TỰ DO CÙNG NGÔN NGỮ
50
Năm Văn Học Tiếng Việt Hải Ngoại
1975-2025
ký ảnh của Trang Hoàng
Nguyễn Tuấn Huy
Tính Chất Hồi Tưởng Trong Văn Học Hải Ngoại
Nguyễn
Tuấn Huy sinh trưởng tại Việt Nam. Vượt biên tỵ nạn cùng gia đình sang
Indonesia rồi đến định cư ở Hoa Kỳ năm 11 tuổi. Tốt nghiệp đại học ngành hóa
học. Đang sống tại Houston.
Hiện đặc biệt quan tâm và yêu thích các đề tài tôn giáo và văn hóa Việt Nam nên
bắt đầu viết nghiên cứu về các đề tài này.
Một số bài viết đã xuất hiện trên mạng:
- Hồ Biểu Chánh và thế hệ Việt - Mỹ
-
"Văn dĩ tải đạo" và Nguyễn Văn Sâm
- Hành Trình Tử Đạo
- Giấc Mơ Của Chúa Trịnh
- Tính Chất Hồi Tưởng Trong Văn Học Hải Ngoại
Sự hình thành của văn học quốc ngữ vào đầu Thế Kỷ 20 đã mở đầu cho một cuộc cách mạng văn hóa để thoát ly khỏi ra khuôn khổ chật hẹp của nền văn hóa Hán Nôm trước đó. Những nhà văn tiên phong như Hồ Biểu Chánh đã bỏ thể loại văn vần cũ mà chuyển sang văn xuôi mới. Ông và những nhà văn tiên khởi khác đã hấp thụ văn hóa Tây Phương từ người Pháp. Họ dựa vào văn hóa Tây Phương lúc ban đầu để giúp cho văn học quốc ngữ mới hình thành pháp triển, rồi từ đó tạo một hướng đi mới cho nền văn hóa Việt Nam. Ở miền Bắc trong thập niên 1930, nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã dùng văn học quốc ngữ mới mẻ này như một diễn đàn để canh tân xã hội. Họ lên án các tập quán cũ và phong tục cổ hủ, đánh đổ tư tưởng phong kiến để thay đổi xã hội cũ. Một xã hội Việt Nam tân thời, giàu tri thức và tư tưởng về tự do, bình đẳng thì mới có triển vọng giành lại độc lập từ Đế Quốc Pháp. Những khát vọng tự do dân tộc đã giúp cho giới trí thức sớm nhận thức vai trò đấu tranh của văn hóa và đã phát triển nó như một cách thức để ngấm ngầm chống đối lại chính sách cai trị của người Pháp. Những nhà cách mạng như cụ Huỳnh Thúc Kháng sau khi bị đày ở Côn Đảo 11 năm, ông đã trở về và sáng lập tờ báo Tiếng Dân vào năm 1927. Tờ báo này bị chính quyền Pháp đình bản vào năm 1943.
Cuộc phân chia đất nước vào năm 1954 đã tạo ra một cuộc di dân vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam. Hơn một triệu người dân Bắc Kỳ tức khoảng 10% dân số miền Bắc đã di cư vào miền Nam để tránh nạn Cộng Sản. Số lượng người di dân khổng lồ từ miền Bắc không những giúp cho miền Nam có thêm nhân lực mà còn thổi một làn gió mới vào trong sinh hoạt văn hóa của miền Nam với sự góp mặt của những văn sĩ Bắc Hà như Nhất Linh, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ, v.v... Họ vào trong Nam mang theo nhiệt huyết sinh hoạt văn hóa, góp phần với văn chương Nam Bộ đã có sẵn. Tờ báo Sáng Tạo ra đời năm 1956 tại Sài Gòn do Mai Thảo làm chủ bút. Thập niên 60 và 70 ở trong Nam là thời kỳ sung mãn nhất của văn học Việt Nam. Sống trong một môi trường tự do ngôn luận và một niềm tự hào dân tộc vì đã thoát khỏi vòng cai trị của người Pháp, người dân miền Nam đã thực sự sống trong một chế độ dân chủ đích thực chưa hề có trong lịch sử Việt Nam. Những sinh hoạt văn hóa phản ảnh những biến chuyển xã hội này. Những phong trào nâng cao dân trí đã tạo ra nhiều độc giả với đủ thành phần trong đó có giới trẻ, phụ nữ, giới bình dân lẫn giới trí thức. Vì phục vụ cho nhiều thành phần độc giả nên có nhiều thể loại sách khác nhau như truyện tình cảm, truyện trinh thám, truyện cho trẻ em - sách Hoa Đỏ, Hoa Tím, Hoa Đen, truyện kiếm hiệp, truyện đồng quê Nam Bộ, sách làm người, sách chuyên môn - sử, triết, khoa học, ngôn ngữ, v.v... Thêm vào đó là đủ loại báo chí như các nhật báo, tuần báo, nguyệt san, tạp chí văn hóa như Văn, Bách khoa, các tờ báo của các Đại Học, v.v… Song song với những bước tiến bộ về văn chương, còn có những phát triển về âm nhạc và nghệ thuật. Sau này người ta gọi những nhạc phẩm được sáng tác trong khoảng thời gian này là Nhạc Vàng để nói lên giá trị nghệ thuật vượt thời gian của chúng.
Tháng Tư năm 1975, miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, một lần nữa người dân lại phải ra đi để tránh nạn Cộng Sản, mở đầu cho cuộc di dân lần thứ hai của dân tộc Việt Nam trong một thế kỷ. Hiệp Định Geneva ký vào tháng Tư năm 1954 cho phép người dân được tự do chọn lựa định cư giữa hai miền trong thời gian 300 ngày. Mọi di chuyển phải kết thúc vào ngày 18 tháng Năm năm 1955. Hải quân Mỹ đã giúp 310,000 người dân di cư vào Nam trong chiến dịch Passage to Freedom. Pháp và đồng minh giúp khoảng 500,000 người dân di cư khác trong thời gian này. Làn sóng người di cư lần thứ hai không được may mắn như những người di cư năm 54. Thứ nhất họ không được phép ra đi tự do mà phải trốn tránh chính quyền để ra đi bất hợp pháp. Họ ra đi với tư cách tị nạn chính trị. Thứ hai họ không có sự hỗ trợ từ những quốc gia khác trong hành trình của tìm tự do của họ. Họ đã phải đối phó với biển cả và nạn hải tặc Thái Lan. Làn sóng người tị nạn bắt đầu từ tháng Tư năm 1975 và lên đến cao điểm vào giữa thập niên 80 trước khi kết thúc ở cuối thập niên 90 khi các trại tị nạn từ từ đóng cửa và Chương trình ra đi có trật tự (ODP) bắt đầu hoạt động thay thế. Vì vậy con số người di dân vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay dưới diện bảo lãnh gia đình và vợ chồng.
Trong lịch sử, cuộc di cư nào cũng sẽ có ít nhiều sự lưu luyến, hoài cố hương ở trong đó. Từ những người di dân Ý và Ái Nhĩ Lan đến Mỹ trong Thế Kỷ 19 cho đến những người dân Bắc Kỳ di cư vào Nam ở những năm 1954 - 1955, tất cả đã sáng tác những tác phẩm và nhạc phẩm để hướng về quê hương mà họ đã bỏ lại. Nhờ vậy mà người ở trong Nam biết đến Hà Nội ba mươi sáu phố phường và những giàn hoa thiên lý của làng quê Bắc Việt. Trái ngược với sự ra đi có trật tự của lớp người di cư năm 1954, những người bỏ nước ra đi sau năm 1975 đã phải chứng kiến một cuộc đổi đời chớp nhoáng, phải trải nghiệm những biến cố kinh hoàng. Chính vì hoàn cảnh tang thương mà lớp người tị nạn đầu tiên đến Mỹ phải trải qua, nó đã tạo ra một tâm trạng, một mô-típ, một chủ đề chung cho nền văn chương hải ngoại trong 25 năm đầu. Đó là tính chất hồi tưởng, nhìn về quá khứ trong văn chương. Khi thoát khỏi vòng tay tử thần để đến được bến bờ tự do, những người tị nạn này cần phải kể lại những gì họ đã phải chứng kiến như một phương cách để trị liệu cú sốc tinh thần mà họ mới vừa phải trải nghiệm. Thêm vào đó, họ cần phải kể tội Cộng Sản Việt Nam. Những người đã xui khiến họ phải chọn lựa con đường tử thần để tìm tự do. Như những người cách mạng chống lại thực dân Pháp qua những phong trào văn hóa, người tị nạn thêm một lần nữa lại dùng văn hóa như một vũ khí để chống đối chế độ Cộng Sản Việt Nam.
Việc đầu tiên là người ta viết về cuộc hành trình tị nạn của họ. Khởi đầu là những người được tàu chiến của Hạm Đội 7 Mỹ vớt ngay sau khi Sài Gòn thất thủ để được đến Mỹ trước. Sau đó đến những người vượt biên bằng đường biển và những người vượt biên bằng đường bộ qua ngã Campuchia. Tất cả đều có những câu chuyện kinh hoàng mà họ muốn thế giới bên ngoài biết đến. Họ kể lại cảnh bị hải tặc Thái Lan cướp bóc, hãm hiếp. Những câu chuyện dở sống, dở chết như bị thuyền bị trôi dạt vì bão tố, hỏng máy, hết nước, hết lương thực phải ăn thịt người mà sống. Thân phận của những người phụ nữ bị hải tặc bắt cóc đem theo về đất liền hoặc giam giữ ở hoang đảo Ko Kra để hãm hiếp. Những người vượt biên bằng đường bộ cũng chịu một cảnh ngộ thê thảm nếu bị Khmer Đỏ bắt được. Có nhiều tác phẩm đã ghi lại những tội ác, những hiểm nguy, gian truân trên con đường tìm tự do của người tị nạn. Một tác phẩm đáng chú ý đã ghi lại những thảm kịch của người vượt biển là “Hải tặc trong vịnh Thái Lan” (1981) của Dương Phục, Vũ Thanh Thúy và Nhật Tiến. Hai trong số các tác phẩm khác về chuyện vượt biên có “Pulau Bidong, Miền đất lạ” (1992) của Võ Kỳ Điền và “Thuyền Nhân” (1990) của Mai Kim Ngọc.
Khi nỗi kinh hoàng của cuộc vượt thoát đã nguôi ngoai, người ta lại nhớ đến quê hương đã bỏ lại. Họ bắt đầu viết về cuộc sống ở Việt Nam từ những kinh nghiệm sống ở trong các trại cải tạo cho đến cảnh đói khổ của những ngày tháng sau năm 1975. Bây giờ Cộng Sản gọi thời gian từ 1976 cho đến 1986 là “thời bao cấp” để đánh bóng và che dấu một thời gian đen tối, nghèo khó cùng cực của người dân miền Nam dưới quyền cai trị của chế độ mới. Ở bến bờ tự do, người ta đã không ngần ngại viết về những sai lầm của Đảng Cộng Sản. Từ việc đánh tư sản cho đến chính sách xua đuổi dân thành thị ra vùng Kinh Tế Mới. Những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Ngạn như “Những người đàn bà còn ở lại” (1979) hoặc “Trong quan tài buồn” (1988) là những tác phẩm đặt bối cảnh ở Việt Nam trong thời gian này để lên án những chính sách và hành vi của người Cộng Sản. Cùng với Nguyễn Ngọc Ngạn còn có những tác giả khác như Nguyễn Mộng Giác với trường thiên tiểu thuyết “Mùa biển động” (1989) và “Kẻ sống sót” (1989) của Xuân Vũ phơi bày những điều phi nhân đạo của người Cộng Sản. Người tị nạn đã thể hiện lòng yêu nước và tự do qua việc chống Cộng và các sinh hoạt văn hóa.
Khuynh hướng hồi tưởng còn được thể hiện khi các cựu quân nhân bắt đầu viết những tác phẩm liên quan đến kinh nghiệm chiến trường của mình. Phần lớn là ở trong dạng hồi ký như “Tháng ba gãy súng” (1986) của Cao Xuân Huy. Trần Hoài Thư với tập truyện, tạp bút, và tự truyện về những kinh nghiệm cá nhân khi còn cầm súng. Ngoài hai nhân vật tiêu biểu này còn biết bao nhiêu cựu quân nhân khác cũng đã viết về đời sống quân đội và chiến trường của cá nhân mình. Nối tiếp theo kỷ niệm của đời sống quân đội là kinh nghiệm sống sót từ trong các trại cải tạo Cộng Sản của các cựu quân nhân này. Các tác phẩm tiêu biểu có “Cùm Đỏ” (1983) của Phạm Quốc Bảo, “Đại học máu” (1985) của Hà Thúc Sinh, “Trại cải tạo” (1986) của Phạm Quang Giai. Tạ Tỵ với “Đáy Địa Ngục” (1985) đã kể lại cảnh địa ngục trần gian mà những cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã phải hứng chịu sau cuộc chiến. Đặc biệt là không những các cựu quân nhân mà còn có những cựu tù nhân chính trị khác cũng viết lại đời sống trong lao tù Cộng Sản. Thí dụ như “Những ngày tháng buồn hiu” (2016) của Ngọc Ánh, một nữ tù nhân chính trị đã sống hơn 10 năm trong lao tù Cộng Sản. Hồi ký “Tôi phải sống” (2003) của linh-mục Nguyễn Hữu Lễ kể lại tính chất bạo tàn, bất nhân trong trại giam.
Phong trào viết hồi ký không chỉ giới hạn trong giới cựu quân nhân hoặc tù nhân chính trị mà còn thịnh hành đối với cả những người có chức vụ trước năm 75. Số lượng tác phẩm này quá nhiều không thể kể hết nhưng chúng ta có thể chia thành phần theo nghề nghiệp. Thí dụ như giới cầm viết thì có nhà văn Xuân Tước với “Hồi ký 60 năm cầm bút” (2000). Nhà báo có Phan Lạc Phúc với “Tuyển tập tạp ghi” (2002). Giới làm văn nghệ có Nguyễn Ngọc Ngạn với bút ký “Nhìn lại một thập niên” (1995) về sinh hoạt văn nghệ. Trong giới trí thức thì có những người viết hồi ký để hồi tưởng và nói lên quan điểm của họ đối với những biến cố lịch sử. Trong những số này có Nguyễn Gia Kiềng với “Tổ Quốc và ăn-năn” (2000). Trào phúng nhất là tác phẩm “Tôi làm tôi mất nước.” (1984) của Lê Văn Phúc. Trong lúc mọi người viết và đổ lỗi cho người khác. Ông Lê Văn Phúc lại đứng ra kể tội của mình, những việc ông làm đã góp phần làm mất nước. Trong những tiếng ồn ào cáo buộc lẫn nhau, những nhận xét của ông Phúc về trách nhiệm của mỗi người trong xã hội có lẽ là trung thực nhất.
Ngay từ thuở ban đầu đến Mỹ khi kỹ nghệ in ấn còn thô sơ, người ta đã bắt đầu xuất bản nhiều sách báo, truyện ngắn, truyện dài để phục vụ cho cộng động người Việt ở hải ngoại. Cộng đồng di dân này tuy như nghé vỡ đàn nhưng vẫn mang theo họ di sản và truyền thống văn hóa từ thời trước 1975. Thời mà được coi là hoành tráng nhất của văn học Việt Nam. Vì vậy mà nhu cầu tiêu thụ văn hóa vẫn còn cao trong thời gian đầu. Ở những địa phương có nhiều người tị nạn như Houston và Orange County, đã có nhiều báo chí được phát hành để phục vụ cho nhu cầu văn hóa, truyền thông cũng như thương mại. Báo chí dễ tiêu thụ và dễ kiếm tiền hơn in sách. Báo chí sống nhờ quảng cáo và giúp người đọc cập nhật tin tức về cộng đồng Việt nam cũng như ở quê nhà. Song song vào đó là các nguyệt san, tạp chí văn học tạo diễn đàn cho người viết sáng tác. Nhà văn Mai Thảo cho tục bản tạp chí Văn vào năm 1982. Các tạp chí văn học khác như Văn Học, Văn Học Nghệ Thuật, Văn Uyển, Thế Kỷ 21 lần lượt ra đời. Sau này có tạp chí Hợp Lưu do Khánh Trường chủ trương ra đời năm 1991, cứ hai tháng phát hành một số.
Sự có mặt của những tạp chí văn học báo hiệu cho sự bình thường hóa trong sinh hoạt văn học Việt Nam tại hải ngoại. Những nhà văn, nhà thơ, những nhà biên khảo đều có sân chơi để hoạt động. Các chủ đề sáng tác được lan rộng hơn. Người ta bắt đầu đề cập đến những đề tài khác liên quan đến đời sống ở xứ người. Tạp chí Hợp Lưu mở đầu một khuynh hướng mới chú trọng nhiều về nghệ thuật, văn chương. Khánh Trường giới thiệu những tác phẩm ở quốc nội với những trào lưu mới như phong trào viết truyện khiêu dâm, táo bạo của một số nhà văn nữ ở Việt nam. Những tác giả nổi tiếng ở Việt nam như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Nguyễn Thị Hoài, Nguyễn Bảo Ninh được biết đến nhưng đã không gây ảnh hưởng và tạo một làn sóng mới cho văn chương hải ngoại. Điều này cho thấy những tác giả ở Việt Nam đã không gây được ấn tượng vì họ không có tự do ngôn luận. Độc giả ở hải ngoại có thể nhìn xuyên qua được sự gò bó trong tư tưởng và tác phẩm của họ. Như vậy, một hiện tượng trong văn chương hải ngoại mà không có ở Việt Nam vẫn là sự tự do trong văn chương.
Ở Việt Nam người viết không có sự tự do trong sáng tác. Các tác phẩm của họ bị nhà nước kiểm duyệt. Những ước vọng nói lên sự thật bị coi là tư tưởng phản động đem lại nhiều tai họa cho người viết. Những gì được viết ra phải đi đúng con đường đã được Đảng và nhà nước chỉ định. Nếu không có tự do thật sự trong sáng tác thì không thể nào có sự phát triển nghiêm chỉnh như ở Tây Phương. Ở hải ngoại, cộng đồng Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, điều này bảo vệ bởi hiến pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên việc này không có nghĩa là họ thoát khỏi sự kiểm duyệt cho dù việc này chỉ có tính cách không chính thức. Tuy không nói ra nhưng cũng có những quy luật bất thành văn trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Người ta có tự do lên án chính quyền Cộng Sản. Nhưng những luồng tư tưởng khác như hòa đồng hay hòa giải sẽ bị lên án là “thân Cộng” và bị tẩy chay. Những đề tài nóng như giới tính, tình dục, phụ nữ bình quyền vẫn còn được coi như là cấm kỵ (taboo) và đón nhận với một cách nghi ngờ. Ở Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới, chính quyền Cộng Sản cho phép người viết được tự do viết miễn sao là không đụng chạm đến những thất bại do chính quyền làm ra. Vì vậy các tác giả ở Việt Nam chuyển sang khai thác những đề tài không đụng chạm đến chính quyền như tình dục, tình cảm học sinh, chuyện nhân văn. Trong khi đó ở hải ngoại, tuy có tự do ngôn luận nhưng người viết lẫn người đọc vẫn tự trói mình ở trong khuôn khổ đã có nề nếp từ trước 1975.
Cũng trong não trạng này mà văn học hải ngoại hình như đã đóng băng trong thời gian và dần dà bị lão hóa. Bị cắt đứt khỏi quê nhà, họ phải tự tạo hướng đi mới cho mình. Nhưng mối ưu tư lớn nhất vẫn là bảo tồn văn hóa Việt ở trên đất người cho thế hệ sau. Đối diện trước trách nhiệm này, người cầm bút có xu hướng trở về nguồn, tìm cảm hứng trong quá khứ và khai thác kho tàng văn hóa sẵn có. Sống ở trên đất người, nơi xứ sở văn minh nhưng có một thời gian những truyện đồng quê Việt Nam lại trở nên thịnh hành. Ở bên Pháp có Hồ Trường An, người được mệnh danh là Bà già trầu Nam Bộ làm cho độc giả thích thú với truyện dài “Lớp sóng phế hưng” (1985). Cùng một năm, nhà văn Nguyễn Văn Sâm ở Mỹ đã xuất bản tuyển tập “Câu Hò Vân Tiên” (1985). Cả hai tác giả mang độc giả về một miền quê Nam Bộ với những hình ảnh, những câu đối thoại mang đầy những âm điệu của người miền Nam. Cả hai người đều nổi bật như những nhà văn Nam Bộ trong cách sử dụng từ ngữ miền Nam độc đáo của họ.
Nếu chuyện đồng quê mang độc giả trở về những thập niên 50 hoặc 60 thì những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử còn đem độc giả đi xa hơn ngược dòng lịch sử để về những thời vua chúa. Nổi bật nhất có nhà văn Nam Dao với hai tiểu thuyết lịch sử của ông, “Gió Lửa” (1999) và “Đất Trời” (2002). “Đất Trời” nói về cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi chống lại sự đô hộ của nhà Minh. “Gió Lửa” ghi lại bối cảnh thời Trịnh tàn - Lê mạt phỏng theo lối kể chuyện của Ngô gia văn phái ở Thế Kỷ 19 trong tác phẩm lịch sử “Hoàng Lê nhất thống chí”. Vào những năm 1991 - 1993, Trần Vũ sáng tác một loạt truyện lịch sử về các anh hùng như Quang Trung, Trần Thủ Độ làm xôn xao văn giới và đón nhận những công kích gay gắt từ công chúng vì những giả thuyết đi trái ngược với truyền thống của ông. Thí dụ, ông mô tả Nguyễn Huệ là một người bạo dâm, hành hạ thân xác Ngọc Hân Công Chúa ở trong phòng ngủ. Điều này cho thấy người ở hải ngoại có quyền tự do ngôn luận, tự do chính trị và đặc biệt là sự tự do khi lên tiếng chống Cộng nhưng vẫn gặp nhiều chống đối trong vấn đề tự do nghệ thuật và sáng tạo nếu như muốn ra khỏi khuôn khổ đã có sẵn. Tạp chí Hợp Lưu đã gặp nhiều chống đối và bị tẩy chay lúc ban đầu khi chủ nhiệm Khánh Trường quyết định đăng những tác phẩm của một số tác giả ở trong nước. Một lần nữa, tính chất hồi tưởng về quá khứ lại càng được thể hiện mạnh mẽ trong những thể loại truyện về quê hương và dã sử này.
Có phải chăng một số nhà văn gốc Việt ở hải ngoại đã chọn dùng ngôn ngữ địa phương như Anh, Pháp, Đức, v.v. như một cách để đột phá trong quá trình tìm tự do nghệ thuật (artistic freedom)? Khi dùng một ngôn ngữ khác, người ta có thể tách ly khỏi những độc giả cũ để phục vụ cho một số độc giả mới. Tuy nhiên nếu những tác giả gốc Việt này muốn có sự đột phá thì họ cần chọn những đề tài mới mẻ, tách rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên những tác giả gốc Việt này vẫn giữ tính chất hồi tưởng ở trong tác phẩm bằng ngoại ngữ của họ. Điều này có nghĩa họ không tránh né sự suy xét của độc giả Việt nhưng muốn giới thiệu văn hóa, lịch sử của họ đến cho dân địa phương. Tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Anh của Kiên Nguyễn là “The Unwanted” (2001) (Thân phận dư thừa) kể lại thân phận con lai của ông khi lớn lên ở Việt Nam. Những tác phẩm bằng Anh ngữ tiếp theo của ông đều dùng bối cảnh Việt Nam trong thời lịch sử. “Daughters of the River Huong” (2011) (Con gái của Sông Hương) của Uyên Nicole Dương tuy bằng Anh ngữ nhưng cũng kể câu chuyện trải dài ba đời của những người con gái Huế, khởi đầu với cuộc đời một người phi tần của Vua Gia Long. Duong Van Mai Elliott viết một trường thiên trải dài 3 - 4 thế hệ để ghi lại những biến chuyển của lịch sử Việt Nam hiện đại từ thời Pháp thuộc cho đến khi định cư tại Mỹ qua tác phẩm “The Sacred Willow: Four Generations in the Life of a Vietnamese Family” (1999). Những nhà văn di dân khác như Isabel Allende (Mễ Tây Cơ) cũng viết về nguồn gốc của cha ông họ đã đến định cư ở Mỹ như thế nào trong những tác phẩm của họ. Như vậy tính chất hồi tưởng trong văn chương không phải chỉ riêng gì người Việt Nam mà có lẽ là một khuynh hướng chung của những người di dân.
Ngày 5 tháng 7 năm 1994, Jeff Bezos thành lập công ty Amazon để bán sách từ trong nhà để xe của mình. Đúng một năm sau cũng vào tháng 7 năm 1995, báo điện tử Salon.com được ra đời. Một thập niên sau, sự có mặt của Amazon, báo điện tử và máy tính bảng như ipad đã thay đổi cách người ta tiêu thụ tin tức và văn hóa. Số lượng sách báo in càng ngày càng ít dần cho đến chỉ còn là một số lượng nhỏ để nhường chỗ cho báo online và sách chỉ in khi có người đặt mua (print-on-demand). Số phận của các sách báo Việt Nam ở hải ngoại cũng không thoát khỏi trào lưu này. Các tạp chí văn hóa dần dần đều đình bản. Tạp chí Hợp Lưu sau bao nhiêu nỗ lực để tiếp tục nhưng cũng chuyển sang dạng online sau số 117 Mùa Xuân 2013. Tuy nhiên các tuần báo thương mại vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu tuy rằng nhu cầu về thương mại nhiều hơn là văn hóa. Các tờ báo này hay được biếu miễn phí ở các chợ nên còn được biết đến như là “báo chợ” chỉ để quảng cáo các cơ sở thương mại.
Ở giai đoạn này có hai hiện tượng văn học đáng kể liên quan đến Amazon và mạng điện tử. Thứ nhất là những sinh hoạt văn hóa hải ngoại được chuyển lên mạng và tiếp tục hoạt động mạnh mẽ. Tiêu biểu là những trang văn học trên mạng như Talawas, Gió-O, Việt Báo, Nam Kỳ Lục Tỉnh, v.v… Thứ hai là sự xuất hiện một số sách bằng Anh ngữ của những tác giả gốc Việt ở trên Amazon. Trong số này có Nguyễn Thanh Việt, Phạm X. Andrew, Phạm Lê Uyên, Kien Nguyen, Nicole Duong, Duong Van Mai Elliott, Jenn P. Nguyen, va Bich Minh Nguyen. Những tác giả này sáng tác bằng Anh ngữ để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến cho người ngoại quốc. Chúng ta có thể hiểu rằng những người Mỹ gốc Việt cũng được coi là người ngoại quốc. Tuy nhiên đề tài chính của họ vẫn là những câu chuyện di dân. Vì vậy họ hồi tưởng lại những năm tháng đầu tiên khi đặt chân đến nước Mỹ. Những khó khăn, khác biệt mà họ đã trải nghiệm khi sinh trưởng ở trên đất Mỹ. Điển hình là tác phẩm “Stealing Buddha’s Dinner” (2008) (Ăn cắp oản Phật) của Bích Minh Nguyễn kể về thời thơ ấu khi gia đình cô mới đến định cư ở Mỹ.
Năm 2016 Nguyễn Thanh Việt thắng giải Pulitzer Prize với tác phẩm “The Sympathizer” (2015) (Cảm tình viên). Ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được trao giải thưởng văn chương uy tín nhất ở nước Mỹ này. Sự chọn lựa của ban giám khảo đã đưa tên tuổi của ông Việt vào cùng hàng ngũ với những nhà văn nổi tiếng nhất của Mỹ. Đồng thời đây cũng là một cách mà ban giám khảo của trường Đại Học Columbia giới thiệu những nhà văn di dân với công chúng Mỹ. Năm 2000, họ đã trao giải thưởng Pulitzer cho một nhà văn nữ người Anh gốc Ấn Độ mà ít ai từng biết đến. Cũng giống như ông Việt, cô Jhumpa Lahiri viết về đề tài hội nhập của những người di dân. Sự công nhận của ban giám khảo đã giúp cho những nhà văn di dân này có tiếng nói trong dư luận Mỹ để gây chú ý cho những đề tài liên quan đến người di dân đang tìm cách hội nhập ở Mỹ.
Sự thành công của Nguyễn Thanh Việt và tác phẩm “The Sympathizer” đã mở đường cho những nhà văn Mỹ gốc Việt khác. Bỗng nhiên họ cảm thấy những tác phẩm của họ có triển vọng sẽ được chấp nhận bởi quần chúng Mỹ. Tuy nhiên độc giả Mỹ cũng có những khắc khe, đòi hỏi, thành kiến và thiên vị không khác gì những độc giả khác. Những tác phẩm khác của Nguyễn Thanh Việt không được đón nhận nồng nhiệt bằng “The Sympathizer”. Lý do đơn giản nhất mà chúng ta có thể suy đoán là vì các tác phẩm khác của ông không liên quan đến chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War). Điều này cho thấy xã hội Mỹ vẫn nhìn người Việt Nam qua lăng kính của một cuộc chiến đã kết thúc 50 năm về trước nhưng vẫn còn là một vết thương chưa được hàn gắn. Cho đến bây giờ người ta vẫn còn tiếp tục sáng tác những tác phẩm liên quan đến Đại Thế Chiến II nên đây không phải là một chuyện lạ.
Tuy rằng sáng tác bằng tiếng Anh, nhưng những nhà văn Mỹ gốc Việt này vẫn mang nặng tâm hồn của người Việt Nam. Các tác phẩm của họ vẫn liên quan đến Việt Nam. Đa số vẫn mang tính chất hồi tưởng khi kể về chiến tranh, về quê hương xứ sở của họ, về một quá khứ của thủa ban đầu khi sinh trưởng ở Mỹ. Ngay cả Monique Trương trong tác phẩm “Book of Salt” (2003) (Sách về muối) khi tạo một câu chuyện tưởng tượng về văn hào Gertrude Stein của Mỹ, cũng đã lồng vào một nhân vật Việt Nam và dùng câu chuyện để chuyển tải độc giả về Việt Nam trong thời Pháp đô hộ. Như vậy nếu những tác phẩm bằng Anh ngữ này tuy không dùng tiếng Việt nhưng vẫn có những tính chất văn hóa hoặc những chủ đề chung thì có được coi là văn học hải ngoại hay không? Ngày nay tiếng Anh được coi là ngôn ngữ phổ thông (lingua franca) của thế giới thay thế tiếng Latin và tiếng Pháp ngày xưa. Một ngày nào đó trong tương lai khi kỹ nghệ thông minh nhân tạo (AI) có thể dịch bất cứ ngôn ngữ nào một cách nhanh chóng và chính xác tương đương với người dân bản xứ thì liệu ngôn ngữ vẫn còn là ranh giới để phân biệt hai văn hóa hay không?
Nửa thế kỷ hay 50 năm là một thời gian dài. Thật quá mênh mông nếu phải đúc kết tất cả những sinh hoạt văn hóa trong 50 năm. Bài viết này chỉ nhìn lại một khía cạnh rất nhỏ như tính chất hồi tưởng thường được thấy ở trong văn học hải ngoại. Có những khía cạnh và đề tài khác của nền văn học hải ngoại không được đề cập đến ở đây vì khả năng nghiên cứu của tác giả có giới hạn. Cách đây hơn 30 năm khi các trại tị nạn bị giải tán, người ta tưởng con số cộng đồng người Việt tị nạn cũng sẽ đóng sổ. Tiếng Việt dần dà cũng sẽ trôi vào quên lãng khi thế hệ đầu tiên mất đi và thế hệ thứ hai hòa nhập vào trong xã hội mới. Tuy nhiên làn sóng di dân đến Mỹ vẫn tiếp tục tăng dần qua các dạng chính thức. Nếu con số những người định cư tại Mỹ theo diện thuyền nhân có vơi dần đi chăng nữa thì tổng số vẫn được thay thế bằng những người mới đến từ Việt Nam. Gặp một người biết nói tiếng Việt ở ngoài đường phố, chúng ta không biết là họ đã ở Mỹ 50 năm, hơn 30 năm, 20 năm hay nhiều khi chỉ mới vài năm. Tất cả đều xử dụng tiếng Việt giống như nhau. Nhờ vậy có lẽ tiếng Việt sẽ còn tiếp tục tồn tại ở hải ngoại thêm một thời gian dài cho đến khi không còn người mới đến. Như vậy những trang mạng văn hóa bằng tiếng Việt sẽ tiếp tục phục vụ cho một cộng đồng Việt vẫn còn đang tiếp tục phát triển. Hơn nữa, mạng lưới điện tử liên kết cộng đồng người Việt tại hải ngoại và người ở trong nước. Vô hình trung, những phát huy của văn học hải ngoại cũng sẽ được những người yêu mến tự do ở trong nước hưởng ứng.
Đúng 100 năm trước đây, vào ngày 8 tháng 12 năm 1924 trong dịp lễ kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du, cụ Phạm Quỳnh đã đọc một bài diễn văn mà bây giờ người ta chỉ còn nhớ mang máng mỗi câu, “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn,” Theo Phạm Quỳnh, “Văn-chương người ta thiên kinh vạn quyển, dẫu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì. Văn-chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh-thư Phúc-âm của cả một dân-tộc,” Đối với Phạm Quỳnh, Truyện Kiều là một tác phẩm quan trọng của nước Việt. Vậy mà bây giờ ít ai còn thuộc hơn một vài câu thơ Kiều nói chi đến hiểu được tầm quan trọng của nó. Mặc dù vậy, tiếng Việt vẫn còn, nước Việt Nam vẫn còn. Điều này cho thấy tinh hoa văn hóa Việt không chỉ giới hạn bởi hoặc lệ thuộc vào một tác phẩm, một giai đoạn lịch sử hoặc một đoàn thể nào mà nó luôn biến chuyển theo dòng thời gian và xã hội. Tiếng Việt không chỉ thuộc về những người sống ở Việt Nam mà nó còn là một gia tài chung của những cộng đồng hải ngoại. Những người sống ở hải ngoại không bị ràng buộc bởi chính quyền Việt Nam. Họ không chịu ảnh hưởng của xã hội Việt Nam. Họ có sự tự do ngôn luận, tự do chính trị và được tự do hoàn toàn chọn lựa ngôn ngữ. Nhưng khi họ chọn bảo tồn tiếng Việt thay vì hòa nhập với địa phương, họ đã tiếp nối vào nguồn mạch văn hóa Việt. Với tự do tư tưởng, họ sẽ đóng góp cho văn hóa Việt những gì mà người ở trong nước không được tự do khai phá. Những nhà văn hải ngoại tiếp tục trung thành với tiếng Việt và những người yêu tự do ở trong nước sẽ được nối kết với nhau vì cùng chung một ngôn ngữ, cùng chung một lý tưởng, cùng chung một ước vọng xây dựng văn hóa dân tộc không khác gì những người đã đi trước như Hồ Biểu Chánh và Tự Lực Văn Đoàn từ một thế kỷ trước.
Tính
Chất Hồi Tưởng Trong Văn Học Hải Ngoại
(Nostalgic Element in Vietnamese Diaspora Literature)
Nguyễn Tuấn Huy
Ngày 30 Tháng 7 Năm 2024