nguồn: olivier.roller.free.

Văn Chương Vô Xứ

Linda Le

Đào Trung Đạo dịch và giới thiệu

Linda Le sinh năm 1963 tai Dalat, Viet Nam, 14 tuổi qua Pháp "hồi hương". 1981
học tại Lycee Henry IV để chuẩn bị thi vào Ecole Normal Superieur, không
đậu nên vào Sorbonne. Tiểu thuyết đầu tay xuất bản năm 1984.

Đã xuất bản 8 tiểu thuyết: Autres jeux avec le feu, Les aubes, Calomnies,Les dits
d'un idiot, Lettre morte, Les trois parques, Voix, Personne (deu do
Christian Bourgois xb), khao luan: Tu ecriras sur le bonheur (Presses
Universitaires de France P.U.F. xb) , Les evangiles du crime (Julliard xb) va Marina
Tsvetaieva, Comment ca va la vie? (Jean-Michel Place, col. Poesie xb.)
Hiện làm công việc viết "preface" cho nhà xuất bản Hachette. Sách của Linda Le thuộc loại "best seller" ở Pháp.

Về "Quê Nhà" cũng như về "Người Cha", Linda Le đã tống táng xong xuôi bằng văn chương. Phải dùng Pháp Văn để viết nhưng cô cho rằng (tuy rằng Pháp Văn của Linhda Le that tuyệt vời): "Ecrire dans une langue qui n'est pas la sienne, c'est fair l'amour avec un  cadavre." (Viết trong một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ của mình, chẳng khác gì làm tình với một thây ma) (ĐTĐ)

Danh từ  “văn chương vô xứ” (litérature déplacée) vẫn thường được hiểu theo cái nghĩa phải cầu viện tới xúc cảm, vịn vai cảm xúc để đánh động lòng người, tức là một thứ văn chương do một kẻ buộc lòng phải rời bỏ xứ sở của mình tiếp sau một sự thay đổi thể chế chính trị viết ra. Chính những “tiếng nói của kẻ lưu đầy” được ưa chuộng này từng khiến cho gân cốt của kẻ quyền huynh thế phụ trong giới phê bình rung lên bần bật, luôn luôn nóng lòng muốn mở hội tán tụng cái cảm xúc thời thượng bầy lũ ấy ngay tức khắc.


Mới đây ở Viẽt Nam, tại một địa điểm cách Hà Nội chẳng bao xa, có xảy ra một sự việc nho nhỏ. Có một anh nông hai mươi tuổi nọ được đưa vào bệnh viện điều trị. Anh chàng nông dân này bị đau bụng dữ dội.  Các vị y sĩ giải phẫu lôi được từ trong bụng anh ta ra một cái bào thai nặng hai kí lô, có cái đầu đầy tóc, lại có đầy đủ tứ chi hẳn hòi, nhưng đã chết ngỏm từ hồi nào rồi. Người mẹ của anh nông dân này kể với mọi người rằng hồi bà sanh con, ngạc nhiên thấy có mỗi mình anh ta ra chào đời, thực ra bà nghĩ mình phải sanh đôi mới đúng. Nhưng chắc hẳn vì có trục trặc trong sự cấu tạo sao đó nên cái bào thai thứù nhì lại chui tọt vào trong cái bào thai thứ nhất nằm lì trong đó để phát triển. Trong suốt hai mươi năm trời cái bọc bào thai đó cứ tiếp tục từ từ tăng trưởng trong bụng anh chàng nông dân trẻ tuổi nọ.


Nelly Sachs (nữ thi sĩ Đức, bạn thân của Paul Celan, nổi tiếng sau Thế Chiến 2 – chú thích của người dịch) có nói rằng một kẻ xa lạ mang theo quê hương mình trên hai cánh tay giống như mang một đứa trẻ mồ côi và hắn không còn biết làm gì khác hơn là đi tìm một huyệt mộ cho đứa bé. Quê hương tôi, tôi mang nó theo y hệt như  anh chàng nông dân trẻ tuổi nọ đã mang cái bào thai của người anh em song thai của anh vậy.  Đó là một mối liên hệ kỳ quái. Một mối liên hệ trong đó nơi chôn nhau cắt rốn, cũng là cái bào thai song sinh, bị phủ kín và ngộp thở, vừa được nhìn nhận vừa bị chối bỏ. Và sau hết được mang theo mình giống như người ta mang theo một đứa trẻ đã chết. Mối liên hệ kỳ quái đó điều khiển tương quan của tôi với một quê hương khác, cái quê hương khác này chính là văn chương, được sinh ra từ nỗi ám ảnh về một sự mất giá, một sự hình thành hỏng hụt, và cái quê hương văn chương này cất tiếng nói với một bản thân nhị trùng.  Nhưng cái bản thân nhị trùng này sẽ chết đi và rồi sẽ đóng vai một vị quan tòa câm.


Vậy đó là một thứ văn chương được đặt dưới bảng hiệu của ï tang chế nguyên ủy. Một thứ văn chương cưu mang trong bụng mình một hình hài thứ hai của chính mình, một kẻ thù chối bỏ chính kẻ cưu mang nó, không ngừng đặït vấn đề về tính chính đáng của kẻ cưu mang. Chúng ta đã lướt qua từ cái nghĩa thứ nhất của “văn chương vô xứ ” được hiểu như là “tiếng nói của kẻ lưu đầy”, sang nghĩa thứ hai đó là một thứ văn chương không tìm được sở cứ (place), một chỗ, một nơi chốn cho mình. Một thứ văn chương giống như một cái cây tự sinh. Không mọc lên ở nơi này, cũng không mọc lên ở một nơi nào khác. Và, cứ như vậy, nó gây xáo trộn trật tự thiên nhiên của mọi thứ. Nó tìm cách bứt rời khỏi quyền hành. Cái quyền hành của xứ sở đã xa lìa.  Cái quyền hành của tiếng nói nó vay mượn.  Cái quyền hành của truyền thốâng văn học không dành cho nó một vị trí nào cả. Nó đi tìm sự chính đáng được thừa nhận của mình trong sự không được chính đáng thừa nhận, chính bởi tác gia của nó chỉ là một kẻ không quê hương, một kẻ theo một cách nào đó đã trao thân cho một tiếng nói khác. Kẻ đó sẽ sáng chế ra một một tiếng nói, một cách kể truyện để nói ra tính bất chính đó.  Một tiếng nói tự đặt mình trong môi trường văn chương như một kẻ khơi khơi dự tiệc, một kẻ đột nhập. Và đó là cái nghĩa thứ ba tôi đặt cho nền văn chương vô xứ, rằng đó là một thứ văn chương không bao giờ tìm được một nơi chốn cho mình, không bao giờ tìm được một chỗ thích đáng cho mình cả. Một thứ văn chương tự ý muốn mình là kẻ không có quyền gì hết, nghĩa là không chính danh.

Vào thời điểm người ta lớn tiếng tuyên bố không những sự cáo chung của văn chương mà luôn cả sự cáo chung của quyển sách, tức là sự biến mất nhân vật chính của văn chương, thì người đọc, ngay vào lúc càng ngày càng hình như không còn có một chỗ đứng nào nữa, càng ngày càng trở thành bất chính danh, để hiến mình cho văn chương, thì kẻ lưu đầy lại thêm vào tính phi chính đáng đó một sự bất chính danh phụ kèm. Trong tư thế của nhà văn, kẻ lưu đầy mập mờ nước đôi trả giá cao trong cuộc đấu giá. Hắn đồng thời say sưa vun trồng cả sự bí ẩn lẫn sự phô bày, cả nỗi cô quạnh lẫn sì-căng-đan.  Hắn triển lãm những vết thương nhưng, nói như Kafka,  “theo cái cách như thể sự e ấp phải còn tồn tại sau khi hắn chết đi.” Hắn học được từ một đứa bé gan dạ dám dấu kín trong áo mình một con cáo để nó ngấu nghiến hết ruột gan mình. Hắn không rên xiết về sự đau đớn của mình, hắn để cho chỗ bị rướm máu cứ lớn mãi cho đến khi chính hắn ta cũng chẳng còn là một cái gì khác ngoài một vết thương rộng ngoác lộ liễu.
   
Một kẻ lưu đầy khi đã chọn lựa nơi cư ngụ của mình trong văn chương luôn luôn tạo được sự thăng bằng giữa hai thái cực: một đầu là cái nguyên lý bất toàn [le principle d’incomplétude] (sự tang chế nguyên ủy và sự bất-chính-đáng tự thừa nhận), còn đầu kia là qui luật của sự quá độ (xì-căng-đan). Một kẻ lưu đầy khi đã chọn văn chương làm nơi cư ngụ sau khi đã từ bỏ ngôn ngữ của mình để chấp nhận một ngôn ngữ khác thì hắn chỉ làm cho cái chuyển động giao động  giữa sự  thiếu hụt ( ngôn ngữ đã mất) và  sự quá độ ( sở hữu một tiếng nói mãnh liệt) càng tăng nhanh hơn lên. Hắn, không ai ngoài hắn, là một gián điệp nhị trùng, chính bởi hắn bước lên chuyến tàu văn chương bằng phương tiện là một ngôn ngữ  cứ gọi là “vay mượn” đi, như thế là hắn đã đặt chữ ký của mình dưới dấu hiệu của sự bất-sở-hữu và sự bội phản rồi.


Vậy thì, ngay từ khởi đầu đã là một sự mất mát. Xưa có người tên là Peter Schlemihl, kẻ đã đem bán bóng mình. Nay có kẻ lưu đầy bỏ lại ngôn ngữ của mình để viết văn bằng một ngôn ngữ khác. Nhưng ngôn ngữ, như Kafka đã nói, là “tiếng thở vang vang của quê hương”. Kẻ lưu đầy bỏ lại tiếng thở vang vang của quê hương và đi chiếm hữu một ngôn ngữ khác. Nhưng để có thể nắm bắt được cái ngôn ngữ đó, hắn ước mơ ngôn ngữ đó đã cứng đơ, hắn muốn ngôn ngữ đó đã chết. Viết trong một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ của mình đồng nghĩa với việc làm tình với một thây ma. Nhưng đó lại là một thây ma tạo ấn tượng, làm ta sợ hãi. Đứng trước cái ngôn ngữ đó, kẻ lưu đầy hành xử như một người dốt nát ngu đần. Hắn toan tính làm cho pho tượng hắn sùng kính đó cử động. Hắn nuôi hy vọng nhận được ân sủng từ một thần tượng. Đó là điều Cioran, một nhà văn gốc Lỗ-Mã-Ni viết Pháp văn đã bày tỏ như sau: “Nếu một người ngoại quốc không là một kẻ sáng tạo về phương diện ngôn ngữ chính bởi vì hắn cứ muốn sử dụng ngôn ngữ thông thạo như dân bản xứ : dù cho hắn có đến được mức đó hay không  thì cái tham vọng đó vẫn là một sự mất mát của hắn.”


Với một kẻ lưu đầy,  việc đi vào văn chương diễn ra dưới dấu chỉ của sự mất mát chứ không dưới dấu chỉ của sự kế thừa. Của sự truất hữu chứ không phải của sự sở hữu. Hắn từ đâu đó đến đây. Hắn đã bỏ lại tất cả.  Kể cả tiếng thở vang vang của quê hương tổ quốc.  Hắn chỉ còn lại một tấm căn cước ghi: kẻ bội phản. Hắn là kẻ hai lần phản bội. Kẻ phản bội quê hương hắn. Kẻ phản bội ngôn ngữ hắn.  Hắn chỉ còn tự kiêu hãnh về một điều duy nhất: hắn đại diện cho, cũng giống như Conrad, “trường hợp duy nhất của một đứa con trai của thế hệ mình và của những thế hệ trước hắn, chụm cẳng nhảy ra ngoài khỏi cái nơi chốn và những ràng buộc về chủng tộc đó.” Nếu như có một danh hiệu công dân nào hắn thèm muốn, thì đó chính là tước hiệu công dân của ngôn ngữ mà thôi. Đá dứt bỏ hết tất cả những ràng buộc rồi nên hắn có thể đặt chân lên đô thị chữ nghĩa, và với tư thế của một gián điệp đôi hắn trở thành công dân không những của thế giới mà còn của ngôn từ (citoyen du verbe) nữa. Đối mặt với cái ngôn ngữ đó, đối mặt với cái quyền hành tự mình ban cho mình, hắn sẽ hành xử như thế nào? Có phải hắn sẽ xử sự như một kẻ độn nhập, một kẻ không được chuyển giao bất kỳ một thứ gì cả nhưng lại đến nơi đây đóng góp phần được chỉ định để kéo dài truyền thống?  Hay hắn sẽ an phận chỉ là một người học trò ngầy ngật mê lú bởi cái viễn tượng mờ ảo sẽ vượt thầy? Hoặc giả hắn cũng có thể sẽû hành động như một kẻ thù, quyết tâm làm ô nhiễm ngôn ngữ bằng văn phong của một tay vừa ngưỡng mộ-vừa phỉ báng (adorateur-détracteur), giữ mối quan hệ với ngôn ngữ này theo kiểu những nhà dị giáo thần bí (mystiques) giao dịch với Thượng Đế: với một lòng cuồng nhiệt bị nỗi ham muốn bất quy phục tàn phá, với một cách thờ phượng lúc nào cũng sẵn sàng tranh luận, và với một khởi hứng hướng về sự tinh khiết của ngôn từ  nhằm chống lại cái đà lao mình xuống chỗ thấp kém, ï ty tiện, hạ cấp?


Như vậy việc tìm kiếm một bản ngã tự thân kinh qua cuộc chinh phục một ngôn ngữ mới. Nhưng vì  mình vốn là một kẻ phản bội quê hương mình, tiếng nói mình, kẻ lưu đầy sống trong đô thị chữ nghĩa, sẽ mãi mãi là một công dân ngang bướng, một người học trò gương mẫu mong ước được cho điểm hạnh kiểm số không. Hắn đặt mìn trong khi xây dựng, đào hố dưới móng trong khi xây tường, phá hoại ngầm trong lúc thực hiện.  Bơiû từ nguyên ủy đã làù tang chế, việc để tang một ngôn ngữ đã được tống táng. Chính sự mất mát nguyên thủy đó  làm cho sự thanh toán những ràng buộc lẹ làng hơn và ném nhà văn quay trở về chốn lưu đầy, đất trích của chữ nghĩa. Nhưng cũng chính sự mất mát đó lại điều khiển một thế giới quan xây dựng trên sự thiếu hụt chứ không trên sự  đầy đủ, trên sự chối từ chứ không trên khẳng quyết, trên sự tàn phế như dấu tích của tang chế và như một triệu chứng của sự phản kháng.


Kẻ tàn phế mang bảng hiệu tang chế nguyên ủy, từ chối tự thân, khép kín trong bệnh độc tưởng của sự tàn phá. Nhưng với tư cách một kẻ tàn phế, ẩn náu trong thành trì của mình, hắn cũng hoàn toàn là một ý chí đoạn tuyệt, chối từ thế giới, chối từ cái người ta gọi là đời sống thường nhật, hắn không là gì khác hơn một thực thể bất động tuyệt đối.


Là khuôn mặt của sự chống cự thụ động, kẻ tàn phế là người anh em của Bartleby, tay độc thân chẳng có cha mẹ cũng không có kẻ nối giòng, và hắn không thèm đếm xỉa gì tới tất cả những hình thức quyền hành của ngôn ngữ, thu giảm vào một công thức duy nhất của sự chối từ, công thức này được lập đi lập lại với một sự tách mình ngoan cố, tung hê tan tành cái phụ quyền.  Chính vì tự nhận biết mình là một người anh em trong cộng đồng của Bartleby, cộng đồng của những kẻ cô độc không có những ràng buộc với đời và không có hậu thế, , chính vì  rắp tâm tu dưỡng mối hoài nghi tinh chế bởi nhân vật người thư ký trong truyện của Melville, nghĩa là biết rõ không làm gì có phụ quyền, rằng tất cả chúng ta là những kẻ mồ côi, chỉ khi đó kẻ lưu đầy mới có thể cởi bỏ những cái thòng lọng quấn quanh cổ, đập tan sự tôn trọng xưa nay vẫn được duy trì đối với cái ngôn ngữ không phải của hắn đó và cả niềm hy vọng mình được nhìn nhận nữa. Từ nay, hắn biết rằng hắn sẽ chỉ tái sinh trong lòng cái ngôn ngữ đó khi bứng gốc cái quyền được cất tiếng nói, nhưng đó sẽ là một tiếng nói có chiều hướng đối nghịch bản thân, giống như một con dao, một tiếng nói tương tự như một lỗ hổng đen kịt và mở rộng hoác, đứng trước cái lỗ hổng đó người đọc sách không còn một chọn lựa nào khác ngoài việc lao mình vào và mất dạng. Đối diện cái ngôn ngữ đó kẻ lưu đầy không từ chối ứng xử như một người văn minh. Cái ngôn ngữ đó hắn sẽ phun ra với niềm kiêu hãnh của một kẻ chất phác thử tập nói, giống như hình ảnh của tên cu-ly Conrad mô tả trong tiểu thuyết Typhon : “Ánh sáng rọi chập chờn khuôn mặt mỏng và căng của hắn. Hắn hất đầu về phía sau, giống như một con chó tru sự chết. ..Hắn duỗi thẳng cánh tay ra và há hốc mồm trên một cái lỗ hổng đen kịt và mở ngoác, từ cái lỗ hổng đó thoát ra những tiếng tru tréo gầm gừ và vô nghĩa như thể chúng không thuộc về bất kỳ một ngôn ngữ nào của loài người...”


Một lỗ hổng đen kịt và mở ngoác từ đó thoát ra những tiếng tru tréo dường như không thuộc về một thứ ngôn ngữ nào của loài người: đó là hình ảnh chính xác của quyển sách như từng được ôm ấp mơ tưởng bởi một kẻ mọi rợ tập tành lời ăn tiếng nói văn minh.  Bởi nếu như tất cả những cuốn sách tuyệt tác đều được viết ra trong khuôn khổ một thứ tiếng ngoại quốc, thì nỗi ước ao thầm kín của một kẻ lưu đầy là sáng tạo được, trong cái ngôn ngữ con nuôi, một ngôn ngữ khác, một ngôn ngữ mồ côi mọi kế thừa và mọi quyền uy. Những tiếng tru tréo từ trong cái lỗ hổng đen kịt và mở hoác biến thành tiếng hát.  Một tiếng hát cất lên chống lại luật tắc, chống lại hết thảy quyền uy của ngôn ngữ. Tiếng hát vung cánh đó đem lại cho quyển sách một hình thức của cái mà Ingeborg Bachmann gọi là một “hiện hữu-đơn thoại” (existence-soliloque). Một đơn thoại mở tung hoàn toàn hiện hữu. Đơn thoại này chẳng dính dấp gì tới tự truyện cả. Đúng ra chúng ta giống như những người khách viếng thăm một cái tủ chứa ảo tượng, có đủ thứ nào là bộ sưu tập độc tưởng (monomanies), nghi lễ tống táng, có cả thần chú và lời nguyền nữa.  Khi đó thì việc kể truyện trở thành sự phàn nàn hối tiếc (bài ai tư vãn) và quyển sách trở thành lời cầu nguyện. Cuộc đơn thoại đó, cái tiếng nói đơn độc đó, thoạt đầu nghe thật dịu dàng, theo cái kiểu rúc rích của nàng Joséphine ca nhi thập thành, nhân vật của Kafka, khi đứng trước đám thần dân chuột. Dần dà lời đơn thoại trở thành kịch liệt và cuối cùng, chính trong khi làm cho bài ai tư vãn cân xứng vớiø bài nguyền rủa, tiếng nói tìm được nhạc điệu đay nghiến. Lý do bởi vì nơi kẻ lưu đầy lòng mộ đạo luôn dính liền với thói ưa châm biếm, lời khẩn cầu luôn giữ lại dư vị lời nguyền rủa, và nằm ẩn kín bên dưới lòng nhiệt thành là tham vọng loan truyền tiếng nói xấu xa. Một tiếng nói xấu xa như vậy sẽ không là tiếng nói của kẻ lưu đầy, một tiếng nói bị xua đuổi khỏi nơi tỵ nạn, nhưng là một tiếng nói tự châm biếm việc đi tìm một chốn tạm dung, một tiếng nói thoát ra khỏi mọi sự bảo trợ, một tiếng nói tự ý muốn mình đơn độc. Một tiếng nói như một lời cầu kinh vô xứ (une prière déplacée), bởi vì tiếng nói đó thoát ra từ một cái lỗ đen kịt, và rằng nó từ chối nghi lễ kỷ niệm tán dương, cũng như nó từ chối luôn cả sự ủy lạo. Tiếng nói đó không tìm cách làm cho nỗi đau khổ ngủ yên, nhưng ngược lại nó khua thức nỗi đớn đau bằng lời nguyền rủa và thóa mạ. Chúng ta quay trở lui giống những  tay thần bí,  quay lại với bệnh cuồng ngôn, xu hướng phản kháng, và với thiên tài diễn bày tư tưởng bất phùng thời của họ. Tất cả những thứ đó luôn luôn dẫn họ tới việc đập tan những giáo điều thiêng liêng do chính giáo áp đặt.  Họ phát biểu với tư cách người dị giáo.  Họ ứng xử như kẻ thù của văn phong chính thống, kẻ thù của văn chương hoa mỹ vốn chỉ là thứ dầu thơm xoa lên trên chữ nghĩa chống lại sự đau đớn. Họ đã đối nghịch lại thứ văn chương hoa mỹ làm giảm đau đó bằng một ngôn ngữ không tinh chất, cường kích, một thứ ngôn ngữ dốc cạn năng lực trong tận hiến bất chấp phải hỗn xược,  khẳng định riêng tư. Ingeborg Bachmann đã nói: “Nhiệm vụ của nhà văn không thể là phủ nhận sự đau khổ, xóa nhòa những vết tích của đau khổ, huyền thoại hóa bằng cách xa rời đau khổ.  Ngược lại, là nhà văn hắn phải chấp nhận đau khổ và làm cho đau khổ hiện bầy, để cho chúng ta có thể nhìn thấy được.  Bởi chúng ta muốn tất cả mọi người đều là những kẻ mở mắt nhìn thấy.” Vậy trách vụ của nhà văn sẽ là sáng chế ra một tiếng nói mở mắt người. Một tiếng nói chứng kiến. Một tiếng nói chống lại diễn ngôn hoa mỹ. Một tiếng nói vô xứ, bởi vì tiếng nói đó đặt mình ngay giữa khổ đau, không tìm cách xoa dịu khổ đau bằng món thuốc giảm đau làm bằng chữ nghĩa.

(Linda Le, Tu écriras sur le bonheur, nxb PUF. Paris, 1999.
Chương chót “Litérature déplacée”)

Đào Trung Đạo dịch