Salman Rushdie

CUỒNG NỘ

 

ĐÀO TRUNG ĐẠO

 

Tôi đọc cuốn tiểu thuyết thứ tám Cuồng Nộ (FURY) của Salman Rushdie lần thứ nhất một tuần lễ sau biến cố 9/11 ở New York. Cho đến nay hơn hai năm sau đọc lại quyển tiểu thuyết này tôi vẫn thấy thú vị. Lần đầu tiên cầm trên tay tác phẩm mới của Rushdie trong tiệm sách tôi ngạc nhiên vì bề dày cuốn sách: trái với những quyển trước đây như Midnigh’s Children, Shame, Satanic Verses hay The Moor’s Last Sigh, The Ground Beneath Her Feet thường thường dày hơn 500 trang, Cuồng Nộ là một cuốn tiểu thuyết có bề dày chỉ bằng một nửa những cuốn trước. Tôi nghĩ thầm lẽ nào phong độ của Salman Rushdie sao quá sớm sa sút!  Nhưng sau khi đọc hết chương thứ nhất CuồØng Nộ tôi biết chắc Rushdie vẫn là nhà tiểu thuyết viết hay nhất hiện nay trên thế giới.

 

            Như chúng ta biết sau nhiều năm phải sống ẩn lánh vì cái fatwa, cái án tử hình do Ayatola Khomeni treo trên cổ ông vì tác phẩm Quỉ Thi (Satanic Verses)  bắt đầu khoảng năm 1998 Salman Rushdie đã được tự do sống ngoài ánh sáng, và từ năm 2000 ông đã bỏ London chính thức sang sống ở New York. Cho nên cảnh và người trong Cuồng Nộ là cảnh và người New York. Cảnh thổ trong những tiểu thuyết trước của ông là những thành phố ở Ấn Độ hay Pakistan hay Anh Quốc. Lần này Salman Rushdie đã chọn New York là nơi ông đang tạm cư : New York thành phố của những vẻ đẹp lầm lẫn như nhận xét của Milan Kundera, thành phố trái tim nước Mỹ (cũng là trái tim thế giới?)  miên trường âm thanh và cuồng nộ, thành phố  hứng chịu cuộc khủng bố chưa từng có trong lịch sử như dấu tích mở đầu thiên niên kỷ mới, thành phố của tất cả những điều phải khởi đầu lại từ mặt phẳng độ không.

 

            Tôi rất thích quyển tiểu thuyết này vì nhiều điều có liên hệ đến cuộc sống bản thân là một di dân trên đất Mỹ. Ngày nay Văn Chương Di Dân là văn chương hàng đầu, toàn cầu, là tiếng nói phổ quát vượt qua tất cả mọi biên giới tôn giáo, chính trị, ý thức hệ, quốc gia, quyền lực vân vân và vân vân.

 

            Cuồng Nộ kể lại cuộc sống của Malik Solanka, nguyên giáo sư môn lịch sử triết học ngoại ngũ tuần tại King College, London đột nhiên quyết định bỏ trường bỏ lớp, bỏ lại vợ và đứa con trai bốn tuổi ở London, một mạch cuốn gói sang New York. Lý do di chuyển? Trốn chạy? Bị truy lùng? Đi theo một tình yêu mới? Khánh tận tuyệt lộ?  Chuyện nhỏ! Lý do chính của di dân Malik Solanka là: vượt qua hai lần đại dương (một lần từ quê nhà sang một xứ Âu châu, lần sau từ cựu sang tân lục địa)  chỉ giản đị để  xóa tuyệt bản thân cũ, để được quên, để đánh mất hết một lần chót tất cả những gì mình có trước đây. Đến sống ở nước Mỹ giáo sư Solanka hy vọng “ đến đấy để xóa tẩy mình đi. Để giải phóng mình khỏi sự ràng buộc và cũng để giải thoá mình khỏi sự giận dữ, sợ hãi, và đớn đau. Hãy nhai nuốt tôi đi, giáo sư Solanka âm thầm cầu nguyện. Hãy nhai nuốt tôi đi nước Mỹ ơi, và xin cho tôi có được hòa bình.” (Fury, 44) Sống trong một chung cư trung tâm New York Malik Solanka đi lang thang khắp phố phường để có cảm giác mất hút trong đám đông, trong giòng đời xô dạt. Đi ngày đi đêm, đi quên ăn quên ngủ. Đi để quên hẳn cái ‘back story’, cái câu truyện đời mình trong quá khứ vốn là món người Mỹ rất thích nghe và cũng là món các di dân di dân rất ưa kể lại! Và cũng đi để thấu hiểu đời sống New York, đời sống nước Mỹ siêu cường độc nhất trên trái đất khi lịch sử bước sang tân thiên niên kỷ.

 

            Malik Solanka có đạt được ý nguyện không?  Không, vì: “Cuộc sống là Cuồng Nộ, những nỗi cuồng nộ tình dục, mặc cảm sát phụ, chính trị, bạo tàn lôi cuốn chúng ta lên những đỉnh cao tuyệt vời nhất và xuống những vực thẳm ghê tởm nhất. Đó là cái định nghĩa chúng ta là gì, cái chúng ta văn minh hóa bản thân để trá hình – là con vật khủng khiếp ẩn nấp trong con người chúng ta, là vị chúa tể khát khao, siêu vượt, tự hủy, không có gì ngăn cản được.. Chúng ta nâng nhau lên những đỉnh cao của niềm vui. Chúng ta xé toang tứ chi nhau từ tứ chi ròng ròng máu chảy.” Đến New York Malik Solanka bị nhận diện ngay vì ông trước đây là người sáng tạo ra hình nhân Tiểu Não (Little Brain), một món được già trẻ lớn bé ở Mỹ rất yêu thích ngưỡng mộ. Ý định khởi đầu của Solanka chi cho Tiểu Não ra đời có tính chất trí tuệ: trong một loạt show truyền hình Tiểu Não là nhân vật nữ tí hon vượt không gian thời gian phỏng vấn những nhà tư tưởng lớn của nhân loại từ những triết gia cổ điển Hy Lạp đến những triết gia hiện đại, những nhà khoa học làm nên nền văn minh nhân loại. Nhưng khi đã được quần chúng quá ham mộ, giới kinh doanh nhảy vào và biến Tiểu Não thành những thứ vượt ngoài quyền kiểm soát của người đã sáng tạo ra nó. Malik Solanka uất hận nhưng bất lực và tiền bạc vẫn cứ tiếp tục tuôn vào chương mục của ông. Sự khốn đốn nhưng cũng là niềm hạnh phúc, tình yêu mới đến với Solanka khi Mila Milo, một cô gái gốc di dân mới ngoài hai mươi tuổi có sắc đẹp cuốn hút bọïïn thanh niên thời đại, là con gái một thi sĩ nổi tiếng Đông Âu, tìm đến ông. Hai người có những giờ phút đỉnh cao lạc thú nhưng cũng là hố thẳm bi thảm. Từ cuộc tình này Malik Solanka cũng khám phá ra được những bí ẩn về bản thân. Tuy vẫn liên tục bị hành hạ bởi những cú điện thoại viễn liên sách nhiễu từ vợ con nhưng Solanka vẫn cố tránh mặt nỗi cuồng nộ trong ngoài. Nhưng khốn nỗi con người muốn lẩn tránh quên mình này lại không thể tránh được tình yêu. Gặp Neela, một thiếu nữ di dân gốc Ấn từ xứ Liliput-Blefusco một hòn đảo nhỏ thuộc miền Nam Thái Bình Dương, Solanka không thể không yêu khi Neela muốn yêu mình. Hai người đi vào những cuộc phiêu lưu mới. Để trả thù những biến dạng quái thai của Tiểu Não, Malik Solanka đưa lên Website một loạt truyện hình Puppet Kings đầy ẩn dụ về quyền lực thời hậu hiện đại để giúp Neela ra khỏi những vướng mắc nguy khốn cận kề. Nhưng “Từ New York đến Lilliput-Blefuscu không có lối thoát nào để tránh được đôi cánh vỗ đập của thần Cuồng Nộ.” (Fury, 251)

 

            Có thể nói khi đọc Cuồng Nộ ta có được cả vui lẫn buồn, cả nụ cười lẫn nước mắt. Salman Rushdie là một pháp-sư tiểu-thuyết. Có những trang khi đọc ta phải cười lăn loan khi ông riễu cợt những nét tiêu biểu của đời sống Mỹ: quảng cáo, phụ nữ, nhạc pop, những nhân vật nổi danh trong mọi sinh hoạt. Ông là một bậc thầy về chế ra chữ mới, chữ trẹo, từ cách đặt tên người cho đến tên vật. Ông gọi Bush là Gush và Gore là Bore! Và rất nhiều các thứ riễu cợt khác.Ta đã có câu “Chửi cha không tức bằng pha tiếng” thế mà Salman Rushdie vẫn riễu nhại những người sống ở nước Mỹ nhất là di dân khi dùng tiếng Mỹ. Ông cười người Việt nói tiếng Mỹ là “overly formal Vietnamese-American English!”. Ông cũng không tha triết gia nguyên soái thuyết Hủy Tạo Jacques Derrida. Nhưng một điều phải nhìn nhận: Salman Rushdie là người không những có khả năng nhận xét tinh vi mà còn là người rất chịu đọc sách. Không biết những “nhà” tiễu thuyết Việt Nam ta có  làm cái công việc tối cần thiết của một người viết là đọc hay không? Không biết những người di dân Việt có tìm thấy trong  Cuồng Nộ bài học quên mình không?