ký ảnh của Nguyễn Thảo
Trần Hạ Vi
Sống Và Viết Trên Facebook
Trần Hạ Vi tên thật là Nguyễn Yến Ngọc, sinh và lớn lên ở An Giang, Việt
Nam. Học ba bậc học ở thành phố Melbourne trong 12 năm ở Úc. Học bổng toàn phần
chính phủ Úc (Đại học, Cao học) và học bổng đại học Monash University, Úc, (Tiến
sĩ ngành tài chính).
Trần Hạ Vi cùng chồng và con gái sang Canada từ năm 2015. Hiện là Phó Giáo Sư (Associate Professor) ngành Tài Chính tại trường Đại học Saint Francis Xavier (StFX), thuộc Nova Scotia, Canada.
Thơ Trần Hạ Vi được đăng tải nhiều trên các báo, tạp chí, diễn đàn văn chương trong và ngoài nước. Trần Hạ Vi là một ngòi bút nữ đầy căn bản giáo dục ở hải ngoại, lại xông xáo thích viết, nên hi vọng sẽ có thêm những sáng tác bằng Tiếng Việt hào hứng trong tương lai.
Tác phẩm đã xuất bản:
Lật Tung Miền Ký Ức,thơ, 2017.
Vi, thơ, 2020.
Phiến Hạ, thơ, 2024
Trong một ngày tuyết bay đầy trời Ontario, Canada, tháng 11 năm 2015 tôi viết những dòng thơ đầu tiên lên facebook, và bắt đầu chặng đường sáng tác ‘chính thức’ của mình. Bây giờ, đã tròn 9 năm. Khác với những người viết thế hệ “cũ hơn”, với cây bút máy hay bút chì và xấp giấy, quyển tập, cặm cụi viết những dòng nắn nót hay viết tháo bản thảo đầu tiên của truyện ngắn hay bài thơ của mình, tôi viết thẳng và trực tiếp lên facebook. Tôi hay nói là sự nghiệp văn thơ của tôi chỉ có duy nhất tài khoản facebook Trần Hạ Vi này, nếu đóng facebook tôi không biết mình sẽ viết như thế nào nữa. Facebook là phòng khách của tôi, là nơi kết bạn, sẻ chia tâm tình, nơi cập nhật tin tức, tìm cảm hứng sáng tác và cũng là phòng trưng bày và chia sẻ tác phẩm của mình. Đôi khi tôi cảm thấy mình đánh mất sự riêng tư quá nhanh chóng, chỉ sau một cái click chuột hay một thao tác nhỏ trên di động. Trước khi ấn nút “Post” (Đăng), bài thơ đó hoàn toàn là của tôi, trong sự riêng tư cẩn mật. Nhưng sau khi ấn nút, tôi ‘đánh mất’ quyền sở hữu hoàn toàn với bài thơ đó, vì nó sẽ được lập tức được săm soi, ngắm nghía, đọc, like, love, bình luận, chia sẻ ngay lập tức. Nó có thể được copy đăng tải ở những nơi khác mà tôi biết hay thậm chí không biết. “Đứa con” của tôi, rồi tôi sẽ vui vẻ hớn hở khi nhận được nhiều lời khen, khuyến khích hay buồn bã vì bị phê bình, hay phân vân lo lắng khi không ai để ý tới. Những phản ứng phụ phát sinh gần như ngay lập tức sau cảm giác vui sướng khi hoàn thành xong một tác phẩm. Nhanh chóng, tiện lợi, tức thời. Đó là đặc điểm của văn học mạng xã hội.
Facebook không phải là nơi đầu tiên
tôi bắt đầu sáng tác. Nhưng nếu nhìn lại cả quá trình viết thì hình như 99%
sáng tác của tôi là chỉ viết trên máy tính, không hề viết tay. Tôi hay bảo là
vì tôi lười biếng nên thế. Khi tôi mười bảy tuổi, sau một quá trình chật vật
mày mò học đánh máy trên những chiếc máy tính có màn hình là một chiếc hộp to
đùng khi học chương trình Foundation (chương trình bắc cầu vào đại học) ở trường
Taylor’s College, Melbourne, Úc, vì lười, tôi đã quyết định rằng mình sẽ chỉ viết
bài luận và bài tập trên máy tính để tiết kiệm một lần viết tay, và sau đó đã
nhanh chóng tập được thói quen đó. Cũng vì lười biếng như vậy mà tôi đã tập suy
nghĩ bằng tiếng Anh khi làm bài tập và khi trò chuyện mà cần phải dùng tiếng
Anh, để không phải mất thời gian ‘dịch’ lại mọi thứ trên giấy hay trong đầu nữa.
Tôi nghĩ bằng tiếng Việt khi nói tiếng Việt, và nghĩ bằng tiếng Anh khi tôi nói
bằng tiếng Anh. Và khi viết cũng thế.
Dẫu tôi cũng là học sinh giỏi văn và đạt thành tích khi đi thi học sinh giỏi
văn tỉnh và toàn quốc trong thời gian ở Việt Nam, tôi vẫn chưa bao giờ có can đảm
sáng tác. Khi đọc những tờ báo cho tuổi học trò thời đó như Khăn quàng đỏ, Mực
tím, Áo trắng tôi luôn thích đọc mục thơ văn. Thích và ngưỡng mộ những cái tên
tác giả học trò đó. Tuy nhiên, trong lòng lại có một chút tự ti ghen tị ngầm
nghĩ là mình sẽ viết hay hơn họ. Sẽ, nhưng chẳng bao giờ viết. Không gom nổi
can đảm để viết bất cứ thứ gì vì nghĩ khi mình viết ra sẽ phải vô cùng kỳ vĩ.
Nên tất nhiên là không có tác phẩm nào ra đời cả. Một câu thơ cũng không.
Bài thơ đầu tiên của tôi là bài thơ cho ba tôi, khi tôi mười chín tuổi, vào năm
1998, nó là một bài thơ viết tay sau hơn một năm bơ vơ xa nhà trên đất Úc. Tôi
chép lại nó trong một lá thư tay gửi về nhà, vì lúc đó điện thoại vẫn đắt kinh
khủng và các công cụ voice chat hoàn toàn không có và không miễn phí như bây giờ.
Làm được bài thơ đó là một điều rất kỳ vĩ đối với tôi và làm tôi vui vẻ một thời
gian dài. Sau đó, tôi có làm một bài thơ cho mẹ, rồi một bài thơ tặng em tôi.
Và đó là sự nghiệp viết của tôi trong hai năm đầu đại học. Đến năm 2000, tôi
gia nhập MOVSA, một diễn đàn các sinh viên ở Melbourne trên mạng, vì trên diễn
đàn có mục văn thơ, mọi người hăng hái chia sẻ đăng bài, và vì tôi có người yêu
đầu tiên, dâng tràn cảm xúc nên tôi cũng bắt đầu viết và đăng bài. Thời đó,
forum (diễn đàn) là rất phổ biến, và là một trong những hình thức đầu tiên để
chia sẻ văn học trên mạng, và một số forum vẫn còn đến giờ, gần ba mươi năm
sau. Thơ tôi thì rất bình thường, võ vẽ, người yêu tôi cũng là một người bình
thường, nhưng trong mắt tôi thì thơ tôi cực kỳ hay và người yêu tôi kỳ vĩ thông
minh giỏi giang hơn tất cả mọi người khác, nên kết quả là tôi bị ném đá tơi tả
trên cái diễn đàn đó đến mức tôi buồn khổ bỏ đi và cũng thề rằng sẽ không bao
giờ viết thơ nữa.
Đến năm 2002, tôi tham gia diễn đàn Tathy Thăng Long, diễn đàn cho các anh em xa mẹ, hồi đó là một diễn đàn nổi tiếng ‘ăn tục nói phét’, rất nhiều bài viết trao đổi có chất lượng và có khá nhiều cây bút chắc tay. Phan Việt cũng là một cây bút nổi tiếng ở Thăng Long hồi đó. Rút kinh nghiệm đã bị ném đá quá nhiều ở MOVSA, tôi rụt rè đăng ký một nick khờ khờ hiền lành và cũng rụt rè viết một vài bài tản văn nhẹ nhàng, mở một thread viết nhật ký thi thoảng, vài ngày hoặc vài tuần thở ra một vài nhận xét của bản thân, rón rén bình luận và nhìn quanh đầy ngưỡng mộ mọi người vì sự tự tin của họ trong việc thể hiện bản thân. Tôi chủ yếu đi đọc là chính và tồn tại như một cái bóng mờ lặng lẽ ở Thăng Long trong những năm đầu thập niên 2000, khi đang đi làm ở công ty Prudential, ở Long Xuyên và Sài Gòn.
Năm 2007, khi trở lại học cao học ở Melbourne, Úc, sau trút cái gánh công việc nặng ngàn cân, tôi bắt đầu ‘dạo chơi’ vòng quanh cõi mạng và phát hiện Yahoo Blog 360. Yahoo Messenger thời đó rất phổ biến với người Việt và Yahoo Blog là một sản phẩm phái sinh kèm với Messenger. Bạn bè tôi gần như ai cũng xài Yahoo Messenger và gần như ai cũng có Blog. Trên blog cũng kết bạn, cũng đăng bài, đăng ảnh. Tôi không nhớ là blog Yahoo 360 có tính năng like hay không nhưng chắc chắn là có tính lượt xem (views) và hiển thị views. Là một người vô cùng sân si, tôi cũng suốt ngày ngồi nhìn view của mình. Tôi hay so đo với bạn T, một bạn đi học cùng học bổng và bắt đầu viết về tài chính trên blog 360 của bạn ấy. Bạn gái của tôi thời đó bảo “không sao, tôi sẽ vào refresh trang cho cô để view cô tăng lên hơn T”, vì mỗi lần refresh trang là nó tính là có thêm một lượt view nữa. Yahoo Blog 360 là nơi tôi bắt đầu viết những bài thơ hơi ngô nghê của mình với những dòng vơ vẩn không đầu không cuối.
Views của blog tôi không nhiều, nhưng,
vận đổi khi tôi tình cờ gặp conxion. Conxion, blogger triệu views. Blog conxion
là một trong chừng chục top blog Yahoo 360 rất nổi thời đó, đăng truyện, đăng
thơ, những tin tức giật gân cập nhật hay những hình ảnh đẹp. Conxion dùng ảnh một
cô gái đẹp làm avatar, và thay đổi ảnh thường xuyên. Nhưng chẳng ai lấy làm phiền,
và vẫn luôn vào xem bài của bạn ấy. Không hiểu tại sao bạn ấy lại “hạ cố” chơi
với một đứa có cái blog “bèo nhèo” như tôi, và bài đăng cũng bèo nhèo. Theo cố
vấn của conxion, tôi thay avatar cũ là tấm ảnh ba chiếc lá xanh có giọt sương
long lanh bằng tấm ảnh của một cô gái trẻ “chân dài miên man” mà bạn ấy chọn
cho tôi. “Để ấy tăng views”, conxion giải thích. Đúng là có tăng views thật.
Tôi cũng có viết chút thơ, chút tản văn nhẹ nhàng, views vẫn tăng, không biết
vì tôi viết tốt hơn hay là vì tấm ảnh cô gái đó. Thời điểm đó cũng là lúc cộng
đồng văn thơ ở Việt Nam hay đưa bài đăng trên Yahoo 360 và tôi được đọc những
bài thơ đầu tiên của chị Nguyễn Phan Quế Mai, lúc đó cũng là một người mới bắt
đầu sự nghiệp viết lách của mình chưa lâu.
Yahoo 360 tưởng sẽ là một mái nhà vui vẻ lâu dài, nhưng đột nhiên tháng 5/2008
Yahoo 360 thông báo sẽ đóng cửa. Như tiếng sét giữa trời quang, cả cộng đồng mạng
buồn như chấu cắn. Hoang mang và ngơ ngác. Sau đó Yahoo có tạo sản phẩm Yahoo
360 Plus chỉ cho Việt Nam, nhưng mọi người đã đánh mất momentum. Tôi không
thích giao diện của Yahoo 360 Plus. Mọi người tản đi, rải rác khắp nơi. Mọi người
rủ nhau qua multiply, cũng là một dạng blog khác, nhưng không hiểu sao tôi
không có hứng thú tham gia gì nữa.
Một vài năm nữa qua đi, tôi đã kịp lấy chồng, sinh con, và làm luận án tiến sĩ tài
chính. Ngày ngày tôi vật lộn với những bài báo tài chính khô khốc mà tôi đùa là
viết bằng tiếng La-tinh đầy thuật ngữ chuyên ngành và những phương trình hồi
quy (regressions) và những kiểm định thống kê (statistical tests). Tôi không viết
tiếng Việt, và thậm chí cũng không có thời gian đọc văn thơ tiếng Việt. Thảng
hoặc, tôi vào trang vnexpress mục văn chương và cho mình một ngày đọc những gì
tôi có thể đọc, rồi ngồi ngơ ngẩn vài tiếng, sau đó lại tất tả đóng trang để lo
những bận bịu áo cơm con cái công việc và những bài báo tiếng La-tinh kia.
Cho đến khi tôi sang Canada. Mùa hè năm 2015. Lúc đầu chúng tôi ở Cambridge,
Ontario, một thành phố khoảng 100,000 dân. Đầu tiên chúng tôi ở tạm nhà ba mẹ
chồng. Trong một buổi tối khuya mùa thu, sau vài ly rượu nhỏ, chồng tôi nói với
tôi “Anh thấy em cái gì cũng có, thông minh, can đảm, bản lĩnh, dám làm và có
nhiều thành tựu. Có điều, anh không thấy giấc mơ của em đâu.” Giấc mơ của tôi?
Anh định nghĩa, “Đó là một điều gì em thật sự yêu thích, thật sự muốn sống hết
mình vì nó, một nơi cất giấu những đam mê và hoài bão của em. Em không thật sự
yêu tài chính hay say mê tiền, đó là công việc của em, vậy thì, giấc mơ của em
là gì?”. Anh nói tiếp, “Anh không thể xác định giấc mơ cho em, mỗi người đều có
giấc mơ của riêng mình, em hãy lắng thật sâu trong lòng, rồi em sẽ tìm thấy.”
Buổi nói chuyện đó chỉ khoảng mười lăm phút, nhưng dư âm của nó lan tỏa mãi.
Tôi – con người không có giấc mơ? “Đó là chuyện em rất muốn làm, điều mà em đam
mê và nhiệt huyết”. Tôi không biết, nhưng mùa đông năm đó, tôi đã tìm gặp giấc
mơ của mình.
Cuối cùng thì cái gì đã làm cho tôi bắt đầu viết những dòng thơ đầu tiên trên một
facebook nhỏ vào ngày đầu tiên có tuyết rơi trong mùa đông đó ở Cambridge,
Ontario? Có lẽ giấc mơ sâu thẳm trong tim tôi đã tự tìm về với tôi sau những
tháng ngày quên lãng và cố gắng vùi chôn trong tiềm thức. Có lẽ là sự cô đơn kiệt
cùng mong muốn kết nối và được gần người Việt, được nói và viết bằng thứ tiếng
Việt thân thương cha sinh mẹ đẻ. Có lẽ là nỗi thất vọng lo lắng khi cảm thấy
mình sẽ không tìm thấy việc làm ở đất nước này và sự hoang mang tột cùng trước
tương lai của gia đình nhỏ ở đây. Hay là tất cả đã quyện hòa vào nhau, thơ văn
đã mang đến cho tôi một sự giải thoát, một sự đam mê, một sự phân tâm khỏi những
lo lắng tuyệt vọng khốn khó của tôi. Chỉ biết, tôi đã bắt đầu viết. Và, không
ngừng lại.
Trần Hạ Vi, không phải là tên thật. Trần
Hạ Vi, chỉ là bút danh. Bởi vì, conxion một lần nữa đã xuất hiện trong cuộc đời
tôi và cho tôi bút danh đó, “một cái tên sẽ được nhiều người yêu thích”, như đề
nghị của tôi. Và, có lẽ thế thật.
Rất lâu sau khi đã có bút danh là Trần Hạ Vi, tôi chợt nhớ lại mười mấy năm trước
đã có một người bói Kinh Dịch cho tôi và “phán” rằng: “Em có hai cái tên, một
cái tên đẹp và nổi tiếng”, trong khi tôi chỉ có đúng một cái tên và không có cả
tên ở nhà. Chẳng lẽ, việc tôi có hai tên cũng đã được ghi vào sổ sách của một
vì sao xa xăm nào đó ở một cõi trời nào đó? Tôi không biết. Chỉ biết rằng Trần
Hạ Vi đã được sinh ra trong giá tuyết mùa đông của Bắc Mỹ, đã khơi dậy lòng đam
mê văn chương cháy bỏng từ nhỏ của tôi, đã đến để hoàn thiện cuộc đời tôi với một
giấc mơ ẩn giấu mà tôi không mảy may nhận ra trước kia. Và sẽ ở lại đây với
tôi, sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời này. Khi tôi viết, tôi là Trần Hạ Vi.
Nếu nhìn lại giai đoạn chín năm sáng tác của mình đến nay, tôi có thể chia ra một
vài thời đoạn. Hai năm đầu, tôi tạm gọi là giai đoạn ‘văn-học-mạng’, khi mà tôi
võ vẽ học làm thơ, học vần điệu, thậm chí đi học cả thơ Đường, và viết những
bài thơ ‘rất sến’, theo đánh giá của tôi bây giờ, nhưng ‘rất hay’, theo cảm nhận
của tôi ngày đó. Đó là những ngày sáng tác điên rồ, viết thơ quên ăn quên ngủ.
Mê Facebook, mê người Việt, mê thơ Việt. Thèm tiếng Việt kinh khủng giữa trời
đông tuyết giá Cambridge, Ontario.
Lúc khởi điểm, tôi chưa nghĩ mình là một người sáng tác nghiêm chỉnh. Tôi bắt chước conxion ngày xưa, dùng một tấm ảnh một cô bé rất xinh mặc áo dài trắng làm avatar. Dù tôi đã ghi một câu rất hờ hững “cô bé này xinh nhỉ” để ám chỉ đó không phải là mình, trong vòng 3 ngày, Facebook đã đẩy cho tôi kết hơn 4,000 bạn. Tất nhiên là tôi hoàn toàn không biết ai là ai cả. Một số nhỏ trong đó là bạn thơ văn, nhưng một số lớn không hề viết thơ văn. Nhưng đầu tiên, số lượng bạn ảo đó đã giúp bài viết của tôi có một lượng like và bình luận khá nhiều, một sự khuyến khích hết sức cần thiết cho cái tôi tự ti nhạy cảm vụn vỡ của tôi. Người ta thích bài viết có lẽ cũng vì ảnh của các cô gái xinh đẹp đăng kèm. Sau một tháng, với lời khuyên của những người bạn văn thơ mới quen, “em phải nghiêm chỉnh đi”, “em đừng câu like nữa”, tôi đã gỡ ảnh cô bé xinh xắn đó, để một bình hoa làm ảnh avatar, và cắm cúi đọc và viết.
Tài năng văn chương của tôi khi bắt đầu viết, có lẽ, không hề lớn hơn lúc tôi hai mươi tuổi. Điểm khác biệt duy nhất là bây giờ tôi già hơn và can đảm hơn. Cái can đảm mà tôi không có trong những ngày tuổi trẻ co cứng trong sợ hãi và kỳ vọng vào bản thân. Tôi liều hơn, và tôi dám viết. Gần như tôi luôn biết, có thể, bây giờ, tôi viết không hay, nhưng rồi, tôi sẽ tiến bộ. Tôi đến với thơ trong một trạng thái không hình hài, không tên tuổi, không bạn bè thật. Người bạn duy nhất biết tôi trên facebook trong những tháng đầu là conxion, còn lại là những người rộng lòng chấp nhận tôi làm bạn, vì cái tên, có lẽ, vì những bài thơ và hình ảnh tôi đăng, hay đơn giản chỉ vì facebook cho 5,000 chỗ cho bạn bè và bấm “Chấp nhận” (Accept) là một thao tác rất đơn giản.
Tôi là một người rất ham học hỏi, trước đây tôi còn gọi mình là “natural learner” (người học tự nhiên, từ trong bản chất). Tôi luôn muốn khám phá, học hỏi những điều mới, và cũng đủ “chì” để có thể miệt mài “ngồi đồng” trong một lĩnh vực để từ từ học hỏi cho khá lên. Vận tốc khởi đầu chậm, nhưng gia tốc vững. Làng thơ facebook bao dung và chấp nhận tôi, không điều kiện. Tôi có nhiều bạn thơ, giúp đỡ tôi rất nhiều nhưng tôi không có ‘sư phụ’ chính thức, và tôi lăn lộn, trầy trụa, cố gắng mày mò, làm sai bỏ qua, viết cái khác, học được cái này ở người này, học cái khác ở người khác. Và tồn tại, và đứng vững và không đứng vững, và tiến bộ, đi lùi và tiến lên trong mệt nhoài tự thân vận động. Như con tằm, miệt mài ngày ngày kéo tơ, những con chữ tiếng Việt, lấp lánh, thân thương, ngọt ngào. Khi nào con nhộng hóa bướm? Tôi không biết, tôi chỉ miệt mài kéo thơ.
Hai năm “văn-học-mạng” trôi qua, sau đó, có một số biến cố dẫn đến việc tôi mở rộng thế giới của mình hơn và tiếp xúc nhiều hơn với những người viết trong nước có nhiều bài đăng báo và ở trong các hội nhà văn, giai đoạn mà tôi tạm gọi là “văn-học-chính-quy”. Lại miệt mài kết bạn, đi đọc bài, trò chuyện, chia sẻ, ngưỡng mộ và học hỏi. Mơ mộng và sân si. Và vẫn viết. Những bài thơ đầu tiên được xuất hiện trên một vài báo Việt Nam, “Lựa” là bài thơ lục bát đầu tiên đăng trên tờ “Áo trắng”. Sau đó là Mục Đồng, một tập san chủ yếu dành cho những người theo đạo Thiên Chúa. Rồi Sông Hương. Tôi đọc, viết, và kết bạn, và lại viết.
Phải đến năm thứ tư trong quá trình sáng tác của mình tôi mới ‘nhận ra’ mình là một người viết ở hải ngoại. Vì Facebook không có biên giới, không có hàng rào, không có xuất nhập cảnh, ai cũng chỉ là một tài khoản, và bạn bè tôi ai cũng nói tiếng Việt, nên tôi thật sự không có một cảm nhận tách biệt về địa lỷ. Trong một lần trò chuyện với chị M, một nhà thơ ở Sài Gòn, vào năm 2019, chị bảo “Vi vào Hội Nhà văn TPHCM đi”. Tôi hỏi vài câu là vào đấy hoạt động ra sao, sẽ có quyền lợi gì, trách nhiệm gì. Sau đó, tôi chợt hỏi một câu rất quan trọng “vậy có ai kiểm soát em viết gì không chị?”. Chị ấy bảo cũng không ai kiểm soát gì nhưng nếu viết status “nhạy cảm” có thể bị nhắc nhở. Tôi ớ người ra, rồi nói “Vậy chắc chắn em không vào Hội Nhà văn đâu chị! Em không muốn ai kiểm soát những gì em viết, ngay cả status Facebook mà cũng nhắc nhở thì sáng tác văn học còn như thế nào nữa.” Từ bé, tôi đã biết dòng máu tự do luôn chảy rào rạt trong huyết quản mình. Việc được nói, được viết những gì mình thật nghĩ vào thời điểm đó gần như là chuyện sống còn đối với tôi. Điều này đã có trong tôi từ bé, và càng mạnh mẽ hơn sau khi tôi được sống và phát biểu tự do trong quãng đời đi học ở Úc và đi làm ở Canada. Tôi nghĩ tự do ngôn luận là một thành tố nhất thiết của một xã hội công bằng, dân chủ. Sau buổi nói chuyện đó, không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện sẽ tham gia vào bất cứ một Hội văn học nghệ thuật nào trong nước nữa.
Từ ý nghĩ đầu tiên là “viết thơ như một
trò chơi mới”, qua thời gian và qua tiếp xúc với nhiều anh chị tác giả nghiêm
túc ở cả trong nước và hải ngoại, tôi bắt đầu dần dần suy nghĩ nghiêm chỉnh hơn
về sáng tác, về định nghĩa sáng tạo, về trách nhiệm và nghĩa vụ của người viết,
về “sự nghiệp” viết lách, về tác phẩm, về in ấn, về bạn đọc, về bản quyền, về bản
chất của thơ, văn, vv… Mặc dù chủ đề lớn nhất trong thơ tôi vẫn là tình cảm,
tôi viết về những chủ đề khác mà tôi bức xúc, tôn giáo, chính trị, những chính
sách của Nhà nước (cả Việt Nam, Mỹ hay Canada), chiến tranh, di dân. Tôi không
chủ trương chống bất cứ chính phủ nào, nhưng tôi chống những cái xấu, bất công
và đi ngược lại tiến bộ xã hội, xâm phạm quyền con người. Những quan điểm của
tôi không phải được ủng hộ ở tất cả mọi nơi, như một bài viết về Đoàn xe tự do
(Freedom Convoy) viết về những tài xế xe tải ở Canada chống lại quy định của
chính phủ về việc bắt buộc phải tiêm vắc xin COVID cho tài xế cũng bị một trang
văn chương độc lập ở Việt Nam từ chối. Cũng chẳng sao, tôi tin vào những điều
mình viết, và những điều mình nghĩ. Tiếp tục sống, quan sát, chiêm nghiệm, học
hỏi, và viết.
Mỗi người đều có những cơ duyên riêng để bước vào sáng tác và hòa nhập vào làng
văn học, con đường của tôi, khởi đầu, hơi có màu sắc chơi game. Nhưng có lẽ đó
cũng là cách duy nhất tôi có thể viết được, để không bị những mặc cảm lo sợ kỳ
vọng với bản thân trói chặt tay chân trước khi viết ra được một cái gì. Nhà văn
nhà thơ thường viết trong cô đơn, tôi thì viết và đăng bài để thoát khỏi cô đơn.
Nhà văn nhà thơ viết vì đau đớn quặn thắt, canh cánh nỗi đau đời, máu nhỏ năm đầu
ngón tay, tôi cảm thấy rất vui khi được viết. Cho dẫu bài thơ đó là một bài thơ
buồn, cho dẫu tôi viết sau khi đã khóc hai tiếng đồng hồ, mỗi sáng tác đều đem
lại cho tôi một niềm vui, một sự nhẹ nhõm. Niềm vui đó thường ở lại với tôi
trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau khi viết xong và chép bài thơ vào sổ tay
thơ, rồi hân hoan ngồi nhìn bình luận và phản ứng với bài thơ mình đăng. Cho đến
bài thơ mới. Cái cơ chế “thỏa mãn tức thời” (instant gratification) này, theo
tôi, là điểm mạnh nhất của văn học facebook. Được tự do đăng tác phẩm của mình,
bày tỏ ý kiến của mình (trừ khi bạn tự kiểm duyệt) và truyền tải thông tin đến độc
giả của bạn tức thời là điểm mạnh thứ hai của facebook. Bạn S, một biên tập
viên uy tín ở Việt Nam bảo tôi “Bây giờ người ta không còn quá cố gắng để lên
báo nữa, vì có bao nhiêu người đọc báo giấy đâu, những tờ báo dạng báo Văn Nghệ
thì bán chẳng ai mua. Văn thơ bây giờ cứ đăng lên facebook, mỗi người tự tạo dựng
độc giả cho riêng mình.”
Tất nhiên, facebook không phải là tất cả văn học mạng. Những tờ báo chính thống
trong nước và ngoài nước đều có trang web, những tờ báo chính của hải ngoại như
Người Việt, Việt Báo, vv… đều có lượng người đọc đông đảo. Những trang văn
chương nghệ thuật, trong nước và ngoài nước, từ vanvn là trang chính thống của
Hội Nhà văn Việt Nam, Văn Việt của Văn đoàn độc lập, vanchuongviet do nhà văn
Nguyễn Hòa sáng lập, và những trang mạng uy tín ở nước ngoài: Da Màu, Gió O, Diễn
Đàn Thế Kỷ, Diễn Đàn, Tiền Vệ (đã ngừng hoạt động), và những blog văn học nghệ
thuật như Vuông Chiếu của nhà thơ Luân Hoán, web Phạm Cao Hoàng, T-Van và Bạn Hữu,
art2all, vv… tất cả đều góp mặt vào diện mạo sinh động của một nền văn học mạng
lưới liên kết mở kết nối người đọc tiếng Việt ở mọi nơi. Tất nhiên, nếu bạn ở
trong nước, một số trường hợp bạn sẽ cần có thêm một thao tác phụ là “vượt tường
lửa” vậy.
Trần Hạ Vi là một cái tên được tạo nên
từ facebook, sống và viết chủ đạo ở Facebook. Rồi tôi có tiếp tục sử dụng
Facebook không, hay tôi sẽ làm gì khi Facebook đóng cửa như Blog Yahoo 360 ngày
xưa? Không có chuyện gì trên đời này là không thể xảy ra. Tôi chỉ tin rằng ngọn
lửa tình yêu văn thơ đã được khơi lên từ cuối năm 2015, giấc mơ quý giá của bản
thân tôi, tiếng Việt của tôi và tự do của tôi sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời.
21/2/2025
Trần Hạ Vi