ĐÀO TRUNG ĐẠO

Michel Foucault

(1926-1984)

parrêsia = dũng cảm chân thành nói lên sự thật

kỳ 2 (tiếp theo)

kỳ 1

Dân Việt (miền Bắc từ 1955, miền nam từ 1975) bị tước đoạt quyền nói lên Sự Thật. Tâm đắc với bài thuyết/giáo trình của Michel Foucault vào cuối đời tôi thấy nên tóm lược tư tưởng của Foucault về vấn đề này nhằm đặt cơ sở cho những vận động trí thức trong tương lai. Mong lắm thay!

   Bản văn thứ tư Foucault nhắc tới là quyển Les Bacchantes/Những nữ đệ tử của thần lưu linh được Euripide viết khoảng năm 668 kể chuyện một sứ giả đem tới cho Hoàng tử Penthée tin tức về những sự quá độ của những nữ đệ tử của thần lưu linh này nhưng lại e rằng đưa tin tức như thế ra sẽ có thể bị trừng phạt nên anh ta nói với Hoàng tử Penthée: “Tôi muốn biết nếu tôi có phải, không quanh co, trình với ngài điều này hay phải giữ mồm giữ miệng? Tôi e ngại sự dễ nổi giận của ngài, hỡi Hoàng tử, sự nổi giận tức khắc của ngài.” Và Penthée trả lời: “Ngươi có thể nói: ngươi chẳng có gì phải sợ ta. Người ta không phải tức giận kẻ làm nhiệm vụ của hắn.” Foucault chỉ ra sự khác biệt ở đây: không phải là một công dân xác quyết quyền phát biểu mà là một người đưa tin, nghĩa là một kẻ hầu mang một tin xấu đến trình cho thượng cấp. Hắn sợ trình báo tin xấu này nên xin được hưởng quyền parrêsia. Tin xấu kẻ hầu trình báo có thể làm phật lòng thượng cấp nhưng Penthée là người thận trọng, biết rõ lợi ích và trách nhiệm của mình nên trả lời người đưa tin: ngươi có quyền nói, ta sẽ không trừng phạt vì tin xấu ngươi cho ta biết và hứa sẽ trừng phạt những nữ đệ tử của thần lưu linh. Bản văn này có lợi ích kép: vấn đề ta thường thấy trong bi kịch là sứ giả mang tin xấu phải làm gì, có bị trừng phạt hay không, hắn có parrêsia hay không; nhưng điều quan trọng hơn ở đây là chủ đề về thỏa hiệp có tính chất parrêsia (pacte parrèsiatique): thượng cấp mở ra một không gian của tự do, không gian của quyền nói cho kẻ không có quyền lực, ra lệnh cho kẻ này nói sự thật, một sự thật có thể làm ông ta tổn thương, và hứa sẽ không trừng phạt kẻ nói sự thật. Điểm quan trọng ở đây là sự tách rời giữa điều được nói ra với kẻ nói ra điều này. Nơi Euripide rõ ràng một số chủ đề về parrêsia là việc thực thi quyền chính trị.

   Foucault chọn bốn tác phẩm của Platon để tìm hiểu về parrêsia: La République, Les Lois, À Nicocles, và Gorgias.  Trong La République/Nước Cộng Hòa (quyển VIII, 557b) Platon mô tả đô thị dân chủ có nhiều sắc thái và khác biệt trong đó mỗi người có thể chọn lựa hình thức đời sống mình muốn, tạo lập kiểu sống riêng. Chính điều này đưa đến tự do, người dân có thể làm và nói ra điều mình muốn: Parrêsia là một trong những nét của đô thị dân chủ. Nhưng Foucault lại thấy phần III của quyển Les Lois của Platon thú vị hơn. Đây là bản văn về chế độ quân chủ Cyrus mà Platon ca ngợi có hai điểm đáng chú ý: binh sĩ hoàng gia có phần trong việc chỉ huy, thảo luận với cấp trên và chính nhà vua cho phép cận thần có khả năng được thành thực nói ra sự thật, nghĩa là có parrêsia để vương quốc có sự thành công, phồn thịnh  thực sự, vương quốc có tự do, tình bạn (philia) và cộng đồng (koinônia). Nhân tiện Foucault cũng nhắc tới nhà hùng biện Isocrate trong quyển Discours. Isocrate nói: “Hãy coi những kẻ là trung thành, không phải là những thân hữu khen ngợi mọi thứ ngươi muốn hay làm, mà là những người lên án những lỗi lầm của ngươi. Hãy cho nhưng kẻ khôn ngoan (toi euphronousin)  parrêsia để có được những cố vấn cho những công việc khó quyết định. Hãy phân biệt những kẻ su nịnh khéo léo với những người phục vụ hết lòng để không cho những kẻ gian xảo lấn lướt người lương thiện. Hãy nghe những lời nhận xét của người này về người khác; hãy đồng thời cố nhận rõ tính chất của những kẻ nói với những vấn đề họ nói.” Như vậy điều này bảo đảm cho một chính quyền quân chủ là quân vương mở ra quanh mình một không gian tự do để người khác có thể nói và cho mình những lời khuyên thận trọng khôn ngoan.

   Foucault quay trở lại Les Lois vì trong quyển này Platon có nói đến việc điều phối việc ca hát, âm nhạc, thể dục trong đô thị cũng như làm chủ, loại trừ những đam mê do việc cần thiết có “một bậc thầy đạo đức” (maître de morale) là kẻ coi trọng parrêsia trên hết, xếp đặt vị trí mỗi người đúng theo hiến pháp của đô thị. Để làm việc này ông ta chỉ cần nghe theo lý trí, và một như vậy có nghĩa ông ta lả người duy nhất trong đô thị lắng nghe lý trí. “Là người duy nhất chỉ nghe theo lý trí, chính cái đó sẽ định tính cái người ta có thể gọi là đạo đức của parrèsiaste của đô thị.”[6]

   Quay trở lại với Platon ở đoạn văn trong quyển Gorgias (đoạn 486d) Foucault nói đến chuyện Calliclès sau khi nhận ra những khuyết điểm trong những diễn từ của Georgia và Polos liền nói: “Được rồi, chính ta, ta sẽ nói, ta sẽ nói tới cùng tận, ta sẽ không chấp nhất những sự dụt dè của những kẻ nói trước ta.” Và Calliclès giải thích tại sao và như thế nào người ta lại có thể một cách hữu lý có một hành động bất công. Socrate xuất hiện xen vào câu chuyện bằng cách nói về parrêsia thật thú vị: Nếu như tâm hồn ta là vàng ròng, hỡi Calliclès, ngươi có thể nghi ngờ rằng ta lại hạnh phúc khi tìm được những cục đá dùng để chứng tỏ là vàng? Một cục đá càng hoàn hảo càng tốt, ta sẽ đụng tâm hồn ta vào nó, sao cho nếu như nó đồng ý với ta để chứng nhận rằng tâm hồn ta được chăm sóc kỹ lưỡng, ta sẽ chắc chắn về tình trạng tốt của cục đá này mà chẳng cần sự chứng nhận. Calliclès cho rằng để kiểm nghiệm đúng một tâm hồn là thiện hay ác thì cần có ba phẩm tính – và Socrate có cả ba – là epistêmê (hiểu biết), eunoia (nhân đức), và parrêsia. Chúng ta thấy ở đây parrêsia có nghĩa khác hẳn những trường hợp đã nói: parrêsia dùng để chứng thực và là tiêu chuẩn của tâm hồn. Tiêu chuẩn này để biết tâm hồn có lành mạnh không thì cần có một tâm hồn của người khác có sự hiểu biết, nhân đức và parrêsia chứng thực. Foucault tóm lược: “Ở đây ta có, dường như vậy đối với tôi, công thức đầu tiên trong tư tưởng hy lạp về parrêsia như yếu tố tạo thành và thiết yếu của tương quan tâm hồn. Khi một tâm hồn muốn chăm lo chính nó, khi nó muốn chắc chắn về sự âu,chăm/ lo bản thân vốn là căn bản, khi nó muốn chăm sóc chính nó, thì nó cần một tâm hồn khác, và tâm hồn khác này phải có parrêsia.”[7]

   Theo Foucault nếu muốn diễn giải parrêsia chắc chắn không phải là ôm lấy toàn thể toàn bộ khái niệm này trong những ý nghĩa tổng quát của nó. Khái niệm này từ căn để luôn luôn nối kết với sụ thực hành tùy trường hợp, văn cảnh khác nhau: thứ nhất, trong văn cảnh hùng biện như Quintillien trong quyển Institution oratoire (tập IX, chương 2) khi nói đến những dạng thức tư tưởng dành riêng một vị trí cho một thứ tư tưởng không-dạng thức hay dạng thức số không (figure zéro) là tư tưởng làm tăng cảm xúc của người nghe đó là oratio libera, nghĩa là biểu lộ trực tiếp của tư tưởng mà không có một dạng thức riêng nào mà Quitillien cho rằng người Hy Lạp gọi là parrêsia và Cornificius gọi là licentia; thứ nhì, việc sử dụng rất rộng rãi khái niệm parrêsia trong tư tưởng và cấu trúc chính trị (Platon). Trong những bản văn của Platon như đã duyệt qua parrêsia gắn liền với sự thao dượt của một quyền lực cá nhân và một cấu trúc bất bình đẳng. Hiểu parrêsia như thế parrêsia hoàn toàn không có tư cách một quyền có từ khi sinh ra đời mà nó là một sự thỏa thuận bởi kẻ có quyền hành, giàu có, và họ phải thỏa thuận như vậy để lả kẻ quyền hành tốt, giàu có và quyền hành thì như phải vậy. Như thế parrêsia là tiêu chí của quyền tối thượng tốt, của việc cai trị.Thế nhưng không thể coi parrêsia như một sự ủy quyền, cũng không phải là sự tham gia vào quyền lực. Hơn nữa parrêsia chính trị được áp dụng không phải ở phạm vi hoạt động chính trị, nhưng được áp dụng cho tâm hồn của kẻ có quyền lực liên hệ với một loại cơ cấu chính trị nào đó cũng như với hình thức triều đình. Thứ parrêsia này rất gần với parrêsia trong chiều hướng của ý thức (direction de la conscience.)

   Foucault chỉ ra hai hay ba vấn đề phương pháp nghiên cứu chiều hướng ý thức. Thứ nhất, là tìm hiểu parrêsia phải được coi như một đức hạnh (vertu) hay như một kỹ thuật (technique), hay không coi nó như một cách sống (mode de vie) chẳng hạn như cách sống triết lý. Dù rằng “Chẳng có triết gia nào không là parrèsiaste; nhưng sự kiện là parrèsiaste không hoàn toàn đồng nhất với một cách sống triết lý.”[8] Trong mọi trường hợp Foucault cho rằng phải xét  parrêsia dưới góc độ một thực hành diễn ngôn (pragmatique du discours), nghĩa là phải xét parrêsia như toàn bộ những tính chất làm cơ sở về mặt quyền hạn bảo đảm cho sự hữu hiệu của diễn ngôn của người khác trong việc thực hành của chăm lo/âu lo về chính mình như một thực hành triết học. “Parrêsia xác định tính chất diễn ngôn của người khác trong sự chăm lo/âu lo về chính mình.” (La parrêsia caractérise le discours de l’autre dans le souci de soi.)

   Bản văn thứ hai Foucault sử dụng là quyển Traité sur la guérisson des passions của Galien: Tuy trong bản văn này không có từ parrêsia nhưng Galien đã đặt ra vấn đề về parrêsia. Galien viết: Épictète đã nói và chỉ có lời của ông ta là có tác động trên tâm hồn người khác, vậy làm sao di chuyển tác động này và đâu là cái xe vận chuyển của cái parrêsia này? Theo Foucault câu hỏi này có nghĩa: làm sao người ta có thể tìm thấy và chắc chắn người ta đã thực sự khám phá ra parrèsiaste mà người ta cần tới khi người ta muốn chăm lo bản thân. Theo Galien, người ta phải tôi luyện canh chừng bản thân cả đời. Nhưng người ta vẫn cần một người khác để kiểm soát việc tôi luyện, để tránh lầm lẫn. Tìm đâu ra người khác này? Galien không nói rõ người này phải có những phẩm tính gì mà chỉ nói: cách nào đó phải mở rộng tai nghe ngóng và để ý xem người đời có nói về một người nào đó nổi tiếng không phải vì là một kẻ nịnh hót. Và nếu người ta đã nghe nói về một người nào đó như thế thì người ta có được một số kiểm chứng để chắc chắn người này có thể nói ra sự thật rồi ta đi tìm người đó và hỏi ông ta có ý kiến ra sao về chính chúng ta, bảo ông là chúng ta tin mình có những lỗi lầm nào đó để xem ông ấy phản ứng ra sao. Nếu chúng ta thực sự chắc chắn ông ta có sự nghiêm chỉnh cần thiết lúc đó ta có thể nói với ông ta cần sự giúp đỡ như thế. Galien cũng cho biết chính mình đã đóng vai trò giúp đỡ và hướng dẫn cho một người bạn của ông nguôi cơn giận dữ đang khi muốn tuốt kiếm chặt đầu hai tên nô lệ vì đánh mất hành lý của anh ta khi du hành.

_____________________________

[6] Sđd trang 31: Être seul à écouter la seule raison, c’est cela qui caractériserait ce qu’on pourrait appeler le parrèsiaste moral de la cité.

[7] Sđd trang 32: On a là, me semble-t-il, la première formulation dans la pensée grecque de la parrêsia comme élément constitutif et indispensable du rapport d’âme. Quand une âme veut prendre soin d’elle-même, quand elle veut assurer cette epimeleia heautou qui est fondamental, lorsqu’elle veut se therapeuesthai, se soigner elle-même, elle a besoin d’une autre âme, cette autre âme doit avoir la perrêsia.

[8] Sđd trang 36: Il ne peut pas y avoir de philosophe qui ne soit parrèsiaste; mais le fait d’être parrèsiaste ne coïncide pas exactement avec le mode de vie philosophique.

(còn tiếp)

đào trung đạo

2021