đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

KIRAN DESAI

và tiểu thuyết

THE INHERITANCE OF LOSS

(Di Sản Của Sự Mất Mát)

 

 

Một trong những nét độc đáo của văn chương di dân hiện đại là nhân vật tiểu thuyết không còn mang một bản chất thuần nhất về chủng tộc hay văn hóa và cảnh thổ tiểu thuyết cũng không còn nằm trong biên giới địa lý nữa. Nói  cách khác, nhân vật và cảnh thổ trong tiểu thuyết là những con người đi lại giữa những biên giới chủng tộc, văn hóa, địa lý, và tư tưởng. Chân dung nhân vật tiêu biểu  hôm nay trong thế giới toàn cầu hóa chính là chân dung của di dân, kẻ vô xứ. Quan niệm mới về nhân vật tiểu thuyết này nhằm xóa bỏ quan niệm tôn giáo-triết lý trong triết học cổ điển cho rằng con người có một bản chất và quan niệm triết lý hiện sinh của Sartre cho rằng sự hiện hữu có trước yếu tính.

Nhân vật tiểu thuyết hình thành qua sự biến tiến (transgression) những yếu tố chủng tộc, văn hóa, lịch sử, kiểu mẫu hành động cả vô thức lẫn ý thức trước những biến cố xảy đến trong những hoàn cảnh nghiệm sinh. Văn chương vô xứ  đưa ra chân dung nhân vật tiểu thuyết đi trên lộ trình biến động không ngừng nghỉ giữa hai cực “tôi” và “hắn”. Khuôn mặt ấy không là một thực thể được đúc đầy mà là một thực thể càng ngày càng hao mòn, cạn  kiệt. Chúng ta có thể tìm thấy nhân vật tiểu thuyết mới này tiêu biểu nhất trong tác phẩm “The Transformation” của Hari Kunzru và trong “The Inheritance of Loss” của Kiran Desai.

 

 THE INHERITANCE OF LOSS ( Di Sản của Sự Mất Mát) là tác phẩm thứ hai của Kiran Desai vừa ra mắt độc giả tháng Tư, 2006. Năm 1998 quyển truyện đầu tay “Hullabaloo in the Guava Orchard” của nhà văn nữ trẻ tuổi gốc Ấn này được văn giới và độc giả những xứ nói tiếng Anh đón nhận nồng nhiệt. Kiran Desai là con gái của nhà văn nữ Ấn Độ nổi tiếng Anita Desai. Kiran Desai sinh ở Ấn năm 1971, 14 tuổi được gia đình gửi sang Anh học trung học,  một năm sau lại di dân sang Mỹ, học trung học ở Massachusetts, học cấp cử nhân ở Vermont, lớp sáng tác ở Virginia, sau đó ghi danh bậc cao học ở Columbia. Bà ngoại của Kiran Desai là người Đức, ông ngoại người Bangladesh. Ông nội cô người Ấn và đã từng du học ở Anh. Sau khi khởi đầu viết quyển tiểu thuyết đầu tay Hullabaloo in the Guava Orchard, Kiran Desai quyết định tạm ngưng việc theo học chương trình cao học ở Columbia để hoàn tất quyển truyện này. So với quyển truyện đầu tay cả về chủ đề lẫn kỹ thuật viết tiểu thuyết, Di Sản của Sự Mất Mát  có kích thước văn chương vượt trội và hứa hẹn một Kiran Desai tiểu thuyết gia có tầm vóc quốc tế. Hiện Kiran Desai có nếp sống di chuyển giữa New York và Dehli.

 

Hai nhân vật chính của quyển truyện này là cô thiếu nữ Sai sống ở làng Kalimpong thuộc vùng phụ cận phía Ấn Độ dãy Hy Mã Lạp Sơn và cậu thanh niên Bitu sống ở New York. Kiran Desai đưa ra hai giòng tự sự song hành, mối liên hệ giữa Kalimpong và New York là sợi dây liên lạc giữa Bitu và cha của cậu là người đầu bếp cho ông ngoại của Sai. Mẹ của Sai là con gái duy nhất của ông ngoại, lấy chồng là kỹ sư không gian, sống và làm việc ở Nga. Sở dĩ Sai về sống với ngoại ở Kalimpong vì cha mẹ của cô bị tử nạn. Ông ngoại của Sai vốn du học ở Anh, chịu ảnh hưởng văn hóa Anh, về nước làm quan toà nhưng thất vọng về nước Ấn nên về hưu qui ẩn, sống cô độc với người nấu bếp trong căn nhà hư nát Cho Oyu ở làng Kalimpong. Cuộc tình giữa Sai 17 tuổi và chàng Guyan thày giáo dạy kèm môn Toán ban đầu sôi nổi nồng nàn nhưng sau đó Guyan gia nhập bọn thanh niên gốc Nepal nổi loạn nên cuộc tình tan vỡ. Bitu con ông già nấu bếp được cha chạy chọt lọt thoát sang Mỹ sống kiếp di dân bất hợp pháp, làm lao động trong những tiệm ăn của những chủ nhân bất lương ở New York. Tuy cuộc sống của Bitu ở Mỹ rất lầm than nhục nhã nhưng cha của anh vẫn khoe khoang với những người quen biết ở Ấn là anh có công ăn việc làm khấm khá và có thể giúp đỡ thân nhân ở Ấn sang Mỹ định cư nên có nhiều người năn nỉ cầu khẩn ông nói với Bitu giúp đỡ con cháu họ. Qua lời kể của Sai người đọc được biết khá nhiều về ảnh hương của văn hóa Âu-Mỹ trên cuộc sống người Ấn, tình trạng căng thẳng và những cuộc nổi loạn ở vùng biên giới Nepal-Ấn Độ. Qua lời kể của Bitu người đọc nhìn tường tận được cuộc sống khốn khổ của di dân bất hợp pháp ở Mỹ, sự đối xử tệ bạc của những di dân Ấn thành công trên đất Mỹ đối với đồng hương di dân bất hợp pháp. Những trang cuối cuốn truyện mô tả hành trình khốn đốn trở về quê hương của Bitu: trên đoạn đường từ phi trường về Kalimpong Bitu đã bị bọn thảo khấu thuộc phe nhóm Nepal nổi loạn bóc lột, cướp đoạt hết tiền bạc dành dụm, lột hết quần áo giày vớ mua ở Mỹ.

 

Qua phần lược truyện chúng ta thấy chủ đề của Kiran Desai là “Sự thương tổn” Tây Phương đã để lại và tiếp tục gây ra trên đời sống người dân Ấn. Từ sau khi chủ nghĩa thuộc địa cáo chung, nước Ấn Độ tuy có chủ quyền độc lập nhưng ảnh hưởng kinh tế và văn hóa của Âu-Mỹ không chấm dứt. Trước đây là Anh và nay là Mỹ.  Ảnh hưởng này tác động tiêu cực trên cả người dân Ấn trong nước lẫn di dân Ấn ở Mỹ. Cái nhìn của Kiran Desai về ảnh hưởng của các xứ Âu-Mỹ trên Ấn Độ khá bi quan, tiêu cực,  đối nghịch hẳn quan niệm của V.S. Naipaul, một nhà văn di dân sống ở Anh gốc Ấn lừng lẫy trước đây. Nhưng tuy bi quan, Kiran Desai đã pha trộn những nét khôi hài vào hoàn cảnh thảm thương của những nạn nhân. Chúng ta có thể nói những sự thực Kiran Desai đưa ra không phải là sự thực về cuộc sống của tất cả di dân trên đất Mỹ mà chỉ là cuộc sống của những di dân bất hợp pháp mà thôi. Kiran Desai ít ra đã lên tiếng cho những di dân bất hợp pháp ở Mỹ: trong những tháng vừa qua nước Mỹ đã không thể làm ngơ trước vấn đề này, cơ quan lập pháp và hành pháp cũng như các phương tiện truyền thông ở Mỹ đã đặt vấn đề một cách nghiêm túc và cố gắng đưa ra những giải pháp. Có điều giải pháp dù được thông qua thành luật pháp chúng ta cũng chưa thể lạc quan nhiều về ảnh hưởng hai chiều giữa những nước chậm phát triển với các nước Âu-Mỹ.

Đào Trung Đạo

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo