đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

ISMAIL KADARÉ

Kẻ Kế Vị

 

Cuối tháng Sáu năm nay Giải Văn ChươnglMan Booker International Literary Prize năm thứ nhất đã được trao tặng cho nhà văn Albania Ismail Kadaré. Như chúng ta đã biết, giải Booker Prize của nước Anh là một giải thưởng văn chương cao quí nhưng lại bị chê trách ở chỗ giải này chỉ trao tặng cho những nhà văn Anh và những nhà văn thuộc Khối Thị Trường Chung. Cho nên Booker International Literary Prize đã được lập ra và năm 2005 là năm đầu tiên phát giải. Năm nay, trong danh sách cuối cùng gồm 18 nhà văn lẫy lừng thế giới, trong số đó một vài nhà văn đã từng được trao Nobel Văn Chương, Ủy ban tuyển chọn đã quyết định trao vinh dự này cho Ismail Kadaré.

 

Ismail Kadaré sinh ngày 28 tháng Giêng năm 1936 tại Gjirokaster phía nam của Albania sát biên giới Hy Lạp.  Ông theo học Đại Học Tirana ngành Lịch Sử và Văn Chương, sau đó được sang Nga học ở Học Viện Văn Học Thế Giới Gorky. Thời trẻ tuổi Ismail Kadaré là một thi sĩ nổi tiếng ở trong nước. Tuy là người rất thân thiết với nhà độc tài cọng sản Enver Hoxha (cai trị Albania từ 1945 đến 1985) – điểm này trong tiểu sử ông tạo nên sự hoài nghi về quan điểm chống độc tài cọng sản của ông – nhưng ngay trong thời gian học ở Viện Gorky, Ismail Kadaré đã có tư tưởng chống lại chủ thuyết văn chương hiện thực xã hội. Trong bài Phỏng Vấn với Tirthanka Chandra của University Academic Kadaré nói về thời gian học ở Viện Gorky như sau: “Khi ở học Macï-Tư-Khoa, tôi nhận ran gay rằng mình hiểu biết nhiều về văn chương hơn những giáo sư của tôi. Cái nhìn về văn chương của tôi xâu hơn, và cũng tường tận hơn  cái nhìn của những tay thư lại ở Viện Gorky là những kẻ suốt ngày chỉ lải nhải ca tụng những phẩm chất của chủ nghĩa hiện thực xã hội; bất cứ một bản văn nào dù chỉ đi chệch hướng chính thống một chút là bị lên án là đồi trụy và quái đản.” Năm 1960 quan hệ ngoại giao giữa Albania và Liên Xo, Kadaré trở về nước, sau đó chuyển sang viết tiểu thuyết khá thành công nhưng đa số tác phẩm bị chính quyền cấm xuất bản hay lưu hành. Năm 1990, một thời gian ngắn trước khi chế độ cọng sản sụp đổ ở Albania, Ismail Kadaré sang Pháp và xin tỵ nạn chính trị ở đây. Hiện ông sống chính yếu ở thủ đô nước Pháp và đôi khi về ở Albania một thời gian. Độc giả Âu-Mỹ biết đến ông lần đầu qua tác phẩm dịch ra Pháp văn Vị Tướng của Một Quân Đội Đã Tan Rã (viết năm 1963) . Hiện nay ông là tác giả của hơn 20 tiểu thuyết, nhiều tập thơ và ký. Có lẽ tác phẩm của Ismail Kadaré được in đầy đủ nhất là 10 quyển Toàn Tập Tác Phẩm Kadaré do nhà xuất bản Fayard ở Pháp ấn hành. Sách của ông được dịch ra trên 30 ngôn ngữ khác nhau và ông được coi là một nhà văn quan trọng của văn chương thế giới đương đại.

Kẻ Kế Vị” (The Successor) là tiểu thuyết mới nhất của ismail Kadaré được David Bellos dịch từ bản Pháp văn do nhà xuất bản Arcade phát hành ở Mỹ. Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng tháng Giêng năm 1981, với tử thi “kẻ kế vị” nhà độc tài hiện cai trị Albania nằm  chết trong phòng ngủ. Một vết đạn xuyên qua sọ. Theo phát ngôn viên nhà nước thì đây là một vụ tự sát. Nhưng đối với công chúng thì đây là một vụ mưu sát vì họ đã từng chứng kiến nhiều vụ chính quyền ám hại những kẻ đối lập chính trị. Độc giả quen đọc những vụ điều tra đàng hoàng ở những xứ dân chủ sẽ thất vọng vì sẽ không được theo dõi một vụ điều tra án mạng với nhiều tình tiết hấp dẫn, vì ở Albania cọng sản cũng như ở những xứ độc tài khác trên thế giới, tội ác và vô tội không có đường biên giới phân biệt rõ ràng. Nhất là những tội ác có liên hệ tới quyền lực chính trị.

 

Sống trong những xứ độc tài cai trị mọi người đều rình rập nhau. Chính bạn kẻ rình rập người khác cũng đang bị rình rập. Ismail viết:” Bạn chỉ còn duy nhất một cách để sống bám chặt được ở một nơi đang tràn ngập bởi chứng vĩ cuồng là chính bản thân bạn cũng trở thành vĩ cuồng chút chút.” Cho nên một án mạng xảy ra ở một nơi như thế đừng hòng có được một giải đáp rõ ràng. Tuy vậy qua từng chương sách Ismail Kadaré dẫn người đọc theo dõi án mạng không phải mọi việc sẽ dần dần sáng tỏ ngược lại cái cheat của “Kẻ Kế Vị” càng ngày càng trở thành mịt mù bí ẩn tuy tác giả cũng đưa ra một số nghi phạm. Chẳng hạn người con gái nạn nhân tên Suzana khi bị các thẩm sát viên của nhà nước tra hỏi cực chẳng đã bị ép buộc phải kể lại mối tình đầu của mình để bênh vực cho cha. Vụ án cũng dính dáng tới tay Bộ Trưởng Nội Vụ Adrian Hasobeu con đường sự nghiệp chính trị bị ngăn trở chính vì “Kẻ Kế Vị”. Và những kẻ bảo thủ trong Đảng cũng nhân dịp này nhất quyết cho rằng thủ phạm là Adrian Hasobeu. Guồng máy điều tra nhà nước cứ thế lăn bánh, cán nát tất cả. Vụ sát nhân trở thành bi kịch tranh giành quyền lực lan rộng, truyền nhiễm của bệnh dịch ý thức hệ. Ai cũng có thể là nạn nhân của làn sóng truyền nhiễm này, dù cho đứng ở vị trí nào. Một sớm một chiều bạn có thể bị lên án là mang nặng những ảnh hưởng ngoại lai. Nhưng điều quan trọng là tội ác không hề được giải quyết, không bao giờ bị trừng phạt. Và nhận thức, tìm hiểu sự thực trở thành một điều bất khả. Trên thực tế theo Kadaré đó là cái lô-gich của đời sống ở xứ độc tài cai trị. Ông viết “Sự kinh hoàng được cấu trúc từ đằng trước quay lại đằng sau giống như những giấc mơ, nghĩa là nó bắt đầu từ khúc cuối. Thế rồi bỗng nhiên loáng một cái, chỉ trong không đầy một giây đồng hồ, cái khúc giữa từ khúc đầu trở về sau bỗng nhiên được đem ra đề điền vào. Có khi còn có cả một bản tuyên bố của nạn nhân được đưa ra cứ như thể nạn nhân từ trong mồ gửi ra vậy.”

 

Chúng ta thấy tuy Ismail Kadaré viết “Kẻ Kế Vị” với nhiều hư cấu nhưng thực ra đã dựa vào sự thực lịch sử.  Đó là vụ thảm sát Mehmet Shehu, kẻ hình như sẽ kế vị tay trùm độc tài cọng sản Enver Hoxha vào ngày 18 tháng Giêng 1981. Những báo cáo ban đầu cho đó là một vụ tự tử. Cuộc điều tra kéo dài, một năm sau nhà độc tài này tuyên bố Shehu là tay sai của CIA và đem bỏ tù cả gia đình Shehu. Nhưng may mắn người con trai của Shehu tên Bashkim Shehu thoát chết và Kadaré có chuyện trò nhiều lần với Bashkim trước khi viết “Kẻ Kế Vị.” Cho nên tác giả kết luận “Những biến cố của cuốn truyện này rút ra từ cái giếng ký ức nhân sinh sâu vô tận, kho tàng dưới đáy giếng có thể được vớt lên cho mọi người thấy bất kỳ trong giai đoạn loch sử nào, kể cả giai đoạn chúng ta đang sống. Trong chiều hướng đó, bất kỳ một sự tương tự nào giữa những nhân vật và những hoàn cảnh trong truyện với người thực việc thực là không thể tránh khỏi.”  

 

Đào Trung Đạo