Đào Trung Đạo

đọc
SHALIMA THE CLOWN
Của Salman Rushdie

Tháng trước độc giả tiểu thuyết thế giới một lần nữa được thưởng thức một tác phẩm mới của nhà văn vô xứ Salman Rushdie, quyển SHALIMA THE CLOWN (Shalima Chàng Hát Xiệc). Có lẽ lần này Salman Rushdie tuy viết về đề tài những kẻ khủng bố – một đề tài có tính thời sự nóng bỏng và nhạy cảm có đối với những người theo Hồi giáo – sẽ không đến nỗi bị một cái fatwa (án tử hình) hay bị săn đưổi và đốt sách như khi cho xuất bản quyển Satanic Verses (Những Vần Thơ của Quỉ). Shalima The Clown là cuốn tiểu thuyết thứ chín của Rushdie và cuốn thứ nhì sau quyển Fury (Cuồng Nộ) ông đã viết từ khi sang Mỹ định cư. Sách dày gần 400 trang, gồm 5 chương: India- tên người con gái ngoại hôn của Max và Boonyi, người thiếu nữ Ấn xinh đẹp làng Pachigam, Max hay Maximilian Opuls cựu Đại sứ Mỹ ở Ấn, Shalima the Clown người yêu từ hồi niên thiếu vàø cũng là chồng chính thức của Boonyi, và cuối cùng là Kashmira, một tên mới của India khi đi tìm tung tích người mẹ đẻ và quyết tâm tìm cách trả thù kẻ đã giết chết cha mẹ mình.

Chương mở đầu với India hiện đang cư ngụ ở Los Angeles chờ cha là Max đến chúc mừng sinh nhật thứ 24 của cô. Sau khi hai cha con đi ăn sinh nhật ttrở về,  Max đã bị đâm chết ngay trước ngưỡng cửa nhà India. Thủ phạm không ai khác chính là Shalima Chàng Hát Xiệc, tài xế riêng của Max. Chương thứ nhì kể chuyện đời Boonyi, cuộc sống ở làng miền núi Pachgan. Chương thứ ba viết về Max, xuất thân từ một gia đình Mỹ gốc Do Thái giàu có  ở Strasbourg bên Pháp. Cha mẹ Max là chủ nhân một nhà xuất bản nổi tiếng. Max tốt nghiệp Kinh tế và Bang Giao Thế giới ở Đại học Strasbourg và Luật ở Paris, nhưng tài năng độc đáo nhất là tạo sản phẩm giả mạo. Chẳng hạn khi ở Paris vừa học Luật Max vừa đi vào hội họa, tranh do Max sáng tác rất tầm thường nhưng những bức Max vẽ theo tranh của những danh họa đương thời thì rất tuyệt vời,  chỉ cần có chữ ký của những danh họa nàyï thì không ai có thể biết đó là tranh giả mạo. Có bằng cấp nhưng Max không hành nghề luật sư vì Max biết “Lịch sử mới thật là nghề của mình, cái nghề nghiệp thực sự mình sẽ cống hiến cả đời, cái nghề rồi đây sẽ chứng tỏ giá trị khả năng giả mạo của mình.” Max nhận một chân phụ giảng Kinh tế cho một giáo sư nổi danh và phụ giúp việc điều hành cơ sở ấn loát của cha mẹ. Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, quân Đức xâm lăng Pháp, Max được móc nối tham gia Kháng Chiến và trở thành một nhân vật nổi danh sau khi Quốc xã Đức bại trận. Chính trong thời gian theo Kháng Chiến hoạt động trong những đường dây tình báo Max đã gặp gỡ và cưới Peggy. Peggy là một đầu mối tình báo cao cấp. Hai người sống không hạnh phúc, không có con cái. Cơ hội đến tay khi Max được Tổng thống Johnson cử  làm Đại-sứ Mỹ ở Ấn Độ thay thế John Kenneth Galbraith trong một giai đoạn rất đặc biệt của lịch sử bang giao Mỹ-Pakistan-Ấn. Vào lúc này, bề ngoài Mỹ ra mặt trợ giúp Pakistan tuy biết chắc chính quyền nước này đang ngả theo Trung cộng nên Tổng thống Johnson theo lời cố vấn Rostow quay sang hậu thuẫn Ấn Độ và Max là một ứng viên sáng giá nhất cho chức đại sử ở Ấn.  Ngoài rất nhiều tài năng về chính trị và kinh tế, Max cũng là một người đàn ông rất quyến rũ phái nữ. Chương thứ tư Rushdie viết về Shalima Anh Hát Xiệc và mối hận thù chất chứa trong lòng suốt hai mươi tư năm cho đến khi hạ sát được Max. Vụ áÙn mạng dưới mắt giới an ninh Mỹ lúc đầu tưởng như là một hành động khủng bố chính trị nhưng thực ra nguyên nhân lại là lòng hận thù cá nhân. Kẻ sát nhân Shalima Anh Hát Xiệc từ trên hai mươi tư năm nay đã quyết tâm phải hạ sát ba người: Max, Boonyi, và India. Shalima và Boonyi từ khi mười bốn tuổi còn ở làng Pachigam thuộc Kashmir đã yêu nhau thắm thiết tuy Boonyi gốc Ấn và Shalima gốc Hồi.  Làng Pachigam và làng Shirmal kế bên vốn nổi tiếng về nấu ăn và trình diễn kịch nghệ cổ truyền.

Sau khi thành hôn Boonyi và Shalima nhập vào gánh hát xiệc và sân khấu của hai làng:   Boonyi trở thành một vũ công tài sắc và Shalima Anh Hát Xiệc nổi tiếng với tài đi giây tài tình rất được công chúng hâm mộ. Nhưng rồi Boonyi gặp Max, ông Đại sứ Mỹ sang trọng hào hoa, trong một buổi trình diễn do các chức quyền Kashmir đặc biệt tổ chức để làm vừa lòng vị đại diện của nước Mỹ. Ngay giây phút đầu tiên gặp nhau “Khi Boonyi lần đầu gặp ánh mắt Maximilian Ophuls trong lúc ông đang vỗ tay cuồng nhiệt và cặp mắt ông nhìn xuyên thủng nàng khi nàng cúi mình chào khán giả như thể ông muốn nhìn thẳng vào tâm hồn nàng. Trong cái giây phút đó nàng biết rằng nàng đã tìm thấy được cái nàng bấy lâu nay chờ đợi. Nàng tự nhủ thầm, ta đã thề rằng ta sẽ bắt ngay lấy sự may mắn khi nó đến với ta, và này đây sự may mắn đã tới nhìn thẳng vào mặt ta và hai tay nó đập vào nhau như một thằng điên.” Sau buổi gặp gỡ đó, quatrung gian của Edgar Wood, tay tùy viên thân tín của Max,  Boonyi cùng gánh hát được mời lên Delhi trình diễn và cà Max lẫn Boonyi đã có dịp thực hiện ước muốn của mình. Với sự xếp đặt của Edgar, Boonyi không trở về Pachigam theo đoàn, ở lại làm nhân tình của Max sau khi Max đã hứa  sẽ làm theo những điều Boonyi muốn. Tuy sống cuộc đời làm tình nhân của Max, tâm trí Boonyi không nguôi bị hình ảnh người chồng cũ ám ảnh, nhất là trong những cơn ác mộng. Nàng còn nhớ rõ trong đêm hẹn hò và làm tình lần đầu trong đời với Shalima, Anh Hát Xiệc có nói nàng rằng nếu sau này nàng phản bội thì chàng ta sẽ giết nàng và đứa con Boonyi sinh ra không phải con anh.

Ăn ở lén lút với nhau được chừng hai năm, Max dần dần nhạt tình nên Boonyi trở thành ghiền ma túy và ham ăn. Sắc đẹp tàn phai, Boonyi cố tình để mình mang thai với Max. Kết quả là báo chí dư luận Ấn phanh phui sự thật nên sự nghiệp Max một sớm một chiều ra mây khói. Moonyi sinh hạ một bé gái, đặt tên là India. Peggy vợ của Max vì không có con nên giữ đứa trẻ để nuôi, và đặc biệt dàn xếp với Boonyi để nàng trở về quê cũ, sống cuộc đời tàn tạ trong tủi hận và sau đó bị Shalima Anh Hát Xiệc giết chết. India không được biết mặt biết tên người mẹ đẻ ra mình và Max cũng không bao giờ cho con gái biết bí mật này. Mất Boonyi, Shalima Thằng Hề điên cuồng mang mối hận thù xương tủy, được tổ chức khủng bố của nhóm Hồi Giáo cực đoan thâu nhận và huấn luyện để thực hiện cuộc giải phóng Kashmir. Shalima trở thành tên khủng bố không vì lý tưởng tôn giáo hay chính trị của các tổ chức Hồi giáo cực đoan nhưng muốn nhân cơ hội này tìm cách trả mối hận thù chất chứa trong tim đã lâu. Shalima đã giết được cả Boonyi lẫn Max nhưng India đã may mắn thoát chết. Chương chót Rushdie đưa độc giả quay trở lại Los Angeles, California với Shalima Anh Hát Xiệc bị bắt giam trong nhà tù San Quantin của tiểu bang, Kashmira Opuls viết và gửi hàng loạt  thư cho người tử tù này để hành hạ trả thù, Kashima ra tòa làm nhân chứng lột trần sự thật hành động sát nhân của Shalima.

Cũng như trong những tiểu thuyết viết trước đây, người đọc Shalima Anh Hát Xiệc rất thích thú theo dõi những thông tin được chọn lọc về văn hóa, xã hội, chính trị, tâm lý từ Đông qua Tây do Rushdie đưa vào tiểu thuyết . Chẳng hạn về cuộc đời của Max thời niên thiếu ở Miền Nam nước Pháp, trong thời Quốc xã chiếm đóng, đã thất bại không thể thuyết phục được cha mẹ không nên đốt sách, rồi đến giai đoạn Max gia nhập Kháng Chiến và sau đó là cuộc tình của Max ở Anh khiến chúng ta khó có thể lên án Max đã quyến rũ rồi bỏ rơi Boonyi. Một thành công khác của Rushdie khi xây dựng nhân vật Shalima Anh Hát Xiệc trong mô tả sự chuyển biến từ một thanh niên hồn hậu trở thành một tên khủng bố. Như chúng ta đã biết, với kinh nghiệm bản thân sau khi bị cái án tử hình giáng xuống, Rushdie đã viết được những trang sách rất ấn tượng về lòng hận thù. Viết về Kashmir vùng đất tranh chấp hận thù giữa Ấn Độ và Pakistan khó có nhà văn nào có thể vượt được Rushdie. William T. Vollman, một trong những người viết tiểu thuyết lẫy lừng của Mỹ hiện nay khi phê bình Shalima the Clown cho rằng ngoài những thành tựu kể trên, Rushdie xây dựng nhân vật nữ không thành công bằng nhân vật nam và khi nói về Los Angeles ông đã   không thành công vì sử dụng những qui chiếu văn hóa bình dân nên không sâu, không thực.
 
Nếu cho rằng hiện chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử  bất ổn vì những hoạt động khủng bố, mọi sự trở thành bấp bênh nhưng đều có liên hệ chằng chịt với nhau, cuộc sống đã thành bật gốc và tên tuổi căn cước con người mất hút hay biến đổi khôn lường, và không làm gì còn cái gì có thể nói là vĩnh hằng. Và nếu quả đúng như lời phát biểu của Salman Rushdie  “Câu chuyện xảy ra ở bất kỳ một nơi nào đó cũng là câu chuyện của mọi nơi,” người đọc Shalima the  Clown không mấy khó khăn nhận ra ẩn ý của ông muốn gửi ra thế giới: Những người Hồi giáo quá khích trên căn bản đã hành động theo sự thúc đẩy của sự cuồng nộ cùng với nỗi nhục còn tôn giáo chỉ là một cái cơ đưa ra làm bình phong biện minh cho hành động thèm khát trả thù.

Đào Trung Đạo
 

Đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo.