đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

ZADIE SMITH

ON BEAUTY


Zadie Smith là một nhà văn thuộc mảng văn chương di dân đang được độc giả tiểu thuyết ở những xứ dùng Anh ngữ hâm mộ. Ngay từ khi cho xuất bản cuốn tiểu thuyết  đầu tay “White Teeth” (Răng Trắng) xuất bản năm 2000, Zadie Smith tuy mới hai mươi lăm tuổi nhưng đã được nhìn nhận là một nhà văn xuất sắc và đầy triển vọng. White Teeth là câu chuyện của hai người bạn thân Archie và Samad và gia đình hai người sống ở phía bắc London. Qua câu chuyện của hai gia đình di dân này Zadie Smith đề cập tới những chủ đề lớn của văn chương hiện đại như niềm tin tôn giáo, vấn đề chủng tộc, lịch sử, và văn hóa. Nam 2002 Zadie Smith cho xuất bản tiểu thuyết kế tiếp “The Autograph Man”  (Người Bán Hồi Ký) kể lại cuộc đời của Alex-Li Tandem tuy là kẻ chuyên sưu tập, làm giả hồi ký để bán cho những kẻ ham muốn chút danh vọng nhưng chính anh ta lại là kẻ có những ước muốn thầm kín trong khi làm nghề bán hồi ký:  anh mong cha anh trở lại với anh, anh mong sự tái phục hồi một nhân vật toàn năng nhưng nhân từ, ân sủng vô hạn, anh cũng mong muốn sự chấm dứt mọi tôn giáo, và trên hết thảy anh mong tìm được cuốn hồi ký hiếm quí của ngôi sao điện ảnh Kitty Alexander. Tuy cuốn tiểu thuyết thứ hai này có một chủ đề sáng giá nói lên sự hời hợt nông cạn của đời sống hiện nay như: ngưỡng mộ những nhân vật danh tiếng, điện ảnh dung tục, và sự thắng thế của biểu tượng nhận chìm kinh nghiệm, nhưng lại không được độc giả Âu-Mỹ ưa chuộng. Với tác phẩm thứ ba ra mắt tháng Chín năm nay, quyển “ON BEAUTY” (Đẹp), Zadie Smith đã lấy lại được sự hâm mộ độc giả dành cho cô ở tác phẩm đầu.

Zadie Smith sinh ngày 25 tháng Mười năm 1975 ở phía Tây Bắc London, mẹ là người Jamaica và cha là người Anh. Tốt nghiệp đại học Cambridge năm 1997. Năm 21 tuổi, trước khi tốt nghiệp, đã được nhà xuất bản Hamish Hamilton ở London đề nghị ký hợp đồng xuất bản quyển tiểu thuyết đầu tay White Teeth. Quyển này vừa mới ra mắt độc giả đã trở thành một hiện tượng văn chương, được trao tặng nhiều giải thưởng văn học giá trị,  được mô phỏng thành phim chiếu trên Kênh Truyền Hình số 4 vào mùa Thu 2002 ở Anh, và được dịch ra trên 20 ngôn ngữ trên thế giới. Zadie Smith là điển hình thành công của một nhà văn trẻ đầu thế kỷ 21 cũng như hiện tượng Francoise Sagan đầu thập niên 50. Thành hôn với thi sĩ người Anh Nick Laird, Zadie Smith cảm thấy không thoải mái khi bị chụp hình, phỏng vấn. Năm 2004 Đại học Harvard ở Mỹ mời cô làm Giáo-sư Thỉnh-giảng và sau hơn một năm dạy học ở Harvard Zadie Smith đã hư cấu khung cảnh khuôn viên đại học này làm nền cho quyển “On Beauty”.

Zadie Smith nhập đề cuốn truyện bằng câu: “ Người ta cũng có thể bắt đầu câu truyện bằng những điện thư của Jeome gửi cho cha hắn:” Qua ba bức điện thư của Jerome hiện trọ học ở gia đình Kipps bên Anh gửi cho cha là Howard Bensey ở Mỹ chúng ta được tác giả cho biết mấy nét chính dẫn đến những tình tiết giữa hai gia đình Belsey và Kipps. Trong trang “Tạ Ơn” để ở đầu sách Zadie Smith viết: “Thật quá hiển nhiên ngay từ dòng chữ đầu tiên cho thấy đây là một quyển tiểu thuyết khởi hứng từ lòng yêu mến E.M. Forster, và bằng cách này hay bằng cách khác, tất cả văn chương của tôi đều mang món  nợ nơi ông.” Đúng vậy, On Beauty có khuôn khổ rập mẫu theo tác phẩm Howard Ends, một trong những tiểu thuyết được ham mộ nhất của nhà văn Anh đầu thế kỷ 20 E.M. Forster. Chúng ta biết câu mở đầu Howards End nhà văn E.M. Forster đã viết: “Người ta cũng có thể bắt đầu câu chuyện bằng những lá thư Helen gửi cho chị.” Nhưng khác với Forster kể lại cuộc xung đột giữa hai gia đình da trắng vào đầu thế kỷ 20 ở Anh, Zadie Smith đã theo đúng lời hướng dẫn viết tiểu thuyết của E.M. Forster “Only connect” (Chỉ cần nối kết lại)  Zadie Smith đã nối Âu châu với Mỹ châu trong On Beauty bằng mối liên hệ giằng co giữa gia đình Belsey ở Boston và gia đình Kipps ở London.

Nhan đề tiểu thuyết “On Beauty” lấy từ một bài thơ của Nick Laird, chồng của Zadie Smith. Ý chính trong bài thơ này gợi cho chúng ta biết cái đẹp không phải là cái mắt ta nhìn thấy mà là cái làm cho chúng ta xúc động bất kể vì lý do gì. Đây là câu chuyện về hai gia đình: Gia đình Belsey cư ngụ tại Wellington, ngoại ô Boston. Howard Belsey là dân trung lưu Anh sang Mỹ dạy ở đại học Wellington, lấy Kiki là người Mỹ da đen gốc ở Florida. Howard là giáo sư lịch sử hội họa, tư tưởng cấp tiến, chuyên khảo về nhà danh họa Rembrandt nhưng vì chịu ảnh hưởng thuyết hậu-cấu-trúc nên rất ghét Rembrandt và những tác giả hàn lâm ca ngợi nhà danh họa này. Kiki nay trọng lượng đã đạt tới mức 250 pounds, thời con gái gọi là có nhan sắc, từng nuôi mộng làm người phụ tá cho lãnh tụ da đen Malcolm X. nhưng rồi yên phận với một chức vụ hành chánh tại một bệnh viện, tính tình nồng nàn rộng lượng. Hai người có ba đứa con: con trai lớn Jerome trong lòng ghê tởm hành vi của bố, con gái giữa Zora học năm đầu ở Wellington cuồng nhiệt theo phe nữ quyền, và con trai út Levi đại biểu cho thanh thiếu niên Mỹ ngày nay với quần rộng thùng thình trễ tới háng, tóc tai sặc sỡ lởm chởm, kè kè suốt ngày cái iPod nhưng lại hết say mê tôn giáo lại quay sang lao mình vào chính trị. Hôn nhân giữa Howard và Kiki đang ở giai đoạn sóng gió vì Howard ngoại tình và Howard bất lực không thể hoàn tất tác phẩm “Against Rembrandt” (Chống Rembrandt) dự định từ lâu. Gia đình Kipps với người cha là Mongomery Kipps hoặc Sir Monty Kipps, dân Anh gốc Carribean giàu có, tư tưởng bảo thủ, là giám của hàng lô hội từ thiện tôn giáo, cuồng nhiệt chống hôn nhân đồng phái và Affirmative Action (luật bênh vực dân thiểu số), cũng là chuyên gia về Rembrandt vì tôn sùng nhà danh họa này. Monty luôn luôn tìm cách nhử cho những học giả cấp tiến về hội họa mắc bẫy để làm trò cười cho thiên hạ. Vợ Monty là Carlene, suốt đời đau yếu nhưng vẫn oai phong bảo vệ tiếng tăm gia đình. Họ có một trai rất thể thao tên Micheal và một gái nay lửa là Victoria hay Vee.

Khi Jerome sang Anh du học và ở trọ trong gia đình Kipps, đem lòng yêu say mê Vee và e-mail về báo cho bố mẹ biết sẽ cưới Vee là lúc mối liên hệ giữa hai gia đình Belsey và Kipps đi vào khủng hoảng. Cũng vì Rembrandt và vì có tư tưởng đối nghịch nhau nên Monty và Howard rất thù ghét nhau. Cao điểm của cuộc đụng độ là khi Monty được mời sang Wellington thuyết trình về Rembrandt và kết thúc bằng đám tang Carlene. Zadie Smith qua câu chuyện về sự đối nghịch giữa hai gia đình đã viết ra những trang sách hấp dẫn đề cập tới nhiều vấn đề của thế giới hôm nay về văn hóa, chính trị, văn chương, v.v...bằng một lối văn khi thì hí lộng khi thì buồn ba. Thêm vào đó, nhà văn ba mươi tuổi này đã đưa vào tiểu thuyết thứ ngôn từ y chang của cả giới trẻ lẫn giớiø giàû ở đại học. Sau hết, qua On Beauty, Zadie Smith muốn nói lên một sự thật rất đơn giản: lối ứng sử  tốt đẹp ngoài đời của con người chỉ là cái bề ngoài giả tạo che dấu một thực tại khác hẳn. 

Đào Trung Đạo