THẠCH TRÂN

Edmund Husserl và Triết học Hiện đại

giới thiệu tác phẩm

HUSSERL và TRIẾT HỌC HIỆN ĐẠI

của ĐẶNG PHÙNG QUÂN

 

 

Edmund Husserl có ảnh hưởng lớn trên Triết học Hiện đại ở Đức, Pháp, Mỹ... từ đầu thập niên 20 thế kỷ trước với những tên tuổi lớn của triết học hiện đại từ Max Scheler, Nicholaï Hartmann và những đệ tử của Husserl như Martin Heidegger, Roman Ingarden, Eugin Fink, Ludwig Langrebe... . cho đến những triết gia Pháp thế hệ sau (sinh ở hai thập niên đầu thế kỷ 20) như Emmanuel Levinas, J-P. Sartre, Maurice Merleau-Ponty, Jean Cavaillès, Jan Patočka (Tiệp), Paul Ricœur, Trần Đức Thảo (Việt),  ...đều lấy hiện tượng luận Husserl làm khởi điểm cho nghiên cứu triết học và ít nhiều chịu ảnh hưởng tư tưởng Husserl. Thế hệ kế tiếp như Giles Deleuze, Michel Foucault, Jacques Derrida, Philippe Lacoue-Labarthe, Jean-Luc Nancy, Jean-Luc Marion, Michel Henry...trực tiếp hay gián tiếp đều chịu ảnh hưởng Husserl.

Nói về ảnh hưởng của Husserl ở Pháp Jean Hyppolite cho rằng tuy Hiện tượng luận của Husserl xâm nhập giới nghiên cứu triết học Pháp khởi từ 1929 khi Husserl đến đại học Sorbonne thuyết trình chủ đề Introduction à la phénoménologie transcendantale/Nhập môn hiện tượng luận siêu nghiệm  nhưng “Dường như với chúng tôi ngày nay người ta không thể triết lý mà không qui chiếu tới Hiện tượng luận. Tất nhiên ngay chính việc diễn giải hiện tượng luận này đã không phải là nhất quán và đã làm phát sinh những trào lưu khác nhau. Tham vọng của Husserl, cũng như của mọi triết gia vĩ đại, là mở con đường và khám phá ra một phương pháp rõ rệt, rất có thể tham vọng này không thể hoàn thành. Tuy nhiên ngày nay chúng ta nhận ra trong hiện tượng luận của Husserl có hai bó buộc được đặt ra đối với bất kỳ nghiên cứu triết học nào: sự nghiêm xác và ý nghĩa của cái cụ thề.”[1]  Trong bài viết dưới đây tôi – cũng như Đặng Phùng Quân trong Husserl và Triết học Hiện đại – giới hạn ảnh hưởng của Husserl trên Heidegger, Merleau-Ponty và Derrida đại diện cho ba thế hệ và cũng là những triết gia có thể tương đối quen thuộc với giới độc giả và những người nghiên cứu Triết Việt Nam.

 

HUSSERL/HEIDEGGER

 

Martin Heidegger đề cập tới Hiện tượng luận của Edmund Husserl rải rác trong nhiều tác phẩm và giáo trình từ đầu thập niên 20 với nhiều ý kiến phức tạp cho nên khó mà trình bày một cách tóm lược mối quan hệ Heidegger-Husserl.

Trong thư gừi cho William J. Richarson, S.J. tháng Tư, 1962 Heidegger viết: “Những đối thoại với Husserl đã cung cấp kinh nghiệm tức thời của phương pháp hiện tượng luận để chuẩn bị cho khái niệm về hiện tượng luận đã được giáng giải trong phần Nhập đề quyển SZ/Hữu và Thời (§7), [...] “Giờ đây nếu tựa đề quyển sách của ngài là Từ Hiện tượng luận tới Tư tưởng, nếu ngài hiểu “Hiện tượng luận” theo nghĩa như được Husserl mô tả như một quan điểm triết lý của Husserl, thì đáo lý ra tựa đề này, trong chừng mực Hữu-câu hỏi/vấn đề như đã được tôi đặt ra, là một cái gì đó hoàn toàn khác biệt đối với quan điểm đó.”[2]  Trong bức thư viết vào năm 1962 này tuy Heidegger chỉ ra quan niệm của mình về “Hiện tượng luận” khác với Hiện tượng luận của Husserl nhưng lại chỉ giới hạn ở diễn giải trong §7 quyển SZ/Hữu và Thời chứ không nhắc đến những giáo trình có đề cập tới Hiện tượng luận trước và sau 1927.

Trong phần kết luận của bài Mein Weg in die Phänomenologie/Con Đường Tư Tưởng của tôi và Hiện tượng luận [3] xuất bản năm 1969 Heidegger viết: “Còn giờ đây? Dường  như thời đại của triết học hiện tượng luận đã qua. Người ta đã coi nó như cái gì đó của quá khứ, nó chỉ được xét đến trên quan điểm lịch sử bên cạnh những khuynh hướng khác của triết học.”[4]

Heidegger viết bài này để đóng góp cho tuyển tập chúc mừng Hermann Niemeyer tám mươi tuổi vào năm 1963. Nhân dịp này Heidegger nói về lộ trình tiếp cận Hiện tượng luận của Husserl. Heidegger trên hết ghi nhớ công lao của Hermann Niemeyer chủ nhà xuất bản Max Niemeyer đã lập bệ phóng cho Hiện tượng luận. Bài viết này của Heidegger có chủ đích chính là vinh danh Hermann Niermeyer nên phần viết về hiện tượng luận và về Husserl rất sơ lược. Heidegger tóm lược lộ trình tiếp cận Husserl: Mùa Đông 1909-1910 khi còn học ở Đại học Tôn giáo Friburg Heidegger lần đầu tìm đọc quyển Logische Untersuchungen [LU]/Nghiên cứu Luận lý và đã đọc một cách say mê. Nhưng trước đó vào khoảng năm 1907 Heidegger cũng đã đọc quyển sách nhỏ Về sự đa nghĩa của sinh hữu trong triết lý Aristote của Franz Brentano vốn là thầy của Husserl. Mối quan tâm triết học ban đầu của Heidegger là vấn đề/câu hỏi về Hữu. Ngay từ thời còn học trung học Heidegger cũng đã đọc quyển Về Hữu: sơ thảo hữu thể luận của Carl Braig giáo sư ở Đại học Tôn giáo Friburg. Việc đọc Nghiên cứu Luận lý của Husserl tuy kích thích nỗ lực tìm hiểu những vấn đề Brentano nêu ra trong quyển Về sự đa nghĩa nhưng Heidegger thấy mình lại rơi vào bế tắc, cảm thấy nỗ lực của mình là vô ích. Trong những năm sau đó Heidegger không ngừng đọc đi đọc lại LU của Husserl và năm 1911 chuyển hẳn hướng nghiên cứu từ tôn giáo sang triết học. Năm 1915 Heidegger cũng đọc hai quyển sách của Emil Lask về Luận lý Triết học và về Thuyết Phán đoán và thấy Lask chịu ảnh hưởng của Husserl từ LU. “Trong những điều kiện này tôi bắt buộc lại phải đặt mình vào nghiên cứu tác phẩm của Husserl.” [5] Nhưng Heidegger vẫn không thỏa mãn vì chưa vượt qua được một khó khăn nền tảng: làm thế nào hoàn tất được vận động tư tưởng của “cái gọi là hiện tượng luận?” và Heidegger nhận thấy giữa LU ILU II Husserl không nhất quán trong mô tả hiện tượng luận những hành vi của ý thức: Trong LU I Husserl phủ nhận chủ nghĩa duy tâm lý và cho rằng lý thuyết về tư tưởng và tri thức không thể được đặt cơ sở trên tâm lý học trong khi ở LU II Husserl lại  đưa ra mô tả thiết yếu của ý thức trong việc xây dựng tri thức. Theo Heidegger như thế mô tả  hiện tượng luận những hiện tượng của Husserl đã đi giật lùi. Heidegger viết: “Tuy nhiên, trong mức độ người ta không thể nghi ngờ rằng tác phẩm của Husserl đã lạc đường một cách thật thô thiển, như vậy thì mô tả hiện tượng luận những hành vi của ý thức là gì? Nếu hiện tượng luận chẳng phải là một luận lý học hay tâm lý học thì nó là cái gì?” Thế rồi vào năm 1913 khi Husserl cho xuất bản quyển Hoạch định cho một hiện tượng luận thuần túy và một triết lý hiện tượng luận trong quyển này Husserl cho rằng “hiện tượng luận thuần túy” là “khoa học nền tảng” của triết học. “Thuần túy” với Husserl có nghĩa “siêu nghiệm.” Heidegger phản bác: “Nhưng “siêu nghiệm” giả thiết “chủ quan tính” của chủ thể nhận thức, hành động và đặt những giá trị vào cuộc. Hai định tính “chủ quan tính” và “siêu nghiệm” chỉ ra hiện tượng luận, một vận động có ý thức và dứt khoát, đã quay trở lại truyền thống những Triết học hiện đại, và tất nhiên theo cách sao cho “chủ quan tính siêu nghiệm” đi sâu vào khả hữu tính tiếp nhận một sự qui định nguyên ủy và phổ quát hơn nhờ có hiện tượng luận. Hiện tượng luận dành những sống trải (les vécus) của ý thức cho phạm vi chủ đề (domain thématique.) Thế nhưng sau khi đã giao phó nó cho việc khai phá cấu trúc của những hành vi ý thức đồng thời với việc khai phá những đối tượng sống trải trong những hành vi này lại đứng ở điểm nhìn khách thể tính của chúng.

Năm 1913 khi tái bản LU Husserl đã có những chỉnh sửa, rút bỏ hẳn Nghiên cứu thứ sáu và trước đó cho xuất bản quyển Triết học như một khoa học chuẩn xác (1910-1911). Nhưng phải chờ khi những quyển Ideen/Những ý niệm được xuất bản thì Husserl mới đặt được nền tảng cho dự tính xây dựng hiện tượng luận thuần túy siêu nghiệm một cách thỏa đáng. Tuy đọc quyển Hoạch định nhưng Heidegger vẫn cảm thấy không hết say mê bộ LU dù rằng chưa thể nắm vững kiểu tư tưởng gọi là hiện tượng luận. Cho mãi tới khi Heidegger dự lớp Triết do Husserl giảng dạy ở đại học Heidelberg và thực tập “cái nhìn” (Sehen) hiện tượng luận (le “regard” phénoménologique) do Husserl hướng dẫn. Theo Husserl, thực tập cái nhìn hiện tượng luận tức là đồng thời từ chối sử dụng những tri thức triết học nếu trước đó không cứu xét kỹ lưỡng và không để uy quyền của những đại triết gia xen vào tranh luận.

Khúc ngoặt quan trọng kể từ 1919 khi Heidegger vừa giảng dạy cùng với vừa theo học Husserl ở đại học Friburg, và đem áp dụng “cái nhìn hiện tượng luận” xuyên thủng vào việc diễn giải Aristote cũng như đọc lại LU nhất là chương thứ sáu trong ấn bản thứ nhất và nhận ra sự khu biệt trực giác cảm giác (intuition sensible) với trực giác phạm trù (intuition catégorique) giúp cho sự xác định “ý nghĩa đa phức của sinh hiện (étant) và nhận thấy mô tả hiện tượng luận về những hành vi của ý thức đã được Aristote nói đến một cách nguyên ủy như sự mở ra mà không rút lại của sự hiện diện (l’ouvert sans retrait de la présence). Như vậy hiện tượng luận đã tái khám phá và hoàn chỉnh nền tảng tư tưởng Hy Lạp. Càng thấy rõ như thế Heidegger càng cảm thấy sự thúc bách của câu hỏi: Theo nguyên lý hiện tượng luận thì diễn giải “vấn nạn/vấn đề” đến với “chính sự vật” (die Sache selbst) bắt đầu từ đâu và như thế nào? Phải chăng đó là từ ý thức và khách thể tính của ý thức hay thật ra đó là hữu (être) của sinh hữu (étant) trong sự không-rút-lui (non-retrait) và trong sự rút lui (retrait) của nó? Đó chính là con đường tư tưởng về Hữu theo kiểu hiện tượng luận Heidegger tìm thấy và theo đuổi từ thời giảng dạy ở Friburg rồi Marburg. Nhưng Heidegger thấy rằng con đường này dài hơn nhiều, cần có những chỗ dừng lại và quay trở lại.

Tuy được giảng dạy ở Marburg thay thế ghế của Nicolaï Hartmann (chuyển về dạy ở đại học Leibniz) nhưng Heidegger chưa có tác phẩm để đệ trình lên viện trưởng nên qua trung gian của Husserl đã đưa cho Max Niemeyer xuất bản ngay tức thì mười lăm chương công trình nghiên cứu của mình trong Niên san (Annales) của nhà xuất bản này để đệ trình viện trưởng Đại học Triết Marburg. Nhưng không lâu sau viện trả lại ấn bản này với lý do “không đầy đủ.” Vào tháng Hai năm 1927 Heidegger cho nhà xuất bản Max Niemeyer in toàn bộ bản văn Sein und Zeit/Hữu và Thời [SZ] để đệ trình nhưng vẫn bị viện trưởng từ chối chấp thuận ghế giảng dạy ở Marburg. Vào tháng 4, 1929 Niên san xuất bản một tuyển tập vinh danh Edmund Husserl và Heidegger với tư cách đệ tử được vinh dự đóng góp bài viết. Đây là dịp kết thúc mối liên hệ Husserl-Heidegger. Một kết thúc có phần cay đắng đối với cả hai người cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi đọc lời lẽ của Heidegger phần kết bài Mein Weg in die Phänomenologie/Con Đường Tư Tưởng của tôi và Hiện tượng luận. Điều cần lưu ý: bài này của Heidegger chỉ là một bài trần thuật.

Sau hết trong buổi hội luận ở Zollikon do Medard Boss tổ chức ngày 21 tháng 3 năm 1968 Heidegger nói rõ “Như vậy từ “ý thức” đã trở thành một quan niệm nền tảng [Grundvorstellung] của triết học hiện đại. Hiện tượng luận của Husserl cũng thuộc về triết học hiện đại. Đó là mô tả ý thức. Husserl chỉ thêm ý hướng tính như một cái gì mới mẻ vào đó thôi. Theo cách nào đó thầy của Husserl là Brentano đã thấy ý hướng tính rồi.” (Martin Heidegger, Zollikon Seminars, Northwestern University Press 2001 trang 146). Nhận định này của Heidegger cho thấy ngay đến cuối đời Heidegger vẫn đánh giá thấp công trình của Husserl!

Đã có nhiều nhà chuyên khảo tư tưởng Heidegger viết về mối liên hệ Husserl-Heidegger nhưng có lẽ cho đến nay Jean Greisch là người đã trình bày liên hệ này một cách tường minh nhất. Greisch có may mắn là ở thời điểm biên soạn Ontologie et Temporalité phần lớn tác phẩm của Husserl đã được ấn hành (bộ Husserliana) và Văn Khố Husserl/Archives Husserl đã được lập ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm Paris (ENS) cũng như hầu hết tác phẩm của Heidegger (GA, Gesamtaugebe) đã được xuất bản. Greisch chia ảnh hưởng của Husserl trên Heidegger ra nhiều giai đoạn.

Giai đoạn 1919-1923 khi Heidegger là Privatdozent ở Freiburg và là phụ tá của Husserl: Trong một ghi chú quan trọng trong SZ (ghi chú số 1, SZ 72) nói về “thế giới môi sinh” (le monde ambiant) và về “thông diễn kiện tính” (herméneutique de la facticité) cho thấy ngay từ sau Thế chiến 1 chấm dứt Heidegger đã tìm cách biên soạn SZ, và sau đó là việc Heidegger gắn bó với vấn đề thực trạng ý niệm của triết học (statut conceptuel de la phiosophie). Hai nét chính yếu của giai đoạn này là: cắt đứt với chủ thuyết tân-Kant (néo-Kantisme) đại diện là Heinrich Rickert vốn là giáo sư bảo trợ luận án của Heidegger như trong GA 56/57 (Phänomenologie und transzendental Weltphilosophie) cho thấy, nhất là chống lại quan điểm đặt cơ sở triết lý trên giá trị và trên thế giới quan (Weltanschauung). Theo Heidegger quan niệm triết học đúng nghĩa  có năng hướng thiết yếu và đầu tiên  là tự thực hiện như Urwissenschaft/archi-science/Khoa học nguyên ủy. Trong giáo trình 1921-1922 Phänomenologische Interpretationen zu Aristoteles. Einfürung in die phänomenologische Forschung/Diễn giải hiện tượng luận Aristote. Nhập môn Nghiên cứu hiện tượng luận Heidegger dành một chương dài cho vấn đề “Triết học là gì?” trong đó Heidegger sau khi đặt vấn đề về lịch sử triết học như thường được quan niệm cho rằng điều quyết định cho lịch sử triết học phải là “một soạn thảo triệt để hoàn cảnh thông diễn như thời gian hóa chính vấn nạn triết học” (une élaboration radicale de la situation herméneutique en tant que temporalisation de la problématique philosophique elle-même.”(GA 61,2) Heidegger cũng lập lại điều này trong Einführung in die Metaphysik/Đưa vào Siêu hình học (1935).

Trong thời gian làm Privatdozent ở Freiburg Heidegger đọc hai tác giả chính là Dilthey và Husserl để hình thành một quan niệm mới về triết học. Heidegger học được từ Husserl cách “biết nhìn” (savoir voir)  bằng “mắt Husserl” (yeux de Husserl). Chi tiết đáng chú ý là Heidegger trong giai đoạn này ca ngợi Husserl trong bài tựa của giáo trình mùa Hè 1923 như “người đã trồng mắt để nhìn” (celui qui qui a implanté les yeux pour voir). Trong giáo trình này Heidegger đã có ý tưởng rõ ràng coi hiện tượng luận trước hết là công việc của cái nhìn “Các sự vật chỉ ở đó khi ở nơi đó có mắt” (Les choses ne sont que là où il y a des yeux). Nghĩa là sự hiểu biết hiện tượng luận là “biết-nhìn” (savoir-voir) như nguyên lý của nguyên lý của hiện tượng luận do Husserl đưa ra là: “hãy đến với chính sự vật.” Theo Heidegger đó là tri thức hiện tượng luận (savoir phénoménologique) về những hiện tượng nhưng không được lẫn lộn sự hiểu biết này với chính những sự vật. “Nếu như chính ý tưởng về triết học buộc phải làm nó thành khoa học nguyên ủy thì chỉ có hiện tượng luận là có khả năng lảm cho ý tưởng này thành hiện thực: đó là chủ đề dẫn khởi quyển Grundprobleme der Phänomenologie/Những vấn đề nền tảng của Hiện tượng luận của những năm 1919-1921 (GA 58, 1-29) mở đầu.”[6]  Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên lả đối với Heidegger “nhìn” lại đồng nghĩa với diễn giải (interpréter) hay am hiểu (comprendre): biết nhìn có nghĩa biết diễn giải. Ngay trong những giáo trình từ 1919 Heidegger đã ghép “thông diễn luận” với “hiện tượng luận” và trong SZ tiếp tục triển khai một hiện tượng học thông diễn luận (phénoménologie herméneutique). Lý do Heidegger chủ trương như vậy là để chống chủ thuyết tân-Kant. Điều này có nghĩa quay lưng lại với “lý trí lý thuyết” (raison théorique) hay “thái độ lý thuyết” (attitude théorique) và phải có can đảm hướng về thực hành vì trong những hiện tượng có nhiều thứ hơn là lý trí lý thuyết vạch ra. Thế nhưng phương pháp và “cái nhìn” hiện tượng luận lại là mô tả (descriptive) chứ không là giải thích (explicative). Khi vấp phải câu hỏi “cái nhìn hiện tượng luận” phải chăng rốt cuộc cũng là một thứ đối tượng/khách thể hóa (objectivation) nghĩa là một hoạt động lý thuyết (activité théorique) (GA 56-57, 110) Heidegger giải quyết khó khăn này bằng cách khu biệt hai thứ lý thuyết hóa (théorisation) khác nhau, một hiểu theo nghĩa thông thường rời xa đời sống, kiểu kia tuy “thuần hình thức” nhưng lại không bao gồm chức năng của một diễn trình nên Heidegger chủ trương phải tiếp cận “cái thiết yếu tiền-thế giới (das wesenhalf Vorweltliche) của những ý nghĩa nằm sâu trong đời sống bằng trực giác thông diễn (intuition herméneutique). Về ảnh hưởng của Dilthey: Heidegger tin tưởng rằng phải thông diễn “đời sống kiện tính” (vie factuelle) tức là giải mã hiện tượng luận đời sống vì “đời sống” là một phạm trù hiện tượng luận nền tảng chỉ định cho một hiện tượng nền tảng. Heidegger cũng chủ trương một khái niệm về thông diễn luận mới khác với thông diễn luận của Dilthey vốn có tính chất tri thức luận. Heidegger cho rằng thông diễn luận không phải là một khoa học lý thuyết, “một lý thuyết tổng quát về diễn giải” nhưng là một chiều kích nội tại của chính kiện tính (une dimension interne de la facticité elle-même) nghĩa là “am hiểu” không có tính chất tri thức (cognitif) mà là một cách thế hiện hữu của Tại/Hiện thể (Dasein).

Khi đã trở thành giáo sư Extraordinarius ở Marburg kể từ mùa Hè 1923 Heidegger bắt tay vào việc biên soạn SZ và hoàn tất vào ngày 8 tháng 4, 1926. Tuy mối liên hệ Husserl-Heidegger có thể nói kết thúc hẳn vào năm 1929 nhưng đúng ra đã manh nha từ những năm trước khi Heidegger viết xong SZ. Những giáo trình của Heidegger ở Marburg như Phänomenologische Interpretation zu Aristoteles [GA61] (1921-1922), Prolegomena zur Geschichte der Zeitbegrifts [GA20] (1925), Die Grundproblem der Phänomenologie [GA24] (1927), Phänomenologische Interpretation von Kants Kritik der reinen Vernunft [GA25] (1927-1928) cho thấy nay Heidegger không những đã thực sự là một nhà hiện tượng học mà còn chỉ ra khoảng cách càng ngày càng xa với hiện tượng luận của Husserl. Thật ra Husserl cũng nhận ra tham vọng của Heidegger nên đã đưa ra những nhận định đối chất Heidegger về hai quyển SZKant und das Problem der Metaphysik bằng những ghi chú về hai quyển sách này của Heidegger trong hai bài viết đăng trên Encyclopaedia Britannica và Amsterdam Lectures [7]  đã được Đặng Phùng Quân tóm lược trong Husserl và Triết học Hiện đại.

 

HUSSERL/MERLEAU-PONTY

 

Merleau-Ponty đọc/đọc lại Husserl theo gợi ý của Heidegger trong Der Satz vom Grund/Nguyên lý của Lý trí: “Khi liên quan tới tư duy – tác phẩm càng vĩ đại, – tác phẩm không bao giờ trùng hợp với độ dài ngắn hay số lượng những bản viết, – cái phong phú là, xuyên qua tác phẩm này, cái bất tưởng/chưa được tư tưởng, nghĩa là cái, xuyên qua tác phẩm này và chỉ do chính nó, đi tới chúng ta như chưa bao giờ được tư tưởng.”[8] Merleu-Ponty cho rằng khi Husserl tạ thế có một thứ chưa được tư tưởng của Husserl (il y a un impensé de Husserl) nên đề nghị “Chúng ta sẽ làm công việc nêu ra cái chưa được tư tưởng này của Husserl, bên lề một số trang sách cũ [sách cũ nghĩa là những tác phẩm đã xuất bản của Husserl – TT chú thích). Thế nhưng điều này xem ra là táo bạo đối với một người chưa từng biết lời lẽ hàng ngày hay sự giảng dạy của Husserl. [...] Bởi lẽ cùng với những khó khăn trong việc thông giao với một tác phẩm còn thêm vào, ngay cả đối với những người đã tận mắt biết Husserl, là những khó khăn trong việc thông giao với một tác giả nữa. Một số kỷ niệm ở đây mang lại sự trợ giúp của một sự tình cờ, một sự chạm mạch của việc truyện trò. Nhưng những kỷ niệm khác thật ra lại che mất ông Husserl “siêu nghiệm”, kẻ hiện đứng sừng sững trang nghiêm trong lịch sử triết học [...]” [9] Lời nói khá mơ hồ này của Merleau-Ponty có lẽ nhằm phê phán những đệ tử đã theo học Husserl.

Lộ trình đọc/tranh biện của Merleau-Ponty với Husserl có thể chia ra hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất trước và trong khi Merleu-Ponty viết Phénoménologie de la Pepception/Hiện tượng luận về Tri giác/tưởng [PhP] (từ 1945 trở về trước) và giai đoạn thừ nhì từ đầu thập niên 50 cho đến hết thập niên 60 với Résumés de cours/Tóm lược bài giảng [RC] (1952-1960) Signes/Dấu chỉ [S] (xuất bản năm 1960 gồm những bài viết trải dài suốt thập niên 50), Notes de cours/Ghi chú bài giảng [N] (1959-1961), Le Visibe et l”Invisibe/Kiến thị và Bất kiến thị [VI] (chỉ là những bản văn viết trong khoảng 1959-1960, một tác phẩm không hoàn tất) và sau chót là L’Œil et l’Esprit/Mắt và Tinh thần [OE] (viết xong 1960, do Claude Lefort xuất bản 1964). S là tác phẩm bản lề quan trọng của Merleau-Ponty viết về Hiện tượng luận và Husserl với những bài Le langage indirect et les voix du silence/Ngôn ngữ gián tiếp và Tiếng nói của Niềm Im lặng, Sur la Phénoménologie du Langage/Về Hiện tượng luận Ngôn ngữ (1951), Le philosophe et son ombre/Triết gia và cái bóng của triết gia, Partout et Nulle Part/Khắp nơi và Không ở đâu.

Năm 1939 khi LM Van Breda lập Archives Husserl ở đại học Louvain (Bỉ) Merleau-Ponty đã tới đọc những tác phẩm và một số những bản thảo chưa xuất bản của Husserl nhưng vào thời điểm đó những bản thảo tốc ký (trên 40,000 trang) chưa được giải mã nhiều. Trong dịp này Merleau-Ponty có gặp Eugen Fink là phụ tá cuối cùng của Husserl. Trong PhP Merleau-Ponty cho thấy đã chịu ảnh hưởng của Fink khi chủ trương một Hiện tượng luận sinh hiện (Phénoménologie existentiale).

Merleau-Ponty xét hiện tượng luận từ giai đoạn bắt đầu từ !900 đến 1913 Husserl khởi thảo những vấn đề triết học quan trọng: Hiện tượng luận về Tri thức, Hiện tượng luận như Tâm lý học mô tả, Hiện tượng luận coi như Hiện tượng luận yếu tính-theo thuyết nội tại (phénoménologie eidétique-immanentiste), con đường từ Hiện tượng luận của Nội tại thực sự đến Hiện tượng luận thuần túy siêu nghiệm (Phénoménologie pure transcendantale), từ Hiện tượng luận siêu nghiệm đến Chủ nghĩa [l] ý tưởng (Idéalisme). Nhưng trong những tác phẩm viết sau giai đoạn này Husserl luôn luôn trở lại những vấn đề cơ bản của Hiện tượng luận nói trên để biên tập và chỉnh sửa. Vì vậy đọc Husserl cần nhớ rằng Hiện tượng luận như Husserl trình bày không phải là một học thuyết hoàn tất. Với Merleau-Ponty bốn vấn đề trung tâm cần tranh biện với Husserl xoay quanh: giảm trừ hiện tương luận (réduction phénoménologique), tạo lập (constitution), Hiện tượng luận siêu nghiệm (Phénoménologie transcendantale), và Sự khả hữu của Triết học (Possibilité de la Philosophie).

Tranh biện của Merleau-Ponty với Husserl suốt từ PhP cho tới VI khá phức tạp, đòi hỏi người đọc có kiến thức về những vấn đề triết học được nêu ra trong khối tác phẩm đồ sộ của Husserl. Vì vậy chúng tôi chỉ khái lược bằng cách đưa ra một số vấn đề chính yếu Merleau-Ponty đề cập tới như đã nêu để chỉ ra sự khác biệt với Husserl mà không đi sâu vào chi tiết.

Ngay trong bài Lời mở đầu (Avant-Propos) quyển PhP Merleau-Ponty đã không ngần ngại bác bỏ diễn giải theo kiểu duy [l] ý tưởng-siêu nghiệm (interprétation idéalist-transcendantele) về sự tạo lập thế giới của Husserl khi viết: “Cái có thực phải được mô tả, chứ không phải là xây dựng hay tạo lập. Điều này có nghĩa tôi không thể nào đồng hóa tri tưởng/giác với những tổng hợp thuộc về phán đoán, của những hành vi hay của sự gán thuộc tính.”[10] Merleau-Ponty đề nghị một quan niệm mới về giảm trừ hiện tượng luận: “Từ đó người ta thấy ý nghĩa thực sự của giảm trừ hiện tượng luận danh tiếng. [...] Từ lâu, và ngay cả trong những bản văn mới đây, giảm trừ được trình bày như sự quay trở lại một ý thức siêu nghiệm ở phía trước nó thế giới mở ra trong một sự sáng tỏ tuyệt đối, được là cho sống động dần bởi một loạt tri tưởng triết gia sẽ là kẻ có phần vụ tái tạo khởi từ kết quả của chúng. [...] Như thế giảm trừ hiện tượng luận sẽ là duy [l] ý, theo nghĩa của một chủ thuyết duy [l]ý siêu nghiệm coi thế giới như một đơn nhất tính của tự nhiên bất phân giữa Paul và Pierre, trong nhất tính này viễn cảnh của hai người giao nhau, và đồng nhất tính này thông giao “ý thức của Paul” với “ý thức của Pierre” [...] Một chủ thuyết duy [l] ý tưởng nảy sinh từ đó lấy đi  sự mờ ảo và sự siêu vượt của thế giới.”[11]  Không chỉ phản biện “sư phụ” Merleau-Ponty – theo cách tìm ra “tư tưởng chưa tư tưởng” cùa Husserl như trên đã nói – qua việc đọc một số bản thảo của Husserl để “cứu vãn” phân tích hiện tượng luận về ý hướng tính bằng lý luận cho rằng thế giới phải được quan niệm như cái vuột khỏi mọi sự tạo lập bởi chính thế giới từ nguyên ủy là điều kiện của tạo lập”.[12]” Merleau-Ponty nhận xét chính Huserl cũng đã nhận ra giảm trừ hiện tượng luận có những mâu thuẫn: một mặt giảm trừ vượt bỏ thái độ tự nhiên (attitude naturelle) nghĩa là tư tưởng khi bị giảm trừ không xét đến Tự nhiên của các khoa học Tự nhiên, nhưng mặt khác lại đối nghịch với Tự nhiên nghĩa là coi Tự nhiên như “ý nghĩa thuần túy của những hành vi tạo thành thái độ tự nhiên thì Tự nhiên lại trở thành tri kiện (noema) được cho vào ý thức vốn tham dự vào cái được tạo lập. Chính vì trong giảm trừ không có gì khác ngoài ý thức, những hành vi của ý thức và đối tượng ý thức hướng tới nên Husserl mới cho rằng có tương quan của Tự nhiên với tinh thần tuyệt đối.[13] Merleau-Ponty phản biện: “Nhưng điều này không hẳn là đúng: dù cho chẳng bao giờ có Tự nhiên mà không có tinh thần, hay người ta có thể loại bỏ Tự nhiên trong tư tưởng mà không loại bỏ tinh thần đi nữa, thì điều này không có ý nói rằng Tự nhiên là sản phẩm của tinh thần, cũng chẳng phải [là] một tổ hợp nào, ngay cả có là phong phú đi nữa, hai khái niệm này có là đủ cho việc đưa ra một triết học của hoàn cảnh của chúng ta trong hữu. Người ta có thể tư duy về tinh thần không có Tự nhiên và người ta chẳng thể tư duy về Tự nhiên mà không có tinh thần. Tuy nhiên phải chăng chính theo sự phân nhánh Tự nhiên với tinh thần như vậy mà chúng ta phải tư duy về thế giới và về chúng ta. Sự kiện là những mô tả nổi danh nhất của hiện tượng luận đã không đi theo hướng không phải là hướng đi của một “triết lý về tinh thần”. Khi Husserl nói rằng giảm trừ vượt qua thái độ tự nhiên, đó chính là để ngay sau đó lại nói thêm rằng sự vượt qua này vẫn duy trì “toàn vẹn thế giới của thái độ tự nhiên.” Ngay cả sự siêu vượt  thế giới này cũng phải giữ một ý nghĩa đối với ý niệm “bị giảm trừ, và tự tại siêu nghiệm không thể đơn giản chỉ là phản đề. ”[14] Merleau-Ponty cũng chỉ ra ngay cả trong Ideen II phản tư (la réflexion) không đặt chúng ta vào một môi trường khép kín, ít ra không lập tức đưa chúng ta từ “cái khách quan” (l’objectif) sang “cái chủ quan” (le subjectif) mà đúng ra nó có chức năng phơi mở một chiều kích thứ ba ở đó sự khu biệt khách quan-chủ quan thành ra có vấn đề. Sau khi phê phán quan niệm của Husserl về “giảm trừ hiện tượng luận” Merleau-Ponty phản biện quan niệm về “tạo lập”(constitution) trong Ideen II. Một cách tóm lược: Merleau-Ponty cho rằng những phân tích trong Ideen II chỉ là một cuộc phiêu lưu dẫn đến vấn đề khả hữu của triết học nhưng Husserl lại không đưa ra một giải đáp. Thế nên “Dù cho sự khả hữu của hiện tượng luận đối với chính hiện tượng luận có là một vấn đề, rằng dù việc có một “hiện tượng luận của hiện tượng luận” tùy thuộc vào ý nghĩa sau cùng của tất cả những phân tích  tiên khởi đi nữa, thì toàn bộ hiện tượng luận cũng vẫn là vấn đề.[15]  Những phản biện Husserl của Merleau-Ponty như trình bày ở trên cho thấy ảnh hưởng của Heidegger khá rõ. Thế nhưng Merleau-Ponty – nhất là trong PhP cho thấy – như nhận xét của Paul Ricœur: qua phân tích về thời gian tính dẫn tới việc diễn giải hiện tượng ý hướng tính tận căn rễ (rootedness) của nó trong cấu trúc hữu thể luận của hữu-trong-thế-giới khi được khai mở (Heidegger) Merleau-Ponty đã đi xa hơn cả Husserl lẫn Heidegger. [16]

Trong Notes de Cours (1959-1961) Merleau-Ponty lần chót trở lại phê phán Husserl theo hướng sự khả hữu của triết học. Theo Merleau-Ponty từ LU qua Ideen tới Suy niệm theo kiểu Descartes cho đến giai đoạn cuối cùng với bài Diễn thuyết ở Vienne “Triết học trong cuộc Khủng hoảng chúng nhân Tây phương” cũng như việc trở lại với Lebenswelt/Thế giới sống chỉ ra những nghịch lý (paradoxes) của siêu nghiệm trong tư tưởng của Husserl. Merleau-Ponty đặt câu hỏi: Những nghịch lý phải được soi sáng. “Nhưng soi sáng có thể nào lại là quay trở lại với tự tại (immanence) không? Chẳng hạn: vấn đề liên-chủ-thể tính – đồng nhất tính của cái tôi kinh nghiệm với cái tôi giảm trừ – Nhất là, tha nhân không thể là tha nhân được kinh nghiệm (Ich überhaupt theo Fichte), ở ngoại giới, không nội tại. Từ đó vấn đề là: nếu tha nhân thực sự là siêu nghiệm, chính do giảm trừ tiên nghiệm (với tôi) hoàn toàn, là bất khả.”[17]  Chấm dứt diễn giảng về Husserl [Husserl fin]  Merleau-Ponty đặt câu hỏi: Suy niệm về Triết học của Husserl năm 1935 (trong Beilage XXVIII) phải chăng cũng chỉ là “tưởng tượng” vì người ta không thể hy vọng làm thứ triết học chẳng bao giờ đã là cả.

______________________

 

[1] Jean Hyppolite, Figures de la Pensée philosophique I, PUF trang 499-500: Il nous semble même qu’on ne peut plus philosopher aujourd’hui sans se référer à elle. Sans doute l’interpretation même de  cette phénomenologie n’a pas été univoque et a donné naissance à des courants divers. L’ambition de Husserl qui fut celle de tout grand philosophe, d’ouvrir la voie et de découvrir une méthode décisive, ne s’est peut-être pas accomplie. Cependant nous reconnaissons dans la phénomenologie husserlienne la double exigence requise à l’égard de toute recherche philosophique: la rigueur et le sens du concret

[2] William J. Richardson, S.J. Heidegger” Through Phenomenology to Thought trang X-XII: Dialogues with Husserl provided the immediate experience of the phenomenological method that prepared the concept of phenomenology explained in the Introdction to Being and Time (§7) [Durch die unmittelbare Erfahrung der phänomenologischen Methode in Gesprächen mit Husserl bereitete sich der Brgriff von Phänomenologie vor, der in der Einleitung zu “Sein und Zeit” (§7)]  [...] Now if the title of your book From Phenomenology to Thought, you understand “Phenomenology” in the sense just described  as a philosophical position of Husserl, then the title is to the point, insofar as the Being-question as posed by me is somthing completely different from that positon. [Verstehen Sie nun in Titel Ihres Werkes “Der Weg von der Phänomenologie zum Seinsdenken”die “Phänomenologie” in dem zuletzt gekennzeichneten Sinne einer philosophischen Posii Husserls, dann trifft der Titel die Sache, insofern die von mir gestellte Seinsfrage etwas ganz anderes ist als jene Position.]

 [3] Martin Heidegger, Questions III et IV, Gallimard trang 325-337: Về Tựa đề bài viết này, trong một thư gửi cho Jean Beaufret, Heidegger đã chỉ ra những điều không chính xác và rằng Tựa này phải được hiểu là “Con đường tư tưởng của tôi như một chứng nghiệm về hiện tượng luận”; hay “Cách mà tư tưởng của tôi mở ra trong khi  mở chính hiện tượng luận ra.” Rõ ràng Heidegger cũng nhìn nhận Tựa đề bài viết là mập mờ.

[4] Sđd trang 328: Dans ces conditions je fus obligé de me remettre à travailler sur l’ouvrage de Husserl. En ce travail l’élan que je venais  de reprendre restait insatisfaisant parce que je ne parvenais pas à dépasser une dificulté fondamentale. Elle touchait cette question toute simple: comment la demarche de la pensée qui se nommait “phénoménologie” était-elle à accomplir? Ce qui me troublait dans cette question résultait du discord que présentait à première vue l’ouvrage de Husserl

[5] Sđd trang 335-336: Et aujourd’hui? Le temps de la philosophie phénoménologique semble passé.  On la tient déjà pour quelque chose de dépassé, qui n’est plus caractérisée que d’un point de vue historique à côté d’autres tendances de la philosophie. Mais la phénoménologie dans ce qu’elle a de propre n’est pas une tendance. Elle est pour la pensée la possibilité qui se modifie en temps voulu et qui est par là même la possibilité permanente de la pensée, celle de correspondre à l’exigence de ce qui est à penser. Si c’est ainsi que l’on prend en garde la phénoménologie, alors elle peut disparaître comme rubrique au profit de la “question” de la pensée (Sache des Denkens), dont la manifesteté demeure un secret.

[5] Jean Greisch, Ontologie et temporalité, nxb PUF coll Epimethée 1994.

[6] Sđd trang 23: Si l’idée même de la philosophie exige d’en faire l’archi-science, la phénoménologie seule est capable de rendre cette idée effective: telle est la thèse liminaire sur laquelle s’ouvrent les Grundprobleme der Phänomenologie de 1919-1921 (GA 58, 1-29).

[7] Edmund Husserl, Psychological and Transcendental Phenomenology and the Confrontation with Heidegger (1927-1931) bản dịch Anh văn của Thomas Sheehan và Richard E. Palmer,

 [8] Merleau-Ponty trích dẫn nguyên văn Heidegger trong Signes, Le philopher et son ombre trang 202: Je grösser das Denkwerk eines Denkens ist, das sich keineswegs mit dem Umfang und der Anzahl seiner Schriften deckt, um so reicher ist das in diesem Denkwerk Ungedachte, d.h. jenes, was erst und allein durch dieses Denkwerk als das Noch-nich-Gedachte heraufkommt (Der Satz vom Grund, pp. 13-124)

[9] Sđd, 202: Nous voudrions tâcher d’évoquer cet impensé de Husserl, en marge de quelques pages anciennes.

[10] Maurice Merleau-Ponty,  Phénoménologie de la Perception, Avant-Propos IV: Le réel est à décrire, et non pas à construire ou à constituer. Cela veut dire que je ne peux pas assimiler la perception aux synthèses qui sont de l’ordre du jugement, des actes ou de la prédication.

[11] Sđd V: On voit par là le vrai sens de la célèbre réduction phénoménologique. [...] Pendant longtemps, et jusque dans les textes récents, la réduction est présentée comme le retour à une conscience transcendantale devant laquelle le monde se deploie dans une transparence absolue, animé de part en part par une série d’aperceptions que le philosophe serait chargé de reconstituer à partir de leur resultat.[...] le monde ne serait rien d’autre que la “signification-monde”, la réduction phénoménologique serait idéaliste, au sens d’un idéalisme transcendantal qui traite le monde comme une unité de nature indivise entre Paul et Pierre, dans laquelle leurs perspectives se recoupent, et qui fait communiquer la “conscience de Pierre” et la “conscience de Paul” [...] Un idéalisme transcendantal conséquent dépouille le monde de son opacité et de sa transcendance.

[12] Jean-François Lavigne, Husserl et la naissance de la phénoménologie (1900-1913), PUF, 2005, Coll. Epiméthée trang 62.

[13] Maurice Merleau-Ponty, Le philosophe et son ombre trong Signes trang 203-204: Soit le thème de la réduction phénoménologique, – dont on sait qu’elle n’a jamais cessé d’être pour Husserl une possibilité énigmatique, et qu’il est toujours revenu. Dire qu’il n’a pas réussi à assurer les bases de la phénoménologie, ce serait se tromper sur ce qu’il cherchait. Les problèmes de la réduction ne sont pas pour lui un préalable ou une préface: ils sont le commencement de la recherche, ils en sont en un sens le tout, puisque la recherche est, il l’a dit, commenecement continué.

[14] Sđd trang 205.

[15] Sđd trang 224.

[16] 10] Paul Ricœur, Merleau-Ponty: Beyond Husserl and Heidegger (1989) trong Merleau-Ponty and the Possibilities of Philosophy, SUNY Press 2009 trang 31.

[17] Maurice Merleau-Ponty, Notes de Cours (1959-1961) trang 78.

thạch trân

 

2018