đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

RAJ KAMAL JHA

và truyện dài

THE BLUE BEDSPREAD 

(Tấm Vải Trải Giường Màu Xanh)


Khác với những nhà văn gốc Ấn hiện định cư tại Anh hoặc Mỹ, Raj Kamal Jha hiện sống tại New Dehli. Sinh năm 1966 và trưởng thành ở Calcutta, tốt nghiệp kỹ sư cơ khí ở Học Viện Kỹ Thuật Ấn nhưng ngay sau đó lại bỏ nghề kỹ sư và vào học và tốt nghiệp bằng Cao Học ngành báo chí ở University of Southern California (USC) ở Los Angeles. Về nước Raj Kamal Jha bước vào nghề làm báo bước đầu với tờ nhật báo tiếng Anh The Stateman ở Calcutta, sau đó làm phụ tá chủ bút cho tạp chí India Today ở New Dehli và cuối cùng năm 1996 đầu quân cho tờ nhật báo lớn hạng nhì ở Ấn, tờ Indian Express ở New Dehli. Hiện nay tuy mới 40 tuổi, Raj Kamal Jha đã được ngồi vào ghế Giám-đốc Biên tập của tờ báo độc lập nổi tiếng này. Tuy ban ngày rất bận rộn với công việc tờ báo có số ấn hành 700.000 bản này, nhưng vì mắc bệnh mất ngủ từ hồi thơ ấu, ban đêm Raj lại ngồi vào bàn viết tiểu thuyết vì viết tiểu thuyết mới thực sự là nỗi đam mê của ông. Tiểu thuyết đầu tay The Blue Bedspread ngay từ khi ra mắt năm 1999 đã được hoan nghênh và ca ngợi tại các nước Âu-Mỹ. Năm 2004 Raj Kamal Jha xuất bản tác phẩm thứ nhì If You Are Afraid of Heights / Nếu Bạn Sợ Độ Cao. Người ta thường so sánh Raj Kamal Jha với nhà văn Mỹ nổi tiếng vào thập niên 80 Raymond Carver.

The Blue Bedspread là một tập sách mỏng, dày hơn 200 trang nhưng khi ta đã bắt đầu đọc thật khó mà ngừng lại, buông sách xuống. Ngoài khoảng hơn 20 trang vào truyện, sách được chia ra 5 phần: Cha, Mẹ, Chị, Khách, và Em Trai. Thoáng nhìn tên những chương sách ta có thể đoán được đây là một tiểu thuyết gia đình. Nhưng càng đọc ta càng thấy đây là một tiểu thuyết  bất thường về một gia đình bất thường. Có người cho rằng quyển sách này thuộc loại hồi ký. Người khác thì bảo đó là một bản thú tội. Thường những tác phẩm độc đáo không lọt vào khung phân loại rõ rệt. Đây là những trang viết trong một đêm của nhân vật mang tên Người Kể Chuyện. Sau khi đọc khoảng vài trang sách thì ta biết kẻ tự sự vô danh này là Người Em Trai trong gia đình. Tất cả những nhân vật chính trong truyện đều được gọi bằng những danh từ chung làm đầu đề cho mỗi chương sách. Nhưng truyện mở đầu rất hồi hộp: Người Kể Truyện nay đã vào tuổi trung niên, sống cô đơn trong thành phố Calcutta đông đúc 12 triệu dân, cho biết đang nửa đêm thì nhận được một cú điện thoại từ đồn cảnh sát cho biết, người chị của ông sau khi sanh một bé gái đã qua đời và nếu muốn ông có thể đến đồn cảnh sát đem đứa bé về nhà coi sóc qua đêm nay rồi ngày mai cha mẹ nuôi của nó sẽ đến đón nó.

Sở dĩ cảnh sát liên lạc được vì họ thấy tên Người Kể Truyện mẹ của đứa hài nhi đã viết trên cả bốn trang của quyển sách bà mang theo vào bệnh viện. Sợ ngày mai cha mẹ nuôi đứa bé sẽ đem nó đi, rồi ra nó không có cơ hội biết lai lịch nó nên Người Kể Truyện suốt đêm vừa coi sóc đứa bé vừa cố gắng thuật lại câu truyện về mẹ, ông, bà, và chú nó với lời thầm thì nhắn nhủ “Vắn tắt, ta sẽ kể cho con nghe những truyện vui và những truyện buồn. Và con ơi, con hãy nhớ sự thật về con nằm  đâu đó ở khoảng giữa.” Vì phải viết gấp chỉ trong một đêm, và giờ đây trí óc cũng như ký ức Người Kể Truyện đã mòn mỏi cho nên giòng tự sự cũng vụn nát, không theo thứ tự thời gian. Tuy vậy cũng không phải là nhớ đâu kể đấy. Tuyến tự sự mở ra như những giấc mơ chập chờn ẩn hiện, khi thì rõ nét về những thực tại khi thì huyền ảo tưởng tượng, đầu đuôi chùm lấp. Một cách tóm tắt về cái gia đình bất hạnh sống trong một căn nhà khu nghèo khổ ở thành phố Calcutta chật cứng: cha nghiện rượu và khe khắt độc ác, mẹ lấy cha sinh hai mặt con đã cố gắng hạnh phúc nhưng vì cha vũ phu khắc nghiệt rồi cũng ngoại tình, bỏ chồng con đi theo người tình. Chị bỏ nhà ra đi khi mười chín tuổi, lấy chồâng nhưng chồng giống như đa số đàn ông Ấn điển hình “chồng chúa vợ tôi” nên sau khi xẩy thai đứa con đầu lòng lại bị chồng khinh miệt hành hạ nên đã giết chồng và  quay về với ‘Tấm Vải Trãi Giường Màu Xanh”. Nhan đề quyển sách ‘Tấm Vải Trải Giường Màu Xanh’ nhắc đến kỷ niệm nồng nàn nhưng cũng đớn đau tội lỗi giữa hai chị em: khi Người Kể Truyện mười tuổi và Chị mười bốn, vì nhà nghèo chật chội, hai chị em ngủ chung giường và chơi trò ân ái phía dưới tấm phủ giường màu xanh dài 10 feet rộng 9 feet. Với thời gian tấm vải phủ giường này nay đã bạc màu nhưng đối với Người Kể Truyện đó là “nhà” của ông và đêm nay khi đem đứa bé từ bệnh viện về ông đã lấy tấm phủ giường này đắp cho cháu. Chỉ đến những trang chót của quyển sách ta mới được nghe lời thú tội ngập ngừng đớn đau của Người Kể Truyện: tôi/là/cha/của/đứa nhỏ/con chị tôi.


Tuy chỉ trong hơn 200 trang sách Raj Kamal Jha đã đưa ra được những chủ đề lớn của văn chương: cuộc sống cô đơn tuyệt cùng trong những đại đô thị, mối tương quan phủ chụp trấn áp đời sống công cộng đặt lên đời sống riêng tư, xã hội áp đặt những qui luật lên gia đình qui định cái gì là bình thường được chấp nhận với cái gì là cấm kỵ. Con người sống trong đại đô thị đã mất đi khái niệm ‘nhà” trong khi xã hội vẫn coi nhà là nơi an toàn để ta trở về nhưng thực ra ‘nhà’ hiểu theo nghĩa đó trong thực tế đời sống hôm nay có còn đúng không? Trong quyển này tác giả cũng còn đặt vấn đề về sự trung thực của ký ức, cùng một sự việc mỗi người nhớ và kể một cách khác nhau và tùy theo những điểm thời gian khác nhau. Vì vậy lịch sử chẳng qua cũng chỉ là một sự diễn giải và tái diễn giải mà thôi. Điểm cuối cùng nói lên tính chất hậu-hiện-đại của ‘Tấm Vải Trải Giường Màu Xanh’: sự chông chênh của câu truyện do tính bất khả tín của nhân vật tự sự.

Đào Trung Đạo

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo