tranh: Vy Tran

 

Phan Tấn Uẩn
Viết Cho Vui

 

Nhà văn Phan Tấn Uẩn sinh năm 1942 tại Thừa Thiên Huế . Ông thuộc lớp nhà văn Miền Trung trước 1975.
Các truyện ngắn của Phan Tấn Uẩn xuất hiện trên tạp chí Ý Thức và các đặc san văn chương Miền Nam trước 1975 có một giọng văn hiện thực duyên dáng, ghi lại được những nhận xét sắc sảo về bối cảnh thời đại ông sinh sống.

Tác phẩm đã xuất bản :

          . Tập truyện ngắn trước 75.

          . Trời Cao Đất Rộng (Ký, tập 1 , 2017)

          . Trời Cao Đất Rộng (Ký, tập 2  , 2018)

          . Những bài ca đánh thức quá khứ (tạp văn , 2020)

          . Dật Sự ( Chuyện Viễn Mơ Thời Chiến, truyện dài ,2021 )

          . Hình Bóng Biển Trời (truyện dài , 2024)

 


Viết Cho Vui có thể coi là một hình thức của nghệ thuật vị nghệ thuật (Art for Art’s Sake).Trong thể loại nầy, văn chương không cần phải có chức năng giáo dục, chính trị hay đạo đức. Giá trị văn chương nằm ở cái đẹp nội tại của nó, ở sự tinh tế trong ngôn từ, cấu trúc, kỹ thuật và nghệ thuật. Sáng tạo nhưng không quan tâm tác động của nó đến xã hội hay người đọc, không bắt buộc phải phục vụ nhân sinh. Người viết có thể tìm kiếm tự do tuyệt đối trong sáng tạo, tập trung vào cái đẹp, sự mới lạ và cảm xúc thẩm mỹ.

Với nhiều người, viết là công cụ để chinh phục đỉnh cao danh tiếng hay phê phán xã hội, nhưng đối với tôi, việc cầm bút lúc nầy không phải để tìm kiếm sự công nhận hay truyền tải thông điệp gì. Tôi viết, đơn giản vì niềm vui. Vào những năm cuối đời, khi áp lực của tuổi trẻ và sự nghiệp không còn, việc viết văn có thể mang đến cho tôi cảm giác thư giãn, bình yên và làm sống lại những cảm xúc, kỷ niệm quý.Nó giúp cho sức khỏe tinh thần vững vàng để duy trì trí nhớ, giúp tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn …

 

Trong ba năm gần đây (2021-2024) ,tôi viết hai truyện dài thuộc loại Viết Cho Vui đã đăng trên internet và giới thiệu trên báo. Đó là “Chuyện Viễn Mơ Thời Chiến” (gần 400 trang, sau đổi tựa là Dật Sự ) và “ Hình Bóng Biển Trời” (***).

Tôi viết hai truyện dài chỉ để tự vui với mình, không có bất cứ mục tiêu hay sứ mệnh nào như đã nói trên. Thật ra, tôi cũng muốn thử xem mình có thể viết được  truyện dài hay không, vì tôi thấy phần lớn tác giả hiện giờ  chỉ tập trung viết truyện ngắn và làm thơ. Họ không có khả năng viết truyện dài ? Với tinh thần đó, việc viết hai truyện dài như một cuộc phiêu lưu nhỏ.

Nếu bạn có hứng thú, hãy dành chút thời gian đọc qua. Nếu không, cũng không sao . Tôi không kỳ vọng chúng sẽ làm thay đổi điều gì, chỉ hy vọng rằng, ai đó trong số các nhà văn kia có thể tìm thấy chút cảm hứng để thử sức với một câu chuyện dài hơi thay vì cứ mãi viết truyện ngắn ! Biết đâu, hai truyện dài Viết “Cho Vui” có thể đem lại điều gì đó mới mẻ hơn những gì nhàm chán hiện nay !.

Trác Bạt trong hai truyện trên là nhân vật trung tâm, mang hình tượng của một người có tài năng đặc biệt. Tên gọi Trác Bạt, nghĩa là “người có tài lạ,” là cách tôn vinh nhân vật và gợi nhớ cảm xúc của tôi về một bạn học cùng lớp – một học sinh ưu tú hai lần được Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa vinh danh vào những năm 1959 và 1962 tại Trường Quốc Học Huế.

Trong "Chuyện Viễn Mơ Thời Chiến", Trác Bạt là người kể những câu chuyện về các ước mơ và khát vọng viễn vông vượt khỏi thực tại đầy biến động của chiến tranh. Nhân vật này đại diện cho những người theo đuổi các lý tưởng cao cả, bất chấp những khó khăn thực tế.

 

Vài câu chuyện viễn mơ điển hình được nhắc lại ở đây …

Chương 12 nói về phi thuyền Apollo 11 mang theo vũ khí laser để kết thúc chiến tranh Việt Nam. Nó kết hợp các yếu tố lịch sử với khoa học viễn tưởng và mở ra một viễn cảnh đầy kích thích về cách công nghệ có thể can thiệp vào các cuộc xung đột khốc liệt nhất của thời đại. Phi thuyền Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt Trăng vào năm 1969 là một sự kiện lịch sử thực sự làm thay đổi cái nhìn của nhân loại về vũ trụ. Nhưng thay vì chỉ làm nhiệm vụ thám hiểm, tôi tưởng tượng sứ mệnh ny còn mang theo một vũ khí bí mật là laser công nghệ cao, được phát triển đặc biệt để sử dụng như một công cụ kết thúc chiến tranh. Trong truyện , nhân vật Trác Bạt mô tả những kỹ sư và nhà khoa học Hoa Kỳ đã bí mật tích hợp loại vũ khí này trên Apollo 11, với mục tiêu cao cả là chấm dứt xung đột ở Việt Nam mà không phải gây thêm bất kỳ tổn thất nhân mạng nào. Đây là loại vũ khí mang tính cách mạng, có thể vô hiệu hóa tất cả các thiết bị quân sự từ xa chỉ với một cú bắn laser chính xác từ Mặt Trăng xuống trái đất .Viễn cảnh này kích thích trí tưởng tượng vì nó mang đến ý tưởng về một cuộc chiến không có tổn thất nhân mạng, một cách giải quyết xung đột đầy nhân đạo nhưng vẫn sử dụng sức mạnh của công nghệ. Trong chuẩn bị, những nhà khoa học của NASA và các tướng lãnh quân đội Mỹ phải đối mặt với câu hỏi: Liệu loài người có nên sử dụng công nghệ này để can thiệp vào các cuộc chiến tranh ? Trác Bạt nghĩ đến một cuộc tranh luận nảy lửa giữa các khuynh hướng, đặt ra vấn đề đạo đức và trách nhiệm của con người trước sức mạnh vô hạn mà khoa học có thể mang lại.

Cuối cùng, một câu hỏi khác đặt ra : Nếu viễn mơ nầy trở thành hiện thực, liệu lịch sử chiến tranh Việt Nam và thậm chí cả thế giới sẽ thay đổi như thế nào? Câu chuyện đã đưa người đọc vào một hành trình đầy ly kỳ, nơi khoa học, chính trị, và những ước mơ viễn vông đan xen vào nhau…

Tôi vẫn nghĩ đây là cách tiếp cận độc đáo, vừa mang tính giả tưởng, vừa khơi gợi những suy nghĩ sâu sắc về chiến tranh và hòa bình. Tuy nhiên, nó vẫn là chuyện Viết “Cho Vui”.

 

Tôi còn muốn nhắc đến vài ba câu chuyện trong Dật Sự mà người khác cho là ngây thơ, vớ vẩn, nhưng đối với tôi chúng lại gây cảm hứng để viết. Chẳng hạn, muốn Miền Nam trung lập như Thụy Sĩ (chương 14) , muốn Miền Nam có lãnh đạo giỏi như ở Hàn Quốc (chương 24), thậm chí muốn những người Việt hải ngoại đoàn kết keo sơn , mua một hòn đảo để thành lập  một quốc gia mới (Chương 27)…

 

Tưởng tượng một Việt Nam với những danh thắng, kinh tế phát triển, và một dân tộc sống trong an bình, tránh được những tàn phá, đau thương…. trở thành một “Thụy Sĩ của Đông Nam Á” sẽ mang đến hòa bình cho người dân và là một trung gian kết nối, hòa giải các xung đột trong khu vực. Trong truyện, làng Trung Châu do một trường Đại Học Quốc Tế xây dựng, chính là biểu tượng của sự hợp tác quốc tế giữa các bên đối đầu trong chiến tranh. Làng nằm giữa núi đồi yên bình , cách biệt với những xung đột chính trị và quân sự của thế giới bên ngoài. Ngôi làng trở thành biểu tượng cho sự hòa hợp và ổn định, giống như cách mà một quốc gia trung lập như Thụy Sĩ đứng vững giữa những biến động của thế giới. Khách vào làng Trung Châu không chỉ được trải nghiệm cuộc sống thanh bình mà còn cảm nhận được tinh thần tự do, không bị ràng buộc bởi bất kỳ hệ tư tưởng nào. Trong bối cảnh chiến tranh và bạo lực lan tràn khắp nơi, ngôi làng trở thành một giấc mơ – Việt Nam trở thành trung lập như bao người mong ước.

 

Dưới sự lãnh đạo của Park Chung Hee, Hàn Quốc đã chuyển mình từ một quốc gia nghèo khó sau chiến tranh trở thành một trong những cường quốc công nghệ và văn hóa của thế giới. Tôi muốn Miền Nam Việt Nam cũng xuất hiện một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, biết cách quản lý quân đội và chính trị một cách khôn ngoan cứng rắn và yêu nước như Park Chung Hee. Người này sẽ xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng, một xã hội ổn định, và đẩy lùi những đe dọa từ bên ngoài. Ngoài việc đưa đất nước thoát khỏi chiến tranh, nhà lãnh đạo nầy còn đặt nền móng cho sự thăng hoa về mọi mặt của tương lai Việt Nam …

"Chuyện Viễn Mơ Thời Chiến" là một sáng tác phẩm , được viết với mục đích giải trí và đưa người đọc vào thế giới của những giấc mơ viễn vông giữa bối cảnh chiến tranh Việt Nam. Qua đó, tôi muốn thể hiện những trăn trở sâu sắc về chiến tranh, hòa bình, và tương lai đất nước, dù là Viết Cho Vui…

 

Trong truyện "Hình Bóng Biển Trời", Trác Bạt đóng vai một nhà nghiên cứu văn học, người đã dành thời gian để viết bản tóm tắt và phân tích các chương trong hồi ký A Moveable Feast của Ernest Hemingway.Trác Bạt trở thành cầu nối giữa văn học phương Tây và cảm nhận cá nhân của người Việt, mở ra những góc nhìn mới về tác phẩm kinh điển này.Nhưng  về bản chất, truyện nầy vẫn là chuyện Viết Cho Vui bởi mục đích chính của tôi không nhầm gây ấn tượng hay đạt được sự công nhận văn chương hoặc chứng tỏ điều gì trước công chúng hay giới phê bình, cũng không có tham vọng nghiên cứu học thuật. Tôi chỉ muốn chia sẻ với người đọc những cảm nhận riêng của mình về Hemingway…

Chương đầu tiên của Hình Bóng Biển Trời chính là truyện ngắn Mùa Xuân Biến Sắc. Đọc truyện nầy, một bạn đọc hỏi tôi “Hình Bóng Biển Trời” có phải là một phóng tác không ? Xin nói rõ ở đây . Khi nói về một tác phẩm, ta nghĩ ngay đó là loại sáng tác. Sáng tác là quá trình tạo ra một tác phẩm hoàn toàn mới từ ý tưởng, nội dung, đến hình thức. Tác giả tự do thể hiện tư tưởng, cảm xúc, và trí tưởng tượng của mình mà có thể không dựa vào bất kỳ tác phẩm hay nguồn cảm hứng cụ thể nào có sẵn. Chẳng hạn, một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn mới về một thế giới tưởng tượng hoặc một bài thơ thể hiện cảm xúc cá nhân của tác giả.

Nhưng phóng tác cũng tạo nên một tác phẩm văn chương. Phóng tác là dựa vào một tác phẩm gốc có sẵn, nhưng tác giả thay đổi, chỉnh sửa hoặc sáng tạo thêm vào để phù hợp với phong cách hoặc mục đích riêng của mình. Phóng tác thường giữ lại cấu trúc hoặc một số yếu tố từ tác phẩm gốc nhưng có thể thay đổi về các chi tiết. Hoàng Hải Thủy là nhà văn viết phóng tác nổi tiếng của văn chương  Miền Nam trước 75. Ông chuyển thể một tác phẩm văn học nước ngoài thành một câu chuyện có bối cảnh và văn hóa địa phương, hoặc có thể thay đổi cốt truyện của một tác phẩm để phù hợp với các đối tượng khác. Phóng tác thường tạo ra một phiên bản mới của tác phẩm gốc nhưng vẫn dựa vào nền tảng ấy.

 

Truyện dài Hình Bóng Biển Trời không thuộc thể loại sáng tác hay phóng tác, mà tôi gọi nó là một truyện cảm tác.Theo tôi, cảm tác là việc viết tác phẩm mới dựa trên cảm hứng từ một sự kiện, một nhân vật hay tác phẩm.Truyện cảm tác không sao chép hay sửa đổi trực tiếp tác phẩm gốc, nhưng có thể trích dẫn và lấy ý tưởng hoặc cảm xúc từ bản gốc để làm chất liệu sáng tạo.Viết một bài thơ cảm tác từ một bức tranh hoặc một bản nhạc, tác giả không sử dụng nội dung cụ thể của bức tranh hay bản nhạc mà chỉ lấy cảm xúc, ý tưởng từ đó để sáng tác. Như vậy cảm tác là lấy cảm hứng từ một nguồn bên ngoài để viết thành tác phẩm hoàn toàn mới mà không sao chép bản gốc.

Hình Bóng Biển Trời lấy cảm hứng từ hồi ký A Moveable Feast của Ernest Hemingway. Trong truyện nếu có một vài trích dẫn từ nguyên tác cũng chỉ có mục đích tái hiện con người thật của Hemingway, ngoài ra tất cả đều ở trong một bối cảnh hoàn toàn mới qua lăng kính của hai nhân vật chính – Donovan và Trác Bạt. Trác Bạt, một nhân vật tài năng và thông tuệ, dẫn dắt người đọc qua những dòng văn của Hemingway. Cùng với Donovan, Trác Bạt không chỉ đơn thuần làm người kể chuyện, mà còn trở thành cầu nối để khai mở và đưa ra những quan điểm độc đáo về cuộc đời, văn chương và nghệ thuật. Xử dụng nghệ thuật cảm tác, người viết đã lồng ghép những suy ngẫm cá nhân về văn chương và cuộc đời, tạo nên một tác phẩm vừa quen thuộc, vừa mới lạ đối với những ai yêu thích văn chương kinh điển. Hình Bóng Biển Trời dù là truyện viết “cho vui” nhưng vẫn ẩn chứa bên trong những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân …

 

**

“Ngôi Trường Nhỏ” dưới đây thuộc thể loại cảm tác – một hình thức văn chương kết hợp giữa hồi ức và hư cấu nghệ thuật, nhằm khơi dậy những giá trị chân thực nhưng đã bị lãng quên. Truyện ghi lại hình ảnh một mái trường không bảng vàng thành tích, không tên tuổi trong hệ thống giáo dục chính quy, nhưng từng là nơi thắp sáng lại niềm tin và nhân cách cho những phận người sau biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975.

 

NGÔI TRƯỜNG NHỎ

(Truyện cảm tác khi đọc lại Hồi Ký)

                                              

Người ta thường nói nhiều về những trường trung học danh tiếng, những đại học uy nghi, những ngôi trường gắn với bảng vàng truyền thống và hào quang thành đạt.

Ngược lại, rất hiếm người nhắc đến những mái trường nhỏ bé, nơi học trò không tìm kiếm  bằng cấp danh giá, không bảng vàng thành tích, không diễn văn khai giảng, không có những kỳ thi náo động – chỉ có những giờ học thầm lặng giữa tiếng quạt máy và mùi nhựa cháy của board mạch. Học để sống, để làm một người thợ lương thiện giữa cuộc đời xô lệch. Trong ký ức ông , giữa muôn vàn lối rẽ của đời sống sau biến cố 1975, có một nơi như thế. Đó là Trường Điện Tử ĐaKao, ngôi trường không có tên trong hệ thống chính quy, nhưng từng là phao cứu sinh cho bao người trôi dạt giữa dòng đời hậu chiến.

Ngôi trường ấy nằm nép mình dưới chân Cầu Bông, dĩ nhiên không có cổng lớn, không cột cờ, không trống trường, càng không có bảng danh dự hay lễ khai giảng. Nhưng có lẽ chưa bao giờ ông thấy một không khí học tập nào khẩn thiết và nghiêm túc đến thế. Mỗi học viên đều coi mỗi giờ học là mỗi giờ giành lại tương lai với đôi bàn tay mình hướng về một tay nghề vững vàng . Người thầy sáng lập ra Trường Điện Tử ĐaKao không phải là một nhà giáo được đào tạo bài bản. Ông là cựu sĩ quan chế độ cũ, từng bị đày đọa trong các trại cải tạo. Sau nhiều năm biệt tích, ông trở về SaiGon tay trắng – không tiền, không nhà, không danh phận, chỉ còn lại một thứ không ai tịch thu được: trí nhớ và kiến thức điện tử học được từ Trường Cao Đẳng Bưu Điện Miền Nam những năm trước 1975.

Và từ chính đống tro tàn đó, ông bắt đầu thiết dựng một mái trường – bằng đôi tay và lòng kiên nhẫn. Ngôi trường nhỏ ra đời trong âm thầm, không lễ khai trương, không tuyên bố rầm rộ. Một tấm bảng treo trước mái hiên nhà viết bằng sơn trắng: “Trường Điện Tử ĐaKao – Dạy Lý Thuyết và Thực Hành – Nhận Học Viên Không Phân Biệt Trình Độ.”

Ông là hiệu trưởng, là thầy dạy, là người giữ sổ sách, là lao công quét lớp, là người thay bóng đèn néon nám cháy. Tối tối, ông cặm cụi đánh máy từng trang giáo trình, vẽ từng sơ đồ mạch điện bằng bút sắt trên giấy stencil  rồi tự tay quay ronéo để phát miễn phí cho học viên. Không ký tên tác giả . Không ai thấy ông đòi hỏi một lời cảm ơn.

Một lần, có người hỏi ông:

– Thầy không sợ người ta in lại rồi ghi tên người khác sao ?

Ông cười nhẹ:

– Tên tôi có đáng gì ? Quan trọng là mạch nguồn này, nếu làm đúng thì máy chạy, làm sai thì tụ hóa lọc điện nổ tung. Điện tử không nói dối. Không như miệng lưỡi con  người…

Ông nhớ mãi một buổi học bị cúp điện. Cả một khu phố ĐaKao tối đen như mực, chỉ còn ánh đèn dầu lập loè. Lẽ ra buổi học phải hoãn lại, nhưng ông bảo học viên ngồi yên và vào phòng trong lấy ra một radio Nhật đã tháo tung, và nói:

“Hôm nay học trong bóng tối, để biết người thợ không chỉ nhìn bằng mắt, mà còn phải nghe được tiếng máy, cảm được từng mạch điện trong trí nhớ. ”

Và trong ánh sáng lờ mờ ấy, ông thao tác từng bước một. Khi chiếc máy phát ra âm thanh trong trẻo, cả lớp ngồi lặng im nghe ông giải thích hư hỏng và cách sửa chữa. Học trò có người nhận ra đó không chỉ là âm thanh của radio, mà là tiếng nói của lòng kiên trì, của kỹ năng thực học, lên tiếng giữa đêm tối thời cuộc. Không ai tốt nghiệp Trường ĐaKao với một tấm bằng nhà nước. Nhưng nhiều người từ ngôi trường ấy đã ngẩng cao đầu làm thợ, làm chủ, làm người. Nhiều người qua Mỹ, làm kỹ thuật viên trong hãng Intel hoặc học tiếp lên Đại Học trở thành kỹ sư tiến sĩ điện tử… Có người mở tiệm sửa điện gần chợ Bà Chiểu. Có người về quê, truyền nghề cho thế hệ sau.

Ông còn nhớ học viên tên Chiến từng đi bán vé số ngoài bến xe miền Đông, dành dụm từng đồng để đóng học phí hai tháng một lần. Sau này, Chiến mở một tiệm sửa máy điện gia dụng, rồi làm chủ một gian hàng linh kiện nhỏ trong hội chợ công nghệ. Gặp lại ông, Chiến vẫn lễ phép:

– Nếu không có thầy và Trường ĐaKao, chắc giờ nầy em vẫn ngồi lóng ngóng bên lề đường bán chợ trời…

Ngày nay, tên trường đã mất dấu theo thời gian, người thầy ấy cũng đã đi xa. Không ai nhắc đến Trường Điện Tử ĐaKao trong những bài tổng kết giáo dục, càng không có tên trong danh mục trường tư thục hay công lập. Nhưng với những người từng bước qua cánh cửa khiêm tốn ấy, đó là nơi đã thắp lại hy vọng bằng kiến thức, bằng niềm tin vào đôi tay và trí óc…

Nếu một ngày nào đó có ai viết lại lịch sử giáo dục Việt Nam, ông không mong gì hơn ngoài một dòng nhỏ dành cho những nơi như Trường ĐaKao :

“Một ngôi trường không có bảng vàng, nhưng giá trị của nó còn quý hơn vàng ”

Một lần ông về thăm ĐaKao, nơi từng đặt tấm bảng "Trường Điện Tử ĐaKao" bằng sơn trắng ở đầu Cầu Bông. Căn nhà đã bị đập bỏ để cải tạo bờ kênh Nhiêu Lộc ,Không ai còn nhớ nơi đó từng là một lớp học có một người đôi mắt sáng lên khi nghe ai nói đến điện trở, tụ lọc và cuộn cảm...

Ông đứng thật lâu trên bờ kênh nay đã trở thành con đường lát nhựa  với những quán cà phê ngó mặt ra con kênh nước trong trôi lững lờ giữa bầu trời xanh, nghe tiếng xe vội vả lao theo nhịp đời hối hả. Có gì đó như một tiếng vọng vang lên từ quá khứ , một quá khứ của radio phát nhạc trữ tình, của tiếng giảng mạch bằng giọng trầm ấm hạnh phúc…

Ông muốn viết lại lịch sử Trường Điện Tử ĐaKao không phải để làm đẹp ký ức,nhưng để giữ lại hình ảnh đáng quý của một thời mà hôm nay hầu như đã biến mất . Đó là hình ảnh một người thầy vô danh với lòng tận tụy giúp ích cho đời , là thời người ta còn học nghề để làm thợ, để sống ngay thẳng và lương thiện….

 

Phan Tấn Uẩn

Tháng 12/2024