đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

The Emigrants
của
W.G. SEBALD


Nhà văn di dân gốc Đức Winfred Georg Maximilian Sebald có một vị trí đặc biệt trong dòng Văn Chương Vô Xứ . Đặc biệt vì Max Sebalt (sinh thời ông muốn mọi người dùng cách gọi ngắn này) trước hết vì ông là nhà văn đã đưa ra một thể loại văn chương độc đáo để ghi lại những biến cố lịch sử  và sau đó tác phẩm của Sebalt được coi là lâu đài ký ức tập thể và cá nhân sống động nhất của nửa sau thế kỷ 20. Tác phẩm được ca ngợi nhiều nhất của ông là quyển The Emigrants (Di Dân) . Max Sebald sinh ngày 18 tháng 5, 1944 và mất ngày 21 tháng 12 năm 2003 trong một tai nạn xe hơi khi danh vọng đang lên cao. Ông gốc Đức, ra đời tại Wertach im Allgau, Bavaria. Học Đại Học Freiburg ở Đức, ở Thụy Sĩ, và Đại Học Manchester ở Anh. Năm 1966 làm giảng viên ở Đại Học Manchester, cho đến năm 1970 chính thức làm giáo sư văn chương Âu châu ở Đại Học East Anglia, và năm từ 1987 đến 1994   là giám đốc đầu tiên của The British Centre for Literary Translation. Như vậy ngay từ khi còn trẻ cho đến khi qua đời Max Sebald định cư ở Anh, không trở về Đức sống và dự định khi về hưu sẽ qua định cư ở Thụy Sĩ hoặc Pháp. Tác phẩm của Max Sebald gồm 4 tiểu thuyết: Vertigo, The Rings of Saturn, The Emigrants, và Austerlitz. Ngoài tiểu thuyết ông cũng cho xuất bản 2 tập thơ After NatureFor Years Now. Sách  khảo luận văn chương của Max Sebald phần lớn viết bằng tiếng Đức và chưa được dịch nhiều sang Anh văn. Vì là người thông thạo tiếng Anh nên Max Sebald đã hợp tác chặt chẽ với những người dịch sách ông nên bản Anh văn dịch tác phẩm của ông tương đối chuyên chở được văn phong đặc biệt của Sebald.

THE EMIGRANTS ( Di Dân ) nguyên bản Đức văn có phụ đề “Bốn truyện ngắn viết dài” nhưng trong bản Anh văn không thấy phụ đề này. Tác phẩm này được trao các giải thưởng  Berlin Literature Prize, Literature Nord Prize và huy chương Johannes Brobowski. Như phụ đề chỉ rõ đây là truyện kể cuộc đời bốn di dân: Bác sĩ Henry Selwyn, nhà giáo Paul Bereyter, ông chú Ambros Adelwarth và họa sĩ Max Ferber. Thật rat a phải kể thêm nhân vật thứ 5 là người kể chuyện có mặt trong suốt 4 truyện nữa. Trong 4 nhân vật chính Selwyn và Ferber gốc Do thái, Adelwarth gốc Đức và được người kể chuyện úp mở cho biết ông là người đồng tình luyến ái, và Bereyter có cha là người lai Do thái. Cả Selwyn lẫn Bereyter đều tự kết liễu đời mình, Adelwarth khi lớn tuổi phải vào bệnh viện tâm thần chịu đựng những cuộc trị liệu bằng điện cực rất đau đớn, còn họa sĩ Ferber không trở lại Đức sau khi chiến tranh kết thúc mà ở lại Manchester, ngày đêm quanh quẩn trong xưởng họa tối tăm liên tục vẽ rồi lại xóa, xóa rồi lại vẽ và khi hoàn thành họa phẩm trở thành “những bộ mặt tổ tiên biến thành tro nhưng không biến đi mà vẫn hiện hữu, giống như những hiện diện ma quái trên mặt giấy đã bị tàn phá.”

Người kể chuyện (rất có thể chính là tac gia Max Sebald) và vợ  gặp gỡ Bác sĩ Henry Selwyn khi tìm thuê căn phòng  trong nhà của bà vợ ông bác sĩ. Vào giai đoạn này Bác sĩ Selwyn về hưu đã lâu, ăn ở lẩn khuất trong một căn nhà ẩn dật phía cuối vườn rông sau nhà, ngoài việc trồng trọt chút đỉnh ông để hết tâm lực vào việc nghiền ngẫm “những ý tưởng, như đã có lần ông nói với tôi, những ý tưởng này một mặt cứ càng ngày càng mờ nhạt dần đi, mặt khác chúng  lại hóa thành rất rõ nét và có ý nghĩa rõ ràng.” Trong một bữa tiệc hiếm hoi kỳ quái do Bác sĩ Selwyn mời vợ chồng người kể chuyện nhân có ông bạn cũ là Edwin từ xa đến thăm, Selwyn có thoáng kể lại đời ông: học y khoa ở Cambridge, thời gian thực tập ở Berne nên có dịp thân thiết với tay hướng dẫn leo núi Naegeli, khi chiến tranh bùng nổ bị động viên nên mất liên lạc với Naegeli. Khi hai vợ chồng người kể chuyện đã mua được nhà riêng vào quãng năm 1971, Selwyn một hôm ghé thăm, nhân khi Clara là vợ của người kể chuyện vắng nhà, Selwyn sau khi hỏi người kể ttruyện có cảm thấy “nhớ quê” không đã vắn tắt kể lại cuộc đời mình: Hồi được 7 tuổi tức là vào quãng năm 1899, ông cùng cha mẹ, hai chị gái là Gita và Raja cộng thêm ông Chú Shani từ một làng quê thuộc tỉnh Grodno thuộc Lithuania rời quê lên tỉnh rồi mua vé tàu thủy để được đưa đi Mỹ. Nhưng khi tàu ghé bến đổ những di dân lên đất liền mọi người chưng hửng vì không phải họ được đặt chân lên New York mà là London! Trước đây tên thật của Selwyn là Hersch Seweryn, sau khi thi được vào trường thuốc ở Cambridge mới đổi là Henry Selwyn. Selwyn lấy vợ giầu có, sốgn cuộc đời trưởng giả, dấu không cho vợ biết gốc gác mình. Hai vợ chồng sống không hạnh phúc. Những năm thời Đệ Nhị Thế Chiến và nhiều năm sau đó là thời gian mù lòa tăm tối trong đời Selwyn và vào khoảng năm 1960 ông thôi hành nghề ysĩ, cắt đứt mọi liên laic với thế giới. Mấy tuần lễ sau lần đến thăm người kể truyện, Bac sĩ Henry Selwyn dùng cây súng săn tự kết liễu đời mình.

 Ba cuộc đời di dân kế tiếp cũng thê thảm không kém: truyện ông thày giáo thời học tiểu học tên Paul Bereyter gốc Đức lai Do thái, hồi thanh niên học trường sư phạm công giáo, từ 1935 đến 1939 dạy học Besancon bên Pháp, sau đó quay về Đức và mất 6 năm trong quân đội Quốc xã Đức, bị sa thải trong thời Hitler cầm quyền vì “chỉ có 3 phần 4 gốc Aryan”. Khi lớn tuổi Paul càng ngày càng xa lánh mọi người và vào cuối tháng Chạp 1984, chỉ mấy ngày sau tiệc sinh nhật thou 74, đã tự sát  vì – theo lời một bà bạn thân của ông -  “Paul cảm thấy mình thuộc về nơi lưu đầy” chứ không thấy mình thuộc về nước Đức. Khuôn mặt di dân thứ 3 trong sách là Ông Chú Ambros Adelwarth của tác giả. Ambros từ nhỏ đã có máu giang hồ phiêu bạt, lưu lạc tứ xứ, cuối cùng di dân qua New York  từ những năm đầu thế kỷ, may mắn được nhà tỷ phú sản xuất máy bay Samuel Salomon tín cẩn thuê làm hầu cận cho con trai của ông là Cosmo Salomon. Cosmo là một thiên tài, nhất là tài đánh bạc, nhưng bệnh hoạn và người kể truyện úp mở cho ta thấy Ambros và Cosmo là một cặp đồng tình luyến ái.

 [Hai người hết du lịch đến những nơi ăn chơi nổi tiếng từ hồi mới thành lập vào năm 1913 của giới quí phái ở Pháp và Thụy Sĩ, khi Cosmo đã chán đánh bạc lại lên đường qua Ý rồi đến viếng thánh địa Jerusalem. Nhưng từ sau chuyến đi này, khi trở về New York vào thời gian thế chiến thứ nhất bùng nổ, Cosmo sống hoàn toàn xa lánh mọi người, cuối cùng phải vào viện tâm thần ở Ithaca, New York và chết ở đấy. Sau khi Cosmo chết, Ambros  rất bận rộn với công việc quản lý tư dinh gia đình Salomon ở Rocky Point cho mãi tới khi gia đình nhà tỷ phú này lụn bại.]

 Cuộc đời Ambros cũng kết thúc trong một viện tâm thần, trải qua những cuộc trị liệu rất đau đớn bằng phương pháp chạy điện. Ambros chết đi để lại một cuốn sổ tay ghi chú những ngày tháng, địa danh, sự việc trải qua cùng với Cosmo. Cuối cuốn sổ tay Ambros ghi: “Ký ức thường quất vào đầu óc tôi làm tôi tê liệt. Nó làm cho đầu óc ta nặng chịch và choáng váng, như thể mình không phải là đang cúi nhìn lại những khoảng thời gian đang lùi xa mất hút mà là như thể mình đang cúi nhìn mặt đất từ một nơi cao chót vót, như đang đứng trên những cái tháp cao, đỉnh tháp bị mây phủ khuất.”

Truyện cuối cùng trong tập “Di Dân” kể lại cuộc đời họa sĩ Max Ferber: vào mùa thu năm 1943 khi đó mới 18 tuổi Ferber đến Manschester theo học hội họa.

{Ferber hồi đó còn nhớ mãi là đã ở trọ tại căn nhà số 104 Palatine Road và đó cũng chính là căn nhà Ludwig Witgenstein khi đó hai mươi tuổi đã ở để theo học ngành kỹ sư vào năm 1908.]

Mấy tháng sau bị gọi nhập ngũ, vào trại huấn luyện được một thởi gian ngắn nhưng vì mắc bệnh vàng da nên được đưa vào dưỡng đường rồi được giải ngũ vào tháng 5, 1945. Sống ẩn hiện vất vưởngFerber đã chọn thành phố Manchester hiện đang suy sụp làm nơi định cư, lập một xưởng vẽ trên con đường dẫn từ bến cảng vào công viên Trafford. Trong cái xưởng vẽ tối tăm bụi bậm lớp lớp đó ngày ngày Ferber vẽ rồi xóa, xóa rồi vẽ hoài hủy những chân dung và tác phẩm khi hoàn thành chỉ còn là những chân dung tro bụi. Vào quãng năm 1991 Ferber được đưa vào bệnh viện Withington dành cho người vô gia cư vô nghệ nghiệp ở Manschester vì mắc bệnh thũng phổi.

Những cuốn tản văn của Max Sebald không phải là những “tiểu thuyết” theo nghĩa thông thường mà là một biến thể tiểu thuyết độc đáo của riêng ông.   Sebald pha trộn các thể loại hồi ký, ký, tự truyện, luận văn, phê bình, trầm tư... và dùng một lối tự sự xáo trộn thời gian nhưng lại đưa ra những thông tin cụ thể kèm theo những tấm hình đen trắng không có chú giải khiến người đọc lúc đầu tưởng như  mọi việc là đáng tin, có thực nhưng khi đọc xong lại thấy sự thực thật mơ hồ. Đó là chủ ý của Max Sebald: theo ông, ký ức là cái xương sống của văn chương, ta không thể trốn chạy khỏi ký ức được và chính ký ức tạo cho cuộc đời chúng ta một hình dạng riêng biệt. Những tác phẩm tản văn của Max Sebald không phải là những tiểu thuyết lịch sử mà là “một ẩn dụ hay phúng dụ của một biến cố lịch sử tập thể.” Max Sebald là một nhà văn không thỏa hiệp với quyền hành hay bạo lực qua lời tuyên bố “Tôi không nghĩ rằng một nhà văn có thể viết từ một vị trí thỏa hiệp.”

Đào Trung Đạo