đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

Jeffrey Eugenides
và tiểu thuyết
"Trung Giới" MIDDLESEX

Chỉ với hai tác phẩm, cuốn tiểu thuyết đầu tay The Virgin Suicides (Năm Thiếu Nữ Tự Tử)  249 trang xuất bản năm 1993 và cuốn thứ nhì  ra mắt gần mười năm sau đó Middlesex (Trung Giới)  dày 529 trang Jeffrey Eugenides đã xác định được chỗ đứng của mình trong số những nhà văn có chỗ đứng riêng biệt trong văn học Mỹ đương đại. Middlesex được trao giải thưởng  Pulitzer và đứng trong danh sách Best Sellers của New York Times Book Review trong nhiều tháng liên tiếp.

Jeffrey Eugenides gốc Hy Lạp, ông nội di dân sang Mỹ từ 1920, sinh năm 1960 ở Detroit thuộc bang Michigan. Tốt nghiệp Cử nhân Anh văn ở Brown University năm 1983, Cao học Văn Chương ở Stanford 1986, hiện sinh sống tại Berlin, Đức và là giáo-sư thỉnh giảng của Đại Học Princeton ở Mỹ. Năm 1993 ông được trao giải Whiting Writer’s Award, 1993 được trao Guggenheim Fellowship, và 2003 là giải Pulitzer cho quyển Middlesex. Tên tuổi Jeffrey Eugenides được chú ý nhiều hơn từ khi Sofia Coppola phóng tác quyển The Virgin Suicides và đưa lên màn bạc năm 1999.

Trước hết phải nói Middlesex là một tiểu thuyết hấp dẫn người đọc, khi đã bắt đầu chương thứ nhất là không thể không đọc tiếp. Sự hấp dẫn này chúng ta cũng tìm thấy khi đọc  Lolita của Vladimir Nabokov, One Hondred Year of Solitude (Trăm Năm Hiu Quạnh) của Gabiel Garcia Marquez hoặc Midnight’s Children (Những Đứa Trẻ Sinh Vào Nửa Đêm) của Salman Rushdie. Nhưng Middlesex rõ ràng là một tiểu thuyết  Mỹ với chủ đề sự hình thành bản ngã và giới tính,  kinh nghiệm khủng hoảng và tình cảm bức xúc của một trẻ vị thành niên bước vào giai đoạn trưởng thành sống trong nền văn hóa có những biến động không ngừng. Tuy nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là Calliope Helen Stephanides từ khi sinh ra cho đến năm 14 tuổi được coi là một đứa con gái, nhưng khi sắp được 15 tuổi thì lại biến đổi thành con trai với cái tên ngắn gọn là Cal, nhưng cái kinh nghiệm hình thành bản ngã được Jeffrey Eugenides mô tả có thể nói là một kinh nghiệm chung của tất cả chúng ta.

Nhân vật tự sự ngôi thứ nhất của Midedlesex chính là Cal.  Khi Cal bắt đầu kể chuyện là lúc “anh chàng” đã 41 tuổi và hiện đang làm việc cho Tòa Đại-sứ Mỹ ỏ Berlin vào những năm đầu của thế kỷ 21. Tên sách Middlesex có hai nghĩa: Middlesex  là tên căn nhà của gia đình Calliope ở Grove Pointe, Detroit. Nhưng chữ này cũng có nghĩa là “Trung Giới”, giới tính giữa Nam và Nữ.

Trong chừng 250 trang đầu, Cal xen kẽ kể về cuộc đời ông bà nội: Hai chị em Desdemona và Lefty gốc là cư dân nghèo vùng Smyrne thuộc Hy Lạp, chị chuyên nghề nuôi tằm dệt lụa cho em trai đem ra phố thị trong vùng bán. Desdemona là một thiếu nữ có sắc đẹp va ø Lefty là một chàng trai trẻ rất phóng túng về mặt tình yêu trai gái. Tuy Desdemona đã hết lòng giúp Lefty có một người vợ nhưng mọi sắp đặt đều bất thành. Vì hoàn cảnh nghèo khổ, hai chị em sống trong một căn nhà nhỏ bé chỉ có một phòngnên phải ngủ chung giường nên Lefty luôn mơ tưởng và yêu Desdemona say đắm. Thảm họa xảy ra vào năm 1922 khi Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm lăng đốt phá giết hại dân cư gốc Hy Lạp ở Smyrne. Nhờ tài linh hoạt  xảo trá của  Lefty nên hai người thoát lên được một con tầu di tản của Pháp. Lefty thay tên đổi họ, làm đám cưới với Desdemona ngay trên tầu do sự đồng tình của tay thuyền trưởng hào hoa . Rồi hai người được Mỹ nhận cho định cư vì có một người chị họ đang sống ở Detroit. Lefty học tiếng Mỹ, đi làm ở hãng sản xuất xe hơi Ford còn Desdemona lo việc nội trợ. Như chúng ta biết, Detroit la thành phố sản xuất xe hơi sớm nhất và nổi tiếng của Mỹ. Desdemona và Lefty sinh được hai người con, trai tên là Milton và gái tên Zoe. Trong trên hai trăm trang phần đầu Middlesex có tính chất của một “family saga”, truyện dân gian, truyền kỳ, là tiểu thuyết sử thi. Nhưng trong phần này Jeffrey Eugenides viết rất sống động về nhiều sự kiện lịch sử của Detroit: sự phát triển và suy tàn của kỹ nghệ xe hơi kéo theo đời sống, văn hóa, và đạo đức của người dân nhất là dân da đen và di dân, cuộc nổi loạn của người da đen vào năm 1960, bí mật về sự thành lập tổ chức Nation of Islam, sự kỳ thị chủng tộc rõ rệt nhất  trong việc mua bán nhà cửa, sinh hoạt tôn giáo xuống cấp v.v…

Milton lớn lên được nhận vào Hải Quân, lấy vợ tên Tessie và sinh được một trai tên “Khánh Tận” “Chapter Eleven” (đây là cách đặt tên  nhân vật tiểu thuyết rất độc đáo của Eugenides ) một gái tên Calliope. Khi Tessie có thai Bà nội Desdemona vốn có tài đoán trước việc sinh trai hay gái nhưng lần này quẻ của bà không linh, bà nhất quyết Tessie sẽ sinh con trai. Nhưng Tessie đã sinh ra một đứa con gái. Giải ngũ, Milton từ làm chủ một tiệm ăn chuyển sang mởï hàng lọat tiệm hot dog, trở nên giầu có, dời gia đình từ khu nghèo sang Grove Pointe của giới da trắng khá giả. Milton phải mua căn nhà Middlesex bằng tiền mặt  vì bà nhân viên địa ốc da trắng khi biết Milton gốc Hy Lạp không chịu bán căn nhà. Đó là vào khoảng những năm 70, nước Mỹ đang ngập lụn trong suy thoái kinh tế và cuộc chiến ở Vietä Nam.
 
 Chapter Eleven trước áp lực bị gọi đi lính, học hành dang dở, nghiện ma túy, có tư tưởng chống chiến tranh, bỏ nhà đi sống với một người bạn gái có tư tưởng Mao ít. Calliope vào học trường tư, càng lớn càng có nhiều đặc tính nam hơn là nữ. Calliope trải qua những kinh nghiệm, những tình cảm vừa xấu hổ vừa e thẹn khổ sở đối với các bạn cùng trường. Mười ba tuổi Calliope yêu say đắm một cô bạn học tên “Dark Object” (Đối tượng Đen) nhưng Dark Object lại để cho anh trai mình là Tommy ngủ với Calliope. Khi gần 15 tuổi, cha mẹ Calliope quyết định đưa cô lên New York cho vị Bác-sĩ nổi tiếng về giới tính tên Luce chữa trị. Ngày cuối cùng trước khi bắt đầu cuộc trị liệu Calliope bỏ trốn, hóa trang thành con trai đi về Miền Tây, đến San Francisco sống với lũ trẻ bụi đời một thời gian ngắn, sau đó vào làm cho một chương trình giải trí trình diễn bơi lội với nhân viên toàn là những thanh niên lai phái tính. Làm được mấy tháng, hộp đêm Sixty-Niners này bị cảnh sát bố ráp, toàn thể nhân viên và chủ nhân bị đưa về trạm cảnh sát. Lần đầu tiên từ khi bỏ nhà ra đi, Cal đành phải gọi điện thoại về nhà, nhưng khi nói chuyện với anh trai mới hay Milton đã tử nạn xe hơi mấy hôm trước đó.

Được Chapter Eleven bảo lãnh đem về tới nhà chỉ hơn một giờ trước khi tang lễ của Milton bắt đầu, Cal quyết định không đi dự đám tang bố, ở  nhà trông bà nội nay đã quá già yếu lẫn cẫn. Desdemona tiết lộ cho Cal biết chồng mình tức ông nội của Cal là em trai bà và Cal hứa nội sẽ giữ bí mật này cho đến khi bà khuất núi. Người đọc Middlesex nếu đã đọc Trăm Năm Hiu Quạnh không khỏi liên tưởng so sánh Desdemona với Ursula. Cả hai cùng là cái xương sống của những nhân vật khác trong truyện.

Nabokov cho rằng mọi tiểu thuyết đều là truyện thần thoại.  Eugenides đã theo đúng lời chỉ bảo đó khi viết Middlesex, nhưng đã khéo léo pha trôn thần thoại Hy Lạp với văn hóa và cuộc sống hiện đại ở Mỹ. Cũng có thể coi Jeffrey Eugenides là một nhà văn di dân vì Middlesex là câu chuyện về người di dân. Nhưng cái độc đáo của Eugenides là đã dùng những vòng quay tự sự rất hậu hiện đại khi dùng nhân vật tự sự ở ngôi thứ nhất để kể về một quá khứ khi đó nhân vật này chưa ra đời. Trong một bài phỏng vấn Eugenides có tiết lộ là đã viết phần đầu cuốn truyện ba lần. Và chủ đề cuốn tiểu thuyết không giới hạn trong những biến đổi bản ngã của một người đổi giới tính trong đó yếu tố gia đình, văn hóa xã hội có tính quyết định hơn yếu tố sinh lý, một quan điểm không những ngược với quan điểm cổ truyền mà còn hòa giải được sự phân biệt áp chế nam/nữ. Kinh nghiệm của Cal là một kinh nghiệm không phải riêng tư mà là phổ quát của tất cả chúng ta. 

Đó có lẽ cũng là lý do quyển tiểu thuyết này được độc giả ưa thích vì nó gần gũi thân thiết với mọi người.

Đào Trung Đạo

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo