đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

Jonathan Safran Foer

EXTREMELY LOUD & INCREDIBLY CLOSE

(Cực Kỳ Inh Ỏi & Cận Kề Lạ Thường)

 

Cũng tương tự như trường hợp của Zadie Smith ở Anh, Jonathan Safran Foer trở thành một “hiện tượng văn chương” ở Mỹ vào năm 2002 ngay khi quyển tiểu thuyết đầu tay  anh viết xong năm 25 tuổi Everything Is Illuminated (Mọi Thứ Đều Được Làm Sáng Tỏ) xuất bản hai năm sau đó. Sinh năm 1977 ở Washington D.C. học ở Princeton, được trao giải viết văn của trường, tốt nghiệp xong đi làm đủ thứ việc linh tinh như nhân viên tiếp khách (receptionist), giáo viên kèm môn toán, nhân viên phòng lưu trữ v.v… Anh đuợc nhà văn nữ nổi danh và cũng là giáo sư ở Princeton Joyce Carol Oates khuyến khích vào nghề viết., Có bài đăng trên các tạp chí văn học giá trị như ConjunctionsThe Paris Review. Sau khi đứng chủ biên cho tuyển tập A Convergence of Birds, năm 1999 anh làm một chuyến đi Ukraine để truy tìm tung tích cuộc đời ông nội của anh và hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay Everything Is Illuminated trong vòng hơn 2 năm sau chuyến đi.  Quyển sách này được cả Joyce Carol Oates lẫn Jeffrey Eugenides (tác giả quyển Middlesex chúng tôi đã giới thiệu trước đây) đỡ đầu và được nhà xuất bản Houghton Mifflin đặt cọc trước tác quyền bằng một số tiền lớn., Chương đầu quyển này được trích đăng trên The New Yorker trước khi sách được xuất bản, và sau khi xuất bản Everything Is Illuminated được nhiều nhà văn nổi tiếng Mỹ khen ngợi, có số bán khá cao, được trao các giải thưởng văn chương giá trị và được Hollywood đưa lên màn bạc do Live Schreiber đạo diễn với tài tử chính là Elijah Wood.

 

Jonathan Sefran Foer là lớp nhà văn trẻ của thế hệ Internet, âm nhạc và truyền hình thế kỷ 21. Là chồng của nhà văn nữ Nicole Krauss (tác giả của The History of Love), Anh là người yêu đời sống gia đình, luôn dành thời giờ tích cực vận động học sinh trung học đọc sách, nỗ lực học hỏi để viết văn sao cho hay hơn, và rất yêu chó. Năm 2005 Jonathan Safran Foer cho ra mắt quyển tiểu thuyết thứ nhì Extremely Loud & Incredibly Close (Cực Kỳ Inh Ỏi & Cận Kề Lạ Thường). Quả thực Joyce Carol Oates và Jeffrey Eugenides đã không nhầm lẫn khi đánh giá cao Jonathan Safran Foer: với quyển sách thứ nhì anh đã chứng tỏ mình là nhà văn trẻ xuất sắc nhất hiện nay ở Mỹ  có tay nghề bứt phá thế hệ trước (kỹ thuật tự sự vượt qua lớp tiểu thuyết gia viết “metafiction,”)  biết khai thác chủ đề phong phú và phổ quát từ chính đời sống hôm nay.  Lần này chúng tôi xin giới thiệu Extremely Loud & Incredibly Close trước và trong một dịp khác sẽ giới thiệu quyển Everything Is Illuminated.

 

Biến cố 9/11 là một biến cố lịch sử có tính toàn cầu của giai đọan bước vào thế kỷ 21, 9/11có ảnh hưởng ít nhiều đến hầu hết các nước nhưng có lẽ mạnh mẽ nhất là với nước Mỹ. Lượng thông tin do báo chí và truyền hình đưa ra về biến cố này ở Mỹ trong những tháng sau khi biến cố xảy ra tràn ngập và hiện nay tuy đã giảm đi nhiều nhưng chưa phải là chấm dứt.Trong ký ức mọi người 9/11 chưa phai nhòa. Ảnh hưởng của nó trên nhiều phạm vi, nhất là trên đời sống tâm lý chắc chắn sẽ còn kéo dài. Nhưng ngôn ngữ truyền thông là thứ ngôn ngữ mô tả sự kiện (fact), và  rất có thể ngôn ngữ đó không có khả năng phơi mở được thực tại (reality). Vì truyền thông trong vòng nửa sau thế kỷ 20 tưởng chừng sẽ chon sống tiểu thuyết nhưng tiểu thuyết không những không bị giết chết mà còn bừng sống. Với một biến cố trọng đại như biến cố 9/11/2001, nhà văn cần một thời gian suy nghĩ về đế tài này để viết. Trong khỏang ba năm gần đây người viết tiểu thuyết ở Âu-Mỹ đã bắt đầu viết về 9/11, tuy số tác phẩm viết về biến cố này chưa nhiều nhưng đã có vài quyển khá hay và có lẽ quyển Cực Kỳ Inh Ỏi & Kề Cận Lạ Thường của Jonathan Safran Foer cho đến nay được coi là độc đáo nhất. Điều đáng chú ý là quyển này lại do một nhà văn trẻ thuộc thế hệ 70+ viết và sách được đánh giá cao hơn cả những tác phẩm do các nhà văn thành danh lớp trước viết.

 

9/11 đã có ảnh hưởng sâu đậm tới mức nào trên đời sống con người nói chung và trên đời sống của một người có thân nhân là nạn nhân của 9/11 nói riêng? Chúng ta có thể có hàng chục ngàn câu trả lời vì số nạn nhân lên tới gần 5 ngàn, họ lại thuộc nhiều chủng tộc, là dân của nhiều quốc gia. Hàng trăm ngàn trang báo cáo do những cuộc điều ta, tường trình cộng thêm  khối lượng khổng lồ hình ảnh về 9/11 cũng chỉ đưa ra một cái nhìn ngắn hạn về hậu quả này. Hơn thế nữa, góc độ nhận thức của truyền thông không những rất giới hạn, có thể nói chỉ ở trên bề mặt. Cái nhìn của truyền thong là cái nhìn của ống kính, không là cái nhìn của trí tuệ và của trái tim.   Jonathan Safran Foer chọn nhân vật chính trong Extremely Loud & Incredibly Close là cậu bé 9 tuổi Oskar Schell có cha là nạn nhân 9/11. Chúng ta sẽ được nghe một đứa trẻ  nói về cuộc sống của nó và những người thân sơ sau ngày 9/11. Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ: có thể những chuyện trẻ con kể lại không xuôi chảy, đầu đuôi không theo một trật tự được sắp đặt nhưng ráp lại ta sẽ có một bức tranh vẽ bằng thứ nguyên liệu tinh khôi. Và việc ráp lại những mảnh rời rạc để có được thực tại đó là việc của người đọc.

 

Gần một năm sau ngày cha chết, cuộc sống và tâm khảm Oskar vẫn chưa ra khỏi sự truy chụp của  khối bóng tối không lồ của  biến cố 9/11. Tuy thơ dại, Oskar đã hết sức cố gắng đương đầu với sự khủng hoảng về mặt tình cảm nó phải gánh chịu. Là đứa trẻ nhạy cảm nhưng hiếu động, trước đây nó rất thân thiết gần gũi cha, nay sự việc mất cha là một điều nó vừa hiểu (vì sự thực cha không còn) vừa không thể hiểu được (tại sao cha nó bị giết?) Oskar coi  Sự bí mật ấy là một lỗ hổng nằm ngay chính giữa tôi và mọi thứ hạnh phúc rơi tõm vào đó.” Oskar lại là người đầu tiên trong gia đình nghe được,nghĩa là biết tin, qua tiếng nói của cha nó từ trên máy bay bị không tặc gọi về nhà nhưng vì cả nó, mẹ và bà nội đều vắng nhà nên lời cha nó khẩn cấp gọi về được ghi lại trong điện thọai. Từ sau khi cha mất, gia đình nó chỉ còn mẹ và bà. Thái độ của mọi người, nhất là các thân nhân của nạn nhân là cố gắng sống trầm tĩnh. Thấy mẹ và bà sống yên lặng như thể không có sự gì xảy ra, Oskar không thể chịu được sự bình thản bề ngoài đó. “Tôi muốn bảo mẹ rằng lúc này bà chẳng  nên vội chơi trò chơi Đố Chữ. Hoặc đừng vội soi gương. Rằng chẳng nên vặn máy nghe nhạc lớn hơn mức cần thiết. Thật không công bình với Cha chút nào cả. Và cũng thật không công bình với tôi nữa.”

 

Nói chung, tâm tưởng Oskar bị chấn thương nặng nề, đời sống hàng ngày của nó xiêu lệch nặng nề như thể chân bị đeo chì (heavy-boots). Một bữa nó tìm thấy trong tủ quần áo của cha nó một cái phong bì trong đó có đựng một chiếc chìa khóa, ngoài phong bì ghi duy nhất một chữ “Black” (Đen). Nó thơ ngây tin rằng nếu tìm được chủ nhân chiếc chìa khóa đó nó sẽ có câu trả lời cho câu hỏi tại sao cha nó chết. Oskar đi tìm trong khắp thành phố những người có họ “Black”.Với một sứ mạng rất mơ hồ như vậy tất nhiên cuộc tìm kiếm chỉ là hoài công nhưng chính việc đi tìm đó lại là một sự xóa mờ, thanh tẩy tâm tưởng Oskar. Sự gặp gỡ một số người họ “Black” “gần kề”, thực sự đụng chạm với những mảnh đời của New York hậu-9/11 tuy không giúp nó hiểu biết gì thêm về cái chết của cha nhưng cậu bé Oskar đã tìm được chính từ kinh nghiệm cận kề với đời sống sau-9/11 của dân New York đó đã cho nó nghiệm sinh được dấu ấn của biến cố này trên đới sống người khác như thế nào. Từ nhận xét về cuộc sống bề ngoài làm ra bình thường của Oskar về mẹ, bà, và những người chung quanhtrước đây chỉ là một sự hiểu và không hiểu. Thật sự mẹ nó, bà nội cũng như mọi người cũng chỉ như nó thôi, hiểu và không hiểu, nhưng người lớn đã cố gắng sống như thế chứ thật tâm họ cũng không khác gì Oskar. Jonathan Safran Foer dùng những trang viết dưới dạng nhật ký của bà nội và mẹ Oskar để ghi lại điều đó. Tuy đã bước xa hơn một bước về nhận thức nhưng Oskar vẫn không chịu tin cha mình đã chết cho nên nó rủ một người quen thân một đêm nọ  lén vào nghĩa địa đào mồ bố nó để tận mắt được nhìn xác bố. Vì đó là một đêm trời không trăng sao, tối mịt mù, nó phải mò mẫm đào và khi mở được nắp quan tài nó thấy đó chỉ là một quan tài trống không. Nó không hiểu được đó là sự thực hay  do đầu óc nó sang chế ra cái thực tại đó: “Một lần nữa tôi lại ngạc nhiên, mặc dầu đúng ra  tôi chẳng nên ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên vì không thấy Bố ở trong đó. Trong óc tôi, tôi đạ biết hiển nhiên  bố chẳng thể nào ở trong đó, nhưng tôi đóan chừng rằng tim tôi lại đã tin tưởng một điều gì khác. Và có thể là tôi đã ngạc nhiên vì cái quan tài sao lại trống rỗng quá sức tưởng tượng như vậy được. Tôi cảm thấy như thể tôi đang nhìn vào cái định nghĩa về sự trống rỗng trong cuốn tự điển.”

 

Khi phải trải qua một biến cố cực kỳ hệ trọng, con người có khuynh hướng nhìn lại quá khứ, nhìn lại cuộc đời mình và những người thân yêu gần cận nhất.Cho nên xen giữa câu truyện về Oskar, Jonathan Safran Foer đẩy lùi thời gian để “hồi tưởng”: những phần xen kẽ viết về cuộc đời ông bà nội Oskar: họ là những di dân từ Dresden, Đức sang Mỹ khi Quốc Xã lên cầm quyền. Hành trang di dân của họ là những nỗi kinh hoàng gây ra bởi chiến tranh. Ông bà của Oskar lấy nhau theo tục lệ, hôn nhân bị cuộc đào thoát cắt đứt và những cuộc tái hợp sau đó cũng chẳng an vui. Trong một bức thư viết cho cháu nội Oskar, bà viết: “Bà tiếc đã mất cả một đời người mới học được phải sống như thế nào Oskar ạ. Bởi vì nếu như bà có thể được sống lại cuộc đời bà, bà chắc sẽ làm mọi thứ khác hẳn như bà đã làm.” Chương cuối cùng của quyển truyện “Đẹp Đẽ và Đúng Thực” kể lại những mẩu đối thọai giữa Oskar và mẹ sau khi nó từ nghĩa trang trở về nhà. Lòng nó nay đã nguôi ngoa. Ttrong bữa ăn tối có cả Ron, người bạn trai mới của mẹ, nó biết được me nó đã quen biết Ron vì hai người cùng ở trong nhóm tự nguyện đi an ủi những người mất gia đình. Vợ và con gái Ron đã bị tử nạn xe hơi. Lần đầu tiên trong đời Oskar hiểu được sự sợ hãi cái chết. Nó khóc được và lần đầu nó thấy mẹ nó khóc kể từ ngày bố nó chết đi.

 

Về mặt hình thức, sách của Jonathan Safran Foer được trình bày thật đặc biệt, và rất bắt mắt. Quyển Everything Is Illuminated bìa in màu đen, chữ viết tên sách và tên tác giả trắng, ngoằn ngoèo theo kiểu viết tay bằng bút lông. Bìa quyển Extremely Loud & Incredibly Close vẽ một bàn tay lớn màu đỏ như máu, trên 4 ngón tay mỗi ngón mang một chữ tên sách, tên tác giả nằm giữa lòng bàn tay. Bên trong sách cách trình bày cũng khác lạ, có những trang chỉ có một dòng chữ, có những tấm hình, bức vẽ hay bản viết nháp (đen hoặc màu) xen vào. Ngay từ những trang đầu, khi chụp lại một mẩu báo cha Oskar đã đọc và “khoanh đỏ” những chỗ ông cho là viết sai, Jonathan Safran Foer đã cho người đọc thấy quan niệm của anh về văn báo chí truyền thông. Nếu đọc kỹ văn của Jonathan Safran Foer ta thấy rõ anh muốn cho người đọc thấy văn tiểu thuyết khác hẳn văn báo chí, truyền thông. Báo chí truyền thông chỉ chuyển tải được thông tin về các sự kiện. Chỉ có diễn ngôn văn chương mới có khả năng phát lộ, phơi mở và mô tả thực tại.

 

Tất nhiên tác giả đã chủ tâm trình bày sách như vậy theo một quan niệm riêng về văn bản. Chưa cần suy xét sâu xa về quan niệm này nhưng chúng ta nhận ra ngay tác dụng tích cực nó là nó giúp cho người đọc có cơ hội tham dự vào văn bản, và có dịp được thư dãn. Về thế hệ mình cũng như về nghệ thuật văn chương đã toàn cầu hóa, Jonathan Safran Foer cho rằng “Tôi thuộc vào một thế hệ đuợc nuôi dưỡng bằng Internet, nó hầu như khác hẳn với…Và tôi đã được nuôi dưỡng với một thứ truyền hình và âm nhạc cũng khác. Chẳng hạn về âm nhạc, âm nhạc hôm nay tùy thuộc rất nhiều vào việc vay mượn từ những truyền thống khác nhau, từ những phiến  mẫu của âm nhạc khác và chồng chất những nhịp điệu và âm điệu khác nhau lên,  và tôi nghĩ rằng điều đó phản ánh trong cái viết của tôi.” Về các nhà văn hiện nay, Jonathan Safran Foer vừa riễu cợt vừa nghiêm chỉnh cho rằng nói chung có hai loại nhà văn: loại thứ nhất là những nhà văn luôn muốn có thêm nhiều nhà văn khác xuất hiện, và loại thứ hai là những văn sĩ  chỉ muốn có càng ít nhà văn càng tốt. Về  lời than phiền số đầu sách (tiểu thuyết) in ra quá nhiều và đa số không có giá trị, Jonathan Safran Foer cho rằng in ra một trăm ngàn quyển sách để có được một quyển sách hay là việc nên làm.

 

 Đào Trung Đạo

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo