Phạm Chu Thái
cho tôi về sống
Nó thường hay đi bộ , độc hành , vì thích . Càng già , càng năng đi . Chậm rãi trên triền núi , len trong con đường rừng , trầm ngâm trước đại thụ , hít thở mùi núi , mùi cây , mùi lá , với nó , đã là ân sủng . Mùi sông hồ đại dương đại hải , cũng là phước lộc hồng ân . Nơi đây có 4 mùa , mỗi mỗi có sắc thái riêng , tuyệt đẹp . Nhưng nó thích nhất mùa Đông . Nơi Bắc cực , đó là mùa đẹp nhất , vì cô liêu . Bốn bề cảnh vật không gian đất trời chỉ thuần là sắc trắng tinh khôi như hồng hoang nguyên thủy , rất im lặng , rất kiêu sa , rất trinh bạch . Nó rất biết ơn nét trinh bạch nết kiêu sa niềm im lặng đó . Muôn nghìn bước chân lầm lủi cô hàn mà nó đã đi trong không gian sắc trắng vô thủy vô chung đó , chỉ là phương tiện . Vì nó biết , cứu cánh của muôn nghìn bước chân kham nhẫn tê tái kia chính là thời gian của muôn nghìn bó đuốc từ muôn nghìn góc độ chiếu sâu vào nội thức của kẻ độc hành , là muôn nghìn nhát cuốc của đứa con đi hoang trở về khai quật vào nguyên do vì đâu nên nỗi căn nhà Tổ Tiên nằm phơi phới bên bờ biển xanh đã bị thiêu cháy lụi tàn . Đã hơn 40 năm chưa về , nó nhớ Việt Nam nhất , là lúc đó . Càng băng hàn , càng nấu nung thổ ngơi nhiệt đới . Càng nghìn trùng , càng gần gũi nhớ nhung , không bao giờ ngăn cách . Bao nhiêu vốn liếng Kinh Sử , bao nhiêu tích lũy thi văn , bao nhiêu hoàng hôn trầm tư nhìn cảnh chiều tà , có nhiêu xài nhiêu , nó dốc ra phơi bày tâm sự với Sông Núi , với Tiền bối , với tha nhân , cũng chính vào lúc tâm điểm băng hàn giá lạnh đó . Những suy tư rời rạc , những ý tưởng vu vơ , những câu văn non nớt , nó tết dệt lại cho có được một hình hài . Dù sao chăng nữa , đó là đứa con được thai nghén từ máu huyết tinh thần . Người đàn bà sau cơn sanh đẻ , kiệt sức ra sao , nó không biết . Người đàn ông sau khi làm tình , đều kiệt sức chết lịm , nó biết . Để đẻ ra một đứa con tinh thần , là một sự kiệt sức gấp bách bội , gấp thiên bội . 10 năm qua , chúng đã được gởi gắm đến Gió-O , nương nhờ một nơi trú ngụ . Nó không kỳ vọng mai sau số phận chúng sẽ còn “lơ lửng” như câu thơ Hồ Dzếnh : Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa . Nó không lường hết được sức công hiệu của Bát Cháo Lú , nhưng nó biết mươi bài văn đó sẽ là vật tùy thân cùng đi theo nó xuống Tuyền Đài .
Văn nhân tài tử lớp trước , dù bang chủ Đêm Giã Từ Hà Nội hay chưởng môn nhân Áo Lụa Hà Đông , mỗi khi gặp nhau , cùng với Hội Trùng Dương , họ có chung với nhau những tối Chợ Lớn vịt Tứ Xuyên đêm vũ trường khuya mạt chượt . Thần Tháp Rùa , Siu Cô Nương và Người Viễn Khách Thứ 10 cũng đều xum vầy luận bí cấp võ công Tư bản-Vô sản-Tiểu tư sản bên nồi Bouillabaisse và chai Cordon Bleu . Xưa hơn chút , mô phạm nhà giáo như Trần Trọng Kim , cũng cần phải được dưỡng nuôi trong những buổi tối hát ca trù chầu văn bên cạnh Bùi Kỷ , để còn giữ được tiết tháo trên con đường Trung Dung chi đạo . Nhắc chi đến Chu Mạnh Trinh-Tản Đà làm gì , họ chơi đến kiệt tận miên bạc bình sinh , vì thấu rõ kiếp người chỉ là Khách Tang Hải . Ngồi im dưới Gốc Bồ Đề mà nhìn ra Tứ Diệu Đế như Tất Đạt Đa , hay chọn Nơi Vắng Vẻ tắm hồ sen ăn măng trúc như Nguyễn Bỉnh Khiêm , cũng là thể hiện một cách chơi đặc thù với thế tục , tưởng rằng họ khinh bạc lánh xa nhân thế là lầm .
Lẽ ra , với thủy chung ân tình 10 năm , nó sẽ không ngại ngần cầm đôi bàn tay Lê Thị Huệ như trong một câu thơ của Đinh Hùng , đôi bờ vai Vũ Quỳnh Hương cũng sẽ thiết thân kề cận bên nó như trong một tấm hình lưu niệm , nó xoãi chân hết sức vô tư bên cạnh NAT & Khuyên trên bãi biển Bắc Cali khi cùng nhìn về chân trời Thái-Bình-Dương , nó sẽ cùng Julie Quang nhớ về kỷ niệm Nhà Thờ Tân Định Cầu Kiệu Ngã Tư Phú Nhuận thơm mùi Phở Quyền chiếc xe hủ tiếu bò viên của ông già Tầu chỉ bán vào chiều tối nơi đầu con hẻm cư xá Chu Mạnh Trinh dắt vào căn nhà Phạm Duy , giọng ngâm thơ Bình Định một mình trên Đảo Lớn của Nguyễn Tư Phương ban tối trong tư thất trên đồi ở San Francisco , thanh âm Huế còn tinh ròng cố quận của Thi Vũ dù đã 60 năm Paris lưu lạc miên man như sóng Đại-Tây-Dương vỗ vào thềm lục địa Mỹ Châu trong tĩnh dạ thâm canh khi kể về những tinh mơ qua đại lộ Champs-Élysées bó rau tần ô hoa nắng hương chanh trên con đường về York . Cuộc đời của riêng nó không có gì đáng nói , không có được một phút vinh quang , chỉ thuần là tủi hổ , nhưng nó cũng góp phần mua vui , bằng cái giọng Hà Nội-Sàigòn của nó , về 1001 câu chuyện Bùi Giáng , mà nó mắt thấy tai nghe và cảm nhận , trong thời kỳ tai ương đại họa cờ đỏ vàng sao , đã từ Năm Cửa Ô vào đốt cháy Trường Sơn , cạn dòng Chín Con Rồng , vô-sản-hóa Nam Kỳ Lục Tỉnh . Lẽ ra , Kỷ Niệm 20 Năm Gió-O phải là như thế , Lễ Hội Trần Gian chỉ có một lần trong Đời , nó phải có mặt sao nỡ đành vắng mặt . 20 năm sau nữa , sẽ còn lại gì , sẽ còn mấy ai … Rolling … Rolling … On the River …
Mai sau , nó sẽ đoàn viên với Nguyễn Trường Tộ và tác giả câu thơ : Thảo đâu dám sánh kẻ cầy Voi . Vì chút duyên tình sâu đậm xưa kia còn lưu luyến nơi trần thế , nó sẽ lên thăm Trần Trọng Kim và tác giả câu thơ : Nghe Trời đổ lộn Nguyên Khê .
Quê ai đầm ấm đâu đây
Cho tôi về sống mấy ngày trẻ thơ
Ước gì trăng gió đón đưa
Mặt chờ gặp mặt tay chờ cầm tay
(Đinh Hùng)
Phạm Chu Thái
30 Novembre 2021
Hiver - Canada