đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

 

I AM ĐÀN BÀ

của

Y BAN


Tập truyện ngắn I am đàn bà của nhà văn nữ Y Ban xuất bản vào cuối năm 2006 ở Hà Nội có cái tựa sách rất kích thích người đọc. Cảm tưởng đầu tiên khi nhìn tựa sách này là: chúng ta đang đứng trước một lời tuyên bố. Và lời tuyên bố này được nói lên bằng thứ ngôn ngữ trộn lẫn tiếng Anh với tiếng Việt. Sự trộn lẫn này tất nhiên không phải là tình cờ hay lai căng, làm dáng: Ngược lại, nó nói lên sự xâm nhập văn hóa trong thế giới đang toàn cầu hóa. Ta tự hỏi: Đàn bà, đàn ông là hai giới tính, vốn đã có từ khi có con người, chuyện cũ kỹ hiển nhiên như vậy tạo sao lại phải kêu lên “Tôi là đàn bà”? Chắc hẳn lời nói này không phải là một lời tán thán. Mà đó có lẽ  là một lời xác định, một minh xác. Và phải minh xác vì cho đến nay xem ra xã hội, văn hóa Việt Nam, nhất là phía nam giới, hoặc cố tình hoặc mặc nhiên, đã không nhìn nhận cái cốt tính của phái nữ chiếm hơn một nửa dân số trên mặt đất này. Thế nên Y Ban đã cho một nhân vật nữ (hoặc toàn thể các nhân vật nữ) nói với chúng ta “tôi là đàn bà”.   Y Ban là một tên tuổi quen thuộc với những truyện ngắn đặc sắc xuất hiện trên những tạp chí văn chương trong nước từ mười năm trở lại đây. Ở ngoài nước Y Ban cũng được nhắc đến với truyện ngắn Sau Chớp Bể Là Giông Bão in chung với chín nhà văn nữ cả trong nước lẫn ngoài nước trong tập Chọn Lựa Cùng Nguyên Mẫu do nhà văn Lệ Thị Huệ đứng chủ biên và xuất bản ở Mỹ năm 2005. I Am Đàn Bà gồm 10 truyện trong đó phải kể hai truyện đặc sắc nhất là i am đàn bà  (28 trang, được dùng làm tựa sách) và Tự (dài 73 trang).

 Y Ban là một nhà văn hiện thực phê phán. Đọc truyện của Y Ban có người nghĩ rằng sự phê phán của nhà văn có phần gay gắt, triệt để. Hẳn vì đã biết trước điều đó nên Y Ban cho một nhân vật đưa ra nhận xét “Cuộc sống nó còn nghiệt ngã gấp hàng trăm hàng nghìn lần ấy chứ.” (Tôi và Gã /I am đàn bà, trang 190). Người đọc Y Ban cần đặt những nhân vật nữ trong truyện vào cái hoàn cảnh hôm nay họ đang sống: đó là hoàn cảnh của một xã hội Việt Nam hậu-cộng-sản, mới từ thời “bao cấp” thóat ra thời kinh tế thị trường bước vào tòan cầu hóa. Những phụ nữ đó đã có một phần đời, hoặc thời thơ ấu hoặc giai đoạn bước vào thời trưởng thành, đã sống ngập lụn trong guồng máy thời bao cấp. Giờ đây bao cấp đã là việc quá khứ. Thế nhưng những hậu quả của nó không phải đã chấm dứt, nhất là những hậu quả trên tâm thể con người. Trên hết là những người đàn bà. Bao cấp là định sẵn cho con người những giới hạn, là cầm tù con người trong một guồng máy vận hành mù quáng theo qui luật triệt hủy mọi hình thức tự do. Và tự do “làm người”, yêu đương, là tự do căn để nhất đã bị triệt hủy tận cùng trong guồng máy đó. Qui luật ấy đã đuợc đặt nền tảng trên một ý thức hệ không tưởng. Giờ đây Y Ban muốn nói lên những hậu quả ghê gớm đó qua cuộc đời những người đàn bà.

Ta hãy cùng Y Ban dõi theo số phận một vài người nữ điển hình trong I am đàn bà. Trong truyện ngắn in ở đầu sách mang cùng tên, nhân vật nữ mang tên “Thị” là một phụ nữ quê mùa nghèo khổ, sau bao cấp sang mở cửa, phải nhắm mắt xa nhà đi ở đợ tận bên Đài Loan, mong sao dành dụm được chút tiền mai mốt về nước sửa lại căn nhà dột nát và mua thêm đồ ăn cho lũ con túng đói. Nhất là cho thằng Đức, đứa bé bị bỏ rơi trong rừng “thị” đã đem về làm con nuôi. Y Ban ở đây không cho nhân vật một cái tên riêng, chỉ gọi là “thị”, một chữ đã được dùng từ xưa, một cái tên chung  coi rẻ, khinh miệt phụ nữ. Thị đi ở đợ xứ người, chăm sóc một “ông chủ” bệnh hoạn liệt giường. Nhưng rồi nhờ sự chăm sóc của thị, nhất là nhờ lòng thương xót thị dành cho “cu” (thị gọi ông chủ một cácg âu yếm là cu – “cu” cũng có thể hiểu là dương vật)  nên cu dần hồi phục, tỏ dấu biết ơn và yêu thương thị nên một hôm thị đã bừng dậy “chất  đàn bà”, làm tình như một ban phát cho “cu”. Nhưng  vì “cuộc sống còn nghiệt ngã gấp hàng trăm hàng ngàn lần”, bà chủ vì đã gắn máy thu hình trong phòng chồng nên biết rõ chuyện xảy ra và kết cuộc là thị không những bị  đuổi  khỏi nhà chủ mà còn lâm vào cảnh tù tội. Chuyển thể tự sự, Y Ban cho nhân vật nữ xưng tôi (tự sự ở ngôi thứ nhất) trong Tự, truyện đặc sắc nhất trong toàn tập. Đây là một phụ nữ có quyết tâm cao, trưởng thành từ thời bao cấp, khát khao thể hiện nữ tính, có nghĩa là muốn giành quyền làm người. Lấy chồng thời bao cấp, và những cấm kỵ và hoàn cảnh sinh sống khốn khổ thời đó đã làm người đàn bà này càng thêm khao khát được “làm đàn bà” hơn, tức là muốn làm trọn cái chức năng yêu và được yêu dù có phải “lụy” : “Sự khát khao của tôi cũng dẫn tôi đến một chữ lụy’

Cuộc sống thời bao cấp tuy có làm cho mọi người sau này “ân hận” nhưng ân hận chưa phải là giác ngộ thân phận. Vì cuộc sống chung đụng, vì hai vợ chồng trẻ không thể có được một căn phòng riêng biệt kín đáo để yêu nhau nên trong một lần hai người say mê làm tình bị người anh chồng “thình lình bắt gặp”. Từ đó chồng chị trở thành bất lực trong chuyện chăn gối. Không tuyệt vọng, người phụ nữ này quyết thể hiện “ cái tôi đàn bà”: đi học trở lại, đỗ đạt cao và có địa vị một chuyên gia tầm cỡ, có cuộc sống về mặt kinh tế đã tạm đầy đủ. Nhưng người phụ nữ này vẫn day dứt khôn nguôi, chưa thể hiện bản thân đầy đủ vì chưa yêu và được yêu tận cùng. Chị cũng hiểu được quyền yêu đương là nhân quyền. Và người phụ nữ này đã tìm đến với hai người đàn ông, tuy trong lòng vẫn thầm day dứt “Thế tôi vẫn phải lụy sao?”. Như vậy ta cũng đã thấy người phụ nữ này rất nhẫn nhịn, không phải là một người sôi nổi hấp tấp. Thế nhưng hai người đàn ông sau này đã càng làm chị thất vọng hơn. Người thứ nhất là một quan chức lớn trong chính quyền. Người này đưa chị đến một “nhà nghỉ” (nhà nghỉ ở khắp nước giờ đây mọc lên như nấm vì đó là nơi tình ái vụng trộm rất an toàn của quí ông có chức quyền hoặc thừa tiền bạc) và những ứng xử của vị quan chức này với chị thật bần tiện: sau khi vội vã giải quyết nhu cầu xác thịt cho riêng mình, đã cực kỳ xúc phạm chị bằng việc trả giá rất bèo cho cuộc làm tình bằng hai bịch sữa góp nhặt ở nơi làm việc. Người đàn ấy tuy đã cảm thấy ê chề nhưng vẫn vùng vẫy cố thoát khỏi sự tuyệt vọng kiếm tìm. Người đàn ông kế tiếp tuy là một giáo sư văn hóa nhưng lại “vô văn hóa” hoặc có một thứ “văn hóa tình dục” hạ cấp, cặn bã của cái văn hóa cố cựu trong máu huyết anh ta, thứ văn hóa ung thư không dành một chỗ đứng nào cho người phụ nữ. Hành vi đỉnh điểm của việc coi thường người đàn bà mình vừa mới thỏa mãn tình dục là việc vị giáo sư văn hóa này đã lấy một chiếc khăn lau bàn ném lên bụng người đàn bà khỏa thân còn đang nằm trơ trọi trên giường. Đau đớn nhưng rồi sau đó người đàn bà trong truyện đã tỉnh táo tự nhủ: … "đó là một hành trình tôi đang đi tìm một tình yêu. Tôi đâu có lụy nhiều cái gọi là tình dục.” Sau những kinh nghiệm tuyệt vọng kiếm tìm tình yêu này, cuối cùng trong một chuyến đi sang Trung quốc, người phụ nữ này thay vì mua sắm hàng hóa vật dụng trong nhà như những người đàn bà làm cùng cơ quan, chị đã mua cho mình một cái “chim giả” để tự giải thoát tình dục.

 Nếu không đọc kỹ Y Ban hoặc đọc nhưng “mù” ý thức nữ quyền rất có thể người ta sẽ cho rằng truyện của Y Ban không có giá trị văn chương vì đã  mô tả “sex” quá nhiều. Đó là một ngộ nhận đáng tiếc. Thật ra những truyện ngắn của Y Ban có thể coi là những “dụ ngôn” (fable) được viết với phong cách hiện thực phê phán xã hội. Về ngôn ngữ truyện, nhà văn Lê Thị Huệ trong một bài phê bình quyển I am Đàn Bà cho rằng Y Ban “rất giàu ngôn ngữ xã hội và đã mang chúng vào các bản văn tiểu thuyết một cách rất chuyên tay.” Nếu chủ đích của Y Ban trong những truyện ngắn này là mô tả sự chông chênh của số phận người phụ nữ khi xã hội chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường toàn cầu hóa, sự chông chênh  trong tình yêu và sự nghiệp cũng như trong nỗ lực phát triển phát triển tận cùng bản ngã phụ nữ thì phải nói Y Ban đã thành công trong mục tiêu đó. Sự thành công này có được vì Y Ban là một nhà văn “có trách nhiệm với ngòi bút” như cô đã tuyên bố trong một bài phỏng vấn với báo chí trước đây.


© 2007 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo