ này. Bớt buộc tội, bớt ném đá, đồng thời cần phải co giãn tâm thần chút xíu, bớt cứng ngắc đi.

Có những phi vụ tác giả trên Gió O bị chửi oan. Như vụ ông Nguyễn Quốc Trụ tố ông Đào Trung Đạo:

"đọc sách với ĐàO TRUNG ĐẠO

GERALD MARTIN

Gabriel Garcia-Marquez

a life

(cuộc đời Gabriel Garcia-Marquez) (1)

tiểu thuyết

"Theo cái nhân có tính lịch sử văn học, thì sau khi "hiện thực xã hội

chủ nghĩa" rồi "hiện thực phê phán" đáo bị thời gian xóa bỏ, những trí

thức, nhà văn thiên tả đó ồn ào trám vào những khoảng trống đó bằng

"hiện thực huyễn ảo." Và rồi ngày nay quan niệm văn chương này cũng đã

bị đẩy lui vào bóng tối. Và trong "căn nhà tiểu thuyết" thế giới, tác

phẩm của Gabriel Garcia-Marquez chưa có được cái tầm cỡ của Marcel

Proust, Franz Kafka, James Joyce, William Faulkner, và Samuel

Beckett."

(1)

Tên của tác giả, Garcia Marquez, không có cái gạch ngang như mấy anh

Tây mũi lõ, thí dụ Jean-Paul Sartre. Viết tắt, G. Garcia Marquez,

nhưng không thể viết như ngài phê bình gia NMT, G. Marquez được. Chỉ

nội cái tên cúng cơm của người ta mà cũng viết trật, thế bố ai chịu

được!

 

*

Thú thực, Gấu không hiểu nổi chuyên gia đọc sách họ Đào, chỉ nội cái

mức ẩu tả của ông.

Ở trên, ông ta trích từ nguyên gốc, a life, và như chàng ta đã biết,

đây là một cuốn tiểu sử, liền ngay sau đó, ông dịch là, tiểu thuyết!"

Thật ra, lỗi là do chủ biên Lê Thị Huệ khi làm phần kỹ thuật, cắt nguyên con bảng html từ một đoạn cũ nào đó, đã quên sửa chữ "tiểu thuyết". Ông Nguyễn Quốc Trụ tố ông Đào Trung Đạo trên trang blog của ông nhiều lần. Mấy lần là do lỗi của chủ biên. Mr. Đào Trung Đạo vô can.

Trên Gió O có nhiều khuynh hướng nhiều người "chỏi" triết lý sáng tác (và cả quan điểm sống) lẫn nhau, mà vẫn xuất hiện vui vẻ cạnh nhau. Trước hết là tôi, chính tôi, là người hoàn toàn không đồng quan điểm với nhiều tác giả góp mặt trên Gió O, vậy nhưng tôi vẫn tôn trọng họ, vẫn khuyến khích họ đều đặn.

Vì kinh nghiệm sống ở ngoại quốc và thấy sự chế ngự của tiếng Anh, nên khi tôi chọn sáng tác và phát biểu bằng tiếng Việt, tôi trải qua kinh nghiệm tạo dựng Gió O khác với các diễn đàn của những người sống trong nước.

Tôi là một người sáng tác tập hợp các tác phẩm của nhiều tác giả thành một bó hoa dâng tặng đời, là đúng nhất. Gió O khác với những diễn đàn văn chương nghệ thuật ngày cũ vì Gió O không bị lệ thuộc vào việc phục vụ độc giả mua báo. Tôi tự bỏ tiền túi ra trả chi phí hàng tháng trên internet để duy trì Gió O mười năm nay. Nên tôi được tự do hoàn toàn hành xử mọi chuyện theo ý mình.

Tôi nghĩ kinh nghiệm để lại nhiều dấu ấn trong tôi nhất có lẽ kinh nghiệm là một người đàn bà điều hành một sinh hoạt mà số đông là phái nam tham dự. Tôi đã từng là một người con gái có nhan sắc trên trung bình được phái nam theo đuổi và nâng niu. Bây giờ tôi lại là người đàn bà điều khiển một guồng máy mà những người đàn ông rất dữ dằng tham dự. Tôi phải nói lên một điều này, là tôi may mắn “deal” với những người đàn ông có tâm hồn nghệ sĩ thật. Những người đàn ông có tâm hồn nghệ sĩ chân thật, họ nhạy cảm và tâm hồn họ lung linh đáng yêu. Họ yêu mến Gió O vì tính nghệ sĩ của nó. Và họ nhìn ra được tôi cũng chỉ là một nghệ sĩ như họ. Những người đàn ông này dù họ lớn tuổi hay chỉ là chú bé còn học đại học, họ vui vẻ khi tôi đề nghị sửa đổi gì gì đó. Deal với họ rất dễ. Có một sự đồng cảm nào đó giữa những người không xài bạc giả rất nhạy bén với nhau.  Nhưng điều làm tôi phiền muộn là phải đối phó với những người sáng tác háo danh và tìm đến Gió O vì những mục tiêu dấu trong túi áo của họ. Tôi có một tâm hồn nhạy cảm nên vai trò điều hành Gió O không thích hợp. Thú thật tôi kéo dài Gió O cho đến nay vì tôi nghĩ đến tha nhân, có vớ vẩn không chứ, hơn là nghĩ đến tôi. Một ngày nào đó tôi nghĩ, như thế đủ rồi, thì tôi sẽ rời Gió O.

 

5.    Đoàn Nhã Văn: Nếu công tâm đánh giá lại: điều gì làm chị hài lòng nhất? điều gì làm chị thất vọng?  Nếu có cơ hội làm lại, chị nghĩ đến (những) vấn đề nào trước nhất, mà chị sẽ làm khác hơn?

Lê Thị Huệ : Thất vọng vì thấy thiên hạ háo danh chứ tài năng chả có gì! Thất vọng vì thấy đám đông ưa hùa theo thứ "tiếng đồn ngu ngốc tào lao" nào đó, rồi tri hô bầy đàn lên cho chắc ăn: Ồ nghe nói đấy là bà nhà văn nữ quyền khét tiếng. Ồ đấy là phong trào thơ mới hay hay hay. Trong khi tôi biết rất rõ đấy là con bà nhà văn dốt nát hạng bét chỉ giỏi nhờ vả và chạy chọt đàn ông, hoặc đấy là một mụ tâm thần háo danh. Trong khi cái gọi là phong trào đấy là kít của ngoại quốc ị lại một đống ... Thất vọng vì thấy độc giả Việt Nam lười biếng động não, chỉ ăn chực, và thưởng thức chầu rìa. Nhưng cùng một lúc tôi thấm thía tận cùng câu: "Đời Là Thế!". Âu là nên tiếp nhận đời vốn ngu si dốt nát và nên sống với đời tâm thần như thế! Thử nghiên cứu mà xem. Thế giới các ông bà sáng tác ngày xưa đầy dân ghiền rượu, nát bét thuốc phiện, lừa đảo tác phẩm của người khác xách làm của mình. Họ nổi tiếng ầm ầm. Được nhân loại tung hô nhà văn nhà thơ cho đến bây giờ. Đầy ra. Tôi là ai mà mong đợi quá ở đời sống này!

Hài lòng vì xúi giục được một số người lao động trí tuệ.

Nếu cho làm lại sẽ không làm gio-o nữa. Tôi thích rảnh rang đi sáng tác chơi.

 

6. Đoàn Nhã Văn: Mỗi người chủ biên có một lối chọn lựa bài vở khác nhau. Với Lê Thị Huệ, một bài thơ hoặc một truyện ngắn như thế nào mới đủ tiêu chuẩn xuất hiện trên gió-o? Có khi nào chị từ chối những bài gởi đến của các tác giả đã thành danh? Nếu có, phản ứng của họ ra sao?

Lê Thị Huệ : Người viết phải có khả năng chế tạo tác phẩm văn chương cao. Nổi bật.

Độc lập sáng tạo. Tôi rất để ý đến nội lực này. Thơ lục bát không sao nhưng là thơ của người đó nhả chữ. Đây là trường hợp của Trần Khiêm. Trần Khiêm gửi gio-o.com nhiều thơ lục bát, nhưng đấy là lục bát của Trần Khiêm. Trần Khiêm móc túi áo trên ngực ra toàn là thơ lục bát. Rất nhiều tác giả gửi thơ lục bát về, có những người gửi nguyên tập thơ đã xuất bản, có người gửi vài trăm bài, nhưng Trần Khiêm là trường hợp được tôi đưa lên gần hết thơ lục bát đầu tay của anh lên Gió O.

Trong sự hạn chế nào đó, tôi cố gắng đi mò lục cái mới trong sáng tác của một tác giả. Tôi hô hào là tác giả cần tự sáng tạo, cần tự tìm cái mới do quá trình tiêu hóa và khai phá của chi,nh tác giả ấy. Tôi thích nỗ lực dù nhỏ của một người sáng tác làm vọt ra cõi riêng của y. Nên tôi để ý người này có điểm mới hoặc điểm riêng ở đâu, ở tư tưởng, ở cách quan sát đời sống, ở cách vận chuyển lên bản văn, ở cách xài chữ, ở cách đặt câu, ở cách pha màu, ở chỗ không điên, ở sự bất lực, ở sự dẻo miệng, ở xái xuôi của câu văn. Là một người ăn dầm ở dề với tiếng Việt lâu năm, nên tôi nhạy với tiếng Việt. Tôi được may mắn tiếp xúc với nhiều tư tưởng và kỹ thuật tiểu thuyết của hai nền giáo dục đại học tiếng Việt và tiếng Anh, nên tôi lọc lại được cái gì là sự độc sáng hoặc chút ít mới mẻ của tác giả ấy.

Tôi biết trong tiến trình để phát minh hay khám phá ra một điều gì mới mẻ, thì phải có kiến thức rất tường tận về lĩnh vực đó. Kiến thức này chỉ có thể thu thập được bằng sự học hỏi, đọc tài liệu, phân tích, suy ngẫm, cách vật trí tri, so sánh, tổng hợp phát kiến. Dĩ nhiên trong lĩnh vực nghệ thuật thì có những đột xuất mà không qua tiến trình thu thập kiến thức bằng học tập như vậy. Chẳng hạn vẽ một bức tranh hay sáng tác một bài thơ. Nhưng vì các vị phê bình văn học hay cột các khuynh hướng học thuật với sự mới. Mà sáng tạo nghệ thuật thì thường hay, lạ và đột xuất.

Tôi biết nền sáng tác tiếng Việt có những yếu điểm của chúng ta nhưng chẳng thà chúng ta tự bắt đầu, tự mò mẫm sáng chế ra, rồi theo đó mà phát triển thành cái gì đó riêng tác phẩm của mình, thì tôi vẫn cổ võ hơn là đi bắt chước Tây Tàu Ấn Độ Nam Mỹ Bắc Mỹ này nọ.

Tôi đã từng tâm sự với Nguyễn Thị Minh Ngọc, trước là nhà văn, nay chuyển sang sinh hoạt trình diễn nhiều. Tôi biết Nguyễn Thị Minh Ngọc sinh hoạt với nhà biên đạo múa Ea Sola và các bạn trong giới ca múa, nên tôi nói với Minh Ngọc rằng sao không kêu Ea Sola hay các bạn sinh hoạt bên vũ điệu, chế ra một bộ múa nào thay thế cái điệu Múa Lân, cho đám trẻ nít Việt đi. Ngày xưa chưa có, thì bây giờ sáng chế ra một điệu nào cho chúng ca múa ăn chơi con nít con nôi. Bây giờ chế ra thì cũng được vậy. Sao cứ phải truyền thống Múa Lân. Tại sao cứ phải dùng tuồng Tàu hoài dzậy. Tôi đoán là lời tôi nói đã gửi gió cho mây ngàn bay.

Tôi tin là về Thi Ca, chúng ta có nền Thi Ca ngang ngửa với tất cả các vị lĩnh giải Thi Ca to lớn nào nhất của thế giới. Chỉ vì sự yếu kém của vị thế Việt Nam trên thế giới, nền nền Thi Ca của chúng ta chưa được thế giới ngưỡng mộ thôi. Trong tinh thần chẳng thà chà bóng cái mới li ti từ một sáng tác có nỗ lực tự lực, hơn là chạy theo cái mới của các tác phẩm ăn theo chiếc bóng đã được mọi người tung hô vạn tuế, tôi nỗ lực tìm cái độc lập và cái mới của chính tác giả ấy hơn là dùng tiêu chuẩn của các khuynh hướng sáng tác đã thành danh của ngoại quốc để ăn theo các ta"c phẩm của những tác giả gửi đến Gió O.

Điều này không có nghĩa là tôi hô hào các tác giả cứ theo Lục Bát hay Câu Tám truyền thống hơn là nỗ lực tìm kiếm cái mới. Đã lẽo đẽo theo, thì như nhiều lần tôi nhấn mạnh, truyền thống không có gì ghê gớm lắm đâu. Chẳng đặng đừng đấy thôi! Cái mới luôn luôn là niềm tuyệt đích của mục tiêu sáng tác. Hãy vứt bỏ ảnh hưởng của Nguyễn Du. Hãy dẹp mấy ông Nhất Linh, Tố Hữu, Thanh Tâm Tuyền sang một bên. Nhưng hãy chính là bạn trước tiên. Nếu bạn không phải là thiên tài song chế ra cái mới. Hãy là thiên tài thơ văn sản xuất ra từ mỏ người bạn. Điều gì bạn tôi luyện được thành tác phẩm của bạn, thì hãy cứ là nó. Bạn bị vì yêu Lục Bát, nó đã thấm vào trong xương máu của bạn, thì cứ làm thơ Lục Bát. Điều tôi kỵ nhất là một sự gồng mình để tìm danh vọng của văn chương. Những người này thường tìm cách chạy theo sự nổi bật của những khuynh hướng thời đại. Tôi không thích sáng tác kiểu này lắm.

Nói thế nhưng tôi là người rất cởi mở. Nếu có những tác giả theo các khuynh hướng sáng tác nổi bật của Ngoại Quốc, mà tác phẩm của họ khá, bảnh bao, Gió O vẫn đăng như thường. Như bạn đọc đã thấy các bài của họ trên Gió O.

Các tác giả thành danh bị sửa, bị từ chối, và không đăng. Có chứ.

Có tác giả trong nước, rất nổi tiếng, gửi bài để là Thành Phố Hồ Chí Minh, tôi sửa thành Sài Gòn khi đưa lên Gió O, người giận, người đi luôn

Có tác giả lừng lẫy trước Bảy Lăm, tôi nói xin lỗi Bác, bài này không đi được trên Gió O, Bác giận, Bác đi luôn.

Còn lại những người vẫn gửi bài cho Gió O là những người tôn trọng tính cách làm việc của một người chủ biên. Nổi tiếng cỡ nào mà tôi thấy có những chi tiết hoặc những bài cần thay đổi cho thích hợp với Gió O, tôi đề nghị, họ cũng tiếp nhận đề nghị của tôi một cách cởi mở, hợp lý. Tôi cám ơn họ đã tin tưởng tôi và vẫn cộng tác với Gió O. Tôi biết họ biết tôi làm như thế là vì muốn giữ sắc thái của Gió O riêng biệt. Tôi tin tôi là một người chủ biên công bằng, chọn lọc, cởi mở, chỉ vì say mê phục vụ văn chương nghệ thuật.

 

7. Đoàn Nhã Văn: Tôi quen biết rất ít những người trong chốn văn chương. Và, thật sự, cũng ngại giao tiếp và nhất là "gần" họ. Tuy nhiên, trong số ít ỏi ấy, tôi có nghe rằng: "Bà Lê Thị Huệ khó lắm".  Và họ không giải thích gì thêm. Tôi hân hạnh được gặp chị 1 lần. Thấy chị rất thẳng thắn và nhất là 1 niềm đam mê với chữ nghĩa trong cách nói.  Vậy theo chị, "khó lắm" mà họ nói ở đây, là điểm nào: trong việc chọn bài vở cho gió-o, trong thư từ email giao thiệp, hay trong giao tiếp ở đời thường?'

Lê Thị Huệ : Ngụy biện chút xíu nhé:

Người khó tính thì không bao giờ làm được thơ. Tôi làm thơ quá chừng chừng. Vậy suy ra tôi không phải là người khó tính

Còn đây là version đời thường, cô giáo Thảo:

Chắc khó hết mọi sự wá. Tôi phải khó để bảo vệ tôi. Tôi mà dễ thì chắc giờ này thân tàn ma dại có đâu ngồi đây ung dung viết như thế này. Khó thế mà thiên hạ còn đeo dính như sam. Dễ thì chắc tôi đã tự hủy mình lâu rồi. Có khi tôi phải la lên xin đừng theo tôi xin đừng yêu tôi. Vậy mà vẫn có người yêu thiết tha, vẫn có người khi gặp chuyện gì buồn phiền nhất đời là chạy đến tìm tôi nương náu sự mạnh mẽ, sự thông minh,  và sự hiền dịu của tôi, vẫn có người cho mình nụ cười thân ái, vẫn có người chịu đựng được những cơn ương ngạnh của tôi.

Đời sống là một điều gì bí mật bạn ạ

Câu hỏi này có thêm một điều nữa

Bây giờ giả sử đi.

Giả sử nếu chủ biên Gió O là một người đàn ông thì liệu dư luận có đặt câu hỏi là ông ấy khó hoặc dư luận có thể sẽ ngầm định như đấy là một điều "hết xẩy", "hay", "ngon lành"  Vì dư luận thường chấp nhận và ngầm phục một người đàn ông "khó".  Và thường ngầm buộc, muốn, và mong rằng một người đàn bà thì không nên "khó". Một người đàn bà thì nên "dễ" ... thêm "thương" gì đó thì mới dễ đè xuống.

 

8.Đoàn Nhã Văn: Từ văn chương giấy in đến văn chương mạng, bao nhiêu diễn đàn đã ra đời, bao nhiêu tác phẩm trên thế giới ảo được gởi tới bạn đọc. Là một người lướt "web" từ những ngày đầu tiên, đến một một người điều hành 1 diễn đàn văn học, chị thấy chất lượng giữa tác phẩm trên giấy in và trên mạng khác nhau thế nào? Trong cõi văn chương mạng, chị có thể nêu lên một vài tên tuổi nổi trội trong vòng 5-7 năm qua, ngoài những tác giả mà chị đã giới thiệu trên gió-o, bất kể trong hay ngoài nước, theo ý riêng của chị?

Lê Thị Huệ: Tôi ngờ là chuyện dài đã chết theo những trang giấy in.

Các tác giả có vẻ đi chậm, mà độc giả thì lại còn chậm hơn, so với những gì mà kỹ nghệ net có thể cung cấp phương tiện cho con người. Không chỉ về phương diện sáng tác và thưởng thức chữ nghĩa, tâm tư con người thường phản ứng quá chậm so với các phương tiện khoa học, mà nền văn minh nhân loại mang đến từng năm từng thập niên như chúng ta thấy trong thời đại  mình.

Tôi không đọc hết được, nhưng theo dõi cũng khá. Tôi đã từng mong đợi các tác giả trẻ trong nước, nhưng sau một thời gian theo dõi tôi thấy sự thiếu tự do,và thiếu kiến thức của tình trạng trong nước khiến cho những tài năng trong nước dễ bị còi cụt lắm. Hi vọng với thế giới net hiện nay, tình trạng này sẽ được giải phóng

Ở hải ngoại tôi mong chỉ muốn chú ý đến những người viết bằng tiếng Việt. Tôi mong Nguyễn Vũ Khuyên và Trần Minh Quân (trong nhóm Nguyễn Trần Khuyên, Berkeley dạo nào) sẽ cống hiến cho tiếng Việt những đóng góp dẫn đường. Tôi rất phục cái đầu và  nội lực tiếng Việt của Nguyễn Vũ Khuyên. Thơ của Trần Minh Quân đầy chất trí tuệ và khai phá.

Sáng nay vừa đọc tin nhà thơ Phạm Công Thiện vừa qua đời tại Houston. Phạm Công Thiện có một ảnh hưởng lớn trên nhiều người Việt Nam. Mà theo tôi nghĩ sự khao khát trí thức và lòng yêu mến chữ nghĩa đã khiến nhiều người lao theo ông của những quyển sách Triết Tây như Im Lặng Của Hố Thẳm, Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học. Nhưng rồi nghiệm lại thì Phạm Công Thiện không thể được gọi là Triết Gia như nhiều người lầm lẫn, vì Phạm Công Thiện không lập được thuyết mà chỉ đi truyền bá thuyết của Tây. Sau đó nhờ Phật Giáo giúp nhiều nên ông đục vào nhà chùa, viết lung tung nhưng cho đến cuối đời, Phạm Công Thiện cũng không viết được tác phẩm nào xiển dương Phật Giáo thành công đáng ghi nhận.

Cái chết của Phạm Công Thiện, tôi google nhiều nhà chùa tôn vinh ông, nhiều văn thi sĩ tưởng nhớ ông, và có những bạn trẻ cũng nói về ông trên lốc họ. Cái chết của ông đi cùng cái chết của giai đọan con người phóng niềm đam mê theo những chân trời xa lạ mà chữ nghĩa mang lại. Phạm Công Thiện đã mang những thế hệ không đọc được ngoại ngữ, thiếu người dịch, không ra ngoại quốc được, đến những chân trời trí thức và địa lý xa lạ đầy cái gì mới lạ.

Đấy là thế giới đã cũ. Ngày đó chưa có internet và người Việt chưa đọc được ngoại ngữ nhiều. Bây giờ người Việt đọc được ngoại ngữ nhiều, người Việt mới biết Triết Tây ông bà nào hay ở chỗ nào dở ở chỗ nào. Phạm Công Thiện chỉ là hạt cát trong sa mạc Triết Tây lẫn Triết Đông. Nhưng điều vĩ đại nhất là biểu tượng Phạm Công Thiện chết cùng với cái trí tưởng đã chết. Ngày trước con người nhờ chữ nghĩa và những trang sách để phóng đến những chân trời xa lạ,  Ngày nay một tư thế trí thức mới vừa mở ra cùng với thế giới net, con người net mang cuộc đời vào soi chiếu trên net. Tưởng tượng không còn đóng vai trò chủ chốt như ngày tháng giấy in. Mà thay vào đấy soi rọi đóng vai trò thay thế. Sống với thế giới phong phú internet, con người bị khích thích bởi sự soi rọi những mảnh đời thường được phóng chiếu lên net. Ngày giấy con người đê mê với sự tưởng tượng khác với đời sống thường nhật. Ngày net con người mẩn mê với những mẫu đời sống thường nhật được mang lên soi rọi lại trên net.

Để ý sẽ thấy các bài viết ngay sau khi ông Phạm Công Thiện chết phần lớn là “soi rọi” từ cái chết của Phạm Công Thiện. Các người sáng tác ra những bài thơ tưởng niệm về Phạm Công Thiện là cũng như họ nói về kinh nghiệm và cảm tưởng của họ về sự ra đi của Phạm Công Thiện, họ dùng Phạm Công Thiện để “soi rọi” về cảm xúc của họ. Những người khác viết về kỷ niệm với Phạm Công Thiện, kỷ niệm giai đọan Phạm Công Thiện, thì cũng nói về một sự “soi rọi” một giai đoạn và ảnh hưởng của Phạm Công Thiện trên họ.

Điều thú vị là trên Gió O, người làm cái công việc soi rọi đại diện cho việc soi rọi đời sống đầy tư thế mới mẻ của thế giới net ấy không ai khác hơn lại là một người bạn cùng phòng với Phạm Công Thiện, nhà thơ Thi Vũ. Tôi luôn luôn phục nhà thơ Thi Vũ vì cái đa tài đa phong cách của nhà văn hóa này. Bài viết của nhà thơ Thi Vũ về những dấu vết của Phạm Công Thiện là một soi rọi đầy thú vị về con người và đời sống của Phạm Công Thiện. Lướt qua một vòng net, nhiều người viết về Phạm Công Thiện như một xúc động ban sơ về cái chết của ông, nhưng tôi tin là những người tương lai muốn ngưỡg mộ PCT thì phải tìm đọc bài viết của nhà thơ Thi Vũ. Sự soi rọi của bài viết của nhà thơ Thi Vũ chiếu vào những góc tối của bài thơ lẫy lừng Ngày Sinh Của Rắn của thi sĩ và con người u ám lẫn sáng sáng của thi sĩ.

Số lượng bài viết kiểu “soi rọi” như trên chiếm đa số trên net. Gần như không có một bài viết giá trị nào phân tách các công trình của ông Phạm Công Thiện. Bài viết của nhà thơ Thi Vũ được đánh giá cao trong việc tiết lộ một số chi tiết về một bài thơ của nhà thơ Phạm Công Thiện. Ngòai ra thì hầu như không có bài viết phê bình văn học giá trị nào khác được trình làng ngay sau cái chết của ông Phạm Công Thiện. Dù có rất nhiều người hào hứng tham gia viết về Phạm Công Thiện khi nghe tin ông mất.

Cùng với cái chết của nhà thơ học giả Phạm Công Thiện, ông hiện nổi đình nổi đám trong giới trí thức Việt Nam, động đất và sóng thần tuần 7 tháng 3 năm 2011 là biến cố lớn trên net. Chúng ta thấy bây giờ nghe động đất, chúng ta không phải chờ vài trang thông tin, vài mẫu tin trên đài, để ngồi tưởng tượng cơn động đất và cơn sóng thần tàn phá Nhật Bản anh Năm địa cầu đến đâu, như ngày chưa có internet. Ngày cũ, chúng ta nghe một và tưởng tượng thêm mắm thêm muối mười. Bây giờ chúng ta nghe tin, chạy vào internet, để nghe bàn cãi, soi rọi, bằng thế giới thông tin vô hạn của internet. Nhiều tin quá, đọc không xuể. Báo giấy ngày xưa

 

9. Đoàn Nhã Văn: Chị thường ghé những địa chỉ nào trên mạng, cả văn nghệ lẫn chính trị? Riêng với gió-o, chị có những dự án mới nào cho thời gian tới hay không?

Lê Thị Huệ: Tôi ghé rất nhiều nơi, tùy theo nhu cầu của mỗi ngày. Ai nhắc diễn đàn nào tôi cũng biết. Không biết thì google một cái là ra ngay.

Dự án sắp tới cho gio-o là: Tôi nên rời Gió O trong cách thế nào đây

 

10.  Đoàn Nhã Văn: Chị muốn chia xẻ điều gì: (1) với những người đã viết cho gió-o, (2) với những người muốn cộng tác (gởi bài) nhưng còn ngần ngại, và (3) những độc giả thường xuyên của diễn đàn?

Lê Thị Huệ: Với những người đã cọng tác với gio-o.com: Cám ơn rất chân thành. Tôi chỉ là người cột bó hoa lại, xòe ra, cho đời xem. Chỉ thế thôi. Chúng ta cùng ở chung trong bó hoa. Nghệ thuật chính là điều chúng ta bị thu hút và muốn phục vụ. Đừng buồn nếu thấy bàn tay lọng cọng của kẻ cột bó hoa không theo được như ý mình

Với những tác giả gửi bài đến gio-o.com mà không thấy bài mình lên: Duyên không thành. Gửi bài cho gio-o không đăng thì gửi nơi khác. Chuyện nhỏ như con thỏ.

Độc giả thường xuyên của diễn đàn. Cám ơn bạn. Tôi nghĩ mỗi tác giả trên gio-o có một số độc giả của tác giả ấy. Độc giả của ông Ngô Bắc chưa chắc đã là độc giả của của bà Lê Thị Huệ, hic hic. Dù sao thì cũng cám ơn tất cả các độc giả đã ủng hộ gio-o. Dù sự ủng hộ ấy chả biết là ký gì đây? Ngày báo giấy, độc giả ủng hộ bằng cách mua sách báo. Hiện tại độc giả đọc chùa không hà. Tôi cũng là một độc giả, cũng đọc chùa. Nhưng thú thật tôi không biết tương lai của các sáng tác gia sẽ đi về đâu. Vì cứ với tình trạng xài đồ chùa kiểu này, nhiều sáng tác gia  ... khựng lại, không sáng tác được nữa, vì họ không thu được lợi lộc. Các tác giả trên gio-o không nhắm vào lợi nhuận, nhưng một cách công bình, thì lợi nhuận có thể làm cho các sáng tác gia hào hứng và nỗ lực sáng tác hơn chứ. 

Chỉ muốn nói với những người sáng tác trẻ: Hãy mạnh dạn lên. Hãy thành chính là mình. Chạy theo đam mê sáng tác của chính mình trước. Đừng phục vụ ai, đừng nghe theo ai, và cũng đừng theo phò ai. Sáng tác là một sự độc tôn, độc tài, độc đóan, độc lập, độc ngã. Sáng tác là một mình mình nghe theo mình mà thôi. Kệ tía mấy ông bà hay đi hù dọa, phê bình, cho tiền, cho lời nói, cho lời khen lời chê, cho đất sống, hay gì gì đó. Hãy trở thành chính bạn trong sinh mệnh sáng tác.

Nhưng đồng thời. Sáng tác hay không sáng tác. Chúng ta phải học hỏi và vồ vập lấy đời sống không ngừng. Thời buổi này tôi nghĩ ai cũng nên biết thêm một ngoại ngữ mạnh. Những ngoại ngữ mạnh họ có cái mạnh của sự thu tóm tri thức đã được thế giới chứng nhận, mà chúng ta cần học hỏi tri thức của tha nhân,  để thoát ly được chính con người của nền văn hóa đã sinh chúng ta ra. Vì sáng tác là một sinh hoạt cần phải chủ quan nhưng đồng thời nó cũng cần tính khách quan cực kỳ.  

Chúng ta đang sống vào thời điểm mà khoa học kỹ thuật tiến những sải vô tận và vượt bực, trong khi tâm hồn con người, văn hoá, và tôn giáo thì vẫn còn chậm chạp và hoài cổ. Thế giới đang cần những tâm hồn và trí tuệ có thể phá vỡ và dẫn dắt nhân loại đi nhanh và tiến bộ cùng khoa học và kỹ thuật. Bạn có thể là một trong những lãnh tụ ấy. Đừng sợ hãi ai và đừng tin ai. Hãy tin vào chính bạn trước tiên. Vì không ai biết bạn bằng chính bạn. Nhưng trước hết, với kho trí thức vô tận của internet, bạn phải tiêu thụ được tri thức của nhân loại, rồi mới đủ khả năng và vốn liếng để thuyết phục nhân loại lắng nghe. Con cóc ở ao hồ thì làm sao rống tiếng đủ thần công lực và sắc sảo để kình ngư ở biển khơi có thể hiểu và thần phục tiếng của cóc kêu. Nhưng với kho trí thức vô tận của internet, hình ảnh ao hồ và âm thanh của cóc có thể cần một định nghĩa  mới, một định nghĩa lại. Bạn hãy đi theo định nghĩa mới ấy đi,  thay vì cứ bám vào những định nghĩa cũ của bài thơ con cóc hay và dở như thế nào. 

Nói với một người và có khi không nói được với người nào cả. Trong văn chương suốt đời tôi chỉ mới gặp được một người tri kỷ. Tri kỷ quá làm tôi run rẩy. Và tôi cám ơn sự tri kỷ và run rẩy ấy, để cho tôi một nghị lực và niềm tin mạnh mẽ cho tôi lao vào và tiếp tục sáng tác không ngừng. Sáng tác là một đam mê và một thần dược và nó chỉ là thần dược và đam mê khi nó phục vụ chính cá nhân ấy trước. Tôi muốn chuyển giao những điều này đến một người và một số tri kỷ hiếm hoi nào đó, những người trong câu thơ My Faithful Mother Tongue của Czeslaw Milosz:
Ta đã tin ngươi như chim xanh
đưa dẫn ta đến những người lành
những kẻ hiếm hoi, năm, mươi, hai mươi,
hay chưa sanh ra đời

...

Cám ơn Đoàn Nhã Văn.

 

Đoàn Nhã Văn thực hiện

 

© gio-o.com 2011

 

Phụ lục :

(Trang Tin Văn của nhà văn lão thành Nguyễn Quốc Trụ ở Canada. Ông ký tên Gấu, một mình lập ra trang http://www.tanvien.net/ viết tạp lục chuyện văn chương ngoại quốc và Việt Nam hàng ngày trong một thời gian dài kỷ lục trên internet, cũng hơn 15 năm, khoảng 2002 – 2018

Dưới đây là một đoạn nhà văn Nguyễn Quốc Trụ phê bình về sự không khách quan khi nói về trang Gió O do Lê Thị Huệ chủ biên . Chú ý: Tài liệu phụ lục này do tôi , Lê Thị Huệ, mang vào khi đưa lên Gió O. Không do nhà văn Đoàn Nhã Văn đưa vào bài phỏng vấn trên (lth ghi khi đưa bài phỏng vấn này lên lại Gió O vào tháng 10/2021)

http://www.tanvien.net/Notes_2/don_2.html?fbclid=IwAR3P-TlD-3ILL9Ez17tjbR9v4lE7ouwqBX_008uUb4ARYgLbYjeKemgUEZE

Công tử Bạc Liêu nói:
08/04/2009 lúc 2:48 sáng
Tôi thấy mấy cái lý do ghét Talawas của ông Gấu nghe “tội nghiệp” thế nào ấy. Rằng “giận thì giận mà thương thì… em càng thương”. Ghét như ông ghét thì Talawas nên cầu cho có thêm nhiều người ghét giống như thế, vì ghét dzậy mà ông đọc Talawas kỹ càng hơn tui nhiều đó. Trên trang của ông cũng có khối bài lấy lại từ đối tượng ghét của ông đấy thôi.

Tks.
NQT

Cái còm của bạn cho thấy sự khác biệt giữa Tin Văn và những trang mạng khác. Tin Văn  không bao giờ có cái sự đố kỵ, khi đọc, khi viết, cũng như khi phải nói ra lời yêu ghét với những nhà văn nhà thơ Mít khác, dù ở ngoài, hay trong nưóc.
Bây giờ, bạn thử để ý coi, có trang mạng nào ‘hách’ như thế không?
Mới nhất, bạn thử đọc bài viết của nhà “đại phê bình", khi ông đi một đường về cuộc cách mạng văn học net, trích đoạn:
Hiện nay, ở thời điểm 2010 này, sinh hoạt văn học Việt Nam hải ngoại tập trung chủ yếu trên hai tờ báo điện tử: Tiền Vệ (www.tienve.org) và Da Màu (www.damau.org).
NHQ

Cái sự quái đản nhất ở đây, không phải là Người coi Tin Văn như hủi, đếch thèm nhắc đến, mà Nguời vờ luôn những trang mạng khác, có trang bảnh hơn trang Hậu Vệ nhiều, thí dụ Trang Gió O của Lê Thị Huệ.
Cái sự đếch thèm nhắc tới Chợ Cá xem ra cũng có vấn đề, hà, hà!
Bài viết này, có thể, là để trả lời thằng cha Gấu, mới đây, tỏ ý ngạc nhiên, về cái chuyện Người cứ bổn cũ post đi post lại post hoài post mãi, chăng?

Một trong những sự khác biệt thật rõ nét, giữa Hậu Vệ, và Gió O, là người cộng tác: Đằng sau Gió O có những nhà văn nhà thơ, thứ thiệt, có tên tuổi, được biết tới, còn đằng sau Hậu Vệ, gần như chẳng có mống nào.
Ngoài ra, thời gian có mặt trên net, Gió O đưa ra được một số nhà văn nhà thơ, mới xuất hiện, và những người này sau đó đã tạo được vị trí của họ, rõ nhất là Nguyễn Thế Hoàng Linh. Hậu Vệ chẳng có mống nào.
[V/v những nhà văn nhà thơ tên tuổi đằng sau Hậu Vệ, có người có thể hỏi, chẳng lẽ những vị như NDT, HNB... không là cái thớ gì ư? Gấu sẽ giải thích sau, nhưng đại khái là như thế này: Họ có cũng như không, theo nghĩa, họ không ảnh hưởng tới số phận của Hậu Vệ. Họ không có trách nhiệm trong Hậu Vệ, như những nhà văn nhà thơ nồng cốt làm nên sắc thái của nó.]

V/v "mạng hóa, hay là cuộc cách mạng thầm lặng trong văn học", mà Người ra sức cổ võ này, Người chỉ viết "cho vui", bởi vì cho tới nay, nếu chỉ nói về mặt văn học, chúng ta chưa được đọc một tác phẩm thứ thiệt, bảnh, từ net.
Cũng chưa hề có một nhà văn net nào xuất hiện. Mấy thứ "đồ dởm" Trang Hạ, Thiều Quang gì đó, nhà "văn[g] mạng" ở trong nước, mặt nổi rất nổi, mặt chìm rất chìm, nghĩa là, đọc họ xong, là độc giả quên luôn.
Không có nội lực, kể cả về mặt đọc, lẫn viết.
Riêng Trang Hạ, về mặt "nhà văn dấn thân", dịch giả thì OK, [phải viết thêm!]
Đó là sự thực.
Vả chăng, họ cũng chẳng có một cách nào khác, để trở thành nhà văn!
Sự khác biệt giữa Gió O và Hậu vệ, còn ở điểm thật quan trọng: Lê Thị Huệ, về mặt sáng tác, đúng là một nhà văn, nhà thơ, hiểu theo nghĩa tuyệt nhất của nó, là, bà say mê việc làm này, và chưa bao giờ làm nhục nó, chưa bao giờ sử dụng đến những mánh lới để hạ người khác, khi người khác chỉ trích bà, hay diễn đàn Gió O.
Gấu rất nhiều lần đụng tới Gió O, vậy mà bà vẫn giữ được sự bình tĩnh.
Khác hẳn mấy ông chủ trương Hậu Vệ, quá mê danh vọng hão, nhất là nhà đại phê bình.

Net là một hiện tượng khủng khiếp nhất từ xưa đến nay, với đủ thứ "cách mạng", nhưng về văn học, thì nó đúng là "phản cách mạng, đại phản động"!
Về văn hóa, nó làm con người ngu đi nhiều. Rất nhiều. Ngoài ra còn lười nữa!
Kinh nghiệm bản thân. Gấu này mất quá nhiều, và được cũng quá nhiều, nhờ net.
Trong cái mất, đau nhất, là không viết ra được một cái gì thâm hậu, dài hơi, trầm lắng...
Không đọc được trọn vẹn một tác phẩm nào bảnh, vì không có thì giờ, vì đọc báo nhiều hơn đọc sách, vì sa đà vào thời sự, vào mặt nổi của cuộc sống, qua cái ảo của net, và 'quên' sống, đời sống thực.
Mất mẹ trí tưởng tượng vốn rất cần thiết cho sáng tạo!
Một trong những nguyên nhân nhân loại đếch có nhà văn lớn, là do net!
Có thể nhà phê bình chưa hề biết sáng tác nghĩa là gì cho nên  ra sức cổ võ cho mạng hoá, chăng?
*

SPÉCIAL INTERNET
N° 71 JUILLET-AOÛT 2009
Sur
www.booksmag.fr

Le crépuscule de la lecture

UN EXTRAIT LU DU SILENCE DES LIVRES, DE GEORGE STEINER.
Le mariage de l'écrit et de l'électronique se consomme au moment où l'homme perd trois aptitudes fondamentales: prendre son temps, goûter le silence et se concentrer. L'art de lire traditionnel disparaît. Restent la lecture de divertissement, le  “livre de gare“ et l'accès via le cyberespace à la “bibliothèque de Babel” entrevue par Borges. Telle est l'analyse de George Steiner, l'un des plus grands érudits contemporains, qui s'est livré - en 1985! - à l'étonnant exercice de prospective visionnaire qu'on lira ci-dessous. L'« habitude de meubler une pièce avec des étagères remplies de livres» pourrait bientôt devenir aussi rare qu'avant l'invention de l'imprimerie.
Ni la littérature de gare ni la lecture de documentation ne sont menacées par les nouvelles technologies. Mais la vraie rencontre entre un être et un livre sera bientôt réservée à une petite élite d'érudits.

Hoàng hôn của việc đọc

Cuộc hôn nhân giữa chữ viết và máy điện tử sẽ cháy, biến thành tro than, đúng vào lúc con người mất ba năng khiếu căn bản, đó là: Rảnh rang thì giờ, nhâm nhi sự thinh lặng, và tập trung hết mình [vào một việc gì đó, hoặc chẳng vào việc chó gì!] Nghệ thuật đọc theo lối cổ truyền sẽ biến mất. Chỉ còn đọc giải trí, đọc «sách bến xe», và, lên net, [click một cái là bèn] vô «thư viện Babel» như Borges đã từng lờ mờ nhìn thấy nó.
G. Steiner, một trong những nhà uyên bác lớn nhất của thời đại, từ 1985, đã phân tích như trên. “Thói quen trang bị căn phòng với các giá sách » sẽ thành hiếm hoi như cái thuở chưa sáng chế ngành in ấn.
Vẫn theo ông, không phải văn chương chợ hay việc đọc tài liệu bị de dọa vì các kỹ thuật mới. Nhưng cuộc gặp gỡ đích thực giữa một cá nhân và một quyển sách sẽ chỉ dành cho một thiểu số người uyên bác.

Thảo nào nhà phê bình đại cổ võ văn hoá mạng, bởi vì nó chỉ hợp với nhà văn[g] mạng hóa!
Nó biến mấy thằng vô học, hoặc học lỏi, học lỗ mỗ, thành nhà văn, nhà phê bình!
Cái này không phải Gấu phán ẩu, mà là Steiner, khi ông viết:
Không phải văn chương chợ hay việc đọc tài liệu bị de dọa vì các kỹ thuật mới.
*

Chúng ta nên noi gương khối Hoa kiều trên thế giới. Mặc dù họ không đồng ý với thể chế chính trị trong nước nhưng họ không biểu tình chống lãnh đạo nơi quốc gia sở tại. Họ biết giữ sĩ diện cho tổ quốc. Từ trí thức, chuyên gia đến doanh nhân, họ cùng nhau dấn thân về nước…
Nguyễn Hữu Liêm talawas

Nhưng Hoa kiều đâu có bị nhà nước tống vô trại cải tạo, tống đi vùng Kinh Tế Mới, đẩy xuống biển… ?
Họ biết giữ sĩ diện cho tổ quốc?
NHL
Ngài lầm rồi, cái sĩ diện của tổ quốc mất mẹ từ đời nảo đời nào rồi, từ cái lúc Ngài bám càng trực thăng lận!
Đúng là một thằng vừa ngu vừa khùng vừa…
Đọc bài phỏng vấn, lại thêm lo cho những người như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định: Mấy thằng khốn kiếp này, là những thằng kết án tử họ, chứ không phải nhà nước VC!

Trang Hậu Vệ, có mặt trên net cũng đã lâu rồi, sau khi tờ Việt ngỏm, kể từ khi có mặt cho đến thời điểm 2010, chưa có nổi một bài viết nổi cộm, có giá, cả về mặt sáng tác, lẫn biên khảo, tiểu luận, từ hai ông Trùm, hay từ cộng tác viên, độc giả, cả ở trong lẫn ngoài nước. Toàn thứ lôm côm! Chúng ta phải đánh dấu hỏi, tại sao?
Suốt thời gian đó, hai ông Trùm thi nhau hò hét, cổ võ, về cái sự cần thiết của một nền văn học hậu hiện đại, cũng một thứ cứt đái của Âu Châu, chẳng có gì là ghê gớm, cho đến nay, về mặt sáng tác, cũng như về những mặt khác, như triết học, luận…
Chúng ta tự hỏi tại sao?
Bởi vì hậu hiện đại của Âu Châu, một cách nào đó, là phủ nhận hiện đại.
Tại sao phủ nhận hiện đại?
Bởi vì hiện đại, ‘một cách nào đó’, hậu quả của nó, là Lò Thiêu!
‘Ngày nay, hậu hiện đại đứng đối nghịch với hiện đại, tuy nhiên, có vẻ như chủ đích của nó, là chối từ sự liên tục hiển nhiên' [tức truyền thống], Milosz viết, trong bài “Chống lại một nền thi ca không thể nào hiểu được”, thứ thơ con cóc mà xúm lại hít hà là hay, thứ thơ tân hình thức trơ trẽn như những cục gạch ngói. Milosz, ông mò về tận khởi nguồn, vào thời điểm mà văn học và nghệ thuật tách rời ra khỏi Ky tô giáo.
Đây là một bài viết thần sầu, mà chủ đích của Milosz là làm sao lấy lại cho thơ ca niềm tin tôn giáo. Tin Văn hy vọng sẽ giới thiệu tới bạn đọc bài viết này.
Nên nhớ một điều thật quan trọng, cả hai ông Brodsky và Milosz đều sống trong chế độ toàn trị, cả hai ông đều được Nobel, đều đào thoát Đất Mẹ, và đều 'sống sót', nhờ tôn giáo, nhờ Ky tô giáo, có thể nói như vậy.
*
Góp ý về NHQ
Saturday, December 12, 2009 8:21 AM
From:
To:
Chào chú Nguyễn Quốc Trụ,
NHQ có một giọng điệu dạy đời và áp đảo tiêu chuẩn hoặc cái nhìn của tác giả lên trên bản văn, một cách rất hẹp hòi và thành kiến. Biết rằng ai cũng có ý kiến chủ quan, nhưng NHQ thì nghĩ là mình dẫn đường thiên hạ, khai hóa trí óc của thiên hạ hay sao đó.
Như chú Trụ, tuy là chú phê bình chỉ trích, nhưng chú có tâm thức nghệ sĩ, nên chú bao trùm nhiều chuyện, không đặt nặng chuyện gì lên chuyện gì. Đọc còn thấy vui vui, và tửng tửng, độc giả đọc xong còn muốn tìm đọc lai. Còn cháu đọc ông NHQ xong, chẳng bao giờ muốn đọc lại. Dạy đời nhiều quá. Và một người đọc không thích ai dạy đời mình cả như cháu, chúa ghét mấy người viết kiểu này.
Đừng nghĩ độc giả không biết gì. Độc giả đọc và biết tâm thức tác giả như thế nào ngay.
Chúc chú vui khỏe, viết dài dài cho chúng cháu đọc
Độc giả …

Phúc đáp:
Đa tạ. NQT