đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

 

Irène Nemirovsky

 

SUITE FRANCAISE

(Liên Khúc Pháp)

 

 

Suite Francaise được xuất bản ở Pháp từ năm 2004, có số bán rất cao, và được giới viết phê bình khen ngợi. Đây là một trường hợp rất đáng ngạc nhiên vì quyển sách này viết về giai đoạn nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng và tác giả đã kể lại những chuyện không tốt đẹp gì về dân Pháp trong thời kỳ này.

 

Tác giả Irène Nemirovsky sinh năm 1903 ở St. Peterburg (có sách ghi ở Kiev) thuộc Nga, gia đình gốc Do thái lưu vong, cha là chủ ngân hàng, sau Cách Mạng 1917 gia đình phải lánh nạn sang sống ở Paris từ năm 1919. Irène Nemirovsky đã là một nhà văn có chút tiếng tăm ở Pháp từ năm 1930. Khi quân Đức tiến vào Paris năm 1940, bà cùng với hai người con gái di tản về tỉnh Dijon thuộc miền Tây nước Pháp nhưng khi quân Đức tràn vào vùng này bà bị bắt và đầy đi Auschwitz vào tháng 8 năm 1942 và chết ở địa danh khủng khiếp này. Chồng bà cũng bị mât vụ Quốc Xã Đức bắt giữ và cho vào phòng hơi độc, nhưng chính người lính mật vụ bắt ông lại thả cho hai người con gái Denise 13 tuổi và Elisabeth 5 tuổi chạy trốn. Trong thời gian chạy loạn, Irène Numirovsky vẫn tiếp tục viết và  hai người con gái bà không những thóat chết mà còn tìm mọi cách cất dấu được những cuốn Sổ Ghi Chép của mẹ. Họ tưởng trong những quyển sổ bìa da này mẹ chỉ viết nhật ký ghi  chép những sự việc xảy ra hàng ngày trong thời gian loạn lạc và hẳn đấy phải là những chuyện đau lòng nên trong mấy chục năm sau đó cả hai cũng không muốn mở ra xem. Mãi cho đến năm 1996, Denise mới quyết định đem ra chép lại những quyển sổ này trước khi đem giao cho một viện lưu trữ tài liệu chiến tranh. Nào ngờ khi đọc Denise mới biết đó là bản thảo một tiểu thuyết Irène Nemirovsky đã viết về giai đoạn nước Pháp “mất danh dự”

 

Tên quyển truyện cho thấy tác giả khởi hứng từ Liên Khúc Pháp (French Suites) của Johann Sebastian Bach. Irène Némirovsky viết quyển sách này không nhằm ghi lại những biến cố lịch sử giai đoạn nước Pháp bị Đức chiếm đóng nhưng viết về đời sống và nhân cách dân Pháp trong thời gian đó. Đây là một quyển truyện viết dở dang vì tác giả có ý định viết năm phiên khúc cả thảy nhưng những quyển sổ bìa da viết chữ nhỏ li ti để lại chỉ gồm hai truyện vừa và những ghi chú của tác giả  về kỹ thuật viết tiểu thuyết. Trong những ghi chú này Irène Némirovsky tỏ ý ngưỡng mộ tác phẩm Chiến Tranh và Hòa Bình của Tolstoi cũng như coi các nhà văn Flaubert, Turgenev là những kiểu mẫu. Bà viết: “những sự kiện… lịch sử phải chỉ được nói đến thật sơ sài thôi, nhưng đời sống hàng ngày, đời sống tình cảm và đặc biệt tấn hài kịch do hòan cảnh đưa lại phải được mô tả thật chi tiết.” Hai tuần lễ trước khi bị bắt, bà ghi ý định viết quyển tiểu thuyết này để nói về sự giằng xé giữa định mệnh cá nhân và định mệnh tập thể nhưng không  nghiêng về phía nào. Ba ngày trước khi bị bắt, bà còn mô tả cảnh mình ngồi trong rừng suy nghĩ và viết, trong túi sách có mang theo quyển Anna Karenina, quyển nhật ký của Katherine Mansfield và một trái cam.

 

Phần đầu tác phẩm là truyện vừa “Giông Tố Tháng Sáu” mở đầu với cuộc di tản từ Paris của những gia đình và những cá nhân thuộc đủ mọi thành phần, giai cấp khác nhau. Trong tình cảnh hỗn loạn này ai cũng chỉ  cố thóat thân nên bi hài kịch thời loạn ly mới có cơ hội diễn ra: đó là tình cảnh cả người  giàu lẫn kẻ nghèo đều ăn cắp của nhau, trẻ con trở thành tinh quái ác độc, người ở vùng chưa bị chiếm đóng thừa cơ bóc lột những kẻ chạy giặc. Irène Némirovsky đưa ra những nhân vật điển hình để cho thấy thảm họa chiến tranh đã lột trần bản ngã con người như thế nào. Chẳng hạn chân dung nhà văn thiên hữu Gabriel Corte và cô tình nhân của ông ta khi không lọan lạc luôn luôn coi mình thuộc tầng lớp cao sang quí phái coi thiên hạ bằng nửa con mắt nhưng trong lọan ly lại có những hành vi rất đê tiện, thì thọt tìm đường dây ra đầu hàng hợp tác với kẻ thù.. Phu nhân giàu có Péricand cũng không hơn, tuy là tín đồ công giáo thuần thành nhưng lại muốn đầu hàng, ra hợp tá với kẻ thù. Anh chàng Langelet buôn đồ cổ tuy lọan lạc cũng vẫn coi đồ cổ quí hơn mạng người. Nhưng trong cảnh lọan ly cũng không thiếu người tốt. Chẳng hạn vợ chồng nhà Michauds tuy than thở “cái số phận không may của chúng ta phải sinh ra trong thế kỷ đầy bão tố” nhưng vẫn cố tìm đường quay trở về Paris để tìm kiếm trong tuyệt vọng  người con trai bị xung vào quân ngũ.

 

Truyện thứ nhì Dolce mô tả cuộc sống ở một làng đang bị Đức chiếm đóng. Truyện xoay quanh thái độ của dân làng đối với quân chiếm đóng: người thì tìm đường đi kháng chiến, kẻ thì ra hợp tác với kẻ thù. Những đọan rất cảm động khi tác giả mô tả mối liên hệ giữa những sĩ quan Đức và phụ nữ trong làng có chồng  chinh chiến vùng xa hoặc đang bị cầm tù. Trong phần này Irène Némirovsky lại tỏ ra có cái nhìn khá trung thực về những sĩ quan Đức: họ cũng là những con người . Chuyện ngọai tình của Lucile với Bruno von Falk, một sĩ quan Đức rất lễ độ và có học thức. Gia đình chồng thuộc lọai giầu có trong làng, chồng Lucile hiện đang là tù binh, còn mẹ chồng lại là kẻ cố nén không thốt ra sự hối hận đã không theo kẻ thù. Như vậy Lucile có thể bị coi là kẻ phản quốc không hay chỉ vì hòan cảnh lọan ly là dịp để cô thóat khỏi cuộc sống hôn nhân giả tạo. Truyện chấm dứt khi quân Đức được lệnh rời ngôi làng này để hành quân sang Nga và dân làng lại bắt đầu có một niềm hy vọng mới.

 

Nhìn chung Suite Francaise tuy không có tầm vóc của Chiến Tranh và Hòa Bình nhưng cũng  đã đưa ra một cái nhìn khác về con người trong hoàn cảnh chiến tranh, nhất là đó là những con người của dân tộc Pháp, một dân tộc rất kiêu hãnh về truyền thống tốt đẹp của mình.