đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo


Shan Sa

và tiểu thuyết

NỮ HOÀNG
(Impératrice)

 

Shan Sa được nhiều độc giả biết tới qua tác phẩm Nữ Đấu Thủ Cờ Vua (La joueuse de go) đựoc trao tặng giải Goncourt năm 2001. Shan Sa sinh năm 1972 ở Bắc Kinh, năm 1990 qua Pháp sống, theo học văn chương và triết học, làm việc với họa sĩ nổi danh Balthus. Cho đến nay Shan Sa đã cho xuất bản 5 tập thơ, 5 tiểu thuyết, 1 tập khảo luận.Tiểu thuyết mới nhất xuất bản năm 2005 của Shan Sa là quyển Les Conspirateurs với ba nhân vật gián điệp 2 nam 1 nữ. Nhân vật nữ là người Trung hoa, 2 nhân vật nam kia một Mỹ một Pháp, cả ba lăn xả vào một cuộc chiến tranh tình báo không khoan nhượng. Ngòai viết văn và làm thơ, Shan Sa cũng còn là một họa sĩ đã triển lãm tranh ở ParisNew York. Nhân dịp quyển Impératrice (Hòang Hậu) mới được dịch sang Anh văn (Empress, bản dịch của Adriana Hunter, do Harper Collins xuất bản), chúng tôi xin giới thiệu quyển sách này và  sơ lược về chủ ý của Shan Sa khi lấy chủ đề Võ Tắc Thiên.

 

Với độc giả Việt Nam, nhân vật Võ Tắc Thiên hoặc Võ Hậu không phải là một nhân vật lịch sử xa lạ, nhất là đối với khán giả cải lương. Người đời thường nghĩ Võ Tắc Thiên là một nhân vật độc đáo với sự tương phản rõ nét: tài trí nhưng độc ác. Người ta cũng còn để ý tới cả một chi tiết nhỏ nhặt khác là bà ta rất sợ tiếng mèo kêu! Có thể nói Võ Hậu là một nhân vật dân gian, và khi đã là một nhân vật dân gian thì quanh nhân vật đó có rất nhiều huyền thọai. Truy cứu chính sử để tìm những thông tin về vị nữ hoàng duy nhất của Trung quốc này nhưng chính sử không những không đưa ra những thông tin khả tín mà còn bóp méo sự thực vì người chép sử thời xưa mang nặng óc kỳ thị nữ giới, tìm cách miệt thị Võ Hậu  và nhất là việc một phụ nữ  ngồi vào ngôi thiên tử ở Trung quốc thời đó hòan tòan là một điều không thể chấp nhận được. Nhà xuất bản Mỹ cho ra mắt bản dịch quyển Nữ Hoàng của Shan Sa vào thời điểm này có lẽ cũng có ý định trắc nghiệm, đo lường dư luận quần chúng về việc có thể chấp nhận một Nữ Tổng Thông hay không.

 

Những nét chính của cuộc đời Võ Tắc Thiên như chúng ta vẫn biết: xuất thân tiện dân thuộc bộ lạc họ Võ, tuy cha là người tài giỏi theo giúp Đường Thái Tông (thế kỷ thứ 7) và được triều đình trọng dụng và phong quan, lấy vợ con quan trong chính triều nhưng khi cha chết đi, Võ Tắc Thiên tức Thiên Quang cùng mẹ, chị và em gái bị hồi hương trở về quê cũ, không những phải sống cuộc đời bần hàn mà còn bị gia đình bên nội hành hạ. Từ nhỏ Thiên Quang là một bé gái khác thường: tuy thích cưỡi ngựa bắn cung luyện võ nhưng đầu óc cũng đầy mộng mơ và có một ý chí sắt đá tìm ra một khai lộ (initiation), luôn luôn chấp nhận mọi khổ đau để bước những bước khởi đầu xây dựng cuộc đời mình. Dịp may đến với Thiên Quang khi cô bé 12 tuổi: Nhờ lời ca ngợi và đề bạt của Đại Tướng Lý, một người bạn chí thân của cha, Thiên Quang được phong chức đệ ngũ cung nữ vào ở trong Cấm Thành. Được tuyển chọn là một trong mười ngàn cung nữ dưới triều Thái Tông nhưng không hề được Thiên tử vời, Võ Tắc Thiên tuy biết số phận mình rồi cũng như trăm ngàn các cung nữ khác khi Thiên tử băng hàn sẽ bị đầy vào tu viện cho đến chết nên thay vì sống giống như những cung nữ khác là tu sửa sắc đẹp để ngóng đợi được vua vời Thiên Quang trở lại với thú cưỡi ngựa bắn cung. Sống trong Cấm Thành nhiều năm Thiên Quang đã mục kích tất cả những gì xảy ra trong triều: sự ganh ghét hãm hại nhau không chỉ giữa đám quan lại, giữa các sủng thiếp, giữa các cung nữ mà còn ngay cả giữa những hòang tử và công chúa.

 

Thiên Quang vì có vẻ đẹp khác lạ nên được Hòang hậu chú ý. Đã tưởng đời mình sẽ thay đổi từ đây nhưng Hòang hậu lại là người đồng tính nên sử dụng Thiên Quang như một nô lệ phục vụ tình dục. Nhưng rồi cơ hội thực sự đã đến khi Thiên Quang được vị hòang tử thứ ba Tiểu Đại Bàng (Little Eagle) và em gái ngưỡng mộ và kết bạn tâm giao. Tiểu Đại Bàng không những tìm được nơi Thiên Quang sự an ủi, những lời cố vấn khôn ngoan để tránh được những âm mưu hãm hại mình mà còn nhìn Thiên Quang như một người tình tuyệt vời. Hai người anh trai của Tiểu Đại Bàng vì âm mưu thóan nghịch nên ngôi báu vào tay Tiểu Đại Bàng. Khi vua cha băng hà, Tiểu Đại Bàng lên ngôi báu (Đường Cao Tông), tất cả các cung nữ cựu triều bị lưu đầy vào tu viện. Trước ngày bị lưu đầy, Cao Tông đang đêm tìm đến cấm phòng gặp Thiên Quang và hứa sẽ tìm cách giữ nàng lại nhưng Thiên Quang nhất quyết khuyên Cao Tông phải tuân theo phép triều, hãy để nàng sống trong tu viện đủ hai mươi bảy tháng rồi sau đó nếu quả thực nhà vua yêu thương nàng sẽ cho triệu nàng về cung. Khi gần đáo hạn lưu đầy, Cao Tông xa giá thăm tu viện giam giữ cung nữ cựu triều, quyết tâm ngủ lại tu viện và làm tình với Thiên Quang, báo cho nàng biết đó là quyết tâm của mình để Hoàng Hậu (không sinh được con trai nối giõi) phải chấp nhận quyết định đưa nàng về triều. Đó là khúc rẽ quyết định cuộc đời Võ Tắc Thiên và lịch sử Trung Quốc.

 

Hai mươi chín tuổi trở về triều, Võ Tắc Thiên khởi đầu âm thầm từ trong bóng tối tìm cách thu dần quyền bính bằng những thủ đoạn chính trị tinh vi tìm cách lọai trừ tất cả những đối thủ chính trị, lọai bỏ đương kim hoàng hậu và được Cao Tông cùng triều đình tấn phong Hoàng hậu, cùng với Cao Tông thiết triều chia xẻ quyền hành trị nước. Khi Cao Tông lớn tuổi không thiết tha việc ttriều chính và ham nghiên cứu y dược, giao hẳn việc cai trị cho Võ Hậu và khi Cao Tông băng hà, Võ Hậu lên ngôi Nữ Hòang lúc bà 50 tuổi. Bà có 4 người con trai với Cao Tông nhưng theo xét đoán của Võ Hậu, cả bốn người đều không xứng đáng ngôi thiên tử nên bà truất quyền kế vịc của cả bốn người. Võ Hậu cải cách việc triều chính, canh tân văn hóa, đưa nước Trung Hoa đi vào một thời đại mới. Những quyết định chính trị của Võ Hậu vừa vương đạo vừa bá đạo: Hậu khinh bỉ phần đông nam giới, càng có học càng tham lam quyền hành, hèn hạ, nhưng Hậu cũng là người rất sang suốt và hiểu rất rõ thiên mệnh. Ngồi ở vị trí tuyệt đỉnh quyền hành và vốn là một Phật tử thuần thành, Võ Hậu cảm được nỗi cô đơn tuyệt cùng của phận người. Ngòai 50 tuổi Võ Hậu trong thời hồi xuân cũng không vượt qua được những đòi hỏi tình dục, tìm cách thỏa mãn với một cung nữ trẻ.

 

Nữ Hoàng từ chương đầu tới chương chót là lời tự sự của Võ Tắc Thiên. Shan Sa tuy có dựa vào sử sách, huyền thọai nhưng đã tái tạo nhân vật lịch sử này không những trên quan điểm nữ quyền mà còn với một triết lý đậm tư tưởng Phật giáo. Trong bài thơ “Issa” Shan Sa đã viết: “Trên cõi đời này chúng ta đi trên mái địa ngục và ngắm nhìn những bông hoa.” Nghĩa là trong địa ngục có hoa nở và trong hoa nở có địa ngục. Theo Shan Sa, đời sống là một khởi đầu, một khai lộ, chúng ta bắt đầu từ một khởi điểm rất thấp, trong vô minh để đi dần đến sự hiểu biết một cách can đảm, không khoan nhượng hay hối tiếc, không lùi bước. “Qua tiếng nói của một phụ nữ  khởi đầu ở vị thế một nô tỳ…và trở thành Hoàng Hậu năm 29 tuổi, lên ngôi báu năm 50 tuổi và đã đưa Trong quốc lên đỉnh cao văn minh. Tất cả chúng ta là hậu duệ của Võ Hậu. Bà là kẻ đặt nền móng cho nước Trung Hoa, cuộc đời của bà là một khởi đầu trường kỳ….”

 

     Shan Sa có một cách viết tiểu thuyết khá đặc biệt: Quyển sách được hoàn tất là kết quả của những trang viết ra trước đó và bị hủy bỏ hoàn toàn để khởi đầu lại. Có kiến thức sâu rộng về Văn chương cổ điển Trung Hoa, ngưỡng mộ văn chương hiện đại Nhật Bản, yêu mến đất nước Mãn châu và trưởng thành ở Pháp, Shan Sa là một kết tinh tầng tầng tỏa ngời của văn hóa Đông-Tây. Khác với Linda Lê quan niệm viết văn bằng một ngôi ngữ (Pháp văn) không phải là tiếng mẹ đẻ “không khác gì làm tình với một xác chết” Shan Sa cho rằng “ Dùng Pháp văn để viết là cách tốt nhất để nối nhịp cầu giữa Trung quốc và Pháp quốc. Bởi vì trong lúc viết như vậy tất cả những ký hiệu ngôn ngữ (codes) bị bỏ rơi. Tôi cố gắng để không viết một tiểu thuyết ngọai lai, một tập sách hướng dẫn về Trung quốc. Viết trực tiếp bằng Pháp văn có cái lợi đó: ta viết một quyển tiểu thuyết đúng nghĩa. Người đọc du hành vào một thế giới họ hoàn toàn không biết gì nhưng có được sự dễ dàng về ngôn ngữ. Và tôi hy vọng rằng cái ngôn ngữ Pháp đó được viết ra theo một cách làm sao cho qua ngôn ngữ đó người ta thấy được ngôn ngữ Trung hoa như thế nào.”(Emma Le Clair phỏng vấn Shan Sa đăng trên Zone Littéraire)

 Đào Trung Đạo

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo