ngôn ngữ, lưu đầy, cựu thuộc địa...

 Đọc THE BOOK OF SALT của Monique TRƯƠNG

 ĐÀO TRUNG ĐẠO

            “Về cái ngày hôm đó, tôi còn giữ được hai tấm hình, và dĩ nhiên, cả những hồi ức của tôi nữa...Tôi ngước mắt nhìn lên, như thể theo bản năng, nghe đâu đây hình như có ai đang gọi tên tôi.” Đó là câu mở đầu của chương thứ nhất và câu cuối của chương chót The Book of Salt của Monique Trương. Trên bề mặt phẳng lặng của cuốn tiểu thuyết với hai lời kể truyện ngắt nối, chồng chéo, xen kẽ của nhân vật chính tên Bình, một thanh niên Việt Nam lưu lạc sang tận Paris mưu sinh bằng nghề nấu ăn từ những thập niên đầu thế kỷ 20, vang vang câu hỏi nghiệt ngã, nhức nhối, triệt để, gai góc nhất đặt ra cho một di dân: Cái gì đã giữ mình ở lại chốn này? Cuốn tiểu thuyết không đưa ra  câu trả lời. Cũng giống như trong giờ phút hấp hối Gertrude Stein thật tỉnh táo nói với một người thân ngồi bên mình “Có cần hỏi gì nữa không?” – giây phút thinh lặng – “Không có câu hỏi nào nữa thì đấy cũng là một câu hỏi vậy”.

            Cái nền của quyển tiểu thuyết là khoảng đời của Gerstrude Stein và Alice B. Toklas ở Paris từ 1929 đến 1934 tại căn phố 27 rue de Fleurus do anh bếp Bình ăn ở trong nhà kể lại. Đó là một địa chỉ lẫy lừng của văn học Âu Mỹ trong những năm đầu thế kỷ 20: nơi tụ họp những tài năng văn nghệ trẻ thế giới từ Matisse, Picasso, Hemingway, Richard Wright đến Jean Cocteau, Appolinaire...sau này là những tên tuổi lớn trong văn chương hội họa thế giới nhưng khi còn trẻ họ đã qui tụ quanh Gerstrude Stein và được bà đặt tên cho nhóm này là “Lost Generation”. Đấy cũng là địa chỉ bên trong phòng khách treo đầy tường những bức tranh của Matisse, Picasso, Cézane, Gauguin, Renoir, Manet  v.v...Từ sau khi Leo Stein, anh của Gerstrude bỏ đi khoảng năm 1915, Gerstrude Stein trở thành “người chị cả” của trào lưu văn nghệ tiền phong, chủ nghĩa Hiện Đại (Modernism) Âu Mỹ, sống chung với người tình Alice B. Toklas  (Alice nấu bếp giỏi, là vợ còn thiên tài Gerstrude là chồng.) Cuộc sống của cặp đồng tình luyến ái kỳ lạ này trong năm năm cuối trước khi họ trở về thăm lại quê hương Mỹ nhân dịp Gerstrude Stein được nhiều nơi tại quê nhà mời diễn thuyết đã được kể lại từ chính cửa miệng Bình (giòng kể thứ nhất, nhiều khi rất hí lộng, nhưng như chính anh ta báo trước, nhiều chỗ cũng không đáng tin vì  đôi khi anh ta nói dối.)  Trên cái nền này là giòng kể nội tâm (giòng hai) của Bình về cuộc đời của anh, gia đình quê hương, bạn bè gặp gỡ trên quãng đường lưu lạc (trong số này có cả Nguyễn Tất Thành tức Hồ Chí Minh),  những trầm tư của một kẻ lưu đầy trên xứ người. Thật ra đây mới là giòng kể chính nhằm đưa ra những luận điểm Monique Trương muốn trình bày: trở về hay tiếp tục lênh đênh lưu đầy, những tàn tích của chủ nghĩa đế quốc, chiến tranh, vấn đề ngoại ngữ đối với di dân, lòng hoài hương chĩu nặng gói tròn trong tình yêu mẹ thù cha...Những vấn đề lớn của Văn Chương Di Dân.

            Khi lấy cái nền cho truyện kể là một mảng đời của Gerstrude Srein, Monique Trương đã khéo léo chọn một con đường một cảnh trí quen thuộc với độc giả Mỹ để dễ thu hút họ vì giới đọc sách Mỹ không mấy ai không biết nhân vật quái kiệt và cuộc hôn nhân đồng tính này. Nhưng Monique Trương đã không rơi vào chính cái bẫy mình giăng ra: Trong sách không có những trang kể lại chi tiết về những khuôn mặt nổi tiếng trong đám “Thế Hệ Lạc Loài” ,những thứ có thể dễ tìm đọc trong các sách viết về Gerstrude Stein hay về giai đoạn mở đầu của văn nghệ tiền phong Âu Châu. Hơn thế nữa Monique Trương còn đưa ra một bản văn (version) khác về cặp đồng tình luyến ái này qua lời kể của Bình. Vậy ta hãy cho đấy chỉ là một cái cớ, không như nhiều người nhận xét vội vã cho rằng đề tài cuốn sách là đồng tình luyến ái (cả gay lẫn lesbian,  lớp trên mặt trong rất nhiều lớp truyện (layers of story) chồng chất nhiều tầng của cuốn tiểu thuyết này. Tay nghề viết tiểu thuyết của Monique Trương, một nhà văn mới ngoài ba mươi tuổi, phải nói là có công lực khá hùng hậu và khổ công điêu luyện.

            Chương đầu quyển sách mở ra cuộc tiễn đưa Gerstrude Stein và Alice B. Toklas ở Nhà Ga Phía Bắc của Paris. Bình cùng đi với cặp này trên chuyến xe lửa hạng nhất (không có hai chú cẩu cưng Pépé và Basket) để tới Le Havre rồi từ đó Gerstrude và Alicẹ ra bến cảng lên chiếc SS Champlain đi Mỹ còn Bình tuy ở lại (cũng như hai chú cẩu đã ở lại Paris!) đất liền nhưng không biết rồi sẽ lênh đênh trôi giạt về đâu. Chương 24, chương cuối cùng quyển sách nối vào chương đầu quay lại phút chia tay trên bến cảng La Havre để kết thúc: một cách viết tiểu thuyết rất James Joyce! Hai giòng kể tuy thầm thì trên những trang sách chữ nghĩa đuổi bắt nhau theo nhịp điệu của hơi thở, của nhịp đập trái tim lưu đầy buồn vui đam mê cay đắng chua chát hí lộng nhưng lại nặng chĩu vang động những câu hỏi không có câu trả lời của một kiếp di dân, dù là di dân đầu hay cuối thế kỷ 20. Phong cách văn chương của Monique Trương rất thảng, khai mở khả tính một diễn ngôn văn chương  trên bản viết không những khả độc (lisible) mà còn khả tác (scriptible) nói theo cách của Roland Barthes.

            Sách Muối (Book of Salt) : muối dùng trong bếp để nấu ăn, muối chứa trong mồ hoiâ, nưới mắt, nước biển. Văn chương Thánh Kinh cũng ghi chép câu truyện người vợ của Lot bị biến thành một cột muối cũng chỉ vì đã ngoái cổ ngó lại căn nhà nàng, ngoảnh lại nhìn thành phố Sodom. Muối có trong, xuất phát từ đồng lương, từ lao động (salt=salary). Cuốn sách về một nguyên liệu thiết yếu, có mặt cùng khắp nhưng luôn luôn không được coi trọng trong món ăn cũng như trong đời sống! Có bao giờ trong đời bạn thèm muối, ngậm hột muối trong miệng không thấy mặn chát mà lại thấy ngọt? Kẻ viết bài này cũng như một vài bạn bè tội đồ trong ngục tù cọng sản sau 1975 đã từng thấy muối ngọt!

             Bình kể lại cuộc đời mình: là đứa con trai út trong bốn anh em trai, Bình không phải là con ruột của Lão Già (chữ Bình thường dùng để chỉ người cha hờ ác độc) mà là con hoang, kết quả những phút giây tình ái nồng cháy vụng trộm của mẹ anh thiếu phụ ba con mười chín tuổi khát khao một tình yêu nồng nàn, với một người tình tuy học thức nhưng rất bạc bẽo. Mười hai tuổi theo anh hai Minh (tiếng Miền Nam gọi người anh lớn nhất trong gia đình) vốn là một tay nấu ăn rất giỏi nhưng tột đỉnh danh vọng vẫn chỉ là Sous-Chef (đầu bếp phụ) vào làm chân phụ việc (Monique Trương dùng chữ garde-manger ở chỗ này, chúng tôi nghĩ có thể không đúng, hoặc giả có thể vào thời đó thực dân Pháp gọi những chú bé phụ bếp bằng danh từ này chăng, còn thông thường ra  danh từ tiếng Pháp này để chỉ cái trạn, cái tủ đựng đồ ăn) trong Dinh Thống Sứ ỏ Saigon. Tương lai sáng lạn không đến với Bình vì anh vốn là một người lại cái (tiếng thời đó để chỉ đàn ông đồng tình luyến ái, chữ này tác giả để nguyên bằng tiếng Việt trong sách) và lọt vào cặp mắt xanh của Blériot là tay đầu bếp chính trong dinh nên hai người đã có những quan hệ tình dục khuất lấp. Nhưng chuyện này không qua khỏi mắt những người cùng làm trong Dinh Thống Sứ: kết quả là cô đầm lai thư ký riêng của Bà Thống Sứ, một cô gái lai mắt lé giảo quyệt khát tình vốn có ý định mồi chài Blériot quyết định tống cổ khỏi dinh quan Thống Sứ cả Bình lẫn chàng tài xế của Quan Thống Sứ (một tay đã từng du học tại Pháp nhưng không đậu đạt gì nhưng lại ăn chơi hoang tàng, yêu vụng nhớ thầm cô thư ký tây lai của Bà Thống Sứ) vì tội dám phao truyền, nói láo về Blériot. Bị tống cổ khỏi Dinh Thống Sứ, trở về nhà Bình không được Lão Già nhìn nhận là con (từ lâu lão đã biết sự thật), vào gặp Má trước khi ra đi, ngã vào lòng Má để thấy “ Con biết, Má. Con biết. Con chẳng bao giờ ra khỏi dạ con của mẹ cả, con biết mẹ muốn con cảm thấy như thế. Con sẽ luôn luôn được che chở, an lành nằm trong mẹ, con biết mẹ luôn luôn muốn con ghi nhớ như thế. Vâng, thưa Má, con biết thế. Vâng, Má ơi, con vẫn còn ở trong đó.” Rồi mẹ Bình đưa cho anh một cái túi nhỏ màu đỏ dấu kín trong cái ruột tượng quấn quanh bụng bà đựng số tiền bá dành dụm bay lâu cho con ngày mai ra đi. Bình hôn lên má mẹ giây lâu để hít mùi hương cam trên tóc bà. Hai mươi tuổi bỏ nhà ra đi, lên làm bồi trên tàu Niobe đi từ Saigon lên bến Marseilles  Bình bắt đầu cuộc đời lênh đênh trôi giạt của một người bỏ xứ ra đi, một kẻ lưu đầy, một di dân. Đó là vào khoảng năm 1925. Suốt trong hơn ba năm đói khổ, lê gót từ nhà này sang nhà khác để tìm một chân nấu ăn, làm nhà này đôi ba tháng nhà kia một thời gian không lâu cuối cùng trong lúc đang thất nghiệp đọc thấy một tin tìm người làm trên báo  “Hai phụ nữ Mỹ mong muốn thuê một người nấu ăn tại gia – nhà số 27 rue de Fleurus. Hỏi người gác cổng” Bình đến nương náu trong căn nhà nổi tiếng của Gerstrude Stein.

            Xen giữa những lời kể và những trầm tư của Bình khi láu lỉnh riễu cợt khi thầm thì buồn bã về người cha gian ác, nghiện rượu, về ba người anh trai anh hai đầu bếp anh ba phu khuân vác anh tư thợ in, về người mẹ một phụ nữ can đảm tuyệt cùng dù bị bạc đãi dày xéo hành hạ xỉ nhục nhưng vẫn sống trung thực với lòng mình, về những ngày làm đứa bé sai vặt trong bếp Dinh Thống Sứ. Những ấn tượng Bình đem theo suốt cuộc đời lênh đênh xa xứ là lòng hận thù người cha độc ác tàn nhẫn, những kinh nghiệm về ngôn ngữ, những kiểu cách đối xử khinh miệt kỳ thị của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam, những mặt trái phải xấu tốt của Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo, nỗi cô đơn buồn tủi của một tên da vàng vô danh tiểu tốt trong kinh đô ánh sáng của Mẫu quốc...Monique Trương suốt trong cuốn sách đã đưa ra những suy nghĩ về tình cảnh một người lưu đầy ngay tại quê nhà hay trên xứ người về vấn đế ngôn ngữ rất sâu sắc thấu đáo: “Cái ngữ vựng  của sự tôi đòi không phải được xây dựng trên sự hiểu biết của tôi về những chữ tiếng nước ngoài nhưng đúng ra là trên cái khả năng nuốt chửng chúng của tôi,” “ Tôi đã nhặt nhạnh được vừa đủ những chữ rẻ tiền, đác dụng cho việc hầu hạ để cung cấp năng lượng cho những ham muốn của tôi nhưng chẳng bao giờ, tuyệt đối chẳng bao giờ có đủ được những chữ thừa thãi phung phí, cẩu thả khinh xuất khi dùng để những ham muốn của tôi được no nê.”  Trên xứ người, trên biển cả giữa đám người ngoại quốc trên tàu, khi được nói tiếng Việt như giữa Bình và Bão hai đứa cảm thấy như thể đang được ở dưới một mái nhà, một nơi nương náu (shelter). Băng ngang những khoảng cách đại dương rời bỏ quê hương là hoàn toàn mất đi sự thông thạo một ngôn ngữ: tôi chỉ thông thạo ở bờ bên kia...Điều chúng ta thật kiêu hãnh khi có Monique Trương, một nhà văn viết Anh văn nhuần nhuyễn điêu luyện đầy thi vị nhưng đã chia xẻ tận cùng cái trở ngại ngôn ngữ không thể vượt qua của một kẻ di dân, lưu đầy. Phải chăng đây là một tiếng nói nhằm xóa bỏ một mặc cảm tự ty ngôn ngữ  nơi người di dân và tự tôn ngôn ngữ của dân bản xứ? Và cũng là nhịp cầu thân thương nối liền thế hệ di dân thứ nhất với thế hệ sau? Nhưng không hiểu Monique Trương có như Kazuo Ishiguro, một nhà văn di dân trẻ Nhật tác giả The Remains of the Day, rất hối tiếc đã không nói thông thạo được tiếng mẹ đẻ?

           Sách Muối cũng đóng góp những kinh nghiệm những tư tưởng độc đáo cho văn chương, diễn ngôn thời hậu-thuộc địa (postcolonial discourse). Những lời lẽ hành vi miệt thị của Quan Ông Quan Bà Thống Sứ đối với dân Việt Nam bản xứ là những dấu tích không thể phai nhòa. Thái độ, tình cảm nô lệ cúi đầu của một số người Việt thời thuộc địa cũng cần được ghi chép lại, cần được tính sổ. Sự miệt thị, hành hạ người phụ nữ kéo dài hàng thế kỷ ở đất nước ta cũng cần được đưa lên giấy trắng mực đen: diễn ngôn nữ quyền (feminist discourse) của Monique Trương về tình cảnh người phụ nữ Việt Nam nối theo sau diễn ngôn nữ quyền của Maxine Hong Kingston , Julia Kristeva, Trịnh Thị Minh Hà...

            Trong cuốn truyện này có nhắc đến nhân vật Nguyễn Tất Thành giai đoạn sống lưu đầy bên Pháp mà Monique Trương gọi là “người đàn ông đứng trên cầu” bạn của Bình. Trong một bài trả lời phỏng vấn của báo Mỹ, Monique Trương cho biết đã mô phỏng con đường rời khỏi đất nước của Bình theo con đường Nguyễn Tất Thành đã làm trước đó. Còn việc thay đổi nhiều tên khác nhau từ Nguyễn Ái Quốc, rồi Nguyễn Tất Thành...cuối cùng là Hồ Chí Minh thì sự thay đổi này theo liền sự thay đổi con người nhân vật đó. Qua lời Bình, Monique Trương thích nhất một Nguyễn Tất Thành làm thợ “retouche” hình (sửa mặt mày cho đẹp chiều theo ý muốn khách chụp hình.), người luôn luôn đứng giữa cầu hai đầu một bên là dân chủ và đầu kia là  xã hội chủ nghĩa. Nhưng tự xác định mình là một thiếu niên sinh ra trong chiến tranh, Monique Trương luôn tự hỏi khi viết sách: Nếu như cuộc chiến tranh đó không xảy ra? Trong cuốn tiểu thuyết này Monique Trương cũng có những trang viết về hai “Thái Tử” Bảo Đại và Norodom Sihanouk đua đòi ăn chơi ganh tỵ nhau, giọng văn rất chua cay hí lộng.

            Một điểm nữa cũng cần nói tới: Vì nấu ăn cho Gerstrude Stein nên Bình gặp Lattimore, một tay đồng tình luyến ái Mỹ thân thiết với chủ nhân anh và hai người trở thành cặp tình nhân khắng khít trong một thời gian. Là người vừa hâm mộ vừa tò mò về thiên tài Gerstrude Stein nên Lattimore đã khuyến khích xúi dục Bình ăn cắp tập bản thảo The Book of Salt của Gerstrude Stein: Một hư cấu về xuất xứ của quyển tiểu thuyết này gây tò mò thích thú cho người đọc thật nhiều.

            Trong một bài viết về quyển The Corrections của Jonathan Franzen chúng tôi có nói đến sự thích thú của người đọc khi đọc những trang sách nói về tài nấu ăn của Denise vì Jonathan Franzen hẳn phải là người sành nấu ăn mới có thể viết được như vậy. Sự thích thú đó còn tăng lên nhiều lần khi ta đọc The Book of Salt của Monique Trương. Không rõ Jonathan Franzen có thực sự biết nấu ăn không chứ Monique Trương trong một bài phỏng vấn đã tiết lộ cô rất thích nấu ăn và nếm những món ăn. Thích đến nỗi viết truyện ngắn Seeds (tiền thân của The Book of Salt) khởi hứng từ một cuốn sách nấu ăn của Alice B. Toklas trong chương viết về “Những người làm công tại Pháp” có nói thoáng qua  việc Gerstrude Stein và Alice B. Toklas quả có mướn hai người đầu bếp Đông Dương trước đây. Từ chi tiết này Monique Trương hư cấu ra nhân vật Bình.

 

            Trong bài viết về The Gangster We Are All Looking For của lê thị diễm thúy chúng tôi có nhắc tới việc để nguyên những từ tiếng Việt trong những trang sách Anh văn. Trong Book of Salt Monique Trương không những cũng làm vậy (tại sao không khi những món ăn Pháp người Mỹ vẫn phải phát âm, viết trên thực đơn nguyên chữ Pháp ta lại không dùng nguyên chữ phở mà lại phải dịch ra tiếng Mỹ? ) mà còn tỏ ra rất khó chịu khi người bản xứ không phát âm đúng hoặc cố gắng gần đúng tên người Việt :”Nghe tên mình được phát âm đúng , dù chỉ trong đầu óc tôi thôi cũng được, là một nỗi ham muốn tôi không thể lay chuyển.” Trong suốt quyển sách chúng tôi cho rằng Monique Trương đã để công chăm sóc, giúp đỡ nhà xuất bản Mỹ in khá đúng những chữ tiếng Việt, nhất là những tên người. Ngay trong bài luận văn viết mấy năm trước đây Vietnamese American Literature in trong tập An Interethnic Companion to Asian American Literature (Cambridge University Press) nơi một ghi chú cuối bài Monique Trương đã viết: ”...việc bỏ dấu có thể là để biểu lộ ý muốn cho thấy tính chính đáng thiết yếu hoâc sự xuất hiện một biểu tượng có thể tựu thành và thích đáng của niềm kiêu hãnh chủng tộc và bản ngã”

Đọc quyển tiểu thuyết đầu tay, ngay từ câu mở đầu, chúng tôi có thể tiên đoán văn chương Monique Trương sẽ có những tiếp nối rực rỡ trong những tác phẩm mới. Vì cô là một người viết tiểu thuyết giỏi, biết rõ mình có những điều đáng nói ra khi viết. Và đó là những điều không thể không nói ra về quê hương, tiếng mẹ, thân phận di dân, lịch sử, nữ quyền...Những điều đáng nói, có tính phổ quát, những vấn đề thời đại chứ không phải là câu chuyện lòng vòng quanh quẩn nhạt nhẽo thường tìm thấy không những ở phần lớn nhữnng tiểu thuyết thế giới ngày nay cũng như trong truyện xuất bản mấy chục năm gần đây cả ở trong lẫn ngoài nước.

Đào Trung Đạo

Tháng 7/2003

Đào Trung Đạo một cây bút phê bình thông suốt ở hải ngoại. Anh hiện sống tại Nam California