đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

JHUMPA LAHIRI
và truyện dài NAMESAKE

 

Jhumpa Lahiri là nhà văn nữ gốc Ấn  được trao giải thưởng Pulitzer năm 2000 ngay khi cho ra mắt tác phẩm đầu tay nhan đề Interpreter of Maladies (Người Thông Dịch Bệnh) khi nhà văn này chỉ mới 32 tuổi. Phải nói đây là một vinh dự đặc biệt vì trong lịch sử Giải Pulitzer, rất hiếm khi nào giải này được trao cho một tác phẩm đầu tay, và trong trường hợp Lahiri, đấy lại là một tập truyện ngắn. Cho nên độc giả không những ở Mỹ mà còn ở nhiều nước trên thế giới sau khi đã đọc Interpreter of Maladies qua bản dịch đã chờ đợi sớm được đọc tác phẩm kế tiếp của bà. Được chờ đợi nhưng nay cũng là một thử thách đối với nhà văn.

 

Jhumpa Lahiri sinh năm 1967 tại London, Anh quốc. Cha mẹ là di dân gốc Bengali, Ấn độ rời London khi Lahiri còn nhỏ sang định cư ở Rhode Island, Hoa Kỳ. Bà tốt nghiệp Cử nhân Văn chương ở đại học Barnard và Cao học Văn chương rồi Tiến sĩ về ngành Nghiên cứu So sánh Văn học Trung cổ. Hiện nay Jhumpa Lahiri sống với chồng và con trai ở New York, giảng dạy ngành sáng tác ở Đại học Boston và ở Rhode Island School of Design. Tập truyện  ngắn  Interpreter of Maladies là tác phẩm bán chạy ở Mỹ và được dịch ra 29 thứ ngôn ngữ.  Truyện dài Namesake của Lahiri xuất bản năm 2003 đã xác định tài năng và chỗ đứng của Bà trong căn nhà tiểu thuyết di dân đương đại.

 

Người Ấn, cũng như người Việt, thường tin rằng  cái tên  của một người có thể là một yếu tố có ảnh hưởng suốt cuộc đời người đó. Cái tên nó vận vào người.  Lahiri lấy ý này làm khởi điểm cho Namesake (xin tạm dịch là Danh Mệnh).  Từ khởi ý này tác giả khai triển chủ đề kinh nghiệm di dân trên đất Mỹ qua hai thế hệ cha me-con cái. Cuốn truyện 291 trang gồm 12 chương với thời điểm khởi đầu vào năm 1968 là năm Gogol nhân vật chính ra chào đời và kết thúc vào năm 2000 đánh dấu  cuộc họp mặt Giáng Sinh cuối cùng trong căn nhà của gia đình  nơi Gogol đã sinh ra và lớn lên. Tuyến tự sự đường thẳng trải dài hơn ba mươi năm với giọng văn êm đềm trong sáng nhưng không kém hấp dẫn cảm động, tác giả đã vẽ ra bức chân dung tiêu biểu của một gia đình di dân trên đất Mỹ để nói về cái được cái mất từ thế hệ di dân thứ nhất của cha mẹ qua thế hệ thứ hai của con cái, về cuộc sống lưu đầy và những điều không toại nguyện, nói lên kinh nghiệm tuy phổ quát nhưng độc đáo đó của nửa sau thế kỷ 20, cái kinh nghiệm tranh đấu cạn kiệt nơi bản thân của một di dân để tách cuộc đời mình ra khỏi một quá khứ, mộ xứ sở và một nền văn hóa đã bỏ lại sau lưng, cảm thấy bên tai luôn vang vang lời nguyền rủa (của) lịch sử. 

 

          Thế hệ cha mẹ với Ashoke Gangulis, một du học sinh xuất sắc ngành kỹ sư điện ở Mỹ trở về Ấn cưới Ashima do ý muốn và sự sắp đặt của gia đình. Chân ướt chân ráo theo chồng đến ở trong một căn chung cư rẻ tiền nhỏ xíu (vì chồng hãy còn là một nghiên cứu sinh được một số tiền học bổng khiêm tốn) ở vùng New English giá lạnh xám ngắt, Ashima ngay từ phút đầu thất vọng, cảm thấy đời sống ở nước Mỹ “sao mà quá chênh vênh và tẻ nhạt.” “ Làm một người ngoại quốc giống như thể mình bụng mang dạ chửa suốt đời – đó là một sự chờ đợi hoài hủy, lúc nào cũng mang trên vai  một gánh nặng,  thường trực có cảm giác về sự không ăn nhập vào đâu ca.û” Nhưng rồi hai vợ chồng cũng từ từ thích nghi với đời sống mới. Ashoke trở thành giáo giáo sư ở Massachusetts Institute of Technology (MIT) và mua được một căn nhà riêng ở đường Pemberton. Gogol là tên đứa con trai đầu lòng: Sở dĩ Ashoke đặt tên con trai là Gogol vì hai lý do: thứ nhất, ngay từ khi chưa sinh con, hai vợ chồng đã viết thư về Ấn xin bà nội đặt tên cho cháu nhưng cho đến khi thằng bé đã chào đời trong bệnh viện vẫn không thấy thư bà gửi sang; lý do thứ hai, theo thủ tục ở Mỹ  đứa trẻ phải có một cái tên mới được phép xuất viện, không thể trì hoãn nên Ashoke phải đặt tên con là Gogol  để tưởng nhớ nhà văn Nga thời trẻ tuổi mình rất ham mộ và cũng là người cứu mạng mình là Nicolai Gogol. Gogol khi còn bé được quen gọi với cái tên này nhưng càng lớn lên nó càng khổ sở vì cái tên không ra Mỹ cũng chẳng phải Ấn đó nên khi bước chân lên đại học đã tự ý xin đổi tên là Nikhil. Như vậy cái tên Gogol là một cái tên xuất phát từ một sự thất lạc giữa hai bờ đại dương.

 

          Nikhil Gangulis theo học ngành kiến trúc và tốt nghiệp đại học Yale còn em gái là Sonia học luật. Sống xa gia đình, tuy kiếm được nhiều tiền nhưng cuộc sống của Nikhil rất bận rộn trống trải, tâm trí vẫn bị dầy vò vì không thấy mình có một bản ngã định hình rõ rệt, lúc nào cũng thấy mình là “một kẻ muôn thủa đứng ngoài lề”, Khi còn nhỏ thì cố gắng tách mình ra khỏi gốc gác, không có bạn thân là người đồng hương, không coi Ấn độ là quê hương mình như bố mẹ, tuy vậy vẫn cảm thấy mình không thuộc về một nơi chốn nào. Rồi Nikhil đi vào một cuộc phiêu lưu tình cảm với Maxine Ratlift, cha mẹ là cư dân trung lưu kỳ cựu của New York. Nikhil và Maxine yêu nhau tha thiết,  đã tưởng sẽ đi tới hôn nhân. Nikhil đã từng cùng Maxine về căn nhà nghỉ hè vùng quê đồi núi của cha mẹ Maxine, sống những ngày “hết sức Mỹ” nhưng anh vẫn không cảm thấy mình thoải mái tự nhiên. Chuyện bất hạnh xảy đến cho gia đình Gangulis: Ashoke nhận một công tác chín tháng ở Cleveland nhưng chưa hết thời hạn để về với gia đình bị đau tim đột nhiên và qua đời chớp nhoáng khi vừa đến bệnh viện. Vì lối sống không thể hoàn toàn hòa nhập vào nhau và cũng vì một sự hiểu lầm khi Maxine vô tình gọi mình bằng cái tên Gogol, Nikhil và  Maxine chia tay,  Quá buồn bã that vọng,  Nikhil lao đầu vào công việc và dành trọn những ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ về thăm gia đình. Sau Maxine là Brigitt, một phụ nữ đã có chồng là cuộc tình chớp nhoáng của Nikhil. Buồn bã vì cái chết của cha, nghe lời khuyên của mẹ Nikhil liên lạc với Moushumi, con gái của bạn cha me,ï nhỏ hơn Nikhil hai tuổi, thời niên thiếu đã có lần gặp nhau ở nhà Nikhil vào dịp ăn tiệc Giáng Sinh. Nay Moushumi đã trưởng thành, xinh đẹp, đang học cấp tiền sĩ văn chương Pháp. Hai người lấy nhau, gia đình hai bên rất hài lòng. Moushumi lóng lánh, phiêu lưu, sống đúng theo lối Mỹ coi hạnh phúc là lý tưởng cuộc đời. Nhưng khi vừa mới được bổ nhiệm làm giáo sư, bất ngờ Moushumi gặp lại một người đàn ông lớn hơn mình nhiều tuổi, quen biết hồi mình mới lớn. Vì Moushumi vẫn không thể quên được những cảm giác yêu đương không được đáo ứng thuở nào từ lâu vẫn âm ỉ cháy trong lòng nên  không thể dằn lòng tìm gặp người đàn ông từng trải đó. Moushumi sống một thời gian ngắn ngoại tình lén lút nhưng sau đó cô đã nói cho chồng biết sự thực và hai người lặng lẽ chia tay.

 

Chương chót của cuốn tiểu thuyết tác giả quay trở lại cảnh gia đình gặp nhau chuẩn bị bữa tiệc giáng sinh lần cuối ở căn nhà đường Pemberton sắp có chủ mới: Gia đình nay chỉ còn Ashima sắp quay về sống ở Ấn độ, Sonia và hôn phu là Ben sắp làm đám cưới, và Gogol cô đơn trơ trọi. Trong lúc chờ mẹ gọi xuống ăn, Gogol dọn dẹp căn phòng cũ của mình thời thơ ấu, tìm thấy quyển  Tuyển Tập Truyện Ngắn của Nicolai Gogol cha đã tặng mình vào dịp sinh nhật Gogol 14 tuổi với dòng chữ cha đề tặng “Của người đàn ông đã cho con cái tên của ông ta, từ một người đàn ông đã cho con cái tên của con.” Ngày bé từ khi cha tặng mình quyển sách, Gogol không hề đụng tay tới. Nhưng tối nay, trong lúc chớ bữa ăn giáng sinh gia đình xum họp lần cuối trước khi mai đây mỗi người mỗi ngả, anh bắt đầu đọc quyển sách.

Đào Trung Đạo

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo