Đào Trung Đạo

 
William T. Vollman
và truyện dài mới xuất bản
EUROPE CENTRAL (Trung Âu

 

William T. Vollman có lẽ là nhà văn trung niên Mỹ có khả năng  “sản xuất” tác phẩm đáng kinh ngạc nhất hiện nay. Lần đầu xuất hiện vào năm 1987 vớt tác phẩm  You Bright and Risen Angels”, cho đến nay qua 18 năm Vollman đã cho ra đời 14 đầu sách gồm 8 truyện dài, ba tập truỵện ngắn, 1 hồi ký, và tập nghiên cứu “Rising Up and Rising Down” trên 3,300 trang in năm 2003 với chủ đề sự bạo động trên toàn thế giới, và mới đây nhất là tiểu thuyết “Europe Central” dày 811 trang. Tổng cộng, cho đến nay Vollman là tác giả hơn 30,000 trang sách, không kể những bài viết đăng khá đều đặn trên những tạp chí văn học lớn của Mỹ như The New Yorker, Harper’s, Esquire, The Paris Review, Conjunctions, và Granta. Về lượng đã vậy, về phẩm cả độc giả lẫn những nhà phê bình văn học đều đồng ý Vollman là một nhà văn có tầm cỡ của Thomas Pynchon, William Gaddis, John Barth, và William Gass,  tuy so về tuổi tác những nhà văn nói trên nay đã ngoài 70 trong khi Vollman mới ngoài 40. Về tiểu thuyết của Vollman không có cuốn nào dưới 600 trang. Có lẽ chỉ có David Foster Wallace cùng trang lứa là đã có tiểu thuyết nổi tiếng được giới trẻ ham mộ Infinite Jest dày 1079 trang. Nhiều người tự hỏi: Phải chăng đó là một đặc điểm của tiểu thuyết Mỹ hiện đại? Tỷ phú Mỹ là người có Megabucks  (bạc khối) và nhà văn Mỹ viết Megabooks  (sách khối)!

 

Có lẽ Europe Central (Trung Âu) là thành tựu ngoạn mục  nhất của William T. Vollman. Sách thành công về nhiều mặt: đề tài là những hành vi đạo đức trong chiến tranh của những nhân vật lịch sử ít được biết tới. Như chúng ta biết, lịch sử thường chỉ đưa ra ánh sáng những sự kiện, những nhân vật “chính” ngoài tiền trường. Những nhân vật trong “hậu trường” lịch sử thường vĩnh viễn bị đậy vào bóng tối tuy họ đã có những hành động, đã có một cuộc đời mang đậm dấu ấn của giai đoạn lịch sử đó. Điều đáng chú ý hơn nữa là những nhân vật này đã chọn một thế đứng đối lập với quyền hành và có những hành vi nhân đạo. Họ là những nhân vật “ngoại sử”, nói theo cách viết sử của những sử gia Trung hoa thời xưa. Trong mảng tiểu thuyết lịch sử Âu-Mỹ, những nhân vật ngoại sử thường ít thấy xuất hiện, và nếu có được nhắc tới chăng nữa thì cái chủ ý của nhà văn khi nhắc tới họ không được củng cố bằng một quan điểm triết lý lịch sử rõ ràng và về tài liệu có liên quan đến họ không được phong phú và chính xác.

 

          William T. Vollman là một nhà văn có quan điểm chống bạo động lịch sử. Cũng như  Salman  Rushdie, Vollman muốn nhìn vào vùng tối thẳm khuất kín của lịch sử, đưa ra ánh sáng những sự thực lịch sử bị chôn vùi. Từ ba mươi năm trở lại đây trong giới nghiên cứu “Tự Sự” (Narrative)  Âu-Mỹ người ta đã thấy rõ lịch sử thường được viết bằng một lối tự sự vay mượn của văn chương và đã được viết ra với dấu ấn, ảnh hưởng của ý-thức-hệ chủ trì của một giai đoạn lịch sử nào đó. Nói thế có nghĩa chân lý lịch sử không là chân lý tuyệt đối, Lịch Sử (sách) chẳng qua cũng chỉ là một công trình được xây dựng, cấu trúc (constructed) . Đấy là chưa kể những nhân vật và guồng máy quyền hành trong một giai đoạn nào đó đã tạo áp lực để lịch sử được viết theo cách  nếu không là ngụy tạo thì cũng là được “cắt xén” trong chiều hướng nhằm duy trì quyền hành đương thời.  

 

“Trung Âu” của Vollman là diễn ngôn của những nhân vật chìm khuất trong những vùng tối thẳm bị ngăn cách bởi vùng ánh sáng “chính sử”. Diễn ngôn ấy xuyên thủng vùng ánh sáng lóe mắt để nối kết những vùng bóng tối bị quên lãng bằng tình yêu con người. Và trên heat thảy, là tình yêu của William T. Vollman dành cho Elena qua sáng tạo nghệ thuật tự do. Khác với những tác phẩm day đặc chữ nghĩa trước đây, trong “Trung Âu” tình tiết mỗi truyện hấp dẫn, tuyến tự sự tương đối đơn giản theo thứ tự thời gian, bút pháp viết tiểu thuyết mới không câu nệ vào qui tắc cổ điển về người kể chuyện, cách chơi chữ (puns) rất tài tình nên khiến người đọc rất thú vị, bõ công kiên nhẫn đọc một tác phẩm  đồ sộ.  Có thể coi “Trung Âu” là những truyện ngắn nối kết nhau bằng sợi dây chủ đề xuyên suốt thành một truyện dài.

 

Ngoài phần Vào Truyện “Steel in Motion” dài 8 trang và khoảng trên 50 trang “Nguồn Tài Liệu”, phần còn lại gồm 36 “cặp” truyện xảy ra ở Liên Xô và ở Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến. Những cặp truyện này không phải là những truyện  xảy ra trong cùng một khoảng thời gian hay không gian, nhung cứ truyện này xảy ra ở Liên Xô thì truyện kia xảy ra ở Đức trong những năm khác nhau nhưng Vollmann cố ý ghép với nhau với mục đích so sánh và đối nghịch những hành động đạo đức của các nhân vật. Trong 36 truyện  có 5 truyện dài trên 50 trang, nhưng cặp truyện “Opus 110/A Pianist from Kilgore” dài 126 trang là hay nhất.

 

Chủ đề của Europe Central là hành động đạo đức của những người có liên hệ trực tiếp tới cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai ở Liênxô và Đức. Vollman muốn nói lên sự thực được ít người lưu tâm: trong khi chủ nghĩa cuồng tín đang hoành hành gây ra những hậu quả khốc liệt ở Nga (chủ nghĩa cộng sản) và ở Đức với chủ nghĩa phát xít, đã có những con người lội ngược dòng cuồng lưu, có những hành động đạo đức và những hành động này cần thiết  phải được kể lại. Chẳng hạn trong cặp truyện “Breakout/The Last Field-Marshal,” (Rã Ngũ/Vị Thống chế Cuối Cùng) kể lại truyện Đại tướng Nga Andrei Vlasov và truyện Thống chế Đức Freidrich Paulus, cả hai đã bất tuân hành lệnh thượng cấp là  những tay lãnh đạo độc tài vô nhân (Stalin với cái tên “người theo chủ nghĩa hiện thực” và Hitler với cái tên “kẻ mộng du” do Vollman đặt) để cứu đám binh sĩ dưới quyền tránh khỏi bị tàn sát.  Vlasov đã khuyến khích quân lính đang trong tình trạng thảm bại trong chiến dịch giải phóng thành phố Lenigrad hãy rã ngũ hay gom nhau thành những đơn vị nhỏ để đào thoát , còn Paulus tuy đã ra đầu hàng Nga ở Lenigrad và hợp tác với kẻ thù cọng sản nhưng đã làm vậy để chống Hitler. Tướng Vlasov bị Đức bắt làm tù binh và tình nguyện lãnh trách nhiệm lãnh đạo những người Nga thù ghét cọng sản chống lại Stalin nhưng sau đó bị bắt và bị tử hình trong khi Thống chế Paulus tuy không bị sát hại sau khi chiến tranh chấm nhưng rồi cũng bị thất sủng.  Cả hai đều bị gọi là những kẻ phản bội.  Cặp truyện “Zoya/Clean Hands” viết về Zoya người phụ nữ Nga đã mưu toan ám sát Lenin và viên sĩ quan trẻ người Đức tên Gerstein đã cố xin gia nhập đoàn quân Quốc xã SS để khám phá và thu thập những tin tức mật về các lò thiêu người Do thái rồi tìm cách chuyển những tin này ra bên ngoài. Gerstein cũng đã tìm mọi cách để trì hoãn việc vận chuyển chất Zyklon B đến các lò thiêu. Trong “Trung Âu” Vollman đã không bỏ quên giới làm văn học nghệ thuật: truyện nữ thi sĩ Anna Akhmatova từ chối làm thơ ca ngợi Stalin và chống lại chủ trương văn chương hiện thực xã hội, nữ điêu khắc gia Đức Kathe Kollwitz bác bỏ lời buộc tội tác phẩm của mình quá bi quan và cương quyết dùng nghệ thuật điêu khắc để ghi lại những cảnh áp chế dưới chế độ phát xít là những cặp truyện hay.

 

Có lẽ Vollman đắc ý nhất khi viết “ Opus 40” 13 trang khai đề và “Opus 110” 126 trang kể lại truyện tình tay ba giữa nhà soạn nhạc Nga nổi tiếng Dmitri Shostakovich, người tình Elena Konstantinovskaya thông dịch viên của Shostakovich, và chồng  Elena là nhà làm phim tài liệu  Roman Karmen. Dimitri Shostakovich là một điển hình thân phận văn nghệ sĩ sống dưới chế độ cọng sản: chơi trò trốn bắt để tồn tại. trong hoàn cảnh một mặt tuy vẫn được chế độ chiếu cố nhưng mặt khác lại bị lên án là người theo “chủ nghĩa hình thức”.  Roman Kamen là kẻ suốt đời trung thành với chế độ. Ở giữa hai điển hình đó là Elena Konstantinovskaya: Elena yêu Dimoitri nhưng lại lấy Roman làm chồng. Truyện tình giữa Elena và Dimitri là chuyện thực sự xảy ra. Dimitri Shostakovich suốt trong thời kỳ sống dưới thời Stalin lúc nào cũng sợ hãi khốn khổ vì hối hận đã để mình bị đặt dưới sự áp chế của lãnh đạo nhưng đồng thời vẫn tìm cách khả dĩ nhất để duy trì được sự tự do sáng tạo. Tình yêu dành cho Elena đã ám ảnh suốt đời nhà soạn nhạc lẫy long này. Vollmann tuyên bố: “Tôi có rất nhiều lý do khác nhau khi viết về Elena như là một người có khả năng dành tình yêu cho cả nam giới lẫn nữ giới, chủ ý cố sao làm cho nàng càng vô cùng  đáng yêu bao nhiêu càng hay. Tôi đã viết trong quyển sách này rằngTrên hết thảy, Trung Âu là Elena”’ Tuy có dựa vào sự thực phần nào khi viết “Opus 40” với cái khung tự sự chính là bản tấu khúc Opus 40 của Shostakovich nhưngø “Opus 110 mang nhiều tính hư cấu. Tình yêu (của) Elena là nỗi ám ảnh khôn nguôi của nhà văn Vollman.

 

Với Europe Central chúng ta thấy William T. Vollmann là một người viết luôn luôn đi vào những thử nghiệm để làm mới tiểu thuyết. Thử nghiệm về kỹ thuật viết tiểu thuyết với nhiều nhân vật kể chuyện khác nhau trong một quyển tiểu thuyết. Thử nghiệm về quan điểm chống lại “chính sử”. Và cuối cùng là thử nghiệm đọc tiểu thuyết để có một cái nhìn khác về lịch sử, rằng tìm đến với lịch sử cũng có nghĩa là hồi ức về nỗi thống khổ gây ra bởi bạo động con người đã gánh chịu bấy lâu.

 

 Đào Trung Đạo 

 

 

Đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo.