Georges Poulet

 

roland barthes

 

đào trung đạo dịch

 

 

   Ở phía đối nghịch với phê bình đồng nhất hóa và chiêm ngưỡng (la critique identificatrice et contemplative), như phê bình của Du Bos, của Rivière, của Raymond, là thứ phê bình nối kết một cách ngẫu nhiên tư tưởng phản tư (la pensée réfléchissante) của nhà phê bình với tư duy (la pensée réfléchie) của tiểu thuyết gia hay của thi sĩ mà họ nghiên cứu, như vậy người ta phân biệt có một thứ phê bình khác, chẳng hạn phê bình của Maurice Blanchot, hay đôi khi như phê bình của Jean Starobinski, nhà phê bình khẳng định mình có ý thức về khoảng cách phân chia chủ thể phê bình (le sujet critiquant) với đối tượng phê bình (objet critique). Thế nhưng việc ý thức như thế chỉ khả hữu bởi vì, ở Starobinski cũng như ở Blanchot, tư tưởng phê bình, để có thể phản ánh điều này hơn, phải tự mình khác càng nhiều hơn như có thể, với đối tượng mà nó cứu xét. Khi chấp nhận, nhấn mạnh sự phân biệt không thể tránh được giữa tư tưởng và cái nó tư tưởng, thì tinh thần phê bình cũng tìm cách đạt tới một mức độ của sự sáng suốt tới độ nó chẳng bao giờ có thể nâng mình lên cao hơn nếu nó tiếp cận đối tượng của nó tới mức nhập một với đối tượng này.

   Tuy nhiên đôi khi việc ngoại giới hóa (extériorization) hành vi phê bình này được đẩy tới một điểm như thể không còn có chủ thể phản tư nữa, mà chỉ còn sự hiện hữu đối tượng được phản tư. Nhà phê bình rồi ra trở thành tấm gương vô danh ở đó đối tượng – chỉ có đối tượng – phơi lộ trong sự sắp xếp (agencement) của nó, trong sự tạo thành (composition) của nó, trong những mối tương quan của những thành phần của nó, trong trật tự ngữ học của nó. Dường như đó là quan điểm – cứ giả thiết ở đây vẫn còn có một quan điểm – quan điểm phê bình cấu trúc muốn đặt mình vào. Thay vì khẳng định như một ý thức của tác phẩm, tinh thần bằng lòng mình chỉ là kẻ kiểm chứng. Vì lý do của sự từ chối này, tất cả cuộc sống chủ quan rút lui khỏi chính tác phẩm. Đời sống chủ quan không còn là một ý/tư tưởng chỉ dành cho những đối tượng, nhưng là một toàn bộ những đối tượng đơn giản chỉ hiện hữu trong những tương quan đi lại của chúng. Nói cho gọn, dưới dạng thức này, phê bình cấm đoán mọi chức năng, ngoài một chứa năng là: việc tri giác thực tại khách quan tạo nên tác phẩm. Phê bình trở thành một bản trần thuật của một lời nói (le constat d’une parole), sự ghi lại một tập hợp những dấu chỉ.

   Đó là lý do một phê bình như vậy bao giờ cũng thấy dễ chịu khi nó xem xét môt tác phẩm trong đó phần chủ quan hầu như không có, và phần khách quan cũng gần như có thể tạo thành toàn thể cái được biểu đạt. Những tác phẩm của Robbe-Grillet là những thí dụ tốt của thứ văn chương có tính chất đối tượng một cách tự nguyện và một cách chỉ có tính chất đối tượng, một phê bình ứng dụng vào những tác phẩm này người ta có thể gọi là nhắm vào đối tượng, bởi phê bình này chỉ làm nổi bật cái Dasein/Tại hữu của đối tượng. Đối tượng tính tối đa, chủ thể tính tối thiểu, hay, để dùng cách nói của Barthes, độ không của văn tự (degré zéro de l’écriture), đó là nơi chốn thoạt như trí tuệ bên trong đó chủ thuyết cấu trúc muốn khép mình vào. Nhưng ta phải hiểu cái “độ không” này là gì? đó có phải là hành vi tinh thần dùng để thu giảm sự can dự trong việc thấu hiểu bên trong/nội tại (compréhension interne) không, sự can dự này phải chăng được trình ra dưới hình thức của một đa phức (pluralité) những chức năng ngôn ngữ tạo thành mạng lưới và tạo thành một cấu trúc? Nói chung, điều đập vào mắt trước hết trong phê bình cấu trúc, chính là ý chí không cho ý thức can dự một phần tích cực nào. Với phê bình này chẳng có gì hiện hữu ngoài thực tại ngoại giới, thuần túy lời nói: chúng ta nói rằng một diễn ngôn, và ngay cả, trong diễn ngôn này, cái hình thức nó thừa nhận, và không phải là cái bản thể ngầm, vật chất hay tih thần, cái hình thức của riêng nó. Như vậy phê bình của Barthes có một khía cạnh tiêu cực/chối từ (un côté négatif), ta cần phải khai triển. Cũng như thi ca của Mallarmé, phê bình này được định tính thật dễ dàng bởi những cái bỏ sót không nói tới hơn là những khẳng định của nó. Đôi lúc, cái xuất hiện ở đó như cái thịnh hành, chính là một sự vắng mặt, một sự không có hữu: “Trong quyển Le Voyeur/Kẻ nhìn trộm, Barthes nói, chẳng hề có một định tính lịch sử (qualification de l’histoire) nào. Cái đó hướng về độ không.” Hơi xa nhưng cũng vẫn trong cùng một bản văn, Barthes nói về trạng thái-số không (l’état-zero) của giai thoại (anecdote). Người ta có thể bội nhân các thí dụ. Barthes khen ngợi Robbe-Grillet là trên hết đã tìm cách bày tỏ một tính phủ định (négativité). “Sự chi ly của cái nhìn, ông ta nói trong lời vào sách, là hoàn toàn phủ định, nó không thiết định cái gì, hay đúng ra nó thiết định một cách chính xác cái không con người (le rien humain) của đối tượng. “Không con người, thiếu vắng của sự có mặt hiện rõ bằng sự loại bỏ mọi dấu chỉ cảm tính có thể định tính chất đối tượng, cho đối tượng ít khía cạnh chủ quan, và điều này nằm trong ý hướng bày tỏ của việc bảo toàn tính chất toàn bộ khách quan (intégrité objective). Nói vắn tắt, độ không của văn tự, chính là sự thu giảm chủ thể tính vào hư vô, và điều này nhờ một ngôn ngữ có thể cũng không có cảm xúc và tưởng tượng. Và thật là đáng lưu ý khi nhận xét rằng nỗ lực của Barthes để đưa đến cái không, đến độ không, cái phần chủ quan của sinh hoạt văn chương, đẩy ông ta đến việc thừa nhận một thái độ không khác thái độ của Gaston Bachelard, vào lúc ông này quyết định dùng phân tâm học để phân tích tư tưởng con người khoa học, vốn là kẻ muốn đập vỡ nơi ngôn ngữ tất cả mọi hình ảnh là chỗ phản bội hoạt động của chủ thể tính. Người ta đã thấy tại sao, ở Bachelard, cái ý chí tiến tới một chủ nghĩa khách quan thuần túy đã tự lột vỏ thành cái trái lại, và sự trả thù tuyệt vời của chủ thuyết duy chủ thể bị đe dọa tuyệt chủng đã thấy trong phê bình của ông. Thật ra, không có gì tích cực hơn chuyển động nhờ đó trí tưởng tượng của vật chất, nơi Bachelard, cuối cùng làm chao đảo tinh thần đi về phía sự mơ mộng và về phía tình cảm bản ngã. Ngược lại, nơi Barthes không có – ít ra cho đến hiện giờ - một chuyển động loại này. Chẳng thể nào tìm thấy trong những bản viết của ông ta chút gì dính dáng tới một hành vi của tinh thần, bằng hành vi này kẻ rời bỏ những đối tượng để tự nắm bắt trong cái vị trí trung tâm của hắn và trong sự hiển nhiên nội giới của hắn.

   Thật vậy, nơi Barthes, không có ý thức bản ngã, không có Cogito. Tinh thần chỉ có mặt trong sự vắng mặt của tinh thần. Tinh thần là cái bị bỏ quên, là cái bị phủ nhận, là cái bị qua mặt trong im lặng. Từ đó có một sự tương tự kỳ lạ giữa một số bản văn của Barthes và những bản văn của Blanchot. Ở bên này cũng như ở bên kia tinh thần chỉ thể mở ra với tinh thần một cách phủ định, dưới hình thức của một cái trống rỗng. Ở bên trong của cấu trúc hóa phổ quát của lời nói, tinh thần phơi lộ như một không-cấu trúc (non-structure), như một không-lời (non-parole). Tức là lời giết chết, cấu trúc không được tạo dựng, nơi chốn bị bỏ đi trong sự trống không ở trung tâm của một nơi chốn ở đó chủ thể tính không còn có nơi nương náu, và, đặc biệt và trên hết, chính cái tôi. Ở nơi mà mọi thứ chiếm một hình thức, cái tôi và cùng với nó, toàn thể tính của vũ trụ tinh thần của nó trượt vào cái không hình thức (l’informe). Thế nên Barthes viết: “Nhà văn lả kẻ duy nhất, theo định nghĩa, để mất chính cấu trúc của hắn và cấu trúc của thế giới trong cấu trúc của lời nói.” (L’écrivain est le seul, par définition, à perdre sa propre structure et celle du monde dans la structure de la parole.)

   Tương ứng với sự triệt bỏ chủ thể là sự thiết định đối tượng như một trung tâm độc chiếm của tính chất tích cực trong tác phẩm văn chương. Đối tượng , và cũng chính chỉ từ đối tượng mà người ta có thể xác định hữu. Đối tượng hoàn toàn được hình thành bởi ngôn ngữ, nghĩa là bởi những thành tố tạo hợp của nó và chẳng có cái gì khác hơn thế. Đó là toàn bộ những chức năng tự cấu trúc bởi chính những mối tương quan của chúng. Đó là một ý nghĩa tự phát biểu, mà chẳng hề có một chủ thể phát biểu ở nguồn gốc của sự lên tiếng này. Tất cả diễn ra như thể, để có một tác phẩm văn chương, thì phải và cần có một sự cấu trúc hóa lời nói chỉ nghĩa, mà chẳng cần thiết xét đến một cái cho nghĩa hay một cái được chỉ nghĩa. Như thế tác phẩm như treo lửng, không phải với sự hiện hữu của một tác giả, cũng chẳng phải với sự hiện hữu của những sự vật có thực, nhưng đơn giản chỉ với hành vi nhờ hành vi này ngôn ngữ trong khi lên tiếng tự nó hỗ trợ nó. Như vậy trong thuyết cấu trúc phơi bày một ý định ngang ngửa với ý định của Mallarmé, ý định thay thế hữu thực sự của những đối tượng và của cái tôi bằng một hữu lời nói (être verbal), thực tại bởi một lời nói.

   Thế nhưng nếu văn chương là như vậy đối với thuyết cấu trúc, thì quan niệm phê bình văn chương với thuyết này là như thế nào? Đó có phải sẽ là lời nói trên một lời nói, một cấu trúc của cấu trúc. Trong diễn ngôn phê bình của Roland Barthes luôn được coi như ý hướng thiết lập. bên ngoài ngôn ngữ-đối tượng, một ngôn ngữ khác, một môi trường ngữ học ở đó mọi chỉ định cụ thể sẽ bị hủy, ở đó mọi chỉ nghĩa có quan hệ với ngoại giới sẽ biến mất, và ở đó khách quan tính của lời nói, bị lột bỏ mọi chỉ nghĩa ngoại tại và phụ tùy, thỏa mãn với việc tự chỉ nghĩa, và điều này chỉ bẳng sự tác hoạt của nó. Hoạt động văn chương sẽ trở thành một tổ hợp những chuyển động lời nói. Ở mức độ này, là cực đối nghịch với cực độ không của văn tự [écriture, hành vi viết], tác phẩm mở ra với nhà phê bình trong một sự vắng mặt cá nhân tính hoàn toàn, vắng mặt chủ thể tính, và ngay cả vắng mặt sự chỉ nghĩa. Hành vi phê bình sẽ chẳng có lý do hiện hữu nào khác ngoài việc làm hiện ra ở mức độ của sự hiếm hoi và của sự trừu tượng hóa cao nhất của tính chất không-chủ thể tính của tác phẩm và sự vắng mặt lạ lùng những qui chiếu về ngoại giới hay về con người, nó tự làm nó thành một bộ xương của những ý nghĩa khác nhau nhưng tất cả nối kết cái này với cái kia và được hướng tới một tính chất trung tâm lời nói nội giới, giống như những san hô đối diện một vách ngăn liên tục với sự lay động không được định rõ của mặt nước và mặt khác lại bơi lội trong những tế bào của hồ nước. Phê bình là sự tựu thành của đối tượng tính của ngôn ngữ. Nó tiêu thụ sự hư vô hóa chủ thể tính. Nó là sự kết tinh chung cuộc của tất cả cái gì có thể được nói. Vì thế chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thấy phê bình của Barthes gò mình thường trực trừu tượng hóa lớn nhất đáng lưu ý: không, chắc chắn vậy, sự trừu tượng hóa thỏa thuận thay thế cho những sự vật bằng những ý tưởng tương ứng này (Barthes không phải là đệ tử của Platon), nhưng sự trừu tượng hóa khác này, nó cướp mất những thực tại của những từ nó chỉ định, chỉ tìm cách nhìn thấy trong những từ này một trò chơi ngữ học. Khoa học thuần túy của một lời nói tự nói, và nó, trong khi tự nói, tạo nên và kết thúc bằng cách đạt tới một thứ liền lạc có tính hình thức, bên ngoài sự liền lạc này chẳng cái gì có thể tư tưởng hay phát biểu có hệ thống.

   Đó là phê bình của Barthes, vốn dĩ là thứ phê bình ít tính chất chủ thể, thứ phê bình muốn tạo lập như một khoa học phổ quát của lời nói trong sự hủy bỏ chủ thể.

   Nếu ý định này là chính đáng, có phải nói rằng nó không mấy cách xa tất cả cái gì được coi là phê bình có ngay trước đó không. Thứ phê bình, dù có là duy trí với Rivière hay Du Bos, thứ phê bình của sự đồng nhất và của sự hiện diện với Raymond hay Béguin, phê bình hiện tượng luận hay ý hướng tính (intentionaliste) với Bachelard, Sartre, Blin hay Blanchot, đã chứng tỏ và vẫn còn chứng tỏ, một cách thiết yếu, như một nắm bắt hoạt động có ý thức gắn liền với tác phẩm. Phê bình có tính chất chủ thể, phê bình hoàn toàn chứa đựng trong một hành vi liên chủ thể tính. Mặt khác trong phê bình cấu trúc hay phê bình của Barthes không có chỗ cho một hành vi của ý thức, hay, ít ra, hành vi của ý thức này chẳng bao giờ thú nhận cũng chẳng lộ mặt. Chính trong sự lặng thinh (mutisme) của tinh thần lời nói xuôi chảy. Vậy liệu chúng ta có phải thôi không tin tưởng rằng trong một thứ phê bình như thế, là thứ phê bình hôm nay và có thể là thứ phê bình ngày mai, sự im lặng của ý thức và sự vắng mặt của chủ thể sẽ kéo dài bất tận? Tôi không tin vậy. Một kinh nghiệm bất biến chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng về lịch sử văn chương cũng như trong mọi lịch sử khác, chẳng có phương cách nào để hoàn toàn lấy đi từ lời nói cái phần có tính cách chủ thể của hữu, và rằng, bị xua đuổi hay bị cưỡng bách câm miệng, nó lại tái hiện và khẳng định bằng một cách khác. Tất cả những dự tính của đối tượng hóa văn chương chung cuộc dẫn tới một sự tái thiết chủ thể trong văn chương. Bạn có muốn làm cho văn chương hoàn toàn có tính chất đối tượng không? kết cục bạn không thể tránh khỏi nhìn thấy ở trung tâm của những đối tượng tính thắng thế lại nổi lên một chủ thể tính bị phủ nhận hay bị loại bỏ một cách vô ích. Đó là trường hợp trong thuyết chủ đối tượng của Goethe, trong chủ thuyết hiện thực của Flaubert, trong nhóm Thi Đàn và nơi những nhà thực chứng. Xua đuổi chủ thể tính, nó tung vó phóng trở lại. Dĩ nhiên khi nó trở lại, dường như nó khác chính nó. Lưu đầy và khước từ có một giá trị của sự hồi hộp phấn chấn (catharsis). Sau sự vắng mặt của nó chủ thể tính tái hiện bị lột bỏ những thuộc tính dễ dãi, tính chất cảm tính của nó, sự quá độ nhân cách của nó, những mối liện hệ thường là ảo ảnh dường như dính lấy nó, ở bên ngoài tác phẩm, với sự hiện hữu của con người như thế, với chân lý tiểu sử như thế. Nó tái xuất hiện, được làm tho thuần khiết và được kết hợp, một mặt, một cách chính xác hơn, với cấu trúc của một diễn ngôn. Nó là một tư tưởng cất tiếng, một ý thức tự chỉ nghĩa trong những đối tượng lời nói. Nhưng cho đến nay sự tái hiện này mới chỉ diễn ra một cách gần như nhìn thấy được, đôi khi nó cũng chỉ có nơi cư ngụ dưới hình thức của một vật rỗng lòng. Luôn luôn, trong những nghiên cứu đáng khâm phục của Barthes và của đệ tử tinh tế nhất trong các đệ tử, Gérard Genette, người ta cảm thấy sự hiện diện tiêu cực nhưng linh hoạt của một chủ thể tính không được nhận ra. Trong tính chất tự nguyện khô khan của văn tự, nó có đó, nhưng vô danh, nó ghi dấu vết bên lề và nơi để trắng.

 

 (La Conscience critique, Phần I, chương XVI, trang 267-272)

 

   Đào Trung Đạo dịch